Anh Hùng Lĩnh Nam
Chương 35 : Giao long nữ
Trời đã về khuya, Huyện-lệnh sai dọn phòng mời mọi người đi nghỉ. Trong phòng ngủ Thiều-Hoa hỏi chồng :
– Anh nghĩ xem sư muội Hồ Đề sẽ làm gì thầy trò Đức-Phi ? Nghiêm Sơn lắc đầu :
– Hồ Đề là người Mường, sống với thiên nhiên đã quen. Ý nghĩ của nàng khác với ý nghĩ của chúng ta. Như hôm ở đại hội Tây-hồ thì rõ. Khi Đinh Công-Minh chửi Hùng Bảo chui đầu trong quần vợ, ai cũng cho là nhục nhã. Ngược lại nàng cho đó là việc dĩ nhiên, ông chồng nào mà chẳng chui đầu trong quần vợ, đã là sự thực thì đâu còn nhục nữa ? Rồi nàng dạy Công-Minh chui dưới háng Trần Năng. Nàng lại cho dùng rắn, dùng ong trêu người, thật là ngoài sự tưởng tượng của ta. Ngày mai, nàng hành tội cha con Đức-Phi thế nào, ta phải chờ mới biết được.
Sáng hôm sau, dân chúng các trang ấp tề tựu về Huyện Lục-hải, đông như hội. Họ được tin báo đúng giờ Ngọ, sẽ xử tội Huyện-úy Đức-Phi. Họ còn biết ngoài tội hà lạm, tàn ác với dân chúng ra, đêm hôm trước thầy trò y đã tạo phản, mưu sát Bình-Nam đại tướng quân Lĩnh-Nam công.
Trong mấy năm ở Lục-hải, thầy trò Hoàng Đức-Phi đã gây ra không biết bao nhiêu tội ác. Các Lạc hầu, Lạc tướng khổ sở với y vô cùng. Y căn cứ vào Ngũ pháp của Tô Định, mà đi khắp nơi bất người làm lao binh đưa sang Trung-nguyên. Khiến trong huyện, nhà nào cũng lâm vào cảnh tang tóc, muốn sống không nổi. Nay nghe tin hắn bị xử tội, người ta kéo nhau đi xem đông nghẹt. Người người chen nhau ở bãi đất trống trước huyện đường.
Đúng giờ Ngọ, ba hồi chiêng trống vang lừng, thầy tò Đức-Phi bị điệu ra trước sân huyện đường. Lính dẫn y lên đài trói vào cột. Trên đài có một cái bàn trải lụa đỏ. Giữa bàn có một lư hương, khói bốc lên nghi ngút.
Chợt tiếng loa hô lớn :
– Lĩnh-Nam công đến ! Quì xuống !
Dân chúng lập tức tuân lệnh, Nghiêm Sơn ra hiệu miễn lễ. Tiếng loa lại xướng :
– Miễn lễ !
Nghiêm Sơn lên bàn ngồi. Huyện-lệnh Phạm Thu-Tòng đứng lên cầm tập giấy, đọc lớn :
Lĩnh-Nam công, lĩnh Bình-Nam đại tướng quân, cáo tri cho các Lạc hầu, Lạc tướng, Động trưởng, Châu trưởng cùng các chức sắc, bô lão, dân chúng trong huyện Lục-hải rõ :
Kể từ khi bản soái được Kiến-vũ thiên tử ủy nhiệm sang Lĩnh-Nam, trước khuất phục các thái thú dư đảng của phản tặc Vương Mãng, sau giúp dãn Việt an cư lạc nghiệp. Hơn 8 năm qua bản soái đã ban hành pháp lệnh :
1. Cho người Việt cũng như người Hán được bình đẳng trước pháp luật. Không còn cảnh người Hán phạm tội được tha, người Việt phạm tội bị phạt.
2. Người Hán, người Việt có tài , đều được trọng dụng. Toàn đất Lĩnh-Nam có 6 quận, thì đã có 5 thái thú là người Việt. Đô sát có nơi là người Việt, có nơi người Hán. Quan lại các cấp huyện lệnh tuy vẫn còn là người Hán, nhưng huyện úy hầu hết là người Việt.
3.Trừng phạt nặng nề những quan chức nhũng lạm. Tại đất Lục-hải được coi là bờ xôi, giếng mật của Lĩnh-Nam, Huyện lệnh lại có tài. Lạc hầu, Lạc tướng đều là người biết lo cho dân. Thế mà dân chúng vẫn khổ sở, tiếng than vang đến Luy-lâu. Bản soái nhiều lần muốn đến thanh sát, cải tiến nền nội trị, ngặt vì công việc đa đoan, mãi nay mới thực hiện được.
Bản soái qua Lục-hải điều tra, thấy gốc của thống khổ ở Lục-hải đều do tên Hoàng Đức-Phi, huyện úy gây ra.
Đức-Phi sinh giờ Ngọ, ngày rằm tháng mười, tuổi Bính tý. Y xuất thân lưu manh, trộm cướp. Mồ côi cha từ nhỏ thất học, gian dâm với cả chị ruột, sinh ra một gái tên Hoàng Yến Tuyết. Theo luật của thừa tướng Tiêu Hà bản triều, tội đáng phanh thây. Y bỏ nhà, phiêu bạt sang Trung-nguyên, lấy vợ làm gái điếm tên Sài Phố An Mả Rị, tuổi Ất-dậu, không rõ ngày tháng sinh. Y phiêu bạt tới Khúc-giang làm tôi tớ cho Khúc-giang ngũ hiệp, học được một vài thế võ. Từ đó y mượn tiếng danh gia, lừa bịp thiên hạ.
Khi trở về Giao-chỉ, được lĩnh chức huyện úy. Tuy võ công y chỉ học được vài ba cái múa nhưng, lại ra cái điều là đệ tử danh gia, rủ thêm 6 người nữa, gửi thư về sư môn , xin được quy phục. Khúc giang ngũ hiệp, phần ở xa, phần thấy có người quy phục nên chấp nhận.
Bảy người theo thứ tự tuổi tác như sau :
Nguyễn Dân Phú trưởng võ đường Thanh-long.
Hoàng Xuân Nam, trưởng võ đường Bát-quái.
Nguyễn Văn Thịnh, lữ phó Lục-hải.
Trần Minh-Long giám-sở Tế tác Lục-hải.
Hoàng Đức-Phi, huyện úy Lục-hải.
Trần Phúc, lữ trưởng Lục-hải.
Phạm Thu Tòng, huyện lệnh Lục-hải.
Tri tình Nguyễn Dân Phú là võ sư uy tín, ngay thẳng, từ Trung-nguyên sang dạy võ, đã tạo được uy tín đáng khen. Con trưởng là Nguyễn Dân Việt là một lương y, thay cha làm chưởng môn, đạo đức có tiếng. Bản soái có lời khen tặng cả hai cha con, ban cho tước lạc hầu trang Thanh-long.
Hoàng Xuân Nam hơn 20 năm dạy võ ở miền biển giáo dục thiếu niên, công đức với dân đã dày Bản soái ban cho tước lạc hầu các trang ven biển.
Trần Minh-Long biết tội trạng Hoàng Đức-Phi, bị y đánh thuốc độc chết, không người kế tục, nghĩ cũng đáng thương. Bản soái ban cho làm Phúc thần, dân Lục-hải phải thờ cúng quanh năm.
Nguyễn Văn Thịnh khí tiết trung lương, đến tuổi về hưu vẫn còn lo dạy học. Bản soái ban cho tước lạc hầu trang Đông hải.
Trần Phúc tâm tính lương thuần, tận tụy với nhiệm vụ. Bản chức thăng lên chức huyện lệnh Nga sơn.
Phan Thu-Tòng văn võ toàn tài, lòng dạ trung lương đang lẽ được cất nhắc lên chức vụ lớn hơn, nhưng vì là người trên, không kiểm soát được Đức-Phi, Bản soái vẫn để ở chức vụ cũ .
Các đệ tử của Hoàng Đức-Phi, tên Hoàng Bá-Hiển, tri tình Phi là đứa gian manh, văn dốt, võ không quá ba cái múa, mà vẫn cuối đầu lạy làm thầy, cướp vợ của sư đệ Hoàng Phi-Long là Phạm Thị Hân, bản soái đã phóng chưởng đánh chết đêm qua. Hoàng Vĩnh-Liên xuất thân trong gia đình hào kiệt, bị Phi lừa dối nghĩ cũng đáng thương, truyền đưa về Luy-lâu cho được ăn học. Hoàng Phi-Long cũng bị lừa. Nhưng khi đã biết bị lừa vẫn còn theo Phi, khép vào tội gian nhân, hiệp đảng. Song xét kỹ, chỉ vì ngu dốt, nên được tha tội chết, nhưng phải xung vào lao binh trong năm năm.
Tên Hoàng Thị Huệ, xuất thân trong gia đình nghèo khó, cha làm phu xe, đã biết nỗi khổ của bần dân mà vẫn theo Đức-Phi làm nhiều điều trái luân thường. Gian dâm phá thai đến ba lần. Bản soái chiếu luật bản triều, truyền :
– Xử tử toàn gia Hoàng Đức-Phi. Con cái, tôi tớ từ 15 tuổi trở lên được miễn tử, song phải xung quân. Đàn bà từ 15 tuổi trở lên, truyền đưa vào Nhật-Nam làm nô bộc cho binh sĩ xa nhà. Bất kể nam nữ dưới 15 tuổi được ân xá.
– Tịch thu tài sản. Phàm vàng bạc châu báu sung vào công khố. Đất đai y cướp của các lạc hầu, lạc tướng được trả về chủ cũ.
– Truyền cho thống lĩnh 72 động Tây-vu làm giám sát xử tử tội nhân.
– Hoàng Thị Huệ cũng bị xử tử.
– Truyền cho thống lĩnh 72 động Tây-vu làm giám trảm. Tùy ý áp dụng hình cụ xử tội.
Đúng giờ Ngọ, sau ba hồi chiêng trống vang lừng, Hoàng-Đức Phi cùng vợ con bị điệu ra trước đài cao.
Hồ Đề từ dưới đài bước lên. Dân chúng thấy nàng phục sức theo lối người Mường của miền rừng núi, đều ngẩn người ra nhìn. Họ thấy nàng xinh đẹp, tươi tắn, nhẹ nhàng thanh thoát, cho rằng nàng là một vị tiên cô giáng trần. Hồ Đề hướng vào dân chúng nói :
– Cha con tên Hoàng Đức-Phi làm hại dân chúng đã nhiều. Bây giờ tôi muốn tất cả chúng ta cùng trừng trị y.
Dân chúng hoan hô vang dội.
Nàng tiếp :
– Bãi đất trước kia đã được cất lên một cái nhà sàn. Các người đã nhìn thấy chưa ?
Dân chúng đều nhìn rõ. Họ thấy một cái nhà chòi bằng gỗ, lợp rạ, theo lối nhà sàn mới dựng lên. Phía Bắc và Nam có cầu thang. Nhà chia làm hai, có ván ngăn đôi, có cả cửa, đóng kín.
Dân chúng ngơ ngác không hiểu căn nhà đó dùng để làm gì. Hồ Đề giải thích :
– Cái chòi kia không phải để giam Đức-Phi. Nó là một cái nhà cầu. Ta cho lệnh trói cha con tên Phi vào mấy cái cột dưới sàn nhà. Trên sàn nhà có hai phòng kín. Phòng phía Bắc cho đàn bà con gái. Phòng phía Nam cho đàn ông con trai. Bây giờ chúng ta lần lượt lên nhà sàn vào phòng kín, đi tiêu, đi tiểu lên đầu cha con y, như vậy mới hả mối căm hờn từ lâu của dân chúng.
Ngừng lại một chút, nàng tiếp :
– Nếu cứ để dân chúng đi tiêu, đi tiểu vào đầu chúng, chỉ mấy ngày sau chúng sẽ chết mất. Như vậy chẳng khiến cho chúng sung sướng lắm sao ? Chủ ngục Lục-hải mỗi ngày cho người mang cơm, nước uống cho cha con y. Dân chúng sẽ được đi tiêu, đi tiểu vào đầu chúng hàng tháng cho đến khi nào chúng chết thì thôi.
Dân chúng sướng quá,hò reo vang dậy.
Cả nhà Hoàng Đức-Phi gồm có : Ba cha con y và mười người nữa, cũng bị điệu ra cùng một lúc với Hoàng Thị Huệ tới gần nhà sàn. Dân chúng nam phụ lão ấu chia nhau xếp hàng lên nhà sàn.
Nghiêm Sơn nhìn Hoàng Thiều-Hoa như muốn nói : Ai ngờ Hồ Đề nghĩ ra hình phạt kinh khiếp như vậy !
Xong việc, Nghiêm Sơn hỏi Đào Kỳ tại sao lại ở đây cùng với Trần Năng, Hồ Đề..v.v... Đào Kỳ liền tường thuật biến chuyển từ lúc rời đảo đến giờ. Chàng chỉ có kế hoạch đã bàn với Khất đại phu và Nam hải nữ hiệp về việc phục quốc mà thôi.
Trước mặt Hoàng Thiều-Hoa, lúc nào Đào Kỳ cũng chỉ là cậu tiểu sư đệ mà thôi. Nàng nói :
– Bây giờ em đã có vợ, phải hành sự như người lớn. Hôm rời đảo về Cửu-chân, bọn Song-quái đã trốn mất. Sư phụ, sư thúc đã chỉnh đốn lại trang ấp. Dân chúng nghe tin sư phụ trở về kéo nhau đi đón. Yến tiệc linh đình, vui lắm. Họ hỏi tiểu sư đệ đâu. Sư phụ trả lời rằng đã sai sư đệ ra Bắc có việc. Sau, chúng ta thuyết phục sư phụ cho phép đại sư ca Trần Dương-Đức làm huyện úy Ngọc-đường thay Phùng Chính-Hòa, còn đại ca Nghi-Sơn làm huyện úy Nghi-sơn. Các sư đệ Biện-Sơn, Quách Lãng đều làm lữ trưởng Nghi-sơn, Ngọc-đường. Hôm chúng ta từ biệt để về Bắc, sư phụ cho đại sư ca và đại ca tiễn chúng ta đến đây. Giữa đường lại gặp tiểu sư đệ.
Đào Nghi-Sơn bảo Đào Kỳ :
– Trước khi đi, bố có gửi cho em bức thư. Tam muội sẽ đưa cho em.
Thiều-Hoa đưa thư cho Đào Kỳ. Đào Kỳ đứng dậy sửa y phục lại ngay ngắn, rồi mới mở thư đọc. Dân Lĩnh-Nam rất coi trọng chữ hiếu. Người ta có thể chết thay cho cha mẹ. Đối với lời nói, mệnh lệnh của cha mẹ, người con tuyệt đối tuân theo. Khi được thư cha mẹ, phải chỉnh đốn y phục, như ngồi trước mặt song thân, rồi mới mở ra xem.
Đào Kỳ nhẩm đọc :
Đất Lĩnh-nam, nước Âu-lạc,
Lạc-hầu Cửu-chân, chưởng môn Đào Thế-Kiệt,thư cho con út là Đào Kỳ ở xa, nghe lệnh dạy dỗ.
Phàm việc mình, có thể tự quyết. Phàm việc nhà, phải thuận trên dưới mới được làm. Phàm việc nước, trên coi có thuận lòng trời, hợp lòng người, việc cử sự mới xong. Con xa ta bảy năm, không được dạy dỗ nhiều, ta lấy làm ân hận. Tuy con đã được thúc phụ Thế-Hùng và các danh nhân đương thời như Trần Đại-Sinh, Nguyễn Trát, Nguyễn Tam-Trinh, Nam-hải dạy thêm. Nhưng dạy như thế ở trong nhà coi như đã tạm đủ, còn đứng ra để lo việc phục hưng Lĩnh-Nam, vẫn còn thiếu. Con may mắn được Lục tiên sinh dạy văn, học được võ công cao nhất thiên hạ, nhưng hành sự chưa được chính đạo. Ta viết thư này dặn con : Tuyệt hẳn, không được lai vãng với Tường-Quy nữa. Nếu trái lời thì con đã bất hiếu với ta đó.
Về Lê Đạo-Sinh, y đã hợp tác với Tô Định mưu hại Nghiêm Sơn. Nghiêm là người hào sảng, muốn tâu với Hán đế trả đất Lĩnh-Nam cho người Lĩnh-Nam. Nghiêm có ơn với Kiến-vũ, việc này chắc không khó. Vậy con cần nhìn phải, nhìn trái, bàn với Trưng Nhị, Vĩnh-Hoa, Phương-Dung mà hành động.
Thư bất tận ngôn. Mong ngày tái ngộ.
Đào Thế-Kiệt cẩn bút.
Đào Kỳ kính cẩn gấp thư bỏ vào túi, rồi hỏi Thiều-Hoa :
– Sư tỷ, mẹ em có dặn điều gì không ?
Thiều-Hoa lắc đầu :
– Sư mẫu chỉ dặn chị chiếu cố cho tiểu sư đệ . Thực sự bây giờ sư đệ đã là đại sư đệ rồi. Cả kiến thức võ công đều bỏ xa chị. Sư đệ có nhiều bạn tốt như Trưng Nhị, Hồ Đề, Vĩnh-Hoa..., có cô vợ thông minh, tài trí như Phương-Dung, ta có muốn chiếu cố đến sư đệ cũng không được nữa. Hay bây giờ thế này, Sư đệ lớn rồi chiếu cố lại cho chị đi.
Phương-Dung nheo mắt :
– Đúng đấy! Khi xa bố mẹ, anh Kỳ mới có 13 tuổi, Hoàng sư tỷ đã nuôi nấng, chiếu cố tận tâm, không khác gì mẹ hiền. Bây giờ anh Kỳ thành người, phải báo hiếu lại cho sư tỷ.
Đào Kỳ nắm tay Thiều-Hoa cảm động nói :
– Em không muốn báo hiếu sư tỷ. Cứ để nợ nần sư tỷ như vậy, thành ra lúc nào em cũng nhớ đến sư tỷ, có phải hay hơn không ?
Từ ngày gặp Đào Kỳ, Nghiêm Sơn vẫn có thiện cảm với cậu Tiểu sư đệ của vợ. Huống chi, chàng lại thấy vợ hết sức yêu thương Đào Kỳ, lại càng thấy thích y hơn. Chàng nói :
– Ta xuất thân làm con một đại tướng quân, nhà giàu có, ta vẫn không thấy thế hơn người. Mười bảy tuổi, cùng Hợp-phố lục hiệp cứu Quang-vũ, cùng nhau kết bạn, khởi nghĩa chiếm Côn-dương, dẹp Vương Mãng, Xích My, được phong tới Lĩnh-Nam công, trong thiên hạ, ngoài hoàng đế ra không ai có uy quyền, giàu có bằng ta. Nhưng ta vẫn không thấy thế làm sung sướng. Điều sung sướng nhất đời ta là, khi sang Lĩnh-Nam gặp Hoàng muội. Sau đó, ta lại được Đào hầu cùng các huynh đệ không nghi ngờ xem ta là thằng Ngô là giặc Hán , đã giúp đỡ ta. Tất cả những thứ đó đều nhờ Hoàng muội cả. Cho nên Hoàng muội muốn gì ta cũng nghe theo hết.
Phương-Dung ngồi lại ngay ngắn, nói :
– Nghiêm đại ca ! Hôm nay đại ca đã hứa rằng. Hoàng sư tỷ muốn gì, đại ca cũng chiều, đại ca nhớ nhé.
Nghiêm Sơn cầm đôi đũa bẻ làm đôi, nói :
– Ta, Nghiêm Sơn, hứa trước mặt phu nhân ta là Hoàng Thiều-Hoa cùng các sư huynh, đệ, muội, các quan rằng : Trọn đời ta chỉ sủng ái Hoàng muội. Hoàng muội nuốn gì, ta cũng chiều theo. Nếu trái lời, sẽ như chiếc đũa này.
Chàng vừa dứt lời, Thiều-Hoa đã nắm lấy tay chàng, mắt long lanh nhìn chàng chiếu ra những tia sáng nhu mì, trông đẹp hơn bao giờ hết.
Chàng liếc thấy trên mặt Phương-Dung chiếu ra những nét kỳ dị, vui cũng không phải, mà buồn cũng không đúng. Chàng chợt nghĩ ra :
– Mình chỉ muốn hứa không bao giờ tuyển tỳ thiếp. Chuyện vợ chồng nhất thiết chiều Thiều-Hoa. Nhưng vừa rồi mình nói tổng quát quá, khiến Phương-Dung mai phục một câu, sau này khó mà gỡ được. Ta phải chiều Thiều-Hoa. Thiều-Hoa cực kỳ thương yêu tiểu sư đệ Đào Kỳ. Đào Kỳ lại có Phương-Dung bên cạnh. Không chừng nàng Đào Kỳ xúi Thiều-Hoa bắt ta khởi binh phản Quang-vũ cũng nên. Nhưng ta đã hứa rồi không thể rút lại được nữa.
Chàng nhìn Phương-Dung. Bốn mắt gặp nhau, Phương Dung cười tủm tỉm, ý như muốn giao hẹn : Đừng quên lời hứa đấy nhé !
Hùng khí bốc dậy, Nghiêm Sơn tiếp :
– Ta được mối nhu tình của Thiều-Hoa, dù có chết đến mươi lần vẫn cảm thấy hạnh phúc.
Phương-Dung mỉm cười nói với Nghiêm Sơn :
– Nghiêm đại ca ! Trong nhà mình, đại ca Nghi-Sơn, nhị ca Biện-Sơn đều làm quan cả rồi. Nghiêm đại ca cho anh Kỳ một chức quan gì đi.
Nghiêm Sơn biết Phương-Dung nói đùa, nên lắc đầu :
– Ta chẳng có chức gì xứng đáng với Đào sư đệ cả. Không lẽ ta nhường chức Bình-Nam Đại tướng quân cho tiểu sư đệ hay sao ?
Phương-Dung cười như nắc nẻ :
– Sao lại không ? Đại sư ca, đại ca đều là huyện úy. Nhị ca, Quách sư đệ là lữ trưởng, tại sao Nghiêm đại ca không phong anh Kỳ làm Thái-thú Giao Chỉ ? Em cũng muốn làm Thái-thú phu nhân đây.
Câu nói của Phương-Dung kéo Nghiêm Sơn về thực tại. Hiện chàng đang thiếu chức huyện úy Lục-hải. Các đời trước đều cấm không được dùng người Việt làm bất cứ một chức quan nào, dù võ hay văn. Từ khi Nghiêm Sơn thụ phong Lĩnh-Nam công, chàng cải lại, chức huyện lệnh là người Hán, còn huyện úy không bắt buộc. Nhân sĩ Lĩnh-Nam không ai hiểu ý chàng thế nào. Vì huyện úy là người cầm quân trong huyện, tại sao lại giao cho người Việt ? Lỡ họ mang quân làm phản sẽ trở tay sao kịp ?
Nghiêm Sơn nói với Trần Phúc :
–Huyện lệnh Nga-sơn đất Cửu-chân mới từ trần, ta quyết định dề cử lữ trưởng Trần Phúc vào chức đó. Trần huynh đệ, ngươi thực là khí tiết đáng khen. Ngày mai ngươi lên đường ngay đi. Đất Cửu-chân là đất anh hùng, văn vật như đất Trung-nguyên. Vào trong đó, nếu có gì khó khăn, ngươi hãy liên lạc với nhạc gia ta là Đào hầu và sư thúc của phu nhân ta là Đinh hầu. Đất Cửu-chân, Thái-thú, Đô-úy đều là Hợp-phố lục hiệp, huynh đệ của ta cả. Ngươi không sợ bị cô đơn. Hiện diện ở đây có sư huynh phu nhân ta là Đào Nghi-Sơn, Trần Dương-Đức đều đáng tin cậy. Anh em dựa vào nhau làm việc.Ta sẽ điều lữ trưởng Nga-sơn ra đây, và cho con trai lớn của Trang trưởng trang Thiên-bản là Mai Đạt làm lữ trưởng Nga-sơn. Còn huyện úy Lục-hải, chưa biết nên cử ai ?
Huyện-lệnh Phạm Thu-Tòng nhìn Thiều-Hoa, góp ý :
– Thưa Quốc-công ! Tiểu nhân nghi tuy Đức-Phi đã bị tội, nhưng phe đảng của chúng không phải đã hết. Tiểu nhân xin Quốc-công cử một trong những bằng hữu, sư đệ của phu nhân trấn nhậm, tiểu nhân mới an tâm.
Thiều-Hoa cũng nhận thấy lời huyện úy có lý. Huyện lệnh tuy biết võ công, nếu không có người thân tín sẽ rất nguy hiểm. Nàng nghĩ xem mình còn ai không ? Chẳng lẽ cử Đào Kỳ ? Chắc y không đời nào chịu. Vậy nên cử ai ?
Phương-Dung nhớ đến kế hoạch đã bàn ở trên tàu với Trưng Nhị, bèn cười nói :
– Sư tỷ, em góp một lời có được không ?
Thiều-Hoa vỗ lưng nàng :
– Trên đời này em chỉ thua có Khương Thái-công và Tôn Võ-tử mà thôi. Nay, hai người đó xương thịt đã nát thành tro cả rồi, nếu em có bàn lời nào, ai cãi cho nổi ?
Phương-Dung mỉm cười :
– Huyện Lục-hải lưỡng đầu thọ địch, một bên chân tay bọn Đức-Phi chưa hết, một bên, Tô Định nhòm ngó. Vậy, chỉ có thế tử của Lĩnh-Nam công chúng mới sợ mà thôi.
Nghiêm Sơn cười :
– Sư muội nói đúng. Nhưng ta với sư tỷ chưa có con.
Phương-Dung chỉ Hùng Bảo :
– Hùng sư điệt tuy không phải là con sư tỷ. Nhưng em sợ sau này sư tỷ có con, chưa chắc nó đã hiếu thuận với sư tỷ bằng Hùng sư điệt. Hùng sư điệt vừa học võ với sư tỷ, vừa học văn với anh Kỳ, văn võ kiêm toàn. Sư tỷ thương y như con, tại sao không để Hùng Bảo làm huyện úy ?
Thiều-Hoa tỉnh ngộ, nhìn Hùng Bảo :
– Đồ nhi ! Sư nương bảo ngươi làm huyện úy Lục-hải, ngươi có nghe không ?
Hùng Bảo tới trước mặt Thiều-Hoa, quỳ xuống nói :
– Sư nương đối với con, ơn hơn núi. Sư nương dạy sao con xin nghe vậy.
Nghiêm Sơn cười :
– Khi cưới phu nhân, ta cứ tưởng được một người đẹp nhất, nhu mì nhất Lĩnh-Nam, bây giờ còn được người thân của phu nhân giúp nữa.
Chàng nâng Hùng Bảo dậy, nói :
– Đồ nhi ! Vậy từ nay ngươi là huyện úy Lục-hải.
Phương-Dung liếc nhìn Lê Thị Hoa :
– Trang chủ Thiên-bản ! Tôi nghĩ trang chủ nên giao trang ấp lại cho Hùng Bảo coi giùm. Phu nhân cùng những huynh đệ của tôi vào Cửu-chân. Phu nhân hãy mang hết những ai muốn theo phu nhân vào đó. Huyện lệnh Trần Phúc đại nhân đây, sẽ giúp đỡ phu nhân. Phu nhân cần nhớ : Những gì chúng tôi nói với phu nhân, phu nhân có thể bàn với phụ thân Đào tam ca là Đào hầu.
Lê Thị Hoa biết Phương-Dung nhắc đến mưu đồ phục quốc đã bàn ở trang của bà, nhưng không tiện nói ra đây. Bà gật đầu, nói :
– Chúng tôi xin nghe lời cô nương.
Sáng hôm sau, Nghiêm Sơn, Thiều-Hoa dẫn Đào Kỳ, Phương-Dung, Hồ Đề ra Bắc, để Hùng Bảo, Trần Năng ở lại. Còn Nghi Sơn, Dương-Đức, Trần Phúc, đám gia đình họ Mai do Lê Thị Hoa dẫn đầu, lên đường đi Cửu-chân. Chị em Lê Thị Lan, Lê Anh-Tuấn cùng theo Nghiêm Sơn một đường.
Dọc đường, Đào Kỳ nhắc lại kỷ niệm ngày đầu tiên cách đây bảy năm chàng theo Nghiêm Sơn, Thiều-Hoa đi trên con đường này ra Bắc. Nhưng tâm trạng hai lần khác nhau khá xa. Đi đường, Phương-Dung bàn với Nghiêm Sơn về chuyến Bắc du, làm thế nào để Kiến-vũ hoàng đế đồng ý lập lại đất Lĩnh-Nam. Mọi vấn đề đều xuôi đẹp. Nhưng có điều, dùng lại triều Âu-lạc hay Văn-lang là vấn đề rất nan giải.
Nghiêm Sơn cũng đang nhức đầu về vấn đề này. Chàng nghĩ : Vùng Cửu-chân đương nhiên do Đào hầu, nhạc phụ của chàng. Vùng Nhật-Nam giao cho Đinh hầu, sư thúc của Thiều-Hoa cũng được. Nhưng vùng Giao-chỉ, ai sẽ là người có đủ hả năng thống lĩnh? Còn Nam-hải và Tượng-quận sẽ do ai đây ?
Chàng liếc nhìn Phương-Dung, định đem vấn đề bàn với nàng, thì gặp ánh mắt tinh quái của nàng đang nhìn lại. Chàng vội hỏi :
– Phương-Dung ơi ! Ta muốn thỉnh ý kiến sư muội một việc.
Phương-Dung gò cương, cho ngựa đến gần Nghiêm Sơn :
– Có phải đại ca đang muốn kiếm người thống lĩnh đất Nam-hải và Tượng-quận phải không ?
Nghiêm Sơn kinh hãi nghĩ thầm :
– Cô em dâu này, tuổi bất quá 19, 20 sao lại thông minh đến độ này ? Nàng chỉ liếc nhìn đã thấu rõ tâm sự ta. Vậy từ nay, việc lớn việc nhỏ ta đều có thể bàn với nàng.
Chàng thấy đối với Thiều-Hoa, vợ chồng tình ý nồng nàn, mọi chuyện có thể bàn với nàng. Còn những quyết định lớn, đưa ra kế hoạch thường là chàng. Đối với Đào Kỳ, các vấn đề liên quan tới hành binh, bố trận, võ công, văn học đều bàn được. Chàng vẫn thiếu một người trông rộng, nhìn xa bên cạnh để cùng bàn việc. Nay chàng đã tìm thấy ở cô em dâu vợ.
Nghiêm Sơn hỏi :
– Đúng đây ! Sư muội, ý kiến người em thế nào ?
Phương-Dung thở dài :
– Từ trước đến nay, nhân sĩ sáu quận thuộc Lĩnh-Nam thường bất đồng ý kiến. Cửu-chân, Nhật-Nam, Long-biên thuộc Âu-lạc. Sài-sơn, Tản-viên thuộc Văn-lang. Quế-lâm thuộc Triệu Đà. Không ai chịu ai. Bây giờ nếu phục hồi Lĩnh-Nam, ta cứ theo ý dân. Kinh thư nói : Trời sinh trăm họ, cũng nói Ý dân là ý trời. Trong thư Đào hầu viết cho anh Kỳ cũng nói như vậy.
Câu nói của Phương-Dung làm Thiều-Hoa chấn động :
– Thì ra sư phụ dạy tiểu đệ lo phục quốc. Tại sao ta không nhân lúc vợ chồng tình ý mặn nồng thế này mà thuyết phục Nghiêm đại ca phục quốc cho Lĩnh-Nam ?
Nghĩ rồi, nàng nói với Phương-Dung :
– Phương-Dung nếu có cao kiến gì, cứ nói ra.
Câu nói của Thiều-Hoa khiến Phương-Dung hiểu ý nàng muốn nói : Phương Dung định làm gì cứ nói ra, đã có sư tỷ hậu thuẫn. Suy nghĩ một lát, Phương-Dung nói :
– Em nghĩ thế này. Dân chúng hiện sống trong các trang, ấp có một Lạc-hầu, Lạc-tướng cai trị. Vậy Nghiêm đại ca lệnh cho sáu quận, mỗi quận họp các Lạc-hầu, Lạc-tướng, Châu-trưởng, Động-chúa, rồi bầu lấy một người Thống-lĩnh. Cứ ba năm bầu lại một lần. Mỗi khi quyết định chuyện gì lớn, Thống-lĩnh phải triệu tập các Lạc-hầu, Lạc-tướng mà hỏi ý kiến. Như vậy sẽ tránh khỏi tranh chấp. Sau đó, sáu Thống-lĩnh các quận họp nhau bầu một người chúa tể Lĩnh-Nam. Thế là không còn mối tranh chấp lập Văn-lang hay lập Âu-lạc nữa.
Nghiêm Sơn tỉnh ngộ. Nhưng chàng vẫn còn vấn đề nan giải : Các quan lại người Hán đến Lĩnh-Nam cai trị. Khi ra đi, trong đầu óc họ đã an bài sẵn ý tưởng bóc lột, làm giàu. Bấy giờ hất họ ra ngoài, đời nào họ chịu ngồi yên ? Bấy giờ, tất họ họp nhau, gom góp tiền bạc, đút lót trong triều, khó lòng Quang-vũ chiều theo ý chàng.
Chàng liếc nhìn Thiều-Hoa, Phương-Dung, tự nhủ :
– Quang-vũ không trả Lĩnh-Nam cho người Việt, anh hùng Lĩnh-Nam tất sẽ nổi dậy đánh đuổi người Hán. Chiến tranh khó tránh được. Bấy giờ mình phải đem bạn hữu Lĩnh-Nam đánh Quang-vũ, thực đau lòng. Hai bên cùng là bạn. Phía Hán, hầu hết tướng sĩ đều đã ở dưới quyền mình. Phía Lĩnh-Nam, hầu hết anh hùng đều thân với mình. Bấy giờ, hai bên chém giết nhau, mình phải giải quyết sao đây ?
Phương-Dung như đọc được ý nghĩ của Nghiêm Sơn. Nàng nói :
– Lê Đạo-Sinh tổ chức đại hội Tây-hồ. Đại hội lại biến thành chỗ tụ họp kết tội y. Đại hội Tây-hồ trở thành thuận lợi cho đại ca. Đại ca thống lĩnh anh hùng Lĩnh-Nam sang Trung-nguyên để tâu cùng Hán đế trả Lĩnh-Nam cho người Việt. Đó chẳng qua để cho Hán đế vui lòng, không gây chiến tranh với Lĩnh-Nam mà thôi. Chứ thực sự, Lĩnh-Nam đã phong cho đại ca, coi như Lĩnh-Nam đã được phục hồi rồi. Bây giờ đại ca cứ cho cải tổ nền cai trị như Nghiêu, Thuấn, Vũ, Thang, cắt cử người hiền vào các chức vụ quan trọng, nghĩa là đổi từ Hán qua Việt, song làm từ từ mà thôi.
Nghiêm Sơn lắc đầu :
– Khó quá, khó quá ! Nếu Quang-vũ không chấp thuận, sẽ có chiến tranh, sinh linh sẽ đồ thán. Người Hán, người Việt sẽ chết không biết bao nhiêu mà kể. Như sư muội thấy, luật nhà Hán khi phong cho ai làm Thái-thú một vùng, Thái-thú có toàn quyền về quân sự, hành chánh, triều đình không xen vào. Cao hơn nữa, phong cho người nào tước hầu, họ được ăn lộc một vùng nhưng không có quyền gì về cai trị. Ngược lại, phong cho người nào tước Công, Vương, hoặc Đại tướng quân trấn thủ một vùng, họ có toàn quyền cất cử từ chức Thái-thú trở xuống. Quang-vũ tuy là bạn ta, phong cho ta làm Lĩnh-Nam công thực, nhưng triều đình lại cử Tô Định sang Giao-chỉ làm Thái-thú, ngoài ý muốn của ta. Ta cho người về mật tấu với Quang-vũ cách chức y về tội ban hành Ngũ lệnh. Quang-vũ cho biết Tô Định là người rất thâm tình của Mã Thái hậu. Chính Mã Thái hậu ra lệnh cho triều đình ban chiếu phong y làm Thái-thú mà Quang-vũ không dám can.
Phương Dung à lên một tiếng :
– Chính vì vậy, Tô Định mới lôi kéo Lê Đạo-Sinh, bao phen định hại đại ca. Không chừng y nhận mật chỉ của Thái-hậu giết đại ca đi, rồi y sẽ thay thế đại ca làm Lĩnh-Nam công. Trước đây em với Trưng sư tỷ nghĩ nát óc mà không ra, vì lẽ Tô là thuộc cấp của đại ca, lại dám chống đại ca thì quả y to gan bằng trời. Đại ca này, đại ca là tướng trấn thủ biên cương, có toàn quyền, đại ca cứ khép tội y, rồi chặt đầu, Thái-hậu đâu còn nói gì được nữa ?
Nghiêm Sơn cười :
– Lý thì như thế. Nhưng ta là bạn Quang-vũ, ta không muốn hoàng đế vì ta mà gặp nỗi khổ tâm. Ta giết Tô Định, Thái-hậu hận ta, bắt Quang-vũ hại ta. Điều này chắc Quang-vũ không chịu. Từ đó sẽ sinh ra mẫu tử bất hòa. Còn nếu y hại ta, sẽ mất nghĩa khí bằng hữu, bị thiên hạ chê là sát hại công thần, sau này còn ai vì nhà Hán mà ra sức nữa ?
Mọi người nghe Nghiêm Sơn luận bàn với Phương-Dung, họ tìm thấy ở Phương-Dung một kiến thức còn sâu rộng muốn hơn Nghiêm Sơn. Nhân một lúc nghỉ trưa, Phương-Dung cùng Đào Kỳ dẫn nhau ra bên một giòng suối tâm tình. Phương-Dung hỏi Đào Kỳ về bức thư của thân phụ. Đào Kỳ lấy đưa cho Phương-Dung coi. Phương Dung đứng ngay ngắn, sửa lại y phục rồi mở ra đọc. Nàng bùi ngùi cảm động :
– Đào hầu là đấng anh hùng thời đại, dạy con như thế, hèn gì các con không thành hào kiệt.
Nàng nhắc Đào Kỳ :
– Trên thuyền chúng ta bàn kế hoạch phục quốc, ai ngờ hợp với bố và cậu. Bây giờ, vùng Cửu-chân, Nhật-Nam đã thuộc về nhà họ Đào, họ Đinh mình rồi. Đất Giao-chỉ, mình được thêm Lục-hải. Nếu cộng với Đăng-châu của thúc phụ, cối giang của cha em và ba vùng của sư thúc Đông Bảng, Thủy Hải, Đằng Giang, thêm trang Văn-lạc của chúng ta, châu Lôi-sơn của Đinh Hồng-Thanh, 72 động Tây-vu của Hồ Đề và gần 200 động khác của Nhị Trưng, thì hiện thời Tô Định không còn gì nữa. Chuyến đi Trung-nguyên, chúng ta làm sao tỏ ra thần phục cho Hán đế yên tâm, rút quân về. Bấy giờ, ta chỉ phất ngọn cờ là lập lại Lĩnh-Nam.
Đào Kỳ gật đầu :
– Trường hợp Kiến-vũ hoàng đế rút quân về, tức nhiên Nghiêm đại ca phải về Trung-nguyên. Quyền hành vào tay Tô Định thì nguy.
Phương-Dung cười :
– Quyền gì ? Khi quân trong tay chúng ta, nghĩa là bấy giờ tuy không còn Nghiêm đại ca giúp chúng ta, Nhưng Tô Định cũng không dùng quân Hán đánh ta được.
Hai người đi dần về phía Nghiêm Sơn. Viên Ngũ-trưởng hướng đạo đến trước Nghiêm Sơn trình :
– Cách đây năm dặm là sông Ninh-cơ, vượt qua sông, đi về phía Bắc một ngày đường nữa là tới Long-biên. Xin Quốc-công định liệu, nên vượt sông bây giờ hay để sáng mai ?
Nghiêm Sơn hỏi :
– Hai bên sông có đội quân nào đóng không ?
– Thưa bên này sông là Cổ-lễ, bên kia là đất Thiên-trường, chỉ có thủy quân, không có kị binh.
Nghiêm Sơn gật đầu :
– Chúng ta vượt sông ngay bây giờ. Bảo hải đội Cổ-lễ dành một chiến thuyền đưa chúng ta sang sông. Không cần tiếp đón, lễ nghi gì cả.
Mọi người lên ngựa, tiếp tục đi. Quả nhiên, một lát sau tối một con sông rộng, nước chảy cuồn cuộn, màu đỏ tươi như máu. Viên chỉ huy hải đội Cổ-lễ đứng đón Nghiêm Sơn bên bờ sông. Nghiêm hỏi han mấy câu về binh tình, rồi cùng nhau xuống thuyền.
Thuyền trưởng ra lệnh. Thủy thủ đẩy thuyền rời bến. Nghiêm Sơn cùng mọi người lên sàn đứng ngắm cảnh. Đào Kỳ đến bên Thiều-Hoa, nói :
– Sư tỷ nhớ ngày nào chúng mình vượt sông Hồng không ? Hôm đó gặp bác Nguyễn Tam-Trinh tấu nhạc nghe thực thú vị.
Đào Kỳ vừa dứt lời, bỗng vang vang có tiếng nhạc du dương trầm buồn từ phía sau vọng lại. Một con thuyền nhỏ, trên có buồm, đang băng qua sông. Trên thuyền, một thiếu nữ ngồi thổi tiêu. Tiếng tiêu nhu hòa, dìu dặt vọng đi rất xa.Con thuyền phúc chốc đã vượt lên kịp chiến thuyền. Nghiêm Sơn than :
– Tại sao có người giỏi thủy tính đến trình độ kia ? Ngồi trên thuyền nhỏ, bánh lái gắn với giây buồm. Dùng cả bánh lái lẫn buồm để lái thuyền, thế mà vẫn thổi tiêu được. Cô gái này thực không phải tầm thường.
Cô gái ghì buồm cho huyền chạy chậm lại, ngừng thổi tiêu, nói vọng sang :
– Tiểu nữ đa tạ Nghiêm đại hiệp khen ngợi. Để tiểu nữ tấu khúc nhạc nữa, xin đại hiệp cùng phu nhân thưởng thức. Nếu hay, xin thưởng cho.
Thiều-Hoa có cảm tình với cô gái nên vui vẻ nói :
– Ta muốn thưởng thức âm thanh tuyệt diệu của em mà thôi. Tiền bạc là của phù vân, đâu xứng đáng với tài Trương Chi ? Em cần bao nhiêu, đến bờ ta xin hai tay kính biếu.
Thiếu nữ cười khoe hai hàm răng trắng đều như bắp, môi hồng tươi, nhất là đôi mắt tinh anh, thoáng vẻ ngỗ nghịch :
– Người ta đồn Nghiêm phu nhân là đệ tử của anh hùng đương thời dất Cửu-chân có khác. Hào sảng, trọng nghĩa, khinh tài. Tiểu muội xin tấu một khúc đây.
Lê Thị Lan nói nhỏ với Thiều-Hoa :
– Sư tỷ ! Nên đề phòng cẩn thận. Chúng ta đến đây, không ai hay biết. Tại sao cô gái này biết rõ như vậy ? Hẳn có người theo dõi chúng ta từ Lục-hải. Sư tỷ nghĩ xem cô có ác ý hay không ?
Phương-Dung lắc đầu :
– Không ! Nếu có ác ý, họ sẽ ngấm ngầm hại chúng ta, chứ dại gì xuất hiện công khai. Cô bé này biết lý lịch của chúng ta, hẳn cô cũng biết trình độ võ công cả chúng ta. Cô dại gì gây chiến với chúng ta để có thể bị mất mạng ?
Cô gái bắt đầu thổi tiêu.
Tài tình ở chỗ chân nàng điều khiển bánh lái và buồm để thuyền đi song song với chiến thuyền, không xa không gần, không nhanh không chậm. Cô gái để ống tiêu lên miệng thổi, tiếng tiêu réo rắt, rộn ràng, vui tươi như chim xuân, như ánh sáng đẹp ban mai.
Tiếng tiêu dứt, Hồ Đề hỏi :
– Em điều khiển thuyền thực giỏi. Ta muốn xuống với em được chăng ?
Cô gái cười :
– Chị có biết bơi không mà xuống đây ? Nguy hiểm lắm, đừng xuống là hơn.
Rồi cô gái chỉ Đào Kỳ :
– Em muốn anh chàng kia nhảy xuống. Này anh ! Nếu là anh hùng, hãy nhảy xuống đây. Nhớ nhảy cho đàng hoàng kẻo lại chìm xuống nước thì chết ngộp đấy.
Đào Kỳ thách :
– Nếu ta nhảy đúng vào giữa thuyền của cô thì sao ?
Cô gái lắc đầu không tin :
– Nếu ngươi nhảy xuống trúng thuyền ta, ta sẽ kêu ngươi bằng đại ca cả đời. Còn ngươi rơi xuống nước, ngươi phải kêu ta bằng chị. Nào, ngươi nhảy đi.
Đào Kỳ nảy ý tinh nghịch, chàng nhắm thuyền của nàng nhảy xuống. Khi người chàng còn lơ lửng trên không, cô gái bỗng co chân một cái, cánh buồm đổi chiều, vọt ra xa. Đào Kỳ vội đá gió một cái, cho người đổi chiều theo con thuyền cô gái. Cô ta vọt người lên, hướng vào chàng, phóng một chưởng. Đào Kỳ hoảng kinh, vội vận chưởng chống lại. Tuy nhiên, chàng không dám vận hết sức, sợ làm cô gái bị thương. Hai chưởng đụng nhau. Cô gái bật ngược trở về. Người cô quay ba vòng trên không, đáp xuống thuyền, chân để vào bánh lái. Nói thì chậm, nhưng diễn biến thật mau. Còn Đào Kỳ rơi tỏm xuống sông.
Đào Kỳ biết mình thất thế. Chàng nghĩ :
– Cô gái này tinh nghịch không kém gì Trần Năng với Hồ Đề. Vậy mình phải trêu cô mới được.
Chàng giả bộ nhô lên thụp xuống như người không biết bơi, rồi chìm nghỉm xuống đáy sông.
Cô gái tưởng thật, vội lái thuyền đến vớt chàng :
– Trời ơi ! Ngươi đi cùng vối Nghiêm công thì phải giỏi lắm mới phải. Ai đời, mới rơi xuống nước đã chìm nghỉm.
Trên thuyền, Nghiêm Sơn, Thiều Hoa, Phương-Dung, Hồ Đề đều biết Đào Kỳ giả vờ, nên im lặng, đợi xem chàng sẽ làm gì.
Cô gái không thấy Đào Kỳ nổi lên, kinh hãi la lớn :
– Nước chảy xiết thế, ngươi lại không biết bơi, chắc phải chết mất.
Nói rồi, cô nhảy ùm xuống nước. Một lát sau, cô đã nắm áo Đào Kỳ, vọt lên thuyền của cô. Cô để Đào Kỳ nằm ngang trên thuyền rồi tiếp tục thổi tiêu. Chợt bực một tiếng, giây nối bánh lái với buồm bị Đào Kỳ dùng hai ngón chân kẹp đứt. Buồm bị thổi ngược, con thuyền xoay ngang, quay tròn trên mặt nước. Cô gái không biết Đào Kỳ tinh nghịch. Nàng luống cuống nhảy lên mui thuyền, ghì được buồm, nối lại giây.
Nghiêm Sơn ra lệnh thủy thủ ngừng chèo, cho chiến thuyền trôi theo thuyền cô gái xem sao. Cô gái nối được giây buồm, thì bánh lái đã bị Đào Kỳ vận âm kình đạp gẫy, không một tiếng động. Cô gái ngơ ngác không hiểu tại sao xảy ra như vậy. Cô đưa mắt nhìn lên chiến thuyền, thấy mọi người đang cười.
Cô bực mình, nói :
– Các người cười ư ? Khổng Tử nói rằng Kỷ sở bất dục vật thi ư nhân (Điều mình không muốn thì đừng làm cho người khác). Khi các người gặp điều không may, người khác cười khoái trá, các người có bằng lòng không ?
Hồ Đề nói :
– Tiểu đệ của ta thấy ngươi xinh đẹp, muốn xuống thuyền chơi với ngươi. Ngươi đánh tiểu đệ ta rơi xuống nước. Y uống nước no, chết rồi cũng nên. Hồn ma của y về cắt đứt giây buồm của ngươi, lại còn chặt đứt bánh lái nữa. Này cô bé, ngươi mau quỳ xuống lạy tiểu đệ của ta đi, nếu không, thuyền ngươi chìm bây giờ đấy.
Cô bé cãi :
– Chị không biết gì cả, chắc chị ở rừng xuống quá. mới uống có mấy hớp nước, làm sao đã chết được ?
Hồ Đề cũng không vừa :
– Tiểu đệ của ta bị bệnh suyễn, hễ ngộp nước là chết liền. Không tin, ngươi sờ ngực y mà coi. Tim y hết đập rồi đấy.
Cô gái tưởng thực, đưa tay sờ ngực Đào Kỳ. Đào Kỳ vội quy tức cho tim nưng đập. Cô gái hoảng hồn la lên :
– Thôi chết rồi ! Ngươi chết thực rồi à ? Ta... ta... chỉ đùa thôi, không ngờ làm ngươi chết ngộp. Vậy ngươi có xuống Diêm vương cũng đừng thưa kiện ta nghe. Đêm tối, ngươi đừng nhát ta nghe.
Đào Kỳ giả vờ rên lên hừ hừ, chân dẫy đành đạch :
Hồ Đề nói :
– Tiểu đệ ta chết phải giờ linh, chắc đã hóa thành quỷ nhập tràng rồi đó. Từ nay, ngươi đi đâu, con quỷ sẽ theo bên cạnh ngươi.
Cô gái lật Đào Kỳ dậy, thấy mắt chàng trợn ngược, lưỡi thè ra trông thật kinh khiếp. Cô run rẩy, rồi nhảy ùm xuống nước. Cô chỉ vọt người hai cái đã đến cạnh chiến thuyền, rồi người cô vọt lên cao. Cô đá giò một cái, đáp xuống chiến thuyền.
Thân pháp của cô đẹp vô cùng. Đào Kỳ nhìn thấy mà kính phục ngầm :
– Ta chỉ có thể vọt lên khỏi mặt nước một trượng là cùng. Cô này lại vọt được hơn hai trượng. Quả thực, ta không bằng cô.
Cô gái đứng trên chiến thuyền nhìn xuống, thấy Đào Kỳ đã ngồi dậy, tay cầm mái chèo, chèo theo chiến thuyền. Cô biết mình bị lừa, tức quá la lên :
– Thì ra ngươi chưa chết ! Ngươi lừa ta.
Đào Kỳ cười :
– Ta chết thực rồi, nhưng khi xuống âm phủ, Diêm vương bảo ta phải trở về đòi ngươi xuống hầu kiến.
Cô gái biết mình bị lừa nên phóng mình nhảy xuống thuyền. Đào Kỳ vung chưởng hướng vào cô. Cô cũng vung chưởng đỡ, người cô bay ra xa, rơi tõm xuống nước. Nhưng vừa xuống tới nước, người cô lại vọt lên như con cá, phóng chưởng đánh Đào Kỳ. Đào Kỳ không dám vận kình lực sợ cô gái bị thương. Bình một tiếng, cô gái lại rơi xuống nước. Cứ thế, hai người đánh nhau tới chưởng thứ mười thì thuyền đến bờ. Cô gái nhảy lên bờ, chỉ Đào Kỳ :
– Ngươi tự thị là anh hùng mà bắt nạt người con gái yếu đuối, không biết xấu.
Đào Kỳ cười :
– Cô mà yếu đuối à ? Trên đời này, nếu cô yếu đuối, có lẽ sẽ không có ai mạnh cả.
Cô gái cười :
– Đào tam lang ! Không ngờ hôm nay ta đánh ngươi rơi xuống sông nước. Như vậy có phải ngươi thua ta rồi không ? Nam nhi đại trượng phu, cái gì cũng phải phân minh, ngươi có nhận thua ta không ?
Đào kỳ ngạc nhiên :
– Cô nương ! Tại sao cô biết ta ?
Cô gái cười :
– Gì mà ta không biết ? Ngươi là Đào Kỳ, còn vị đại ca lớn tuổi kia chắc là Nghiêm Sơn. Chị mặc áo vàng đẹp như tiên kia chắc là Hoàng Thiều-Hoa. Còn chị mặc áo da kia là Hồ Đề, Thống-lĩnh 72 động Tây-vu. Cô nương xinh đẹp đeo kiếm kia chắc là Phương-Dung, vợ mới cưới của ngươi. Ngươi ngạc nhiên tại sao ta biết ư ? Vì cách đây mấy tháng, đại sư bá ta cùng Khất đại phu, Trưng Nhị qua đây chơi với sư phụ ta. Tứ sư bá khen ngợi ngươi giỏi bơi lội như con rái cá. Ta không tin, nên ra đây thử ngươi. Thế là ngươi thua ta rồi đó.
Hoàng Thiều-Hoa nắm tay cô gái :
– Thì ra em là đệ tử của đệ thất Thái-bảo Trần Quốc-Hương tiên sinh đây. Ta thực có lỗi. Vùng Thiên-trường này là chỗ ở của người mà ta quên khuấy đi. Tiểu sư muội, ngươi tên gì vậy ?
Cô gái thấy Thiều-Hoa thân thiện với mình thì cười :
– Em mồ côi, không biết cha mẹ là ai. Em được sư phụ đem về dạy dỗ, đặt tên là Quốc. Em lấy họ của sư phụ, nên em họ Trần. Sư phụ sai em ra đây đón các vị, mời các vị qua ấp chơi vài ngày, rồi hãy đi.
Nghiêm Sơn nhìn Phương-Dung hỏi ý kiến. Phương-Dung gật đầu. Chàng quay lại dặn viên Ngũ trưởng dẫn đường :
– Thôi, các ngươi xong nhiệm vụ. Ta cho các ngươi về.
Viên Ngũ trưởng cúi đầu hành lễ, định đi. Thiều-Hoa gọi lại :
– Khoan !
Nàng móc túi lấy một xâu tiền đưa cho y :
– Ngươi cầm lấy, dọc đường anh em mua rượu uống.
Tên Ngũ trưởng cảm tạ rồi từ biệt, lên ngựa.
Nghiêm Sơn cùng mọi người theo Trần Quốc đi về phía Bắc. Khoảng nửa giờ sau, tới trước một trang lớn, có đề chữ Thiên-trường. Trang trại vừa hùng vĩ vừa có tính chất hoa mỹ. Xung quanh trang, những bụi tre Đồng-gộc già, ngả màu vàng óng ánh. Cây nào cũng to bằng bắp tay, cao hơn chục truợng. Không hiểu người ta dùng cách nào mà các bụi tre được cắt xén tỉ mỉ.
Trời đã về chiều, cò trắng, cò lửa từ khắp nơi kéo về đậu trên các cây tre, nô đùa với nhau. Chúng bay nhảy, kêu lên những tiếng nhẹ nhàng, nhưng vang đi rất xa.
Lần đầu tiên trong đời Đào Kỳ thấy một trang ấp hùng vĩ, rộng lớn như vậy. Trước đây chàng tưởng trang Thái-hà, Mê-linh, Lôi-sơn đã là lớn. Nay, so với trang Thiên-trường thì không thấm vào đâu. Liếc vào trong trang, nhà nào cũng bằng gạch ngói đỏ san sát. Đường đi rộng rãi, nếp sốngn dân chúng thanh thản, hạnh phúc.
Người giữ cổng trang đánh một hồi trống. Lát sau, một hán tử trung niên, dáng người thanh nhã, đi với bốn thanh niên và một thiếu nữ ra đón khách. Nàng Quốc giới thiệu :
– Đây là sư phụ cùng các sư huynh, sư tỷ của tôi.
Rồi nàng lại giới thiệu nhóm Nghiêm Sơn.
Nguyên đệ thất Thái-bảo phái Sài-sơn họ Trần tên Quốc-Hương, lập nghiệp ở Thiên-trường và Hoàng-xá. Hoàng-xá, ông để cho con trưởng trông coi, ông về vùng gần biển lập ra ấp Thiên-trường, quy tụ dân lại đông đến mấy vạn. Ông là người đạo đức, nhân hiệp, khéo chiêu dân, dạy dân, không ác độc, hoang phí coi dân là tôi mọi như các lạc hầu xung quanh. Do đó dân theo về ngày một đông. Cách đây hơn nửa tháng, Trần Đại-Sinh là chú ruột ông, cùng với chị cả cũng là đại sư tỷ Trần-thị Phương-Châu, trên đường từ đảo trở về đã ghé thăm ông, cho ông biết qua kế hoạch phục quốc. Ông cho đệ tử là nàng Quốc ra sông đón khách.
Thấy khách, ông mừng lắm :
– Tại hạ chờ đón quý vị hơn nửa tháng, nào mời quý vị vào.
Ông thấy Đào Kỳ ướt sũng, ngó qua thấy đệ tử mình cũng ướt. Ông biết ngay thế nào cũng xảy ra chuyện gì rồi. Ông hỏi :
– Quốc con ! Hết kiêu căng chưa ?
Nàng Quốc vẫn cười :
– Hết sạch rồi sư phụ. Cả hai cùng ướt hết.
Đào Kỳ chắp tay hướng vào phía Trần Quốc :
– Tiểu sư muội ! Năm trước, Nghiêm đại ca của tôi bị đệ tứ sư bá dùng kế đánh chìm mà chịu thua. Lần này tôi bị tiểu sư muội dùng kế đánh rơi xuống nước, tôi cũng đã bị thua.
Thiều-Hoa kể chuyện qua sông cho Trần Quốc-Hương nghe, tất cả mọi người đều cười :
Trần Quốc-Hương hướng vào Lê Thị Lan hỏi :
– Cháu là đệ tử của Tản-viên song hùng Nguyễn Thành-Công. Như vậy, các cháu là sư muội của Phong-châu song quái phải không ?
Lê Anh-Tuấn thưa :
– Thưa sư bá ! Sư phụ cháu đã trục xuất hai người đó ra khỏi môn hộ lâu rồi. Chúng cháu không còn liên hệ gì với họ nữa.
Trần Quốc-Hương thở dài :
– Song quái mới xuất hiện ở đây ngày hôm qua. Ta đánh không lại Vũ Hỷ. Có lẽ tối hôm nay chùng sẽ trở lại. Hiện có Lĩnh-Nam công ở đây, để người trị chúng nó, vì Vũ Hỷ là cựu Đô-sát Cửu-chân.
Nghiêm Sơn lắc đầu :
– Thưa tiên sinh, Vũ Hỷ đã bị cách chức và bị án tử hình. Tôi đã sức đi khắp nơi, ai bắt hoặc giết được chúng sẽ được thưởng lạng vàng. Không biết chúng tời đây quấy nhiễu quý trang ra sao ? Dù hắn có là Đô-sát hay không, khi chúng đi quấy nhiễu các nơi, tôi là người cầm quân, vẫn phải trị chúng. Tôi xin chịu trách nhiệm.
Trần Quốc-Hương rót nước mời mọi người uống :
– Cách đây năm ngày, vợ chồng Vũ Hỷ tới đây cầu kiến. Tôi mời họ vào, đãi đằng rất tử tế. Chúng cho tôi biết rằng, Kiến-vũ hoàng đế cách chức Nghiêm công, cử Tô Định thay thế. Chúng mời tôi ra làm chức Huyện-úy vùng này. Tôi từ chối, vì tôi đã được đại sư tỷ cho biết mọi sự. Thấy bại lộ, chúng liền ra tay tấn công. Võ công tôi kém không địch lại. Chúng bỏ đi. Hứa chiều nay sẽ quay trở lại. Chúng ra điều kiện: Một là tôi theo chúng, hai là chúng sẽ giết chết tôi.
Nghiêm Sơn đứng dậy nói :
– Vậy lát nữa, khi chúng trở lại xin tiên sinh cứ dấu, đừng cho chúng biết chúng tôi đã tới đây. Nếu không, e chúng sẽ trốn mất. Đêm nay nếu chúng tới tôi sẽ bắt chúng.
Đào Kỳ hỏi Lê Thị Lan :
– Sư tỷ ! Chẳng hay bản lĩnh sư tỷ so với Phong-châu song quái ra sao ?
Lê Thị Lan lắc đầu :
– Chúng tôi nhập môn sau, bản lĩnh thua chúng rất xa. Không biết sư huynh hỏi thế làm gì ?
Đào Kỳ hỏi tỉ mỷ, chàng thấy chị em Lê Thị Lan học được khá nhiều bản lĩnh của sư phụ. Nhưng về công lực thì còn thua Song-quái. Chàng nói :
– Ở đây Nghiêm đại ca có thể thắng được một trong hai quái. Tôi với Phương-Dung dĩ nhiên thắng chúng. Nhưng e chúng tôi với Nghiêm đại ca xuất hiện, e chúng sẽ chạy mất.Vậy chúng ta làm sao đây ?
Phương-Dung nghiõ ra một kế :
– Em với anh Kỳ giả làm đệ tử của Thất sư bá. Chỉ cần hóa trang đi một chút, chúng sẽ không nhận được. Nghiêm đại ca với sư tỷ cũng hóa trang đi. Khi chúng xuất hiện, chị Lan, anh Tuấn nhân danh sư phụ thách đấu để thanh lý môn hộ. Đào tam ca ở bên ngoài nhắc các chiêu thức để hai vị đấu với song quái. Nếu hai vị thắng thì thôi. Ngược lại, Nghiêm đại ca với Đào tam ca thình lình ra tay, chúng sẽ trở tay không kịp.
Bàn định xong xuôi, Trần Quốc-Hương mời mọi người dùng cơm. Nàng Quốc sai gia nhân dọn cơm ra. Chủ khách cùng ngồi ăn. Nàng giới thiệu :
– Các vị ghé thăm tệ trang, xin mời thưởng thức chút ít hương vị Thiên-trường gọi là lấy thảo. Món đầu tiên mời quý vị dùng là món ốc nhồi nấu chuối xanh. Gọi là món giả ba ba, do sư mẫu tôi đích thân làm.
Hồ Đề ở rừng ít được ăn món đồng bằng nói :
– Giả ba ba là thế nào ?
Nàng Quốc nói :
– Ba ba là con vật thuộc họ rùa. Thường thì nấu ba ba với chuối xanh. Nhưng ba ba ăn độc lắm thành ra phải nấu giả ba ba. Ốc nhồi loại lớn, luộc sơ đi, khêu ruột ra khỏi vỏ, rửa cho sạch vì thịt ốc thường lẫn bùn, ăn vào tanh lắm. Muốn cho ốc nhả hết bùn, sau khi bắt ta phải cho vào vò ngâm với nước vo gạo độ ba ngày. Dùng ốc xào với thịt ba chỉ thái nhỏ, xào cho đến khi nào thịt teo đi mới thôi. Còn chuối xanh tước vỏ, thái mỏng, ngâm với muối nửa ngày. Khi thịt teo rồi, đổ chuối vào, cho mắm tôm, me bung nhừ. Đợi chuối nhừ mới cho bánh đa, lá xương xông, tía tô. Nào mời quý vị dùng.
Nàng múc vào từng bát mời khách. Hồ Đề là người miền núi, tánh tình bộc trực, thấy ngon, lạ miệng, nàng ăn kỳ no, không cần khách sáo.
Nàng Quốc nói tiếp :
– Món này thì thường thôi : Dưa cải chua nấu với tép riu, cá rô Đầm-sét kho keo.
Những món này mọi người đã ăn qua, nhưng vừa ăn lại vừa được nàng Quốc giảng giải cách nấu nướng, thành ra rất ngon. Cuối cùng nàng Quốc bưng ra một mâm hoa quả :
– Mùa này chỉ có chuối tiêu, chuối hương, mời quý vị.
Ăn xong, trời vừa tối. Các con của Trần Quốc-Hương đều giỏi âm nhạc. Họ cùng tấu nhạc cho khách nghe.
Truyện vãn một chút thì có ba tiếng trống vọng vào. Nàng Quốc nói :
– Sư phụ để con ra xem ai. Có thể là Song-quái không chừng.
Nàng vọt lên ngựa ra đi, lát sau dẫn vào một người. Vừa thoạt trông thấy, Đào Kỳ đã kêu lên :
– Nguyễn Thành-Công tiên sinh !
Chị em Lê Thị Lan cũng reo mừng :
– Sư phụ ! Người vẫn mạnh khỏe chứ ?
Người vừa vào là Nguyễn Thành-Công. Trần Quốc-Hương chắp tay tạ lỗi :
– Tản viên song hùng tới, mà tôi không biết ra nghênh đón, thực có lỗi.
Nguyễn Thành-Công vẫy tay :
– Không dám ! Nghe tin Trần hầu bị bọn phản đồ tới đây làm phiền, tôi là sư phụ, phải đến để thu thập chúng.
Ông nhìn Lê Thị Lan :
– Các con gặp Đào tam đệ ở đâu mà cùng tới đây ?
Nguyên ông viết cho Đào Kỳ một bức thư, yêu cầu chàng tham dự trong phái đoàn sang Trung-nguyên, ông sai hai đệ tử mang đi. Lê Thị Lan và Lê Anh-Tuấn đi tới nửa đường thì gặp Đào Kỳ và đưa thư cho chàng. Đào Kỳ cũng cho biết cha chàng đã nghe lời Khất đại phu, Nam-hải nữ hiệp, cử chàng đi. Chị em Lê Thị Lan mừng quá, cùng theo chàng về Bắc. Không ngờ hôm nay lai gặp sư phụ ở đây.
Đào Kỳ tường trình mọi việc cho Nguyễn Thành-Công nghe. Nghe xong, ông gật đầu :
– Thực cha nào, con nấy, thầy nào trò ấy. Đào hầu có đệ tử, có con anh hùng, lão phu vô phúc dạy phải anh em Vũ Hỷ.
Truyện khác cùng thể loại
86 chương
136 chương
17 chương
36 chương
27 chương
145 chương
175 chương
65 chương