Yêu Anh Nhiều Hơn Em Có Thể (Rũ Bóng Nghiêng Chiều)
Chương 111 : P3 - chương 7
Bị đuổi thì nhục, lại còn đương lúc đêm hôm, khổ sở bực bội không biết bao nhiêu mà kể. Đường tối, Bửu thì như quáng gà, xe chạy khúc khuỷu, xằng xốc rồi tông ầm vô một cây lớn ven đường. Cũng may về tới nhà lành lặn, tuy ê ẩm cả mình mẩy nhưng Châu lại thấy hả dạ nhiều hơn.
Châu chẳng mặn mà gì với việc ở lại căn nhà u ám đó. Cô sợ ma, mà hễ nghe tiếng động từ phòng bên kia thì anh lập tức bỏ cô để chạy ra nghe ngóng, có khi cả đêm không chịu trở vô. Đòi về mấy lần mà anh không cho. Hành động của Liên kể ra đúng ý Châu quá đỗi. Còn mừng hơn nữa là, cái hy vọng Bửu tỉnh ngộ, chịu quay đầu lớn hơn lúc nào hết.
Nghe lời khuyên của Hạnh, Châu bưng cơm vô tận giường, nhỏ nhẹ khuyên lơn, rồi tỉ tê an ủi. Nói mấy câu đầu, Bửu im ru không phản ứng. Châu nổi hứng nói thêm vài câu nữa thì Bửu nổi giận đùng đùng đuổi cô ra. Uất ức, Châu cãi lại. Cô nói gì sai? Liên không chỉ ngu mà còn bạc bẽo, vô tình!
Cả hai đôi co qua lại, Bửu không dằn được, anh giơ tay lên định đánh. Đúng lúc Hạnh bước vào nên chuyện đó đã không xảy ra. Cái trán ra nông nỗi vậy rồi mà cứ “Liên”, “Liên”, chị xông tới, chỉ muốn giáng Bửu một bạt tay cho tỉnh. Nhưng thằng em si tình đang khổ sở cả thể xác lẫn tâm hồn nên chị không nỡ. Tức mình, chị quăng giỏ xuống giường.
- Con Châu nói đúng. Cậu đừng làm ơn suy nghĩ lại đi. Đừng tơ tưởng tới nó nữa.
- Đến chị cũng nói vậy với em!
- Tui không muốn cậu phát điên giống nó. Nó điên rồi. Nó thực sự bị điên đó cậu năm à! Cậu ở chung với nó rủi điên theo nó thì sao?
Chẳng là, Hạnh vừa từ chỗ Liên về. Trước đây, chị cũng thích Liên, cô vừa dịu dàng vừa đôn hậu, còn rất hiểu chuyện, đẹp người đẹp nết, chính chị từng nói, ai cưới được cô thì có phước lung lắm. Tiếc thay, em chị lại không có phần phước ấy. Chẳng hề gì, trên đời đâu thiếu con gái. Khổ nỗi, Bửu một mực chung tình, sống chết gì cũng chờ đợi, tìm cách có cô cho bằng được. Chị thương em nên chiều ý.
Cái hồi chị tìm lời đưa đẩy, khuyên Bửu chịu lấy Châu, chị những mong, Bửu quên dần, bớt lún sâu để không còn đau khổ. Ai dè, Đạt lại mất mạng, làm Bửu thấy mình có thêm một lần cơ hội. Chị cũng chiều. Vì chị tin, đàn bà nào cũng cần chỗ dựa. Nhưng rõ ràng, Liên càng ngày càng quá quắt. Cô bây giờ góa phụ, lại đeo mang con nhỏ, tuổi cũng qua lứa chớ có phải mười tám đôi mươi mà bày đặt làm giá. Thấy Bửu ôm đầu dính máu về giữa đêm khuya chị đã xót, nghe Châu kể, chị càng lộn ruột.
Ngay sáng sớm, chị đã chạy tới nhà Liên để kiếm cô nói chuyện cho ra lẽ. Không tình cũng nghĩa, Bửu đối với trước sau như một. Thằng em của chị là công tử nhà giàu mà theo cô cúc cung tận tụy, chị đây còn xót, có sắt đá mới không mềm lòng.
Cô không gặp, chỉ có dì tám đứng ra xin lỗi. Coi thường nhau quá thể! Em trai chị là người thế nào mà chỉ được lời an ủi từ kẻ ăn người ở, chị càng giận. Sợ chuyện ầm ĩ tới tai bà Ngự, cực chẳng đã, Liên phải tiếp.
Từ đây, chị mới nói Liên bị điên. Sao có thể đổ thừa chuyện cô không mơ thấy chồng mình là do Bửu. Một hồn ma chưa biết có thực sự hiện hữu hay không lại quan trọng hơn tánh mạng của em trai chị hay sao? Và nếu thực sự có thì chị càng không muốn Bửu tới đó.
Hạnh quát tháo cho hả cơn của Hạnh, chỉ tội cho người đàn ông ôm cái đầu đang còn nhức bưng bưng ngồi dậy. Liên có bao giờ đoái tưởng tới anh đâu mà chị chạy đi đòi công lý. Thứ tình anh dành cho cô là thứ tình đơn phương tuyệt vọng, nếu cái mong ước nhỏ nhoi là được dõi theo cô cũng bị ngăn cấm thì cuộc sống của anh còn ý nghĩa gì nữa!
Đã hét khàn hơi mà Bửu chưa vơi cơn tức ở lồng ngực. Nghe Châu nói chị đi kiếm Liên, Bửu còn tưởng, chị sẽ nói cho Liên cảm động về tình cảnh của anh, đằng này, chị đi hoạch họe người ta. Chị muốn chia cắt tơ duyên mà khó khăn lắm anh mới vun trồng lại được. Nếu vì chị mà anh không thể nhìn thấy Liên nữa thì…
- …Tui sẽ giận chị đó! Chị tài lanh để làm gì! Có giúp được tui không?
Bửu bỏ đi, để lại chiếc khăn trắng vừa khô vét máu trên nền gạch.
------------------------------------------------
Lẽ nào Hạnh không hiểu, vết thương trên trán có xá gì với nỗi đau trong tim cùng nỗi nhớ thương ngày giờ trong óc? Có những lúc mối tình tưởng như tuyệt vọng, trong Bửu chỉ tồn tại một ước muốn nhỏ nhoi, là được nhìn thấy cô, cùng cô trò chuyện như chưa hề có chuyện xảy ra.
Tấm tánh của Liên, Bửu có lạ gì! Mất đi người yêu thương, ai không đau đứt ruột đứt gan. Vả chăng cô có quá đáng một xíu thì cũng là hành động bộc phát nhất thời nông nỗi, trong lúc yếu đuối chán chường bất lực, ai mà không vậy? Anh có giận Liên đâu mà Hạnh lại tới đây làm cho lớn chuyện. Anh biết Hạnh thương anh, lo cho anh. Nhưng cái cách chị làm liệu có khiến anh bớt đau khổ hơn không? Hay chỉ đẩy anh vào ngõ cụt?
Nắng nhảy múa trên mấy bông sao đỏ đậm làm mắt Bửu lờ mờ. Tại trời trưa nắng gắt hay tại nhớ nhung tụ lại thành dáng hình mong nhớ mà Bửu thấy Liên chạy về phía mình, tất tả gọi tên anh.
Không phải ảo giác, là sự thực. Mà thực hay mơ cũng kệ nó luôn đi, chỉ cần cô gọi anh sẽ đáp lời, hễ cô cần thì anh sẵn lòng giúp đỡ. Con của Đạt, của người anh ghét nhất thì đã sao, nó cũng là con của người anh thương nhất, nó quan trọng với dường nào thì anh sẽ nâng niu nó dường nấy. Cho nên Bửu bực. Con nhỏ trên tay anh nóng hổi mà cô ý tá cứ lo băng bó cái trán của anh.
Cũng không thể trách y tá hoàn toàn, đập vô mắt chỉ thấy cái đầu đang bê bết máu, ai mà làm lơ cho được. Chỉ có Liên là áy náy không thôi. Lâu lâu cứ phải liếc qua nhìn đống bông băng dính máu, còn ngh bác sĩ biểu Bửu nằm nghỉ vì người anh cũng dang hầm hầm, có triệu chứng sốt. Rốt cuộc, cả hai đều phải nằm nhà thương. Cũng may, anh không làm sốt co giật như Khanh, không thì lương tâm Liên sẽ vô cùng cắn rứt.
Tới chiều thì Bửu khỏe hẳn, anh chạy thẳng ra chợ. Khá lâu mới thấy anh về, còn đem theo cơm canh nóng hổi. Ở cái chỗ hỗn độn như vầy mà anh vẫn mua được cơm canh ngon lành thịnh soạn làm Liên hơi ngạc nhiên. Còn chưa kịp hỏi thì anh chìa ra giỏ đệm đựng hai bộ đồ mới tinh.
Thời này, đồ con nít thì có bán sẵn, còn đồ người lớn, trừ âu phục thì hoàn toàn không có. Bửu phải tới mấy tiệm may, kiếm bộ nào vừa vặn với cô rồi nài người ta để lại, dĩ nhiên giá sẽ cao gấp ba người ta mới chịu. Tuy vải không được tốt, bông cũng không được đẹp nhưng anh chỉ còn cách này.
Và Liên cũng chẳng cách nào từ chối. Phải ở lại một ngày mà cô thì không đem theo thứ gì. Lúc dì tám soạn đồ, Liên đã ẵm con ra cổng. Gặp Bửu thì thì cả hai lập tức chạy đi, không kịp chờ dì.
Hên cái, Liên còn đủ bình tĩnh đễ bọc tiền theo. Cô thọc tay vô túi lấy ra gói bạc. Giở khăn ra đếm thì có mười đồng. Cô ướm chừng, quần áo, cơm canh chắc cũng ba đồng, còn bảy đồng thì dư dả để trả tiền nhà thương với ăn uống, đi đường bữa sau.
Bửu nằng nặc không nhận, Liên phải kiếm cách nói khéo.
- Anh không lấy tiền… lần sau, em không dám nhờ anh nữa đâu đó.
- Ba cắc bạc.
Liên trố mắt. Rẻ dữ vậy! Bộ quần áo vải nâu thâm, tiền may lẫn tiền vải đã năm cắc. Loại vải này tuy không phải loại nhất nhưng có bông, cũng tầm cả đồng chớ không ít. Liên nài nỉ anh đừng giỡn, cứ nói thiệt giá tiền để cô trả.
Bửu cười hề hề.
- Thiệt đó! Muốn trả thì cứ đưa tiền đây, anh thối lại cho bảy cắc – Bửu phành bóp nhìn ngó, rồi lục lọi hết mấy tui - Chết! Anh không có tiền lẻ. Em cứ để đó, đợi con hết bịnh rồi tính.
Liên chẳng biết làm sao. Giằng co chỗ nhiều người qua lại thì khó coi, mà nhận thêm nữa thì thấy ngại. Đắn đo một hồi, cô quyết định nhét một đồng bạc vô tay Bửu. Anh cũng không dám trả vì sợ cô giận.
Trong phòng có nhiều con nít, chúng chạy giỡn, nói cười tíu tít. Nhờ vậy Liên mới biết, chuyện Khanh nhìn Bửu gọi “cha” là chuyện bình thường. Là cô… đã trách lầm Bửu.
Càng cắn rứt hơn khi cô ý tá tới giúp Bửu thay băng. Ngồi ngay đối diện, vết cắt dài trên trán có thể nhìn thấy rất rõ ràng. Vết cắt khá sâu, không chừng sẽ để lại sẹo. Trước khóe miệng tươi cười, Liên cúi gầm mặt xuống. Tuy Hạnh có nặng lời, nhưng xét cho cùng, Liên vẫn sai. Đến dì tám còn cho đó là vô lý nữa mà!
- Em xin lỗi!
Lẫn trong tiếng ồn ào hỗn tạp xung quanh, tiếng va nhau của chén đũa, tiếng chiếc kìm đặt xuống hộp thiết, ba chữ của Liên quá nhỏ khiến Bửu cứ đắn đo, có phải cô vừa mới nói với anh không? Cái giọng êm đềm luôn khiến tim anh xao xuyến, làm sao anh không nhận ra, chỉ là… hơi tham lam, muốn nghe rõ hơn một chút. Như cây khô được tưới nước hồi sinh, cả người anh phấn chấn, vết thương trên trán bỗng dưng không còn đau nữa.
Miếng cơm trắng trong miệng thấm vào lưỡi ngòn ngọt, thêm miếng thịt vừa mặn vừa cay, lại có mùi tiêu thơm nồng, ăn trong lúc đói thì ngon không gì tả nổi. Trận sốt của con gái chính là tiếng kêu của thực tại. Đã đến lúc cô phải tỉnh táo đối diện cùng nỗi đau. Không có Đạt, cô càng gắng sống, sống thật tốt, có như vậy, cô mới đủ sức để chăm lo cho những người yêu thương xung quanh mình và cả những thứ thuộc về anh.
Lâu lâu mới có dịp lên tỉnh lị, Bửu dẫn bé Khanh thăm thú khắp nơi. Đôi chân nhỏ xíu chạy được vài bước thì mệt. Liên chỉ ẵm một chút, còn lại hầu hết thời gian, nó được Bửu cõng trên vai. Mỗi lần Bửu lắc lắc thì nó cười nắc nẻ. Quần áo, giày dép, đồ chơi, hễ nó chỉ cái nào, Bửu mua ngay cái đó. Lại gặp người bán dẻo miệng biết lấy lòng chiều khách, miệng năm miệng bảy làm bửu gật đầu lia lịa. Chỉ chờ có vậy, đồ chơi liền được nhét vô tay Khanh, không thì bỏ liền vô vỏ. Trong khi Liên cố tì cách từ chối thì Bửu đã trả tiền xong, và nhanh chóng tắp vô lựa thêm món khác. Cũng may, đồ con nít chỉ có bấy nhiêu, chủ yếu khác màu, không thì, Bửu đã gom cả chợ về cho nó.
Lúc đi không có gì mà lúc về, tay xách nách mang tới cả chục giỏ. Đến nỗi, Bửu phải mướn người xách phụ, nhét chật ních cả băng sau.
Không chỉ Khanh, với Liên, đây cũng là lần đầu được ngồi xe hơi thong thả dạo phố xá. Nhìn người và vật lũ lượt lướt qua trước mặt, Khanh vừa thích thú vừa sợ hãi. Nó dụi mặt vào vai Liên. Rồi lại ti hí ngón tay nhì trộm. Cho tới khi có người bán tò he đi qua thì bé ngoái đầu ra cửa, nhìn theo mải miết. Phần vì người bán đã đi xa, phần vì đồ đã quá nhiều nên Liên không cho mua nữa. Con nít tuổi này bắt đầu hiểu biết học khôn, bị Liên từ chối, nó khóc lóc rồi nhìn qua Bửu mếu máo. Bửu lập tức với tay sang ẵm nó rồi mở cửa xuống xe để chạy theo.
Nhìn hai chú cháu chỉ trỏ đám tò he trên cây sào ngang, mắt Liên cay cay. Nếu Đạt vẫn còn, có lẽ, anh cũng chiều con không kém. Nhưng con bé sẽ không được chiều vậy đâu, vì cô không muốn, cô sẽ cản anh. Chắc chắn anh không thèm nghe cô đâu, còn lí sự thuyết phục ngược lại là đằng khác. Và nếu cô kiên quyết, làm mình làm mẩy một trận thì anh sẽ chiều ai giữa hai người phụ nữ quan trọng nhất đời này? Nghĩ tới đây, Liên chực khóc.
Cô vội lau đi trước khi hai chú cháu kịp quay trở lại. Rồi cầm phụ bốn con tò he, Bửu đang cầm bốn con, còn hai con nằm trên hai bàn tay nhỏ xíu.
Con cười Liên cũng vui. Dù vậy, Liên vẫn sợ con gái lớn lên sẽ khó dạy. Bửu đưa hết mấy co tò he trên tay cho Liên cầm.
- Lâu lâu có một lần, đâu phải lúc nào cũng được mua quà cho con như vầy. Về nhà rồi, có tiền cũng chưa chắc mua được.
Bửu đóng cửa xe rồi về ghế bên kia. Lần nào cũng vậy, anh đều tìm mọi cách để ép cô phải nhận. Khuôn mặt Đạt lại mơ hồ ẩn hiện, nếu là anh, anh sẽ nói dứt khoát thế này: kệ, con anh, anh chiều được thì trị được. Biết đâu, anh còn nhéo má rồi bồi thêm một câu: má nó, anh chiều lên tới trời còn không sao! Chiều con bao nhiêu đây thì nhằm nhò gì! Đúng, Đạt luôn như vậy, luôn khiến cô khuất phục vô điều kiện.
Truyện khác cùng thể loại
25 chương
8 chương
66 chương
71 chương
194 chương
27 chương
7 chương
67 chương