Bích Nhãn Thần Quân

Chương 26 : Hoàng Sam tái xuất oanh thiên địa - Vô Sở, Niêm Hoa khiếp quỷ thần

Phu thê Vân Long vừa đến bên sông Hoàng Hà đã gặp đệ tử Cái bang báo tin chẳng lành. Trong mấy ngày qua, các Tiền trang và tư gia của những phú hào ở hai tỉnh Giang Tô, Chiết Giang đều bị cướp sạch, có ba cơ sở là của Tài Thần. Thủ đoạn bọn đạo tặc vô cùng tàn độc, chúng giết sạch, không chừa một ai. Nhưng may mắn thay, trong đêm chúng đến thăm Tiền trang Đào ký ở thành Hàng Châu, có một gia nhân nhờ say rượu ngủ trong đống rơm ngoài chuồng ngựa nên thoát chết. Vì vậy quan quân mới biết đó là một toán người bịt mặt, võ công rất cao cường, sử dụng trường kiếm hơi cong. Ờ thành Tô Châu, quân triều đình đi tuần, tình cờ phát hiện bọn chúng đang đột nhập vào gia trang của một phú hào chuyên mua bán ngọc quý nên vây bắt. Nhưng toán đạo tặc sau khi sát hại hơn mười tên lính, đã tung ra một loại khói mù rồi biến mất. Nghe xong, chàng và Ngọc Yến tức tốc quay ngựa đi dọc sông Hoàng Hà đến thẳng Tổng đà Cái bang. Đồng thời, truyền lệnh cho đệ tử Phân đà Sơn Đông thả bồ câu xuống ngay Tỏa Thiên sơn trang mời Kiếm Ma Công Tôn Sửu về Lạc Dương. Tuấn mã của Ngọc Yến dù không thể so với Phong nhi nhưng cũng thuộc nòi ngựa quý nên chỉ mười ngày sau, hai người đã đến nơi. Hạ Khánh Dương đang rầu rĩ, thấy chàng bước vào lão mừng rỡ kéo ghế mời ngồi. Ngọc Yến kiêm trình mấy ngày đêm nên cáo lỗi vào hậu sảnh nghỉ ngơi. Họ Hạ rót cho chàng chén trà rồi nói : - Cách đây sáu ngày, bọn áo trắng bịt mặt lại tấn công ba Tiền trang và bảy nhà phú hộ ở Sơn Đông, Phúc Kiến. Đào gia trang bị thiệt hại tổng cộng sáu chục vạn lượng bạc và mười tám nhân thủ. Đệ tử Cái bang cũng tử nạn hết bảy người, bá tánh các tỉnh duyên hải vô cùng sợ hãi. Thần Toán thư sinh La Thiện Hùng đỡ lời Bang chủ : - Qua tin tức thu lượm được, chúng ta có thể kết luận rằng tổ chức hắc đạo này đến từ biển Đông, đa số là những kiếm thủ Đông Doanh. Phương châm hành động của chúng là bí mật, thần tốc và cực kỳ tàn nhẫn. Vân Long thở dài nói : - Từ lúc được tin Ưng Ma đem châu báu ra Đông Hải, tiểu đệ đã dự đoán đến tai họa ngày hôm nay. Người mà Yêu Lão cầu viện chắc chắn võ công phải rất cao siêu. Nhưng y không nuôi mộng tranh bá ở Trung Nguyên nên bao năm nay vẫn im hơi lặng tiếng. Nếu người ấy cũng là kẻ có dã tâm, Yêu Lão không dại gì rước hổ vào nhà. Bỗng từ ngoài cửa vọng vào giọng nói của Kiếm Ma : - Đúng vậy! Long nhi phân tích rất chính xác. Mọi người mừng rỡ đứng lên chào đón. Công Tôn Sửu điềm nhiên ngồi xuống rồi nói tiếp : - Ba mươi năm trước, giang hồ xuất hiện một kỳ tài võ học, người này tuổi mới tứ tuần mà kiếm pháp thông thần. Bản tính y hiếu thắng và cao ngạo, tự ình là kiếm sĩ số một võ lâm nên đã tìm đến tận nơi tu luyện của Vô Cực Tẩu mà khiêu chiến. Cuối cùng, sau hơn ngàn chiêu y bị rơi kiếm liền thề rằng sẽ ẩn cư nơi đảo vắng, khi nào chắc thắng được Vô Cực Tẩu mới tái nhập Trung Nguyên. Vô Cực huynh rất thương tiếc ột kẻ tài hoa, vì quá kiêu ngạo mà ngày càng rời xa thiên đạo. Hạ Khánh Dương gật gù : - Ngày trước, lúc sinh thời, tiên sư có nhắc đến cố sự này. Hoàng Sam kiếm khách trong một năm trời lần lượt đả bại mấy chục đại kiếm khách rồi đột nhiên biến mất. Kiếm Ma nhắp một hớp rượu, kể thêm : - Hoàng Sam kiếm khách Tần Hạo Thiên vượt biển tìm đến Đông Doanh học kiếm của Song thần. Trong chỉ hai năm, y đã nắm được hết tinh túy kiếm pháp ở Đông Đảo, tự biết vẫn chưa đủ, vì bản thân Song thần cũng chưa phải là đối thủ của Vô Cực Tẩu và Linh Xà Miêu Quân. Y bèn từ giã nhị vị sư phụ, chiếm cứ một hoang đảo trong vùng biển Cao Ly, đặt tên là Kiếm đảo. Tự xưng danh Đông Hải Thiên Tôn, mở trường dạy kiếm thuật, người Cao Ly và Đông Đảo theo học rất nhiều. Bản thân y cũng khổ công luyện kiếm để chờ ngày báo phục. Có lẽ sau ba mươi năm, với thiên bẩm rất cao, y đã hoàn thành tâm nguyện của mình nên nhận lời Ưng Ma, cho đệ tử khuấy đảo giang hồ Trung Nguyên để Vô Cực Tẩu phải xuất hiện. Chắc chắn Ưng Ma đã nói cho y biết Long nhi là đệ tử của Vô Cực lão huynh. La trưởng lão lộ vẻ băn khoăn : - Không chừng khi nghe tin Yêu Lão bị giết, Đông Hải Thiên Tôn lại nảy ra ý định xưng hùng ở Trung thổ. Nên y mới ôn đệ đánh cướp vàng bạc để có ngân quỹ dự trữ. Nếu y thực tâm muốn tranh tài võ thuật, thì chỉ cần công khai khiêu chiến với Long đệ. Đương nhiên Vô Cực tiền bối phải xuất hiện. Pháp Cái Hà Quyết tán thành : - Lã lão ca kiến giải rất hợp lý. Cũng may là Công Tôn tiền bối biết được lai lịch của bọn chúng. Nếu không, những vụ giết người cướp của kia khó mà tìm ra manh mối. Kiếm Ma cười gượng bảo : - Bốn năm trước, ta đến du ngoạn thành Tô Châu, tình cờ quen với một khách thương chuyên buôn hàng tơ lụa vùng Đông Đảo. Lão này đã từng được hầu chuyện Tần Hạo Thiên nên biết rõ sự tình. Thần Hành Thiết Bổng Lữ Quân quay sang hỏi Vân Long : - Trước tình thế này, Long đệ có kế sách đối phó ra sao không? Chàng tư lự rồi nói với vẻ cân nhắc : - Đông Hải Thiên Tôn chưa xuất hiện nên không rõ thành tựu công lực của lão đến mức nào, có e ngại cũng chẳng ích gì. Trước mắt là phải tìm cho được tung tích của bọn kiếm sĩ bịt mắt để tiêu diệt. Theo thiển ý của tiểu đệ thì bọn chúng lúc này chỉ có thể hoạt động ở các tỉnh ven biển, chưa dám vào sâu trong nội địa. Môn nhân của Kiếm đảo suốt đời gắn liền với biển cả, nên chỉ yên tâm khi có biển sau lưng để dễ dàng tẩu thoát. Chúng sợ quan quân chặn mất đường rút lui vì hành vi cướp bóc, sát nhân đã biến chúng thành đối tượng truy bắt của triều đình. Năm tỉnh duyên hải đang bị quan quân kiểm soát gắt gao. Bọn Kiếm đảo chắc sẽ nhắm vào địa bàn Giang Tây và An Huy để hành động. Nhưng sau đó lại rút về nơi ẩn nấp ở một tỉnh ven biển. Do đó, chúng ta nên tập trung vào các Tiền trang, hiệu buôn lớn và tư dinh các nhà đại phú ở hai tỉnh bên trong. Nhưng cũng phải huy động thêm nhiều trinh sát để tìm hang ổ đạo tặc ở duyên hải. Nếu phát hiện cứ báo cho quan quân triều đình vây bắt. Mong Hạ lão ca dặn đệ tử bổn bang nên lưu ý đến những đối tượng mang theo vật tùy thân có chiều dài đủ để giấu trường kiếm bên trong. Kiếm của người Đông Đảo hơi dài nên dễ bị phát hiện, bọn chúng bắt buộc phải ngụy trang. Quần hào bàn bạc thêm một hồi lâu rồi quyết định ngày mai sẽ lên đường đến Tỏa Thiên sơn trang. Nơi đây hiện đang tập trung hơn hai trăm cao thủ Kiếm môn. Độc Cô Thiên và anh em họ Tả sẽ được chim ưng đưa thư gọi đến sau. * * * * * Sáng sớm, Kiếm Ma về lại Tỏa Thiên sơn trang để cấp tốc huấn luyện cho đệ tử Kiếm môn ba chiêu sát thủ mà đêm qua lão và Vân Long cùng nhau nghiên cứu, sáng tạo ra. Công Tôn Sửu đã từng tìm hiểu kiếm thuật Đông Đảo, còn Vân Long đã hai lần giao đấu với Mộ Đồ nên hai người có thể tìm ra cách khắc chế. Dù không thập phần toàn mỹ nhưng cũng đủ gây khó khăn cho bọn kiếm sĩ bịt mặt. Thần Hành Thiết Bổng Lữ Quân và Thần Toán thư sinh đi thẳng đến Hoa Sơn điều thêm nhân thủ. Phần Vân Long và nương tử đi Võ Đang sơn để thăm Huyền Hạc thượng nhân, luôn tiện mượn thêm vài chục tay kiếm nữa. Tám ngày sau, hai người đã đến chân Võ Đang sơn. Gửi ngựa xong, họ phi thân lên núi. Trời mưa lất phất, dù khinh công cao siêu, lúc đến Giải Kiếm Nham, y phục cũng ước đẫm. Đạo sĩ trực ở đây là Thái Hư, nhị đệ tử của Thanh Hà chân nhân. Thấy sư thúc thượng sơn, gã vui mừng chào đón, đưa ra hai tấm áo tơi để chàng và Ngọc Yến che mưa, đi theo lên núi. Bọn đệ tử trực cổng tam quan chưa kịp nhìn rõ là ai, thì hai người đã bay thẳng vào đứng dưới mái hiên Thanh Hư cung, loay hoay cởi áo tơi ra. Chúng chạy lại, thấy nụ cười quen thuộc trên gương mặt anh tuấn, đồng thanh sụp xuống thi lễ : - Chúng đồ tôn bái kiến sư thúc tổ! Chàng vui vẻ xua tay : - Bất tất đa lễ! Mới cách biệt hơn hai năm, các ngươi ai nấy đều đã cao lớn hơn xưa. Hỏi han qua một hồi thì Thanh Kính chân nhân ra đến. Ông hân hoan ôm lấy vai chàng : - May quá! Sư đệ về thật đúng lúc. Sư phụ mấy hôm nay cứ nhắc đến ngươi. Ngọc Yến chắp tay thi lễ : - Tiểu muội xin bái kiến Chưởng môn sư huynh. Nàng và lão đã gặp nhau trong trận đánh Lương Sơn nên chẳng xa lạ gì. Thanh Kính đưa một tay lên ngực đáp lễ rồi bảo : - Sư đệ và Yến muội vào khách xá thay áo, ta sẽ cho sắp cơm rượu ở hậu viện và thỉnh sư phụ ra uống mấy chung hội ngộ. Ngọc Yến được trời phú nước da mịn màng, trắng đều, môi đỏ hồng, chẳng bao giờ phải dùng đến son phấn. Khách xá không có chỗ kín đáo, nàng đành phải thay áo trước mặt trượng phu. Vân Long biết nàng hay cả thẹn nên tủm tỉm cười nhìn sang hướng khác. Hai người chải tóc xong liền bước ra hậu viện. Huyền Hạc thượng nhân và Thành Kính đã ngồi chờ sẵn. Trong ba sư phụ thì chàng ở với Huyền Hạc lâu nhất, tính ông ta lại phóng dật, hay rượu trà, tình sư đồ rất thắm thiết. Thấy sư phụ càng ngày càng gầy ốm, chàng xúc động sụp xuống dưới chân ông : - Sư phụ! Đồ nhi đã lâu không về vấn an, thật hổ thẹn vô cùng. Ngọc Yến cũng quỳ theo : - Đồ tức là Miêu Ngọc Yến xin bái kiến lão nhân gia. Huyền Hạc tinh thông tướng pháp, thấy nàng dung nhan thiên kiều bá mỵ nhưng đoan trang phúc hậu, ông mừng thầm cho đệ tử. Trong lòng ông vẫn xem Vân Long như con trai mình nên rất cao hứng, khoát tay bảo : - Các ngươi đứng lên đi. Ngày cưới ta không đến dự được cũng là điều đáng tiếc. Cả hai khép nép ngồi xuống ghế. Trên bàn là mâm cơm chay thanh đạm nhưng lại có một vò Thiệu Hưng mười cân. Chàng cười hỏi : - Chẳng hay năm mươi vò rượu mà đồ nhi gửi đến, sư phụ đã dùng hết chưa? Thanh Kính tủm tỉm đáp thay : - Sư đệ báo hại ta phải bồi tiếp sư phụ, bị người mắng là tửu lượng kém, không bì kịp với ngươi. Thượng nhân nâng chén, bảo mọi người uống cạn rồi vuốt râu nói : - Rượu ngon là thánh thủy của trời cho, ngươi mới uống được một hai cân đã say rượu làm ta mất cả tửu hứng, không mắng sao được? Lão hỏi sang chuyên giang hồ, khi nghe chàng kể Đông Hải Thiên Tôn tức Hoàng Sam kiếm khách thưở xưa tái xuất Trung Nguyên, lão thở dài : - Tần Hạo Thiên là bậc kỳ tài trong kiếm đạo. Ba mươi năm nay lão chuyên tâm khổ luyện, e đã tiến đến cảnh giới thượng thừa. Long nhi phải cẩn thận mới được. Vân Long bèn kể cho lão nghe việc mình được Kiếm Ma truyền cho phần thất lạc của nửa chiêu cuối cùng trong pho Thái Cực tuệ kiếm, và chàng đã phối hợp thành công của hai bán chiêu. Huyền Hạc phấn chấn bảo đạo đồng đến ngay khách xá lấy kiếm để chàng diễn thử. Trời đã tạnh mưa, Thanh Kính truyền lệnh gọi ba trăm đệ tử Võ Đang tập trung lại trước sân Thanh Hư cung để xem Vân Long biểu diễn tuyệt chiêu thất truyền của Võ Đang. Bọn đạo đồng dọn bàn rượu trước thềm chính điện để sư tổ và Chưởng môn ngồi thưởng lãm. Đệ tử Võ Đang từ lâu đã nghe nói phu nhân của sư thúc tổ kiều diễm như tiên nữ nên háo hức muốn chiêm ngưỡng. Nay được lệnh truyền, chúng mau chóng tề tựu đông đủ. Môn quy phái Võ Đang cho phép lấy vợ, sinh con. Bản thân Thanh Kính chưởng môn cũng đã kết hôn với người sư muội. Việc chay tịnh cũng chỉ giới hạn khi ở trên núi, khi ra đời hành hiệp thì chay mặn tùy ý. Tổ sư Trương Tam Phong nguyên là một thư sinh tinh thông Nho học và tư tưởng lão Trang, nên tinh thần của Võ Đang là sự hòa quyện giữa hai hệ thống triết học này. Chờ mọi người định vị xong, Vân Long ôm Vô Cực kiếm ra giữa sân, miệng đọc lớn khẩu quyết, tay chậm rãi múa. Tổng cộng có ba trăm sáu mươi thế thức, chỉ trừ Huyền Hạc và Thanh Kính là nhận được sự ảo diệu của kiếm chiêu, kỳ dư ai cũng cho rằng quá phức tạp, rắc rối. Chờ chàng diễn hết đường kiếm, Huyền Hạc chỉ một cây tùng non, cao chừng sáu trượng, bảo chàng lấy đó làm mục tiêu thử kiếm chiêu. Vân Long vâng lệnh, bảo nguyên thủ nhất, quán chủ công lực vào thân kiếm rồi xuất chiêu. Thân ảnh chàng biến vào đạo kiếm quang bay lên chụp xuống cây tùng. Lúc chàng dừng tay, các cành nhánh từ trên xuống dưới đều bị chặt sát gốc, chỉ còn lại thân cây trơ trụi. Tiếng hoan hô vang động cả vùng núi non, khiến chim chóc hoảng sợ bay tán loạn. Thượng nhân cảm động đến rơi lệ. Ông đứng lên tuyên cáo cùng đám đồ tử, đồ tôn : - Chiêu kiếm này là tuyệt học thượng thừa của Võ Đang. Sáu mươi năm trước, trong một lần hỏa hoạn, kiếm phổ bị thất lạc. Sư phụ ta lúc ấy chưa luyện được chiêu này nên chỉ nhớ được một nửa kiếm quyết. Những đã đem cả đời mình để bổ sung phần thiếu sót, nhưng chỉ phí công. Trước khi tạo hóa, người tỏ vẻ hối hận vì đã không bảo toàn được trọn vẹn võ học của Trương tổ sư. Ta cũng đã dày công nghiên cứu nhưng chẳng có kết quả. May nhờ anh linh tổ sư xui khiến, tiểu đồ của ta là Long nhi đã tìm được phần khẩu quyết thất lạc, khiến cho sở học bổn phái được toàn vẹn. Ta vô cùng phấn khởi, có thể an lòng xuống suối vàng gặp tiền nhân mà không hổ thẹn. Các ngươi phải theo gương Long nhi mà khổ công rèn luyện để làm rạng rỡ thanh danh Võ Đang. Chúng đệ tử đồng thanh dạ vang rồi giải tán. Huyền Hạc cao hứng bắt bọn Thanh Kính, Vân Long, Ngọc Yến phải hầu rượu. Quả nhiên chỉ được hai cân, mặt Chưởng môn đã đỏ bừng, ông gượng cười xin phép sư phụ vào nghỉ trước. Huyền Hạc cười chế giễu : - Xem ra tửu lượng của ngươi còn kém cả Yến nhi nữa. Còn lại ba người đồng ẩm, chuyện trò rất tương đắc. Vân Long hỏi Thượng nhân : - Sư phụ! Theo ý người thì chiêu “Vô Sở Nhi Quy” có thể đả bại được Tần Hạo Thiên hay không? Huyền Hạc trầm ngâm một lúc rồi nghiêm sắc mặt đáp : - Chỉ sợ công lực Thiên tôn cao hơn ngươi quá nhiều, chứ nói về mức ảo diệu của kiếm chiêu thì dù họ Tần có tiến bộ đến đâu cũng không địch lại võ học của Trương tổ sư. Họ uống thêm một vò rượu năm cân nữa thì đã nửa đêm. Huyền Hạc về nghỉ ngơi, chàng và ái thê trở lại khách xá. Tắm gội xong, Vân Long lấy giấy ra viết lại khẩu quyết của chiêu “Vô Sở Nhi Quy”. Sáng hôm sau, lúc từ biệt, chàng giao kiếm quyết cho Chưởng môn sư huynh. Ba mươi đệ tử đời thứ hai đã lên đường đến Tỏa Thiên sơn trang từ cuối đêm qua. Tính Huyền Hạc không thích cảnh tống biệt nên chàng đành vận thần công nói lớn : - Sư phụ bảo trọng, đồ nhi xin cáo từ! Trước khi xuống núi, chàng nhờ Thanh Kính cho người sang Thiếu Lâm tự điều thêm năm chục cao thủ. * * * * * Vân Long muốn tranh thủ thời gian nên quyết định đi đường tắt. Khi ngang qua một cánh rừng ở chân núi Cống Sơn, hai người bỗng nghe trên đầu có tiếng kêu cứu. Chàng ngạc nhiên ngẩng lên xem thì thấy một con anh vũ lông đỏ, đuôi vàng, vừa bay vừa quác mỏ. Theo sau nó là chú diều hâu dữ tợn. Vân Long rút ngay tiểu đao, phóng lên, ác điểu bị chém làm đôi. Thủ pháp hồi đao của chàng cực kỳ tinh diệu, thanh tiểu đao vòng lại nằm gọn trong tay chủ nhân. Anh Vũ thoát chết, đáp xuống đứng trên vai ân nhân liến thoắng nói : - Cảm tạ! Cảm tạ! Ngọc Yến thấy linh cầm có bộ lông đã đẹp lại biết nói tiếng người, lòng rất ưa thích. Nàng giục ngựa đến bên, thò tay vuốt lông anh vũ rồi hỏi : - Ngươi là vật có chủ sao lại bỏ nhà đi chơi để gặp phải ác điểu? Nó lúc lắc cái đầu xinh xắn có chiếc mỏ cong vàng tươi : - Không phải đi chơi, Tiểu Hồng đi hái thuốc cho chủ nhân. - Chủ nhân Tiểu Hồng là ai, bị chuyện gì? - Chủ nhân là Bách Cầm tiên nương, bị độc xà cắn phải. Nàng là người nhân hậu, tinh thông y lý và độc vật nên có ý muốn giúp Tiên nương : - Tiên nương có ở gần đây không? Ta chính là thầy thuốc chuyên trị rắn cắn. Linh cầm mừng rỡ đáp : - Bách cầm cốc ở ngay sau cánh rừng này, xin hãy theo ta. Dứt lời, Tiểu Hồng đập cánh bay trước dẫn đường, hai người thúc ngựa theo sau. Đi hết con đường mòn xuyên rừng là đến chân núi Cống sơn, Bách cầm cốc hiện ra trước mặt. Đây là một khe núi rộng, trước cửa cốc có chừng mười con chim ưng canh giữ, chúng nhìn khách lạ với cặp mắt sắc bén đe dọa. Nhưng thấy anh vũ dẫn đường nên lại lặng lẽ rĩa lông. Tiểu Hồng cất tiếng : - Mời vào! Mời vào! Phu thê Vân Long nhìn nhau cười và xuống ngựa bước vào. Sơn cốc sâu độ vài trăm trượng, chiều rộng cũng tương đồng. Nơi đây cảnh vật xanh tươi kỳ dị, cây cối cao to, hàng vạn con chim đủ màu sắc bay lượn, nhảy nhót, hót líu lo nên không khí vô cùng nhộn nhịp. Giữa cốc có một vườn hoa bao quanh gian tiểu trúc. Một lão bà tóc bạc như bông, vẻ mặt phúc hậu đang ngồi trên trường kỷ, đôi lúc nhăn mặt vì đau đớn. Bà gượng cười nói : - Cảm tạ nhị vị đã cứu Tiểu Hồng, lão thân đang lâm trọng bệnh nên không được đủ lễ. Mong nhị vị lượng thứ. Xin mời an tọa. Phu thê Vân Long vòng tay vái chào, tự xưng tên rồi ngồi xuống ghế. Ngọc Yến cung kính hỏi : - Chẳng hay Tiên Nương bị loại độc xà nào cắn vậy? Bà lão thở dài kể : - Bách Cầm cốc có nuôi dưỡng thần ưng nên không hề có rắn rít, độc vật. Nhưng chẳng hiểu sao mười hôm trước ta đang ngủ trưa lại bị một con rắn Hắc Ty xà cắn vào bắp chân. Ta đã phong tỏa kinh mạch không cho độc tố lan ra và sai Tiểu Hồng đi tìm một loại cỏ tên là Thất Diệp thảo. Chẳng may đến nay vẫn chưa tìm được, chắc không còn sống được bao lâu nữa. Nàng mỉm cười an ủi bà : - Tiên nương chớ lo, tiểu nữ chẳng cần Thất Diệp thảo cũng trị được loại độc này. Nàng quay sang bảo lang quân : - Xin tướng công cho thiếp mượn Kim Tuyến xà nhi. Linh Xà nghe nhắc đến tên, tự động từ trên búi tóc phóng sang tay Ngọc Yến. Chàng biết mình ở lại bất tiện nên bước ra ngoài dạo xem phong cảnh trong cốc. Ngọc Yến quỳ xuống vén ống quần chân hữu của Tiên nương. Một cục huyết bằng trôn chén màu tím đen, tỏa ra mùi hôi hám. Nàng nói nhỏ với linh xà : - Kim Tuyến nhi mau hút hết chất độc ra. Xà nhi lập tức cắn vào hai vết răng cũ của Hắc Ty xà, lát sau, thân hình nó căng phồng lên gấp bội. Vết thương xẹp xuống, màu tím đen gần như mất hẳn, cảm giác đau nhức không còn nữa. Nàng dịu dàng giải thích : - Nước rãi của Kim Tuyến Xà có tác dụng trung hòa nọc độc của một số độc vật. Tiên nương hoàn toàn có thể yên tâm rồi. Tiên nương mở các huyệt đạo đã bị khóa trong mười ngày qua, thử vận khí đẩy máu huyết chân hữu lưu thông trở lại. Bà nghe cơ thể thư thái, triệu chứng trúng độc không còn nên mừng rỡ bảo : - Miêu cô nương hãy mời Tiêu thiếu hiệp vào đây, lão thân có đôi lời muốn nói. Ngọc Yến vâng lời, ra cửa gọi Vân Long. Hai người bước vào ngồi xuống chờ đợi. Bách Cầm tiên nương lấy ra một quyển sách dầy cũ kỹ, đặt lên bàn rồi nói : - Lão thân tuổi đã bát tuần, dù hôm nay không chết bởi độc xà cũng chẳng thọ được bao lâu nữa. Chỉ thương cho Tiểu Hồng và đàn linh điểu quý báu. Vì vậy, lão thân xin tặng cuốn Cầm kinh này và cả sơn cốc. Khi lão thân đã tạ thế xin chư vị chiếu cố giùm. Vân Long cảm khái thưa rằng : - Bọn tiểu bối nặng nợ giang hồ, chưa biết sống chết thế nào nên không dám nhận lời tiền bối. Tiên nương tỏ vẻ quan tâm : - Nếu ta nhận xét không lầm thì các ngươi là hậu nhân của Linh Xà Miêu Quân, võ công siêu quần, bạt tụy, có ai đáng thật là kình địch, sao lại có vẻ lo lắng như vậy? Chàng giật mình, biết bà đã từng gặp Miêu Quân nên nhận ra Kim Tuyến xà nhi, liền gượng cười : - Tiên nương nhãn quang sắc bén, nhưng chẳng hay người có biết một cao thủ danh hiệu là Hoàng Sam kiếm khách hay không? Tiên nương thảng thốt nói : - Lẽ nào lão ta đã trở lại Trung Nguyên? - Thưa phải, hiện nay lão đã đổi danh là Đông Hải Thiên Tôn. Nếu không tự tin thắng được sư phụ tiểu bối là Vô Cực Tẩu thì lão đâu dám vào Trung Nguyên. Chàng bèn sơ lược cho bà nghe hoạt động của bọn môn nhân Kiếm đảo trong thời gian gần đây. Tiên nương đăm chiêu một hồi rồi bảo : - Xưa nay tà có bao giờ thắng chính đâu? Thiếu hiệp cứ nhận lời để lão thân yên lòng. Còn việc đối phó với các kiếm sĩ Đông Đảo, ta sẽ tặng cho thiếu hiệp bốn con thần ưng. Chúng là hải miêu ưng, được lai tạo giữa chim cú mèo và hải ưng, vì vậy có thể hoạt động cả ngày lẫn đêm. Đôi móng vuốt sắc như dao và sức đập cánh hàng mấy trăm cân. Tuy không biết nói nhưng hiểu được tiếng người. Dùng làm phương tiện liên lạc, trinh sát rất tốt. Bọn Kiếm đảo có biết độn thuật cũng không cách nào thoát khỏi thần ưng. Nói xong, bà rút ra một chiếc còi trúc, thổi lên một tràng lảnh lót. Bốn con thần ưng từ trên cao đáp xuống trước mặt chờ lệnh. Thân hình chúng to lớn, sải cánh rộng hơn bốn trượng, đôi mắt vàng, to như mắt cú mèo, trông rất oai vệ. Tiên nương nhờ Ngọc Yến dìu ra cửa, bà chỉ từng con rồi nói : - Nhị vị hãy chú ý dải lụa màu cột trên chân chúng để phân biệt. Tên chúng là Tiểu Bạch, Tiểu Lam, Tiểu Thanh, Tiểu Hoàng, theo màu dải lụa. Bà bảo lũ thần ưng : - Hai người này là chủ nhân mới, các con phải theo họ và phục tùng mệnh lệnh. Chúng gục gặc đầu tỏ vẻ hiểu rõ rồi vỗ cánh bay lên không trung. Tiên nương trao còi trúc cho Ngọc Yến và dạy nàng cách sai khiến lũ chim. Cuối cùng bà nói thêm : - Nhị vị nghiên cứu Cầm kinh sẽ dễ dàng thông hiểu đặc tính của loài cầm điểu cũng như cách nuôi dưỡng, huấn luyện, điều khiển, phương pháp chế tạo còi trúc và thiên lý yên hương để bọn thần ưng nhận biết mà liên lạc cũng nằm trong đó. Hai người được linh vật mừng rỡ cảm tạ rồi cáo biệt. Bốn con miêu ưng lặng lẽ bay theo trên cao. Ra khỏi cốc vài dặm, Ngọc Yến hiếu kỳ cho ngựa đi chậm lại rồi mở Cầm kinh xem thử. Nàng thích thú khi thấy mấy trang cuối có ghi khẩu quyết của môn khinh công Bách Cầm thân pháp, bèn đưa cho trượng phu xem. Vân Long kinh ngạc vì thấy tuyệt kỹ này rất ảo diệu, nhất là khả năng để tung bay và dịch chuyển trên không. Chàng bèn xuống ngựa, học thuộc khẩu quyết rồi đem áp dụng. Quả nhiên, với thế Nhất Hạc xung Thiên, chàng có thể tung mình lên cao hơn trước vài trượng và thời gian bay lượn cũng lâu gấp đôi. Chàng liền hướng dẫn cho ái thê tập luyện, nhờ có sẵn căn cơ thâm hậu nên nàng học rất nhanh. Sau ba canh giờ, họ nhìn nhau cười mãn nguyện rồi lên ngựa đi tiếp. Bốn ngày sau, bóng dáng của Tỏa Thiên sơn trang đã hiện ra trước mắt. Hai người thúc ngựa đi thẳng vào, bọn đệ tử gác cổng hân hoan cúi chào. Vừa đến sân khách sảnh, Ngọc Yến nhớ đến bầy miêu ưng liền rút còi trúc ra thổi mạnh. Bốn con thần ưng lao xuống như sao sa, gần đến đất, chúng xòe đôi cánh rộng nhẹ nhàng đáp xuống, hiên ngang chờ lệnh. Vân Long bảo một tên vào bếp lấy thịt sống cho lũ chim ăn. Kiếm Ma và hai trưởng lão Cái bang nghe tiếng động bước ra. Thấy lũ thần điêu họ sửng sốt. La lão hỏi : - Long đệ tìm đâu ra bốn con thần ưng này vậy? Chàng chưa kịp trả lời thì Công Tôn Sửu đã nói : - Chẳng lẽ ngươi đã gặp Bách Cầm tiên nương? Chàng gật đầu rồi bảo : - Câu chuyện dài dòng lắm, để tiểu bối tắm rửa xong sẽ cáo tường sau. Ba lão bất tử cười vang vào trong chờ đợi. Phu thê Vân Long tẩy sạch bụi đường, thay áo bước ra. Mọi người đã tề tựu đông đảo quanh bàn rượu. Cử tọa an vị, Kiếm Ma giới thiệu người lạ mặt ngồi bên tả lão : - Đây là Triển Đăng Huy thiếu hiệp, sư đệ Chưởng môn phái Hoa Sơn, thời gian qua tu tập thần công với sư thúc tổ trên núi Tượng Sơn nên không có mặt. Nay đại diện cho Chưởng môn dẫn ba mươi tay kiếm đến tham gia. Họ Triển tuổi chừng hai mươi sáu, dung mạo anh tuấn và kiêu ngạo. Ngọc Yến biết y mới xuất đạo, chưa nếm mùi cay đắng nên thần thái mới khó coi như vậy. Nàng nhìn y tủm tỉm cười. Họ Triển thấy Minh chủ phu nhân diễm lệ phi phàm lại nhìn mình cười, không khỏi ngượng ngùng. Người thứ hai là Mãn Thiên Hoa Vũ Đường Lập, đại công tử Đường gia Tứ Xuyên. Hắn tuổi trạc tam tuần, tướng mạo uy nghi nhưng phảng phất vẻ đăm chiêu. Vân Long vái chào họ rồi hỏi : - Chẳng hay Đường huynh có tâm sự gì mà sắc diện không vui? Đường Lập buồn rầu đáp : - Gia mẫu đã bị Yêu Lão dùng độc dược khống chế, đến nay vẫn chưa giải được. Chỉ còn sống được ba tháng nữa thôi. Nhưng thẹn vì chưa đóng góp được gì cho võ lâm, nên người bắt tại hạ phải dẫn hai mươi đệ tử đến đây góp sức với quần hùng. Chàng cười bảo : - Đường huynh cứ yên tâm, tại hạ sẽ viết một phong thư, Đường huynh đưa bá mẫu vào Miêu Cương, nhờ nhạc phụ của tại hạ là Độc Thánh chữa trị. Đường Lập vui mừng khôn xiết : - Nếu Độc Thánh chịu ra tay thì bệnh tình gia mẫu chẳng còn gì đáng lo cả. Tại hạ xin ở lại đây tham chiến, chỉ cần cho người thân tín đem thư về, gia đệ Đường Luân sẽ tự khắc biết cách lo liệu. Tỳ nữ hầu rượu mau mắn đem văn phòng tứ bảo lên, Vân Long thảo ngay một lá thư. Đường Lập cầm ra trao cho đệ tử Đường môn và dặn dò cặn kẻ. Ăn uống xong, Vân Long hỏi Kiếm Ma : - Công Tôn tiền bối! Hiện nay tổng số nhân thủ của chúng ta là bao nhiêu? Lão nhẩm tính rồi đáp : - Khoảng hơn bốn trăm người, tất cả đều đã luyện xong ba chiêu kiếm mới. Lữ Quân là người lịch duyệt, thông thạo địa lý các tỉnh nên góp ý : - Theo ta, ở An Huy thành Vũ Nguyên là nơi phồn thịnh nhất, tập trung nhiều hiệu buôn lớn và nhà cửa phú hào. Còn ở Giang Tây, thành Nam Xương và đất Lư Lăng cũng là nơi đáng chú ý. Chàng tán thành và đưa ra sách lược : - Địa phận tỉnh An Huy sẽ do Công Tôn tiền bối chủ trì, dẫn theo cao thủ bốn phái Võ Đang, Điểm Thương, Đường gia bổ sung cho đủ số hai trăm cao thủ. Phần tại hạ và hai trăm cao thủ còn lại đến Nam Xương. Đêm nay Yến muội sẽ chế tạo thiên lý yên hương để bầy thần ưng giữ nhiệm vụ liên lạc giữa hai cánh. Chúng ta cải trang, bí mật cảnh giới các mục tiêu có thể bị tấn công. Dựa vào lực lượng trinh sát của Cái bang mà hành động. Xin lưu ý chư vị rằng bọn Đông Doanh rất giỏi nghề độn thuật, khi thấy chúng tung khói mù, các cao thủ Đường môn cứ việc tung độc châm vào đấu trường, người của ta sẽ ngậm thuốc giải độc trước, nếu có bị trúng châm cũng chẳng sao. * * * * * Cuối giờ dần ngày hôm sau, điểm tâm xong, quần hùng chia làm hai đạo lên đường đến nơi đã định. Đêm qua, Độc Cô Thiên và anh em họ Tả đã đến kịp lúc để sáng nay cùng đại ca xuống Giang Tây. Nhị vị trưởng lão Cái bang cũng trong đạo quân đến Giang Tây, nhưng phụ trách điểm Lư Lăng. Còn bọn Vân Long tiềm nhập vào thành Nam Xương. Ngọc Yến đã kịp làm xong bốn chục cây thiên lý yên hương, nàng trao cho Kiếm Ma một nửa. Mỗi cây có thể cháy liên tục một ngày đêm và lũ miêu ưng đặc biệt nhạy cảm với mùi hương này nên dễ dàng nhận biết các nơi cần đến. Mọi người cải trang, chia thành từng tốp nhỏ, kẻ trước người sau nhưng cùng điểm hẹn. Vượt sông Trường giang, toán của Vân Long dừng chân ở thành Nam Xương, còn toán của họ La tiếp tục xuôi Nam. Giang Tây là nơi sản xuất đồ sứ nổi tiếng cả nước nên rất phồn vinh, sầm uất. Nhờ nghề gốm, rất nhiều người trở nên đại phú. Chỉ riêng Tiền trang, Nam Xương đã có đến hai nơi. Đệ tử Cái bang trong thành đã báo cáo chi tiết các vị trí nên cảnh giới. Vân Long biết chúng ngày đêm chú tâm làm nhiệm vụ trinh sát, không có thời gian kiếm sống nên đã tặng ỗi người mười lượng bạc để chi phí ăn uống. Ngay tối hôm mới đến, tắm rửa xong, chàng và Ngọc Yến đến tư dinh của Tri huyện Nam Xương, bảo lão rút những toán quan quân tuần tra hàng đêm trên đường phố, ẩn mình vào những điểm cố định. Khi nào được lệnh của chàng mới xuất hiện vây bắt. Lâm tri huyện biết Tiêu hầu là sủng thần đương đại nên rất mực cung kính và phục tùng. Một trăm cao thủ bạch đạo giấu kín vũ khí trong người, chia nhau rải khắp thành. Đã hai ngày trôi qua vẫn không thấy động tịnh gì. Nhưng sáng ngày thứ ba, một tên khất cái ở bến đò sông Dương Tử báo về rằng có ba chiếc thuyền buôn từ hướng Đông tới, cặp bến để nhận lô hàng chén dĩa. Số phu khuân vác lên đến sáu chục người, hắn tình cờ nghe một tên phu thốt lên tiếng chửi rất lạ tai khi bất cẩn vấp chân vào một cục đá trên bờ. Nghề khất cái hàng ngày tiếp xúc với đủ loại người. Bến sông này lại là nơi chuyển hàng đi các tỉnh nên khách thương hồ tứ xứ chẳng thiếu ai. Vì vậy, Tiểu Tam có thể khẳng định đó không phải là tiếng Trung Hoa. Vân Long phấn khởi, ra lệnh cho bọn chúng tăng cường giám sát hoạt động của ba chiếc thuyền buôn kia. Đồng thời chuẩn bị kế hoạch đối phó. Chiều đến, trinh sát báo cho biết đám phu đã quang gánh lên đường vào kho hàng của hãng Long Thịnh ở ngoại thành. Chúng nghỉ đêm tại đây và sớm mai sẽ chuyển hàng lên thuyền. Cuối canh ba, chàng thống lãnh nhân mã phục trên đoạn đường từ kho Long Thịnh vào thành. Bọn phu không ngờ rằng mình bị theo dõi nên thay trang phục trắng, bịt mặt rồi xuất quân. Thấy đối phương đã lọt vào ổ phục kích, chàng huýt sáo ra hiệu. Một trăm cao thủ từ chỗ ẩn nấp nhảy ra vây chặt. Ba trăm quân triều đình bao thành phòng tuyến thứ hai, đèn đuốc sáng rực, chủ yếu là hư trương thanh thế. Toán môn nhân Kiếm đảo biết không còn đường thoát nên nhất tề rút kiếm ra tử chiến. Vân Long trầm giọng quát : - Đêm nay bọn Kiếm đảo các ngươi tận số rồi. Chúng không ngờ lai lịch bị phát giác nên chấn động tâm thần. Một tên có vẻ là thủ lĩnh toán này ra lệnh phá vây. Độc Cô Thiên và anh em họ Tả xông vào mở đầu cuộc chiến. Dù nhân số hai bên quá chênh lệch nhưng bọn bịt mặt quả là kiêu dũng. Kiếm chiêu tàn độc và hiệu quả, nếu không nhờ tập luyện ba chiêu khắc chế thì phe quần hào đã thương vong khá nhiều. Hắc kiếm và đồng côn lợi hại phi thường, nhưng cũng phải trả bằng máu mới lấy được mười mấy mạng Đông Doanh. Tiếng vũ khí va chạm, tiếng chửi thề và những tiếng kêu la thảm thiết lúc lìa đời làm náo động cả màn đêm. Toán quan quân đứng ngoài thấy bản lãnh bọn bịt mặt không khỏi lạnh xương sống. Tự lấy làm may mắn vì không phải tham chiến. Tên thủ lĩnh lực lượng Kiếm đảo thấy đồng đội gục ngã gần nửa số liền ra hiệu, cả bọn tung ra một loại trái khói tỏa mù mịt đấu trường. Nhưng khi chúng tung mình định đào tẩu thì một hồi còi trúc cao vút ré lên, bốn con miêu ưng từ trời cao sà xuống như tia chớp, quạt những luồng kình phong nặng nề đè bọn đạo tặc rơi xuống. Có năm sáu tên bị móng vuốt thần ưng cào nát mặt mũi. Màn khói mù cũng bị thổi tan đi. Ngọc Yến cho lũ thần ưng rút lui, quần hào xông lại đánh tiếp. Vân Long muốn bảo toàn lực lượng của mình nên đành phải nhập cuộc.