Bích hàn kim
Chương 1
Rất nhiều năm sau, đến lúc Mộ Phù Lan trưởng thành, vẫn không thể nào quên được năm nàng sáu tuổi, màn ly biệt giữa nàng và vị cô cô đang hấp hối trong Phượng Nghi cung, cùng với những điều nàng đã thì thầm đêm đó.
Cô cô là đệ nhất mỹ nữ của Trường Sa quốc. Ngoài mỹ mạo của nàng, điều khiến nàng càng nổi danh chính là tài hoa cùng đức hạnh. Sau này nàng được thái hậu chọn trúng, trở thành Phượng Nghi trung cung, đương triều hoàng hậu.
Đây có thể coi là một việc vô cùng hiển hách.
Từ khi vương triều này lập quốc, đã hơn hai trăm năm. Thuở đầu khai quốc, đại phong thiên hạ. Ngoại trừ các phiên vương trong hoàng thất được phong đất phân chia đến các nơi, cũng có vài dòng họ công thần, nhờ công trạng lớn lao mà được phong vương khác họ.
Tổ tiên Mộ thị vinh dự là một trong số đó, bởi vì công lao cái thế, được phong làm Trường Sa vương cùng hai mảnh đất Trị Nhạc Châu, Đàm Châu. Mộ thị từ đó cũng di chuyển xuống phía nam, đời đời cư ngụ bên bờ Động Đình.
Mấy đời Trường Sa vương, đều khắc ghi giáo huấn tổ của tiên, phận sự của vương khác họ, phải đi đủ hai buổi chầu xuân và thu, cai quản tốt lãnh thổ, thương dân như con.
Quốc gia truyền thừa đến nay, mấy vị vương gia khác họ đương triều, do các loại tội danh, hoặc bị bãi miễn, hoặc bị phế quốc, những người còn lại, cũng đang đối diện nguy hiểm trùng trùng.
Duy chỉ có Trường Sa quốc, nước tuy nhỏ, lại bởi các đời tiên vương cần chính thương dân, không lộ dã tâm, cộng thêm vị trí lại ở phương nam xa xôi, nhờ vào con lạch trời dài tám trăm dặm giữa Động Đình và Trường Giang, không những tránh khỏi tranh chấp thị phi của Trung Nguyên, một mảnh đào nguyên, quốc thái dân an, đến nay, muội muội của Trường Sa vương được dân chúng vô vàn kính yêu, lại được Thiên gia ở kinh thành xa xôi chọn trúng, vào làm chủ trung cung.
Việc này với con dân của Trường Sa quốc mà nói, là một chuyện vinh quang và tự hào đến bậc nào.
Năm cô cô rời khỏi Nhạc thành ven hồ Động Đình, được đưa đến thượng kinh làm hậu, Phù Lan hẵng còn chưa ra đời.
Nhưng từ khi nàng bắt đầu hiểu chuyện, không chỉ một lần nghe được các ma ma già trong nhà kể bản thân mình rất giống với cô cô. Chuyện phiếm hễ nhắc đến màn rầm rộ khi vương muội rời khỏi Động Đình năm đó, trên mặt ai ai cũng mang theo nét kiêu ngạo của sự vinh hiển còn sót lại năm nào.
Tuy cô cô còn chưa từng nhìn thấy tiểu Phù Lan, nhưng chắc rằng cũng có nghe qua chuyện đứa cháu gái nhỏ có dung mạo giống mình như đúc, lúc nào cũng quan tâm chu đáo đến Phù Lan.
Từ lúc nàng sinh ra, lễ vật tới từ kinh thành, bốn mùa không ngớt. Phù Lan bé bỏng, cũng tràn đầy ao ước với vị hoàng hậu cô cô trong truyền thuyết, thời khắc đều mong mỏi được gặp mặt cô cô nơi kinh thành xa xôi kia.
Nàng thường thành tâm khẩn cầu với Quân Sơn đại đế, âm thầm cầu nguyện.
Thần linh dường như nghe được lời cầu nguyện của nàng.
Năm nàng sáu tuổi, tâm nguyện của nàng, cuối cùng đã thành hiện thực.
Năm đó, hoàng hậu hoài thai, phu phụ Trường Sa vương được ân chuẩn, có thể vào kinh bái kiến.
Phù Lan được phụ mẫu dắt theo, còn cả huynh trưởng, trèo non lội suối, người ngựa nhọc nhằn, trải qua gần một tháng đi đường, mới tới được thượng kinh.
Phù Lan vốn tưởng rằng, Nhạc thành mình sống từ nhỏ đến lớn, là tòa thành trì phồn hoa nhất trên đời. Còn ngôi nhà ở ven hồ Động Đình được dân chúng Trường Sa xưng là “Vương cung”, chính là nơi tốt đẹp nhất thế gian.
Cho đến khi tới thượng kinh, mới biết thế nào là phồn hoa vạn dặm dưới chân thiên tử, lại thấy chỗ ở của cô cô mà mọi người gọi là “Hoàng cung”, Phù Lan mới hiểu, suy nghĩ trước giờ của mình, giống ếch ngồi đáy giếng đến bậc nào.
Hoàng cung trước mắt, mái hiên cong vút, trải dài miên man, phóng hết tầm mắt cũng không cách nào nhìn thấy điểm tận cùng.
Phủ quanh nàng là vạn khoảnh lưu ly, lầu son gác ngọc. Không kể xiết kim bích huy hoàng, nguy nga lộng lẫy.
Tòa Phượng Nghi cung cô cô đang ở, lại càng tráng lệ xa hoa, rường cột chạm vàng nạm ngọc.
Trong một mảnh vàng son lộng lẫy mê hoặc mắt người, Phù Lan nhìn thấy cô cô, người phụ nữ tôn quý nhất trong hoàng cung này.
Cô cô trang điểm hệt như tiên cơ trên trời, cũng đẹp tựa tiên cơ trên trời vậy. Trên mặt nàng nở nụ cười, không để ý sự khuyên can của mẫu thân Phù Lan, để mặc Phù Lan nhỏ bé ngồi trên đầu gối mình, đặt xuống hai gò má nàng một nụ hôn ấm áp.
Cô cô giống hệt với trong tưởng tượng của Phù Lan.
Cô cô thích Phù Lan, Phù Lan cũng thích cô cô y như vậy. Sau đó, khi phụ mẫu đưa huynh trưởng quay về Trường Sa quốc, thì Phù Lan được giữ lại trong hoàng cung, tiếp tục bầu bạn với cô cô.
Khi Phù Lan còn đang luẩn quẩn bên cạnh hầu hạ, bụng của cô cô đã ngày một lớn dần, cuối cùng kỳ sinh nở cũng đến.
Điều khiến Phù Lan không thể ngờ là, cô cô lại gặp phải tình cảnh khó sinh, tiếp đó thì băng huyết.
Vị hoàng tử kia, ra đời chưa được bao lâu, cũng không cách nào giữ được.
Cô cô nằm trên giường phượng trong Phượng Nghi cung, đã hôn mê liên tiếp ba bốn ngày.
Trong ba bốn ngày này, không giây phút nào Phù Lan ngừng khẩn cầu Quân Sơn đại đế ở quê nhà Động Đình, van xin thần linh phù hộ, để cô cô có thể bình an vượt qua ải khó khăn này.
Quân Sơn đại đế trong lòng Phù Lan bé bỏng, chính là vị thần vạn năng nhất trên thế gian, cũng là vị thần chịu thương xót nàng nhất.
Mỗi năm đến tiết xuân phân, phụ mẫu đều sẽ chuẩn bị đầy đủ ngũ sinh*, dẫn theo Phù Lan và huynh trưởng, còn cả quan viên Trường Sa quốc, bỏ lại ngựa xe, thành kính bộ hành, từ chân núi leo lên đỉnh núi, cúng tế Quân Sơn đại đế.
*Vật tế thần (bò, dê, heo…)
Chính vì được sự phù hộ của thần linh, Trường Sa quốc mới có thể mưa thuận gió hòa, mùa vụ bội thu.
Cũng bởi được thần linh ứng cầu, nàng mới tới được kinh thành, gặp được cô cô.
Vậy mà lần này, vị thần Quân Sơn lại không nghe lời khẩn cầu của nàng nữa.
Hôm đó đêm đã khuya, khóc mệt rồi, nàng chìm vào giấc ngủ say bên cạnh cô cô, bỗng nhiên lại chợt tỉnh.
Bên tai nàng, dường như thoảng qua một một giọng hát không biết truyền tới từ nơi nào trong hoàng cung.
“…Tây Nam có Côn Minh, chim nhả vàng trên biển… Trân châu cùng não rùa, nhả vụn vàng như kê…”
“…Không đeo vàng Bích hàn , sao chiếm đế vương tâm… Không cài trâm Bích hàn, sao được vương sủng ái…”
Phù Lan bé bỏng, khi đó không hiểu lời ca mình nghe được có hàm nghĩa gì. Sau này khi lớn lên, nàng mới hiểu được.
Truyền thuyết kể lại rằng, Côn Minh quốc có loài chim ho ra vàng, thường bay lượn ở những vùng biển xa xôi, thời Ngụy Minh đế, các quốc gia khác tới cống chim, lấy não của rùa Trân châu cho nó ăn, chim sẽ nhổ ra vụn vàng to bằng hạt kê, chế tạo thành trâm cài tóc, giai lệ đeo lên, dung nhan tăng gấp bộ lần, đế vương thấy được bèn dừng chân ngoảnh đầu ngắm, say đắm không thôi. Cung nhân vì vậy mà tranh nhau dùng loại vàng do chim nhả ra làm trang sức. Gọi là Bích hàn kim*, vì chim không sợ lạnh.
*Bích hàn kim: vàng tránh được cái lạnh
Cung điện âm trầm, tiếng hát thoáng bay qua, ngọn nến bên người chợt bị cơn gió đêm thổi lay động, sâu kín oán than, phảng phất như đến từ minh giới, cung điện giữa màn đêm tĩnh mịch không một tiếng động, càng thêm vẻ khiếp người.
Non nửa năm sống trong cung, Phù Lan cũng từng nghe các tiểu cung nữ thần thần bí bí nói với mình, ở chỗ bọn họ không thấy được có một nơi gọi là Lãnh cung, tồn tại đã mấy trăm năm, luôn lượn lờ những âm hồn không tan của các nữ quỷ. Có đôi khi, vào lúc nửa đêm, cung nhân nào bị âm khí quấn thân, thậm chí còn có thể nghe thấy tiếng ca ai oán từ nơi đó truyền đến.
Vốn dĩ Phù Lan không tin.
Hoàng cung là nơi rực rỡ xán lạn như vậy, sao lại có oan hồn bất tán cho được.
Nhưng ngay thời khắc này, nàng mới kinh hoàng nhận ra, trong lỗ tai nàng, giống như thật sự có một giọng hát quỷ dị len lỏi vào.
Điều càng khiến nàng thêm sợ hãi, chính là các cung nhân và nữ quan gác đêm bên cạnh.
Bọn họ hoàn toàn không có bất cứ phản ứng gì. Người vì quá mệt mỏi, len lén dựa vào cột đình lim dim ngủ, người quỳ trước giường phượng, rơi lệ canh giữ cho vị Hoàng hậu Mộ thị từ Trường Sa quốc mà ngày thường vẫn luôn hậu đãi cung nhân.
Tiếng ca ai oán bên tai, không khỏi đứt quãng, dường như chưa có ý định ngừng lại.
Đúng lúc này, Phù Lan nhìn thấy vị cô cô đã hôn mê nhiều ngày, đôi mi rũ xuống nhắm chặt của nàng, đang nhẹ nhàng run rẩy, sau đó, chầm chậm mở mắt.
Cô cô của nàng tỉnh lại, ánh mắt mở mịt nhìn lên đỉnh đầu, nơi có bức màn gấm thêu chim phượng đang sà xuống cành mẫu đơn, chỉ chốc lát sau, Phù Lan thấy đôi môi nàng khẽ mấp máy, trong miệng thì thào nói một câu gì đó.
Thanh âm của nàng yếu ớt đến nỗi dường như không thể nghe ra, nhưng Phù Lan đã nhìn thấy, môi của nàng, đang lặp đi lặp lại câu ca lơ lửng vừa rồi.
Không đeo vàng Bích hàn , sao chiếm đế vương tâm.
Không cài trâm Bích hàn, sao được vương sủng ái.
“Cô cô!”
Phù Lan kêu lên một tiếng, nhào tới trước giường phượng, túm lấy tay cô cô, tròng mắt ngấn lệ, lại mang theo vài phần mừng rỡ.
Cung nhân và nữ quan gần đó bị kinh động, rối rít vây tới.
Gương mặt của cô cô, trắng đến mức giống như được phủ một tầng tuyết trên đỉnh núi Quân Sơn mênh mang.
Một lát sau, nàng mới chậm rãi quay sang, ngón tay lạnh như băng, nhẹ phủ lên bàn tay nhỏ nhắn của Phù Lan, dùng giọng nói yếu ớt, lệnh cho mọi người xung quanh lui xuống hết.
Cung nhân và nữ quan im lặng lui ra khỏi điện.
Giọng ca mờ ảo bên tai, đến vô ảnh, đi cũng vô tung.
Không gian yên lặng như tờ, bên tai thanh tĩnh.
“Cô cô nhẹ giọng nói: “Lan nhi, hát lại bài mà mỗi năm được mùa, dân chúng Trường Sa ta thường hát khi phụ vương con lên núi Quân Sơn cúng tế đi…”
“Cô cô đã nhiều năm không được nghe rồi. Ta muốn nghe…”
Phù Lan cuống quýt lau nước mắt, gắng sức gật đầu, cất lên bài ca dao nàng quen thuộc hơn bất cứ ai:
“Kìa ngài Thái đế, trí tuệ như thần, phân chia hoa thời, giúp con dân ta.”
“Kìa ngài Thái đế, công lực tựa trời, đều khắp bốn mùa, thành năm bội thu.”
Giọng hát của bé gái, không ngừng vang vọng trong Phượng Nghi cung tĩnh mịch mà trống vắng, non nớt lại kỳ ảo, hệt như âm thanh của tự nhiên.
Khóe môi của cô cô, chậm chạp khẽ cong lên.
Phù Lan hát hết lần này đến lần khác, hết bài ca dao này, lại hát cho cô cô nghe một bài ca dao khác.
Thoạt đầu cô cô vẫn luôn trầm ngâm nghe hát, sau đó, dường như nàng mệt rồi, hai nhắm mắt lại.
Chốc lát sau, Phù Lan nghe thấy nàng thì thào nói: “…Viên thừa tướng, đến nay hắn vẫn ổn chứ…”
Phù Lan ngẩn ra, ngừng lại một chút.
Nàng từng thấy mẫu hậu dùng giọng điệu hoài niệm nói với nàng, Viên thừa tướng của Trường Sa quốc, là cánh tay đắc lực của phụ vương con, nhưng mấy năm trước, hắn đã qua đời rồi.
Viên thừa tướng cả đời không lấy vợ, chỉ để lại một nghĩa tử, nghe nói năm đó hắn được nhặt về từ bên cạnh hang sói trong núi sâu, đặt tên là Hán Đỉnh. Sau khi Viên thừa tướng tạ thế, mẫu hậu mang đứa trẻ đó về vương phủ nuôi dưỡng, đối đãi như với con cháu ruột thịt trong nhà. Hắn lớn hơn Phù Lan vài tuổi, lúc nào cũng nghe lời nàng răm rắp, chẳng khác gì một người huynh trưởng của nàng.
“Cô cô, Viên thừa tướng, ngài ấy đã bệnh qua đời rồi…”
Phù Lan không hiểu tại sao cô cô lại đột nhiên hỏi đến Viên thừa tướng, chần chừ một lúc, mới nhỏ giọng đáp lại.
Nàng vừa dứt lời, khóe mắt của cô cô một lần nữa khẽ run lên, con ngươi dần mở lớn, dường như lúc này mới tỉnh táo lại.
“…Đúng vậy, hắn đã đi rồi, sao ta lại quên mất được…”
Nàng dùng giọng nói thấp đến mức gần như không thể nghe ra, lẩm bẩm một câu.
“Cô cô! Người nhất định phải khỏe lại!”
Có một loại dự cảm chẳng lành, giống như thủy triều ập đến, nuốt trọn lấy Phù Lan bé bỏng.
Nàng ghé vào bên giường, đôi tay nhỏ nhắn nắm chặt lấy bàn tay mềm mại mà ướt lạnh của cô cô, không ngừng nức nở gọi nàng.
Cô cô khó nhọc giơ lên một cánh tay, giúp nàng lau đi những giọt nước mắt không ngừng chảy xuống trên mặt, đôi mắt đẹp đẽ chăm chú nhìn nàng, trầm thấp nói: “Mọi người đều bảo rằng, cô cô là đệ nhất mỹ nữ Trường Sa, nhưng từ lần đầu tiên trông thấy con, ta đã biết, đợi sau này Lan nhi lớn lên, mới thực sự là đệ nhất mỹ nữ của Trường Sa quốc chúng ta.”
Nàng mỉm cười, nói từng chữ rành rọt: “Lan nhi, đời này của con, chắc chắc sẽ may mắn hơn cô cô rất nhiều. Cô cô sẽ cầu phúc cho con, che chở cho con.”
Nàng dùng sức nắm lấy tay Phù Lan.
Giống như chỉ có như vậy, mới có thể đem ước nguyện từ tận đáy lòng mình, nhắn gửi đến trời cao.
Lúc này ở phía sau, nữ quan dẫn theo thái y, vội vã chạy vào.
Cô cô cuối cùng vẫn không thể vượt qua cửa ải đó, không muốn để Phù Lan thấy cảnh nàng hấp hối, bởi vậy, sai người cưỡng chế ôm Phù Lan đang khóc thút thít đưa đi.
Trời vừa hửng sáng, Phù Lan đã nghe nữ quan nói, hoàng hậu cô cô của nàng đi rồi, lúc ra đi vô cùng bình thản, vẻ mặt hệt như lúc còn sống, giống như chỉ đang chìm vào một giấc ngủ say.
Thoắt cái đã là mười năm.
Hoặc có lẽ, không chỉ có mười năm.
Nhiều năm như vậy, thời gian cứ thế trôi đi.
Nàng đã không còn là cô bé véo von hát cho cô cô nghe năm nào.
Nhưng đêm đó, mỗi câu mỗi chữ cô cô nói với nàng, đến bây giờ Phù Lan nhớ lại, vẫn còn văng vẳng bên tai.
Ấy vậy mà, lời chúc phúc tốt đẹp của cô cô khi hấp hối, cuối cùng vẫn chẳng được như nguyện.
Người đương thời có câu, nữ nhân Mộ thị của Trường Sa quốc, mỗi đời tất có một vị tuyệt sắc giai nhân.
Mỹ mạo vô song, nhưng vận mệnh lại bất hạnh, không được chết một cách tử tế.
Điều này, có lẽ chính là số mệnh của nữ nhân Mộ thị.
... ...... .......
Từ Động Đình chuyển hướng vào Trường Giang, men theo bờ sông ngược dòng về hướng tây, qua Giang Lăng, Hiệp Châu, Quy Châu, xuyên qua Ba Đông, lại vượt Vu Sơn, nằm cạnh Thục đạo* gian nan, chính là Quỳ châu, bên dưới châu có một huyện cổ, nghe nói trong ghi chép sớm nhất của huyện còn có thể truy ngược về thời khai quốc đầu tiên của triều đại này, có nhóm người thuộc một chi của họ Tạ vì để tránh nạn, bèn liên tiếp dời nhà tới đây, dần dà sinh sôi nảy nở đông đúc, trong thôn vẫn còn rất nhiều hộ gia đình họ Tạ, vì vậy đặt tên là Tạ huyện.
*Thục đạo: Con đường dẫn tới đất Thục
Ánh nắng ban mai xuyên qua tấm song cửa điêu khắc hình chữ vạn đang che khuất một tầng giấy dán đã có dấu vết thời gian, dần dần, chiếu sáng quang cảnh căn phòng.
Trong gian chính đường của tổ trạch Tạ gia, hôm nay, Tạ mẫu Thẩm thị giống như mọi ngày, khoanh chân ngồi ở mép giường, đợi con dâu Mộ Phù Lan tới thỉnh an buổi sáng, kế đó giúp mình thay giày, chải tóc, một ngày mới đã bắt đầu.
Mộ thị chính là vương nữ của Trường Sa vương đã qua đời ba năm trước, cũng là vương muội của vị Trường Sa vương hiện tại.
Gả đến nhà chồng, bất luận thân phận ban đầu cao hay thấp, thỉnh an sáng tối, tất nhiên phải cần, đây là đạo hiếu của con dâu với mẹ chồng.
Nhưng mỗi ngày tự tay giúp mẹ chồng mang giày chải tóc, với thân phận nữ nhân Mộ thị mà nói, không khỏi có phần hạ mình.
Cho nên ban đầu, khi con dâu mới chủ động hầu hạ mình làm những việc kia, Thẩm thị hoàn toàn không thể ngờ được, cũng có chút mất tự nhiên.
Mà hiện tại, nữ nhân Mộ thị đã xuất giá hơn nửa năm, dịu dàng hiền thục, đối với bà cũng kính cẩn lễ phép, hầu hạ chu toàn, khắp người không thấy được nửa điểm dáng điệu vương nữ. Tạ mẫu lúc đầu còn luống cuống tay chân, dần dà cũng tập thành thói quen, thậm chí cho đây là chuyện dĩ nhiên.
Thẩm thị có thói quen dậy sớm, con dâu mới cũng học theo bà, mỗi ngày trời còn chưa sáng đã rời giường, đến giờ Mẹo chắc chắn đã đợi bên ngoài nhà chính. Mắt thấy hôm nay đã quá giờ, vẫn chưa thấy bóng dáng Mộ thị đâu, bên đông sương tân phòng, Mộ ma ma đi theo hầu hạ con dâu, cũng chỉ phái một nha đầu tới, nói phu nhân hôm nay dậy hơi muộn một chút, xin thỉnh tội với lão phu nhân trước, một lát nữa sẽ tới vấn an, trong lòng không khỏi bực bội, chân mày dần dần nhíu lại.
Nha hoàn Thu Cúc của Thích gia đứng bên cạnh từ mấy năm trước đã tới hầu hạ bà --- ban đầu tên là Thu Lan, cũng có vài phần tư sắc, vì kiêng kỵ tên húy của chủ mẫu, mới đổi thành Thu Cúc, nhìn sắc mặt bà thăm dò, bắt đầu nhỏ giọng thì thầm: “Lão phu nhân, không phải nô tỳ lắm miệng, tuy nói phu nhân từ Trường Sa quốc gả tới, nhưng xưa đâu bằng nay. Ba năm trước, lúc vừa mới đính hôn, Trường Sa quốc hẵng còn tạm được. Nhưng từ khi lão Trường Sa vương mất, Trường Sa quốc ngày càng lụn bại. Lão gia nhà chúng ta, mấy năm nay lại một bước lên mây. Cứ nói đầu năm nay thôi, lúc cưới nàng về, đã được triều đình phong làm Tiết độ sứ Hà Tây rồi. Nô tỳ nghe nói, ngay cả đương kim Lưu hậu, nhìn thấy lão gia nhà chúng ta, cũng phải tươi cười đối đãi, nói mấy câu tán thưởng để lung lạc ngài. Đợi lần này lão gia đi dẹp loạn chiến thắng trở về, thăng quan tiến chức, chắc chắn là không thể thiếu được.”
Trên mặt Tạ mẫu lộ ra nụ cười.
“Lão phu nhân, ngài đối xử với phu nhân như con cái trong nhà, thương nàng lấy chồng xa không dễ dàng gì, còn thân thiết hơn cả con gái ruột. Nàng gả tới đây, mới được có mấy ngày, trong mắt đã không có lão phu nhân rồi, để lão phu nhân phải đợi lâu thế này!”
Đầu lưỡi nàng ta cuốn lên hàm trên, khéo léo đánh xuống một chút, phát ra một tiếng “chậc” thanh thúy.
“Nô ty chỉ biết con dâu hầu hạ mẹ chồng là chuyện hiển nhiên, lần đầu tiên mới được thấy chuyện con dâu ỷ vào nhà mẹ đẻ bắt mẹ chồng phải chờ con dâu ló mặt.”
Nụ cười trên trên môi Thẩm thị biến mất, sắc mặt có phần không vui, nói: “Ngươi qua bên đó xem xem, rốt cuộc có chuyện gì. Mặt trời đã chiếu tới lưng rồi, chẳng lẽ nó còn chưa ngủ dậy?”
Thu Cúc dạ một tiếng ròn tan, chân bước đi như bay, xuyên qua hành lang, rất nhanh đã đến sương phòng phía đông.
Tổ tiên của Tạ gia, là hậu duệ trực hệ của một chi nhà họ Tạ thuộc tiền triều di cư đến đây. Thời cao tổ, còn là cường hào một vùng, nếu nói ruộng đồng vạn khoảng, gần như là địa chủ chiếm cứ một nửa Tạ huyện, cũng không khoa trương chút nào. Tòa tổ trạch này, năm đó cũng từng là một trong những tòa dinh thự khí phái nhất toàn huyện. Nhưng sau đó, cụ cố mê cờ bạc, Tạ gia bắt đầu sa sút. Đến thời phụ thân của Tạ Trường Canh, Tạ phụ chỉ còn là một sai nha trạm dịch, dựa vào bổng lộc ít ỏi, nuôi sống gia đình qua ngày. Năm Tạ Trường Canh mười bốn tuổi ông phạm tội phải rời nhà, tổ trạch Tạ gia lại càng thêm tiêu điều. Mãi đến mấy năm trước, Tạ gia một lần nữa vực dậy, Thẩm thị dọn trở về đây, nhà cửa mới được trùng tu thêm. Mà đông sương phòng bên này, hồi đầu năm khi Tạ Trường Canh cưới Mộ thị, lại được tu sửa lần nữa.
Tạ Trường Canh cưới vương nữ Mộ thị là vào đầu mùa xuân.
Hơn nửa năm trôi qua, hôm nay gió thu đã về. Trên cửa sổ tuy còn dán chữ song hỷ đỏ rực, nhưng trải qua dầm mưa dãi nắng, màu đỏ thẫm tươi tắn ban đầu đã dần dần phai đi, để lại một màu ảm đạm nhạt nhòa.
“Mộ ma ma, lão phu nhân đã dậy từ sáng sớm rồi, đợi trái đợi phải vẫn không thấy phu nhân, mới sai ta qua bên này xem xem. Nếu phu nhân thấy mệt mỏi nhức đầu, ma ma cũng nên nói với ta một tiếng, ta quay về chuyển lời, tránh để lão phu nhân phải đợi vô ích.”
Thu Cúc đứng ở khúc quanh hành lang dẫn đến đông sương phòng, nói với Mộ ma ma đang mở cửa, giọng điệu nghe có vẻ cung kính, kỳ thực hàm ý lại bất kính.
Trước đây Mộ ma ma là loại người thế nào.
Vương nữ trèo đèo lội suối, thực hiện lời hứa gả đến vùng đất Ba Kinh xa xôi khô cằn, ngay trong đêm tân hôn, Tạ Trường Canh vừa vào động phòng, đã bị một chiếu thư hỏa tốc của triều đình triệu đi, cởi xuống hỷ bào, suốt đêm vội vã rời nhà, đến bình định loạn Giang Đô vương, tới nay vẫn còn chưa quay lại.
Trong hơn nửa năm này, tận mắt nhìn thấy vương nữ trước kia nhận mọi sủng ái sớm tối phụng dưỡng Tạ mẫu, chu đáo tỉ mỉ, mọi việc đều tự thân làm, không kêu lấy nửa tiếng uất ức.
Tạ mẫu này, nếu là người thấu tình đạt lý thì cũng thôi, đằng này lại là kẻ tầm mắt hạn hẹp. Thấy vương nữ ngoan ngoãn dịu dàng, lại cậy vào chút khí thế của nhi tử, được đằng chân lân đằng đầu, ngày càng không để vương nữ vào trong mắt.
Mộ ma ma hiểu lòng vương nữ, trái tim nàng bị lang quân Tạ gia trói chặt, yêu ai thì yêu cả đường đi lối về, bởi vậy mới cam nguyện chịu tủi thân. Tuy trong lòng vừa tức vừa đau, nhưng sự việc lại liên can đến quan hệ giữa nàng và vợ chồng Tạ gia, có vài lời không tiện nói thẳng, thường ngày chỉ có thể âm thầm nhắc nhở thêm trước mặt vương nữ, thấy nàng không hề để ý, bản thân cũng chỉ đành nhẫn nhịn.
Hơn nửa năm nay, vương nữ mỗi ngày đều dậy sớm, mặc kệ trời mưa trời gió, có hôm nào không đứng trước cửa phòng từ tinh mơ chờ được mở cửa, tiến vào hầu hạ.
Duy chỉ có hôm nay, không biết vì nguyên nhân gì, vương nữ chậm chạp chưa rời giường, vừa rồi bản thân sợ Tạ mẫu đợi lâu, mới phái người sang chuyển lời.
Còn chưa qua thời gian một chén trà, đã có người đến giục. Không chỉ như thế, ngay cả một nô tỳ hèn mọn của Thích gia, cũng dám tới đây nói năng như vậy.
Nếu là hồi trẻ, chỉ sợ Mộ ma ma đã sớm quăng cho ả một bạt tai rồi.
Mấy người thị nữ đứng ngoài cửa đợi hầu hạ vương nữ rời giường, nghe thấy vậy sắc mặt đều lộ ra tức giận.
Thù Du có tính cách nóng nảy nhất, đã khó mà nhịn nổi cục tức này, lạnh lùng nói: “Mới sáng sớm ra đang yên đang lành, lại dám đi nguyền rủa chủ nhân ta. Loại heo mọi chó ghẻ là thế nào, hôm nay coi như ta được mở mang tầm mắt rồi.”
Thu Cúc nghẹn họng, mặt tức thì đỏ lên, đang định tiếp lời, hòng lấy lại mặt mũi, Mộ ma ma đã mở miệng: “Để lão phu nhân đợi lâu, là chúng ta không chu toàn, nhưng ban nãy đã sai người tới chuyển lời rồi, cũng không xem như quá thất lễ. Phải biết là trong triều đình, thiên tử cũng cho phép thần tử không khỏe được cáo ốm, huống chi là mẹ chồng con dâu một nhà?”
Nàng vừa dứt lời, quay mặt sang, dặn dò một thị nữ khác tên Đan Chu trông có vẻ chững chạc hơn: “Ngươi qua đó, đem những lời ban nãy ta nói truyền đạt lại cho lão phu nhân, nhận lỗi với ngài thêm lần nữa. Chắc hẳn lão phu nhân cũng không đến mức đi so đo loại chuyện nhỏ nhặt này.”
Đan Chu thưa vâng, xoay người chuẩn bị rời đi.
Ngày thường Thu Cúc vốn đã có chút kiêng dè vị Mộ ma ma đến từ Trường Sa vương phủ này, giờ nghe cách nàng nói chuyện, ánh mắt thâm thầm nhìn chằm chằm vào mình, những lời trong miệng cũng không dám nói ra nữa, bèn nuốt cuống, cúi thấp đầu, quay người định trở về, chợt nghe thấy đông sương phòng vang lên một tiếng “kẽo kẹt”, giương mắt, cửa đã được mở, Mộ thị xuất hiện ngay phía trước.
Sắc mặt nàng tái nhợt, mắt đẹp hơi sưng tấy, nhưng thần sắc lại cực kỳ bình tĩnh.
Rõ ràng cùng là một người, không hiểu sao dáng vẻ này so với hôm qua lại tưởng như hai người khác nhau.
Tầm mắt của nàng rơi thẳng lên người Thu Cúc.
“Vừa hay ngươi ở đây, đi nói với bà mẫu* một tiếng, nói hôm nay ta nhất định phải lên đường hồi hương. Đợi thu dọn xong hành trang, ta sẽ tới chỗ bà bái biệt.”
*Bà mẫu: mẹ chồng
Dứt lời, lại quay sang phía Mộ ma ma và mấy người thị nữ đứng ngoài cửa đang thất kinh nghe tin.
“Mau chóng thu dọn đồ đạc, chuẩn bị ngựa xe, sắp xếp nhân thủ, hôm nay sẽ lên đường, chúng ta về Động Đình.”
Nàng phân phó xong, quay người trở về phòng.
Mộ ma ma như chợt tỉnh mộng, vội vàng cất bước, theo vào trong phòng.
Truyện khác cùng thể loại
393 chương
55 chương
10 chương
50 chương