Tuyến Xe Cuối Ngày Mang Số 13
Chương 32 : Ba nhà họ Quan
Dịch: Mộ Quân
Đốt tay rơi từ trong túi xuống bàn ăn. Bữa cơm này dẹp được rồi.
Mọi người hoảng sợ la hét gà bay chó sủa. Đợi bọn họ bình tĩnh lại, cả đám liền vác gậy đuổi tôi với lão Lưu ra khỏi cửa.
Chưa ăn được mấy hạt cơm, đã bị rượt chạy ra ngoài, càng nghĩ tôi càng tức.
Người là cô ta, đồ cũng của cô ta làm rơi, thế méo nào cứ chối bay chối biến.
Lão Lưu thở dài ở bên cạnh.
"Ta nói chứ, chưa thấy ai ngây ngô như mi. Một người đàn bà nửa đêm canh ba chạy từ trong thành phố ra, sống chết không thừa nhận. Mi còn không hiểu?"
Lão Lưu nói đến như này tôi liền tỉnh ra.
Tôi vỗ đầu đánh chát một cái:
"Thiệt tình, tôi đúng là đần thật, cứ bô bô ra, thảo nào mà người ta phủ nhận."
Tôi lại nghĩ đến một việc:
"Nhưng còn cái túi đỏ với đốt ngón tay thì sao? Sao cô ta lại có nhỉ?"
Lão Lưu lắc đầu.
"Theo ta thì cô gái đó không có vấn đề. Còn túi vải đỏ này khả năng không phải của cô ta."
Nghĩ cũng phải. Lúc đó bà con tranh nhau xuống xe, không chừng là của người khác đánh rơi đúng chỗ cô ta đứng thôi cũng nên.
Bụng đói còn phải đứng đường, tôi và lão Lưu nhanh chóng đi hỏi thăm khắp nơi, biết được thôn này có cả thảy ba nhà họ Quan, bèn quyết định chọn đại nhà gần nhất thử vận may xem thế nào.
Đi ngang qua một ngã ba, chúng tôi thấy có một gốc liễu rất to, thân cây khỏe mạnh cường tráng, cành lá tươi tốt xum xuê, ít cũng phải 180 năm tuổi.
Rẽ trái ở ngã ba là nhà họ Quan thứ nhất.
Căn nhà này nằm trên đầu bờ ruộng, mái ngói đã bạc phếch theo năm tháng, đường nét nứt nẻ vằn vện đầy rẫy trên tường thể hiện rõ gia cảnh bần hàn của người ở bên trong.
Tôi và lão Lưu bước vào cửa nhìn quanh quất, bên trong còn nát hơn cả bên ngoài. Có một bà lão đang ngồi trên băng ghế gỗ con con thêm củi vào bếp lò.
Bà lão thấy hai chúng tôi vào nhà, liền cất giọng khàn khàn hỏi:
"Người lạ mặt, có việc gì?"
Tôi thấy bà lão cao tuổi lắm rồi, sợ bà ấy nghễnh ngãng nghe không rõ liền tới gần mấy bước rồi nói:
"Bà ơi, tụi cháu ở trong thành phố tới, người nhà bà đâu rồi?"
Bà lão xua tay.
"Ở một mình."
Tuy căn nhà khá xập xệ nhưng cũng có hai gian phòng đông tây.
Tôi rút trong túi ra 100 đồng, đưa cho bà lão:
"Hai người tụi cháu muốn xin một bữa ăn và ngủ nhờ một đêm, có được không bà?"
Bà lão đẩy tay tôi ra, không nhận tiền, rặn từng từ ngắt quãng:
"Cứ ở, phòng trống, không cần tiền."
Những người tôi ngẫu nhiên gặp gỡ từ lúc vào thôn đến giờ, ai cũng thiện lương thuần phác. Nào có tình trạng không chào đón người ngoài giống như lão Lưu với Bạch Phàm nói.
Mặc dù bà lão không nhận tiền nhưng tôi vẫn thầm quyết định, đợi tới lúc đi sẽ để tiền lại trên giường.
Bà lão cử động có chút khó khăn, mở nồi ném vào thêm hai miếng thịt.
Phòng phía tây vốn dĩ là cái kho chứa linh tinh, tôi và lão Lưu dọn dẹp qua quýt một chút rồi quay lại nhà bếp giúp bà cụ chuẩn bị đồ ăn.
Bữa ăn thực sự rất ngon, bà cụ đãi khách bằng lòng nhiệt tình chân chất. Ăn xong bà còn rót cho chúng tôi hai chén nước súc miệng.
Tôi cầm chén nước nóng, đi ra ngoài tản bộ.
7 giờ tối ở thôn quê chính là thời điểm mọi người quây quần bên mâm cơm sau một ngày lao động vất vả. Tôi dõi mắt ra phía xa nhìn từng cụm từng cụm ánh sáng phát ra từ các ngôi nhà trong thôn, quả thật giống như một bức tranh!
Chỉ chốc lát tôi đã bước đến gần gốc liễu ở ngã ba đường. Lúc này, ở đó có một ông già đầu tóc bạc phơ đang ngồi dưới gốc cây hóng mát.
Ông cụ trông khá lớn tuổi, khả năng là bậc cha chú lão thành trong thôn, biết đâu ông ấy có thể chỉ cho tôi người tên Quan Quân ở chỗ nào. Nghĩ đến đây, tôi liền đi thẳng đến chỗ ông cụ đang ngồi.
"Chào ông ạ. Ông ăn tối chưa?"
Ông quay đầu nhìn tôi cười rồi gật đầu.
"Ông ơi, ông sống ở đây lâu chưa ạ?"
Ông "À" một tiếng rồi trả lời:
"Ta sống ở đây từ lâu lắm rồi, lâu tới mức ta cũng không nhớ rõ."
Quả nhiên là thổ địa. Tôi mừng thầm hỏi tiếp:
"Ông biết trong thôn mình có ai tên Quan Quân không ạ?"
Ông cụ nghe đến tên Quan Quân này không tỏ vẻ gì bất ngờ, chỉ điềm nhiên gật đầu.
"Biết chớ."
Tôi nghe thấy ông cụ nói biết Quan Quân thì mở cờ trong bụng.
Đang định hỏi tiếp tin tức liên quan đến Quan Quân thì ông cụ đã cướp lời:
"Cu con, ta hỏi bây, sao bây lại chạy rông bên ngoài cùng một con quỷ chết cháy thế?"
Ông cụ tóc bạc hỏi một câu khiến tôi hóa đá.
Quỷ chết cháy!?
Chén nước ấm còn cầm trong tay mà trán đã bắt đầu rịn mồ hôi lạnh. Ông ấy nói lão Lưu sao?
Tôi ép buộc bản thân phải bình tĩnh lại.
"Ông đúng là biết nói giỡn nha. Ông nói có quỷ chết cháy đi theo tụi con ấy hả?"
Ông cụ lắc đầu:
"Là thứ đang đi cùng với bây."
Tôi rùng mình.
Ý từ ông cụ quá rõ ràng rồi, ông ấy ám chỉ chính là Lưu Khánh Chúc!
Tôi bất an định tiếp tục hỏi nữa.
Từ đàng xa truyền tới tiếng hô hoán của lão Lưu:
"Tiểu Lý, mi ở đâu hả?"
Tôi chuyển đầu định "ơi" lên một tiếng, nhưng chợt nhớ ông cụ tóc bạc đang ở bên cạnh, liền quay qua nhìn.
Người mất tiêu rồi!
Tôi hít sâu một hơi rồi đứng lên đi lại hướng lão Lưu.
Lão Lưu thấy sắc mặt tôi hơi lạ, khẽ hỏi:
"Mặt trời sắp lặn xuống núi rồi, mi còn dám chạy loạn?"
Tôi rầm rì trả lời:
"Lão Lưu, mới rồi gặp một ông già tóc bạc, tôi có hỏi thăm thử, ông ấy nói trong thôn có người tên Quan Quân đó."
Lão Lưu ngẩng đầu nhìn xung quanh một vòng, rồi hỏi:
"Trời sắp tối rồi, lão già ở đâu tới?"
Tôi không biết phải giải thích thế nào đành trả lời qua loa gặp trước cửa nhà người ta.
Buổi tối nằm sát bên cạnh lão Lưu, tôi cứ mở đi mở lại đoạn đối thoại với ông già tóc bạc trong bụng.
Hồi đầu, tôi tin lời chú Sáu nên có một đoạn thời gian rất dài tôi xem lão Lưu là quỷ chết cháy.
Nhưng sau bao nhiêu chuyện xảy ra, tôi cùng lão Lưu vào sinh ra tử ở Hổ Yêu Sơn, tôi nghĩ tôi đã thấu triệt con người lão Lưu rồi.
Bây giờ, chỉ bằng lời nói một phía của ông lão kia, tôi sao có thể dễ dàng tin tưởng!
Bình minh vừa lên, bà cụ đã ra vườn nhổ cỏ. Hôm qua vừa tới, tôi sợ lại bị đuổi ra đường bơ vơ nên chưa dám hỏi chuyện Quan Quân ngay,
Giờ tôi mò lại gần, nhẹ nhàng hỏi một câu:
"Bà ơi, con hỏi thăm chút được không?"
Bà cụ dừng công việc trong tay, ngẩng đầu hỏi lại:
"Hỏi thăm cái gì?"
"Bà có biết người nào tên là Quan Quân không ạ?"
Bà lão nghe nhắc đến hai chữ Quan Quân cũng không lộ vẻ gì bất thường, chỉ lắc lắc đầu rồi lại tiếp tục công việc.
Trong thôn có tổng cộng ba nhà họ Quan.
Nhà bà cụ này là một. Vẫn còn hai nhà khác nữa.
Tôi và lão Lưu ra ngoài đi thẳng đến nhà họ Quan thứ hai nằm ở phía tây thôn.
Gia đình này có vẻ khá giả, trên mái đều là ngói mới lợp, trong sân còn xích một con chó trông như chó sói.
Chúng tôi đến cổng chính, cũng vừa lúc người trong nhà đi ra, chuẩn bị cho buổi làm đồng.
Tôi guồng chân đuổi theo, gọi họ:
"Xin chào, anh đang định ra đồng hả!"
Người đàn ông vác bình thuốc trừ sâu, nhìn tôi từ trên xuống dưới rồi hỏi:
"Có việc gì?"
"Tôi từ thành phố đến đây để tìm một người tên là Quan Quân, anh ta có phải người nhà anh không?"
Người đàn ông vừa nghe hai chữ Quan Quân liền giật mình lùi ra sau một bước, anh ta mở miệng mắng to:
"Nói bậy bạ cái mẹ gì, ai bảo nó là người nhà tao, mày nhanh cút qua một bên đi."
Người này chửi xong liền chạy đi, bộ dạng như có ma đuổi sau lưng, cứ mấy bước lại quay đầu dòm chừng chúng tôi.
Đúng là khó hiểu, vì sao anh ta lại phản ứng dữ dội vậy cà!
Quan Quân không phải người nhà này, vậy chắc hẳn gã là thành viên nhà họ Quan cuối cùng kia rồi.
Trong ba nhà họ Quan thì nhà cuối cùng này là giàu có nhất, toàn bộ mái nhà đều lợp ngói lưu ly. Sân vườn tráng xi măng trông vô cùng sạch sẽ.
※Dịch giả chú thích: ngói lưu ly hay còn gọi là ngói âm dương, đây là loại ngói rất nổi tiếng về độ bền đẹp tiện nghi (đông ấm hạ mát), rất phổ biến ở các nước Đông Á, Đông Nam Á. Tại Việt Nam, những vùng có nhiều kiến trúc xưa như phố cổ Hội An chẳng hạn, thì đều sử dụng loại ngói lưu ly này thay cho ngói gạch thông thường.
Chúng tôi ở ngoài gõ cửa cả nửa ngày mới có một người phụ nữ mập mạp, mắt mũi lèm nhèm còn ngái ngủ đi ra. Cô ta mở hé cửa nhìn hai người bọn tôi rồi dấm dẳng:
"Muốn gì hả?"
Tôi cười nịnh nọt trả lời:
"Nhà chị có ai gọi là Quan Quân không? Chúng tôi muốn tìm anh ta có chút việc."
Người phụ nữ mập mạp đang ngáp một cái, nghe tên Quan Quân liền hoảng hốt ngậm miệng lại, gắt lên:
"Quan Quân? Hai người tìm hắn làm gì?"
Tôi hơi khó hiểu hỏi lại:
"Có mấy chuyện phải hỏi anh ta, anh ta có nhà không?"
Khuôn mặt người phụ nữ đột nhiên nhăn tít lại rồi chị ta quát ầm ĩ:
"Cái gì mà ở nhà không? Nhà tui không có loại quái vật đó. Hai người cuốn xéo khỏi đây mau."
Quát xong chị ta sập cửa lại đánh rầm, uốn éo đi vào nhà.
Chuyện này quả thật quá kỳ cục, Vương Đại Trung không giống như bịa chuyện mà ngay cả ông cụ tóc bạc dưới gốc liễu tối qua cũng nói Quan Quân là người thôn này.
Sao giờ cả ba nhà họ Quan đều đồng thanh bảo không biết. Thế rốt cuộc Quan Quân là người ở đâu?
Tôi thương lượng lại với lão Lưu, tình trạng như này thì bó tay rồi, chỉ còn nước đi tìm thôn trưởng!
Nhìn thấy thôn trưởng thôn Đường Oa Tử tôi bỗng nhớ đến ông lão thôn trưởng Hổ Yêu Sơn, trái tim bất giác thắt chặt lại, nhói đau.
Vị thôn trưởng này không cao lắm, chân ngắn tũn nhưng mặt mày lại bặm trợn, thể hiện rõ chủ nhân của nó không phải hạng dễ bắt nạt.
Sau khi nghe chúng tôi trình bày đầu đuôi "đi đâu làm gì kiếm ai" thì thôn trưởng cũng phản ứng hệt như những người khác, tống cho chúng tôi ánh mắt như kiểu nhìn hai tên thần kinh ăn no không có việc gì làm.
"Kiếm Quan Quân? Hai người kiếm nó làm gì?"
Từ hôm qua đến giờ tôi đã trả lời câu hỏi này không biết bao nhiêu lần rồi, vừa định mở mồm diễn lại phát nữa thì thôn trưởng cắt ngang, hỏi một câu:
"Hai người hôm qua giờ ở chỗ nào?"
Tôi cười đáp:
"Ở nhà một bà lão họ Quan ở phía tây thôn."
Thôn trưởng nghe tôi trả lời mà giật nảy mình, vội vàng lùi ra sau, lom lom nhìn bọn tôi:
"Ở nhà bà ta? Bà già đó lú lẫn rồi, suốt ngày lởn vởn trên núi, đào bới mấy ngôi mộ. Đừng bảo tối qua hai người ăn thịt bà ta nấu đấy nhé?"
Truyện khác cùng thể loại
46 chương
38 chương
9 chương
501 chương
136 chương
2769 chương
44 chương