Edit: Pi sà Nguyệt Beta: Pi sà Nguyệt + Đậu Đậu “Lam Thủy” Lúc ngồi đợi ở phòng ăn, bạn gái gửi tin nhắn đến, nói muốn chia tay. Bạn gái rất tốt, dịu dàng khéo léo, xinh đẹp tao nhã. Bọn họ chơi rất thân, tính cách khá giống nhau, thậm chí hai người còn bàn việc mua nhà. Nhưng không biết tại sao hôm qua lại không muốn bàn nữa. Lúc nói đến việc mua nhà, bạn gái nhăn nhó. Trần An biết điều kiện gia đình đối phương không tốt, ba mẹ bị bệnh, phải làm buôn bán nhỏ. Bạn gái một mình làm việc tới giờ, trong nhà còn có gánh nặng. Đang định mở miệng trấn an cô không cần lo lắng thì lòng tự ái của đối phương phát tác. “Bây giờ em không dư dả, chuyện làm ăn của ba mẹ cũng cần tiền xoay vốn. Em không muốn nợ anh, nhà cứ viết tên anh, em không chiếm lợi.” Gương mặt quật cường kia thật sự rất đáng thưởng thức, nhưng Trần An đột nhiên chẳng thích thú nổi. Có lẽ vì đối phương luôn phân chia giới hạn với anh quá rõ ràng. Có lẽ vì đối phương luôn duy trì lòng hư vinh và lời nói dối để giữ mặt mũi với anh. Có lẽ bởi vì không cái gì cả. Chỉ vì cô nói một câu, “Em và anh không như nhau, em không ngậm thìa vàng khi sinh ra, chúng ta không phải người trên cùng một đường.” Anh nhún vai, không nói gì. Tình yêu hai năm kết thúc trong tháng mười hai bình thản này. Trần An không thấy tiếc. Hoặc nói là, bản thân anh chẳng thấy tiếc gì cả. Điện thoại rung một cái. Lần này là Dư Châu Châu. “Em tới rồi, anh ở đâu?” Hai ngày trước, Dư Châu Châu đến Thượng Hải vì cô bé tham gia diễn đàn liên hợp học sinh năm trường. Đã lâu không liên lạc, Trần An mời cô bé ăn cơm, thuận tiện đi ngắm cảnh đêm ở Thượng Hải. Thượng Hải về đêm rất xinh đẹp. Ngoài cửa sổ là Thượng Hải đang tỏa ánh đèn lung linh trong đêm, cứ như những ngôi sao đang rơi xuống. Đèn xe nối liền làm dòng sông ấm áp hơn, làm thành phố này xinh đẹp hơn. “Có bạn trai chưa?” Anh đùa giỡn. “Có,” Dư Châu Châu thẳng thắn, “Cậu ấy đi với em, nhưng bởi vì cậu ấy không quen anh, em thấy mọi người sẽ ngại ngùng nên không dẫn cậu ấy đến.” “Đã đi đâu chơi chưa?” “Lịch kín lắm luôn, không có thời gian để hoạt động tự do. Mỗi lần ra ngoài đều tự trả tiền đi lại, chen tàu điện ngầm sắp đến mức bị ép khô thành ảnh luôn rồi nè.” Trần An thấy buồn cười. “Nhưng Lâm Dương lại thích chen tàu điện ngầm, cậu ấy bảo trong đấy ấm áp náo nhiệt.” Trần An biết Lâm Dương này là bạn trai của Dư Châu Châu. Anh nhìn cô bé ngồi đối diện làm ra vẻ tức giận, bật cười, “Thật ra cậu bé muốn chen chung một chỗ với em đấy.” Dư Châu Châu ngẩn người, “Sao anh càng già càng thô tục thế?” Trần An xanh mặt, “…. Rất bình thường mà?” Không hiểu tại sao, sau chuyện cười này hai người trở nên trầm mặc. Tư thế im lặng kinh người của hai người rất giống nhau, cứ như sao chép lẫn nhau vậy. “Rất lâu trước kia, em rất tò mò tại sao anh muốn tới Thượng Hải, mặc dù bây giờ thấy không có gì, nhưng với em lúc đó thì thật sự rất xa.” Trần An đưa tay ra, xòe năm ngón tay, để vân tay vuốt nhẹ lên pha lê. “Có lẽ vì nơi này không có tuyết rơi.” Nói cũng lạ, vừa nói câu đó xong thì một ít tuyết rơi lả tả từ trên ánh đèn màu cam xinh đẹp xuống. Trần An ngẩn người. Nhớ lúc tới đây, hai tay anh để trong túi quần, ngẩng đầu nhìn bầu trời nơi này. Nó cũng một màu xám nhạt như bầu trời quê hương trong ký ức của anh, nhưng dù thế nào, khí lạnh của Thượng Hải cũng không đủ tạo ra một cơn tuyết. Không ngờ mới nói tuyết lại rơi. Anh nở nụ cười lúng túng, nghiêng đầu thì thấy ánh mắt chăm chú của Dư Châu Châu. “Trần An, anh còn nhớ không, mỗi lần tới ngày tuyết, chúng ta sẽ đứng cầm đàn đợi tới lượt, lúc đó rất chật vật.” Anh không nói chuyện, ký ức ùa về như nước. Cho tới giờ, Trần An thỉnh thoảng sẽ mơ thấy ngày tuyết lớn đấy, ông ngoại đeo đàn violin, tay phải thì cầm lấy tay anh, mặc kệ cơn gió lạnh tháng mười hai của phương Bắc, run rẩy đi qua con đường đầy tuyết lạnh lẽo. Giấc mộng dừng ở đây, con đường lớn ấy vĩnh viễn không bao giờ biến mất. Năm đấy, Trần An học lớp bốn, đang chuẩn bị cho giải thi đấu đàn nhi đồng, thầy báo với ba anh rằng lớp violin của anh sẽ tăng thêm một buổi, thành hai buổi một tuần. Vốn thứ sáu hằng tuần anh sẽ đến nhà ông bà ngoại, nhưng bởi vì thêm buổi học nên ba nhân cơ hội nói với anh rằng, khi nào thi xong thì đến thăm ông bà ngoại. Lúc đó Trần An ngẩng đầu nhìn ba anh một cách nghiêm túc, gương mặt giống anh tới bảy phần kia không chút cảm xúc nào, anh mím môi, anh biết rõ cho dù anh không chấp nhận thì người đàn ông trước mắt sẽ có cớ để lấp liếm cho qua. Cho nên anh không nói gì, chỉ cúi đầu bảo, “Được.” Người đàn ông kia đưa tay xoa tóc anh, Trần An mặc dù hơi nghiêng đầu nhưng không tránh né, nhưng hành động mang theo hướm tránh né kia khiến bàn tay định xoa đầu an ủi anh kia nắm chặt lại, cầm bình hoa pha lê ném về phía góc tường một cách tàn nhẫn. Tiếng vỡ nát vang khắp nhà kèm theo tiếng kinh ngạc của ông bà nội, người trong nhà vội vàng chạy ra khỏi phòng để xem có chuyện gì xảy ra, tiếng dép đi trong nhà vang lên sườn sượt khắp nơi tụ về phòng khách. Mặt ba Trần An bình tĩnh, đuôi lông mày không lộ chút tức giận chút nào. Ông chỉ cúi đầu, nhỏ giọng nói bên tai Trần An, “Nếu không phải mày trông giống tao thì tao nhất định….” Nói không hết câu, nhưng hàm ý của nửa câu sau đã lộ rõ làm mặt Trần An lạnh hơn. Hai ba con hiểu ngầm rời khỏi phòng khách. Trần An lạnh mặt trốn vào phòng mình trước khi người làm xuất hiện, dựa lưng vào cánh cửa gỗ màu trắng, từ từ ngồi bệt xuống đất. Tình thương của ba cũng có điều kiện. Căn nhà xinh đẹp này, người ba có sự nghiệp thành công kia, thân phận công tử nhỏ nhà họ Trần – Từ khi sinh ra, Trần An đã không có cơ hội để cảm nhận được sự thân cận và tình yêu một cách tự nhiên. Mà bây giờ, anh cuối cùng cũng biết, thật ra bọn họ không yêu anh. Nếu như không có hai chữ ‘huyết thống’ này. Hôm thứ bảy đấy, tài xế chở Trần An đến cửa cung thiếu nhi, Trần An xuống xe cười nói với chú Lý, “Chiều nay chúng cháu luyện đàn lâu lắm, không kết thúc trong bốn mươi phút như trước kia. Chú Lý về trước đi, khi nào kết thúc cháu sẽ gọi chú, lúc đấy chú tới đón cháu được không?” Khi thấy chiếc xe biến mất ở giao lộ, Trần An đội mũ, đẩy cửa lớn của cung thiếu nhi ra, sau đó đi vào trong màn tuyết lạnh lẽo. Anh vẫy tay gọi một chiếc taxi, chui vào, dùng giọng nói khàn khàn, “Chú ơi, làm phiền chú đi tới đường Kiếm Thành, ở bên cung văn hóa của cục đường sắt ấy.” Nhà ông bà ngoại ở trong khu tập thể cũ, phòng bếp công cộng ở tầng một, WC cũng là WC công cộng ở bên ngoài khu, ngày hè thì khai, ngày đông thì rất lạnh, thường nghe đứa nhỏ nhà người này người kia vì đi toilet đạp phải băng mà trượt ngã. Mỗi lần Trần An đến nhà ông bà ngoại đều nhịn, dù có buồn cỡ nào cũng không đi toilet. Không biết có mấy lần muốn ngủ lại nhà ông bà ngoại, nhưng nghĩ tới WC công cộng kia thì dẹp bỏ ngay suy nghĩ đấy – đương nhiên, dù anh chấp nhận ở lại thì ba và bà nội của anh đều không cho phép. Xe chú Lý luôn ở ngoài đợi anh. Lần nào Trần An đến cũng chỉ ngồi một lát, cho nên lần nào tới cũng sẽ cố gắng làm tinh thần tốt nhất, dùng giọng nói sức sống dồi dào để kể cho ông bà ngoại nghe chuyện anh đã trải qua trong một tuần này – đương nhiên đều là chuyện tốt, đều là những chuyện tốt để họ vừa nghe thì sẽ thấy kiêu ngạo và vui vẻ cho anh. Lúc về sẽ dùng giọng nói hoạt bát nhất để tạm biệt, “Tuần sau cháu lại tới, về nhà sẽ luyện đàn, buổi chiều có buổi học, ông bà đừng tiễn cháu, cẩn thận một chút, cháu sẽ lại đến nhanh thôi!” Trần An luôn giống ông cụ non, cho nên sau khi cánh cửa kia đóng lại anh sẽ rùng mình vì cái giọng ngọt ngào và nụ cười xán lạn giả tạo kia của mình, nhưng cũng làm anh cảm thấy chua xót. Như vậy bọn họ ai cũng không cần quan tâm đến thời gian thăm hỏi ngắn ngủi như thời gian thăm tù này, anh cũng không cần quan tâm đến việc tuần sau gặp lại, sẽ thấy hai gương mặt kia già nua đi một chút. Anh lại cao hơn một chút, giọng nói trầm hơn, gương mặt cũng giống ba anh hơn. Mà bọn họ thì đang chết dần. Trần An đeo cây đàn violin, ngửa đầu nhìn những hạt tuyết rơi vào sàn gạch, sân thượng lầu ba nhà ông bà ngoại vẫn là hàng đậu phụ và cây hồng bị đông cứng, mỗi lần anh đến đây, bà ngoại luôn lấy quả hồng vào nhà sớm để tan băng, đợi đến lúc anh đến thì có thể dùng muỗng nhỏ để ăn hồng, ngọt ngào, chát chát, cái mùi vị mà anh vĩnh viễn không bao giờ ăn được ở ngôi nhà của ba anh. Anh ngẩng đầu nhìn bầu trời xám trắng, tuyết rơi khắp trời như lông ngỗng rơi từ trong cõi hư vô, chớp mắt một cái đã lớn như thế, dịu dàng rơi xuống, bao phủ gương mặt tuấn tú của Trần An. Vừa vào lầu một đã nghe thấy tiếng cửa gỗ lầu ba mở cót két – anh biết, ông bà ngoại đợi rất lâu rồi, hai người già lưng còng phải nín thở bao lâu mới nghe thấy tiếng bước chân đầu tiên của anh khi bước vào hành lang? “An An đến rồi sao?” Giọng nói già nua vang lên ở trên đầu, Trần An cố kéo hết sự trẻ con của mình, nở nụ cười hoạt bát, “Vâng, tới rồi ạ!” Nhưng Trần An không giỏi nói dối cho lắm. Lúc kể một tuần sinh hoạt và học tập của mình, không cẩn thận nói chuyện violin tăng thêm một buổi. Bà ngoại đang cắt hồng thành miếng nhỏ cho anh ăn nghe vậy thì đứng dậy, “Vậy không được, học đàn là chuyện quan trọng, thăm ông bà thì vẫn còn nhiều thời gian sau này, đợi thi xong lại tới!” Ông ngoại cũng nghiêm túc hơn, dù nói thế nào cũng đòi đưa anh đến cung thiếu nhi học đàn. Trần An đành phải mặc áo khoác, cúi đầu tìm đàn violin để đeo thì thấy nó đang ở trên lưng ông ngoại. “Để cháu đeo cho ạ.” “Đường bên ngoài trơn, cháu ngã thì sao giờ? Ông ngoại đeo cho con.” Trần An bình tĩnh nhìn ông ngoại đang lọm khọm mang giày, đang định nói gì thì nghẹn ngào. Trên xe buýt không ai nhường chỗ, Trần An bị chen vào trong ngực hai người đàn ông cao lớn, hơi khó chịu nhưng vẫn cố nhón chân để xem tình hình của ông ngoại. Ông ngoại ôm đàn violin bảo vệ trong ngực, một tay khác cố gắng cầm tay vịn lạnh lẽo, người cũng lảo đảo theo từng cái phanh của xe. “Cháu thật là, ngồi xe nhà mình ấm áp đi học không chịu, cứ phải dằn vặt một chuyến chịu tội với ông,” Ông ngoại sau khi xuống xe thì nắm chặt tay anh, “Nhìn dưới chân cẩn thận, tuyết này trông có vẻ khá trơn, còn bị xe dằn tới dằn lui, sắp thành băng tới nơi rồi, rất trơn, đừng để bị ngã.” Nhưng lúc đang đi thì Trần An bị ông chú vội vàng chen qua va một phát, cả người ngã về sau. Ông ngoại lo lắng dùng tay phải cầm chặt kính xe taxi ở cạnh mới khiến hai ông cháu đứng vững. “Này, mắt mọc ra làm cảnh à? Tay ông để đâu đấy? Đấy là chỗ ông muốn là để được à?” Tài xe taxi đẩy cửa gương xuống, xanh mặt hét lên, hắn đau lòng đụng cửa xe, đẩy ra đẩy vào mấy cái mới trừng mắt nói, “Ổ trục bị gãy rồi, ông xem việc ông làm đi, sao dùng sức thế? Món đồ này đắt lắm, ông đền nổi không?” Ông ngoại bối rối, nhìn cái kính theo bản năng, đang định đưa tay ra kiểm tra thì bị đẩy ra một cách lạnh lùng. “Làm gì đấy? Nói ông làm hư rồi còn đụng nữa à? Không muốn yên à? Mau đền tiền đi, đừng lắm chuyện.” Trần An đỏ mặt, “Nói bậy gì đấy? Cái kính này vốn có thể đẩy ra đẩy vào, thứ đó của ông hư chỗ nào? Há mồm đã đòi tiền, ông quá đáng lắm rồi đấy.” Tài xế nghe vậy tức giận đến run người, hắn đẩy cửa ra, chỉ vào mặt Trần An mà mắng, “Thắng nhóc kia, mày ngậm mồm lại cho tao. Mày tưởng tao không dám đánh mày à?” Ông ngoại vội vàng bảo vệ Trần An sau lưng, không biết có phải giận không mà thở dốc, “Đừng làm khó đứa nhỏ, cái này của anh bao nhiêu tiền, tôi đền cho anh.” Tài xế làm vẻ mặt không kiên nhẫn, “Tôi cũng không làm khó ông, ông đền tôi hai trăm đồng là được, xem như tôi xui xẻo, tự bỏ thêm tí tiền để sửa.” Trần An tức giận, chỉ một chiếc Xiali rách nát sắp hỏng mà đòi cướp hai trăm đồng tiền sửa kính à? Máu nóng trong người anh trào lên, anh định chửi một câu ‘con mịa mày’ mà anh hay nghe mấy đứa bạn treo bên mép để chửi người đàn ông kia, anh chưa bao giờ cảm thấy vui sướng khi muốn nói câu này như vậy. Không ngờ ông ngoại lại nhẹ nhàng kéo cổ áo lông cũ nát ra, giọng nói già nua bình tĩnh vang lên, “Chú tài xế này, chú xem tôi không nhiều tiền vậy, chú đòi nhiều thế tôi không có mà trả. Nếu không phải vội đưa đứa nhỏ đi học, tôi có thể đến cục công an với chú, để bọn họ kiểm tra xem kính xe này có hỏng hay không, có cần đền hai trăm đồng tiền như chú nói hay không đấy.” Tài xế và Trần An đều ngẩn người. Trần An cúi đầu, hoa tuyết rơi lên mặt giày da hươu của anh, sắp phủ một tầng cứ như muốn mai táng chân anh trong làn tuyết trắng. Cuối cùng ông ngoại móc ra năm mươi đồng, lúc này tài xế mới trở về xe ngồi. Trần An được ông ngoại nắm tay qua đường cái, ngẩng đầu lên, cung thiếu nhi ở ngay trước mắt anh rồi. Ông ngoại lấy đàn violin trên người xuống, đeo lên bả vai Trần An, vỗ tuyết trên mũ và bả vai của anh xuống. “Ông biết cháu thấy tức giận vì ông ngoại. Ông sợ cháu bị thương, chúng ta không cần cãi nhau với loại người đó. Ông đã nói rồi, cháu cứ ngoan ngoãn ngồi ở xe nhà là được, đỡ chịu tội này. Người ấy à, nếu sống quá kiên cường thì phải có niềm tin. Bà ngoại cháu và ông đều là người không có sức gì, nuôi đứa con gái không chịu nghe lời, bây giờ như vậy ông bà cũng chịu. An An à, sau này đừng nói dối, học đàn tốt vào, học hành chăm chỉ vào, đừng giống như ông vậy, đừng học theo mẹ cháu… đừng tùy hứng như thế, được không?” Trần An im lặng không nói gì, anh cảm thấy nước mắt đang đảo quanh hốc mắt, anh cố gắng chớp mắt để không rơi nước mắt. “Ông ngoại thấy cháu đã lớn rồi mới nói với cháu những điều này. Nếu không nói thì sợ sẽ không có cơ hội nữa. Sau này ít tới nhà ông ngoại lại, bà ngoại cháu và ông đúng là luôn trông chờ cháu đến vào thứ sáu mỗi tuần, nhưng ông bà cũng biết, cháu ít tiếp xúc với ông bà thì càng tốt cho cháu. Cũng may người ba cháu mới cưới… nghe bảo cô ta đối xử với cháu không tệ. Cứ đến thăm ông bà sẽ làm ba cháu nhớ tới mẹ cháu, ông sợ ba cháu sẽ giận rồi giận chó đánh mèo lên người cháu. Mặc dù thế nào, ba cháu cũng là ba cháu, cháu nghe lời nó đi, nó chỉ muốn tốt cho cháu mà thôi….” Ông ngoại càng nói càng loạn, Trần An chỉ có thể chớp mắt liên hồi, không ngừng chớp mắt. Tuyết dính trên lông mi rơi xuống đất, giống như bươm bướm bất tử trong ngày đông lạnh giá.