Bí Thư Tỉnh Ủy
Chương 100
Từ nhà ra trụ sở Hợp tác, Dậu bước đi trong trạng thái lâng lâng thật khó tả. Đôi chân Dậu nhẹ bẫng như có một ma lực nào đó nâng người anh lên khỏi con đường đất gồ ghề đầy vết chân trâu và cứ thế đẩy anh đi. Chiều tối hôm qua Luận vội vàng đạp xe xuống đưa cho anh bản Dự thảo về quản lí lao động trong các Hợp tác xã nông nghiệp. Luận bảo Dậu bản dự thảo này chẳng khác gì cây gậy thần mở đường đi lên cho các Hợp tác xã nông nghiệp. Những gì Dậu trăn trở, ước vọng lâu nay, bản dự thảo này đều nói tới. Nói cụ thể, rành mạch cứ y như đi vào gan ruột của anh. Tuy rằng quy định bản dự thảo chỉ gửi cho các cấp ủy Đảng, các Chủ nhiệm Hợp tác xã đọc góp ý kiến để hoàn chỉnh thêm nhưng hôm nay Dậu muốn truyền niềm vui ấy cho mọi người trong Ban quản trị.
Thấy Dậu bước vào nhà làm việc với bộ mặt hơn hớn, Tế hỏi đùa:
- Có chuyện gì mà mặt ông tươi như hoa cứt lợn thế?
Dậu mở xắc cốt lôi ra bản dự thảo đưa lên cao khua khoắng:
- Tôi báo cho các vị một tin rất vui. Có bảo bối của Tôn Hành Giả dùng cho Hợp tác xã biến hóa đây rồi.
Tế ngạc nhiên:
- Công văn chỉ thị gì mà trông ông phởn chí lên ghê thế?
Dậu vẫn giữ giọng điệu reo vui của mình nói:
- Chiều tối hôm qua, tôi nhận được bản dự thảo về quản lí lao động ở Hợp tác xã nông nghiệp của trên gửi xuống. Tuyệt vời không thể tưởng. Đêm qua tôi chong hai cây đèn đọc đi đọc lại đến chục lượt. Càng đọc càng thấy mê. Đúng là cấp trên đã nhìn thấy lòng dân rồi các vị ạ. Những gì mà chúng ta trăn trở lâu nay, bây giờ cấp trên đều nói rõ ra đây hết.
Ông Cẩm thắc mắc:
- Chuyện gì chú nói có đầu có đuôi cho chúng tôi nghe với chứ cứ thao thao bất tuyệt như vậy ai biết chuyện gì.
Dậu ngồi xuống, đưa tập giấy ra trước mặt mọi người:
- Đây là bản dự thảo về quản lí lao động trong các Hợp tác xã nông nghiệp của tỉnh ủy. Bản dự thảo nói nhiều vấn đề, nhưng trọng tâm là nói về khoán. Nói rất cụ thể.
Bích rót nước đưa cho Dậu. Uống xong chén nước, Dậu cầm bản dự thảo lên lật qua, lật lại để xem rồi nói:
- Tôi đọc trước mục nói về khoán cho các vị nghe nhé. Phải đọc trước cái khoản này mới được. Bản dự thảo nói gửi cho các cấp ủy đảng từ huyện ủy xuống chi bộ và Chủ nhiệm Hợp tác xã nghiên cứu đóng góp ý kiến để hoàn chỉnh. Nhưng tôi cứ đọc để nghe chung. Cấp trên biết có phê bình cũng chẳng sao. Niềm vui giấu một mình không sao chịu được.
Dậu đang đọc nửa chừng bản dự thảo thì nhìn thấy Chi đạp xe vào. Dậu kêu lên:
- Thôi chết tôi rồi. Bản dự thảo nói để cho các cấp ủy đảng và Chủ nhiệm Hợp tác nghiên cứu góp ý kiến, tôi lại đem ra đọc công khai thế này thế nào cũng ăn đòn đây.
Nói rồi Dậu đứng lên đi ra đón Chi.
- Có việc gì đột xuất hay sao mà bí thư huyện ủy xuống Gia Đạo sớm thế này?
- Bây giờ mấy giờ rồi mà anh bảo sớm?
- Giờ này đã có mặt ở Gia Đạo có nghĩa là bí thư đạp xe đi từ lúc năm giờ sáng, không sớm hay sao.
Chi nhìn thấy đông đủ Ban quản trị nên hỏi:
- Ban quản trị đang họp à?
Dậu đáp:
- Vâng. Còn một số khâu chuẩn bị cho vụ chiêm hôm nay chúng tôi đang bàn nốt.
- Anh đã nhận được bản dự thảo về quản lí lao động trong các Hợp tác xã nông nghiệp của tỉnh ủy chưa?
- Nhận được sẩm tối hôm qua. Mừng quá chị ạ. Đúng là bảo bối.
Bích rót nước mời Chi.
- Mời bí thư uống nước.
Chi nhìn Bích:
- Mới hơn một tháng chưa xuống Gia Đạo mà trông cô phó chủ nhiệm rắn rỏi hẳn lên.
Dậu bảo:
- Con át chủ bài của chúng tôi đấy bí thư ạ.
- Cô đừng nghe cái mồm của chú Dậu. Chú ấy kê kích cháu đấy.
Chi hỏi đùa:
- Anh chàng lính cao xạ có hay vào làng làm công tác dân vận không đấy.
- Tối nào chẳng ra thăm chị em ở trận địa hả bí thư – Tế trêu Bích.
- Chỉ ra thăm chị em thôi à? – Chi hỏi đùa.
Tế cười đáp:
- Cái Bích nói thế thì biết thế chứ biết đâu chuyện ma ăn cỗ.
Chi nhìn thấy tập dự thảo để ở bàn, hỏi:
- Anh Dậu đang đọc bản dự thảo cho mọi người nghe đấy à?
Dậu lúng túng:
- Ra họp tiện tay cầm đi theo thôi chứ có đọc cho ai nghe đâu.
- Nhìn mặt anh tôi cũng biết anh đang nói dối – Chi cười rồi nói tiếp – Bản dự thảo chẳng có vấn đề gì bí mật, đọc được cho Ban quản trị cùng nghe càng hay chứ chẳng sao cả.
Dậu thở ra nhẹ nhõm:
- Tôi đang đọc cho mọi người nghe phần nói về khoán.
Chi hỏi:
- Mọi người thấy thế nào?
Tế đáp giọng hồ hởi:
- Những vấn đề khác chưa đọc nên không biết thế nào. Riêng phần nói về khoán thì rõ ràng bản dự thảo đã mở ra cho Hợp tác xã con đường đi rộng thênh thang.
Bích nói tiếp ý của Tế:
- Bản dự thảo đưa ra khoán hộ là quá sáng suốt cô ạ. Cháu nghĩ khoán hộ sẽ làm cho xã viên gắn bó và có trách nhiệm với công việc hơn rất nhiều. Mặt khác như cô nói, sẽ tận dụng được lực lượng lao động đã bị bỏ phí trong các gia đình.
Bà Bắc rụt rè mãi mới hỏi được:
- Tôi hỏi khí không phải. Đến khi nào thì thực hiện những điều nói trong bản dự thảo hả cô bí thư?
- Hôm nay tôi xuống cũng vì việc ấy đấy bác ạ. Tỉnh ủy chủ trương song song với việc góp ý kiến cho bản dự thảo sẽ cho làm thí điểm ở một số Hợp tác xã các vùng khác nhau trong tỉnh. Qua thực tế sẽ kiểm chứng xem khâu khoán nào có tác dụng thúc đẩy sản xuất nhất. Tối qua đồng chí bí thư tỉnh ủy gọi điện cho tôi bảo xuống Gia Đạo bàn với Ban quản trị xem có thực hiện được các phương thức khoán ghi trong bản dự thảo ngay trong vụ chiêm này hay không. Nếu thấy được thì tôi cùng với Ban quản trị Hợp tác xã Gia Đạo bàn bạc và lãnh đạo thực hiện. Không biết ý kiến của mọi người như thế nào.
Dậu nói ngay:
- Nếu thế thì bí thư tỉnh ủy quá ưu ái với chúng tôi rồi. Chúng tôi hứa sẽ không phụ lòng của bí thư tỉnh ủy và huyện ủy đâu.
- Việc này phải bàn thật kỹ chứ không vội vàng hấp tấp được đâu. Đã làm là phải thành công. Sở dĩ bí thư muốn giao cho Gia Đạo làm thí điểm là muốn chứng minh nhờ công tác quản lí lao động chặt chẽ, hợp lí, thay đổi phương thức, biện pháp khoán, trong đó có việc mạnh dạn khoán đến hộ mà Hợp tác xã Gia Đạo từ yếu kém đã vươn lên thành một Hợp tác xã khá của tỉnh.
Dậu hăng hái nói:
- Nếu bí thư tỉnh ủy và huyện ủy tin chúng tôi, chúng tôi sẽ thực hiện những gì mà cấp trên mong muốn. Nhân đây tôi cũng xin báo cáo với bí thư huyện ủy, Ban lãnh đạo Hợp tác xã chúng tôi đang bàn tính làm cách nào để vụ đông xuân này đưa năng suất lúa đạt từ hai tấn rưỡi đến ba tấn một héc-ta. Suốt một tuần nay chúng tôi bàn tính ngoài cách khoán như đã làm trong vụ xen canh vừa qua, còn có cách khoán nào nữa không. Một vài bà con đề nghị cứ khoán ruộng cho bà con giống như khoán lợn, chúng tôi muốn làm như vậy lắm nhưng không dám. Giờ đây bản dự thảo đề cập việc khoán đến hộ chẳng khác nào chúng tôi đang khát lại có người đưa nước đến cho.
Chi vui vẻ hỏi:
- Ý kiến những người khác thế nào?
Bích nhanh nhảu đáp:
- Tuy mới được nghe chưa hết phần nói về khoán của bản dự thảo, nhưng cháu thấy những gì được đề cập tới trong bản dự thảo không có gì phức tạp lắm, có thể thực hiện ngay trong vụ chiêm này. Điều quyết định là định mức công việc thế nào cho chính xác, công bằng. Lập bảng định mức mới hoàn toàn, không vướng víu gì định mức cũ trước đây. Cái khó nhất là khoán hộ như thế nào để quản lí được lao động, bảo đảm hài hòa giữa lợi ích của hộ và lợi ích của tập thể. Cháu đồng ý là do lần đầu tiên thực hiện khoán hộ nên phải bàn kỹ trước khi đưa vào thực hiện.
Tế lên tiếng:
- Từ đây đến vụ chiêm không còn bao nhiêu ngày, cần có một kế hoạch chính xác và cụ thể mới thực hiện được. Tôi đề nghị cho công khai những chế độ khoán trong bản dự thảo cho xã viên bàn bạc kỹ trước khi bắt tay thực hiện không biết có được không?
- Bản dự thảo này chẳng có gì bí mật cả – Chi nói – Có thể đây sẽ là nội dung của Nghị quyết về quản lí lao động mà toàn tỉnh phải thực hiện. Tỉnh ủy giao cho Gia Đạo thực hiện bản dự thảo này là nhằm rút ra những bài học về những điểm được và chưa được để bổ sung cho Nghị quyết thêm hoàn chỉnh. Đưa ra hỏi ý kiến của dân là một việc làm cần thiết. Tôi nghĩ thói quen dựa dẫm, tùy tiện, lười biếng sẽ nhanh chóng biến mất khi bà con nhìn thấy lợi ích to lớn của phương pháp khoán mới.
Dậu tán thành:
- Tôi cũng nghĩ vậy. Nếu đã được phép công khai đưa ra bàn bạc với dân thì ta khẩn trương tổ chức bà con họp để xin ý kiến.
Bích nói:
- Cháu đề nghị nên bàn trong Ban quản trị về định mức lao động, xếp bậc công việc cũng như tiêu chuẩn tính công cho tất cả các loại công việc rồi họp dân xin ý kiến một thể.
Ông Cẩm từ nãy đến giờ ngồi nghe bây giờ mới lên tiếng:
- Cô Bích nói phải đấy. Cái khó của phương thức khoán mới là tính toán chi li công việc, công điểm. Đất của ta có năm, ba loại. Có loại dễ làm, có loại khó làm. Trước đây cày bừa ở đồng Mỏ Quạ, Phù Vân công điểm cũng giống cày bừa đồng Mã Thượng, Thị Cẩm. Phải ngồi tính toán lại cho kỹ để khi đưa ra cho bà con thảo luận, bà con mới dễ góp ý.
Dậu quay sang Chi:
- Tôi muốn xin ý kiến chỉ đạo của bí thư huyện ủy.
- Tôi thấy những ý kiến vừa phát biểu là khá đầy đủ rồi – Chi nói – Về mặt tư tưởng chắc không có gì trở ngại. Tôi tin bà con sẽ ủng hộ những tiêu chuẩn khoán do Ban quản trị đã đề ra. Nhưng muốn khoán thành công thì công tác chuẩn bị có ý nghĩa quyết định. Phải tính toán định mức, định công thật chính xác, không để xã viên thiệt mà cũng đừng để Hợp tác thiệt. Cán bộ phải bám sát đồng ruộng để điều chỉnh kịp thời những chỗ chưa hợp lí. Có thể tham khảo một vài cách khoán đưa lại kết quả rất tốt của Hợp tác xã An Bình và Tân Phú, nếu phù hợp thì đưa vào áp dụng cho Gia Đạo. Đội trưởng, nhóm trưởng sản xuất phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, gương mẫu trước xã viên. Nếu làm được thế, tôi tin rằng Gia Đạo sẽ thu hoạch một vụ chiêm đạt năng suất cao.
Sau câu nói của Chi, cuộc họp bỗng im phăng phắc. Mỗi người đuổi theo những ý nghĩ riêng của mình. Phải chăng đây là giây phút im lặng của sự chuyển mình.
Truyện khác cùng thể loại
41 chương
72 chương
23 chương
49 chương
610 chương
1033 chương