Bí Thư Tỉnh Ủy
Chương 101
Đình đọc lại bản dự thảo quản lí lao động lần nữa rồi quẳng xuống bàn, hai tay nắm chặt đấm mạnh vào bản dự thảo và để nguyên như vậy. Vẻ mặt Đình căng thẳng chen lẫn tức tối. Lúc đầu Đình định cầm bản dự thảo sang báo cáo với các phái viên của Ban bí thư nhưng nghĩ đi nghĩ lại thấy làm như vậy thì bất lợi cho mình, chi bằng cứ trao đổi với ông Kim trước. Nếu ông Kim không chịu nghe thì báo lại với các phái viên, lúc ấy ông Kim không còn cớ gì để bảo mình đem chuyện nội bộ đi ton hót với người khác như một lần trước đây ông Kim đã nói như quát vào mặt Đình.
Đình bước vào phòng làm việc của ông Kim với thái độ vui vẻ:
- Anh có rỗi không, tôi muốn trao đổi với anh vài điểm trong bản dự thảo về quản lí lao động trong các Hợp tác xã nông nghiệp.
Ông Kim hỏi:
- Ông đã đọc kỹ bản dự thảo về quản lí lao động chưa mà đã vội trao đổi?
Đình đáp:
- Tôi đọc tương đối kỹ.
Ông Kim cười:
- Mới tương đối thì đọc cho kỹ rồi trao đổi chứ vội gì.
- Nói là tương đối nhưng tôi đã đọc rất kỹ.
Ông Kim rót chén nước đẩy về phía Đình:
- Nếu ông đã đọc kỹ rồi thì ông nói cho tôi biết nhận xét của ông về bản dự thảo.
Đình nhìn ông Kim thăm dò rồi hỏi:
- Anh có muốn nghe tôi nói thẳng, nói thật không?
- Sao ông hỏi tôi câu ấy?
Đình chọn cho mình lối nói nhẹ nhàng nhằm thuyết phục ông Kim:
- Tôi biết anh là con người thẳng thắn. Nhưng trong trường hợp anh đặt nhiều kỳ vọng vào bản dự thảo này mà lại có người phê phán nó, tôi sợ những phản ứng của anh không còn khách quan nữa.
Ông Kim chẳng còn lạ gì tính tình của Đình nên nói thẳng:
- Ông không cho tôi sử dụng quyền tranh luận, phản bác của mình hay sao?
- Tôi không có ý ấy. Tôi chỉ sợ anh nổi nóng không chịu nghe hết những nhận xét của tôi mà thôi.
Ông Kim cười:
- Nếu vậy thì ông khỏi lo. Tôi bình tĩnh nghe ông nói đây. Ông nói đi.
Đình đặt bản dự thảo xuống trước mặt mình:
- Về bản dự thảo này có mặt ưu điểm của nó là soạn rất chi tiết. Lập luận lôgich, chặt chẽ. Những vấn đề được nêu ra trong bản dự thảo có sức hấp dẫn nông dân. Tôi tin nó sẽ được nông dân đón nhận hết sức nhiệt tình, vì bản dự thảo đã trả lại quyền làm ăn tự do của họ…
Ông Kim biết Đình nói lắt léo nên ngắt luôn:
- Có phải ý ông muốn nói bản dự thảo đưa nông dân trở về con đường làm ăn cá thể không?
Đình vẫn giữ thái độ bình thản:
- Tôi sẽ đề cập đến vấn đề này sau. Bây giờ anh để cho tôi nói hết nhận xét của tôi về bản dự thảo đã.
- Xin lỗi ông vì tôi đã ngắt lời. Ông nói tiếp đi.
- Vâng. Về nhược điểm hay nói sai lầm cũng được của bản dự thảo có nhiều vấn đề. Tôi chỉ xin nêu ra hai nhận xét thôi. Phần thứ nhất, nhận định tình hình theo tôi là phiến diện, không khách quan. Nhận định theo kiểu nhìn giọt nước để đoán đại dương. Vì sao tôi nhận xét vậy? Bản dự thảo nói, qua khảo sát 18 Hợp tác xã trong tỉnh thấy nổi lên sự yếu kém của các Hợp tác xã nông nghiệp, đời sống nông dân gặp rất nhiều khó khăn, có nơi thường xuyên bị nạn đói giáp hạt đe dọa, nội bộ nông dân mất đoàn kết, cán bộ Hợp tác xã thì tham ô, tự tư tự lợi. Vân vân và vân vân. Chỉ nhìn qua 18 Hợp tác xã mà bản dự thảo đã phác họa ra một bức tranh đen tối về con đường tập thể hóa nông thôn của Đảng ta là vô cùng phiến diện…
Ông Kim đưa tay lên chặn ngang câu nói của Đình:
- Chỗ này tôi xin ngắt lời ông một chút. Bản dự thảo không phải chỉ nhìn 18 Hợp tác xã như ông nói mà nhìn cả một bức tranh tổng thể về tình hình của các Hợp tác xã nông nghiệp trong toàn tỉnh mấy năm trở lại đây. Ông Côn phụ trách trưởng ban nông nghiệp tỉnh ủy đã đi khảo sát 29 Hợp tác xã ở Linh Sơn, 15 Hợp tác xã ở Yên Lộc. Các huyện khác, ông Côn cũng đến tận nơi cùng ăn cùng ở với bà con nông dân để biết cuộc sống thực của họ cũng như tâm tư nguyện vọng của bà con nông dân. Tôi nghĩ nhận xét phiến diện chính là ở ông chứ không phải bản dự thảo.
Đình cười mỉa:
- Mang kính màu gì thì nhìn cuộc đời bằng màu ấy. Theo tôi, qua mười năm xây dựng Chủ nghĩa Xã hội, đưa nông dân đi vào con đường làm ăn tập thể, nghèo đói bị đẩy lùi, cuộc sống của nông dân đã được cải thiện rất đáng kể. Không những ăn no mà trong bữa cơm đã có thịt, có cá…
Giọng ông Kim phần nào đã căng lên:
- Ông vừa từ trên trời rơi xuống đấy à? Ông bảo bữa cơm của nông dân đã có thịt có cá rồi phải không? Nông dân lấy đâu ra thịt cá mà ăn. Ông thử nhìn ông và tôi thuộc diện được cung cấp tem phiếu theo tiêu chuẩn của cán bộ cao cấp mà một tháng được bao nhiêu cân thịt, bao nhiêu cân cá? Có lẽ khi xuống cơ sở ông nhìn vào những bữa cơm của ủy ban xã hoặc Ban quản trị mời ông có thịt gà, thịt lợn và các món sơn hào hải vị nên ông nghĩ bữa cơm của nông dân cũng như vậy. Không có đâu ông ạ. Nông dân còn khổ lắm. Tôi nói chắc ông không tin vì ông có đôi mắt kính màu hồng. Nhiều nơi nông dân không có cả muối vừng là thứ thức ăn được coi là mạt hạng nhất mà ăn chứ nói gì đến thịt cá.
Đình cố nén giọng mình lại:
- Anh bảo anh bình tĩnh để nghe tôi góp ý kiến về bản dự thảo, nhưng tôi nói câu nào ra anh cũng dùng những lời lẽ có tính chất mạt sát để phủ đầu tôi thì đành thôi vậy.
Ông Kim hạ giọng:
- Ông thông cảm với nhược điểm của tôi. Tôi đã cố gắng khắc phục nhiều nhưng vẫn chưa chấm dứt được. Ông nói hết ý kiến của ông về bản dự thảo đi.
Đình nói tiếp:
- Tôi đồng ý là có những vùng, những Hợp tác xã và có một số gia đình nông dân đang sống ở mức nghèo khổ, nhưng đó là cá biệt, là cục bộ chứ không phổ biến. Lấy cá biệt, cục bộ, biến nó thành phổ biến để định ra sách lược là một sai lầm mang tính chiến lược.
Ông Kim hỏi:
- Ông chỉ cụ thể cho tôi xem sai lầm chiến lược ở chỗ nào có được không?
Đình đáp:
- Do coi cơ chế hiện tại đã kìm hãm sự phát triển kinh tế của Hợp tác xã, đưa lại sự đói kém cho nông dân nên trong phần hai, phần nói về phương hướng, nhiệm vụ, biện pháp đã đưa ra một số phương pháp khoán mới thay cho khoán cũ. Trong đó đáng chú ý là cho khoán đến hộ nông dân. Đây là một việc làm sai nguyên tắc, đi ngược lại hoàn toàn với đường lối tập thể hóa của Đảng. Mở đường cho nông dân trở về với lối làm ăn cá thể.
Ông Kim mỉa mai:
- Cá thể là cái quái gì mà ông sợ nó ghê thế?
- Anh đừng vội mỉa mai. Với cương vị một bí thư tỉnh ủy, làm gì anh không phân biệt nổi giữa tập thể và cá thể. Bởi đó là hai mặt đối lập của một vấn đề. Nói cách khác hai mặt đối lập giữa Tư bản chủ nghĩa và Xã hội chủ nghĩa.
Cố kìm nén nhưng cuối cùng ông Kim vẫn bật ra khỏi miệng sự nín nhịn của mình:
- Tôi nói câu này ông đừng giận. Cái hiểu của ông là cái hiểu trong sách vở mà ông chưa tiêu hóa hết. Còn cái hiểu của tôi là tôi đã xắn quần nhảy xuống ruộng để biết cái cơ chế hiện tại đã biến người nông dân thật thà thành kẻ làm ăn dối trá như thế nào, đã nhìn vào tận nồi cơm của bà con nông dân xem nó đầy hay vơi. Còn chuyện đối lập, đối kháng, đối địch như ông vừa nói thì đến thằng trẻ con cũng biết chứ không cần đến một anh bí thư tỉnh ủy như tôi.
Đình bắt đầu cao giọng:
- Vì lợi ích của dân của Đảng, của Chủ nghĩa Xã hội nên tôi mới chân thành góp ý với anh về những sai lầm của bản dự thảo. Còn nghe hay không là tùy anh. Về phần tôi, với cương vị là một thường vụ tỉnh ủy, tôi có trách nhiệm phản ánh việc này với các đồng chí phái viên để các đồng chí ấy báo cáo với Ban bí thư Trung ương biết những gì đang xảy ra tại Phước Vĩnh.
Ông Kim ngồi lặng đi. Sau đó vớ cái điếu cày rít một hơi rồi vứt mạnh cái điếu xuống gầm bàn nằm lăn lông lốc, sau đó đứng lên bước ra bên ngoài. Đình tỏ vẻ lo lắng đưa mắt nhìn theo ông Kim.
Lát sau ông Kim quay lại đứng ngay trước mặt Đình, nói gằn từng tiếng:
- Tôi nói để ông hay. Ông muốn báo cáo với phái viên hay báo cáo với Ban bí thư, Bộ Chính trị, kể cả báo cáo với Tổng bí thư là việc của ông. Còn bản dự thảo này dứt khoát phải được thực hiện trong toàn tỉnh. Dứt khoát phải được thực hiện, ông nghe rõ chưa.
- Anh bình tĩnh để nghe tôi nói hết đã.
Ông Kim vẩy tay:
- Tôi nghe như vậy là đủ rồi. Tôi chỉ yêu cầu ông khi báo cáo với cấp trên, ông cầm theo bản dự thảo và phản ánh đúng nguyên văn của nó chứ không được xuyên tạc xiên xẹo. Phần tôi, tôi khẳng định là mình làm đúng. Dù có bị đưa lên giàn thiêu thì tôi vẫn nói tôi làm đúng. Ông hiểu chưa.
Đình cầm bản dự thảo đứng lên bỏ đi ra ngoài.
Ông Kim ngồi phịch xuống ghế và lấy điếu cày run rẩy vê thuốc cho vào nõ.
Truyện khác cùng thể loại
41 chương
72 chương
23 chương
49 chương
610 chương
1033 chương