Vạn Dặm Hoa Đào Trong Mưa Hạ
Chương 15
Lâu lắm rồi mới có thể an tâm ngủ một giấc dài không hề mộng mị, tới tận khi ánh mặt trời trải dài trên cơ thể, ta mới khoan khoái vươn vai mở hé mắt vì chói. Đập thẳng vào mắt là trần nhà khắc hình rồng bằng ngọc xanh, thân uốn lượn mềm mại lại không mất đi phần uy nghi.
Ta đang ở trong tẩm điện của Hoàng đế, nhưng không biết là Hoàng đế Đại Mạc hay là Đại Phù đây. Nếu lỡ như là giường của lão già họ Vu đó thì tốt nhất là nhắm mắt mà "an giấc ngàn thu" luôn cho rồi, nhưng số ta vẫn còn may mắn chán hay đúng hơn là làm thế quái nào Vu Thừa Hiến lại cho tù binh lên long sàng nằm được. Người mặc long bào đi vào rõ ràng là một thiếu niên cường tráng, làn da vẫn mềm mại óng ánh trắng trẻo như xưa, phải nói là y hệt cái bánh bao lớn.
"Đại Vũ, ngươi tỉnh rồi đấy à. Ngủ gì mà ngủ lắm, y như lợn."
"Ây da, chẳng phải là Tiểu Giảo của ta đây sao, ấy bây giờ phải gọi là Đại Giản rồi. Nhìn ngươi vẫn "ngon lành" như xưa!"
Nhìn thấy nó vì đứng ngược sáng mà cả thân người chói lòa, ta mới ngộ ra, mới đó mà đã năm năm rồi, nó năm nay hình như vừa tròn hai mươi thì phải?
"Hôm nay đã là ngày mấy rồi?"
Ngoài hồ sen chỉ mới hé mở mà hương thơm đã ngào ngạt khắp phòng, tựa như những gì đã trải qua chỉ là một giấc mộng dài khiến ta mất đi khái niệm thời gian. Khi tỉnh lại đây vẫn chỉ mới là thiếu niên mười tám tuổi thích mặc áo đỏ thích mình thật nổi bật.
"Giờ Mùi ngày mười lăm tháng tư, ngươi đã ngủ được ba ngày liền rồi."
Ta chợt nhớ ra khi bị đánh ngất đi Tiết Thống vẫn đang bị thương, liền hỏi Tiểu Giảo.
"Ta đã đưa hắn về nhà ngươi chữa trị rồi, đừng lo. Trước tiên ngươi thay y phục đi đã, đừng có nằm ườn ra thiếu sức sống như thế."
Tỳ nữ cúi đầu nhẹ bước vào mang theo một bộ váy áo nữ tử thêu hoa cẩm chướng rực rỡ, Tiểu Giảo thấy ta ho vài tiếng liền rót cho ta một cốc nước đưa đến.
"Sao lại là loại này?" Ta thắc mắc nhìn bông hoa trên vải lụa.
"Ngươi phải biết nam nhân không thể nào ở lại trong nội cung được, huống chi lại là tẩm điện của ta. Đại Vũ, ngươi đã về đây rồi thì cứ quên hết tất thảy mà bắt đầu lại từ đầu. Ta không có nhiều quyền lực nhưng đủ để cho ngươi một thân phận nữ nhân, sống một cách bình an đến cuối đời."
Hóa ra nó đã biết ta giả nam, nhưng là từ khi nào? Ngước nhìn người trước mắt, đối với ta nó mãi mãi chỉ là một đứa trẻ bị buộc phải trưởng thành quá nhanh.
Mấy năm nay cục diện triều đình bên ngoài trông có vẻ tĩnh lặng nhưng thực ra bên trong cuộc đối đầu giữa Tả tướng và Tiểu Giảo luôn giằng co không ngừng. Thái hậu, mặc cho nó đã đủ tuổi quản lý chính sự, vẫn không chịu rút lui khỏi cái ghế nhiếp chính. Một mình Tiểu Giảo đơn độc chống lại trong ngoài, e rằng tất cả quan lại đều thu về một phe của Tả tướng rồi.
"Đổi bộ khác nhìn đơn giản tí đi, ta không phải mấy con vẹt lòe loẹt trong hậu cung của ngươi."
"Ngươi nói mà không biết ngại, không biết ngày trước là ai thích làm con vẹt đỏ ấy nhỉ?" Hắn cười trêu chọc ta rồi trong một khoảnh khắc ngắn ngủi như nhớ lại điều gì đó, đột nhiên trở nên trầm lặng.
Đợi ta thay áo quần rửa mặt xong thì có người mang vào một bát thuốc đen lòm, ta hốt hoảng né tránh, gì đây ta có phải vừa mới thị tẩm xong đâu mà bắt uống canh tuyệt tử.
(Canh tuyệt tử: thuốc tránh thai.)
Tiểu Giảo từ ngoài của bước vào lên tiếng: "Ta đã để Triệu đại phu khám bệnh cho ngươi, hắn nói ngươi vì khói bụi tích tụ trong phổi thời gian dài dẫn đến phế khí hư tổn hay tức ngực khó thở. Thuốc này là hắn kê đơn, ngươi uống đi."
Ta nghĩ chắc là do hỏa hoạn trước đó, hèn gì nãy giờ cứ ho khan mãi không dứt, bưng chén thuốc uống một hơi.
Bộ y phục ta mặc cũng là của nữ nhưng chất vải bình thường màu lam nhạt, đi bên cạnh Tiểu Giảo áo bào vàng chóe càng làm tôn lên "khí chất" kẻ nghèo nịnh bợ. Rốt cuộc thì có bao nhiêu năm đi chăng nữa thì chỉ có ăn cơm với Tiểu Giảo mới có thể có cảm giác nhiều món đến mức không biết nên chọn thế nào. Ta quơ đũa gắp lia lịa nhưng lạ là nó lại chẳng thèm ăn lấy một miếng:
"Làm Vua được mấy năm đã bắt đầu chê bai đồ ăn không đủ đa dạng rồi hả?"
"Đại Vũ, ngươi ốm đi rất nhiều, chẳng lẽ ở Đại Phù không có thịt ăn sao. Ta cứ tưởng ngươi sống không chịu nổi cực khổ, giỏi nịnh bợ người khác kiếm cơm ăn lắm mà. Chẳng lẽ bây giờ ngoài cung đang có trào lưu bồng môn ngọc bích?"
(Bồng môn ngọc bích: nhà nghèo nhưng vẫn giữ bản thân trong sạch, tiếng Việt đại loại là đói cho sạch rách cho thơm.)
Ta thầm chế nhạo, nó nói ta ốm mà không nghĩ lại mình xem, ôi chao cái bánh bao béo tròn ngày xưa của ta đâu rồi.
"Ta vì nhung nhớ đống mỡ trên người ngươi mà không thể động tay động chân véo được, cho nên mới ăn không ngon ngủ không yên, hao gầy từng ngày đây này."
Cứ tưởng gặp lại nó sẽ được véo bù cho đã, nhưng càng nhìn nó ta lại càng uất giận không nói nên lời, còn nó thì cười to đến xán lạn.
Hoàng hôn Đại Mạc, ta đứng trên lầu hậu điện Hàm Long ngắm mãi không thấy chán, màu ráng chiều đổ lên mái ngói vách tường trên khắp phố ngõ kinh kỳ.
Cố nhân nói: tháng năm sống vô định, về đến quê hương tựa như đứa trẻ sà vào vòng tay mẹ, trưởng thành và kiên cường đều trở nên rệu rã.
Tiểu Giảo lên tiếng phá vỡ bầu không khí tĩnh lặng: "Lần trước vì bất tiện nên vẫn chưa xem bệnh xong, lần này Triệu đại phu lại tới."
Triệu đại phu trước kia từng là Trưởng ngự y của Thái y viện, sau khi Tiên đế băng hà vì tuổi cao mà từ quan về quê ở Thiệu quận dưỡng già. Tiểu Giảo ngày nhỏ hay bị bệnh vặt, cũng chẳng to tát gì chẳng qua là nó là Thái tử kế vị nên mới bắt người già cả như Triệu đại phu chạy tới chạy lui Đông Cung cả ngày đến độ ta cũng quen mặt.
Tứ chẩn vọng văn vấn thiết cứ hễ xong bước nào là ông ta lại lắc đầu nguầy nguậy.
"Ta nói này Triệu đại phu, ông cứ lắc đầu mãi như thế không chóng mặt sao?"
"Diệp thiếu... cô nương, bệnh này của cô là tâm bệnh có uống thuốc cũng không chữa khỏi được. Chi bằng cứ đem u uất buồn phiền trong lòng giải thoát ra ngoài, để lâu ngày có thể dẫn đến tụ khí trong người càng thêm nặng."
Mấy lão già này, đoán không được bệnh rồi lại lôi tâm này lòng nọ ra làm cái cớ, thật nực cười.
"Ta biết rồi, cảm ơn Triệu đại phu."
Đợi ông ta lui ra rồi, Tiểu Giảo mới tới gần hỏi: "Rốt cuộc là ngươi có gì phiền trong lòng thế hả? Nếu là chuyện năm đó... thì hãy quên đi lỗi cũng đâu phải do ngươi."
"Quên rồi thì sao mà chưa quên thì thế nào, kết quả vẫn ở đấy không hề thay đổi. Ngươi đừng để ý nữa, chỉ là chút bệnh vặt thôi ta đã quen rồi, nghỉ ngơi vài hôm là sẽ khỏi."
Nó chỉ nhìn ta đau đáu định nói gì đó nhưng lại thôi. Thực sự thì ta có chút không thích nó của bây giờ, ánh mắt của nó đôi khi bỗng trở nên rất sâu thẳm như hồ nước không thấy đáy. Ánh mắt nó là nơi duy nhất còn lưu giữ một đoạn hồi ức thanh xuân mà ta không muốn quên đi, sợ nhất là một ngày nào đó, nó không còn là Tiểu Giảo nữa. Ta hiểu rõ ai rồi cũng sẽ đổi thay nhưng sự trưởng thành tàn khốc sẽ vô tình biến nó trở thành những người như ta như Vu Thuần Hy.
"Sáng mai ta lên thượng triều sớm, ngươi cứ ở trong hậu điện mà nghỉ ngơi."
"Ngày mai, ta muốn xuất cung có được không?"
"Sao thế, muốn về nhà hả? Tiết Thống đã tỉnh lại rồi, không có gì đáng lo."
Ta thở phào nhẹ nhõm, mấy ngày nay cứ lo vết thương của Tiết Thống trở nặng, may mà đã không sao. Ở kinh thành không phải là nơi an toàn, qua mấy ngày nữa có lẽ hắn cũng nên trở về lại Thiệu quận.
"Chỉ là... đồ ăn vặt Đại Phù chẳng ngon lành gì, thực sự là rất nhớ chân gà nướng cay của chợ Tây lắm rồi!"
Tiểu Giảo cười mỉm, nói: "Chẳng có bức tường nào cản nổi chân ngươi! Được rồi, ngày mai thị vệ sẽ đi theo với ngươi."
"Không cần thiết đâu, một mình ta là được rồi."
"Đề phòng người của Tả tướng vẫn hơn, mấy ngày nay trong cung đã lan truyền tin đồn về ngươi rồi." Giọng nó có chút nặng nề, vì quay lưng về phía ta nên không nhìn rõ biểu cảm trên mặt.
"Vậy thì một người là được rồi, càng nhiều lại càng gây chú ý."
Sáng sớm hôm sau, ta tỉnh dậy trong phòng ngủ nhỏ cạnh hậu điện, có người bẩm báo nó đã lên triều từ nửa canh giờ trước.
Ta đổi y phục thành loại vải thô thường dân, tóc búi đơn giản rồi theo thị vệ thân cận của Tiểu Giảo bí mật xuất cung từ cửa An Phong – nằm gần nhà kho của cung nên ít người qua lại. Hai người lẳng lặng không ai nói tiếng nào cứ thế mà chậm rãi thả bước trên từng mặt phố con ngõ. Bên bờ tường thấp nhà ai, tường vi đã giăng hồng một mảng. Trong sân vang vọng tiếng trẻ nhỏ nô đùa ngoài này thì gió đã thổi rụng rơi những cảnh hoa mỏng manh.
Thoắt cái ta đã đứng trong phố Cảnh Nhân nhà cao ngói ngọc nhưng vắng lặng tịch mịch. Năm năm đã trôi qua chỉ thoáng như một cái chớp mắt, nếu không có cánh cửa gỗ đã bạc màu xác xơ thì có lẽ ta còn không phân biệt nổi bây giờ là ngày tháng nào rồi.
Cây đào còn già nua hơn cả số tuổi của ta vậy mà vẫn đứng lặng yên xòe tán lá đón nắng sớm. Ngày còn nhỏ vẫn luôn thắc mắc trên cùng ngọn cây sẽ có hình dáng thế nào, cho đến khi đứng trên gác Thập Lý mới thấy thì ra nó cũng như bao cái cây bình thường khác nhưng dù có đứng trong cả biển cây, không hiểu sao, ta vẫn có thể nhận ra nó được. Có lẽ không phải bởi vì bề ngoài mà là do tình cảm mang theo trong lòng. Giống như ta có một người cha, nếu không mặc quan phục thì sẽ bình thường như bao người đàn ông khác, nhưng dù cho ông có đứng trong đám đông huyên náo ta vẫn có thể nghe thấy giọng ông quát tháo đuổi theo ta.
"Cô nương có muốn vào trong không?"
Ta lắc đầu cười chua xót, làm sao đây, nếu không bước qua cánh cổng đó khung cảnh thân thuộc vẫn sẽ luôn vẹn nguyên, cha ta vẫn sẽ đứng đấy cầm quạt nhịp nhịp chờ đánh đòn ta, Bàng thúc vẫn sẽ cười hiền hậu che ta ở sau lưng. Gió vẫn thổi rì rào qua những rặng trúc sau nhà, ấm trà gốm đã cũ vẫn nghi ngút khói trắng, bộ bàn ghế dưới gốc đào dãi nắng dầm mưa vẫn vững chãi ở đấy đón lấy mấy chiếc lá cây rơi rụng.
Nơi đây in dấu toàn bộ thời niên thiếu của ta, thời niên thiếu ấy từng vì đau mà hồn nhiên khóc, từng vì vui mà vô tư cười, thật khó để quay trở lại khoảng thời gian ấy.
Ta cố kìm lòng không ngoảnh lại mà quay lưng bước đi.
Con người ta càng lớn lên càng phải trải qua sóng gió, ít nhiều cũng khiến tâm hồn xanh mát năm ấy trở thành mảnh đất khô cằn. Tựa như bến đỗ an yên này đã nuôi lớn một mầm cây, lại tựa như bước ra khỏi đây sẽ là hồng trần muôn hình vạn trạng trắng đen khó phân ngoài kia.
Muốn gửi lại nơi đây, cất giấu những hồi ức tốt đẹp nhất, chẳng dám hứa hẹn chỉ hy vọng một ngày nào đó có thể trở về, lại là một đứa trẻ không màng thế sự như trước kia đã từng.
Trên đường lớn, người qua kẻ lại buôn bán tấp nập, ta thả bước chân đi trong vô định, tên thị vệ vẫn theo sau ở một khoảng cách nhất định. Cứ bước mãi bước mãi, cho đến khi mặt trời lên cao chiếu hơi nóng lên mặt, bỗng dưng trời đổ cơn mưa nhẹ, hạt nước như sợi tơ phớt qua chẳng đủ làm ướt vạt áo.
Ta ngẩng đầu nhìn cảnh vật xung quanh nhận ra mọi thứ vẫn như cũ chẳng hề đổi thay, nắng hạ vẫn chói chang, mưa hạ vẫn xối xả, mây hạ vẫn lững lờ trôi, sóng gợn từng cơn vỗ vào bờ yên ả, trên phố Chu Tước dòng người hối hả ngược xuôi ai cũng có việc chẳng đủ thời gian quan tâm đến người khác. Ấy vậy mà một mình ta đứng đây, dưới ngói xanh tường vàng không đổi, đau lòng dõi mắt không kiếm được lấy một bóng hình thân quen.
Rốt cuộc thì Đại Mạc cũng đã thay đổi rồi, năm năm không gặp, bỗng dưng một ngày quay về nơi đây sao lại trở nên quá đỗi xa lạ...
Truyện khác cùng thể loại
62 chương
63 chương
34 chương
92 chương
88 chương
11 chương
34 chương