Vang Bóng Một Thời

Chương 13 : Xác ngọc lam

Ở làng Hồ Khẩu có nhà họ Chu làm giấy nổi tiếng đã đến mấy mươi đời liền. Ông tổ bốn đời của nhà họ Chu, đâu suýt nữa có lần ra làm quan. Thời ấy, nhà vua xuống chiếu cho quan địa phương phải làm sổ đệ dâng về những môn bách nghệ trong nước và tên họ những người có tài thủ công trong các môn ấy. Về các phường làm giấy bán giấy, một hạt Hà Đông, nhà họ Chu được đứng đầu vào sổ kê khai bách nghệ. Ý chừng quan địa phương đã cho giấy là có mật thiết với văn chương khoa bảng của một nước sùng thượng kẻ sĩ nên đã liệt họ Chu lên đầu sổ. Chẳng rõ như thế có phải không, nhưng cứ cái chất giấy dó của nhà họ Chu đem ra xét thì đến giấy trúc của Tầu cũng xê ra lui chứ đừng nói là giấy dó của bất cứ lò nào xứ ta nữa. Nhà họ Chu vốn không làm giấy moi bao giờ. Chỉ toàn làm giấy lụa và giấy lệnh hội để viết bằng viết sắc. Và vào khoảng đầu năm Tí Mão Ngọ Dậu có khoa thi, thì nhà ấy mới làm đến thứ giấy để học trò đóng quyển gọi là giấy thi. Giấy của họ Chu chế ra, bao giờ soi lên cũng có hai chữ Chu Hồ in lối thủy ấn. Hai chữ thương tiêu viết theo lối triện cổ trước đời Tần nhắc cho người dùng giấy biết rằng đấy là giấy của họ Chu làng Hồ Khẩu. Trông đến tờ giấy dó của nhà này là ai cũng biết ngay, chẳng cần phải soi lên mà tìm dấu thương tiêu thủy ấn nữa. Cái đám đàn bà con gái buôn tạp hóa họ đã đố nhau là xếp ra trước mặt rất nhiều loại giấy của rất nhiều nhà làm giấy bán ra, rồi người bị đố sẽ nhắm mắt lại, chỉ được lấy tay rờ mà phải gọi được tên giấy của lò nhà nào ra. Chẳng bao giờ các bác các cô ấy gọi sai các loại giấy của nhà họ Chu cả. Thì ra gồng gánh ăn phường ăn hàng mãi khắp chợ thôn quê, họ đã hiểu hết những đức tính của giấy nhà họ Chu. Nó nhẵn mặt mà không cứng mình mà chất lại dai và lắm tờ khổ rộng mình dầy thế mà bắc đồng cân lên thì nặng chỉ như cái lông ngỗng. Mặt giấy xốp, nghiêng giấy ra ánh sáng mà nhìn chất cát dó thì nó như làn da má trinh nữ phẳng đượm chất tuyết của lớp lông măng. Vuốt vào mặt giấy, người ta có cái cảm tưởng được sống là một điều dễ chịu; mùa nực, rờ vào giấythấy mát cả lòng bàn tay và về tiết đông ấp tay vào giấy nhà Chu, thấy nó âm ấm như có sinh khí. Đưa lên mũi, tờ giấy đượm hơi thơm của một thứ mùi thảo mộc còn tươi sống, thật là một vật quý trên thế gian. Tờ giấy dó từ nhà Chu họ đưa ra thị trường, ai nhìn thấy cũng lấy làm sung sướng. Nó đẹp đến nỗi mọi người đếu yên trí rằng dẫu đứa thất phu có cầm bút vẽ bậy vào đấy thì những nét lếu láo ấy vẫn cứ thành được hình chữ. Nhưng hồi ấy người ta còn trọng nho phong và chúng nhân đều là người trí sĩ cả, nên tờ giấy nhà họ Chu còn được may hơn là phận những vách đá giơ mình ra cho người dốt thích thơ vào. Người có chữ nhưng mà văn xoàng và chữ xấu thì đều không nhẫn tâm đè giấy họ Chu ra mà viết. Người dốt thì biết kiêng sợ và chỉ trông thấy giấy có thủy ấn Chu Hồ là đã chạy xa rồi. Thành ra, kẻ sĩ ở vào cái thời ấy thấy ai dùng đến giấy Chu Hồ là họ tìm đến; vì chẳng được văn đại khoa thì âu chữ cũng phải có nét bút thiếp – Mà sự dùng giấy dó nhà họ Chu Hồ đã thành một lối biểu dương riêng của một phái quý tộc trong làng văn mặc. Cái lần ấy được triệu vô kinh và được hầu lạy quan thượng thư bộ Lễ để tỏ bày những đức tính của giấy dó lò nhà, ông cụ họ Chu đã làm cho bực lão thần và tất cả thuộc nha một bộ phải kinh ngạc và trầm trồ. Ông cụ đã bày các thứ giấy các loại án thư và bắt những con gián con nhậy con dài đuôi thả vào đám giấy ấy. Thì lạ quá, cả một lũ côn trùng kẻ thù truyền kiếp của sách và giấy đều chạy lảng xa rất nhanh khỏi chồng giấy và lẩn trốn đi đâu hết cả. Bộ Lễ bèn làm giấy dâng lên chỗ chín bệ và nhà vua bèn xuống chỉ cho ông cụ già họ Chu sung vào một chân trong Cẩn Tín Viện để ở luôn nơi Thành Vàng sớm tối chế giấy cung cho cả một hoàng tộc và cả một triều đình. Bộ Công đã có chỉ phải xây hai lò giấy dó bên sông Hương và ông già họ Chu sẽ là vị quan trọng dụng lần thứ nhất để coi mấy lò giấy mới mở đó. Nhưng ông già họ Chu lấy làm sợ hãi mà tâu lên rằng hiện trong mình đang mang cái tang mẹ và xin được lộn về bắc, cứ ở nơi Tây Hồ nguyên quán mà chế giấy Ngự Chỉ và thường niên đệ vào kinh do quan địa phương săn sóc việc đưa đi theo những kì hạn nhất định. Triều đình thấy việc ông già họ Chu cũng thuộc về một trường hợp đình gián nên cũng ưng và không nghị tội. Vậy từ ấy, giấy Chu Hồ tiếng lại càng bay rộng ra. Thường niên gặp kỳ vạn thọ hoặc khánh đản triều đình vẫn nhớ đến công người làm giấy, ban cho nhà Chu hết Tưởng lục này đến Tưởng lục nọ và ân tứ cho vô khối là vàng lụa. Đời một người thôn dã lái buôn mà được đặc sủng đến dường ấy, thực cũng là một sự đáng ghi lại nơi ngoại sử của một thời trong một nước chỉ biết quý yêu có kẻ sĩ. Và cổng lò giấy nhà họ Chu làng Hồ còn nhiều ngàylại vui nhộn quá cửa hầu quyền. Lốt xe vệt móng trước nhà người thường nhân, hãn hữu lắm mới chịu ăn rêu đậu cỏ. Những bực cao sang tài huấn của một thành đô vẫn thường lấy chỗ ông già Chu là một nơi hẹn hò với hạnh phúc. Được cái nhà họ Chu có cái đức làm người bình dị rất vững, nên vẫn cố giữ mực thường, không vì thế mà thành kiêu lộng và lại càng vui với cần lao và nghề nhà ngày một càng tinh xảo. Vào nhà ấy người ta không thấy có gì là lộ ra cái lối phú quý chơi trèo. Giá vào kẻ khác thì ít ra ở đấy cũng đã điểm những vệt vàng lớp son - mà vả cũng chính đáng lắm chứ sao. Nhưng không. Ở đây vẫn chỉ có cái tầu dó gỗ xù xì, tảng đá ép ấy vẫn nhẵn lặng và hòn đá nghè giấy rất khiêm tốn nằm trên giữa nền đất trị. Từ đời ấy đến đời khác vẫn chỉ có bấy nhiêu. Rất cổ điển, cổ kính và đơn bạc. Cái gì mà cả dòng nhà ấy biết quý yêu thì vẫn lại là cái tờ giấy do mình chế ra cho người có chữ dùng. Cho đến bây giờ. Cái tảng đá xanh màu núi mùa thu và vuông mỗi chiều hai thước ta, dùng để nghè giấy cho nhẵn mặt, vẫn chỉ là một vật rất thành thuộc ở với nhà họ Chu đã đến sáu bảy đời. Nó câm lặng mà phụng sự như không biết có mình nữa. Và người ta quý nể nó như là nương nhẹ một người lão bộc. Ít khi người nhà họ Chu nỡ nặng tay gieo đầu chầy xuống miếng đá của tổ phụ lưu lại, những khi nghè mặt dó giấy. Mà người ngoài cùng làm nghề này thì cũng chỉ thấy viên đá là một viên đá, đánh cho nó cái giá của một viên đá thôi. Cả đến nhà họ Chu cũng nghĩ vậy. Nhưng… hòn đá ấy vốn có một đời sống thuộc về tâm hồn. Kể cũng hơi lạ… Rừng Hoành Bồ có một nương dó. Rộng sâu lắm. Cũng gần thành một cánh rừng riêng. Gió thung lũng thổi vật vào nương dó, mỗi đợt muốn đi gấp qua hết lòng nương thì cũng phải tàn mất nửa điếu thuốc quấn. Trong cái lỗ cùng tịt của rừng dó, có một cây dó không rõ mọc từ đời nào mà cao vút, cành lá vênh vào át cả những cây Thiên niên tùng gần đó. Loài dó vốn là một loại cây trung bình, thường chỉ cao hơn đầu người, mấy khi đã có được chút bóng dài. Vậy mà cây dó cổ thụ này mình to như mình lim, mỗi lúc mặt giời chỉ lệch quá ngọ một phần nén nhang là bóng nó đã rợp cả một khoảng lòng suối xa kia để làm vui cho một đàn cá hương ngư. Người trung châu mình vốn hay khiếp lánh những cái gì to quá, không dám nhận những cái cao to là hẳn vật riêng của thế giới mình bèn gọi cây đại thụ đó là Gốc Dó Thần, phải nhắc đến thì chỉ dám nói thầm và lần gặp mùa bóc dó, họ đều lảng xa khỏi gốc dó thần. Góc nương dó có gốc cây thần, chả mấy mà đã thành hoang vu và trở nên bí mật như một rừng cấm, gió ngàn có lách qua được kể cũng còn mệt. Chỉ có bọn thổ dân sơn cước muốn mở một lối đi tắt là còn dám lần vào đó chứ đến bọn người Kinh đi bóc dó thuê là đều lùi cả. Nhiều buổi rừng dó lặng gió quang mây, từ góc rừng cấm nổi lên những tiếng hát, giọng không ra bắc không ra nam mà hơi hát thì toàn bắt chênh đi cả; lúc xa lúc gần, cái thứ tiếng nói không ai hiểu là tiếng gì đó đi khắp cả nương dó. Tiếng nói, đôi khi lại có chen vào ít tiếng trúc. Bọn người Kinh đi lên rừng Hoành Bồ bóc dó, nghe thấy tiếng hát giữa nơi mênh mông đìu hiu, giá đừng có những cái lối khiếp đảm tầm thường, thấy bất cứ cái gì không quen thuộc như là cơm áo và tiền là y như đã sợ - thì vào những ngày gió tạnh mây quang nơi nương dó ấy, là họ đã có dịp gần nghệ thuật và tai nghe được cái tiếng thuần túy của nghệ thuật rồi đấy. Họ nghe tiếng hát lần lần vẳng lên thì cái lòng kinh hãi nơi lòng họ cũng tăng lên dần dần. Thậm chí có người ngất đi và cấm khẩu, phải đốt đến hàng đống là khô mới tỉnh lại. Mới hay tiếng hát u hiển và tiếng trúc tuyệt vời có khi lại cũng làm tội đến cả những kẻ đi làm thuê ăn công nhật. Rồi có bao nhiêu người Kinh đi bóc dó thuê kia đều lấm lét bỏ cả việc, quây quần lại sát thít vào nhau bên đống lửa cho đỡ sợ. Tiếng hát tắt đã lâu lắm bọn họ mới lại dám lò dò ra làm nốt buổi. Nhưng người thổ dân cùng đi bóc dó chung với họ, lấy thế làm cười và bảo họ: - Không việc gì mà thất đảm đến như thế. Cô Dó hát đấy. Cô Dó không có làm hại ai bao giờ. - Các bác bảo cô Dó hát? Ai là cô Dó? Đám thổ dân sơn cước vui vẻ chỉ đúng cái cây Gốc Dó Thần ở phía xa: Cô Dó ấy đấy. Cô ở cái cây đấy. Cô là hồn sống của cái cây ấy. Chúng tôi vẫn thấy luôn. Hôm nào đi làm về, gặp cô thì y như về đến nhà, ở mãi trên kia – bọn tôi cũng đều vui và quên mệt. Cô lúc nào cũng mặc một cái áo màu chàm. Họ còn nói bọn thợ Kinh nghe rằng cứ năm nào cô Dó hát trong nương thì giấy dưới vùng xuôi làm ra rất nhiều. “Chắc dưới vùng xuôi lại có khoa thi khoa thiếc gì, nên năm nay cô Dó lại hát”. Bọn thợ Kinh tính ra thì năm họ đang bóc dó vụ chiêm đây là một năm Mão. Vả nghe thấy đám người núi nói chuyện giọng thành thực, nên bọn Kinh cũng đỡ sợ và từ đấy một vài người lại còn sinh ra tò mò nữa. Họ rình cô Dó ra hát – Bọn thổ dân nói đúng đấy. Cô Dó mặc áo xanh màu lam và cứ đi đến gốc Dó Thần thì vụt mất. Nhiều lần thấy thái độ bọn thợ Kinh là suồng sã lộ liễu quá, cô Dó giận dỗi mất hàng mấy hôm. Bấy giờ thấy nương vắng tiếng cô Dó, bọn thợ Kinh phần đông mới thấy nhớ và thấy hình như ngày làm của họ thiếu mất một cái gì. Nhưng sau đấy ít ngày, rừng dó lại vang tiếng sáo tiếng hát. Bởi vì vui hát là bẩm tính của cô Dó và cô vốn không phải là một sinh vật trong nhân loại nên lòng tha thứ ở người cô rất quảng đại. Chuyện này đồn về đến vùng xuôi. Có cậu Năm nhà họ Chu ở ven hồ Lãng Bạc nghe chuyện lấy làm mê lắm. Vụ bóc dó mùa năm sau cậu Năm bèn dặn dò lại công việc làm ăn cho người nhà trông đỡ lấy lò giấy làng Hồ Khẩu rồi theo luôn bọn thợ bóc dó lên rừng Hoành Bồ. Cậu tìm vào nương dó đánh gianh làm nếp nhà bên suối, ngày ngày ăn cơm lam chấm với tro giang tàn nứa đốt ra làm muối. Cậu Năm nhất định chờ cô Dó. Đôi khi cậu Năm bắt chợt được tiếng hát tiếng trúc, nhưng đến bóng người áo chàm thì từ ngày vào nương, cậu chưa được thoáng một lần nào. Thì ra cái giống tình xưa nay vẫn là thế, lúc không thì chẳng sao, khi mà một bên đã hơi hiểu đến tình ý thì y như e lệ thẹn lánh rồi là bày ra cái trò bất diệt đi trốn đi tìm. Biết có người trai đẹp dưới Kinh tìm đến chỗ cỏ cây muôn năm xanh tươi để chí tình cầu đến cái thanh cái sắc của mình, cô Dó trở nên mất hết tự nhiên rồi lãng hết lối mọi ngày tung tăng trong nương. Và giờ, có cao hứng lắm thì cô Dó chỉ ngồi trong Gốc Dó Thần mà hát cho đủ thành điệu thôi. Thế mà cậu Năm đã chờ bên gốc cổ thụ hôm nào không rõ. Cậu Năm là người có chữ nên cậu ngờ rằng điệu hát cô Dó mang máng như lối trong giáo phường đọc phú và nhiều khúc thì lại có cái âm luật xốc vác của thơ cổ phong năm chữ ngâm bằng một giọng bi tráng khê nồng của người khách hiệp gặp đường cùng. Đến đoạn sau thì dài hơn, trong trẻo như pha lê và vui như tiếng thông reo giữa giời nổi gió. Có dờn dợn chăng thì là cái đoạn chót của bài hát. Nó lơ lớ ấm ế ôi a như lối ma hời đưa võng ru con. Đứt câu hát, lại có tiếng cười gằn và tiếng thở dài. Buồn cho hoang vu và cảm thấy lẻ loi, tay dờ dẫm Năm ta bấm móng tay vào vỏ dó thì thấy từ ruột cây tuôn rơi xuống hai dòng lệ đặc. Trời, như vầy thì đến phải lấy nhau mới xong. Cậu Năm bèn khấn xin cô Dó cho thấy mặt. Bóng dương đã ba lần chếch bên cây to mà cậu Năm vẫn một niềm chôn chân đứng chờ giữa trời. Cây to vẫn im lặng, gió rừng chiều gỡ một cái lá, thả từ chỏm cây vào lòng cậu Năm như trao cho nhau một bức thư không lời. Ngày thứ tư, mặt giời vừa vươn lên khỏi ngàn trước mặt là đã thấy cậu Năm đứng dướic gốc dó tay cầm một cây rìu lưỡi sáng quắc. Người tình nhân ấy bữa nay trông quả quyết như một người sơn tràng sắp ngả một cây gỗ rừng rồi tay đè rồi đẽo sẹo rồi cốn nốt và thả đà. Cậu Năm vỗ vào thân cây, tiếng nói thất thanh, kêu rằng cậu không đợi được lâu hơn nữa – trong người cậu thấy rề rề mầm bệnh sốt rét rừng và nếu hôm nay cô Dó còn lánh mặt nữa, thì phải phá nhà cô nghĩa là chém cây cổ thụ mà “còn tình chi nữa là thù đấy thôi” rồi cậu xuôi luôn về Kinh đây này cho mà biết. Đến nước này thì cô Dó phải ra. Dưới gốc, kẻ khóc người cười. Cả hai cùng e ấp rồi cùng khấu đầu tạ lỗi. Sóng vai trên cỏ sương hai người bàn đến chuyện đưa nhau về Kinh. Chợt nhìn đến lưỡi tầm sét sáng như nước nằm dưới chân, hai người cười liếc nhau và cậu Năm cầm liệng luôn xuống dưới lòng con suối bạc. Sợ người ta ngượng vì mình và yêu nhau kém tự nhiên đi, mấy con bướm phấn đậu ra những ngọn lau xa. Đàn chim – má cũng ửng hồng lên vì chút thẹn lây – bay đãi lạc đậu lên chòm xanh, chừng cũng cho thế là phải, bèn rủ nhau đi sang rừng khác, sau khi gáy lên mấy dịp tươi nhanh để tỏ mừng. Mấy bụi sim quanh quất gần đều cho mở một loạt cánh tím, mặc dầu mùa hoa tím đã hết từ ngày hạ. Cô Dó sụt sùi hỏi cậu Năm rằng: - Trên này tôi đã quen với thảo mộc. Về dưới Kinh anh cây cỏ cằn vắng, chất xanh nghèo nàn sẽ biết gửi mình nơi nao và ở vào đâu? - Em sẽ ở với đá với nước. Lấy cái xanh của nước thay tạm cho cái xanh của lá, lấy cái lành vững của đá thay cái mềm lạnh của cây, anh tưởng cũng tiềm tiệm được. - Đá nào? Nước nào? - Nước Hồ Tây. Và phiến đá làng Hồ Khẩu. Nhà anh làm giấy ở kẹt vào giữa một con sông và một cái hồ rộng. Có hòn đá nghè giấy, mỗi chiều bằng vai em, tưởng em cũng không đến nỗi chật quá. Vả em vốn sinh trưởng bằng nhựa dó và dưới ấy là nhà anh làm giấy, sự sống hàng ngày có thêm em nữa, cũng không phiền thêm chút nào. Thế giờ liệu đã xuống núi được chưa? Cô Dó gật gật. Rồi cô xin phép cậu Năm cho cô khóc một lúc để tỏ chút nghĩa với Rừng Cao Cả. Cô quỳ xuống lạy Ngàn Xanh hai lạy, giọt dài không khác người con gái lạy sống cha mẹ đẻ lúc bước chân về nhà chồng. Cậu Năm mắt cũng rớm lệ. Con suối bạc cảm động quá ngừng hẳn lại, không chịu chảy xuôi nữa. Lòng suối im ả như gương tàu phản chiếu không nhòe lấy một đường viền nào, cái bóng hai người đang lấy tà áo chùi lẫn cho nhau những châu lệ hạnh phúc sớm mờ. Hai người say sưa và mệt mỏi, đi trên một cái lối mòn ăn ra dốc đèo. Chúa rừng cho nổi một cơn gió nóng tiễn đưa cô Dó ra cửa ngàn. Có một con hươu đực đang vươn cổ cao nhìn cô Dó xuống đồng bằng, mỗi lúc một bé dần. Nó quật sừng nó vào cái cây đại có những cành ngang và lá to làm bận tầm mắt nó. Cái bóng áo chàm người sơn thần nữ vu quy đã tan lẫn vào cái xanh lớn lao của ngàn già. Bữa ăn chiều ấy, hươu đực ngốn tấc cỏ thấy chát đắng. Nương dó mất tiếng hát từ đấy. Sớm ngày sau rừng dó bỗng kêu một tiếng ầm như ngọn núi nào lở thụt ngã xuống vực. Gốc dó thần đổ vật. Người giai nhân đã đi. Đất này trơ lại những lá úa rầu. Nhưng mà từ nay ven hồ Tây và trên dòng sông Tô Lịch lại có tiếng cô Dó bây giờ xuống hát ở dưới đồng bằng. Hát riêng cho cậu Năm nhà họ Chu nghe thôi. Hôm về tới làng Hồ Khẩu, trời đã canh hai, cả nhà đều đã ngủ say. Cậu Năm đưa cô Dó về nhà mà không ai biết tí gì cả. Trông thấy viên đá xanh nghè giấy đặt chìm xuống nền đất trị, cô Dó cười hỏi chồng: - Đấy phải không? Cậu Năm đang dở tay đốt đèn quay lại gật gật. Thế là cô Dó lẩn mình ngay vào tấm đá, sau khi ăn hết hương thơm của mấy trăm tờ sắc vừa seo xong còn ướt để ở ngoài hiên – Mấy ngày đi đường, cô đói quá. Lại vừa mệt nữa. Nên chỉ kịp chào cậu Năm và nói có một câu “Đầu canh tư, anh đánh thức em dậy với” là cô đã ngủ ngay trong lòng đá. Riêng cậu Năm thì không ngủ được. Ngồi uống rượu một mình cho đỡ lạnh, Năm thấy phải độc ẩm có ý buồn buồn, bèn thành kính rót một chén xuống mặt phiến đá và tuy mới sang canh ba được có một lúc, cậu cũng đánh thức vợ dậy để cùng nhắp một chén tân hôn. - Này em này, đã sang canh tư rồi. Sao tua dua tháng mười đã gần tụt hết xuống phía đoài rồi đấy. Em ngồi dậy uống một chén mừng cho đỡ lạnh - Anh lấy một ít bột dó chưa seo đắp lên mặt đá cho em kẻo trong này lạnh lắm. Ngày thường, anh bắt đầu làm việc từ lúc nào? - Cứ trời gần hửng sáng thì anh đã trở dậy nghè giấy. Đúng ngọ, ngừng tay một lát ăn cơm. Mặt trời lặn thì anh nghỉ hẳn tay chầy. - Từ nay có em về ở cùng, anh nên đổi thời khắc biểu cũ đi. Em thuộc chất âm, ít chịu được cái nóng sáng của mặt giời. Em muốn từ bây giờ, anh thay giờ làm việc, lấy đêm ra mà làm ngày. Như thế nó tiện cho em những lúc phải đỡ đần anh một tay. Vả chăng, cái việc em về làm bạn với anh, cũng không nên cho người khác biết cả đến người nhà nữa. Muốn giữ bền được hạnh phúc, chúng ta nên mai ẩn ít nhiều tung tích của mình đi để tránh những việc dòm giỏ của chung quanh. Lại còn thế này nữa: là thỉnh thoảng em có muốn lách mình ra khỏi đá để hát cho anh nghe hoặc đánh bóng mặt giấy cho anh, mà phải lộ tấm hình hài cho người ngoài thấy thì thực là một điều không những là bất tiện mà lại còn nguy hiểm cho hai mình nữa. Nào, anh đổ xuống mặt đá cho em một chén rượu nữa, người em vẫn còn mệt lắm, nhưng đã là ngày vui nhất trong cuộc đời thì phải say và phải hát chứ. Em sẽ hát bài ngắn thôi rồi đi nằm. Lúc nào gà gáy canh một đêm nay, em sẽ dậy. Anh cũng đi ngủ; để tối hãy làm giấy. Cậu Năm nghe theo lời vợ hiền. Và từ bấy giờ cả nhà đều phải để ý đến những giấc ngủ ngày triền miên của cậu Năm. Hỏi, cậu bảo rằng cậu vừa tìm được một phương pháp mới để chế giấy cho tốt hơn: giấy nghè vào lúc đêm hôm thì mặt bóng hơn, chất chắc hơn vì… vì nó có hơi sương và tia trăng tia sao! Cậu nói thế mà cũng có khối người trong nhà nghe được đấy. Ở ven hồ Tây, giờ cảnh đêm đông không còn lặng lạnh như mọi khi nữa. Trong sương, đùng đục những dịp tiếng chầy nhà cậu năm giã dó và lắm buổi lại còn lẫn một thứ tiếng hát, âm thanh lơ lớ và nhịp, lúc mau như tiếng khổ dựng trong nhà Tơ và lúc thưa thì giống hệt lối ngâm thơ Thiên Thai rồi ngân dần lên và lại dần dần ngân mà xuống đúng như hơi hát cung bắc hay lúc đổ con kiến. Đêm đêm, cậu Năm làm giấy và cô Dó cũng lách mình ra khỏi đá giúp chồng. Cả ngày chỉ ngủ không ăn, giờ, bữa cơm chính của cậu Năm thường lại là một bữa siu-dề có điểm mấy chén rượu. Vợ chồng vui vẻ, nói khôn nên lời. Ái tình và cần lao. Lắm khi ngà ngà mà say, phất phơ mà đi, nhìn đêm lạnh giăng suông, nhớ rừng cũ, cô Dó lại càng hát nhiều nhiều. Khuya im một mầu sương muối, cỏ cây đùng đục vẩn trong sữa giăng loãng, giời đất trông ra như lúc hỗn mang. Cô Dó đánh bạo ra ngoài. Đêm đông trường chỉ có tiếng hát của cô dó chập chờn đi từ giới hạn một bờ Tây Hồ đến bờ một khúc sông Tô Lịch. Tiếng huyền diệu và mờ mù bao la. Từ đấy lò chế giấy nhà cậu Năm họ Chu làng Hồ Khẩu biết một kỷ nguyên mới – giấy tự nhiên thơm đẹp lên và bỏ xa sự cạnh tranh của nghìn vạn người sống bằng vỏ dó. Loại giấy Chu Hồ có từ bấy giờ. Ấp tờ giấy đẹp vào lòng, biết nó là cái công ơn của người vợ hiền nhiều đêm đã cần cù vì mình, cậu Năm đê mê vì chân hạnh phúc và thú cần lao nhiều phút ban ngày sướng quá, ngất đi và tỉnh cơn cuồng lại vỗ mãi vào phiến đá nghè có ý đánh thức vợ dậy mà xem mình đang khóc vì… hoan lạc. Có một lần, cô Dó dở giời khó ở mất đến một tuần, giấy Chu Hồ tự nhiên xuống hẳn mặt. Đã có bao đêm liền, cậu Năm bó gối gác chầy bên phiến đá, nghiêm và rầu như kẻ sắp gieo mình xuống dòng. Dưới lòng đá, có tiếng phào phào đưa lên: - Em đã rõ chứng bệnh em rồi anh ạ. Ra em không chịu được cái mùi hoa hòe nhà ta vẫn mua về để nhuộm giấy sắc. Đổ cái chất vàng ấy lên mình em, em ăn phải cho nên đầy và cứ phù dần người ra. Anh thử bỏ vứt bột hoa hòe đi em xem. Có như thế. Sau khi cậu Năm cho đổ hết hòe xuống hồ - làm vàng ố cả một vùng xanh trong - thì cô Dó cất cơn ngay. Lò giấy nhà họ Chu, thôi hẳn việc chế giấy sắc vàng lại cũng từ đấy. Ngày tháng. Hai người càng yêu nhau trong ca vui và cần lao; trăm năm cũng già. Không, cô Dó vẫn trẻ. Chỉ có cậu Năm là già đi vì cậu vốn thuộc chất dương và vốn thời gian chi phối. Cậu Năm chính là ông cụ tổ ba đời của ông cụ họ Chu được nhà vua cho quan bộ Lễ vời vào kinh để sung một chức ở Cẩn Tín viện đấy. Cậu Năm trăm tuổi đi rồi, cô Dó đêm đêm ra ngồi ở ven Hồ Tây và ven sông Tô có mấy tháng liền, sự nhớ thương lại biến thành nhiều khúc hát buồn và những bài ca điếu ấy, cô có chép vào một tập đề là “Chu Ngũ Lương Nhân Hoài Khúc” giữ luôn dưới lòng đá và nét chữ cô Dó lởm chởm nhọn hoắt và so le như ngọn cỏ bồng. (Mấy mươi đời sau, đâu có một người tài về môn cách vật trí tri bảo đấy là thứ chữ không phải của loài người chế lấy mà dùng; nó là thứ chữ Sơn Hoàng của Chúa Rừng truyền dạy cho các hồn cây hồn quả hiến viết lúc dâng bài Chúc Thọ và chỉ những người nào có số hổ vồ là đọc thông được thôi). Phiến đá xanh nghè giấy, từ cụ Năm về giời, bỗng trắng toát ra. Phiến bạch thạch lẫn vải bố góc bàn thờ mới. Sau ba năm, cô Dó rất có thể lộn về rừng- cái quê hương cũ vốn muôn năm xanh vui của mình. Nhưng không, cô vẫn còn thương cậu Năm nhiều lắm và thề ở lại giúp và dựng cho lũ con lũ cháu và lũ chắt nhà chồng, có cái định kiến là đến bao giờ dân trung châu hạ bạn tuyệt nghề làm giấy bản thì cô mới bỏ nhà chồng và lộn về rừng. Từ ngày theo chồng về Hồ Khẩu cho đến quá về sau cái thời chồng chết, người quả phụ ấy chỉ có một lần tìm đường qui ninh về rừng thăm lại Mẹ Ngàn.(Cô Dó quy ninh đâu vào cái khoảng người cháu bốn đời nhà cậu Năm) Từ cậu Năm mất đi, con cháu nhà họ Chu lại trở lại tập quán cũ, nghĩa là nghè giấy vào lúc ban ngày. Dưới đá trắng cư tang, nghe những âm chầy non dại đổ xuống dó ướt, cô Dó mỉm cười. Thương trẻ, đêm đêm Cô lại hiện ra, hà ít hơi mình vào giấy và lấy tay vuốt từng tờ giấy một. Giấy Chu Hồ vì thế vẫn giữ được vẻ quý mà riêng lũ con cháu nhà cậu Năm thì vẫn không biết lấy mảy may về sự hiển linh nhà mình. Đời ấy và đời khác… Năm 1925 vào cuối đời Hoàng Tôn Tuyên Hoàng Đế, đất Nam Kỳ, trấn Gia Định… có một ông huyện… tên là Khỏe. Ông huyện Khỏe là một người phú quý tột bực, hay gây ra nhiều điều thất đức. Lúc trẻ tráng, cái lối ngông lối hợm của ông huyện Khỏe lại… vô địch nữa. Điền địa của cha mẹ để lại cho thì là bờ xôi ruộng mật, đều là nhất đẳng điền cả. Thủa ấy ông thực là công tử số một, chơi vàng cả một giời và đến ngay đám công tử Bạc Liêu nghe đến danh ông thẩy đều xanh cả mắt… Khoảng thời thiếu niên của ông huyện Khỏe, thật lúc nào cũng là vui như hội Tây. Giờ ông đã có tuổi vẫn giàu có như xưa nhưng đã trở nên phải chăng trong cử chỉ hằng ngày. Ông chỉ còn đi xe hơi hai mươi bốn ngựa thăm ruộng xa như một đất phong cường và các nhà máy xà phòng, gạo và dầu cù là của ông rải rác ở khắp lục tỉnh. Người thương nhân này lúc về già còn buộc thêm vào cái đời con toán của mình một cái thị hiếu chơi những vật hiếm trên đời. Những đồ vật không cứ là cổ và đẹp nếu là độc nhất vô nhị trên trần thì bao nhiêu ông cũng mua. Và những bực có tài xem đồ cổ ông đều giữ luôn trong nhà, lấy thứ lễ hạng nhất ra mà đãi. Trong đám thực khách nhà ông huyện Khỏe có một người tên là Chiêu Hiện được chủ nhân tin trọng lắm, coi gần như quản gia. Ông Chiêu Hiện quê vùng phủ Quốc, bỏ xứ Bắc vào trong Nam đã lâu, lúc bỏ nhà đi, có chỉ vào cái cầu Phùng mà thề độc rằng “bất thừa xa mã bất quá thử kiều”. Ở Sài Gòng được ít năm, ông Chiêu Hiện bị vướng vào một vụ cướp có án mạng tại Chợ Lớn… Chiêu Hiện thụ cái ơn ấy canh cánh để bên lòng và tự nhủ trong suốt một đời thể nào cũng phải tìm lấy dịp để trả ơn lại ông huyện nghĩa là lúc nào cũng nghĩ đến việc đi tìm báu vật cho ân nhân. Xứ Bắc Kỳ cũng như về mặt nhân vật, về đường bảo vật vẫn còn nhiều cái lạ lắm. Đôi ba năm, Chiêu Hiện lại lộn về một lần để sục xem có được cái gì không. Lần ấy lộn về Hà Nội, không rõ dùng chước thuật gì mà đánh tráo ngay phiến bạch thạch đó, đem về cho ông huyện Khỏe. Thâu ngày thâu đêm, đá đã qua hết giang khẩu và những con đèo rất hiểm nghèo. Về đến biệt thự ông huyện Khỏe, đá bỡ ngỡ với thời tiết ở đấy quanh năm nóng như lò nung vôi, đá bỗng đổ mồ hôi. Cầm chén rượu rũ bụi, lúc đã thong dong, ông Chiêu Hiện mới đứng lên kể lai lịch đá cho người ân nhân mình nghe. Và quả như lời ông Chiêu Hiện nói, đêm ấy lúc canh đã dịu lạnh, trong phiến đá có tiếng hát giọng buồn. Không rõ lời nhưng nghe cái âm tiêu sái ấy, đến như ông huyện Khỏe mà cũng sụt sùi. Chiêu Hiện bèn dẫn giảng rằng đấy là một trong những bài thương ở tập “Chu Ngũ Lương Nhân Hoài Khúc” của hồn đá làm ra từ lúc thiếu chồng. Tính hay khoe của, ông huyện Khỏe, ngay ngày hôm sau, gửi luôn thiếp danh đi mời các khách quý đến ăn tiệc và “xem một hòn đá biết sụt sịt trong đêm”. Tàn tiệc rượu có một cuộc dạ vũ. Chiêu Hiện mặc đồ lễ… ra xin với quan khách chỉ nên vui nhộn đến đúng giờ tý thôi, nếu có bụng chân thành muốn nghe những tiếng thương xót của hòn đá “nó là cái cớ đẹp của buổi hợp hoan này”. Trong biệt thự im vắng và tắt hết điện chỉ còn leo lét một ngọn đèn cầy. Sau đấy một giờ, lòng đá lại như đêm trước, bật nổi lên những tiếng tương tư thê thảm. Tân khách thẩy đều rơi châu. Tờ mờ sớm, họ ra về và bắt chủ nhân phải hứa là có một ngày gần đấy phải cho họ được xem đến mặt người sương phụ trong đá kia. Và từ đêm ấy, còn tiếp bao nhiêu dạ hội khác. Mới hay, chẳng cứ là tiếng người mà cái tiếng ly khổ của hồn một phiến đá lương thiện có tình lại còn là cái cớ vui cho người đứng ngoài nữa. Muốn đánh lừa cô Dó phải nhầm lẫn về hoàn cảnh mới gắt để thỉnh thoảng hiện hình ra như trước, ông Chiêu Hiện đã xui ông huyện Khỏe cho đào cả hai bên biệt thự lên, một bên giả làm dòng con sông Tô Lịch, một bên giả làm vùng nước ven Tây Hồ, tiền nhân công tính theo lối nhà nước ngăn đắp đập. Ngày lạc thành cái mẩu hồ lộn sòng và cái khúc sông giả vờ đó, lại tiệc yến. Những tân khách của những kỳ dạ hội cũ đã được nghe đá khóc thì bây giờ lại theo ước cũ đến đây uống rượu nữa để xem mặt cái hồn đá sầu. Nửa đêm ấy, cô Dó hiện ra thật, vẫn mặc tấm áo chàm như ngày ở rừng xa, nhưng dưới gấu đã xé xơ ra cho nó thành tấm áo trảm thôi (áo đại tang) và mớ tóc tang rối như xơ dó vừa ăn vôi. Có bao nhiêu người bừng bừng hơi rượu rải rác núp trong xó tối, khẽ trầm trồ với nhau là đẹp và đoan chính đến bực ấy là cùng. Cô Dó chập chờn trên nước sông đào, trên nước hồ đắp, tỉ mỉ rờ vào các lá cây thân cây quanh đó. Cô thấy không phải là cây quen thuộc của xứ Bắc. Đây chỉ là những lá cành của kè, cọ, dừa xiêm, vú sữa, măng cụt, sầu riêng thôi. Ngờ ngợ đến sự nguy hiểm của một trung thổ lạ, cô lại vội lẩn ngay vào trong lòng đá trắng. Từ đấy không ra nữa và cũng ít khi lên tiếng nhớ cậu Năm. Sau đêm ấy ông Chiêu Hiện bỗng nấc lên mấy tiếng rồi lả dần đi. Vực ông vào buồng bệnh, thấy Chiêu Hiện cứ mở thao láo mắt mà thiếp đi đã một ngày một đêm, ông huyện Khỏe biết là chứng bệnh cũ của người quản gia lại phát lại và chỉ dặn người nhà phải ngày đêm túc trực nơi giường bệnh, ngâm giấy phèn vào nước, cứ mỗi giờ lại đổ cho uống, chứ tịnh không phải thuốc thầy gì cả. Mọi khi vẫn thế. Nhưng lần này thì hơi phiền hơn; là đã quá mười ngày rồi mà Chiêu Hiện không thấy tỉnh lại. Mọi lần trước chỉ ba bốn ngày đêm thôi. Bệnh này trong sách Y Dược Đại Toàn gọi là bệnh Miên nhất khí và người nào hay có cái khiếu về hư linh học thì thường hay mắc phải. Thế mà đến ngày thứ mười hai, ông Chiêu Hiện đã tỉnh lại. Nghe ông huyện Khỏe thuật lại cho hay rằng mình đã ngủ mười hai ngày có dư, Chiêu Hiện đã bốc đứng người dậy, kêu xong hai tiếng “hỏng rồi” thì lăn đùng ra giữa nền cẩm thạch, mồ hôi vã ra như tắm. Không hiểu là cái gì “hỏng rồi”, ông huyện Khỏe mặt như chàm đổ, sợ sệt nhìn con bệnh bây giờ đang lăn lộn như có ai cấu rốn. Đến lúc tỉnh lại lần thứ hai, hai mắt dại dột Chiêu Hiện chán chường nhìn vào khoảng không và miệng – tiếng đã thất thanh, lại nhắc lại: “Hỏng rồi”, đầu lắc mãi như từ chối một cái gì. Chiêu Hiện tập tễnh bước lại chỗ đặt viên đá trắng, ấp tay vào mặt đá, ấp tai vào mặt đá vẫy ông huyện Khỏe lại: - Đến phải đập vỡ đá này thì may ra mới chữa được người trong ấy, cô Dó không khéo chết mất rồi ông Huyện ạ! - Ông Chiêu nói chuyện cho tôi rõ đầu cuối với. - Nguyên là thế này. Hòn đá này phải ăn chất vỏ dó. Thiếu nó thì cái người nằm khóc trong đó mọi ngày cho ông nghe sẽ phải chết khô. Ông nhiều việc không hay để ý đến, chứ thực ra từ ngày mang đá về, tôi đã mang theo về bao nhiêu là bó vỏ dó để ngày ngày ấp lên đá cho người trong đó ăn. Gần hết, tôi lại đánh giấy ra Bắc cho người bà con gửi vào. Từ hôm bị bệnh, đột ngột nằm xuống, không kịp dặn ai thay cho việc bón đá, đến nay là quá mười ngày, người trong ấy chết đói rồi chứ còn gì nữa. - Vậy bây giờ nếu phải đập phiến bạch thạch ra để cứu lấy người trong đá thì ông cứ tùy tiện mà làm. Một nhát búa. Một tiếng xé rất khô gọn và ít mảnh vỡ bắn tung lên. Hòn đá chẻ ra làm hai theo chiều ngang và phần trên khi đã bật ra thì quỷ thần ơi! Có một người đàn bà rất xinh bé đang nằm ngủ. Nàng mặc một cái áo lam, xiêm cũng màu lam. Lúc ông Chiêu Hiện đã nhẹ nhàng ẵm nàng ra đặt lên giường thì mảnh phiến đá vỡ vẫn còn in khuôn những nét hình một tấm thân người nhỏ, nhiều khoảng trũng xuống như chỗ đựng nước trong một cái nghiên dùng viết đại tự. Chiêu Hiện rờ vào ngực cô Dó thấy còn nóng, vội gọi gia đinh đem cái bó vỏ dó ông cất trong kho ra ngay mau. Chúng đều trả lời rằng không biết ai đã tưởng là thứ dây dợ gì lấy đi gói buộc hết cả rồi. Cái tia hy vọng cuối cùng đã tắt nốt. Ông Chiêu Hiện dẫm chân kêu giời, nước mắt đỏ như máu, tiếng mất hẳn đi. Bèn lấy giấy, bút đàm cùng ông huyện: “Ông phải làm ngay hai việc: nhất diện là cho đánh xe đi lên Sài Goòng về các miền lục tỉnh, vét lấy hết giấy bản của ta, chứ giấy moi và giấy tàu của các Chú chế ra thì vô dụng. Một mặt nữa thì cho đánh ngay dây thép ra Bắc – theo địa chỉ này – bảo phải gửi ngay vào cho dăm kiện vỏ dó theo lối đại tốc”. Trong lúc chờ giấy bản, vớ được mươi quyển chép dở những thi ca của mấy chỗ thế gia ngoài Bắc, ông Chiêu Hiện đem xé vò ra, chất thành một đống to, đốt sưởi cho cô Dó hồi lại. Người đá chết lả đã dần dần tỉnh lại, ngón tay động làm buột rơi một cuốn sách nhỏ ngoài bìa bằng lá cây có nét kim khí vạch sáu chữ “Chu Ngũ Lương Nhân Hoài Khúc”. Cô Dó mắt vẫn còn nhắm nghiền nhưng môi đã mấp máy được và đang hé cười. Những những luồng khói đặc ở luồng giấy bản đã thưa loãng dần. Khói tắt, hương giấy tàn đi, người cô Dó càng lạnh, lạnh thêm lạnh mãi rồi cứng chắc lại, mồm ngậm kín một khóe cười không kịp nở hết. Cô Dó đã trở nên người thiên cổ. Cô Dó đã thành người của một thế giới khác, của một thế giới ngọc đá muôn năm. Cái màu xanh ở tấm áo đã đậm và bóng hẳn lên thành một thứ ngọc lam trong sáng. Bên tử thi đá lam, có một người nấc lên mấy tiếng. Ông Chiêu Hiện tưởng còn có thể điên cuồng thêm nữa khi lũ gia nhân sai đi mua giấy bản về đưa trình vẻn vẹn được độ ba trăm tờ hoen nhàu với một câu: “Dạ, chúng con đang cho xe lên Sài Goòng và về cả lục tỉnh mà cũng chỉ vơ vét được có bấy nhiêu. Dạ bẩm trong này ít dùng thứ giấy này. Việc quan và tư thảy đều dùng có giấy tây thôi”. Ngẫm nghĩ một hồi lâu, Chiêu Hiện trấn tĩnh được lòng tiếc và tự nhủ rằng thôi chẳng qua ông huyện Khỏe có cái số không được làm quý nhân nên quý vật nó mới không chịu ở với. Và cô Dó đã nhất định đi, giá có nấn ná lùi lại đến lúc này chờ giấy bản về kịp, thì cái đệp giấy khốn nạn mỏng và biển lận kia cũng không đủ để sưởi nóng cô, hồ cầm lấy chút hơi tàn mà chờ vỏ ở Bắc gửi vào theo lối đại tốc. Sau phút lấy nước ngũ vị tắm cho thi hài đá lạnh, Chiêu Hiện thấy lòng chứa chan hối lỗi vì đã phạm vào tội giết mất một thứ ngọc sống. Vì có biết thế này thì đã không khi nào ông dìu ngọc vào đất Sài Goòng để đến nỗi đắc tội với ngọc đá và đánh hỏng cả cuộc đời một vật báu. Chiêu Hiện lại khóc lên ba tiếng để sau ba tiếng của mình khóc ngọc tị trần vừa dứt thì tiếp theo nghe đến ba tiếng cười của ông huyện Khỏe. Ông huyện Khỏe đã ôm lấy xác cô Dó vui reo ồn ào: - Trời, té ra là ngọc thạch. Thúy ngọc ông Chiêu ạ. Một khối ngọc toàn bích. Việc gì mà ông buồn khóc. Thì ra trước kia nó là thứ ngọc biết nói. Mất người nhưng chúng ta vẫn còn lành vẹn một phiến ngọc ví bán đi thì có thu về được cơ man là tiền bạc. Hoặc là bán, hoặc là để đem làm vật tạ lễ một vị quan thầy. Người ngọc ví có còn sống để lên tiếng một đôi khi mà làm vui cho đám tửu đồ nhà tôi thì cũng vẫn là một sự đáng quý đấy. Mất đi ai chẳng tiếc. Nhưng mất người mà còn sót lại ngọc, thì cái di hài này có lẽ còn quý giá hơn người lúc sống kia đó vậy. Để tôi đem dâng cho quan thầy tôi… Thôi, nín đi mà bác Chiêu. Chiêu Hiện đã nín thật. Nghe giọng lưỡi ông huyện Khỏe, ông Chiêu thấy khắp mình toát ra một thứ mồ hôi dầu. Trời, thế này thì ra từ bao nhiêu lâu nay ông đã thờ nhầm phải một người có nhân cách đê hạ quá. Đã thấm chưa! Ở vào một trường hợp tang tóc ngập lòng này, lòng người ta phải đau rầu gấp bội lòng người chết vợ trẻ hiền, mà ông huyện Khỏe đã vội tính đến nước bán Xác Ngọc, cũng là cho ngọc đi ở vào cửa hầu nhà khác thì tưởng không còn sự tuyệt tình nào phụ bạc hơn được nữa. Nhớp đến thế là cùng. Một người đã vô sở bất chí đến như thế thì còn cái gì ở thế gian này mà hắn không làm đến. Có khi rồi, nếu không sớm liệu, thì ông ta sẽ bán đến cả mình nữa như bán một tên nô lệ cho chủ khác. Ngọc về ở với ông ta, chẳng may xấu số về giời sớm, ngọc đấy mà ông ta còn đòi bán đi nữa, huống chi là mình. Ở sát cạnh một người thiên về danh lợi quá đến nỗi không còn lấy mảy may tình ý về kỷ niệm; cứ ở gần kề đứa bạo ngược, không sớm liệu thì rồi vạ kéo đến cũng chỉ một sớm một chiều đấy thôi. Ngay đêm ấy, Chiêu Hiện đã bỏ ông huyện hàm. Lúc bỏ đi, không thèm chào, không thèm đem theo một vật gì là tặng phẩm của ông huyện vẫn đưa từ trước tới giờ. Chỉ để lại có mỗi một lá thư, trong nói là về Bắc chữa cho khỏi ít cố tật trong người; không dám hứa là có quay trở lại với ân nhân cũ nữa không, nhưng dẫu sao ơn ngày trước tưởng cũng đã đáp lại được chín mười bằng một cái tử thi ngọc xanh đó. Mười mấy năm bỏ làng đi vào trong làm… cho một tên bạo phú, giờ về quê cũ, một tấm vải đắp lên cái thân dầu dãi đã cuối chầu, ông Chiêu Hiện qua sông Hát Giang lại nhớ lời thề cũ là không có ngựa xe thì không chịu qua cầu Phùng đây mà lộn về phủ Quốc. Nỗi buồn ấy đã thấm vào đâu khi Chiêu Hiện lộn lại làng Hồ Khẩu hỏi thăm về sự làm ăn của nhà họ Chu. Thì ra, từ ngày bị đánh tráo phiến đá nghè, nhà ấy làm ăn mỗi ngày một xuống và giấy Chu Hồ bây giờ đã là một câu chuyện gần như cổ tích, một câu chuyện chỉ còn thuộc về lịch sử giấy đẹp của nghìn xưa. Để duy trì cái sống hàng ngày, nhà họ Chu bây giờ cũng làm giấy nhưng là giấy moi… Lòng nặng về tội ác, ông Chiêu Hiện có chép lại việc này, đủ ngành ngọn vào cuối cuốn gia phả tỏ ý ăn năn nhiều về chỗ đã giết chết mất ngọc biết nói và dặn con cháu từ sau chớ nên xúc phạm vào bất cứ một phiến đá tảng đá hòn nào; mặc dầu nó có là đá bên đường đi nữa. Sau đấy một tháng, chứng bệnh cũ miên nhất khí bỗng phát lại và lần này thì ông Chiêu Hiện ngủ luôn một giấc để lũ con đưa ra một cánh đồng tỉnh Sơn Tây, huyệt đào sâu xuống mới có nửa thước, đã thấy lởm chởm lổn nhổn những đá tổ ong.