Bí Ẩn Tông Đồ Thứ 13
Chương 20
Calfo xoay tròn cái roi một lần nữa, nó đập xuống xương bả vai ông. Chiếc roi tự phạt bằng kim loại, theo quy định chỉ được Hội sử dụng trong những dịp hiếm hoi, được tết bằng dây mảnh có dính những hình cầu nhỏ bằng nhôm. Thông thường, máu sẽ chảy ra vào khoảng tiết thứ mười bảy của bài Thánh vịnh Miserere - ở đây cũng được coi như một loại đồng hồ cát cho hình phạt này. Đến tiết thứ hai mươi mốt và cũng là tiết cuối cùng, phải có vài giọt máu đỏ bắn lên bức tường phía sau tu sĩ tự phạt bằng roi.
Nghi lễ hành xác này nhắc đến ba mươi chín roi Jesus phải chịu trước khi bị đóng đinh câu rút. Được một tên lính tráng kiện điều khiển, với những hòn bi bằng chì có kích thước bằng quả ô liu, ngọn roi La Mã xưa rạch nát thịt, thấu đến tận xương, và thường đánh chết người.
Alessandro Calfo không hề có ý định chết vì hình phạt đánh roi mà ông đang bắt mình phải chịu: một kẻ khác sắp phải chết, và nỗi đau đớn này sẽ là một bằng chứng kỳ diệu thể hiện tình đoàn kết anh em. Ông thậm chí còn không có ý định làm xước làn da mịn màng trên vùng lưng mũm mĩm của mình: chắc là cô gái sẽ quay lại vào tối thứ bảy.
“Ba ngày trước khi ‘kết thúc sứ mệnh’ của người anh em đã trở nên già lão của chúng ta”
Khi đưa cô gái đến cho ông, điệp viên người Palestine đã nói trước:
- Sonia là người Rumani, thưa Đức ông, đó là một cô gái đáng tin cậy. Với cô ta, ngài không cần phải lo ngại về những vấn đề cô gái lần trước đã gây ra… Đúng thế, tuyệt đối an toàn, bismillah, lạy Chúa!
Những năm làm công sứ Toà Thánh ở Hy Lạp đã dạy ông sự cần thiết phải có điều đình với những việc khẩn cấp mâu thuẫn với nhau. Ông nhăn mặt và chuẩn bị vung tiếp roi lên phía bả vai: bởi vì điều đình không có nghĩa là nhượng bộ. Mặc dù sắp có một cuối tuần yên ả cùng Sonia, ông vẫn không huỷ bỏ việc thực hiện nghi lễ tự phạt bằng roi, bằng chứng xác thực thể hiện tình đoàn kết đối với một trong các thành viên của Hội. Ông sẽ dàn xếp được giữa tình anh em và yêu cầu phải đảm bảo cho làn da nhung mịn của mình được vẹn toàn: hình phạt roi sẽ chỉ diễn ra trong khoảng thời gian một bài kinh De Profundis.
Đó cũng là một bài kinh sám hối giống như Miserere, và hẳn là sẽ mang lại một giá trị rất thoả đáng cho nỗi đau đớn mà ông bắt mình phải chịu vì đức hạnh Cơ Đốc.
Nhưng kinh De Profundis chỉ gồm có tám tiết, nên chỉ dài bằng một phần ba bài kinh Miserere dài vô tận kia.
Truyện khác cùng thể loại
9 chương
31 chương
121 chương
82 chương