Ỷ Thiên Đồ Long Ký
Chương 210 : Tân phụ tố thủ liệt hồng thường
Trương Vô Kỵ, Chu Chỉ Nhược và Hàn Lâm Nhi ba người cưỡi ba con ngựa do đại tài chủ tặng, thẳng đường rong ruổi về phía tây. Hàn Lâm Nhi đối với giáo chủ hết sức cung kính theo sau một quãng xa, không dám đi song song, trên đường đi múc nước, pha trà chẳng khác gì một người đầy tới phục vụ Trương Chu hai người.
Trương Vô Kỵ thấy vậy không đành lòng bèn nói:
- Hàn đại ca, huynh tuy là huynh đệ trong bản giáo thật nhưng tiểu đệ rất kính trọng đại ca, ở việc công thì đại ca phải nghe hiệu lệnh của đệ nhưng ngày thường đối xử với nhau thì cứ coi như ngang vai, xem nhau như huynh đệ bằng hữu vậy thôi.
Hàn Lâm Nhi hoảng hốt nói:
- Thuộc hạ đối với giáo chủ hết sức kính ngưỡng, coi nhau ngang hàng sao được? Bình thời không có duyên được gần giáo chủ, hôm nay tiểu nhân được tận tâm phục thị quả là sinh bình đại hạnh của thuộc hạ.
Chu Chỉ Nhược mỉm cười nói:
- Thế thiếp có phải là giáo chủ của huynh đâu, huynh chẳng cần đối với thiếp cung kính như thế nữa.
Hàn Lâm Nhi nói:
- Chu cô nương chẳng khác gì tiên trên trời, tiểu nhân được nói chuyện với cô vài câu, cũng là nhờ phúc tu các kiếp trước. Tiểu nhân ngôn ngữ thô lỗ xin cô nương miễn chấp cho.
Chu Chỉ Nhược thấy y ăn nói thành khẩn như thế, trong ánh mắt lộ vẻ sùng kính, coi mình thực chẳng khác gì thiên thần. Nàng tự biết dung mạo xinh đẹp, thanh niên con trai ai gặp nàng cũng đều động lòng nhưng người sùng bái hết cỡ như Hàn Lâm Nhi thì chưa hề có, làm thân con gái ai mà chẳng thích.
Trương Vô Kỵ hỏi lại hôm trước tại sao nàng lại bị Cái Bang bắt giữ thì Chu Chỉ Nhược kể lại hôm đó chàng vừa đi khỏi khách điếm chưa lâu, điếm tiểu nhị đem nước trà vào, nàng cũng nghĩa phụ uống ngay vài hớp, đột nhiên thấy đầu choáng váng, nghĩa phụ nói: "Cẩn thận trúng thuốc mê!", nàng muốn đi ra ngoài tìm hai chén nước sạch để uống ngay giải độc. Ngay khi đó sáu bảy cao thủ của Cái Bang xông vào phòng, nàng chưa kịp rút kiếm ra chống cự thì đã bị ngã xuống đất ngất đi, cả nàng lẫn Tạ Tốn đều bị đưa về Lô Long, nhốt riêng ở hai nơi khác nhau.
Trương Vô Kỵ nói:
- Đêm qua ta suy nghĩ một hồi, nếu nghĩa phụ bị Thành Côn bắt, phải đến Đại Đô thăm dò một chút tin tức. Kinh sư là nơi các lộ anh hùng hội tụ, mình xuôi nam cũng qua đó vậy đến Đại Đô dò thám tin tức xem sao. Ta nghĩ rằng thể nào Thanh Dực Bức Vương Vi huynh cũng biết chút manh mối.
Chu Chỉ Nhược bĩu môi cười nói:
- Huynh đến Đại Đô có thực là đi kiếm Vi Nhất Tiếu không?
Trương Vô Kỵ hiểu ngay nàng muốn bóng gió nói gì, mặt đỏ lên nói:
- Cũng chưa chắc gì kiếm được Vi huynh. Nếu mình gặp được Dương tả sứ, Khổ đầu đà, Bành hòa thượng thì cũng giúp mình được phần nào.
Chu Chỉ Nhược mỉm cười nói:
- Có một vị thần cơ diệu toán, túc trí đa mưu, huynh đến Đại Đô đi kiếm cho được thì thể nào cũng giúp được rất nhiều. Dương tả sứ, Khổ đầu đà, Bành hòa thượng làm sao thông minh bằng cô này được?
Trương Vô Kỵ từ đó đến nay đâu dám nói chuyện gặp Triệu Mẫn, lúc này nghe nàng đề cập đến, thần sắc không khỏi sượng sùng, nói:
- Nàng trong bụng không quên được Triệu cô nương thành ra cao hứng lại châm chọc ta vài câu.
Chu Chỉ Nhược cười:
- Thiếp không quên hay là người khác không quên? Trong bụng huynh toan tính gì bộ tưởng thiếp không biết hay sao?
Trương Vô Kỵ nghĩ mình và Chu Chỉ Nhược đã ước định sẽ chung sống đến lúc răng long đầu bạc, từ nay sống chết có nhau, không thể nào lại hai lòng, chuyện gì cũng chẳng nên dấu nàng bèn nói:
- Chỉ Nhược, có một chuyện ta phải nói với nàng, nàng đừng giận nhé!
Chu Chỉ Nhược nói:
- Chuyện gì đáng giận thì cứ giận, còn không đáng giận thì không giận.
Trương Vô Kỵ thấy sựng lại, nghĩ thầm mình từng thề độc với nàng, nhất định sẽ giết Triệu Mẫn để báo thù cho biểu muội Ân Ly, nhưng khi gặp lại nàng rồi không những đã không giết nàng, lại còn cùng nàng qua đêm nơi hoang sơn, cùng cưỡi chung một con ngựa, những chuyện đó quả thực khó ăn khó nói làm sao. Chàng không quen giả dối nên tự thấy ngượng ngập, mặt mày không được tự nhiên.
Chàng còn đang trầm ngâm ba con ngựa đã chạy đến gần một thị trấn nhỏ, thấy trời cũng đã xế chiều bèn đi kiếm một khách điếm tá túc qua đêm. Ăn cơm tối xong, chàng lại xoa nắn các huyệt đạo ở lưng Chu Chỉ Nhược, tuy phương pháp giải huyệt không thích hợp nhưng nàng bị điểm cũng đã lâu, thành ra khi máu huyết lưu thông, các huyệt bị điểm cũng tự động giải khai. Chàng nghĩ thầm: "Thủ pháp điểm huyệt đó thật kì diệu, chỉ sợ không phải là trưởng lão Cái Bang hạ thủ, nếu không trong buổi hôm qua đã có người đến giải huyệt. Chẳng lẽ lại là Thành Côn?", liền hỏi:
- Huyệt đạo của nàng là do ai điểm?
Chu Chỉ Nhược nói:
- Đúng là một lão hòa thượng cao cao gầy gầy, thiếp vốn không biết y là ai nhưng hôm qua nghe các người nói chuyện nên biết y chính là Thành Côn.
Trương Vô Kỵ giận dữ nói:
- Quả nhiên là do tên ác tặc này!
Chu Chỉ Nhược ngại khách điếm có mùi hôi hám nên nói:
- Thôi mình đi ra ngoài dạo chơi một chốc cho dãn gân dãn cốt.
Trương Vô Kỵ đáp:
- Hay lắm.
Chàng liền nắm tay nàng cùng đi ra khỏi thị trấn. Lúc đó mặt trời đã xuống trên đầu non, phía tây cả một bầu trời ráng chiều đỏ như máu, hai người đi bộ một hồi đến ngồi dưới một gốc cây nhìn vầng thái dương đang từ từ khuất sau rặng núi xa xa, trời sâm sẩm tối dần. Trương Vô Kỵ thu hết can đảm, đem chuyện làm sao gặp lại Triệu Mẫn nơi miếu Di Lặc, rồi đến việc phát hiện cái xác Mạc Thanh Cốc như thế nào, gặp lại bọn Tống Viễn Kiều ra sao, rồi đi theo các dấu hiệu của Minh Giáo chạy một vòng lớn ở Ký Bắc tất cả thuật lại một lượt, sau cùng chàng đưa hai tay nắm tay Chu Chỉ Nhược nói:
- Chỉ Nhược, nàng là vợ chưa cưới của ta, phu thê nhất thể, chuyện gì ta cũng không muốn dấu nàng làm gì. Triệu cô nương nhất định đòi gặp nghĩa phụ huynh cho bằng được, có mấy câu rất quan trọng phải hỏi ông cho ra. Ta lúc đó cũng khởi nghi, bây giờ nghĩ lại, càng thấy đáng sợ hơn.
Chàng nói tới mấy câu sau cùng, giọng hơi run run. Chu Chỉ Nhược nói:
- Chàng sợ cái gì?
Trương Vô Kỵ thấy hai bàn tay thon nhỏ của nàng trong tay chàng lạnh như băng, cũng hơi rung động, liền nói:
- Ta nghĩ đến nghĩa phụ có bệnh mất trí nổi cơn điên mỗi khi phát tác thì không còn biết gì nữa. Năm xưa bệnh điên của ông nổi lên, đã định giết chết mẹ ta, chính vì thế mà mẹ ta phải lấy kim châm bắn ông mù mắt. Hôm sinh ra ta, nghĩa phụ cũng toan giết cả cha lẫn mẹ ta, may là nghe thấy tiếng khóc của ta nên thần trí mới tỉnh táo trở lại. Ta sợ… ta quả thực sợ rằng…
Chu Chỉ Nhược hỏi:
- Chàng sợ cái gì?
Trương Vô Kỵ thở dài một tiếng nói:
- Đúng ra ta không nên nói ra nhưng quả thật ta rất ngại rằng biểu muội của ta bị… bị… nghĩa phụ giết chết.
Chu Chỉ Nhược nhảy dựng lên, run run nói:
- Tạ đại hiệp nhân hiệp trượng nghĩa, đối với bọn hậu bối chúng ta thương yêu biết bao, sao lại có chuyện giết Ân cô nương được?
Trương Vô Kỵ nói:
- Ta cũng chỉ áng chừng vậy thôi, không có gì làm chuẩn xác. Nếu quả thật biểu muội ta do nghĩa phụ giết chết thì cũng chỉ vì bệnh cũ của ông đột nhiên phát tác, chẳng khác gì người nằm mơ chứ đâu phải bản ý của lão nhân gia. Ôi, nếu quả như thế thì cũng chỉ vì lão tặc Thành Côn mà ra cả.
Chu Chỉ Nhược trầm tư một hồi, lắc đầu nói:
- Không phải, không phải! Không lẽ cả bọn mình đều trúng phải Thập Hương Nhuyễn Cân Tán, cũng bởi nghĩa phụ lão nhân gia hay sao? Ông ta lấy đâu ra độc dược? Một người có thể đột nhiên tâm trí mê muội giết người thì cũng không lấy gì làm lạ, nhưng đâu có thể rành rọt xét nét đến nỗi có thể bỏ chất độc và đồ ăn thức uống bao giờ?
Trương Vô Kỵ thấy trước mắt như có mây mù che phủ, không nhìn ra được chút manh mối nào. Lại nghe Chu Chỉ Nhược lạnh lùng nói tiếp:
- Vô Kỵ ca ca, chàng dùng đủ trăm phương ngàn kế, tìm cách chạy tội cho Triệu cô nương.
Trương Vô Kỵ nói:
- Nếu quả thực Triệu cô nương chính là hung thủ thì cô ta chạy trốn nghĩa phụ còn chưa đủ, sao lại khăng khăng đòi gặp có vài câu rất quan trọng muốn hỏi ông ta là sao?
Chu Chỉ Nhược cười khẩy nói:
- Vị cô nương đó cơ biến không ai bằng, nếu nàng ta muốn chối phăng tội lỗi, không lẽ không nghĩ ra được cách nào xảo diệu hay sao?
Giọng nàng đột nhiên trở nên ôn nhu, dựa đầu vào chàng nói:
- Vô Kỵ ca ca, chàng là người trung hậu thực thà nhất trên đời này, nói đến thông minh cơ trí, làm sao có thể là đối thủ của Triệu cô nương cho được?
Trương Vô Kỵ thở dài nghĩ lại thấy quả thực hữu lý, giơ tay ôm thân thể mềm mại của nàng vào lòng, dịu giọng nói:
- Chỉ Nhược, sao ta thấy thế sự phiền nhiễu chẳng cùng, đến thân thiết như nghĩa phụ mà cũng khiến ta phải nghi ngờ. Ta chỉ mong sau khi đuổi được Thát tử rồi, hai đứa mình ẩn cư nơi thâm sơn, chung hưởng thanh nhàn, không lý gì đến việc đời nữa.
Chu Chỉ Nhược nói:
- Chàng là giáo chủ Minh Giáo, nếu trời cho được như ý nguyện, đuổi được quân Hồ Lỗ thì thiên hạ đại sự lúc đó đều do Minh giáo lo liệu cả, làm sao chàng có thể hưởng thanh nhàn được?
Trương Vô Kỵ nói:
- Ta chẳng có tài cán gì mà làm giáo chủ, mà cũng chẳng muốn làm giáo chủ nữa. Huống chi các giáo chủ đời trước của bản giáo đã để lại di huấn đại giới, giáo chúng bản giáo không được làm quan, làm đế, ngay cả khu trừ xong Hồ Lỗ, Minh giáo cũng chỉ lui về sống nơi thảo dã, hộ quốc bảo dân, quyết không thể nắm binh quyền thiên hạ. Sau này nếu như thiên hạ thái bình, cái chức vụ làm chủ một giáo phái này phải do một vị anh hùng sáng suốt đảm trách.
Chu Chỉ Nhược nói:
- Minh giáo đời trước thật có quy củ như vậy sao? Nếu như sau này quan phủ hoàng đế không tốt, chẳng lẽ Minh giáo lại giết quan tạo phản lần nữa? Thiếp thấy quy củ này nên phải sửa lại. Chàng tuổi còn trẻ, bây giờ tài cán chưa đủ nhưng đâu phải là không thể học được? Hơn nữa, thiếp là chưởng môn của phái Nga Mi, gánh vác trên vai cũng rất nặng nề. Khi sư phụ thiếp giao cho thiếp cái Thiết Chỉ Hoàn này dặn thiếp phải làm sao quang đại môn phái, e rằng không có cái diễm phúc được ẩn cư nơi rừng sâu núi thẳm đâu.
Trương Vô Kỵ vuốt ve chiếc nhẫn trên tay nàng nói:
- Hôm đó ta thấy chiếc nhẫn sắt này rơi vào tay Trần Hữu Lượng, trong lòng bồn chồn lo lắng biết bao, chỉ sợ nàng bị gian nhân làm nhục, hận không có cánh để bay đến bên nàng. Chỉ Nhược, ta không cứu nàng thoát hiểm được sớm hơn khiến những ngày đó nàng phải chịu biết bao nhiêu chèn ép. Thiết Chỉ Hoàn này làm sao nàng lấy lại được thế?
Chu Chỉ Nhược đáp:
- Đó là thiếu hiệp Tống Thanh Thư của phái Võ Đang đem trả lại cho thiếp đó.
Trương Vô Kỵ nghe nàng nhắc đến tên Tống Thanh Thư, đột nhiên nghĩ đến nàng cùng Tống Thanh Thư sánh vai ngồi bên nhau nơi bàn tiệc nơi đại sảnh của Cái Bang nên hỏi:
- Tống Thanh Thư đối với nàng tốt lắm, phải không?
Chu Chỉ Nhược nghe thấy Vô Kỵ hỏi với vẻ khác thường nên hỏi lại:
- Chàng nói "đối với nàng tốt lắm" là ý thế nào?
Trương Vô Kỵ đáp:
- Chẳng có ý gì hết. Ta chỉ thuận mồm hỏi đấy thôi. Tống sư ca đối với nàng một mối thâm tình, chẳng kể gì đến phản bội môn phái, đối nghịch phụ thân, thí diệt sư thúc, mưu hại sư tổ, chỉ có tốt với một mình nàng thôi.
Chu Chỉ Nhược ngẩng đầu nhìn vầng trăng mới nhô lên ở phương đông, buồn bã nói:
- Nếu như chàng đối với thiếp chỉ được bằng một nửa của y thì thiếp cũng đã thỏa nguyện lắm rồi.
Trương Vô Kỵ đáp:
- Ta chẳng thể nào si tình được như Tống sư ca nhưng đối với nàng cũng là một tấm chân tình, nếu bảo vì nàng mà bắt ta làm những chuyện bất hiếu bất nghĩa thì quyết không thể nào được.
Chu Chỉ Nhược nói:
- Vì thiếp thì chàng không làm được nhưng nếu vì Triệu cô nương thì chàng làm được. Ở trên hòn đảo chàng đã lập trọng thệ nhất quyết sẽ giết con yêu nữ để báo thù cho Ân cô nương. Thế nhưng khi chàng gặp mặt cô ta rồi thì lời thề quên sạch, chẳng còn nhớ một tí gì.
Trương Vô Kỵ nói:
- Chỉ Nhược, một khi ta đã tra xét rõ ràng quả thực đao Đồ Long và kiếm Ỷ Thiên là do Triệu cô nương ăn trộm, biểu muội ta đúng là cô ta giết thì lúc đó ta sẽ không tha cho cô ta đâu. Thế nhưng nếu cô ta vô tội, ta làm sao giết cô ta vô duyên vô cớ được? Có lẽ ở nơi tiểu đảo ta lập lời thề đó là sai lầm.
Chu Chỉ Nhược lặng yên không nói, Trương Vô Kỵ hỏi lại:
- Ta nói có gì sai không?
Chu Chỉ Nhược đáp:
- Không đâu, thiếp đang nghĩ đến khi ở nơi tháp cao chùa Vạn An, thiếp cũng đã từng lập trọng thệ trước mặt sư phụ thiếp. Chỉ tiếc rằng khi thiếp trao thân gửi phận cho chàng, thiếp đã không kể cho chàng nghe.
Trương Vô Kỵ kinh hãi hỏi:
- Nàng… nàng đã lập lời thề gì?
Chu Chỉ Nhược đáp:
- Khi đó thiếp thề với sư phụ rằng nếu như ngày sau lấy chàng làm chồng, cha mẹ thiếp ở dưới suối vàng cũng không yên, sư phụ thiếp sẽ thành ma thành quỷ, ngày đêm theo đuổi quấy phá thiếp, nếu thiếp có con cái với chàng, trai thì đời đời làm đầy tớ, gái thì đời đời làm xướng kỹ.
Trương Vô Kỵ nghe thấy những lời thề độc địa ấy, không khỏi lạnh người, một lúc lâu sau mới nói:
- Chỉ Nhược, chuyện đó không tính được, không thể nào tính được. Sư phụ nàng vẫn tưởng Minh giáo là một tôn giáo tà ma chuyên làm điều ác độc xấu xa, còn ta là một dâm tặc gian tà vô sỉ nên mới ép nàng phải lập lời thề đó. Lão nhân gia một khi đã biết rõ sự thực, thì sẽ không còn bắt nàng phải giữ lời thề đó nữa đâu.
Chu Chỉ Nhược nước mắt đầm đìa, thổn thức nói:
- Thế nhưng… thế nhưng lão nhân gia đâu có biết được.
Nói xong nàng phục vào lòng chàng khóc rấm rứt. Trương Vô Kỵ vuốt mái tóc mềm mại của nàng, an ủi:
- Sư phụ nàng ở dưới âm sẽ biết mà không thể nào trách nàng đã phản bội lời thề. Chẳng lẽ ta lại là kẻ dâm tặc gian tà vô sỉ hay sao?
Chu Chỉ Nhược ôm lấy lưng chàng nói: Bạn đang đọc chuyện tại Truyện.YY
- Bây giờ chàng chưa phải nhưng mai sau bị Triệu Mẫn dụ dỗ, không chừng… không chừng sẽ thành gian tà vô sỉ.
Trương Vô Kỵ giơ ngón tay búng nhẹ vào má nàng cười nói:
- Sao nàng lại coi thường ta thế, chồng nàng không lẽ lại là hạng người như thế hay sao?
Chu Chỉ Nhược ngẩng đầu lên, trên má nàng những giọt lệ lóng lánh như những viên ngọc, đôi mắt ánh lên một nụ cười nũng nịu nói:
- Rõ không biết xấu, chàng đâu đã là chồng thiếp? Chàng vẫn lập lờ qua lại với con tiểu yêu nữ Triệu Mẫn, thiếp không cần chàng nữa. Biết đâu một ngày kia chàng cũng như gã Tống Thanh Thư, chỉ vì một người con gái mà làm biết bao việc xấu xa đê tiện.
Trương Vô Kỵ cúi đầu xuống hôn nhẹ lên má nàng cười:
- Ai bảo nàng đẹp như tiên giáng trần, những người phàm phu tục tử như ta làm sao cầm lòng cho nổi? Cái đó là cha mẹ nàng có lỗi, sinh ra nàng quá xinh đẹp, làm đàn ông con trai phải mê mệt đấy thôi.
Truyện khác cùng thể loại
65 chương
253 chương
33 chương
27 chương
14 chương
15 chương
115 chương
20 chương