Cơn mưa cuối năm ập tới xua tan cái nóng oi nồng. Phu xe kéo nhau vào trú làm huyên náo căn quán nhỏ. Quán được dựng sơ sài bằng lá dừa nước lợp bên trên, kèo cột là những cây đước đã đập sạch vỏ. Gió bụi, thời gian khiến nó trơn nhẵn mà không cần vẹc ni hay sơn phết. Đạt đan tay nhìn bâng quơ. Phía xa bên kia đường có đôi trai gái che dù dạo bước. Chắc là mới quen nên vẫn còn e ấp lắm. Mưa tạt bốn bề mà chẳng dám nép vào nhau thêm một chút, tuy dù được nghiêng qua phần cô gái nhiều hơn nhưng một bên vai của cô vẫn ướt. Đạt hơi bực. Đàn ông gì mà dở quá, tán dù rộng lại để cho người mình thương bị ướt, mà bản thân cũng chẳng khô ráo. Phải Đạt thì Đạt choàng vai ôm chặt người ta trong tay, không thì nhường luôn cây dù cho gọn, ướt thì ướt một mình thôi. Nhìn anh chàng loay hoay, Đạt vừa tức vừa bực. Nếu là anh đó hả… Có một chút ngậm ngùi khó cưỡng! Là anh của ngày xưa thì đúng hơn. Đạt của bây giờ phải đối mặt với cơm áo gạo tiền. Những cơn mưa không còn là khung trời lãng mạn đầy thi vị, không là những khi nhìn mây đoán gió cùng tán gẫu. Mưa bây giờ mang nhiều sầu não của lo toan bộn bề, của nỗi sợ khi khạp gạo vơi dần, và mái nhà càng thêm dột. Nghề phu xe sợ nhất ngày mưa, đường lầy sình lầy, bành xe rất dễ bị hư, khách thì vắng teo, thậm chí có bữa không làm nổi một cuốc để trả tiền mướn xe. Vị ngọt của nước mưa không thể xua đi vị mặn của mồ hôi, cuộc đời của kiếp phu xe, Đạt đã trải qua gần như trọn vẹn. Một phu xe đứng lên chống nạnh. Anh hất mái lá ngang trán làm nước mưa văng tung tóe. Mấy manh lá nát theo đó dính khắp người, anh vừa phủi vừa chửi thề. - Đ.m, cuối năm mà còn mưa, không làm ăn được c.c gì hết! Một phu xe khác thở dài rồi gác đầu ra sau nhắm mắt. Những người còn lại bắt đầu kể khổ, rồi lại chửi thề. Cái chòi nhỏ tiếp tục lao nhao. - Đ. m, chiều nay không có tiền thế nào con vợ già cũng cằn nhằn. Mẹ bà nó, đi làm mệt chết m. mà còn léo nhéo suốt, nhiều khi muốn đánh chết m. nó cho rồi. Cả bọn cười khà khà rồi kháo nhau kể lể, nói xấu vợ. Câu chuyện dần dà mở rộng, lạc tới nhiều chủ đề. Căn quán nhỏ nhốn nháo y cái chợ mà ở đó mỗi người đang gân cổ để tiếng nói của mình được nhiều người để ý. Họ chửi thề để mở đấu câu nói rồi văng tục khi muốn nhấn mạnh vấn đề. Hồi mới tham gia, Đạt thấy khó chịu với cách nói năng này rồi sau đó cũng dần quen. Nhập gia tùy tục, chốn mạt hạng thế này thì lễ nghĩa cho ai coi. Hơn nữa, tốt xấu của con người đôi khi không thể nhìn qua câu nói. Trong giới trí thức đẹp đẽ, không ít kẻ giơ chân đạp Đạt xuống bùn khi thấy anh thất thế sa cơ, còn những người thô kệch kia lại không thiếu người đã từng giúp Đạt khi khốn khó. Điển hình như tư Gàu, người đang ngồi cạnh Đạt, chửi thề như sáo, nói năng cứ như sắp lôi người ta ra đánh lộn nhưng hễ nhờ là giúp chẳng nại gì. Trong khi một số ghét Đạt vì nghĩ Đạt tỏ vẻ ta đây là người có học thì tư Gàu lại ngưỡng mộ Đạt vì sự hiểu biết mà bản thân mình không thể có. - Chú ba mày chữ nghĩ bề bề, sao không xin vô mấy chuyện mần giấy tờ cho khỏe, chọn chi cái nghề này cho nhọc thân. Bữa đực bữa cái, thấy mà rầu. - Cũng từng mần rồi đó chớ nhưng… chắc là nợ phải trả đó anh tư. - Nợ gì? Thằng này nói chuyện đ. hiểu nổi. Tư Gàu rút điếu thuốc lào còn đang hút của Đạt đưa lên mình một hơi tới khi đỏ lửa, khói được thở ra mù mịt, sau đó bỏ đi tới đánh bài cùng nhóm người bên kia. Chuyện của Đạt, ngoài út Hơn, chồng Thêm thì anh chưa có can đảm kể với ai hết. Cả Liên và những người trong nhà. Tuy không biết rõ công việc của Đạt nhưng với một người đã có được bằng cử nhân, học cao hiểu rộng như Đạt, nếu không làm cho chánh quyền Pháp thì ít nhất cũng làm thơ kí, lo việc giấy tờ cho hãng xưởng… những cái nghề được trọng vọng. Có nằm mơ họ cũng không nghĩ tới, Đạt phải kiếm sống bằng một cái nghề mà xã hội xếp vào phường mạt hạng: phu kéo xe tay. Để giống người làm công ăn lương, tiền kiếm được mỗi ngày Đạt cất lại, chờ tới cuối tháng mới gom đưa Liên một lần. Nhiều lần mệt mỏi, Đạt muốn thú thực với Liên về hiện tại. Nhưng mỗi lần nhìn thẳng vào mắt cô, anh lại thấy hình ảnh huy hoàng của quá khứ. Bởi ánh mắt cô nhìn anh vẫn không hề thay đổi. Với tham lam cố hữu, Đạt muốn cô giữ mãi hình ảnh của Nguyễn Bửu Quân Đạt ngày nào. Sau nhiều lần lựa, Đạt quyết định không nói nữa. Bởi Đạt đang ôm ấp một điều tốt đẹp cho tương lai. Nhờ nhanh nhạy và giỏi quan sát, Đạt kiếm được nhiều khách hơn so với những người còn lại. Tiền kiếm được mỗi tháng tăng thêm vài đồng bạc. Không nhiều. Nhưng nếu đà này, Đạt sẽ mua đứt chiếc xe. Dành dụm đủ tiền thì anh sẽ bỏ hẳn nghề này để mở một tiệm máy. Dạo gần đây xe cộ tăng lên mà tiệm sửa chữa lại khá ít. Với kiến thức và kinh nghiệm có được chắc chắn tiệm sẽ đắt khách. Đạt sẽ mướn thêm người, Đạt lại làm chủ còn Liên được giao quyền quản lí. Nghĩ tới hy vọng tương lai, Đạt gồng tay kéo xe băng nhanh về phía trước. Chợ đã tan từ lâu, chỉ có hàng quán là đông khách. Đạt chọn một quán, tắp vô chờ đợi. Đạt lau sạch khung xe, chỉnh lại yên ghế. Xe Đạt được chọn nhiều cũng nhờ một phần ở chỗ sạch sẽ và tinh tươm hơn những chiếc xe còn lại. Mùi hành phi từ bên trong bay ra thơm nức mũi. Đã lâu lắm rồi Đạt chưa ăn món hủ tiếu này, Liên cũng vậy. Cơn thèm bất chợt xuất hiện. Thiệt là mắc cỡ! Hồi xưa mâm cao cổ đầy, Đạt có biết thèm là gì. Bây giờ thì chỉ ngửi mùi bụng đã cồn cào đòi hỏi. Đạt muốn mua về cho Liên một tô. Trong lúc thò tay vô túi áo, anh chạm phải chiếc vòng cẩm thạch mà mình phải bòn mót cả tháng trời rồi mượn thêm một ít mới đủ tiền mua. Vậy thì để lần sau, tích cóp đủ tiền, anh sẽ nghỉ hẳn một ngày, cả hai vợ chồng cùng đi ăn một bữa. Nghe tiếng chân đi về phía xe, Đạt xoay chần bị tư thế. Khách đã lên xe nhưng vẫn đang nói chuyện cùng một vài người bạn. Trong tiếng nói cười lẫn lộn, có một âm thanh nhỏ nhẹ vô cùng quen thuộc. Cả người Đạt cứng đờ, ngay cả một cái xoay đầu xác nhận cũng không dám. - Chạy mau dùm đi chú. Tui sắp trễ rồi. Tiếng vị khách gấp gáp. Nhân lúc cô lui cui sửa sang tà áo và di chuyển vị trí chiếc gàu mên bên cạnh sao cho chắc chắn, Đạt buông xe bỏ chạy. Phía đối diện, tư Gàu lù lù xuất hiện, cánh tay thô kệch nắm Đạt lại vì khó hiểu. - Sao bỏ xe? Có khách kìa. Chú đau bụng hả? Có sao không? Chú Đạt! Gàu gọi càng lớn, Đạt chạy càng nhanh. Nhưng con đường dài quá, toàn là quán xá, thiệt lâu mới có khúc quanh. Dáng Đạt cứ hiện diện trong tầm mắt người ngồi đó. ------------------------------------------------ Bóng lưng đó! Cái tên đó! Có nhiều xe kéo chạy qua cất tiếng chào mời trên suốt đoạn đường, Liên cố gắng phớt lờ mà nước mắt âm thầm chảy. Bước thiệt nhanh tới con hẻm vắng, Liên ngồi phịch xuống khóc một mình. Đợi khi tất cả cảm xúc đã thực sự bình ổn, Liên mới tiếp tục đi. Về tới nhà với đôi chân phồng rộp vì lội bộ, Liên lặng lẽ thắp đèn. Hủ tiếu mua cho anh đã nguội lạnh, sau khi trầm ngâm một mình, Liên quyết định đi thẳng vô buồng. Cô bắt đầu câu chuyện một cách nhẹ nhàng và tự nhiên. - Anh về hồi nào? Nghe chị út nói, anh út rủ anh đi nhậu. Em tưởng anh đi rồi chớ. Ăn rồi hãy ngủ nghen anh. Đừng để bụng đói, coi chừng đau bao tử đó. À mà, anh nghỉ việc ở hãng kia hồi nào vậy? Cứ tưởng mềm mỏng để anh mở lòng chia sẻ, dè đâu Đạt giống như đuốc được châm mồi, anh phủi tay Liên, hét lớn. - Anh không làm kí lục gì hết. Chưa từng làm kí lục. Anh làm phu xe! Làm phu kéo xe! Chỉ kéo xe thôi! Khi bước chân ra đường xin việc, Đạt đã lường trước nhều thứ. Nhưng thực tế luôn khó khăn hơn những gì người ta vẫn nghĩ. Mỗi ngày phải đối diện với những tiếng miệt thị, những nụ cười mỉa mai, Đạt không thể nào chịu nổi. Đạt thừa nhận, ở khía cạnh này, anh yếu đuối. Anh không đủ mạnh mẽ, không đủ bản lãnh để kiềm chế, anh nổi xung, anh gây gổ và nếu người ta không đuổi thì Đạt cũng tự nghỉ mà thôi. Anh tìm tới cái nghề này vì ở đó, không ai biết anh là ai. Nhưng Liên không cho như vậy. - Trên đời có người tốt người xấu chớ anh. Tại anh chưa gặp người tốt đó thôi. Giống như em nè... à… Một thoáng đắn đo, Liên thú nhận đã lén anh đi làm. Chỗ làm này ông chủ đối với cô rất tốt, trả lương hậu mà lại thảnh thơi thoải mái. Mọi người thì hòa nhã với cô. Cho nên, cô khuyên anh đừng bỏ cuộc, hãng này không được thì tới hãng khác. Không xin ở Mỹ Tho thì lên Sài Gòn, hay xuống Vĩnh Long cũng được. - Em nghĩ đơn giản quá. Anh bây giờ thất thế nên ai cũng muốn đè đầu. Đâu có được như em. Có người chống lưng. Li6n vẫn chưa hiểu. Đạt nhảy xuống giường rót một chén nước uống ực một hơi. - Thằng Bửu lựa cho em một chỗ thiệt tốt quá đa. Rất tiếc, anh không bao giờ muốn mình dính dáng tới hắn. Càng không có chuyện anh hạ mình van cầu giúp đỡ. Em biết tánh anh thì nên liệu đi. - Không dính gì tới anh Bửu hết. Liên thừa nhận, Bửu có mở lời giúp đỡ nhưng Liên đều từ chối và hoàn toàn không còn gặp Bửu nữa. Công việc này giống như một cơ may có được. Cái bữa cô đem tiền ra trả Cúc, trên đường về đi qua tiệm đường tán, thấy tiệm đang cần người nên Liên xin luôn. Ai ngờ lại được nhận. Vài ngày đầu Liên chỉ làm việc vặt nhưng sau đó quản lí tiệm nói trên văn phòng của xưởng cần người ghi chép sổ sách. Biết cô có học chữ dù cô chưa đậu Thành Chung, quản lý vẫn ngỏ giới giới thiệu cô với chủ xưởng. Liên phân vân, bởi lúc bước chân vô đây chỉ do một phút bốc đồng, làm ngắn ngày thì được chớ còn dài ngày thì sợ không giấu được Đạt. Trừ phi cô được phép đi làm trễ hơn và về sớm hơn những người khác tầm một tiếng đồng hồ mỗi buổi. Dè đâu, hôm sau người quản lí lại báo rằng chủ xưởng đồng ý, miễn là làm hết việc, còn thời gian thì cô được quyết định để tiện cho mình. Với hảo ý như thế, Liên không muốn từ chối. Đạt cười khan. Anh cho cô biết, chủ lò đường mà cô đang làm là chú ruột của Ngân, bà con xa của Bửu. Người đó có thể không biết Đạt nhưng Đạt thì biết ông ta. Do lần trước phải tìm hiểu về Ngân nên Đạt đã phát hiện mối quan hệ bà con giữa Ngân với Bửu. Không loại trừ khả năng Bửu bày mưu cho Ngân dựng chuyện bắt anh nhận lại đứa con không phải của mình. Liên hơi chột dạ. Tuy nói người trong hãng đều tốt với cô nhưng bản thân Liên cũng cảm nhận được có cái gì đó không thật. Giống như họ đang đeo mặt nạ trước mặt cô. Có lẽ đó là nguyên nhân. Nhưng Liên không thấy hổ thẹn. Dù cho Bửu có giúp cô thiệt thì cô cũng đâu ngồi không lãnh lương, cô cũng bỏ công bỏ sức và toàn tâm toàn ý làm tốt công việc được giao. - Có mấy cuốn sổ ở nhà mà em còn tính trật lên trật xuống, lần nào cũng phiền anh với anh hai tính lại. Em nghĩ mình tài cán tới đâu để họ ưu ái cho em như vậy. Thiệt tình, bản thân Liên cũng không muốn dính tới Bửu. Một phần cô sợ, sợ vì những thứ Bửu đã gây ra trong quá khứ có thể lặp lại ở tương lai, phần lại lo, lo vì biết mình mang nặng món nợ ân tình. Nhưng với tình cảnh hiện thời, cô không có quyền lựa chọn. Nhìn Đạt xác xơ trong manh áo phu xe, lòng Liên cứ se thắt lại. Liên chẳng thà nợ Bửu, chẳng thà áy náy với Bửu chớ cô không muốn chồng cô phải cực nhọc quá nhiều. Cô vuốt cánh tay Đạt, ngả đầu vô lưng anh thỏ thẻ như bao lần. - Anh à. Để em làm thêm một thời gian rồi nghỉ được không anh. Trong lúc đó, anh ở nhà đi kiếm việc khác. Anh là người ăn học nhiều thì nên kiếm nghể nào xứng đáng cho bõ bao nhiêu năm dùi mài. Nghề đó… không hợp với anh đâu. Đạt xoay lưng lại. - Anh làm phu xe, em mắc cỡ lắm chớ gì? Khinh khi anh lắm chớ gì? - Không có. Nghề nào cũng tốt hết ớ. Có điều… Liên càng muốn chống chế thì sự miễn cưỡng của cô càng lộ rõ. Đạt cắn môi trong cay đắng. Không trách cô được, chính Đạt còn lầm lũi trên đường, cắm đầu xuống dất vì sợ gặp người quen nữa là. Nhưng Đạt đã chọn. - Anh sẽ làm nghề này để kiếm tiền. Còn em. Ngay ngày mai, xin nghỉ cho anh. - Dạ. Em sẽ nghỉ chỗ đó. Lần sau, em sẽ hỏi kĩ hơn. - Không có lần sau. Cô ở nhà! Ở nhà cho tui! Thằng này đủ sức để nuôi vợ. Không phiền cô phải chường mặt ra đường. Vừa nói, Đạt vừa chỉ tay thẳng vô ngực mình vừa lấn tới một cách sừng sộ. Thấy Đạt đang nóng giận, Liên biết mình nên bớt lời. Cô lẳng lặng tháo gàu mên, hâm lại nước lèo, chần sơ hủ tiếu, sau đó dọn lên bàn rồi gọi anh. Thấy trên bàn chỉ có một tô, Đạt quay đi. - Em ăn đi. Anh không đói. - Cái này em mua cho anh. Hồi trưa, em ăn với mấy chị rồi. Nói chưa xong câu thì Liên đã bỏ xuống bếp, để lại Đạt với cái bóng của riêng mình. Cái bóng đen thui, to bè liêu xiêu bè in trên vách, y như sự hèn mọn của Đạt hiện giờ. Tiền kiếm được tuy có nhiều hơn ngay cả những phu xe cần mẫn nhất thì nó có là gì với những bữa cơm ê hề thịt cả của mấy bữa gần đây. Dù anh có nhanh nhạy, có kiếm được nhiều khách hơn bất cứ phu xe nào khác thì tiền một tháng cộng lại cũng chưa bằng một nửa tiền lương của cô. Hy vọng về một tương lai xán lạn hóa ra chỉ là sự hão huyền của bản tánh tự cao vốn có. Đạt có nổi trội hơn tất cả phu xe khác thì cũng chỉ là thằng giỏi nhất trong đám mạt hạng nhất của xã hội mà thôi. Tới miếng ăn ngon cũng phải mua bằng tiền của vợ thì còn gì nhục nhã cho bằng. Liên không hiểu được nỗi lòng của người đàn ông nên cứ một mực nhét đôi đũa vô tay Đạt, dù anh đã chủ động dằn xuống tới mấy bận. Lần cuối, Đạt quăng hẳn đôi đũa ra sân. - Tui nói không ăn! Đ.m! Sao bữa nay cô nói nhiều quá vậy! Mẹ bà nó! Lì lượm! Hay cô muốn tui… Liên giật người lùi lại khi Đạt thẳng tay hất luôn tô hủ tiếu xuống đất. - Sao bữa nay, anh lại chửi thề với em? Tiếng Liên yếu ớt. Thân thể to lớn của Đạt che mất ánh đèn, khiến trước mặt Liên chỉ toàn bóng tối. Đạt không nhìn ra được ánh mắt cô lúc này, là bất ngờ, là thảng thốt hay là thất vọng. (Vào Gác sách để đọc đầy đủ hơn nha bạn). Làm nhiều quen tay, nói nhiều quen miệng. Một câu nói bộc phát trong cơn nóng giận, nhiều lúc chính người nói cũng chẳng thể ngờ, ấy vậy mà khiến người ta phải đắn đo suy ngẫm về chính bản thân mình. Đó là một phút bồng bột thoáng qua… Hay là tâm tánh do thói quen mà thành? Sâu trong lòng, Đạt rất ăn năn. Nhưng rồi anh lại câm như hến. Đã bao lâu Đạt không tự nhìn mình qua tấm kính. Nó vàng vọt như ánh đèn tù mù, xác xơ như mái lá đương hồi dột nát. Một Nguyễn Bửu Quân Đạt hào hoa và phong nhã, đĩnh đạc và lịch thiệp đã không còn. Thay đó là một phu xe với quần áo lôi thôi, cử chỉ thô kệch, lời nói chát chúa chẳng kém phường lưu manh hạ tiện. Manh áo không làm nên thầy tu nhưng cách xư xử thể hiện tầm vóc một con người. Đạt luôn tự nhủ, phải cố giữ cho mình khí chất. Không phải để cao hơn thiên hạ mà để giữ cho mình cái “lề” của bản thân. Cũng có lúc, Đạt tự hỏi, ở cái nơi mà chửi thề thành câu cửa miệng, lời tục tĩu chỉ là nói đùa thì liệu Đạt giữ cho mình được bao nhiêu? Trớ trêu thay, thực tế quá rõ ràng, Đạt không phải là sen, thứ có thể miễn nhiễm với mùi tanh của bùn, anh chỉ là một vết ố đã loang màu sắp nham nhở.