Tục làng
Chương 9
Chị Hồng toát mồ hôi, ì ạch xách xô nước đổ vào bồn tắm bằng gỗ. Không biết đây đã là xô thứ bao nhiêu, nhưng vẫn chưa đầy bồn, nên chị ta cũng chẳng dám ngừng lại. Mùi hương liệu ngào ngạt trong không khí, lại có khói nóng bao phủ, khiến chung quanh trở nên mờ ảo như chốn tiên cảnh. Tấm bình phong quây quanh đó được đẽo bằng đàn hương, căng vải quý có vẽ tranh tứ bình, trên lại đề mấy câu thơ, làm cho cảnh càng thêm đẹp. Nhưng chị Hồng lại chẳng có tâm tư nào mà hưởng thụ cái vẻ đẹp tao nhã ấy.
Khương Cảnh đêm qua không ở phòng, đến hôm nay vẫn chưa thấy về. Chắc hẳn y không nghe lời căn dặn, lại ra ngoài buổi đêm. Thậm chí có thể Khương Cảnh đã chết, xác bị vứt đâu chẳng biết. Chị Hồng phỏng đoán, nhưng cũng ngầm khẳng định - như một lẽ đương nhiên đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân làng này. Tháng Bảy âm, tùy tiện ra ngoài, không gặp cô hồn dã quỷ thì cũng phải họa sát thân. Tránh không được, tránh không được.
Đã quen lệ mấy năm trước, chị Hồng đứng đợi bên ngoài, để cậu Mân có gì cần, cũng tiện đường phân phó. Gió đêm rất lạnh, thổi đến chị ta phải run rẩy không ngừng. Chẳng hiểu sao chị Hồng luôn có cảm giác, mỗi một cơn gió lướt qua làng Triêu Tịch, luôn đem theo mùi máu. Chúng nó không gào thét như những người chết kia, nhưng lại lạnh lẽo đến gai người.
Chị theo hầu cậu Mân đã lâu, cũng đã biết chắc, cái làng này bị nguyền. Năm đó, chị cũng là một trong những người chuẩn bị hậu sự cho ngài đó thôi. Người bị ngạt thở mà chết, thể trạng không bao giờ được tốt đẹp. Khi chị nghe tin mà sấp sấp ngửa ngửa chạy đến, cậu Mân hẵng còn lưu luyến ôm hôn ngài. Chị Hồng là nhũ mẫu của Mân Doãn Kỳ, nên tất nhiên được tín nhiệm hơn. Chị cũng tự biết phải làm gì, việc đầu tiên là cuống quýt chặn cửa lại. Mân Doãn Kỳ đặt Trịnh Hiệu Tích xuống giường, tự tay vuốt đi đôi mắt mở trừng đầy kinh hãi kia, sau mới nói, "Gọi vài người nữa tới đây. Tang sự này, không thể qua loa được."
Khi tới nhà Trịnh Hiệu Tích, thấy bà Phúc Loan và đám phụ hầu ngoài cửa, chị Hồng đã thấy lạ. Cho đến khi sờ vào thân thể lạnh ngắt của Trịnh Hiệu Tích, chị mới lờ mờ biết họ định làm gì. Chị Hồng tuy là phận hầu, nhưng thân cận chủ nhân từ nhỏ, việc lớn nhỏ gì cũng đã ít nhất một lần nhúng tay. Chị biết cái chết của Trịnh Hiệu Tích có gì đó không đúng.
Nhưng dù biết không đúng ở đâu, chị cũng chẳng thể làm được gì. Bỏ làng đi chăng? Chị Hồng bỗng nhớ lại cái cảnh ông Minh bị treo cổ lên cổng làng, lưỡi thè ra, mặt mũi tím tái. Đó là tháng Bảy âm đầu tiên thực hiện tục hèm. Không hiểu vì cớ gì, mà ông Minh lại đòi đi biệt xứ như thế. Cũng chẳng biết được, ai đã đón đầu ông ở cổng, để mà treo cả người lủng lẳng lên thế kia. Nhưng những người còn lại đều rõ cả, ấy là một lời tuyên cáo.
Làng Triêu Tịch, vào thì dễ, mà ra thì khó.
Chưa được mấy tháng, dân số làng Triêu Tịch đã bớt đi quá nửa. Có người rời làng vào buổi sáng, thì lại chết trong rừng. Thấy bảo bị rắn cắn, bị trượt chân, bị hổ vồ... nói chung rất nhiều lí do. Nhưng cuối cùng, vẫn không tránh khỏi cái chết. Rồi người ta cũng cam chịu, không dám đi nữa, lầm lầm lũi lũi ở lại cái làng đã từng náo nhiệt, mà giờ phút này lại đìu hiu như quỷ ám.
Bà Phúc Loan thông cáo với dân làng, đã hỏi ý bề trên. Làng Triêu Tịch trước nay chỉ thờ thổ địa, không có thần, ấy là trái phép. Vậy cần tôn một vị lên làm thần. Xem ngày đoán mệnh thì thấy, cậu Hiệu Tích từ trần đúng giờ thiêng, e là hồn cậu vẫn trụ lại đây, chờ được thờ cúng. Mà nếu không hậu đãi cho tốt, cậu quấy cậu quở, cũng là điều hiển nhiên.
Vậy là tục hèm đầu tiên của làng Triêu Tịch ra đời. Ấy chắc phải là cái tục kì lạ nhất nước Nam. Hèm diễn ra vào tháng âm binh quỷ khí, dưới dạng thức một nghi lễ liêng thiêng của đời người: hỉ sự. Chưa hết, Trịnh Hiệu Tích, e là ông thần đầu tiên trong lịch sử không có tên thụy(*), mà cứ gọi hẳn húy ra vậy.
Chị Hồng miên man suy nghĩ, cũng không để ý động tĩnh bên trong. Cho đến tận khi nghe tiếng cãi nhau, chị mới định thần. Trong phòng thắp nhiều nến thơm, chiếu trên cửa sổ giấy ánh sáng màu vàng đẹp mắt. Trên đó in rõ hình dáng của tấm bình phong, cùng với hai chỏm đầu của hai người con trai. Chị Hồng im phăng phắc như tượng, không dám thở mạnh.
Nội phủ đã nghỉ sớm. Các phòng đều đóng chặt cửa. Giờ mới qua giờ Tuất, nhưng sắc trời không còn sớm. Âm âm u u như thể sắp mưa. Chị Hồng là người duy nhất được cậu Mân tin tưởng gọi lại để chuẩn bị mấy việc này. Vậy nên, chị cũng phải biết ý mà quản mồm miệng cho chặt.
"Hiệu Tích tức giận cái gì?" Giọng nói của cậu Mân vọng ra, rất là dịu dàng. Phảng phất như đang dỗ dành một đứa trẻ con. Chị Hồng thầm đếm nhẩm trong đầu từ một đến ba. Qủa nhiên, chưa đầy phút sau, đã có một giọng nói khác chen vào. Người này rõ ràng là đang phẫn nộ, bất lực, thậm chí còn có chút điên loạn. Tiếng rít the thé làm cho giọng nói trong trẻo nguyên bản ban đầu bị phá vỡ. Chị Hồng vòng hai tay tự ôm lấy mình. Cả người run lên từng đợt.
"BỎ RA!"
"Thế là thế nào? Còn chưa tắm xong mà. Hiệu Tích ngoan, không rửa sạch, thì cơ thể của em sao giữ được tới năm sau..."
Chị Hồng nghe thấy tiếng khóc tấm tức nghẹn ngào. Ánh nến lay động, khiến cho bóng đổ trên cửa sổ cũng lay động theo. Chị nghe thấy ngài van xin. Lời van xin này, chị đã nghe nhẵn mấy năm qua. Nhưng chưa bao giờ cậu Mân đáp ứng.
"Mân Doãn Kỳ, anh buông tha tôi đi..."
…
Người chết rồi, phần xác mất đi, nhưng phần hồn vẫn còn.
Người chết rồi, không sống lại được nữa.
Người chết rồi, muốn lưu lại trần gian, chỉ còn cách bắt nhốt sự tồn tại cuối cùng.
Người chết rồi, lại có khi, thần quỷ bất phân.
_
(*) Thuỵ hiệu (chữ Hán: 諡號), còn gọi là hiệu bụt hoặc tên hèm theo ngôn ngữ Việt Nam, là một dạng tên hiệu sau khi qua đời trong văn hóa Đông Á. ( theo wikipedia )
Truyện khác cùng thể loại
212 chương
44 chương
30 chương
33 chương