Vùng Đất Vô Hình

Chương 71 : Đêm Không Yên Bình (Năm)

Căn nhà kho mặc dù tối tăm nhưng lại yên bình hơn mọi người tưởng. Bảy cái xác vẫn nằm nguyên trong bảy cái hòm trên kệ, không thay đổi gì nhiều. Trong căn nhà kho cũng khá sạch sẽ, ít nhất sư thầy bảo thế. Anh Ba Kho ra lệnh cho mọi người đốt đuốc sáng trưng cả trong nhà kho lẫn bên ngoài, rồi chia nhóm thử đi vòng ra xung quanh xem mấy người kia có lang thang đâu đó hay không? Trong căn nhà kho sáng trưng, cuối cùng chỉ còn lại anh Ba Kho và sư thầy. Tiếng gọi í ới của đám dân tráng bên ngoài càng lúc càng xa. Vẫn không hề có ai đáp lại. Anh Ba Kho nóng ruột, bắt đầu đứng lên đi đi lại lại. Thỉnh thoảng anh lại vén cái mành cửa nhìn ra bên ngoài xem. Sư thầy thì vẫn ngồi yên trên một cái ghế vuông, đôi mắt hơi híp lại, miệng lẩm nhẩm tụng kinh. Chỉ có điều bài kinh của ông khiến anh Ba Kho không cảm thấy yên bình một chút nào, thay vào đó anh càng lúc càng sốt ruột. Anh đưa mắt nhìn sư thầy. Sư thầy cũng không còn trẻ nữa. Trên khóe mắt cũng đã có nếp nhăn. Bộ áo nâu sồng của người tu hành trong chùa che lấp cái thân hình gầy gò của ông, chỉ để lộ khuôn mặt và hai bàn tay. Bàn tay phải khẽ úp lên đùi, bàn tay trái đang nắm lấy chuỗi hạt. Ngón tay mảnh khảnh có vẻ hơi run run. Nhìn đến đấy, anh Ba Kho chợt cảm thấy việc đi cùng sư thầy ra đây cũng chưa chắc đã an toàn hơn bao nhiêu. Trời càng lúc càng về khuya. Anh Ba Kho nhìn mấy ngọn đuốc đã cháy phân nửa, nhíu nhíu mày. Mấy người kia chắc chắn đã lành ít dữ nhiều. Nếu như người làm hại bọn họ là hung thủ từng gây án ở xóm Thượng, thậm chí sẽ không có một ai sống sót. Anh Ba Kho đưa mắt về phía hồ nước. Mặt hồ vẫn tăm tối và tĩnh lặng như trước. Chẳng lẽ cái hồ này ẩn chứa một con ác quỷ mà trước giờ không ai biết. Lúc này có người gõ cửa căn nhà kho. Ai Ba Kho mở cửa ra thì thấy Bảy Dậu. Khuôn mặt trứng chim của gã lấm tấm mồ hôi. Gã bảo với anh Ba Kho: “Anh Ba ơi, bọn đệ tìm thấy một chiếc giày.” Anh Ba Kho nghe có manh mối, hỏi lại: “Ở đâu, biết của ai chưa?” Bảy Dậu lại đáp: “Không biết của ai cả. Nhưng chắc chắn là loại giày đã phát cho đội dân tráng.” Anh Ba Kho cũng không nhiều lời, nói: “Đi thôi.” Anh nhìn sư thầy. Ông cũng nghe được cuộc nói chuyện của hai người, đã đứng lên. Ba người đi vòng ra sau nhà kho, xuyên qua mấy lùm cây rậm rạp bên hồ. Ở một bãi cát thoai thoải cạnh hồ nước, anh Ba Kho nhìn thấy mấy người đã đứng chờ sẵn. Toàn là những khuôn mặt quen thuộc trong đội dân tráng của anh. Thấy anh Ba Kho, bọn họ tíu tít chào. Anh Ba gật đầu chào lại. Mấy người bọn họ đưa cho anh một chiếc giày. Đó là loại giày vải chuyên đặt làm riêng cho đội dân tráng. Chiếc giày cũng đã cũ mòn, đặc biệt phía gót chân đã thủng một lỗ be bé. Anh Ba Kho cảm thấy cái giày này rất quen, nhưng của ai thì anh không nhớ. Anh chỉ hỏi: “Tìm thấy thế nào?” Một người trả lời: “Lúc bọn đệ đi qua đây thì thấy nó nằm chỏng chơ trên bãi cát như vậy.” Gã bắt đầu đặt chiếc giày về lại chỗ cũ ban đầu. Anh Ba Kho nhìn kỹ. Chiếc giày nằm nghiêng nghiêng trên bờ cát, mũi giày hướng ra mặt hồ. Anh cảm thấy nó có một ý nghĩa nhất định nào đó. Chẳng lẽ người nọ đánh rơi trong lúc chạy trốn? Nhưng y có chạy thì nên chạy về làng chứ chẳng có ai chạy ra hồ cả. Mà có chạy ra hồ thì dấu chân y để lại ở đâu? Nếu như vụ án mất tích này giống như những việc đã xảy ra trước đó, chắc hẳn hung thủ sẽ không để lại bất kỳ một dấu vết nào, tại sao nơi đây lại có một chiếc giày sót lại? Vô số câu hỏi hiện ra trong suy nghĩ khiến tâm trí anh Ba Kho như một đoàn đay rối. Một điều làm anh bực bội hơn là tất cả những câu hỏi đó lại không hề có đáp án. Thấy anh Ba Kho yên lặng, Bảy Dậu lại hỏi anh: “Anh Ba ơi, làm sao bây giờ?” Anh Ba Kho nghĩ lại một lúc rồi nói: “Trở về nhà kho đã rồi nói.” Khi mấy người trở lại nhà kho, trởi bắt đầu nổi gió. Cơn gió mặc dù không có gì khác thường, nhưng nó khiến anh Ba cảm thấy càng thêm bất an. Có lẽ nên gọi mọi người trở lại. Anh Ba Kho dừng trước cửa căn nhà kho, hỏi sư thầy: “Thưa thầy, đến giờ vẫn không tìm thấy gì cả, có lẽ chúng ta nên về thôi.” Sư thầy gật gật đầu. Anh Ba Kho đưa còi lên miệng. Anh định thổi thì bỗng có tiếng người kêu rên: “Á.” Anh giật mình quay lại, hỏi bằng cái giọng bình tĩnh nhất mà anh có thể phát ra. “Có chuyện .. gì thế?” Một người nói: “Không có gì đâu anh Ba. Tại cái cột bị mối ăn nên đệ bị dằm đâm vào tay.” Nhìn thấy tay gã chảy máu, anh Ba Kho chợt cảm thấy điềm không lành. Lúc này có người giơ đuốc lên, soi rõ cây cột đã bị mối ăn một khoảng lớn. Người đó còn than thở: “Tuần nữa mà không xử lý hết đám mối, chúng nó sẽ sạch cái cột này cho coi.” Anh Ba Kho cũng không lên tiếng, khả năng ăn uống của đám mối chết tiệt anh cũng thấy qua mấy lần rồi. Chờ đã nào, hình như anh bỏ sót thứ gì đó. “Mối, … môi, … mồi.” Anh Ba Kho lẩm nhẩm, mồ hôi lạnh toát ra như đang tắm. Nếu cái giày đó là mồi nhử, nếu hung thủ thực sự muốn bọn anh tìm ra cái giày đó, thì tất cả câu trả lời đều đã có. Vấn đề là tại sao hung thủ lại phải dụ dỗ anh ra chỗ đó? Với sức mạnh siêu nhiên của nó, làm thịt anh và sư thầy lúc chỉ có hai người trong nhà kho không phải tốt hơn sao? Anh Ba Kho cảm thấy mình đi vào bế tắc. Nhưng anh biết chắc chắn một điều rằng hiện tại tình cảnh của mình rất nguy hiểm. Anh liền thổi ba hồi còi. Anh không muốn ở lại nơi này thêm một tí nào nữa. Anh chỉ muốn về nhà, nấp trong phòng và trùm kín chăn. Mặc kệ hung thủ là ai anh cũng không quan tâm nữa. Chức trưởng đội dân tráng ai muốn làm thì cho họ làm. Tiếng còi của anh Ba Kho vang lên một lúc lâu, lại không hề mang người nào trở lại. Tất cả những người khác dường như đều đã tan biến. Anh Ba Kho lúc này mới rụng rời chân tay. Anh nghĩ đến việc mồi nhử không phải chỉ có một chiếc giày. Nhưng chưa hết hi vọng, anh Ba Kho lại đưa chiếc còi lên định thổi mấy tiếng nữa. Sư thầy ngăn anh lại, thở dài: “Đừng thổi nữa. Vô dụng thôi.” Anh Ba Kho nhìn sư thầy, khuôn mặt ông lúc này hiện lên vẻ buồn man mác. Ông đưa cho anh một lá bùa, dặn: “Tí nữa cho dù có chuyện gì, kể cả bần tăng gọi, cũng đừng ngoái đầu lại. Cứ nhìn rõ đường mà chạy.” Anh Ba Kho nắm chặt lá bùa cứu mạng, hỏi sư thầy: “Thầy cảm nhận được điều gì à?” Sư thầy đáp: “Bần tăng cảm thấy kiếp số của bần tăng đến rồi.” Nói rồi ông lại lắc lắc đầu, móc trong ngực ra mấy lá bùa khác, đi phát cho những người còn lại. Thế nhưng ông chưa kịp phát thì có một người đã cướp mấy lá bùa trong tay ông. Sư thầy hơi sửng sốt, anh Ba Kho cũng giận, anh quát: “Bảy Dậu, đệ làm cái gì vậy?” Bảy Dậu lúc này đang cầm mấy cái lá bùa, chăm chú nhìn kỹ. Y không hề trả lời anh Ba Kho. Anh Ba Kho quát lớn: “Còn không mau trả lại cho sư thầy. Đó là bùa cứu mạng đấy.” Mấy người còn lại cũng chăm chăm nhìn vào y. Nếu như y không trả lá bùa cho mọi người, nhất định sẽ bị đánh. Bảy Dậu không sợ hãi, y ngẩng đầu lên nhìn sư thầy, vẩy vẩy nói: “Thứ này rất tầm thường, nhưng cũng khá hiệu dụng đấy.” Mọi người không hiểu y muốn làm gì, chỉ có sư thầy quát. “Còn đứng đấy làm gì? Tất cả chạy mau.” Lúc này đám bùa trong tay Bảy Dậu đã bắt đầu bốc cháy rừng rực. Không biết ai kêu một tiếng, thế rồi ngoại trừ anh Ba Kho và sư thầy, tất cả đều bỏ chạy. Khuôn mặt Bảy Dậu mà anh Ba Kho quen thuộc bắt đầu biến hình. Nó nứt ra, thành vô số mảnh máu thịt. Đám máu thịt ấy nhảy nhót tùm lum trên chiếc xương sọ rồi bắt đầu gắn liền lại, thành một khuôn mặt kỳ lạ mà anh Ba Kho chưa bao giờ gặp. Y nhìn anh Ba, cười một cách đầy dọa dẫm, hai hàm răng trắng ởn trông thật đáng sợ. Anh Ba Kho lúc này còn chưa tỉnh hồn lại, thì bị sư thầy đẩy một cái. “Chạy đi, đừng ngoái nhìn lại.” Thế là anh cũng vắt chân lên cổ chạy. Đầu óc anh trống rỗng. Anh Ba Kho cũng không thể hiểu tại sao đàn em thân tín của mình lại trở thành hung thủ. Anh chỉ biết cắm đầu chạy. Thỉnh thoảng sau lưng anh lại có tiếng hét thảm thiết. Nhưng anh không quan tâm. Anh chỉ biết chạy, chạy để cứu lấy tính mạng của anh. Về đến đầu làng, anh còn nghe thấy tiếng sư thầy kêu khóc, nhưng anh Ba Kho biết anh không thể ngoảnh đầu lại. Đôi mắt anh ướt đẫm, răng anh nghiến chặt. Nếu như có thể, anh thề sẽ băm vằm nó thành tro bụi. Gió thổi làm tấm áo ướt đẫm mồ hôi của anh Ba Kho lạnh buốt. Anh run lên cầm cập. Cái cổng quen thuộc nhà anh đây rồi. Anh bắt đầu đập cửa. Có tiếng vợ anh trả lời. Anh Ba Kho rũ người xuống, khuôn mặt cắt không còn giọt máu. Có một mùi thối như mùi cá chết bắt đầu theo gió tỏa ra khắp nơi. Đôi mắt anh Ba nặng trĩu lại. Sau đó anh không còn biết gì nữa.