Bát tiên đắc đạo
Chương 20 : Lão tổ hạ phàm cứu đời. lý huyền thoát hiểm thành tiên
Đây nói về Thái Thượng Lão Quân, là tinh của trời, là quỉ của đất, là tổ của quần tiên, được người đời xưng tụng là Lão Tử. Từ thời hỗn mông, ngài đã tu thành tấm thân bất hoại. Vì muốn cho công hành trọn vẹn, cứu độ người có duyên, ngài đã phải nhiều lần giáng sinh chốn nhân gian. Ở giao thời nhà Hạ và nhà Thương, ngài đã phái hai vị đại đệ tử là Phiếu Diểu và Hỏa Long chân nhân xuống giải quyết gọn ghẽ việc long vương ở dưới biển. Sau vụ án đó, ngài đầu thai 1 , làm con bà Huyền Diệu Ngọc Nữ, giáng sinh ở thôn Khúc Nhân, làng Lại, huyện Khổ, thuộc nước Sở, chui từ nách bên trái của mẹ mà ra. Ngài ra đời ở dưới một rừng mơ (lý lâm) rất rộng, sinh ra đầu đã bạc trắng, da mặt hơi nhăn nheo, tạo ra một mầu vàng lợt, trên trán có nhiều nếp nhăn 2 . Ngài sinh ra đã biết nói, đưa tay chỉ rừng mơ, nói với mẹ :
- Thưa mẹ, con sinh ra ở lý lâm, nên lấy chữ "Lý" đặt họ cho con.
Ngọc Nữ vui mừng, nói : – được !", đặt cho con họ Lý, lại ban cho tên là Nhĩ, biệt danh là Lão Đam.
Lão Quân thần linh không mờ tối, đạo hạnh cao thâm, thường vì người, hàng yêu trừ quái, cứu khổ tế nạn. Đầu đời nhà Chu, ngài ra làm quan Thủ trụ sứ, tới khi Vũ vương thống nhất thiên hạ, ngài lại đổi sang làm Trụ hạ sử. Tới đời Thành vương, ngài bỏ quan, ngao du các nước Thiên Trúc 3 ở cực Tây, thời Khang vương lại trở về nhà Chu. Cuối đời Khang vương, ngày bỗng nói với người nhà :
- Ta từ thời Bàn Cổ trở về trước, từ khi bắt đầu thời hỗn mông, đã kết hợp tinh của trời, quỉ của đất mà sinh ra, về sau nhiều lần giáng sinh, chỉ vì một việc tế độ người đời. Một trăm năm gần đây, vì vua Trụ nhà Thương thất chính, nhà Chu lên thay, thần tiên gặp phải kiếp nạn, ta mới ẩn cư chốn núi rừng không dự vào việc người nữa. Tới nay, tính tổng cộng ta đã nhập thế được gần năm trăm năm, Tây phương có người đang đợi ta tới thoát độ cho 4 , nên ta phải ra cửa quan, đi một chuyến, độ cho người đó, phải đi liền hôm nay.
Nói rồi nhắm mắt, ngồi lặng yên. Người nhà sờ xem, thấy hơi thở đã dứt, thân thể lạnh như băng, đành đem chôn.
Thật ra Lão Tử không hề chết. Đúng vào hôm người nhà an táng Lão Tử, ngài đã cưỡi trâu ra khỏi cửa quan. Lão Tử tới cửa Hàm Cốc, thấy một viên quan nhỏ, dẫn theo hơn mười kẻ tùng nhân, phục bên đường, tự xưng là Quan Doãn Hỉ, cung nghênh thánh giá. Lão Tử xuống trâu, tươi cười hỏi :
- Đại phu vì sao cung kính ta vậy ?
Quan Doãn Hỉ đáp :
- Từ lâu nghe lão sư là thánh nhân do trời sinh ra. Doãn Hỉ tuy bất tài, cũng biết kha khá về thuật xem khí tượng, chiêm đoán thiên khí, biết được hôm nay ngài cưởi trâu đi qua cửa quan này, nên cố ý tới cung nghênh, muôn ngàn lần mong lão sư đừng bỏ rơi kẻ hèn kém này, thu nhận cho làm đệ tử, thì đệ tử vui mừng khôn xiết.
Lão Tử cười, bảo :
- Ông đúng là người có duyên. Đứng lên đi. Ta sẽ đi theo ông, truyền thụ cho ông khẩu quyết trường sinh, là cửa của việc tu đạo
Doãn Hỉ mừng quá, cung kính mời Lão Tử trở vào cửa quan. Tới nhà, ngồi đâu đó, lại vái mấy vái. Lão Tử thở dài, nói :
- Ta nhập thế đã năm trăm năm, chưa từng thấy ai hướng đạo âu lo như ông. Nay ta đem đại đạo truyền cho ông, ông hãy tự tu trì, tiền trình sẽ lớn vô hạn.
Nói rồi, rút trong túi áo ra cuốn sách do mình sáng tác, có tên là "Đạo Đức Kinh" năm ngàn lời, trao cho Doãn Hỉ, dặn rằng :
- Tu đan luyện khí, có sẵn pháp môn, còn những phép căn bản, vẫn phải nhờ vào việc minh tâm kiến tính, và ngăn chặn ham muốn, dứt bỏ duyên. Đó là nguồn gốc việc lập mệnh của thần tiên, có thể thấy đầy đủ trong sách này. Ông chớ nên xem thường mà thêm mắc lỗi.
Doãn Hỉ dập đầu lạy chín lạy, xin tuân mệnh. Lão Tứ lại nói :
- Ta không thể ở lâu chốn này, chẳng bao lâu sẽ lên núi Côn Luân, tu sửa lại động phủ.
Doãn Hỉ khóc mà thưa trình :
- Vừa thấy mặt từ bi, sao nỡ vội chia tay ?
Lão Tử nói :
- Ngươi tu đạo giữ điều răn đầu tiên là chữ "Tình". Ông có thể tu chân, sẽ thấy mình như thể đang ở gần bên ta, hà tất phải thường thường gặp mặt ?
- Con tình nguyện bỏ nhà đi theo, dẫu phải nhẩy vào nước sôi, đạp lên lửa cũng không chối từ.
- Ta rong chơi ở ngoài vòng trời đất, không như người bình thường phải có một nơi nhất định, trú ngụ ở chỗ tối tăm, không như người phàm phải có chỗ nghỉ đỡ tấm thân, ra vào ở chỗ bốn phương, mờ mờ mịt mịt, không bờ không bến. Ông thụ đạo còn ít ngày chưa được thông thần, sao có thể đem thân xác huyết nhục quanh quẩn bên ta ?
Doãn Hỉ lại hỏi :
- Xa cách lần này, bao giờ mới gặp lại ?
- Trước hết ta lên Côn Luân một chuyến, sau đó tới vùng biển, nếu còn một đoạn tục duyên, thì qua Tây vực một lần. Nhân ở đất Thục có một "quán dê xanh" 5 . Năm xưa, ta tới nơi đó, thấy chủ nhân mười phần nhân đức, mà chưa có con nối dõi, lòng ta nhất thời bất nhẫn, buột miệng nói một câu giỡn chơi, hứa rằng nếu ông ta tích chứa đủ năm trăm công hạnh, ta sẽ đưa tới cho ông một cậu con trai. Nay vợ chồng chủ quán đều đã một trăm hai mươi tuổi, tích công đức được bốn trăm tám chục điều, mà thần minh không thương, ta phải đích thân tới đầu thai làm con. Ta đã đánh cá với cặp vợ chồng già này rằng hai chục năm sau nhất định họ sẽ có một cậu con trai. Sau đó năm năm, ông hãy đích thân vào đất Thục gặp ta.
Lão Tử nói rồi, đưa một ngón tay chỉ ra ngoài. Tức thì có một đám mây ngũ sắc từ từ hạ thấp xuống, nằm dưới chân Lão Tử, con trâu xanh ngài cưỡi cũng đứng ở trên mây. Lão Tử phóng ra năm luồng sáng, toàn thân hiển lộ kim quang, chiếu khắp xa gần. Doãn Hỉ khấu đầu tống tiễn.
Quan Doãn Hỉ hàng ngày tụng Đạo Đức Kinh, ngộ được ý chính, lại hiểu rõ đạo trị quốc ở chỗ cùng dân thanh tịnh, không quấy nhiễu, khiến dân không biết thiện ác, không để ý tới chuyện hưng vong, tự nhiên vô vi, mà nước yên trị. Đem thực hành trong vài năm, hiệu quả thấy rõ. Rồi từ chỗ kiến văn 6 của mình, ghi chép lại cuốn Đạo Đức Kinh, chia ra thành ba mươi sáu chương. Lại trong ba năm, tu luyện kim đan, sáng tác ra một cuốn sách riêng; lấy tên là "Quan Doãn Từ". Sách chép xong mà kim đan cũng luyện thành, tính chung mất một thời gian là hai mươi lăm năm.
Doãn Hỉ ghi nhớ lời dặn của Lão tử, bỏ quan bỏ nhà, đích thân vào Tây Thục, thăm hỏi "Quán dê xanh", nhưng chẳng ai biết. Mấy ngày liền, chẳng được tin tức gì. Doãn Hỉ tin rằng Lão Tử không nói đùa, nhẫn nại chờ đợi thêm.
Một hôm, trong lúc rảnh rỗi ra chơi ngoài tường thành, bỗng thấy một tiểu đồng lôi kéo một con dê xanh, đi ngả ngớn. Doãn Hỉ mừng quá, nhủ thầm : "Tiên sư đã dậy, mỗi lời hàm chứa diệu cơ, đã có dê xanh, ắt có điềm tốt". Liền tiến lên, cất tiếng chào hỏi :
- Xin hỏi tiểu đồng, dê này ở đâu mà có ? Dắt đi để làm gì ?
Tiểu đồng cười, đáp :
- Ông hỏi tức cười ! Lão gia và phu nhân nhà tôi năm nay đã hơn một trăm hai mươi tuổi, sinh được một trai, vừa lên năm. Cậu ấy rất thích con dê này. Mấy hôm trước, dê chạy lạc đâu mất, công từ nhà tôi chẳng vui chút nào. Lão gia mới phái người đi khắp nơi tìm kiếm. Hôm nay, tôi gặp được lôi về, để công tử khỏi ấm ức.
Doãn Hỉ nghe chuyện, thấy phù hợp với những lời Lão Tử dặn dò lúc lâm biệt, bất giác vui mừng, nói :
- Cảm phiền tiểu ca cho gửi một lời nhắn với công tử, nói rằng có cố nhân Doãn Hỉ cầu kiến.
Đồng tứ nghe vậy, ngó sững Doãn Hỉ một hồi, đánh giá xem là hạng người gì, sau mới nói :
- Công tử nhà tôi năm nay mới có năm tuổi, kiếm đâu ra một ông bạn già khụ thế này ?
Doãn Hỉ cười, nói :
- Chẳng những là bạn cũ, còn là thầy trò nữa đó !
Đồng tử lại càng ngạc nhiên :
- Công tứ nhà tôi chưa từng đi học, làm gì có học trò ? Còn ông xưng là thầy, xưa nay đã thấy ông tới xin dạy dỗ bao giờ đâu ?
- Không thể nói vậy, công tử nhà tiểu ca là sư phụ tôi, do đó tôi là môn sinh của công tử đấy. Nếu chú không tin, cứ về nói với công tử một tiếng : "Doãn Hỉ xin cầu kiến", xem công tử nói sao, rồi chú lại tới đây gặp tôi.
Đồng tứ nửa tin nửa ngờ, dẫn Doãn Hỉ về nhà mình, trao con dê xanh cho công tử, công tử mừng lắm. Đồng tử lại đem việc gặp Doãn Hỉ kể lại, nói Doãn Hỉ tự xưng là học trò của công tử và ngỏ lời cầu kiến, há chẳng phải chuyện tức cười hay sao ? Đám gia nhân nghe nói, liền cười rộ lên. Ai ngờ công tử lại lập tức sửa lại quần áo cho ngay ngắn, giữ nét mặt trang nghiêm, nói :
- Không sai. Đúng là người đó. Mau gọi ông ấy vào gặp ta !
Gia nhân thấy cảnh huống đó, rất nghi hoặc. Công từ liên tiếp thúc giục đồng tử mau đi đi. Đồng tử đành ra ngoài, nói với Doãn Hỉ:
- Công tử mời ông vào. Cậu ấy tính trẻ con trái khoáy, ông đừng trái ý cậu, kẻo cậu nổi giận, trách mắng chúng tôi.
Doãn Hỉ cười, nói :
- Tôi hiểu rồi ?
Rồi nhất bộ nhất bái 7 tiến vào nhà trong. Công tử vừa trông thấy Doãn Hỉ, dưới chân lập tức hiện ra một bông sen, mây ngũ sắc quấn quanh mình, một mùi hương lạ tỏa ngát bốn phía. Doãn Hỉ thấy vậy vội bò mà tiến tới, phục xuống dưới chỗ Lão Tứ ngồi, miệng xưng hô :
- Đệ tử khấu kiến sư tôn !
Công tử ôn tồn bảo đứng dậy. Quay đầu nhìn lại, thấy cha mẹ và đám gia nhân đang kinh hãi, công tử mới cười, bảo :
- Ta là Lão Quân đây ! Vì hai mươi năm trước từng hứa giáng sinh, nên phải tới đây để kết liễu túc duyên. Nay tục duyên đã hết, cha mẹ, các chị em, cùng tất cả gia nhân hãy theo ta lên trời, vạn kiếp không hủy hoại !
Cả nhà nghe nói, cùng vái lạy dưới thềm. Lão Tử sai Quan Doãn Hỉ đỡ cha mẹ mình dậy, bảo ngồi để nhận lễ bái của những người khác, rồi ngài mới nói với Doãn Hỉ :
- Lần trước ông muốn theo ta vân du, mà vì ta thấy thân thể ông chưa vững chắc, tục duyên chưa dứt, nên đã từ chối. Vả lại lần đầu ông nhận kinh quyết, chưa chắc đã thành công, nếu cứ quấn quít đi theo, e rằng tấm thân huyết nhục chịu đựng không nổi, lại thêm sợ làm ông phân tâm, lầm lỡ sự nghiệp học tập của ông. Nay thấy ông luyện khí, giữ hình, đã tạo ra chân diệu, mặt có thần quang, tâm kết tử lạc, biểu kim danh ở huyền đồ 8. Lại có công vì ta chỉnh lý Đạo Đức Kinh, tự sáng tác một cuốn sách riêng, lưu truyền hậu thế, cũng nhiều vất vả. Hôm nay gặp nhau tại đây, ta sẽ xin Ngọc đế ban sắc phong danh hiệu cho ông, nhận chức trên thiên đình.
Doãn Hỉ khấu đầu lạy tạ, Lão Tử truyền đứng dậy, đứng bên cạnh ngài. Ngài lại đọc khẩu quyết vời gọi các vị chân tiên khắp ba cõi, cùng các đế quân, thần vương mười phương, luôn cả các vị thần tiên, tán tiên ở các động, các núi, đều tập hợp trước sân.
Giây lát, các vị thần tiên đều cưỡi mây ngũ sắc, cưỡi thần thú, lục tục kéo tới, ai nấy đều cầm hương, hoa, cúi đầu tham bái. Có một lúc khói hương nghi ngút, mưa hoa rơi lả tả, phảng phất như trong một buổi lễ của các thần tiên, thánh nhân tụ hội. Lão Tử ngồi ngay ngắn trên tòa sen, trao cho Doãn Hỉ sách ngọc chữ vàng, phong cho làm Văn Thủy tiên sinh, tước vị là "Vô thượng chân nhân", thống lĩnh tám vạn chân tiên. Doãn Hỉ vui mừng,quì xuống nhận sắc phong, Lão Tử ôn tồn hiểu dụ, các tiên lục tục ra về. Lão Tử dẫn dắt Doãn Hỉ, cùng toàn gia lên trời, đều thành tiên thể.
Sau đó, Lão Tử cùng Doãn Hỉ về núi Côn Luân, vào cung Bát Cảnh. Lão Tử từ khi được Doãn Hỉ làm học trò, chẳng khác gì con người mọc thêm cánh tay, tất cả các việc liên quan tới tiên phàm đều giao cho Doãn Hỉ xử lý.
Một hôm, Lão Tử ở trong cung cùng Doãn Hỉ đánh cờ, bỗng nhiên ngài cầm con cờ trên tay, không thể hạ xuống bàn cờ, nhíu mày ra vẻ suy nghĩ. Văn Thủy hỏi tại sao, Lão Tử nói :
- ông có biết con trâu mà ta thường cưỡi hiện nay đã trốn đi rồi hay không ?
- Chính thế. Mấy hôm nay chẳng thấy nó đâu.
- Đã là kiếp số, thần tiên cũng không thể cứu vãn. Con nghiệt súc xuống phàm trần đã nhiều ngày. Hiện nay nó ở cõi trần đã được mấy năm. Nó đang ở Hoa sơn ăn thú, cắn người, tàn hại vô số. Không bao lâu còn có một người trong đạo của ta mắc nạn vì nó nữa. Trong tương lai, người này đứng vào hàng môn hạ của ta, không thua kém ông bao nhiêu đâu. Giờ ngọ ngày mai, ông hãy xuống đó một chuyến, cứu người kia, đem về cung.
- Người đó tên họ là gì ?
- Họ Lý, tên Huyền, là Tư hương lại trên thiên cung mắc tội, đầy xuống trần, tất cả là mười kiếp, đến nay đã mãn hạn. Cũng may cậu ta giữ tính linh không mờ, được Thái Bạch kim tinh lôi ra khỏi nhà, đã tìm đường lên Hoa sơn, trải biết bao nguy hiểm. Ông cứ tới đó sẽ hiểu rõ sự tình.
Văn Thủy ánh mệnh ra đi, Lão Tử lại dặn dò :
- Đem đồng tử chăn trâu đi theo, nó sẽ giúp ông một tay. Chừng nào bắt được trâu, bảo nó cưỡi trâu mà về.
Văn Thủy đi tìm đồng tử giữ trâu đó, thì ra là đồng tứ đã ở đất Thục tìm ra con dê xanh. Văn Thủy dẫn cậu ta về ra mắt Lão Tử. Lão Tử vừa thấy mặt, liền mắng :
- Mày coi sóc trâu kiểu gì vậy ? Mày bất cẩn, để nó trốn xuống hạ giới, tổn hại biết bao người và vật ! Nay lại có một người xứng đáng thành đạo sắp bị nó hại chết đấy ! Vạn nhất người ấy bị hại về tay nó, tội của mày càng thêm nặng đó !
Đồng tử không dám phân biện một câu, phục xuống đất nhận tội. Văn Thủy lên tiếng xin cho nó, Lão Tử mới bảo :
- Đứng lên đi. Hãy theo chân nhân xuống phàm trần, thu nhận con nghiệt súc dẫn về, lấy công chuộc tội.
Đồng tử lại tạ ơn Văn Thủy, đi theo ông. Hai người cưỡi mây tới núi Hoa sơn, hạ xuống. Văn Thủy phóng tầm mắt nhìn ra xa, thấy trong đám mây mù ở góc Tây Nam có một đám bụi đỏ, nhỏ như sợi dây, bốc lên tận mây, liền bảo đồng tử :
- Hãy theo ta xuống bắt yêu. Ngươi phải cẩn thận, đừng có lơ là!
Đồng tử thưa : "Vâng !".
Hai người lại cưỡi mây, tiến tới chỗ động phủ Lý Huyền đang chịu nạn. Văn Thủy vận tuệ nhãn nhìn một lượt, thấy đám tiểu yêu đang xúm vào nhấc bổng Lý Huyền lên, ngang với miệng nồi. Lý Huyền nhắm về phía nồi, nhảy xuống. Đang lúc nguy cấp đó, Văn Thủy làm phép vận chuyển một khối nước ở Bắc hải, trút vào trong nồi. Lý Huyền ở trong nồi, cảm thấy nước không nóng lắm, cũng không lạnh lắm. Lý Huyền thấy rất kỳ quái, lại càng tin rằng quả thật người tiên đã bày ra trò này để thử thách mình. Đã vậy ta cứ yên tâm nằm trong nồi, từ từ rồi sẽ tìm cách bước ra.
Trong khi đó, Văn Thủy dẫn tiểu đồng đi, giáng xuống trước cửa động, rồi bước vào bên trong. Đạo nhân nọ đang ngồi đợi nấu chín Lý Huyền, đem nhắm với rượu. Ngẩng đầu lên, thấy Văn Thủy và tiểu đồng tiến vào, hắn hoảng hốt, tính bỏ trốn. Văn Thủy rút trong tay áo ra chiếc roi của Lão Từ dùng để đánh trâu, nhắm vào đạo nhân, quất một roi, hét lên :
- Nghiệt súc ! Không mau hiện hình, còn đợi chừng nào ?
Đạo nhân rùng mình một cái, biến thành con trâu xanh, trút cặp sừng xuống, tính húc Văn Thủy. Văn Thủy chỉ một ngón tay, đè lên đầu trâu, nặng như núi Thái sơn. Con trâu hung hăng một lát, cục cựa không nổi, đành nằm phục xuống đất. Văn Thuỷ cười, nói :
- Nghiệt súc này thật to gan, dám chống cự với chủ ngươi hả ? Đồng tử mau lôi nó đi, nhưng chớ làm thương tổn tới nó, kẻo không mặt mũi nào về gặp sư phụ đâu !
Đồng tử lấy ra sợi dây thừng, xỏ vào mũi trâu, dẫn đi. Văn Thủy trở vào trong động, tra xét một hồi, đánh đuổi đám tiểu yêu chạy hết ráo. Lại vào trong bếp, cứu Lý Huyền ra. Lý Huyền ra khỏi nồi, thấy Văn Thủy đạo dung đoan trang, nghiễm nhiên là một vị kim tiên trên trời, bất giác dập đầu lạy tận đất. Văn Thủy cười, bảo:
- Chú là sư đệ của tôi, bất tất phải đa lễ. Mau ra đằng trước, mặc quần áo vào, theo tôi tới núi Côn Luân.
Lý Huyền nghe lời, ra khỏi nhà bếp, tìm được quần áo của mình mặc vào, lại tới khấu tạ Văn Thủy :
- Xin hỏi pháp hiệu của thượng tiên là gì ?
Văn Thủy đem chuyện đời mình kể lại, nói rõ cả lý do vâng lời Lão Tử tới cứu Lý Huyền, nhất nhất kể rõ. Bấy giờ Lý Huyền mới biết yêu đạo là con trâu Lão Tử thường cưỡi, đã trốn đi, hưng yêu tác quái. Lại mừng vì một điểm đạo tâm đã cảm động được sư tổ, thu nhận làm đệ tử. Lại hỏi Văn Thủy :
- Từ đây tới Côn Luân bao xa ?
Văn Thủy cười, đáp :
- Nếu nói về người phàm đi bộ, đại khái là xa chừng năm, sáu ngàn dặm !
Lý Huyền thè lưỡi, không dám nói tiếng nào.
Chỉ thấy Văn Thủy hô to một tiếng : – Đi ? đưa tay vẫy, liền thấy giữa không trung hai đám mây hồng bay tới. Văn Thuỷ nắm tay Lý Huyền, cùng leo lên. Lý Huyền lần đầu cưỡi mây, sợ run cầm cập, Văn Thủy mới nói :
- Chú tới Hoa sơn phải đi bộ mất nhiều ngày, lại bị yêu đạo bỏ vào nồi đem nấu, chưa từng biết ngán, sao lần đi này lại sợ sệt như vậy ?
Lý Huyền nghe nói cũng bật cười.
Đám mây bay lên cao, chỉ nghe gió thổi ù ù. Cúi nhìn cảnh vật bên dưới, thấy dường như mọi vật đều bay giật lùi về đằng sau. Có vô số đỉnh núi cao vút, rất nhiều sông dài, hàng trăm nơi chợ búa náo nhiệt, hàng ngàn rừng rậm. Đang lúc thưởng ngoạn, chợt nghe Văn Thủy dặn dò :
- Không nên nhìn chăm chú xuống bên dưới. Chú mang xác huyết nhục, có thể cảm thấy đầu choáng váng, lát nữa gặp tổ sư, không thể hành lễ.
Lý Huyền sợ hãi, vội nhắm mắt lại, mặc cho gió đưa đi. Trong khoảng thời gian chừng nấu chín nồi cơm, chợt nghe bên tai có tiếng Văn Thủy hét lên : – Ngừng !, liền mở mắt ra nhìn. Thì ra hai người đã rơi xuống một đỉnh núi, cảnh vật chung quanh rất u nhã. Văn Thủy lại cười, bảo :
- Này sư đệ, đây là đỉnh cao nhất của dẫy núi Côn Luân. Động phủ của tổ sư ở ngay trước mặt. Chú thử nhìn bên kia, có phải là hai đồng tử đang từ phía trước đi tới chăng ? Chắc là tổ sư đã phái chúng tới đón chúng ta đó.
Lý Huyền nhìn kỹ, quả đúng như lời Văn Thủy vừa nói, vội sửa lại mũ áo, bước đi trịnh trọng. Hai tiểu đồng dắt tay nhau tiến lại, tươi cười nói :
- Đại sư huynh đã về đấy ư ? Tổ sư sai hai đứa tôi ở đây đợi sẵn.
Văn Thủy lên tiếng :
- Phiền hai sư đệ vào thông báo, nói rằng tôi dẫn Lý Huyền tới hầu.
Hai đồng tử đi một lát, lại trở ra, vẫy tay :
- Tổ sư bảo hai anh vào.
Văn Thủy dắt Lý Huyền, bước vội vào cung. Lý Huyền giữ vững lòng thành, không dám nhìn nghiêng. Tới cửa cung, Văn Thủy bảo Lý Huyền đứng đợi, tự mình tiến vào cung, bẩm báo việc thu phục trâu xanh, và dẫn Lý Huyền về tham kiến. Lão Tử tươi cười ngỏ lời an ủi và truyền cho Lý Huyền vào. Văn Thủy lại bước ra, dẫn Lý Huyền vào cung. Lý Huyền phủ phục dưới thềm, miệng xưng hô:
- Đệ tử Lý Huyền xin vào ra mắt, chúc tổ sư thánh thọ vô cương.
Lão Tử truyền cho ngồi, Lý Huyền không dám. Văn Thủy phải nói :
- Tổ sư đã cho ngồi, sư đệ đừng nên khiêm tốn.
Bấy giờ, Lý Huyền mới dám ngồi xuống.
Truyện khác cùng thể loại
34 chương
1085 chương
1621 chương
214 chương
501 chương
170 chương
1199 chương
1040 chương