Warmth - hơi ấm
Chương 2 : Kẻ lạ mặt
< Mọi thứ dường như đang chuyển sang chiều hướng tiêu cực thì phải. >
Ngày 20 tháng 8 năm 1969Thật xui xẻo khi bà Wilson phát hiện ra hành vi điên rồ của tôi. Kết quả là tôi bị dần cho một trận thừa sống thiếu chết. May mắn thay tôi vẫn còn ngoi ngóp sau khi chịu hàng nghìn lời xỉ vả nặng nhẹ không ngớt từ bà. Sợ nhất là mỗi lần như thế mẹ hay sinh tật càm ràm và than thở quá đáng. Lúc đó tôi không biết làm gì ngoài ngoan ngoãn lắng nghe, thi thoảng gật đầu ra chiều hối lỗi.
Bây giờ là giữa trưa, tôi đang nằm lăn lóc trong phòng, trong đầu tôi tái hiện những kí ức đáng sợ của ngày hôm qua.
Lúc ấy, tôi ngỡ như mình sắp chết.
Tôi đã hoảng hốt đến cực độ. Nhớ lại ánh mắt hung tợn và hoang dại của “nó”, tôi thoáng rùng mình. Những cái răng nanh sắc nhọn chỉ chực nhằm vô cổ tôi mà cắm sâu vào. Tiếng gầm gừ man rợ cùng với tiếng gió rít qua ô cửa khiến tôi liên tưởng mình là một nhân vật chính trong bộ phim kinh dị của Hollywood.
Tôi không nhớ mình đã trở về nhà bằng cách nào, nhưng tôi chắc chắn duy nhất một điều.
Đó không phải là Người.
Đó có thể là gì nhỉ? Sư tử? Linh cẩu? Gấu? – Hàng loạt động vật ăn thịt hoang tàn và dữ tợn nhất được tôi liệt kê đầy đủ.
Gấu ở biển? Không thể nào.
Reng…reng…reng!
“Ben! Nghe điện thoại kìa. BEN!”
Bực thật, thằng cứng đầu đó nó đi đâu rồi.
Tôi nặng nề nhấc thân mình ra khỏi phòng, cố lê bước thật chậm để chờ tiếng chuông ngưng nhưng khổ nỗi người bên đầu dây cố chấp không chịu cúp máy.
“Alô, xin hỏi ai vậy?” – Chịu thua, tôi đặt ống nghe lên tai.
“Anna? Mẹ cháu có nhà không?”
Thì ra là bác trưởng làng.
“Mẹ cháu lên thị trấn rồi. Có gì không bác?”
“Vậy à? Làng đang tổ chức phát lương thực cho mỗi hộ gia đình. Nếu được thì cháu kêu mẹ cháu đến nhận nhé.”
“Dạ, vâng ạ.”
Tôi nhấc máy lần nữa và chủ động gọi mẹ. Bà bảo lát về sẽ ghé lấy nhưng tôi đã xung phong đi nhận, dù sao thì tôi cũng không có việc gì vướng bận.
Khoá chốt cửa chắc chắn, tôi đến nhà bác trưởng thôn phía cuối con đê cách nhà chừng nửa dặm.
Vừa đi, tôi vừa quan sát mọi sinh hoạt của xóm chài nơi đây. Những con thuyền đánh cá đang nghỉ ngơi ở bến đậu, các cô bác hàng chài tụ họp lại khoe với nhau những mẻ cá tươi mà họ vừa cực khổ đánh về. Trông mặt ai cũng hoan hỉ, nụ cười rạng rỡ trên đôi môi nứt nẻ cùng làn da chai sạm vì phơi nắng, dầm sương đã cho tôi thấy phần nào một cái nhìn chân thực về cuộc sống ở vùng ngoại ô, về những con người lương thiện, cần cù và chất phác.
Đến nhà bác trưởng thôn, tôi bắt gặp hàng người nối đuôi nhau khá dài trước cổng.
“Đây, phần của chị đây.”
“Cảm ơn anh.”
Tôi chưa gặp mặt trưởng làng bao giờ. Khi chờ xếp hàng để vào trong, trước mắt tôi treo một tấm bảng gỗ. Trên đó có ghi “Trưởng thôn Smith”, tuy khá nhỏ nhưng vẫn thu hút sự chú ý.
Tôi nhìn về phía người đàn ông độ ngoài tứ tuần, dáng người khá cao, gầy gò với khuôn mặt khắc khổ đang phân phát lương thực cho các cô bác. Trong đôi mắt híp lại ấy phản chiếu một tia nhìn sắc bén và đầy mạnh mẽ. Nó khắc hoạ số phận của một con người phải gồng mình gánh mọi trách nhiệm lớn lao, sinh ra đã là người dẫn đầu, là chỗ dựa vững chãi cho tất cả thành viên trong làng.
“Chào bác. Cháu đến nhận lương thực.” – Sau mười lăm phút đợi chờ, cuối cùng cũng tới lượt tôi.
“Cháu là…?” – Dù khá bận bịu nhưng vị trưởng làng vẫn hướng mắt về phía người con gái nhỏ nhắn có tóc búi cao.
“Anna Wilson ạ.” – Tôi lễ phép trả lời, giọng khàn như hụt hơi.
“À, thì ra là con gái của bà Wilson mới chuyển đến. Đợi bác chút.”
Năm phút sau, bác trưởng thôn bước ra từ kho chứa, trên tay bưng một bao ngô đưa cho tôi. Một cách lịch sự, tôi đón lấy và khá ngạc nhiên vì cân nặng của nó hơn những gì tôi đã ước chừng ban đầu. Vì thế, tôi phải tự điều chỉnh các cơ tay của mình đồng loạt hoạt động hết công suất.
“Cháu vác nổi không để bác nhờ người giúp.”
“Dạ không cần đâu ạ. Cháu tự mang về được.” – Nói rồi tôi nhấc bao ngô lên một cách thận trọng và ôm vào lòng, khuôn mặt cố giữ bình thản để ông Smith không nghĩ tôi là đứa yếu đuối.
“Thưa bác cháu về.” – Tôi mỉm cười và không quên cúi chào khi bước ra cổng.
Sao mà nặng thế này!?!
Đi được nửa đường, tôi hơi đuối sức. Cái oi bức của nắng ban trưa đã đánh gục ý chí nhỏ nhoi của tôi. Biết vậy tôi không nên từ chối yêu cầu giúp đỡ của bác trưởng thôn để rồi lâm vào hoàn cảnh bi thảm này.
BỊCH!
“Ôi không.”
Tôi buông ra tiếng thở dài, bao ngô trên tay đã rời xa tôi và vương vãi xuống nền cát trắng mịn. Khá may là chỉ có vài trái rớt ra ngoài. Đang loay hoay nhặt lại chỗ bắp vừa rơi thì tôi cảm thấy nhịp chân ai đang tiến lại gần. Bóng của người ấy in trên con đường đất hầm hập như muốn tan chảy dưới sức nóng của ánh mặt trời ngày hè.
Tôi ngẩng khuôn mặt đỏ gay vì bỏng rát, nheo mắt tránh những tia nắng chói chang chiếu vào để rồi bị làm cho giật mình.
Trước mắt tôi là một cậu con trai nhếch nhác ăn bận rách rưới đến nỗi áo bị toạc lộ cả mảng lưng cùng chiếc quần tây đen cũ kĩ cao ngang gối cũng tơi tả không kém. Mái tóc dài ngang vai, bù xù như tổ quạ. Người ngợm thì đen đúa và dính đầy cáu bẩn.
Bàng hoàng một lúc, tôi đứng lên, mắt vẫn dõi theo kẻ lạ mặt đó. Đôi mắt nâu hoang dã làm tôi bị hút hồn, đầu óc tôi bỗng trở nên trống rỗng. Cậu ta tiếp tục tiến từng bước lại gần, lại gần. Tôi thuận đà lùi dần, não bộ bắt đầu báo động. Và rồi…
Không thể tin được.
Người ấy nhặt vội trái bắp đang nằm lăn quay trên nền cát khô và cho vào miệng, gặm một cách bất cần. Hai mắt tôi cứ chớp lia lịa vì hành động quá đỗi đột ngột và quái gở của kẻ đối diện.
“Cậu…Cậu là ai? Từ đâu đến?” – Tôi đánh bạo hỏi cậu ta.
Không có hồi đáp, hoàn toàn không có dấu hiệu gì chứng tỏ người này vừa nghe tôi nói.
Cậu ta không phải người nơi này chăng? Chả lẽ vừa trốn viện?
Theo phản ứng, tôi đưa tay lên quơ quơ trước mặt hắn nhằm gây sự chú ý.
Hừ, chẳng ích gì. Cậu ta hoàn toàn hay vờ như không biết về sự có mặt của tôi ngay lúc này.
Bối rối, tôi đảo mắt nhìn quanh kiếm tìm một người nào đó đi ngang đây hòng cầu cứu. Nhưng vô vọng, không ai dám “thiêu thân” bước ra ngoài dưới cái nắng như đổ lửa thế này.
Ánh nhìn của tôi không đổi, vẫn chú mục vào con người dơ bẩn đang gặm nốt phần hạt còn lại của quả bắp sống. Lấy hết sức can đảm, tôi giơ tay ra hướng về phía cậu. Dường như điều đó có tác dụng, con người ấy liếc nhìn tôi, ánh mắt dè chừng, tay buông lõi ngô xuống đất và người co rúm lại. Giờ tôi mới nhận ra hắn di chuyển bằng tứ chi chứ không phải bằng hai chân như người bình thường. Những cử chỉ ấy khiến tôi liên tưởng đến con chó của ông Johnson, chủ trang trại nơi bố tôi từng làm việc.
Lúc đó, tôi mới năm tuổi. Trong một lần dạo quanh khoảng vườn ớt rộng hàng chục héc ta của ông, tôi đã bị con Red Bull, một giống chó săn hung tợn, cắn vào chân chảy máu vì tưởng nhầm thành ăn trộm. Ngay sau đó tôi được đưa đến bệnh viện và phải chịu để bác sĩ tiêm vắc-xin phòng dại kèm theo hàng trăm mũi khác như chích ngừa sốt xuất huyết, bệnh uốn ván, cúm, dịch hạch, tả lị vân vân. Từ lần đó, tôi ghét mùi bệnh viện kinh khủng. Mặc dù biết nghề bác sĩ rất được quý trọng và người đời cũng có câu “lương y như từ mẫu” nhưng tôi vẫn không mấy thiện cảm với hành động đè người bệnh ra khám tới tấp. Trong con mắt của đứa năm tuổi lúc ấy thì đó quả là một nơi đáng sợ và thú thực tôi không muốn thử thách sức chịu đựng của mình chút nào, trừ khi tôi không còn sự lựa chọn nào khác ngoài há mồm chờ được đút từng muỗng cơm hay sắp sửa quy tiên thì may ra tôi mới nghĩ đến hai chữ “bệnh viện”.
Năm phút trôi qua. Không một tiếng động. Cả hai chúng tôi cứ thế bốn mắt nhìn nhau. Tôi thật tình không muốn dính líu vào con người xa lạ này. Nghĩ là làm, tôi xách bao ngô lên, quay mặt bước đi một nước, không thèm ngoái đầu lại như thể chỉ cần chậm một giây thôi là tính mạng tôi sẽ không còn được bảo toàn.
Cậu con trai đứng đấy lúc này đã thả lòng cơ thể, ánh mắt dịu xuống nhìn theo bóng người vừa đi khuất.
Về đến nhà, tôi nghe tiếng mẹ vọng ra:
“Con đó hả Ann?” – Liền theo đó bà bước ra, tay đỡ bao lương thực cho tôi và mang đặt ở xó bếp.
Lúc sau, bá quay lại, trên tay cầm ly nước. Một cách dịu dàng bà đưa nó cho tôi. Không phải nói, tôi đã cảm kích đón lấy rồi tu hết trong một hơi.
“Hôm nay bán được không mẹ?” – Tôi cố tạo ra một chủ đề để trò chuyện khi hai mẹ con ngồi vào bàn.
“Cũng bình thường thôi. Tối hôm qua biển động, cá vớt được không nhiều. Ra chợ toàn cá chết nên người mua cũng kén chọn.”
“Mẹ vất vả rồi. Hay ngày mai cho con ra chợ phụ nhé. Ở nhà hoài chán lắm.” – Tôi đề nghị.
“Không được. Con phải ở nhà trông thằng Ben nữa. Nó hay chạy chơi lung tung nguy hiểm lắm!”
“Vâng ạ, con biết rồi.” – Giọng tôi trĩu xuống vẻ cam chịu.
Nhắc mới nhớ: thằng Ben em tôi hình như chưa về. Hay là nó trên lầu nhỉ?
“Ann, con kêu Ben xuống má dặn.”
Vậy là nó chưa về thật.
“Ơ…dạ.” – Tôi ấp úng.
Tôi sốt ruột không biết thằng nhỏ đi đâu. Trời sắp chạng vạng tối mà nó còn chưa có mặt ở nhà. Không bao giờ nó đi chơi về trễ cả. Tôi bấm bụng muốn nói với mẹ nhưng trong lòng lại nao nao không muốn bà lo.
Có vẻ như bà đã phát hiện gì đó trong cái chất giọng yếu đuối của tôi.
“Con sao vậy? Không khoẻ à?”
“Đâu có” – Tôi chối. – “Mà hình như em Ben…em chưa có về.”
Chưa kịp nói hết câu giọng tôi bất giác run run. Tôi không dám đối diện với sự thật rằng em tôi có thể mất tích. Nhận ra có điều không ổn, mẹ tôi quay phắt lại:
“Sao? Thằng Ben nó chưa về nhà sao?” – Giọng bà có phần gấp gáp. Bà nhìn tôi với đôi mắt sâu thẳm ngập tràn lo lắng. Bà hỏi lại lần nữa như muốn tôi khẳng định đó chỉ là trò đùa. Một trò đùa đúng nghĩa.
“Con sẽ đi tìm Ben.” – Tôi đứng phắt dậy và xông ra ngoài cửa. Một phần tôi lo cho thằng em hiếu động nhưng chưa hiểu chuyện, phần còn lại vì tôi không muốn đối diện với mẹ, không muốn nhìn vào mắt bà.
Nhào khỏi cửa, tôi dùng tất cả nội lực đẩy âm thanh ra khỏi cuống họng, và gào lên:
“Ben ! Ben, em ở đâu? Trả lời đi Ben !!!”
“Ben ! Con có đó không lên tiếng đi ! Ben !!!” – Bà Wilson theo sau, mặt biến sắc.
Cứ thế tôi và mẹ kêu đến khàn cả tiếng. Trời tối lúc nào không hay. Cả hai mẹ con tôi gân cổ gào nhưng trong không gian tĩnh mịch chỉ vọng về tiếng tu hú và lũ sâu bọ. Âm thanh dù vang xa cũng khó lọt vào tai hàng xóm vì nhà tôi cách nhà bà Blank - láng giềng gần nhất cũng phải cả nửa cây số.
Tôi thấy cổ họng mình khô khốc. Chúng tôi đã tất tả tìm kiếm suốt nửa tiếng trong bóng tối lãnh đạm. Vẩng trăng soi hờ hững hai dáng người với tâm trí hoảng loạn dưới kia.
Hầu tưởng như vô vọng, một âm thanh kì lạ vang lên gần đó, thu hút sự chú ý của tôi.
Loạt soạt.
Tôi im bặt. Âm thanh vừa nghe hình như phát ra từ hướng nơi có căn nhà kho bỏ hoang nọ. Mặt tôi bắt đầu nóng ran lên, máu chảy và tim đập không ngừng.
Không hiểu sao sau chuyện xảy ra hôm trước tôi thấy can đảm hơn nhiều. Tôi tiến vào căn nhà ọp ẹp không hề nao núng.
Tôi mở cửa nhìn vào trong, như cái đêm tôi đến đây lần đầu tiên, cảm giác có chút lạ lẫm. Chợt trong cái khoảng không âm u và mịt mù ấy, tôi thấy một hình bóng quen thuộc. Là…Ben!
“BEN!” – Tôi gào lên, chạy đến bên đứa nhỏ lúc này đang nằm sóng soài trên sàn, bất tỉnh.
Tôi lay đứa em tội nghiệp không biết bao nhiêu lần và tạ ơn trời, Ben đã tỉnh lại. Nó đưa đôi mắt nâu trong veo nhìn người chị từ lúc nào mà khuôn mặt giờ ướt nhem, hai hàng mi nhoè đi vì đẫm nước. Cảm xúc trong tôi chợt vỡ tung. Tôi nấc lên, ôm Ben vào lòng và cứ thế oà khóc như một đứa trẻ.
Tôi thấy mình vô dụng quá !
Truyện khác cùng thể loại
9 chương
30 chương
12 chương
49 chương
10 chương