Hoắc Thời Anh đứng trước cổng thành, cách cha nàng hơn hai trượng, trên người mặc áo ngắn dệt bằng đay xám xịt, chân đi đôi giày bằng vải bố thủng một lỗ to đùng. Hoắc tướng quân đang cưỡi trên một con ngựa cao lớn, trên người mặc bộ áo giáp uy phong tuyệt đẹp, nheo nheo mắt nhìn nàng hồi lâu: “Có trấn giữ trại Lô Long trong ba ngày được không?”. Hoắc Thời Anh liếm liếm đôi môi khô nứt nẻ, ánh nắng mặt trời Tây Bắc quá gay gắt, nên nàng cũng nheo nheo mắt nhìn cha mình, ngay từ khi còn trẻ Hoắc Chân cha nàng đã là sinh ra trong một gia đình giàu có, lăn lộn suốt hai mươi năm ở biên quan Tây Bắc cuối cùng lăn lộn thành một lão binh già lưu manh, ông là thượng cấp, và cũng là cha của nàng. Hoắc Thời Anh rũ mi mắt xuống, chiếc giày không bị thủng đá đá lớp bụi đất phía dưới: “Đại quân của người Khương chỉ cần đến được tới dưới chân thành, thì đừng nói là ba ngày, đến ba canh giờ cũng không giữ nổi. Hai nghìn binh cha để lại cho con, đứng lấp vừa đủ trên đầu tường thành, lần này hai mươi vạn quân của người Khương đến, bọn chúng chỉ công kênh xếp thành thang người thôi cái nào cái nấy đều đã có thể giẫm chết được chúng ta rồi.” Những lời của Hoắc Thời Anh tuy buồn bã, nhưng không mảy may có chút phẫn nộ vì người ta đã bỏ chạy để mình lại làm vật hy sinh, nàng cúi đầu ủ rũ nói mấy lời ấy, khiến Hoắc tướng quân nghe được có chút không thoải mái. (Trong các thư tịch Trung Hoa cổ đại, các cụm từ như người Khương, Tây Khương, rợ Khương thường được sử dụng như là thuật ngữ chung để chỉ các sắc tộc không phải người Hoa Hạ tại miền tây Trung Quốc ngày nay. Các dân tộc này thường xuyên gây chiến với các cư dân trong lưu vực sông Hoàng Hà.) Bàn tay cầm dây cương của Hoắc tướng quân có hơi siết lại, con ngựa dậm dậm chân tại chỗ, rồi bỗng roi ngựa trong tay ông vung lên một cái đầy nóng nảy: “Vậy là không đánh? Cũng không thủ? Con trấn thủ được ba ngày là đại quân đã có thể rút được hơn năm trăm dặm rồi, ra khỏi Cam Ninh, đến được phủ Lương Châu, mới được coi là có chút thắng lợi, nếu con không trấn giữ được, đại quân của người Khương sẽ phá trại Lô Long, một khi qua được cửa khẩu Gia Định, thì kỵ binh của chúng sẽ tràn xuống, chiếm được Cam Ninh, cướp được con đường vận chuyển lương thực rồi thì còn đánh đấm cái nỗi gì nữa?”. Hoắc Thời Anh ngẩng đầu, không nhanh không chậm nói: “Bảy ngày trước con đã gửi thư cho cha rồi, cửa khẩu Gia Định có bao nhiêu binh đâu? Vậy mà bảy ngày vẫn chưa rút xong? Từ bảy ngày trước bọn cha đã bắt đầu rút binh thì giờ ít nhất cũng phải đến được phủ Lương Châu rồi chứ.” Nói xong nàng lại mệt mỏi bồi thêm một câu: “Thật chả ra làm sao!”. Gió Tây Bắc mùa thu vừa khô vừa nóng, khuôn mặt Hoắc Thời Anh lấm lem bẩn thỉu, trên trán và gò má phủ một lớp bụi đất cùng mồ hôi, mồ hôi đã bị gió thổi khô, để lại những vệt đen đen, mái tóc như rễ cây được buộc bằng một sợi dây vải, hai người một trên lưng ngựa một dưới lưng ngựa đưa mắt nhìn nhau. Hoắc tướng quân nhìn một lượt từ khuôn mặt của Hoắc Thời Anh đến ngón chân thò ra khỏi giày của nàng, quét mắt đi quét mắt lại mấy lần, cuối cùng đáy mắt lướt qua một thoáng tàn nhẫn, nhấc roi chỉ vào nàng nói: “Không trấn giữ được cũng phải trấn giữ, thiếu một canh giờ ta sẽ tự tay chặt đầu con.” Hoắc tướng quân bỏ lại câu ấy, rồi tung vó ngựa nhanh chóng rời đi, theo phía sau ông là một nhóm vệ binh thân tín, những con ngựa dũng mãnh phi nước đại, để lại một lớp bụi tung mù mịt khiến Hoắc Thời Anh ho sặc sụa. Khi nhóm binh mã của Hoắc tướng quân không còn thấy bóng dáng đâu nữa, Hoắc Thời Anh nản chí ngồi xổm ở trước cổng thành trông giống như một người nông dân gặp thiên tai uất ức ngồi trên mảnh ruộng nhà mình. Nhặt một cành cây, nàng ngồi ở trước cổng thành vạch lung tung trên nền đất, tầm một chén trà, thì phía trước lại truyền đến một loạt tiếng vó ngựa, nàng ngẩng đầu lên nhìn, chiếc áo choàng màu đỏ tươi của cha nàng tung bay phấp phới đã quay lại. Hoắc tướng quân ghìm cương ngựa ngay trước mặt nàng, hai cha con người trên người kẻ dưới ngựa nhìn nhau qua lớp bụi cát mù mịt, Hoắc Chân tuy đã hơn bốn mươi tuổi, nhưng khuôn mặt vẫn rất anh tuấn, ông không trắng trẻo nhẵn nhụi giống kiểu đàn ông đang thịnh hành bây giờ, suốt hai mươi năm ngoài biên quan cũng không phá hỏng được bao nhiêu nét quyến rũ của ông, mỹ nam tuổi trung niên ấy nhìn chằm chằm vào Hoắc Thời Anh hồi lâu cuối cùng đột nhiên cười hề hề rất vô lại nói: “Thời Anh, đây là trận cuối cùng, đánh xong trận này cha mang con về nhà.” Hoắc tướng quân nói xong liếc nhìn đống hình vẽ gà bới nghuệch ngoạc dưới chân nàng, bật cười, nụ cười có chút giảo hoạt, cười xong, liếc nhìn Hoắc Thời Anh, rồi một lần nữa tung vó ngựa tiêu sái bỏ đi. Đám bụi này so với khi nãy còn nhiều hơn, trong màn bụi đất mù mịt, trước mắt Hoắc Thời Anh lóe lên một dãy nhà xa hoa tráng lệ, giai nhân yêu kiều, “Nhà ư?” Khi nàng được hai tuổi đã tới biên quan, suốt hai mươi năm nàng chỉ về nhà có đúng một lần, năm đó nàng mười hai tuổi, vừa thỉnh an bà nội một cái xong, liền bị quỳ ở bên ngoài nhà suốt ba canh giờ, lần ấy đụng mặt với một vị tỉ tỉ sắp xuất giá, nàng có nói một câu không phải với tỉ ấy, liền bị bà nội phạt quỳ suốt nửa ngày, cuối cùng vẫn là cha nàng biết được tin, chạy tới đạp đổ bình hoa trong phòng, rồi làm ầm lên với bà nội, nàng mới được thả. Nhưng ngôi nhà đó thật sự rất đẹp, trạch viện rộng lớn, đi hết tiểu viện này sẽ tới tiểu viện khác, mọi xó xỉnh trong nhà sờ vào không thấy nổi một hạt bụi, ngay cả người hầu cũng rất sạch sẽ, người nào người nấy đều xinh đẹp chỉnh tề, đôi bàn tay vô cùng trắng trẻo của nhị ca nàng, cùng mùi thơm nức mũi từ những buổi chợ sáng trên cây cầu Bạch Định, và những sớm ban mai bảng lảng mờ sương, hơi nước bay phiêu diêu trong không khí, Hoắc Thời Anh hít vào một hơi thật sâu, lập tức một lớp bụi đất tràn vào mồm, khiến nàng bật ho sặc sụa. Hoắc Thời Anh vừa ho khan vừa đứng dậy phủi phủi mông đi về, vừa bước qua cổng thành thì đụng mặt với sáu người đàn ông cao lớn, đó là sáu trong số mười tám vệ binh thân tín của Hoắc Chân, người đi đầu là sư phụ của nàng, nàng bước tới hỏi: “Sư phụ người không đi theo tướng quân đi, ở lại đây làm gì?”. Người đàn ông dắt ngựa đứng ở trước nhất, cung tay hành lễ, một nửa khuôn mặt vùi trong bộ râu rậm rạp, nửa còn lại như bị liệt, cất giọng ồm ồm nói: “Bẩm đô úy, tướng quân bảo bọn ta ở lại làm hộ vệ cho cô.” Hoắc Thời Anh bước tới vỗ vỗ con ngựa đang được người đàn ông cầm dây cương: “Cha ta làm thế cũng còn chấp nhận được, để lại cả ‘Phi Long’ cho ta, chính là muốn bảo ta khi nào chạy trốn thì hãy dùng nó.” “Tướng quân đã nói, không trấn giữ được trại Lô Long trong ba ngày thì cho dù thiếu một canh giờ cũng chặt đầu Phi Long, sau đó trói cô mang đi gặp ngài.” Người đàn ông nói tiếp bằng giọng ồm ồm. Bàn tay đang vuốt ve đầu ngựa của Hoắc Thời Anh cứng đờ giữa không trung, nàng há hốc miệng nhìn ông ta, muốn nói câu gì đó, nhưng không thốt lên lời, cuối cùng cong tay hướng về phía họ xua xua: “Được rồi được rồi, vậy các vị đi tìm một cái ổ nào đó trong doanh trại đi, đợi người Khương tới phá thành xong các vị cứ thế chặt đầu Phi Long, trói ta bỏ chạy là được.” Hoắc Thời Anh nói xong lười biếng đi thẳng vào trong thành chẳng muốn bận tâm tới họ thêm nữa, đi được mười mấy bước thì đằng sau vang lên một giọng nói như tiếng sấm rền vang lên không dứt với theo: “Tướng quân còn nói, đây là quốc nạn, trận chiến lần này của trại Lô Long liên quan đến sống chết, xin nhờ cả vào đô úy!”. Hoắc Thời Anh không thể đi tiếp được nữa, liền quay người bắn về phía mấy người đàn ông ấy ánh mắt sắc như dao, nhưng người ta cũng chẳng thèm để tâm tới nàng xoay người dắt ngựa đi thẳng, có lẽ là quay về doanh trại tìm một cái ổ thật rồi. Hoắc Thời Anh biết đầu óc của sư phụ nàng có hơi khờ khạo, nhưng khờ khạo đến mức độ này thì thật sự khiến người ta phát cáu, những chuyện thế này có thể đứng ngay trước cổng thành mà gào lên như vậy được sao? Nhiễu loạn lòng quân là chuyện lớn đấy. Hoắc Thời Anh giận dữ lẩm bẩm, nhìn thấy bên kia đường có hai nhóm lính tuần tra đang đi tới, cuối cùng đành bất lực phất ống tay áo bỏ đi. Trại Lô Long vốn dĩ là một biên thành nhỏ, nằm ở mặt Tây Bắc dãy núi Lộc Kỉ, kẹp giữa núi Tích và núi Quan Vân, phía sau nó năm mươi dặm là cửa khẩu Gia Định, từ đó đi sâu vào trong cửa ải tầm một trăm dặm men theo đường núi chính là Cam Ninh bằng phẳng tha hồ cho ngựa phi nước đại, đi qua Cam Ninh chính là phủ Lương Châu, trọng địa quân sự từ cổ tới nay. (Biên thành là một tòa thành nằm gần biên giới.) Khoảng tầm bốn mươi năm mươi năm trước trại Lô Long vẫn là một tòa biên thành buôn bán nhỏ quản lý theo kiểu bán quân sự, cùng với sự phát triển ngày một hùng mạnh của người Khương trong suốt hơn hai mươi năm gần đây, chiến lửa ngoài biên quan liên miên không dứt, việc buôn bán cũng hoàn toàn bị cắt đứt, tất cả cư dân trong thành đều được triều đình di dời đến quan nội. Hoắc Thời Anh chiếm một tiểu viện vốn dĩ của một cư dân nơi đây bỏ lại để làm phủ đô úy, tường của tiểu viện được đắp bằng hoàng thổ và bùn cao đến nửa người, nhà mái ngói ba gian, bên trong sân có hai chum nước rất to, một cây táo cực lớn, nghe nói đây vốn là căn nhà của một địa chủ lớn nhất trong thành, Hoắc Thời Anh đã ở đây được bảy năm rồi. Bình thường lúc Hoắc Thời Anh quay về, cách cửa viện hơn hai trượng Nguyệt nương đã có thể nghe thấy tiếng bước chân của nàng mở cửa ra đón, nhưng hôm nay nàng đi tới gần cửa viện rồi, mà bên trong vẫn không thấy có chút động tĩnh nào, trong nhà có hai gã sai vặt thêm cả Nguyệt nương là ba người còn sống sờ sờ ra đó, theo lý mà nói phải có tí tiếng người mới đúng chứ, thính lực của Hoắc Thời Anh rất tốt, đến tận cửa viện liền biết trong nhà không có ai. Đợi đến khi nàng đẩy cửa bước vào phòng, lập tức phát điên, trong phòng cứ như thể vừa bị trộm ghé thăm, tên trộm này thật quá thất đức, cả phòng trống trơn, nàng đi lang thang mấy vòng quanh nhà, phát hiện phàm là thứ gì có thể chuyển đi được thì không còn, trên chiếc bàn bát tiên trong căn phòng chính có một bộ ấm chén bằng sứ thô, vốn dĩ lúc nàng trở về, lúc nào cũng có một bình trà nóng được chuẩn bị sẵn cho nàng, giờ, chẳng có gì, bàn ghế thì vẫn còn, có lẽ vì những món đồ này quá to chuyển đi phí sức, nên tên trộm ấy mới không sờ tới. Màn đệm nàng ngủ suốt ba năm, ngay cả chăn lẫn gối, đều không còn, để lại cho nàng một cái giường trống không, trong tủ quần áo có vài bộ thường phục, không cần nhìn cũng biết, cửa tủ mở toang thế kia, làm gì còn thứ gì. Hoắc Thời Anh đi vào phòng bếp, đoán rằng đến mấy bộ quần áo cũ nát của nàng mà tên trộm ấy còn chẳng chê, thì phòng bếp chắc cũng bị quét sạch, quả nhiên mở ang gạo ra nhìn thử, ngoài trừ chút vụn gạo dính ở dưới đáy ra thì chả còn gì, nàng ôm một tia hi vọng mong manh mở nắp nồi trên bếp, bếp lạnh tro tàn, được lắm, đến cơm thừa cũng không để lại cho nàng lấy một miếng. Toàn bộ đều là vườn không nhà trống. Hoắc Thời Anh từ trong bếp đi ra, múc hai gáo nước lạnh từ trong ang uống, sau đó quay trở lại gian chính, kê một cái ghế thái sư, quét một lượt khắp phòng, phát hiện gian nhà chính trước đây có bàn thờ thờ một bức tượng Quan Âm giờ cũng không thấy nữa. Hoắc Thời Anh cảm thấy Nguyệt nương thật là buồn cười, nàng không nhớ Nguyệt nương tín Phật từ bao giờ, nhưng bức tượng Quan Âm này dù sao cũng đặt ở trong phòng đã được nhiều năm rồi, bình thường cũng chẳng thấy bà ăn chay niệm Phật bao giờ, suốt mấy năm qua, tàn hương trong lư đặt trên bàn thờ cũng chưa bao giờ đầy, tượng Phật bà chần chừ do dự tin, ấy thế mà lúc bỏ chạy vẫn còn không quên mang theo, đúng là rất hay. Ánh mặt trời bên ngoài vẫn rất gay gắt, Hoắc Thời Anh đoán có lẽ đã đến giờ Mùi, nàng thầm nghĩ lúc nàng gặp cha mình ở cổng thành có lẽ buổi trưa, cha nàng nói phải trấn giữ được trại Lô Long trong ba ngày, cũng tức là trên nóc thành trại Lô Long trước buổi trưa ngày kia vẫn nhất định phải cắm chiến kỳ của Đại Yến. Trong lòng nàng tính toán tốc độ hành quân của người Khương, sau đó soát lại một lượt từ quân bị, binh lính trong trại Lô Long, cho đến từng cái cây trên đỉnh núi Tích và Quan Vân. (Giờ Mùi là từ 1 đến 3 giờ chiều) Chỗ Hoắc Thời Anh ở vốn là khu của những người giàu ở trại Lô Long, nhà nào nhà nấy đều có tiểu viện lợp mái ngói, sau khi cư dân nơi đây chuyển đi, chỉ lợi cho đám quân lính biên giới, tiểu tướng lĩnh, và thập trưởng của trại Lô Long đều có thể chiếm một gian phòng ở đây. Giờ mặt trời vẫn còn chưa lặn về phía Tây, những người này đều đang ở trong quân doanh. Bên ngoài yên tĩnh chỉ thỉnh thoảng vang lên một hai tiếng kêu của đám chó mải cắn nhau, Hoắc Thời Anh suy nghĩ, nghĩ đến khi đầu óc có chút hỗn loạn. Cửa lớn của tiểu viện đã có tuổi, mỗi lần mở ra liền kéo theo cả tiếng “cót két” cũ kỹ vang lên. Có tiếng bước chân đi vào, rụt rè cẩn trọng nhẹ chân nhẹ tay lộ ra vẻ sợ hãi. Bóng người cứ chần chừ do dự suốt nửa ngày ở trước cửa rồi mới chịu lộ mặt, áo xanh mũ nhỏ, khuôn mặt trắng trẻo non nớt, vẫn chỉ là một thằng nhóc choai choai. Thằng bé đang vỡ giọng, cổ họng khàn khàn đi cùng với khuôn mặt nhỏ nhắn sợ sệt trông có chút quái dị: “Đô...Đô úy, ngài về rồi.” Hoắc Thời Anh chống cằm nhìn đến chân của thằng bé, trên chân của nó đi một đôi giày bằng vải bố ngàn lớp mới cáu cạnh, ngay cả mũi giày cũng trắng tinh chưa hề dính tí bụi bẩn nào, trong lòng Hoắc Thời Anh không thoải mái hỏi nó: “Nguyệt nương đi lúc nào?”. Thằng bé sợ không bước tới gần, đứng trước cửa trả lời: “Giờ Tỵ hôm nay đại tướng quân tới đón đi rồi ạ.” (Giờ Tỵ là từ 9 đến 11 giờ sáng.) Hoắc Thời Anh bất lực quay đầu nhìn ra ngoài cửa sổ, Nguyệt nương vốn dĩ là một nàng hầu của cha nàng, tổ tiên của Hoắc Thời Anh và hoàng đế khai quốc của triều đình Đại Yến cùng nhau đánh trận giành thiên hạ, sau khi vào kinh thái tổ làm hoàng đế, còn tổ tiên của Hoắc gia được phong vương rồi tới biên quan Tây Bắc trấn thủ biên giới, gia đình của nàng là quý tộc công khanh cha truyền con nối, Đại Yến khai quốc được hơn một trăm ba mươi năm, Hoắc gia sinh ra năm vị đại tướng quân, đời đời trấn thủ biên thùy Tây Bắc, từ xưa đến nay gia phong nghiêm cẩn, tác phong mạnh mẽ và có chỗ đứng vững chắc trong triều đình Đại Yến, nhưng Hoắc gia đến đời Hoắc Chân cha của Hoắc Thời Anh thì lại là một thế hệ khác, lúc Hoắc Chân còn trẻ là một cậu ấm đích thực, hơn hai mươi tuổi cưới đến mười một bà vợ, năm đó ông nội của Hoắc Thời Anh Hoắc lão vương gia về thăm nhà, tức đến nỗi thưởng luôn đại hình cho ông, nói rằng đều là hậu họa do bàn tay phụ nữ nuôi dưỡng mà ra, sau đó vung roi tiễn Hoắc Chân ra biên quan. (Công khanh là tên gọi tắt của tam công cửu khanh, chỉ chức quan đại thần thời xưa. Tam công là Thừa tướng, Thái úy, Ngự sử đại phu, dưới Tam công là các khanh, chín khanh chủ yếu là Phụng thường, Tông chính, Lang trung lệnh, Vệ úy, Thái bộc, Đình úy, Điển khách, Thiếu phủ, Trị túc nội sử.) Lúc Hoắc Chân đi cũng không mang theo gì, chỉ dẫn theo Hoắc Thời Anh khi đó mới hai tuổi, thật ra khi ấy Hoắc Chân đã có hai người con trai với vợ cả, không một ai hiểu tại sao ông lại dẫn theo Hoắc Thời Anh vừa mất mẹ lại mới có hai tuổi rưỡi hơn thế còn là một cô bé tới biên quan. Cha nàng vừa đặt chân trước xuống đất Tây Bắc, thì Nguyệt nương một cô gái từ ngàn dặm xa xôi chân sau cũng lén đi theo, nghe nói lúc ấy nàng vừa mới cai sữa chưa được bao lâu, lão vương gia không đuổi bà đi mà giữ lại để chăm sóc cho nàng, một lần giữ lại mà giữ đến hai mươi năm, từ một bông hoa lan yêu kiều mơn mởn chín thành một cái lá chuối tây bèo bọt, lại còn đi theo cha nàng không danh không phận nữa chứ, năm nay Nguyệt nương cũng đã ba bảy ba tám tuổi rồi, nhưng nhìn thấy cha nàng thì vẫn quên đường về như thường, có lẽ thấy cha nàng đích thân tới đón nên bà vui đến hồ đồ luôn, thứ gì trong nhà có thể thu dọn được là thu dọn tất, sớm đã quên sạch bách việc nàng đã ra ngoài được nửa tháng lúc quay về không đồ ăn không áo mặc rồi, Hoắc Thời Anh vẫn luôn cho rằng về phương diện đối xử với phụ nữ cha nàng thật sự chẳng ra sao. Hoắc Thời Anh đứng dậy phủi phủi bụi trên người hỏi thằng nhóc: “Tiểu Lục, trong quân doanh vẫn còn quần áo của ta chứ?”. Thằng bé vội vàng trả lời: “Có ạ có ạ, nửa tháng trước cô đi, Nguyệt nương đã lấy về giặt sạch sẽ cho cô rồi, hôm trước tiểu nhân vừa lấy về.” “Được, vậy chúng ta về quân doanh thôi.” Hoắc Thời Anh bước ra ngoài, Tiểu Lục liền đi theo sau rời khỏi tiểu viện. Hai người một trước một sau đi bộ về quân doanh, Hoắc Thời Anh đi không nhanh lắm, nên Tiểu Lục cứ dè dặt cẩn thận đi theo đằng sau. Hoắc Thời Anh cũng chẳng buồn để tâm đến thằng nhóc ấy. Thân phận của Tiểu Lục chính xác là thân binh của Hoắc Thời Anh, bình thường hầu hạ nàng chuyện sách bút, và sinh hoạt thường ngày, nhưng chuyện thân binh của Hoắc Thời Anh cũng phải kể từ đầu, nàng là con gái, nếu tìm một thanh niên trẻ tuổi khỏe mạnh làm thân binh, cô nam quả nữ quan hệ quá mức gần gũi nói ra cũng không được lọt tai lắm, nhưng nếu tìm một cô gái ở cạnh đề hầu hạ, thì trong quân doanh lại không cho phép phụ nữ ra vào, vì thế thân binh của Hoắc Thời Anh trước giờ đều là những đứa trẻ choai choai không quá bé, tầm mười ba mười bốn tuổi đi theo nàng, sau hai năm trưởng thành rồi lập tức được điều đi. Nhưng những đứa trẻ mười ba mười bốn tuổi lại còn biết đọc biết viết bình thường không dễ tìm chút nào, vì thế thân binh của Hoắc Thời Anh đều là nô tài được Hoắc gia nuôi dạy và do Hoắc Chân điều từ kinh thành tới, Tiểu Lục mới tới tháng trước, thằng bé vừa đến, Hoắc Thời Anh đã đi do thám ở thảo nguyên nửa tháng, hai người ở chung với nhau chưa được bao lâu, nên thằng bé vẫn chưa hiểu được tính khí của nàng, thành ra rất sợ.