Tử động
Chương 15 : Tại cung thất đắc thành võ học - gặp mỹ nhân biết rõ hung tin
Chàng nghi ngờ với mệnh lệnh: “Hãy tìm cho được lối vào Ngọc Điệp cung thất!”.
Vì chàng đã phí nhiều thời gian cho việc tìm kiếm, kết quả là vô ích.
Chàng đã thử qua nhiều cách như những cách mà nhờ đó chàng hết khai mở cơ quan này đến phát động cơ quan kia, kết quả chỉ là vô vọng.
Vậy mệnh lệnh đó chắc chắn phải là một ẩn ngữ? Bằng không đã qua khá nhiều thử thách rồi và một khi Ngọc Điệp Tiên Tử đã có di tự là thừa nhận chàng làm đệ tử.
Chỉ cần chàng có thành tâm muốn bái sư hay không thì hà cớ gì Tiên tử lại hạ lệnh cho chàng bằng mọi giá phải tìm cho được lối vào Ngọc Điệp cung thất.
Khu lăng tẩm này đã là một động trung động (một thạch động nằm ẩn trong Tử động) lẽ nào lại còn có thêm một động trung động nữa?
“Không thể có! Vậy hàm ý sâu xa của ẩn ngữ này là gì?”.
Chàng nghi ngờ đến nỗi phải tự trầm lắng lại mọi sự sôi động háo hức để suy tư.
Kết quả cuối cùng, chỉ có nơi này mới chính là Ngọc Điệp cung thất. Và sự sắp đặt sẵn nếu có chỉ phải bắt đầu từ chỗ di hài của Tiên tử tọa vị và diệt tịch.
Chàng bèn nhấc quyển Ngọc Điệp chân kinh đặt qua một bên và bắt đầu ngồi thay vào đó.
Chàng chờ đợi mọi diễn biến nếu có, bằng cách nhắm hờ mắt và lắng chìm dần vào vô thức.
Được một lúc chàng có cảm nhận ở khắp người chàng, ở từng huyệt đạo một bắt đầu có hiện tượng nóng dần lên.
Không thể không kinh tâm, chàng có phần hồ nghi về nhận định của chàng.
Tuy thế, vẫn nguyên vị, chàng kiên trì chờ xem sự thể sẽ như thế nào.
Các huyệt đạo lớn nhỏ càng lúc càng nóng một cảm giác giống như cảm giác chàng đã có khi bị trận quái phong ở Tử động xuyên thấu da thịt.
Lấy làm lạ, chẳng lẽ ở trong này cũng xuất hiện quái phong, Thượng Thanh khẽ mở mắt để nhìn quanh.
Xung quanh vẫn tĩnh lặng. Chỉ có ở chỗ chàng đang ngồi là có vấn đề. Một lớp nước ươn ướt chợt xuất hiện quanh chỗ chàng ngồi.
Kinh ngạc, chàng dò xét khắp châu thân. Y phục trên người chàng cũng xâm xẩm nước. Như vậy lớp nước đang có trên nền đá chính là nước ứa ra từ y phục của chàng.
“Quái lạ! Tại sao ta lại xuất hạn mồ hôi nhiều như thế này? Xung quanh đây không khí vẫn thoáng mát kia mà, nào có bức bối do không được thông khí?”.
Nước ứa ra được một lúc rồi khô đi, các huyệt đạo cũng không còn nóng nữa, Thượng Thanh hoang mang: “Toàn thân ta bây giờ thơ thới lạ, phải chăng đó chính là sự sắp đặt sẵn của sư phụ dành cho ta như di tự?”.
Không thể tin vào nhận định này, chàng bèn nhặt lại Ngọc Điệp chân kinh, hy vọng sẽ tìm được lời giải thích chắc chắn có ở trong đó.
Ở trang kế tiếp có ghi :
“Khá lắm, hài tử!
Những dòng kế tiếp nếu ngươi đọc được đủ chứng tỏ ngươi thực sự xứng đáng là đệ tử của ta! Hãy nghe ta giải thích :
Mọi độc chất đã tình cờ thâm nhập vào ngươi sẽ chẳng được giải trừ nếu ngươi không ngồi yên và lắng đọng tạp niệm.
Có như thế mọi giải dược mới có đủ thời gian để khu trục toàn bộ độc chất ra khỏi nội thể ngươi.
Cho dù ngươi mất kiên trì, do vội vàng mà đọc những lời này rồi mới hành động theo, mọi việc kể như quá muộn.
Hài tử là người vừa có cơ trí, có đức độ và có lòng nhẫn nại sẽ thừa điều kiện để tiếp thụ chân truyền của sư phụ.
Hảo hài tử! Sư phụ thật sự hài lòng khi có được đệ tử đích truyền.
Trong Ngọc Điệp cung thất này không hề có vật thực cho hài tử. Hài tử bất tất phải lưu lại mãi nơi này.
Nghe đây, trong Ngọc Điệp chân kinh chỉ có tâm pháp nội công, chưởng pháp và khinh thân pháp. Còn Ngọc Điệp Ngũ Thức Kiếm của bổn môn vốn được lưu lại trên mảnh Liễu Yếm Ngọc Điệp.
Hài tử hãy thu hồi tất cả về, dùng nội công tâm pháp biến thành tam muội chân hỏa và đốt nóng đến cháy đỏ từng mảnh một. Từ đó hài tử sẽ đọc được kiếm quyết bổn môn.
Trên Ngọc Điệp kiếm sư phụ có khắc họa lối vào Ngọc Điệp cung thất này. Khi ly khai, do hài tử không cần phải quay lại nên chẳng cần lưu họa đồ làm gì. Hãy hủy đi để bọn phàm phu tục tử sau đó không thể vào đây quấy rầy sự an nghỉ của sư phụ.
Mọi cơ quan sẽ tự phong bế, hài tử bất tất phải lo lắng.
Còn nữa, A Tử và A Vi là hai đứa bé bơ vơ côi cút do sư phụ nhặt được. Khi chúng lên mười cũng là lúc sư phụ phải xa lìa chúng. Chúng không câm, chỉ do sư phụ dùng thủ pháp chế trụ. Hãy khai khẩu cho chúng và tùy nghi sử dụng chúng theo cách của hài tử. Nếu chúng bất trung bất nghĩa hài tử bất tất phải lưu lại.
Đủ rồi, đến lúc sư phụ phải đi!
Vĩnh biệt!”.
Hướng về mộ huyệt để hành lễ tiễn biệt, Thượng Thanh sau đó ngồi ngẫm nghĩ lại từng sự sắp đặt của sư phụ.
Vì điều chàng cần biết có liên quan đến Liễu Yếm Ngọc Điệp rót cuộc cũng không có lấy một lời giải thích.
Tại sao Liễu Yếm Ngọc Điệp phải lưu lạc giang hồ? Ngọc Điệp bang do ai sáng lập? Phụ thân chàng có phải họ Đường và là Nhị Bối trong Ngọc Điệp ngũ bối? Điều gì khiến phụ thân chàng thảm tử? Ai giết? Ngọc Điệp bang vì cớ gì lâm cảnh ly tán? Kẻ nào gây ra?...
Đễ thử nghiệm lòng trung của hai gã đại hán - Chính A Tử, A Vi như sư phụ di tự - Thượng Thanh nghĩ được một cách.
Chàng đọc qua toàn bộ Ngọc Điệp chân kinh cho đến lúc làu thông. Sau đó chàng phá hủy và tiến hành ly khai Ngọc Điệp cung thất.
Các cơ quan đúng là tự phong bế. Đầu tiên là cánh cổng tam quan, sau đó đó là bí môn dẫn vào Tử động vào.
U... u...
Thoát khỏi Ngọc Điệp cung thất là phải đối đầu với những trận quái phong, Đường Thượng Thanh không tìm cách ra ngoài Tử động.
Ngược lại chàng lần mò tìm đến nơi có di tự của Hạ ngũ bối.
Ở huyệt khẩu nhỏ đó chàng có được Địa y thay cho vật thực. Chàng thản nhiên lưu lại đó và bắt đầu khổ luyện Ngọc Điệp chân kinh, mặc cho hai gã đại hán nếu vẫn chờ cứ chờ.
* * * * *
Chỉ còn nửa trượng nữa là chàng rời khỏi Tử động.
Những âm thanh rú rít quen thuộc của những trận quái phong không còn làm vướng bận thính lực của chàng nữa. Một âm thanh chợt vang lên từ bên ngoài vào làm chàng kinh ngạc :
- Hai ngươi đã làm gì Đường Thượng Thanh? Hai ngươi không nói chớ trách ta quá độc ác!
Thượng Thanh kêu thầm: “Là Tuyết Ngân? Nàng đến đây lúc nào? Còn hai nhân vật nào đang bị nàng uy hiếp? Phải chăng”.
Chàng bước nhanh ra và nhìn thấy đúng là một thảm trạng ngoài dự định.
Hai gã đại hán với máu huyết đầy người vẫn cố sức ngăn cản không cho Tuyết Ngân có lối đi vào Tử động.
Ngược lại, Tuyết Ngân thật hung hãn cứ muốn tra gạn cả hai :
- Phải chăng đây chính là Tử động? Hai ngươi đã đẩy Thượng Thanh vào đó? Tại sao?
Ầm!
- Sao hai người nỡ nhẫn tâm hãm hại chính người đã khẩn cầu ta cứu mạng hai ngươi? Hai ngươi bất nghĩa chớ trách ta bất dung! Đỡ!
Nhận ra Tuyết Ngân đang thi triển công phu tuyệt học Băng Ngọc Nhiếp Hồn, Đường Thượng Thanh vội cất giọng khàn khàn kêu lên :
- Đừng quá tuyệt tình như vậy, Tuyết Ngân cô nương!
Ngay lập tức một cảnh tượng làm tâm tư của Thượng Thanh phải bồi hồi cảm xúc.
Tuyết Ngân nhanh chóng thu hồi chưởng thế để kêu lên đến lạc giọng :
- Thượng Thanh, ta lo cho các hạ biết chừng nào!
Ngược lại do không thể lên tiếng, hai gã đại hán chỉ biết chạy ào đến và rối rít vừa lạy tạ trời đất vừa nhìn chàng bằng ánh mắt đầy chân thành quyến luyến lẫn lo âu.
Chàng vừa đưa tay định nâng họ dậy bất ngờ có âm thanh của Tuyết Ngân vang lên :
- Thượng Thanh! Phải chăng chính họ đã đẩy các hạ vào Tử động?
Chàng cười gượng khi phát hiện Tuyết Ngân đang hườm sẵn hữu thủ để chuẩn bị hạ thủ hai gã đại hán nếu như chàng có dấu hiệu xác nhận điều đó.
Chàng lắc đầu :
- Không phải họ! Là do tại hạ tự nguyện.
Tuyết Ngân vẫn hậm hực :
- Tự nguyện? Trên đời này làm gì có người tự nguyện đi vào chỗ chết?
Chàng mỉm cười :
- Nhưng tại hạ nào đã chết?
Và chàng kịp hỏi trước khi Tuyết Ngân tiếp tục phản ứng vì không tin :
- Cô nương đến đây từ lúc nào?
Nàng đáp :
- Đã ba ngày! Và hai gã chỉ biết đưa tay chỉ vào Tử động một cách khó hiểu khiến ta phải...
Chàng xua tay chặn lại :
- Nghĩa là khi cô nương đến, nhị vị nhân huynh đây vẫn quanh quẩn bên ngoài?
Nàng gật đầu :
- Vì thế ta mới nghi ngờ họ đã cố tình hãm hại các hạ.
Chàng lại hỏi :
- Từ lúc tại hạ và cô nương chia tay nhau đến nay là bao lâu rồi?
Nàng kinh nghi :
- Sao các hạ lại hỏi như vậy? Thời gian trôi qua như thế nào, các hạ không hề có nhận thức sao?
Chàng vẫn điềm tĩnh :
- Nếu nhận thức được tại hạ cần gì phải hỏi? Cô nương chỉ cần đáp là đủ.
Nàng đáp trong nghi hoặc :
- Cũng suýt soát ba tuần trăng!
Chàng vụt quay nhìn hai gã nọ :
- Nhị vị vẫn ở ngoài này chờ tại hạ ngần ấy thời gian ư?
Cả hai gật đầu và ra đủ dấu hiệu mà chỉ có họ là hiểu được.
Chàng thật sự cảm kích :
- Nhị vị càng trung thành tại hạ càng áy náy. Đủ rồi, nhị vị đứng lên đi. Nhị vị đáng được tưởng thưởng.
Dứt lời, bằng thủ pháp thật biến ảo, Đường Thượng Thanh vụt lướt quanh họ như một bóng mờ.
Vụt!
Và khi dừng lại nguyên vị, chàng lập tức bảo họ :
- Nhị vị đã được giải khai cấm chế. Hãy lập tức tọa công điều trị thương thế. Muốn nói gì hỏi gì chờ sau hãy nói hãy hỏi.
Thật quái lạ, họ vừa bàng hoàng vừa lắp bắp thành lời :
- Đa tạ chủ nhân!
Chàng gật đầu ra hiệu cho họ hãy tuân theo mệnh lệnh. Trong khi đó Tuyết Ngân cứ tròn mắt vì không tin vào những gì diễn ra.
Chờ cho hai gã lùi xa và tự tìm chỗ tọa công, Thượng Thanh mới mỉm cười và hỏi Tuyết Ngân :
- Cô nương kinh ngạc lắm phải không?
Nàng vẫn tròn mắt :
- Họ nói được ư?
Chàng gật đầu và tuần tự thuật lại những gì chàng có thể thuật cho Tuyết Ngân nghe.
Nàng hoang mang :
- Ngọc Điệp Tiên Tử? Danh xưng này như ta có nghe và đã nghe từ lâu lắm rồi.
- Cô nương nghe ai nhắc và nghe như thế nào?
Nàng chỉ đáp sau một thoáng lưỡng lự :
- Là do gia mẫu nói!
- Lệnh đường ư? Là ai?
Nàng đáp lí nhí :
- Gia mẫu chính là Cung chủ bổn cung.
Chàng hốt hoảng :
- Hóa ra cô nương chính là thiên kiếm tiểu thư của Cung chủ Băng Ngọc cung? Tại hạ thật bất kính!
Nàng bối rối :
- Tại ta không nói, nào phải ta muốn trách các hạ!
Chàng vẫn băn khoăn :
- Không ít lần chạm mặt, do không biết là Thiếu cung chủ nên tại hạ cũng không ít lần mạo phạm. Mong được Thiếu cung chủ lượng thứ.
Nàng đáp với vẻ mặt đượm buồn :
- Ta đã bảo ta không có ý trách các hạ chớ bận tâm.
Nghi ngại thầm trong lòng Thượng Thanh đành hỏi lại câu đã hỏi :
- Lệnh đường đã nhắc đến Tiên tử sư phụ như thế nào?
Có vẻ tươi tỉnh hơn một chút, Tuyết Ngân đáp :
- Cụ thể như thế nào ta không nhớ rõ lắm. Ta chỉ nhớ Ngọc Điệp Tiên Tử là nhân vật thuộc hàng tiền bối.
Chàng phì cười, muốn nàng thêm vui :
- Người làm tại hạ bái làm sư phụ dĩ nhiên đâu thể đồng hàng với những người như tại hạ hoặc cô nương?
Nàng cũng cười nhưng sau đó nghiêm nét mặt :
- Hai chữ tiền bối này là do gia mẫu nói ra. Do đó các hạ phải hiểu Ngọc Điệp Tiên Tử là bậc tiền bối đối với gia mẫu và cả thế hệ của người!
Chàng kinh nghi :
- Không đúng! Tiên tử sư phụ đến lúc chết vẫn cho thấy sắc diện chưa đến tứ tuần, nghĩa là không thể hơn lệnh đường.
Đến lượt nàng phì cười :
- Các hạ không chịu nghĩ rất có thể Ngọc Điệp Tiên Tử là người yểu mạng, đã ra thiên cổ khi tuổi còn đang xuân? Người thế nào lúc chết thế ấy và Tiên tử đã hóa vật cách đây năm bảy mươi năm thì sao?
Chàng nhẹ nhàng phản bác :
- Cô nương nói đúng. Nhưng rất tiếc Tiên tử sư phụ chỉ ra đi cách nay không lâu.
- Không bao lâu là bao nhiêu?
- Mười hoặc cùng lắm là mười lăm năm.
- Sao các hạ biết? Tiên tử lưu rõ thời gian tịch diệt ư?
Chàng đưa tay chỉ vào hai gã đại hán vẫn đang lặng lẽ tọa công :
- Họ do Tiên tử sư phụ chăm sóc dưỡng nuôi khi họ lên mười, bây giờ chính là lúc Tiên tử ra đi.
Tuyết Ngân kinh ngạc đến ngơ ngẩn :
- Niên kỷ của họ chỉ ngoài đôi mươi chút ít, chứng tỏ Tiên tử vẫn còn tại thế cách đây như các hạ nói. Các hạ không lầm lẫn chứ?
- Không hề! Đó là do sư phụ Tiên tử sư phụ lưu tự dặn rõ.
- Lạ thật! Vậy gia mẫu dựa vào đâu để xem Tiên tử ngang bậc trưởng bối.
Thượng Thanh cũng suy nghĩ về điều này và bất chợt nhớ lại :
- Tại hạ nhớ rồi! Họ đã gọi Tiên tử là sư tổ. Có lẽ Tiên tử phải là người cao niên kỷ.
Nàng nhíu mày vẻ không tin :
- Nhưng các hạ vừa nói nhan sắc của Tiên tử vẫn đang xuân?
Chàng chép miệng :
- Tại hạ nghi ngờ Tiên tử sư phụ có biết Trụ Nhan thuật!
- Trụ Nhan thuật?
- Phải! Người luyện thuật này có thể phản lão hoàn đồng, càng thâm luyện càng trẻ lại.
Tuyết Ngân bất giác vỗ vào trán :
- Các hạ nói không sai. Chẳng trách ta như đã nghe qua thuật này. Chính gia mẫu khi đề cập đến Tiên tử có ước vọng được Tiên tử chỉ điểm thuật Trụ Nhan.
- Như vậy rõ ràng lệnh đường biết khá nhiều về Tiên tử?
Nàng gật đầu;
- Ta nghĩ như vậy!
Chàng hớn hở :
- Hay lắm! Chờ khi có dịp tại hạ nhất định thỉnh giáo lệnh đường về những điều có liên quan đến sư phụ. Mong được cô nương dẫn kiến.
Trái với sở cầu của chàng, Tuyết Ngân thở dài sườn sượt :
- Như trước kia điều đó thật dễ dàng! Nhưng vào lúc này thì...
Tuyết Ngân buộc phải bỏ dở lời đang nói vì bất ngờ có hai tiếng reo của hai gã đại hán vang lên phá ngang :
- Đa tạ chủ nhân đã thành toàn!
- Cung hỷ chủ nhân tựu thành võ học!
Quay lại thấy sắc diện của hai gã đều hoàn toàn bình phục, Đường Thượng Thanh buột miệng hỏi :
- Trong nhị vị, ai là A Tử, ai là A Vi?
Gã đại hán có vết sẹo nhỏ ở một bên mắt vội đáp lời :
- A Tử là thuộc hạ!
Gã kia khom người :
- Còn thuộc hạ là A Vi!
Chàng hỏi :
- Nhị vị không có cách xưng hô khác ư?
A Tử lắc đầu :
- Chúng thuộc hạ chỉ nghe Tiên tử sư tổ quen gọi như vậy, không còn cách xưng hô nào khác.
Chàng chợt chú tâm đến hai chữ sư tổ vừa được A Tử trịnh trọng gọi :
- A Tử huynh sao lại gọi Tiên tử đến sư tổ?
A Tử khom người :
- Đó là do Tiên tử dạy phải gọi như thế.
A Vi tiếp lời :
- Như thuộc hạ còn nhớ, lúc Tiên tử cưu mang chúng thuộc hạ đã có niên kỷ ngoại bát tuần.
- Ngoài bát tuần?
Thấy chàng kinh ngạc kêu lên như vậy, A Tử mỉm cười :
- Chủ nhân bất tất phải ngạc nhiên! Đấy là do sư tổ luyện được thuật Trụ Nhan. Sư tổ vẫn giữ được dung mạo như người chưa đến tứ tuần.
- A Tử huynh nghe Tiên tử nói rõ như thế ư?
A Tử gật đầu :
- Thuộc hạ nào dám quên những gì sư tổ căn dặn trước khi vĩnh viễn lưu lại Tử động.
Chàng háo hức :
- Tiên tử đã căn dặn những gì?
A Tử và A Vi luân phiên nhau nhắc lại :
- Điều thứ nhất có liên quan đến cách xưng hô. Sư tổ sau khi nói rõ niên kỷ còn giải thích tại sao chúng thuộc hạ phải gọi là sư tổ.
- Điều thứ hai là phải lưu tâm xem ai là người đầu tiên đi vào Tử động mà vẫn bình yên quay trở ra. Nếu có một nhân vật như vậy thì đấy chính là người được sư tổ chọn.
- Điều thứ ba, chúng thuộc hạ phải chỉ điểm cho nhân vật đó cách thức đến bái nhận sư tổ và bất luận như thế nào cũng phải tuân theo sự sai sử của nhân vật đó.
- Điều thứ tư, nếu được nhân vật đó thu nhận chúng thuộc hạ phải hành lễ bái sư, xem nhân vật đó là sư phụ.
- Điều cuối cùng để minh chứng nhân vật đó chính là người được sư tổ chọn, nhân vật đó phải có khả năng giải trừ cấm chế, giúp chúng thuộc hạ nói được như trước đây.
Dứt lời cả hai bỗng phục người quỳ xuống :
- Chúng thuộc hạ không dám trái lệnh sư tổ, mong chủ nhân thu nhận!
Chàng lập tức nâng cả hai đứng lên :
- Cũng may đây là điều tại hạ đã lường trước, nhị vị bất tất phải hành lễ bái sư và cũng không cần gọi tại hạ là chủ nhân một cách trịnh trọng nữa.
A Tử tái sắc :
- Chúng thuộc hạ tự biết có lỗi khi đã cố tình bắt ép chủ nhân quay lại đây.
A Vi tiếp :
- Và chúng thuộc hạ càng có lỗi khi đã miễn cưỡng, buộc chủ nhân phải mạo hiểm dấn thân vào Tử động hung hiểm vạn phần.
Cả hai cùng quỳ xuống :
- Xin chủ nhân cứ trách phạt và đừng nói những lời như vừa rồi nữa.
Tuyết Ngân dõi nhìn và chờ xem cách xử trí của Thượng Thanh.
Do đã có chủ trương, Thượng Thanh ung dung vận chân lực và nhấc cả hai lên từ từ. Chàng bảo :
- Tại hạ cũng không làm trái di lệnh của Tiên tử. Tiên tử là sư phụ của tại hạ, điều này đúng vì tại hạ đã tiếp nhận chân truyền. Ngược lại, nhị vị không được Tiên tử truyền thụ võ học nên cách gọi sư tổ có phần miễn cưỡng.
A Tử, A Vi cố kháng cự sức nâng lên của chàng nhưng vô vọng. Và cả hai đã phải kinh hoảng khi nghe chàng nói tiếp :
- Như tại hạ vừa nói giữa chúng ta với nhau không cần xét bối phận đối với Tiên tử. Chúng ta hãy xem nhau như huynh đệ, tại hạ tự biết niên kỷ của tại hạ là nhỏ nhất nên phải...
- Không được!
- Tuyệt đối không được!
A Tử và A Vi cùng kêu khiến Thượng Thanh phải dừng lời để hỏi họ :
- Nhị vị giải thích đi, sao lại không được?
A Tử nhanh miệng hơn :
- Cứ theo cách gọi đã quen dùng, chúng thuộc hạ không thể không xem chủ nhân là trưởng bối.
A Vi bảo :
- Đúng vậy! Và chúng thuộc hạ càng không thể nhận là huynh trưởng của chủ nhân.
Thượng Thanh cả cười :
- Nhị vị đúng là những nhân vật trung thành như di lệnh của Tiên tử sư phụ lưu lại.
A Tử buột miệng hỏi :
- Sư tổ đã di lệnh như thế nào về chúng thuộc hạ?
Chàng đắc ý :
- Người có di lệnh, nhị vị phải tuân thủ theo mọi môn phân phó của tại hạ.
- Nghĩa là...
A Vi bỏ lửng ngang câu nói vì mơ hồ đoán được định ý của chàng.
Chàng cười thành tiếng :
- Nghĩa là nếu như nhị vị dám trái mệnh tại hạ được toàn quyền xử trí. Ha... ha... ha...
A Tử biến sắc :
- Chúng thuộc hạ nào dám trái mệnh! Nhưng sắp đặt như chủ nhân vừa nói chúng thuộc hạ thật tình không dám.
Chàng nghiêm mặt :
- Làm gì có chuyện dám hay không. Ý của tại hạ đã quyết, nhị vị...
Họ hốt hoảng bước lùi. Và khi thoát khỏi phạm vi uy lực của chàng đang vận dụng họ lại phục người xuống :
- Mong chủ nhân minh xét! Chúng thuộc hạ không dám!
Tuy thế, chàng vẫn quắc mắt nhìn họ. Chứng tỏ chàng sẽ vẫn làm theo ý định của chàng.
Bất ngờ, A Tử xoay người hướng về Tuyết Ngân :
- Cô nương là người có thể giúp bọn tại hạ khuyên giải chủ nhân. Mong cô nương nói giúp cho.
A Vi cũng nói :
- Qua thái độ của chủ nhân, bọn tại hạ biết chủ nhân sẽ bỏ qua bất kỳ lời khuyên giải nào của cô nương...
Tuyết Ngân chợt đỏ mặt khi nghe Thượng Thanh nạt ngang, khiến A Vi không thể nói tròn câu :
- Nhị vị không được nói càn! Thái độ của tại hạ là thế nào chứ?
Chàng tuy nạt họ nhưng lại len lén dõi nhìn sắc diện của Tuyết Ngân.
Bắt gặp ánh mắt lẻn nhìn của chàng, Tuyết Ngân như bừng đỏ cả mặt, nhất là khi phát hiện nhịp tim của nàng có phần nào hụt hẫng.
Sắc diện của nàng lập tức làm cho Thượng Thanh bối rối.
Phát hiện điều đó, A Tử và A Vi đồng thanh kêu lên :
- Mong cô nương giúp bọn tại hạ khuyên giải chủ nhân một lời.
Tuyết Ngân cố trấn tĩnh và lên tiếng mà không dám nhìn ai :
- Ta thấy ở cả hai bên đều có những điểm hữu lý cũng như vô lý.
Tất cả cùng kinh ngạc :
- Điểm nào vô lý?
Thấy tất cả chỉ quan tâm đến điểm vô lý, do họ nghĩ họ có điểm nào hữu lý thì đã tự biết rồi nên Tuyết Ngân bảo :
- Như nhị vị chẳng hạn...
Nàng nhìn A Tử và A Vi :
- Thượng Thanh như thế này mà nhị vị khăng khăng xem là trưởng bối thì sao phải?
Quay qua Thượng Thanh, nàng nói thật nghiêm nghị :
- Các hạ có phúc phận được Ngọc Điệp Tiên Tử thu nhận làm truyền nhân, đến cả ta theo lẽ cũng phải kể các hạ ngang hàng trưởng bối. Bối phận như vậy các hạ định xem họ là huynh trưởng thì rõ ràng là sai rồi.
Tất cả cùng nhận ra điểm vô lý vừa được Tuyết Ngân vạch ra thật chí lý nên cùng lên tiếng hỏi nàng :
- Vậy như thế nào mới phải?
Nàng lập tức tỏ lộ uy thế của một vị Thiếu cung chủ Băng Ngọc cung :
- Tất cả đều thừa nhận là ta nói đúng?
Tất cả đều gật đầu.
Nàng tiếp :
- Và tất cả đều trông chờ một giải pháp ở ta?
Họ lại gật.
Nàng mỉm cười :
- Ta có một giải pháp dung hòa. Nhị vị vừa không phải là huynh trưởng của Thượng Thanh và Thượng Thanh cũng tránh khỏi việc là trưởng bối của nhị vị. Thế nào?
A Tử cẩn trọng :
- Mong cô nương chỉ giáo!
A Vi phân vân :
- Nếu giải pháp của cô nương không đi ngược lại di lệnh của gia sư tổ, tại hạ chấp nhận.
Nàng hỏi Thượng Thanh :
- Còn các hạ?
Chàng đáp với vẻ nghi ngờ :
- Tại hạ không thể nào mường tượng được giải pháp của cô nương. Tại hạ đâu thể quyết định.
Nàng dằn giọng :
- Nhưng nếu đó là giải pháp vẹn cho đôi đường thì sao? Các hạ không chấp nhận ư?
Chàng lưỡng lự :
- Tại hạ... tại hạ...
- Hay các hạ chỉ muốn họ gọi các hạ là sư phụ hoặc trưởng bối?
Chàng xua tay :
- Đời nào tại hạ chấp nhận giải pháp này.
- Vậy thì sao? Thuận hay không thuận nếu đây là giải pháp lưỡng toàn?
Chàng gật đầu :
- Nếu là lưỡng toàn thì... Được! Tại hạ chấp thuận.
Nàng thở phào và lên tiếng trong sự nôn nao chờ đợi của mọi người :
- Tất cả phải xem nhau như huynh đệ...
Nàng cố tình ngừng lời để mặc cho hai gã đại hán tha hồ nhăn nhó
- Và Thượng Thanh phải là Long đầu đại ca. Hết!
Nàng suýt phì cười vi nhìn thấy đến lượt Thượng Thanh nhăn mặt.
Tuy nhiên sau một lúc ngẫm nghĩ và cảm thấy đây quả là phượng cách lưỡng toàn, chính A Tử và A Vi lên tiếng trước :
- Nếu chủ nhân ưng thuận biện pháp này, chúng thuộc hạ cung kính bất như tòng mạng.
Đến thế này, Thượng Thanh đành phải tán đồng :
- Thôi được! Là Long đầu đại ca còn hơn bị gọi là trưởng bối! Hà...
Ngay lập tức, A Tử và A Vi đồng tiến đến thi lễ :
- Nhị đệ, tam đệ, xin tham kiến Long đầu đại ca.
Chàng đáp lễ và bảo cả hai :
- Chúng ta không chỉ là huynh đệ mà còn phải kể là thủ túc. Theo tại hạ, nhị vị nên lấy đại tính của tại hạ làm họ cho tiện bề xưng hô. Đồng thời dùng thêm chữ Ngọc để tưởng nhớ đến Tiên tử. Nhị vị nghĩ sao?
A Tử nghẹn ngào :
- Đường Ngọc Tử này giờ đã có tính danh, đều là do Long đầu đại ca ban cho.
A Vi mau chóng trấn tĩnh :
- Đa tạ Long đầu đại ca đã thành toàn. Đường Ngọc Vi nguyện suốt đời cảm kích.
Chàng cười phá lên :
- Ha... ha... ha...! Lâu lắm rồi Đường mỗ mới có được một lần thật sự sảng khoái! Ha... ha... ha...
Phát hiện ở Tuyết Ngân đang có dấu hiệu u buồn cho dù nàng đang gượng làm vui, vui lây với Thượng Thanh, chàng hỏi :
- Cô nương đang có tâm sự?
Nàng gật nhẹ đầu. Tuy là nhẹ nhưng đối với Thượng Thanh lại là điều không thể bỏ qua :
- Là việc gì, cô nương?
Nàng chực rơi lệ khi bật lên hai tiếng :
- Gia mẫu...
Chàng bàng hoàng và bắt đầu dò hỏi cặn kẽ nàng về những gì đã xảy ra cho Cung chủ Băng Ngọc cung...
Truyện khác cùng thể loại
101 chương
59 chương
94 chương
47 chương
16 chương
27 chương
89 chương