Trảm Xuân

Chương 4

Thời gian thấm thoát trôi, rốt lại đã gần cuối năm, trên núi đã sớm đổ hai, ba trận tuyết lớn, phóng mắt trông ra xa, tất cả đều nhuốm màu trắng xóa. Hơn nửa năm trước, sau khi Y Xuân và Dương Thận đồng thời ngã bệnh, sư phụ đã tách bốn đệ tử ra, dạy riêng từng đứa. Hai người là đối tượng bồi dưỡng trọng điểm, cả buổi chiều và quá nửa buổi tối đều được sư phụ tự mình truyền thụ kiếm pháp, chỉ điểm cách phá chiêu. Buổi sáng, khi họ luyện kiếm ở Nhất Tấc kim đài, sư phụ đến một võ đường nhỏ hơn trong sơn trang để hướng dẫn Mặc Vân Khanh và Văn Tĩnh. Nơi tập luyện của hai bên cách nhau khá xa, tận đến ngày ba mươi tết, Y Xuân mới gặp lại Mặc Vân Khanh đã hơn nửa năm không thấy, cậu chàng khoác áo choàng ngắn màu xanh đen mới may, đầu cũng búi cao lên nhiều, mặt tựa quan ngọc* (ý chỉ sự đẹp đẽ trong trẻo), nhìn thoáng qua giống một vị công tử bóng bẩy. Văn Tĩnh dịu hiền đứng cạnh cậu chàng, ai thấy cũng phải tán thưởng trong lòng: Hay ột đôi kim đồng ngọc nữ* (trai tài gái sắc). Trông thấy Y Xuân và Dương Thận cùng tiến đến, Văn Tĩnh lập tức mỉm cười bước lên thi lễ: “Chào sư tỷ, chào nhị sư huynh.” Y Xuân gật gật đầu: “Chúc mừng năm mới, cung hỷ phát tài nhé!” Văn Tĩnh khẽ cười một tiếng, che miệng lại nói nhỏ: “Sư tỷ lại đùa rồi, muội sao có thể phát tài gì gì chứ! Vân Khanh là tân chủ nhân của sơn trang, thế mới là phát tài.” Hơn nửa năm không gặp, đến cả hai chữ sư huynh mà nó cũng bỏ bớt được, giỏi lắm. Trong câu nói kia, dường như có thêm một chút sắc thái đắc ý, trộn lẫn điệu bộ của kẻ chiến thắng. Y Xuân chẳng hề nhận ra, tự kéo ghế ngồi xuống, bỗng cảm giác có người đang nhìn mình, nàng ngẩng đầu xem, chỉ thấy ánh mắt không thân thiện của Mặc Vân Khanh. Nàng đứng dậy, cung kính ôm quyền thi lễ: “Chúc sư huynh năm mới vui vẻ, cung hỷ phát tài.” Cậu chàng không tiếp lời, hừ mũi một tiếng, chẳng quay đầu lại, nói: “Đa tạ, nhận lời chúc của cô. Cũng mong năm tới cô có nhiều số đào hoa, tìm được một chàng trai môn đăng hộ đối.” Ngụ ý rằng muốn chỉ trích nàng có mưu đồ trèo cao bám lấy mình. Bữa cơm này rất nhạt nhẽo, Y Xuân chăm chú gẩy cơm trong bát, ước gì ngày qua nhanh để đêm buông xuống, nàng có thể về nhà. Mặc Vân Khanh ngồi đối diện đang cười đùa vui vẻ, chẳng biết bàn đến chuyện gì, đột nhiên cất cao giọng: “Sao Y Xuân sư muội không ăn đi, nghe đồn tối nay cô phải về nhà, trong nhà của tôi tớ e rằng không có những món ngon như này đâu?” Da đầu nàng run rẩy, ngẩng lên trông cậu chàng, ngó sang Văn Tĩnh, nó đang nén cười. Lại nhìn sư phụ, trong mắt ông hơi hiện vẻ tức giận. Y Xuân bèn chậm rãi nói: “Thực ra thì thức ăn trong nhà tôi tớ cũng ngon lắm, những thứ khác không bàn tới nhưng vẫn dư dả để ném ột kẻ ba hoa lắm chuyện no đến nghẹn.” Nàng thích cậu chàng, thế nên cậu chàng nghĩ mình có thể xem nàng như tượng đất, mặc sức nhào nặn vì tình cảm của nàng chẳng đáng tiền, chắc còn làm ô nhục xuất thân cao quý kia nữa ấy chứ. Nhưng cậu chàng phải rõ một điều: Nàng không phải tượng đất, nàng biết tức giận. “Cô có ý gì?” Gương mặt tuấn tú quả thật đã đanh lại. Y Xuân không đáp, tiếp tục gẩy cơm. Không khí hơi khó xử, sau một lúc, Dương Thận bật ho khan làm dịu tình hình: “Sư tỷ à, đệ vẫn chưa đến nhà tỷ bao giờ, lễ mừng năm mới đến chơi được không?” Y Xuân nhoẻn miệng cười, gật gật đầu. Nàng càng lúc càng thấy vị sư đệ này rất vừa mắt, vô cùng vừa mắt. Mặc Vân Khanh mở miệng định lằng nhằng, sư phụ bất thình lình lên tiếng: “Trời không tốt, e là sắp có tuyết rơi, Y Xuân, Dương Thận, tụi con thu dọn gọn ghẽ chuẩn bị xuống núi đi, nhỡ ra đổ tuyết rồi thì đường núi khó đi đấy.” Y Xuân thở phào nhẹ nhõm một hơi, nhận được lệnh liền nhanh chóng đứng dậy hành lễ, một mạch rời đi thu xếp. Nàng bước thẳng về phòng gói gọn một bọc đồ nhỏ, trở ra cửa mới phát hiện Dương Thận sớm đã đứng chờ, áo quần phong phanh, mặt dường như đông cứng đến tím tái. Nàng ngạc nhiên hỏi: “Sao đệ không đem theo thứ gì vậy? Cứ mặc… bộ đồ kia đón năm mới à?” Bỗng phát hiện hình như thằng nhóc này không hay đổi quần áo, một năm chỉ mặc qua mặc lại giữa hai bộ, chả phải áo ngoài vải thô màu xanh chì chằng chịt mảnh vá thì là áo ngoài vải thô nâu đất chằng chịt mảnh vá, từ xuân tới đông, đến cả đồ hơi dày một chút cũng chẳng có. Lúc này đây y đã cao lên, quần áo trên người có vẻ vừa ngắn vừa nhỏ, chân mang một đôi giày cỏ rách nát, mười đầu ngón chân lạnh đến trắng hồng, càng nhìn càng thấy đáng thương. Dương Thận nói: “Không có gì để mang theo, đi thôi.” Y Xuân do dự chốc lát rồi gật đầu, hai người cùng nhau xuống núi về nhà. Vì lần đầu tiên Y Xuân mang một cậu trai về, hơn nữa người đó không phải Mặc Vân Khanh, cha mẹ sôi nổi hẳn lên. Cha cười hà hà hỏi y biết chơi cờ không, luyện kiếm pháp ra sao, mẹ thì lại nắm tay thân thiết hỏi tên, hỏi y thích ăn gì. Y Xuân cười khì ngồi nhặt rau, nói: “Đây là sư đệ của con, tên Dương Thận, hai người kiềm chế một chút, đừng dọa đệ ấy sợ. Cha ơi, thịt kho tàu đêm nay phải thái miếng to, nhiều mỡ nhé! Dương Thận thích ăn thịt.” Cha nàng cười hà hà đồng ý xong ra ngoài mổ heo, Dương Thận thấy mẹ Y Xuân nhào bột tốn nhiều sức quá, liền rửa tay xắn áo xung phong giúp đỡ. Mẹ nàng cười đến không khép miệng lại được, hỏi y: “Năm nay con bao tuổi rồi? Là người ở đâu?” Trước mặt người lớn, Dương Thận rất nề nếp quy củ, đáp: “Năm nay con mười lăm, nhỏ hơn sư tỷ một tháng. Là người Thiệu Châu.” “Cha mẹ con vẫn khỏe chứ? Nhà có mấy anh chị em?” Dương Thận khựng lại một chút, không đổi giọng: “Trong thành phát bệnh dịch, họ chết cả rồi, chỉ mỗi con còn sống, được sư phụ mang lên núi.” Cả nhà lặng lại. Nhị Nựu kéo kéo áo Y Xuân, khẽ hỏi: “Tỷ, muội nghe nói cậu đệ tử mà ông chủ vừa nhận về gầy như cây tre, nhìn rất xấu. Sao người này không giống lời đồn vậy?” Y Xuân nói: “Đệ ấy gầy, nhưng ai nói xấu chứ? Đệ ấy… à…” Bộ dạng của Dương Thận ra sao, nàng chưa từng để ý. Bấy giờ ngoái đầu nhìn, vừa lúc y gạt hết mớ tóc dầy phủ mặt của mình về phía sau, lộ toàn bộ vầng trán. Xuất hồ ý liêu* (chẳng ngờ rằng), thế mà lại hé ra một gương mặt nho nhã tuấn tú, lông mi dài rậm, chẳng thua gì hai phiến quạt nhỏ trên mặt Mặc Vân Khanh. Song vẫn thấy gương mặt thằng nhóc này chả tốt lành gì, cứ như trong bụng chứa đầy ý nghĩ xấu xa, bất cứ lúc nào cũng có thể lén lút giở trò tồi sau lưng mình. Y Xuân xoay đầu, nói: “Cậu ta có một gương mặt đê tiện, nhưng là người rất tốt.” Có người sở hữu gương mặt thánh thiện, thần thái sáng sủa, lại chả phải thứ tốt lành gì. Qua đêm ba mươi, sắp đến mùng ba, ngày về sơn trang đã gần kề. Mấy hôm trú ở nhà Y Xuân, Dương Thận chơi mười bảy trận cờ với cha nàng, bốn thua mười ba thắng. Giúp mẹ nàng rửa chén, đập bể chén dĩa tổng cộng ba cặp. Thay Nhị Nựu múc nước giếng, kéo đứt năm sợi thừng. Cùng Y Xuân so chiêu tám trận, bốn thắng bốn thua, ngang tay. Dù sao thì thoạt nhìn y rất hạnh phúc, tuy cười phá lên trông rất gian xảo, tướng ngủ thì như đang vật lộn với quỷ, cha mẹ vẫn rất thật lòng đón tiếp tên nhóc dễ thương này. Buổi tối ngày phải rời đi, mẹ Y Xuân kéo con gái lại, khẽ dặn dò: “Đại Nựu, thằng bé nọ tốt đấy. Con phải giữ chặt, đừng để nó trốn nhé.” Y Xuân liên tục lắc đầu: “Mẹ nói gì vậy, nó là sư đệ con mà! Con cũng chả có ý đó.” “Không có ý đó? Con đưa người ta về nhà, còn nhờ mẹ cắt may quần áo, làm giày dép cho người ta, săn sóc kỹ càng thế mà bảo là không có ý đó?” Y Xuân vẫn lắc đầu, nghiêm túc: “Thật không có ý gì khác, nó là sư đệ của con, cũng y như em trai ruột thôi, tất nhiên con phải lo lắng cho nó nhiều hơn, sư phụ cũng dặn dò vậy đấy. Hơn nữa, lòng con bây giờ toàn nghĩ đến việc luyện võ thật giỏi để sau này kế thừa Trảm Xuân kiếm, những thứ yêu yêu thích thích kia, con không có thời gian để ngó tới. Mẹ à, mẹ cũng đừng cả nghĩ.” Mẹ nàng không khỏi nản chí. Sáng hôm sau, Dương Thận đẩy cửa ra liền thấy Y Xuân cầm một bọc đồ, đứng cười với mình. Y ngạc nhiên hỏi: “Sư tỷ, sớm thế đã về à?” Y Xuân đưa bọc đồ cho y: “Tặng quà cho đệ này, thích không?” Y ngờ vực mở ra, bên trong là mấy đôi giày mới tinh, có loại bằng bông, có loại bằng vải bố, làm rất khéo. Còn có vài bộ đồ mới bằng vải thô, mỏng dày đủ cả. “Đây là…” Dương Thận lộ ra vẻ mặt kinh ngạc, ngẩng đầu nhìn nàng. Y Xuân cười, nói: “Quần áo của đệ hết vừa rồi, ta nhờ mẹ cắt may vài bộ mới cho đệ, đệ vẫn sẽ cao lên, thế nên may hơi to một chút. Đệ thử xem, thích không?” Y đờ người một lúc lâu, bỗng thốt lên một câu: “Đệ còn tưởng là sư tỷ may ấy chứ.” “… Ta không biết dùng kim may vá gì đâu, đừng mơ.” Y Xuân khoát tay. Dương Thận lặng lẽ trở vào phòng, chốc lát đi ra, quả đúng là thay đồ mới giày mới thì gương mặt sáng sủa hẳn lên, có sức sống hơn. Mặt y cũng lộ nét cười, hiếm khi cười mà chả thấy hắc ám, là nụ cười trong trẻo thực sự của một thiếu niên mười lăm tuổi. “Cảm ơn, sư tỷ.” Chân thành biết ơn. Y Xuân lại cười: “Đừng cảm ơn ta, đến cảm ơn mẹ ta ấy, là mẹ may mà.” Dương Thận khẽ nói: “Người thân của sư tỷ tốt bụng quá, có người thân thật hạnh phúc.” Y Xuân biết y lại nhớ đến gia đình chết thảm trong trận dịch, không khỏi cảm thông vỗ vỗ bờ vai y, vô tình phát hiện chả biết từ khi nào thằng nhóc này đã cao bằng mình, chẳng còn giống cọng giá gầy yếu lúc trước nữa. “Sau này, chúng ta đều là người thân của đệ.” Nàng an ủi y, lập tức quyết định quẳng cái chuyện y đã lừa mình ba mươi văn tiền ra sau đầu, từ đây sẽ đối xử với y tốt hơn. Dương Thận sờ sờ quần áo mới, thấp giọng: “Cảm ơn sư tỷ đã quan tâm đệ đến vậy… Nhưng, ba mươi văn tiền kia, đệ không trả lại tỷ đâu đấy.” “…” Y Xuân thấy mình vẫn nên nhớ kỹ món nợ này. Y dợm bước đi, bỗng xoay đầu lại cười với nàng, vẻ mặt dịu dàng: “Sau này kiếm được tiền rồi, đệ sẽ trả tỷ ba mươi lượng bạc.” Một năm mới cứ thế bắt đầu, tiền đồ mới, hi vọng mới, tất cả đều trải rộng trước mắt, đợi chờ họ thu gặt. Nhưng Y Xuân chẳng ngờ nó đến nhanh như vậy. “Các con chuẩn bị đi, tháng ba xuống núi.” Năm ấy nàng mười lăm tuổi, bắt đầu bước vào giang hồ. Trước khi xuống núi, mẹ Y Xuân xếp hai bọc hành trang, một cho con gái nhà mình, một cho Dương Thận, bảo Nhị Nựu đem đến sơn trang. Y Xuân tiện tay lục lọi một chút, từ trong ào ào rơi ra vài đôi đũa cùng mấy con búp bê gỗ mà hồi nhỏ nàng rất yêu thích, tản đầy dưới đất. Nàng ngây người: “… Chắc mẹ muốn gói cả căn nhà lại cho ta mang theo lắm.” Nhị Nựu che miệng cười: “Bọc kia là của Dưỡng Thận* (bồi dưỡng thận), tỷ đừng quên đưa cho huynh ấy.” Y Xuân trịnh trọng lắc lắc ngón tay: “Là Dương Thận, Dương Thận* (cật dê), không phải Dưỡng Thận. Sau phải sửa giọng này đấy, đỡ bị kẻ khác chế nhạo.” “Tỷ mới phải sửa ấy…” Nhị Nựu nguýt nàng, “Gì mà Dương Thận, em có cả Mã Thận* (cật ngựa) này…” Chợt thấy Y Xuân dọn từng món từng món đồ ra ngoài, chỉ chốc lát sau, bọc hành trang to như quả đồi kia lập tức nhỏ gọn nhẹ, con bé ngạc nhiên nói: “Tỷ không cần những thứ này à?” “Chúng ta nhập giang hồ để rèn luyện mình, có phải đi chơi đâu, đem theo nhiều thứ thế kia, rườm rà chết mất. Này, muội gom cái đống đấy về đi, chẳng xài được.” Nhị Nựu ngó quanh một vòng, lại hỏi: “Tỷ, Dương Thận đại ca đâu rồi? Chẳng phải hôm nay sẽ xuống núi à? Bọn tỷ không khởi hành cùng lúc sao?” “Ừ, sư phụ gọi đệ ấy đi rồi, bảo là muốn dặn dò việc quan trọng. Lúc nãy cũng căn vặn tỷ rất lâu, còn gửi tỷ vài tấm bái thiếp* (thiệp chào), Người có vài bạn cũ ở Dương Châu.” Ánh mắt Nhị Nựu tức khắc sáng lên: “Dương Châu ư! Tỷ nhớ mua vài món ngon ngon về nhà nhé!” Y Xuân thở dài một hơi: “Nãy giờ nói muội hiểu không vậy? Bọn tỷ đi rèn luyện, là rèn luyện đấy! Không phải du sơn ngoạn thủy* (du lịch ngắm cảnh) đâu.” Vừa dứt lời, chợt nghe có người bỗng đẩy cánh cửa ở cuối hành lang đập vào tường, phát ra tiếng vọng lớn, nối theo sau là tiếng bước chân hỗn loạn, như đang chạy về phía này. Hai người hiếu kỳ ló đầu nhìn thì thấy Dương Thận lảo đảo chạy đến, sắc mặt trắng xanh trộn lẫn vào nhau, bộ dạng hoảng hốt này rất ít khi xuất hiện ở y. Y Xuân chẳng kìm nổi cất tiếng hỏi: “Sao thế? Sư phụ nói gì với đệ?” Y lấy làm kinh hãi, như chỉ vừa phát hiện bọn Y Xuân đang đứng đối diện mình, run rẩy hồi lâu mới lẩm bẩm: “Không… Không có gì. Sư phụ bảo giang hồ nguy hiểm… Làm gì cũng nên cẩn thận.” Y Xuân không khỏi cười, nói: “Thì ra đệ bị dọa bởi chuyện này, gan nhỏ thế! Sợ gì chứ, có sư tỷ ta đây mà, ta che chở cho đệ.” Dương Thận “Ừm” một tiếng, vẫn không yên lòng.