Ỷ Thiên Đồ Long Ký
Chương 104
Trương Vô Kỵ đáp:
- Tại hạ họ Tăng, tên A Ngưu.
Diệt Tuyệt sư thái hỏi tiếp:
- Sư phụ ngươi là ai?
Trương Vô Kỵ đáp:
- Sư phụ tôi chỉ là một thầy lang vườn vô danh ở một tiểu trấn, sư thái chắc chẳng biết đâu.
Diệt Tuyệt sư thái hừ một tiếng, không thèm hỏi nữa. Cả đoàn người đi đến khi trời sáng mới dừng lại nghỉ đem lương khô ra ăn. Chu Chỉ Nhược đem hai chiếc bánh bao nguội, cho Trương Vô Kỵ và Thù Nhi mỗi người một cái. Khi nàng đưa bánh cho Trương Vô Kỵ, nhìn chàng một cái, lập tức quay đầu ra chỗ khác. Trương Vô Kỵ trong lòng khích động, nhịn không nổi, nói nhỏ:
- Ơn đức đút cơm cho ăn trên sông Hán Thủy, vĩnh viễn không quên.
Chu Chỉ Nhược cả người chấn động, quay lại nhìn chàng, lúc này Trương Vô Kỵ đã cạo sạch râu ria, nàng nhìn một hồi, đột nhiên "A" lên một tiếng, mặt lộ vẻ vừa mừng vừa sợ, ấp úng:
- Huynh… huynh…
Trương Vô Kỵ biết nàng đã nhận ra mình, chầm chậm gật đầu. Chu Chỉ Nhược hỏi khẽ:
- Hàn độc trong người đã đỡ chưa?
Giọng nàng chỉ vo ve như tiếng muỗi, dường như không nghe thấy. Trương Vô Kỵ nói nhỏ:
- Đã đỡ rồi.
Chu Chỉ Nhược hai má đỏ bừng vội bước ra chỗ khác. Lúc đó Thù Nhi ở ngay đằng sau Trương Vô Kỵ, thấy Chu Chỉ Nhược vẻ mặt mừng rỡ, rồi mấp máy đôi môi, tiếp theo ra vẻ thẹn thùng, nhưng ánh mắt sáng lên, đợi nàng đi khỏi liền hỏi Trương Vô Kỵ:
- Cô ta nói gì với huynh thế?
Trương Vô Kỵ mặt đỏ lên, nói:
- Đâu… đâu có… đâu có gì.
Thù Nhi hừ một tiếng:
- Sờ sờ ra thế mà còn chối.
Cả bọn nghỉ ngơi ba tiếng đồng hồ rồi lại tiếp tục đi, thẳng đường về hướng tây, luôn ba ngày liền xem chừng có việc khẩn cấp. Tất cả các nam nữ đệ tử dù đi hay nghỉ, ngoài những việc chẳng đặng đừng ra, không ai nói một lời, chẳng khác gì một bọn người câm.
Lúc này xương đùi của Trương Vô Kỵ đã lành lặn như thường, lúc nào cũng có thể bước đi nhưng chàng giả vờ như chưa khỏi, có khi còn rên rỉ mấy tiếng để cho Diệt Tuyệt sư thái khỏi phòng bị, đợi dịp là cứu Thù Nhi trốn biệt. Có điều đường đi chỗ nào cũng là đồng không mông quạnh, chạy chẳng được xa là sẽ bị đuổi tới nên nhất thời chàng không dám vọng động. Chàng nối lại chỗ gãy xương cho Thù Nhi, Diệt Tuyệt sư thái trông thấy nhưng cũng chỉ lạnh lùng ngó qua không can dự. Diệt Tuyệt sư thái thấy võ công của Thù Nhi, đoán là nàng ắt là phe đối địch, dù sao đem bọn họ theo cũng không có gì đáng ngại, cũng không thể dễ dàng thả ra. Mỗi khi nghỉ lại hay ban đêm nằm ngủ, Trương Vô Kỵ không nhịn nổi liếc nhìn Chu Chỉ Nhược mấy lần nhưng nàng không hề đến gần bên chàng.
Đi thêm hai ngày nữa, chiều hôm đó cả bọn đến một bãi sa mạc lớn, dưới đất tuyết đóng đã tan nên hai chiếc xe trượt lôi đi trên cát. Đang lúc đi, bỗng có tiếng vó ngựa từ phía tây vọng đến. Diệt Tuyệt sư thái giơ tay ra hiệu, các đệ tử liền chạy đến nằm phục xuống sau các gò cát. Hai người tay cầm đoản kiếm kề ngay lưng Trương Vô Kỵ và Thù Nhi, ý định rõ ràng là phái Nga Mi đang phục kích địch nhân, nếu Trương Vô Kỵ và Thù Nhi lên tiếng báo động, đoản kiếm sẽ đâm thẳng vào lưng giết họ ngay lập tức.
Tiếng vó ngựa nghe mỗi lúc một gấp nhưng khoảng cách vẫn còn xa, một lúc thật lâu mới tới gần. Những kỵ sĩ đột nhiên thấy dấu chân trên mặt cát liền gò cương, đứng lại quan sát. Đại đệ tử của phái Nga Mi là Tĩnh Huyền liền giơ phất trần ra hiệu, mấy chục đệ tử từ các chỗ mai phục nhảy ra vây quanh đoàn người cưỡi ngựa. Trương Vô Kỵ thò đầu ra nhìn, thấy tổng cộng có bốn người, tất cả đều mặc áo bào trắng, trên áo thêu một ngọn lửa đỏ đang cháy. Bốn người thấy bị bao vây liền kêu la, rút binh khí ra, phá vòng vây chạy về phía đông bắc.
Tĩnh Huyền sư thái lớn tiếng quát:
- Đây là yêu nhân của ma giáo, không để cho tên nào chạy thoát.
Phái Nga Mi tuy đông người nhưng không cậy nhiều để đánh ít. Hai nữ đệ tử, hai nam đệ tử theo hiệu lệnh của Tĩnh Huyền sư thái, chia nhau ra tiến lên chặn họ lại. Bốn người của ma giáo tay cầm đao cong, ra tay thật là độc địa. Thế nhưng phái Nga Mi kỳ này kéo đi Tây Vực đều là những nhân tài bạt tụy trong môn phái, người nào cũng võ nghệ tinh cường, chỉ bảy tám hiệp, ba người của ma giáo đã bị trúng kiếm, từ trên ngựa ngã xuống.
Người còn lại thật là lợi hại, chém trúng vai một nam đệ tử phái Nga Mi, cướp đường chạy trốn, giục ngựa chạy ra ngoài mấy trượng. Người thứ ba trong phái Nga Mi là Tĩnh Hư sư thái liền quát:
- Ngã này.
Thân pháp thật nhanh, vụt đến sau lưng người kia, phất trần tung ra, cuốn ngay chân trái kẻ địch. Người đó vung đao gạt ra, Tĩnh Hư đột nhiên biến chiêu, nghe bộp một tiếng đánh trúng ngay sau đầu đối phương. Chiêu đó trúng chỗ yếu hại, trong phất trần có ẩn tàng nội lực thâm hậu, người kia liền ngã xuống khỏi ngựa. Nào ngờ người đó hết sức hung tợn, tuy đã bị trọng thương nhưng quyết chí cùng kẻ địch đồng quy ư tận nên giang hai tay nhào tới chộp Tĩnh Hư. Tĩnh Hư nghiêng người né qua, phất trần lại đánh trúng ngay ngực y.
Ngay khi đó, tại chiếc lồng buộc trên cổ con ngựa y cưỡi có ba con chim bồ câu trắng vẫy cánh bay ra. Tĩnh Huyền kêu lên:
- Làm trò gì thế này?
Bà ta vẫy tay áo một cái, ba viên đạn sắt chia ra bắn vào ba con chim. Hai con bồ câu trúng đạn rơi xuống, còn một viên đạn bị một người áo trắng đang nằm dưới đất dùng ám khí đánh tạt qua một bên, nên con chim thứ ba bay vụt lên cao vút tận mây. Các ám khí của đệ tử Nga Mi bay ra rào rào, nhưng không sao trúng được, chỉ thấy con chim giang cánh bay thẳng về hướng đông bắc. Tĩnh Huyền tay giơ lên, các nam đệ tử liền dựng bốn người áo trắng dậy đưa đến trước mặt bà ta.
Từ lúc công địch cho đến khi bắn chim, bắt người, Diệt Tuyệt sư thái chỉ lạnh lùng đứng ngoài quan sát. Trương Vô Kỵ nghĩ thầm: "Bà ta đích thân động thủ với Thù Nhi, đủ biết coi trọng cô nàng lắm, có lẽ vì Đinh Mẫn Quân bị chấn gãy cổ tay mà ra. Lão ni này muốn bắn hạ con chim kia, chỉ giơ tay là xong, có gì là khó? Thế nhưng bà ta để yên không lý đến, chắc cốt để cho đệ tử lo liệu cả". Chàng nghĩ đến năm xưa Tĩnh Huyền dẫn bọn Kỷ Hiểu Phù cùng lên núi Võ Đang chúc thọ thái sư phụ, so ra ngang hàng với chưởng môn các phái Côn Lôn, Không Động, đủ biết đại đệ tử của phái Nga Mi đã có chút danh vọng trên giang hồ, việc gì cũng có thể tự giải quyết được cả, kể cả chuyện lớn. Đối phó với vài tên giáo đồ của ma giáo dĩ nhiên đâu cần phải do Diệt Tuyệt sư thái ra tay.
Một nữ đệ tử nhặt hai con chim bồ câu chết lên, lấy từ trong chiếc ống buộc ở đùi chim một tờ giấy cuộn tròn, trình lên cho Tĩnh Huyền. Tĩnh Huyền coi qua, nói:
- Sư phụ, ma giáo đã biết tin chúng ta vi tiễu Quang Minh Đỉnh, lá thư này là để cáo cấp với Thiên Ưng giáo.
Bà ta lại coi ống thư thứ hai, nói:
- Cũng cùng một thứ. Tiếc thay một con lại bay lọt lưới.
Diệt Tuyệt sư thái lạnh lùng đáp:
- Có gì mà tiếc? Quần ma tụ hội, nhất cử nhi tiêm, không phải thích lắm sao? Khỏi phải mất công mình chạy đông chạy tây tìm kiếm bọn chúng. Bạn đang đọc chuyện tại Truyện.YY
Tĩnh Huyền đáp:
- Quả đúng vậy.
Trương Vô Kỵ nghe thấy mấy chữ "cáo cấp với Thiên Ưng giáo", trong bụng không khỏi phân vân: "Giáo chủ của Thiên Ưng giáo chính là ông ngoại ta, không biết lão nhân gia có đến không? Ôi, lão ni này thật là ngạo mạn tự đại, nhưng chưa chắc đã là đối thủ của ông ngoại ta". Chàng đã định thừa cơ cứu Thù Nhi đào tẩu nhưng lúc này muốn gặp ông ngoại nên trong lòng rất sốt ruột, không nghĩ chuyện bỏ đi vội.
Tĩnh Huyền quát hỏi bốn người áo trắng:
- Các ngươi còn gọi thêm những viện thủ nào nữa? Làm sao biết được tin tức lục đại môn phái vây đánh ma giáo?
Cả bốn người áo trắng đều ngửa mặt lên cười thảm thiết, đột nhiên ngã lăn ra đất, không động đậy gì nữa. Cả bọn kinh hãi, hai tên nam đệ tử cúi xuống xem, thấy cả bốn tên nét mặt nở một nụ cười ngụy bí, đều đã chết cả, sợ hãi kêu lên:
- Sư thư, cả bốn tên này đều chết cả rồi.
Tĩnh Huyền giận dữ nói:
- Yêu nhân uống thuốc độc tự tận, loại độc dược này quả thực lợi hại, phát tác thật nhanh.
Tĩnh Hư nói:
- Tra xét thân thể chúng xem.
Bốn người sư đệ lên tiếng đáp:
- Vâng.
Chia ra lục soát các túi áo của bốn tử thi. Chu Chỉ Nhược vội nói:
- Chúng vị sư huynh cẩn thận, đề phòng độc vật bên trong các túi áo.
Bốn nam đệ tử giật mình, lấy binh khí ra rạch các túi áo ra, thấy trong túi ngo ngoe cử động, túi nào cũng có hai con rắn độc nhỏ, nếu như thò tay vào lục soát, thể nào cũng bị độc xà cắn phải. Cả bọn mặt mày biến sắc, ai nấy chửi mắng giáo đồ ma giáo hành sự độc ác.
Diệt Tuyệt sư thái lạnh lẽo nói:
- Chúng ta lên đường từ Trung Thổ đi về hướng tây, hôm nay lần đầu gặp giáo đồ ma giáo. Bốn tên này bất quá chỉ là mấy tên vô danh tiểu tốt, mà đã âm độc như vậy, những nhân vật chủ não trong ma giáo, phải biết thế nào?
Bà ta ngừng lại một lát, nói tiếp:
- Tĩnh Hư tuổi tác không phải là nhỏ, xử sự cẩu thả như thế, không bằng Chỉ Nhược nhận xét tinh tường.
Tĩnh Hư mặt đỏ bừng, khom lưng nhận tội. Trương Vô Kỵ trong bụng lại nhẩm tính mấy chữ "lục đại môn phái vây đánh ma giáo" của Tĩnh Huyền. "Sáu phái? Sáu phái? Liệu phái Võ Đang ta có ở trong đó chăng?".
Canh hai đêm đó, bỗng dưng nghe tiếng lục lạc kêu leng leng, leng keng, dường như có một con lạc đà từ xa đi tới. Lúc đó mọi người đã ngủ say, nghe tiếng chuông đều tỉnh dậy cả. Tiếng lục lạc lúc đầu từ phía tây nam vọng tới, nhưng chỉ giây lát lại từ phương nam vọng về phương bắc, vang đến tận phía tây bắc. Vừa khi đó tiếng chuông lại chạy qua phía đông, dường như xuất hiện ở phía đông bắc. Cứ như thế khi thì đông, khi thì tây, nghe rất ma quái. Mọi người ai nấy ngạc nhiên, đều nghĩ thầm dù cho con lạc đà kia chạy nhanh cỡ nào, không sao có thể vừa ở bên đông lại chạy ngay sang bên tây, nhưng nghe âm thanh thì không phải là có nhiều người đứng ở bốn phương, trước sau rung chuông. Một lúc sau, tiếng chuông khi xa khi gần, lúc to lúc nhỏ, rồi bất ngờ kêu vang động cả phía nam tưởng như con lạc đà đó chạy nhanh như ngựa vụt qua. Người của phái Nga Mi chưa từng đi đến sa mạc, nghe tiếng nhạc ngựa quái dị như thế, ai nấy đều ngầm sợ hãi.
Diệt Tuyệt sư thái lớn tiếng nói:
- Cao nhân ở phương nào, xin mời hiện thân gặp gỡ, chứ trang thần lộng quỷ như thế, còn ra thể thống gì nữa?
Tiếng nói truyền vang ra thật xa. Bà ta nói câu đó xong, tiếng nhạc ngựa lập tức im bặt, tưởng chừng chủ nhân của chiếc lục lạc kia sợ hãi sư thái, không dám đùa giỡn nữa. Cả ngày hôm sau bình an vô sự. Đến canh hai đêm hôm đó, tiếng lục lạc lại nổi lên, khi xa khi gần, khi đông khi tây, Diệt Tuyệt sư thái lại lên tiếng trách mắng, nhưng lần này phía bên kia không thèm coi vào đâu, lúc thì nghe nhỏ lúc lại vang to, có khi lại tưởng như đang giận dữ phi tới, nhưng tới gần bỗng dưng biến mất tăm khiến cho ai ai cũng choáng váng nhức đầu.
Trương Vô Kỵ và Thù Nhi nhìn nhau mỉm cười, tuy hai người không rõ tiếng lục lạc kia làm sao vang động quái dị như thế, nhưng biết là đó là do một cao thủ của ma giáo bày ra, khiến cho phái Nga Mi không thể làm gì được, lục thần bất an, kể cũng nực cười.
Diệt Tuyệt sư thái vẫy tay một cái, các đệ tử liền nằm xuống ngủ, không thèm để ý đến tiếng nhạc ngựa nữa. Tiếng lục lạc lại vang lên một hồi, tuy làm đủ trò nhưng người của phái Nga Mi không thèm để ý, có lẽ người kia cũng hết hứng thú, đột nhiên ở phương bắc vang lên một chập rồi yên hẳn. Phương pháp "thấy quái lạ không coi là lạ, tự nó sẽ tiêu đi" của Diệt Tuyệt sư thái xem chừng có vẻ linh hiệu.
Sáng hôm sau mọi người thu dọn chăn áo, đang định khởi hành, hai tên nam đệ tử không hẹn mà cùng kêu hoảng lên. Chỉ thấy một người nào đó nằm tự bao giờ, đang ngủ say. Người đó từ đầu chí chân đắp một cái mền bẩn thỉu, không lộ một chút thân thể nào, mông đít chổng cao, ngáy khò khò.
Những người còn lại của phái Nga Mi lập tức kinh hoàng, đêm qua họ đã chia phiên canh gác, sao lại không biết có người lẻn vào? Diệt Tuyệt sư thái thần công như thế, dù cho gió thổi cỏ lay, hoa bay lá rụng cũng không qua khỏi tai mắt bà ta, sao trong đám người có thêm một kẻ lạ đến bây giờ mới thấy? Mọi người vừa kinh hoảng, vừa xấu hổ, đã có hai người cầm trường kiếm đến bên người nọ, quát lớn:
- Ai đó, định làm trò ma quỷ gì đây?
Người kia vẫn tiếp tục ngáy ồ ồ, chẳng thèm để ý tới. Một nam đệ tử dùng kiếm hất chiếc chăn ra, thấy bên dưới là một người mặc áo bào trắng có sọc xanh, đang nằm phục trên bãi cát ngủ thật ngon.
Tĩnh Hư biết rằng kẻ này dám lớn mật làm như thế, ắt hẳn phải lai lịch rất lớn nên tiến lên một bước, nói:
- Các hạ là ai? Đến đây có chuyện gì?
Người kia vẫn ngáy khò khò như kéo bễ. Tĩnh Hư thấy kẻ nọ vô lễ, trong lòng bực bội, liền múa phất trần, nghe vút một tiếng đánh ngay vào mông người nọ. Chỉ nghe soạt một tiếng, chiếc phất trần trong tay Tĩnh Hư sư thái không biết cách nào đã bay vụt lên không, cao đến cả chục trượng, mọi người thấy thế liền ngẩng đầu lên nhìn.
Diệt Tuyệt sư thái quát lớn:
- Tĩnh Hư, coi chừng.
Tiếng chưa kịp dứt, đã thấy người mặc áo sọc xanh kia bỏ chạy ở tận ngoài xa mấy trượng, Tĩnh Hư đã bị y ôm ngang trên hai cánh tay. Tĩnh Huyền cùng một niên trưởng nữ đệ tử là Tô Mộng Thanh lập tức cầm kiếm đề khí đuổi theo. Thế nhưng người kia thân pháp nhanh không thể tả, hai người mặc dù thi triển khinh công nhưng cũng không thể đuổi được.
Diệt Tuyệt sư thái hú lên một tiếng thánh thoát, tay cầm bảo kiếm Ỷ Thiên lập tức rượt theo sau. Chưởng môn phái Nga Mi quả nhiên thân thủ không như người khác, chỉ trong nháy mắt đã vượt qua Tĩnh Huyền, Tô Mộng Thanh, ánh sáng lấp lánh giơ kiếm đâm vào lưng người kia.
Thế nhưng người kia chạy nhanh vô cùng, nhát kiếm đó còn cách đến cả thước, không sao trúng được. Tuy y ôm Tĩnh Hư trên tay nhưng vẫn chạy như bay, không chậm hơn Diệt Tuyệt sư thái chút nào. Y dường như có ý khoe khoang công lực nên không chạy chạy xa mà chỉ chạy vòng quanh đám người của phái Nga Mi. Diệt Tuyệt sư thái đâm luôn mấy kiếm nhưng không trúng được nhát nào.
Bỗng nghe cạch một tiếng, chiếc phất trần trong tay Tĩnh Hư rơi xuống đất. Lúc ấy Tĩnh Huyền và Tô Mộng Thanh đã dừng bước, mọi người ngưng thần nín thở xem bên ngoài mấy chục trượng hai đại cao thủ đuổi nhau. Tuy nơi đây là giữa sa mạc nhưng hai người chạy nhanh mà bụi không tung lên chút nào. Đệ tử phái Nga Mi thấy Tĩnh Huyền bị người kia bắt giữ, nằm sóng soài như người chết, không động đậy gì cả, ai ai cũng đều kinh hãi. Có người muốn tiến lên chặn đầu nhưng nghĩ đến uy danh sư phụ, tự mình không cướp lại được hay sao mà phải nhờ đến đệ tử tương trợ? Nếu việc lấy đông lấn ít đó mà truyền ra ngoài, ắt sẽ bị người trên giang hồ cười chê. Thành thử ai nấy đều có ý muốn nhưng không dám tiến lên, chỉ mong sư phụ nhanh hơn một bước, một kiếm đâm quái khách kia suốt từ hậu tâm ra trước ngực.
Truyện khác cùng thể loại
70 chương
213 chương
15 chương
10 chương
126 chương
19 chương
88 chương
122 chương