-Thái An, mày làm gì mà ở trong phòng hoài không lo dọn dẹp nhà cửa vậy hả? Giọng mẹ An oang oang ngoài cửa phòng làm cô muốn học bài cũng không thể học được. Cô nhẹ nhàng bước ra vườn quét dọn, những tia nắng ấm áp xuyên qua kẽ lá khẽ đung đưa theo từng cơn gió nhẹ nhàng như đang nhảy múa. Những chậu cúc dại mình tự tay chăm sóc đã nở hoa trắng xóa cả một góc vườn làm tâm hồn An cảm thấy dễ chịu. An là một cô bé hiền lành trong mắt gia đình, ngoan ngoãn trong mắt hàng xóm và tinh nghịch trong mắt bạn bè. Nhà An vốn khá giả, mẹ là một bác sĩ giỏi nhất nhì thành phố, lại chỉ có hai đứa con gái nên rất cưng chiều. Cô có một người chị gái song sinh, hai chị em giống nhau như hai giọt nước. Từ nhỏ hai người đã bộc lộ hai cá tính trái ngược nhau, chị Thùy An dịu dàng bao nhiêu thì cô lại nghịch ngợm bấy nhiêu nên thường xuyên bị mẹ đánh đòn. Những lúc như thế chị đều đứng ra bảo vệ cô, thay cô nhận lỗi nhưng hai đứa trẻ làm sao có thể che giấu được sự thật nên càng làm mẹ tức giận hơn. Tuy vậy mẹ vẫn rất thương hai cô con gái sinh đôi xinh đẹp của mình. Cho đến một ngày kia, cô đã gây ra tội lỗi làm đảo lộn hoàn toàn cuộc sống êm đềm của mình. Năm cô 8 tuổi, hai chị em đang đốt nến chơi trung thu đằng sau vườn, khi đã chắc chắn ba mẹ đã về phòng cô chạy lấy một cây đuốc đã được cất giấu cẩn thận ra. -Thái An, em cất cái này đi, ba mẹ mà thấy thế nào cũng cho một trận cho xem. Thùy An hốt hoảng khi thấy em mình chơi mấy trò nguy hiểm này, nhưng mà cô đâu có sợ, khó khăn lắm mới xin xỏ được dễ gì bỏ đi chứ. -Có gì đâu mà sợ, trung thu mà không có cái này làm gì còn không khí nữa. Cô trấn an chị rồi lấy túi dầu hỏa ra đổ vào đuốc. Lúc ấy cô chỉ là một đứa con nít, hành động theo điều mình thích mà chưa từng nghĩ tới những rủi ro có thể xảy ra, đám bạn học vẫn chơi đầy đó thôi, có gì đâu mà sợ. -Thôi, cất đi đừng có chơi cái này nguy hiểm lắm. Chị cô cản không cho chơi, cô cũng không chịu thua, hai người giành qua giành lại một hồi cái túi bị bể ra và bắn dầu lên áo chị. Nhưng chưa kịp định thần lại thì lửa đã bén được áo Thùy An và bắt đầu cháy. Hai chị em hoảng quá không biết làm gì để dập tắt lửa, cũng may mẹ là bác sĩ và cũng có tiền nên không để lại di chứng gì, chỉ còn vài vết sẹo trên người. Cũng từ đó, chị cô bắt đầu xa lánh cô, hai chị em không còn chơi chung, không còn đi học chung, cũng không còn làm bất cứ việc gì chung nữa. Chị ghét cô vì đã gây ra những vết sẹo trên cơ thể mình bởi chị là người rất chú trọng vẻ bề ngoài, vả lại chị sợ khi đến gần cô sẽ tiếp tục gây họa nữa. Mẹ cô cũng thế, từ ngày đó mẹ cấm cô không được lại gần chị, nhìn những vết thương trên người đứa con gái xinh đẹp làm mẹ càng giận cô hơn. Thầy bói nói mạng hai chị em không hợp nhau nên phái tách nhau ra nếu không có một ngày nào đó chị sẽ bị cô hại chết. Dần dần khoảng cách của cô và chị ngày càng xa, mẹ cưng chiều chị bao nhiêu thì lại xa cách cô bấy nhiêu. Cô thèm cảm giác được chơi đùa cùng chị như những ngày trước, thèm được mẹ hôn lên trán trước khi đi ngủ, thèm được mẹ dỗ dành sau những lúc đánh đòn vì tội nghịch ngợm. Cô tự trách bản thân mình vì đã gây ra nỗi đau thể xác cho chị nên bất cứ điều gì chị cần cô đều đáp ứng để có thể bù đắp phần nào lỗi lầm mình gây ra. Ba thương cô lắm, bởi ba hiểu lúc đó cô chỉ là một đứa trẻ con thì làm gì suy nghĩ nhiều như vậy, nhưng trong gia đình mẹ là người có uy quyền nhất. Ba chỉ là một nhạc sĩ nghèo, chẳng có mấy người muốn mua những sáng tác của ba nên toàn bộ tài chính trong nhà đều do mẹ quyết định. Những lúc buồn, cô chạy vào phòng ôm ba khóc, dường như những sáng tác của ba đều dành cho đứa con gái nhỏ không may mắn này. Trong những bản nhạc đó, cô tìm được nguồn an ủi, tìm thấy được hi vọng trong cuộc sống. Rồi cô cũng quen với thái độ lạnh nhạt của mẹ, sự xa lánh của chị gái để tiếp tục sống. Tuy mẹ vẫn mang đến cho cô một cuộc sống dư giả nhưng cô không còn cảm nhận được tình thương của mẹ dành cho mình như những ngày thơ bé. Suốt bao nhiêu năm, mọi việc trong nhà đều do cô làm nhưng cũng chẳng sao, chỉ cần đừng đến gần chị Thùy An thì mọi chuyện sẽ ổn. Mỗi khi trong trường có tổ chức lao động tập thể thì y như rằng chị cô sẽ được ở nhà mặc đồ đẹp đi chơi với mẹ, còn cô sẽ là người thay thế chị đi làm. Rồi ngày nào thi môn Lý, là môn chị học dở nhất, cô cũng là người đi thi giùm, còn mẹ sẽ chuẩn bị cho cô một tờ giấy chứng nhận bị bệnh để cô được đi thi lại. Cứ thế, chị Thùy An càng ngày càng kênh kiệu, không cần học cũng có thể lên lớp được bởi có đứa em sẵn sàng đứng ra thế mạng. Chỉ cần cô tỏ vẻ không đồng ý là sẽ có cái điệp khúc than thở về chuyện ngày xưa, riết rồi quen nên hễ mẹ lên tiếng thì cô không bao giờ dám từ chối. -Thái An, hôm nay chị Thùy An có nhà không? Đứng bên kia hàng rào, Bảo lên tiếng hỏi. Bảo là hàng xóm của nhà cô, học trên hai chị em hai lớp. Từ nhỏ Bảo đã rất thích Thùy An, chỉ cần chị yêu cầu thì bất cứ việc gì Bảo sẽ làm vô điều kiện. Trớ trêu thay, cô lại thích Bảo nhưng không dám nói ra, mỗi lần nhìn hai người họ đi chung trong lòng cảm thấy nhói đau nhưng biết làm gì bây giờ, người Bảo thích là Thùy An cơ mà. -Chị ấy đi chơi rồi anh. Cô trả lời với giọng buồn buồn, mặc dù đã tự hứa sẽ không để ý đến anh nữa nhưng cô không làm được, cứ nhìn thấy khuôn mặt ấy là cô lại không tự chủ được mình, cứ muốn nói chuyện với anh hoài không thôi. Lặng lẽ bước vô nhà, cô tìm đến những sáng tác của ba, ngồi trên cây đàn piano, những phím đàn rung lên hòa lẫn với nước mắt trong lòng làm cô cảm thấy được chia sẻ. …. Ở nhà buồn là thế nhưng khi ra ngoài, cô gạt bỏ hết những suy nghĩ mệt mỏi kia để trở về với chính mình, một cô học sinh cuối cấp năng động đáng yêu. Cô được giáo viên chủ nhiệm xếp ngồi chung với đám nam sinh cuối lớp để kèm cặp và ổn định bọn chúng, nhưng cô giáo đã hoàn toàn sai lầm. Cô bị ảnh hưởng của mấy đứa bàn cuối và có khi còn nghịch ngợm hơn nữa đó chứ. - Ê, chút chiều đi xem phim đi, có anh Trường Giang đóng hơi bị vui. Đám bạn nhoi nhoi rủ cô đi chơi, nhưng cô đâu có được sung sướng như tụi nó, muốn đi chơi cũng được nhưng phải làm xong hết việc nhà mẹ mới cho đi không thôi bị chửi một trận te tua luôn. -Để mai đi, hôm nay An chưa xong việc. -Thôi mà, phim này ngày mai hết chiếu mất tiêu lấy gì mà coi. -Nhưng…. -Đi, ăn chơi trước hậu quả tính sau. Đám bạn cứ làu bàu bên tai mãi không đi cũng không được, thôi kệ cứ ăn chơi trước đã cùng lắm nghe chửi là xong chứ gì. Thế là hết giờ cô cùng đám bạn đi chơi, cùng cười thả ga với những màn hài hước trong phim, cùng ăn những món ăn yêu thích với đám bạn, chỉ những lúc như thế này cô mới được là chính mình, mới cảm thấy cuộc sống này thật tươi đẹp.