Giữa tháng 3, tôi nhận được thông báo quay lại học của nhà trường, vì vậy tôi  trở về Quảng Châu với Hà Hữu Dân. Trong thời gian này, bố mẹ tôi vẫn nghĩ tôi đang ở Học viện Mỹ thuật, họ gọi điện mấy lần hỏi tôi đã lấy tiền đúng không, tôi nói là dùng để mua dụng cụ vẽ tranh, họ cũng không hỏi nhiều. Hà Hữu Dân lái xe, anh ấy nói muốn tiễn tôi một chuyến, tiễn xong anh vẫn phải quay về Vân Nam lần nữa. “Vậy anh đưa tôi đến thẳng ga tàu là được.” Tôi nói, “Lái xe đi về tốn thời gian lắm, anh lại bận xã giao.” “Ga tàu không an toàn.” Hà Hữu Dân bỏ qua câu nói kia của tôi, dặn dò tôi lần nữa, “Cậu về đi học, đừng chạy lung tung.” Quay lại trường, tôi đi tìm Kỳ Cương trước, nhưng tìm kiểu gì cũng không thấy, gọi điện không được, nhắn tin không trả lời. Trong lớp cậu ta cũng không có ai biết cậu ta đi đâu, mấy tuần liên tục không tìm được người. Lúc đó tôi rất lo cho Kỳ Cương, nhất là mấy ngày đầu tháng 4, nghe bạn nữ trong lớp thảo luận chuyện Trương Quốc Vinh tự tử, đầu tôi ong lên, chỉ sợ cậu ta cũng tìm cái chết. Tôi thật sự ăn ngủ không yên, tôi để lại lời nhắn cho Kỳ Cương: “Đừng có mà nghĩ quẩn, chỉ là thi nghiên cứu thôi!” Lời nhắn vẫn không được trả lời. Sau Tết thanh minh, Hà Hữu Dân đã trở về từ Vân Nam. Anh ấy gọi điện tới: “Cuối tuần này ra ngoài đi.” “Không được, Kỳ Cương bốc hơi khỏi trái đất rồi, tôi phải tìm cậu ta.” “Kỳ Cương? Em trai sếp Kỳ đúng không, được, tôi hỏi anh cậu ta giúp cậu.” Tôi nôn nóng đợi điện thoại của Hà Hữu Dân, không lâu sau cuối cùng anh ấy cũng gọi lại. Hà Hữu Dân nói với tôi: “Công ty của sếp Kỳ gặp rủi ro, em trai anh ta đang giúp đỡ. Hiện giờ họ đang ở Macao, không sử dụng sim điện thoại cũ nên cậu không liên lạc được.” “Cho nên Kỳ Cương vẫn chưa thi nghiên cứu à.” “Tôi không biết chuyện này.” Nghe xong, tôi cảm thấy chẳng đáng thay cho Kỳ Cương, Hà Hữu Dân an ủi tôi vài câu, lại hỏi tôi có muốn gặp nhau không, cuối cùng tôi từ chối. “Sắp tốt nghiệp rồi, tôi vẫn chưa hoàn thành tác phẩm tốt nghiệp.” “Có cần tôi gọi thầy Sử về không?” “Không cần đâu, tôi tự làm được.” “Được thôi, có gì cần hãy gọi điện nói cho tôi.” Từ hôm đó cho đến khi tốt nghiệp, tôi chưa liên lạc với Hà Hữu Dân lần nào, vẫn luôn tập trung vẽ tranh, nói là tập trung nhưng thật ra là bồn chồn. Tôi không biết cảm xúc nào đang quấy phá, mỗi lần nghĩ đến việc gặp anh là trong lòng tôi dâng lên một nỗi xót xa, Hà Hữu Dân càng quan trọng trong lòng tôi, tôi càng không muốn gặp. Như vậy lại nhớ anh ấy hơn. Tháng 5, thời tiết ấm lên, có vẻ như SARS không nghiêm trọng nữa, báo chí và thời sự đưa tin có nhiều trường hợp được chữa khỏi. Hình như chúng tôi đã quen với sự tồn tại của nó, bố tôi nói cuối cùng không cần đun giấm trong nhà nữa. Cho nên tôi đã quyết định về nhà một chuyến vào thứ sáu, để không ngửi thấy mùi dấm kia, gần nửa năm tôi chưa về nhà. Tôi ra khỏi trường, cảm giác có gì đó khác biệt. Mấy năm này chưa bao giờ cẩn thận quan sát, bây giờ năm tư sắp tốt nghiệp mới nhận ra, trong bốn năm này những chiếc xe đến cổng trường Học viện Mỹ thuật đón các em gái xinh đẹp ngày càng ít. Sau khi Hào Kim đóng cửa, các câu lạc bộ đêm lần lượt bị điều tra, lại thêm SARS nên một số cơ sở kinh doanh đã đóng cửa. Tôi nghĩ đến Hà Hữu Dân, không biết khách sạn của anh ấy thế nào. Hơn một tháng chưa gặp anh, lúc đầu Hà Hữu Dân có gọi điện một hai lần nhưng tôi không nghe máy, chỉ đợi nó đổ chuông đủ một phút rồi tự động tắt. Sau đó cũng không gọi nữa. Chạng vạng tối tôi định ngồi xe buýt đi về, nhưng tôi nhìn thấy Tiểu Yến. Nhìn một cái chưa nhận ra được, nhìn kỹ một lúc lâu mới nhận ra. Cô ấy búi tóc với chiếc vương miện bằng trân châu, trông như làm vợ người ta, tôi đã không thể hình dung Tiểu Yến của lúc này và Tiểu Yến hơn một năm trước. Cô ấy thay đổi rất nhiều, tôi thậm chí không thể nhìn ra Tiểu Yến bao nhiêu tuổi. Tiểu Yến đến tìm tôi. “Mấy ngày nay tôi đều chờ cậu ở cổng trường, chỉ nghĩ một ngày nào đó cậu sẽ ra ngoài.” Tiểu Yến nói với tôi, giọng nói chuyện vẫn nhẹ nhàng như xưa. Chúng tôi tản bộ trên con đường trong trường, không đến bãi tập. Tôi nói: “Sao cô không gọi điện?” “Tôi làm mất điện thoại cũ rồi, số điện thoại cũng mất luôn.” Cô ấy khẽ mỉm cười, “Với lại có một số việc phải nói trực tiếp, nên tôi đến tìm vận may.” “Thế à.” Tôi không biết nên nói gì, suy cho cùng đã một năm không gặp, không có chủ đề trò chuyện. Hơn nữa tôi còn nhớ cảnh gặp nhau lần cuối, vẫn cảm thấy áy náy với cô ấy. “Cậu sắp tốt nghiệp đúng không?” “Đúng.” “Tháng 7?” “Mùng 4 tháng 7.” “Cậu thay đổi rồi.” Lời nói của Tiểu Yến nhẹ nhàng, “Trở nên già dặn hơn, cũng nói ít hơn.” Những lời này được nói từ miệng Tiểu Yến lại có phần châm chọc, bởi trong mắt tôi cô ấy thay đổi nhiều hơn, dù tôi không ghét những thay đổi này. “Tốt nghiệp rất áp lực, trước kia thiếu thông minh, nhưng bây giờ đã khác, nói chuyện và làm việc phải suy nghĩ.” Tôi giải thích. Tiểu Yến gật đầu, lại im lặng. Cuối cùng vẫn là tôi phá vỡ cục diện bế tắc: “Cô sắp kết hôn rồi hả? Chắc cô muốn đến nói chuyện này cho tôi, Kỳ Cương đã nói cho tôi biết.” Tiểu Yến kinh ngạc nhìn tôi, gật đầu: “Ừ, đám cưới vào cuối tháng 7, tôi muốn gửi thiệp mời cho cậu.” Tiểu Yến đưa cho tôi thiệp mời của cô ấy, giấy trắng mực đen rất đơn giản, có trang trí một chút ren màu hồng. Tên của tôi được viết ngay ngắn trong cột người được mời, lại nhìn xuống địa điểm tổ chức lễ cưới, là khách sạn của Hà Hữu Dân. Khách sạn của Hà Hữu Dân không đóng cửa vì SARS, trong lòng tôi vô thức thở phào nhẹ nhõm. Cuối tháng 6, tôi nộp tác phẩm tốt nghiệp đúng hạn chót, do đó xem như đã tốt nghiệp suôn sẻ. Trước khi tốt nghiệp, cuối cùng Kỳ Cương cũng trở về tham gia lễ tốt nghiệp của trường, đã lâu không gặp, tôi và cậu ta đến quán bar gần đó uống rượu. Tôi tưởng Kỳ Cương sẽ không thi nghiên cứu nữa, tôi nói: “Cậu sẽ đến chỗ anh cậu làm việc nhỉ, tôi vẫn chưa có chỗ nào.” Kỳ Cương lắc đầu, vừa bước vào cậu ta đã uống rất nhiều rượu, tôi vẫn chưa say mà cậu ta đã lảo đảo. “Vậy cậu tính thế nào?” “Tiếp tục thi… thi lần nữa.” “Cậu say rồi!” Tôi bị dọa, “Vẫn thi à.” “Thi chứ!” Quyết tâm của Kỳ Cương khiến tôi hết hứng uống rượu, vì thoạt nhìn Kỳ Cương đang sa ngã trên thực tế không hề sa ngã, còn tôi ngồi ở bên cạnh mới thật sự sa ngã, sống cho qua ngày. Tôi bắt đầu hối hận thời đại học đã lãng phí vô ích, không học được kỹ năng thật sự, trong bụng chỉ có võ vẽ mèo quào. Học hành thất bại, tình yêu… cũng không có. Cậu ta uống đến mức vào nhà vệ sinh nôn hai lần, bây giờ tôi không nhìn nổi nữa mới đưa cậu ta về nhà. Sau khi đưa cậu ta đi, đã bốn năm giờ sáng, tôi đi bộ trên đường, mê man trong lòng không có chỗ để. Sự phồn hoa và vắng vẻ của Quảng Châu đều ở ngay trước mắt, tôi sờ vào túi, có một ít tiền lẻ, tôi bắt một chiếc taxi lại không biết đi đâu. Sau nhiều lần đấu tranh, tôi nói với bác tài: “Đến khu biệt thự Quế Viên đi.” Hà Hữu Dân sống ở đó. Khu biệt thự cách trung tâm thành phố hơi xa, lái xe đến tốn rất nhiều tiền nhưng tôi không biết. “Cậu gì ơi, chút tiền này của cậu không đủ.” Đến cửa nhà Hà Hữu Dân, bác tài đếm số tiền tôi đưa, “Thiếu một nửa!” “Nhưng tôi chỉ còn từng này, hay là chú để lại phương thức liên lạc, lần sau tôi trả cho chú.” Tôi bất đắc dĩ nói, mở cửa nhanh chóng xuống xe. Ai biết bác tài cũng xuống xe đuổi theo. Giọng chú ấy rất to, túm tôi không cho đi. “Không được! Cậu ăn quỵt!” Bác tài quát, “Cậu làm vậy tôi chỉ có thể gọi cảnh sát đến!” “Xin chú đấy, lần sau tôi trả, chú cứ để lại cách liên lạc. Tôi là sinh viên cũng không dễ dàng, không cần thiết đến đồn cảnh sát vì chuyện nhỏ này!” “Không được! Hơn nửa đêm tôi ra ngoài kiếm sống cậu tưởng tôi dễ dàng chắc!” Tôi và bác tài lôi kéo một lúc lâu, có lẽ giọng to quá, ầm ĩ khiến Hà Hữu Dân đi ra. Anh ấy mặc đồ ngủ, nhìn thấy tôi Hà Hữu Dân sững sờ mấy giây, sau đó nhanh chóng thanh toán số tiền còn lại giúp tôi, đuổi tài xế đi, chỉ còn lại tôi và anh. Hà Hữu Dân quan sát tôi, không nói gì nhiều chỉ cẩn thận ôm tôi, hỏi tôi có lạnh không. Anh ấy ôm rất khẽ, hình như không dám tăng thêm sức, bây giờ tôi mới vươn tay ôm chặt lấy anh. Tôi nói: “Hữu Dân.” Tôi hôn anh, lảo đảo hôn vào nhà, hơi thở quen thuộc phả vào mặt, nhà Hà Hữu Dân dùng toàn đồ gỗ, luôn có mùi gỗ nồng nặc. Đã lâu tôi chưa đến nhà anh, từ khi Hà Hữu Dân đi Vân Nam đến giờ, số lần chúng tôi gặp nhau ít càng thêm ít. Nhưng tôi biết chỉ cần gặp lại anh, ngọn lửa trong lòng tôi vẫn sẽ cháy hừng hực. “Sao không gọi điện cho tôi? Cũng không nghe máy?” Hà Hữu Dân cởi quần áo tôi, hôn loạn xạ lên cơ thể tôi. Cảm giác ngứa ngáy như dòng điện lan khắp cơ thể, tôi ăn ngay nói thật: “Vì không muốn gặp anh.” “Không muốn? Không muốn mà còn đến tìm tôi.” Hà Hữu Dân đè tôi lên tường, tay sờ soạng eo tôi. “Tôi không muốn gặp anh, không có nghĩa là… không có nghĩa là không nhớ anh.” Sau khi nói “nhớ anh”, nước mắt tôi rơi xuống. Đây là lần đầu tiên tôi rơi nước mắt vì Hà Hữu Dân, nước mắt không giải thích được, cảm xúc chua xót đã tích tụ rất lâu. Cảm giác chua xót vì không đoán được người trước mắt, sau khi trút ra, trong lòng tôi lại thoải mái hơn rất nhiều. Có lẽ Hà Hữu Dân đã nhận ra nên dừng lại, anh đứng trước mặt tôi, rất gần, lồng ngực của anh nhấp nhô trước mắt tôi như nước biển, tôi giơ tay xoa nhẹ, tay Hà Hữu Dân cũng giơ lên theo, phủ lên tay tôi. Anh ấy không làm tiếp. Một lúc lâu sau, Hà Hữu Dân nhỏ giọng nói với tôi: “Yêu nhau đi, chúng ta yêu nhau đi.” Suy nghĩ của tôi chưa thoát khỏi lời nói của anh, Hà Hữu Dân đã ôm tôi, cúi đầu xuống vùi trên vai tôi, mổ vào làn da tôi từng chút một. Không đói khát khó nhịn như ngày thường, trái lại rất kiên nhẫn: “Sau này đừng bỏ qua cuộc gọi của anh…” Ngày đó tôi và anh ấy làm năm lần, làm xong rồi ngủ, ngủ dậy làm tiếp, giống như sợi dây cót của xe đồ chơi dài vô tận, mở ra sẽ không dừng lại, có thể chạy liên tục. Tôi nhớ ngày đó tôi ngất ngây hỏi anh, bắt đầu từ khi nào anh cũng có tình cảm khác với tôi. Tôi vẫn nghĩ rằng Hà Hữu Dân chưa bao giờ thích tôi đúng nghĩa. “Nếu nhất định phải tính thời gian… vậy chắc là rất lâu. Lúc em xách hai túi trà sữa đứng ở trước xe anh, anh nghĩ thầm sao lại có người cười vui vẻ đến vậy, có lẽ khi đó anh đã thích em.” “Vậy tại sao cứ nói những lời đó với em, lại ngủ với người khác.” “Anh ngủ với người khác lúc nào?” Hà Hữu Dân thốt lên, lại nói, “Anh đã không làm chuyện này rất lâu rồi.” “Giờ hành chính không liên lạc được với anh, lúc ở Vân Nam cũng có hai ngày không ở nhà.” Tôi nằm đối mặt với anh, ngón tay vẽ vòng tròn trên người Hà Hữu Dân, trong lòng hơi tủi thân. “Anh thật sự rất bận…” Hà Hữu Dân im lặng hồi lâu, nói với tôi, “Lần ở Vân Nam là vì mẹ anh qua đời, quê bà ở Vân Nam, di sản của bà rất nhiều rất phức tạp, lại thêm di chúc được lập riêng, anh về lo hậu sự thôi.” “Em xin lỗi…” Nghe đến đó, trong lòng tôi có cảm xúc lẫn lộn, ngoài nói xin lỗi, một lúc lâu tôi không nói được câu gì. Tôi không hiểu tại sao lúc trước anh ấy không nói với tôi về mẹ, khiến tôi hiểu lầm vô ích. “Rõ ràng anh có thể nói với em.” Hà Hữu Dân cười: “Anh cũng ích kỷ, ban đầu anh không hề muốn em rung động với anh, anh nghĩ, nếu em cần thì anh cho em một chút vui vẻ là được. Em phải biết rằng nếu thật sự yêu nhau sẽ không có kết quả tốt. Anh hy vọng em có thể sống một cuộc sống của người bình thường, vì em còn trẻ, rất dễ uốn nắn, anh không muốn hại em. Nhưng anh không phải người đoan chính, đã làm rất nhiều chuyện vừa muốn em vừa đẩy em ra, không ngờ vẫn hại em. Nếu biết trước anh không phải đấu tranh lâu đến vậy.” “Em bằng lòng bị anh hại, anh hại chết em đi.” Tôi trèo lên người anh nằm sấp, “Vì em rất yêu anh rất yêu anh.” Sau khi đám cưới của Tiểu Yến kết thúc, tôi đã chuyển đến nhà của Hà Hữu Dân. Tôi vừa tốt nghiệp, chưa có việc làm, bố mẹ cũng vội vàng khôi phục kinh tế của công ty, không có thời gian để ý tôi. Trong non nửa năm, mỗi ngày tôi ở nhà nấu cơm nấu nước cho Hà Hữu Dân, đợi anh đi làm về ăn. Hình như tôi đã trở thành “bà nội trợ” không có công việc nghiêm túc, thỉnh thoảng ra ngoài làm việc vặt giết thời gian, lúc mù mịt vẫn rất mù mịt, và tôi vẫn không chấp nhận lời mời của Hà Hữu Dân. Dù vậy, đó vẫn là khoảng thời gian tôi vui nhất..