Edit: An Bánh bột ngô Trương thị làm ra hình dáng mượt mà, lớn nhỏ đều đặn, dày mỏng vừa phải. Trong số mấy con dâu Liên gia, nói đến khả năng nấu nướng, Trương thị là người đứng đầu. Có người giỏi nhất tất nhiên có người kém nhất. Ví dụ như hiện tại, Liên Mạn Nhi nhìn bánh ngô Trương thị làm liền nghĩ tới Hà thị. Trước kia khi chưa ở riêng, đến phiên Hà thị nấu cơm, nướng bánh, mấy hài tử đều có chút mong đợi bởi mỗi lần đều có chuyện cười. Bánh bột ngô Hà thị làm ra hình dáng tương đối trừu tượng, quả thực hình dáng gì cũng có. Nói như Chu thị thì chính là… “Chi lăng bát xoa”. Thông thường làm bánh nướng sẽ đặt vòng tròn làm từ thân cây cao lương trong nồi, tránh để bánh bột ngô bị chảy khỏi vách nồi. Người tay nghề tốt căn bản là không cần vòng tròn này. Người không khéo tay dù dùng vòng tròn bánh bột ngô vẫn bị rơi xuống đáy nồi. Kết quả tất nhiên là bánh bột ngô không nướng tốt, còn làm hỏng mấy món ăn chưng dưới đáy nồi. Trương thị làm bánh bột ngô, đậy nắp nồi, dưới bếp tiếp tục nhóm lửa, đốt lửa một lúc xong cũng không đốt nữa. Nhiệt độ còn lại trong nồi đủ để trong phút chốc, món chính, món ăn và súp đều được làm xong. …… Trên bàn cơm trưa, trừ một bồn rong biển chưng đậu hủ còn có một đĩa trứng tráng rau hẹ, một đĩa hạt dưa. Ngoài ra Trương thị còn luộc mấy quả trứng vịt muối cho mấy hài tử ăn. Lúc bánh bột ngô quả du nóng hổi được bê lên, Liên Mạn Nhi không nhịn được hít sâu một hơi. Bột ngô vàng óng, quả du xanh biếc khiến bánh bột ngô trông thật đẹp mắt, mùi bột ngô cộng thêm mùi thanh mát của quả du, quả thật là sắc hương vị đầy đủ hấp dẫn người ăn. Liên Mạn Nhi cầm bánh bột ngô, cắn một miếng. Bánh bột ngô vị bột ngô quả du có chút thô ráp nhưng cũng không ảnh hưởng đến mùi vị thơm ngon của nó. Trương thị đập mấy quả trứng vịt muối, thả mấy quả nhiều dầu vào bát của mấy hài tử và Liên Thủ Tín. Nàng giữ lại quả nhỏ nhất, ít dầu nhất. Hầu như bà chủ nhà nông dân đều như vậy. Trên bàn cơm, để dành thức ăn tốt nhất cho nam nhân và bọn nhỏ, mình chỉ ăn đồ ít chất nhất, hoặc ăn đồ ăn thừa từ bữa trước. Liên Mạn Nhi không vội ăn trứng vịt muối, cũng không gắp thức ăn mà cầm một bát nhỏ, gắp một miếng hạt dưa lớn từ trong đĩa, bỏ vào bát nhỏ. Hạt dưa này không phải là hạt dưa hấu, hạt hướng dương kia mà là hạt dưa muối. Chính là hạt rau cải cho vào vạc lớn, muối qua một mùa đông mới thành. Thời gian này, rau dưa chưa lớn, mà mùa đông đi qua, cải trắng, dưa chua, khoai tây, rau khô đã hết, trên bàn cơm nhà nông dân, hạt dưa muối chính là món chính. Cái gọi là hết cũng không phải nói hết sạch cải trắng, dưa chua mà do thời tiết. Thời tiết này, những món ăn kia sẽ không giữ được, dù còn cũng không thể ăn. Bánh trái cũng vậy, xuân đến băng tan, bánh trái trong nhà còn cũng sẽ mốc meo, không thể ăn. Nhà Liên Mạn Nhi có hầm, còn giữ gìn được một ít cải trắng, khoai tây, rau khô. Nhưng các nàng vẫn theo thói quen bao năm qua, muối một vạc hạt dưa muối. Dưa muối, hạt dưa sau khi luộc ít nước cho chín sẽ phơi khô dưới ánh mặt trời, giúp mọi người vượt qua thời kì giáp hạt (thời kì trái cây, lúa còn xanh, dễ đói kém), chờ đến lúc dưa và trái cây tươi chín. Mà dưa muối và hạt dưa sau khi luộc ít nước, phơi khô sẽ có vị vô cùng mặn, có hài tử nhà nông dân thậm chí không ăn cơm, chỉ thích ăn loại đồ ăn này. Tất nhiên ăn xong không tránh khỏi phải uống thêm mấy chén nước. Hạt dưa luộc ít nước cho chín nhừ hoàn toàn mất hết vị chát của rau cải. Hạt trở nên mềm mại, nhẹ nhàng nhấn một cái có thể nhão ra như bùn. Đổ một ít dầu vừng lên trên sẽ được mỹ vị khó có thể miêu tả bằng lời. Liên Mạn Nhi rưới dầu vừng lên hạt dưa, một miếng bánh ngô, một miếng hạt dưa, ăn vô cùng ngon miệng. Liên Thủ Tín cũng thích ăn cái này, hắn còn dùng hành tây chấm hạt dưa nhão, ăn cùng bánh bột ngô. Liên Chi Nhi, Ngũ Lang và tiểu Thất cũng ăn hạt dưa. “Mấy cha con các ngươi thật dễ nuôi.” Trương thị cười. Điều kiện trong nhà tốt rồi, thường xuyên cải thiện thức ăn nhưng dù là người lớn hay trẻ con đều không ghét thức ăn của người nghèo. Không ai kén cá chọn canh, quả thực là Trương thị làm cái gì mọi người đều có thể ăn thật ngon miệng. Dĩ nhiên cái này cũng có quan hệ nhất định tới tài nấu nướng của Trương thị cùng việc Trương thị luôn nghĩ xem làm sao để làm thức ăn ngon hơn. …… Kể từ tiết Thanh minh, trời mưa tí tách vài trận, vườn rau nhà Liên Mạn Nhi đã trồng xong, rìa cánh đồng cũng không lãng phí. Vào tiết Cốc vũ, Tam Thập Lý doanh tử có hai trận mưa thấm đất, từng nhà bắt đầu chuẩn bị, sắp bắt đầu vụ xuân. Trương Thanh Sơn và Trương Khánh Niên tới đây trước lúc cày bừa vụ xuân, hai cha con chạy hai chiếc xe ngựa, trong đó có một chiếc là của Trương gia, mà một chiếc là cho nhà Liên Mạn Nhi, đây là la và xe ngựa bọn họ mua cho nhà Liên Mạn Nhi. Năm ngoái đã định mua la, Trương Thanh Sơn cũng đồng ý rồi nhưng không vội vã mua mà từ từ tìm kiếm. Theo Trương Thanh Sơn nói thì mùa đông nhàn rỗi, nhà Liên Mạn Nhi có xe bò bình thường dùng là đủ, cuống cuồng mua thêm la và xe cũng chỉ để đó, lại không thể thiếu cỏ khô và người chiếu cố. Mà bây giờ sắp cày bừa vụ xuân, la và xe ngựa này đến thật đúng lúc. Hai con la đen lớn, ba tuổi, rất khỏe mạnh, Trương Thanh Sơn cố ý dạy Liên Thủ Tín, Ngũ Lang và tiểu Thất biết cách xem tuổi la, nhìn chân la, còn dạy bọn họ chọn la thượng đẳng như thế nào. “Đã làm việc một năm, bây giờ có thể xuống ruộng kéo cày được ngay.” Trương Than hơn nói với Liên Thủ Tín. Trừ hai con la, một chiếc xe ngựa, Trương Thanh Sơn còn mua giúp một chiếc cày. “Bây giờ các con đất nhiền, phải mướn đứa ở, có thêm cày cũng đỡ khó khăn.” Trương Thanh Sơn nói. Con la, xe ngựa, chiếc cày cùng nguyên bộ roi, dây kéo đầy đủ tổng cộng mất hai mươi ba xâu tiền. Đây là giá tiền gốc do Trương Thanh Sơn đi lại ở chợ buôn la ngựa nhiều năm mới có. Nếu bọn người Liên Thủ Tín đến chợ mua, với giá tiền này căn bản không mua được những đồ này. Buổi trưa, hai cha con Trương Thanh Sơn ở lại ăn cơm, Liên Thủ Tín còn đặc biệt đi trấn trên mời Lục gia lão gia tử tới, còn mời cả hai cha con Ngô Ngọc Quý và Ngô Gia Hưng. Trương Thanh Sơn và Lục gia lão gia tử vừa thấy mặt, một người gọi tiểu huynh đệ, một người gọi lão đại ca, hai lão gia tử tới ôm nhau thân mật vô cùng, chọc cho Liên Mạn Nhi ở ngoài cửa cười khanh khách. “Người trẻ tuổi các ngươi đều không hiểu, ban đầu chúng ta buôn bán ngựa, đi lại trong gió tuyết, là tình cảm vượt qua sinh mệnh.” Trương Thanh Sơn khẳng khái nói. Để các nam nhân ở lại tiền sảnh nói chuyện, Trương thị dẫn theo Liên Chi Nhi, Liên Mạn Nhi xuống bếp nấu cơm. Món chính buổi trưa là bánh bột mì trắng nướng áp chảo, dùng rau hẹ tươi làm nhân bánh, trong rau hẹ còn cho thêm nhân thịt, trứng tráng băm nhỏ, ngoài ra còn cho thêm tôm khô, bì lợn đông lạnh, sau cùng dùng gia vị muối và tiên thang bảo. Mùi thơm của bánh nướng áp chảo dường như theo gió bay xa đến vài dặm. Món ăn được chuẩn bị gồm có thịt hầm nấm, trứng tráng mộc nhĩ, mầm đậu xào thịt, cọng hoa tỏi non xào thịt, còn có món lòng dê, gà quay mua ở trấn trên, Liên Mạn Nhi còn làm một đĩa tương thịt, hành tây và đậu phụ khô lớn. Rượu là một vò rượu cao lương do Lục gia lão gia tử mang đến. Chờ thức ăn bê lên bàn, vò rượu mở ra, Liên Thủ Tín cầm chén định rót rượu thì bị Trương Thanh Sơn ngăn cản. “Dùng cái này không thoải mái, mang bát lên, dùng bát lớn.” Trước kia uống rượu ở nhà Liên Mạn Nhi,Trương Thanh Sơn chưa từng muốn dùng bát lớn, hôm nay là gặp bạn cùng buôn bán ngựa khi trước, hai người tán gẫu cao hứng, cũng muốn sống lại những năm tháng hào hùng kia. Khi đó, người buôn bán ngựa rong ruổi trên đường, lúc lạnh uống một chén rượu cao lương lớn làm ấm thân thể, tăng thêm khí thế. Nghe nói, một đám người bọn họ năm đó còn xông qua núi bị mãnh hổ chiếm cứ. “…Đi qua rừng cây tùng kia đã nghe thấy tiếng con cọp gầm rồi, nói thật, lúc đó phải dựa vào rượu trắng này để thêm can đảm.” Tiểu Thất giương mắt ngồi cạnh nghe, trong đôi mắt to tràn đây hâm mộ và hướng tới. Bữa cơm này không cần phải nói, ăn uống tương đối náo nhiệt. Một vò rượu, mấy người uống hết sạch, trong đó uống nhiều nhất là Trương Thanh Sơn và Lục gia lão gia tử. Lục gia lão gia tử say rượu, được con trai đón về nhà, Trương Thanh Sơn càng uống càng sôi nổi, theo như ông nói thì là tửu lượng luyện ra lúc còn trẻ. Ăn cơm xong, Trương Thanh Sơn định đi. Liên Thủ Tín và Trương thị lo lắng ông uống rượu, muốn giữ hắn và Trương Khánh Niên ở lại buổi chiều. “Không có gì đáng ngại, chút rượu này chưa ăn thua.” Trương Thanh Sơn khoát khoát tay, sắp cày bừa vụ xuân rồi, ai cũng không có thời gian rỗi, không như lúc nông nhàn, ông còn có thể ở lại một buổi chiều. Nhưng Trương Thanh Sơn cũng theo ý Trương thị, nằm ngủ một giấc ở đầu giường đặt gần lò sưởi mới đi. Liên Mạn Nhi lấy hai mươi ba lượng bạc, đưa cho Trương Khánh Niên. Trương Khánh Niên nhận bạc, cẩn thận bỏ vào trong túi tiền bên người. Trương thị gói lại một chồng bánh nướng áp chảo, lấy thêm nửa rổ trứng vịt muối, một túi hạt giống ngô để Trương Khánh Niên mang về cho cả nhà ăn. “Ông ngoại, cậu cả, dây nho dại và mầm cây ăn quả kia.” Liên Mạn Nhi tiễn Trương Thanh Sơn và Trương Khánh Niên ra bên ngoài vẫn không quên dặn dò. “Yên tâm, ông và cậu cả của cháu đều nhớ.” Trương Thanh Sơn liền nói, “Đến lúc đó khẳng định chọn loại tốt đưa tới cho cháu.” “Các ngươi muốn bao nhiêu khoai lang giống?” Liên Thủ Tín lại hỏi Trương Khánh Niên. Thôn Thiêu Oa ở vùng núi, đất trống trong rừng cây ăn quả vô cùng thích hợp trồng dưa. “Định trồng hai, ba mẫu.” Trương Khánh Niên nói. “Ta giữ cho ngươi ba mẫu cây non.” Liên Thủ Tín liền nói. “Được.” Có thêm hai con la, một chiếc xe ngựa cùng một chiếc cày, ngày hôm sau, nhà Liên Mạn Nhi bắt đầu cày bừa vụ xuân. Cái muốn trồng đầu tiên là lúa mì.