Trâm Iii: Tình Lang Hờ

Chương 57 : Chương 20.3

Cô bèn cầm lấy nó bằng bàn tay đeo găng, trình lên cho mọi người xem: “Năm xưa Thái Tông hoàng đế từng ban cho Võ tài nhân ba vũ khí để thuần phục con Sư Tử Thông là roi sắt, búa sắt và đoản kiếm. Thanh đoản kiếm nọ vốn là vật tuỳ thân của Thái Tông, bấy giờ hải ngoại tiến cống sắt tốt, đúc thành hai mươi tư thanh, thanh này là tốt nhất nên được Thái Tông chọn mang bên người. Tương truyền sắt của hải ngoại không bao giờ han gỉ, dù trải trăm năm vẫn sắc bén như ban đầu, không thể nhìn gần.” Đợi mọi người xem xong, cô mới đặt nó xuống chiếc bàn trong nhà thuỷ tạ, thản nhiên đáp: “Về sau, vào năm Khai Nguyên, thanh đoản kiếm này trở thành vật tuỳ thân của Công Tôn đại nương. Bấy giờ mỗi khi biểu diễn, Công Tôn đại nương đều cầm hai thanh kiếm một dài một ngắn, trường kiếm là Thừa Ảnh, nay đã thất lạc, còn đoản kiếm chính là thanh này. Về Thừa Ảnh cũng có một truyền thuyết, chẳng rõ mọi người có nhớ không?” Nói đến đây, cô nhìn sang Lý Thư Bạch. Quỳ vương học rộng nhớ lâu, sách vở đọc qua là nhớ như in, bèn tiếp lời: “Trong Liệt Tử Thang Vấn có nói, Khổng Chu có ba thanh kiếm, một là Hàm Quang, nhìn mà không thể thấy, dùng mà không biết có. Chạm vào vật không để lại dấu vết, đâm xuyên người người chẳng hay. Hai là Thừa Ảnh, mỗi khi tờ mờ sáng hay chạng vạng tối, quay về hướng Bắc mà nhìn thì chỉ thấy bóng mờ như khói, không biết được hình dạng. Chạm vào vật thành tiếng khe khẽ, đâm xuyên vật vật cũng không đau. Nhưng sau đó có lời đồn, Hàm Quang nằm bên trong Thừa Ảnh, là thanh kiếm vô hình vô ảnh, Thừa Ảnh chỉ là bao kiếm thôi.” Hoàng Tử Hà gật đầu: “Thế nên nô tài đã suy nghĩ rất lâu. Một cô nương như Công Tôn đại nương đi lại trên giang hồ, hiểm nguy trùng trùng, lẽ nào chỉ đem theo một thanh kiếm gỗ? Hơn nữa sau khi điệu múa kết thúc, vì Phạm thiếu gia chỉ trích, Vương đô uý đã ngửi thử chuôi kiếm gỗ, nói rằng có mùi đất.” Thấy cô nhìn sang, Vương Uẩn tựa vào lưng ghế, mỉm cười với cô rồi gật đầu: “Quả là có chuyện này.” “Tôi cũng đã kiểm tra chuôi kiếm, thấy ở phần đốc kiếm gắn với thân kiếm có dính ít bùn đất. Nếu như lời Công Tôn đại nương nói, chỉ đặt kiếm xuống đất cho rảnh tay, thì bùn đất sẽ chỉ dính vào mặt bên của chuôi kiếm thôi, sao lại dính vào thân kiếm được? Huống hồ sàn vũ đài bấy giờ rất sạch, đến cuối cùng đại nương còn nằm dài ra sàn, vậy mà quần áo vẫn sạch sẽ, sao chuôi kiếm lại dính đất?” Nói rồi Hoàng Tử Hà lại cầm lưỡi kiếm sáng loáng lên, chúc mũi kiếm xuống, rồi trỏ vào mặt cắt của lưỡi: “Mời các vị xem, lưỡi kiếm có rãnh ở đây, lại có lỗ nhỏ thế này, tôi nghĩ, hẳn thanh kiếm này cũng giống chiếc trâm của tôi đây.” Đoạn cô đưa tay lên đầu, ấn vào hoa văn cỏ lá cuốn, rồi rút cây trâm ngọc nhỏ hơn bên trong ra, chỉ để lại cây trâm bạc bên ngoài gài trên búi tóc, sau khi cho mọi người xem lại cắm về chỗ cũ, cầm thanh kiếm gỗ của Công Tôn đại nương quan sát một lát, rồi ấn vào một mảng hoa văn có vẻ bóng hơn, quả nhiên, cạch một tiếng, thân kiếm và chuôi kiếm đã rời ra, đúng là bên trong không đặc mà vẫn chừa ra một khe hẹp. Chuôi kiếm lại có mấu, Hoàng Tử Hà đặt lưỡi kiếm trong tay nằm ngay ngắn vào đúng mấu, rồi xoay thân và chuôi kiếm, cuối cùng lắp lại được. Sắc mặt Công Tôn đại nương xám ngoét như tro. Công Tôn đại nương dựa vào Ân Lộ Y, mềm nhũn người ra, cả hai phải từ từ ngả người dựa vào lan can. Môi bà ta mấp máy, song không thốt nổi lời nào. “Chẳng hay... trước đây đại nương đã giết người bao giờ chưa? Ta thấy đại nương rất can đảm, cũng rất thông minh đấy. Chọn thời điểm nhốn nháo nhất, đồng thời cũng an toàn nhất, khéo léo lợi dụng vũ đạo, chuẩn bị đầy đủ dụng cụ gây án. Đương nhiên, tứ nương sở trường ảo thuật có thể sắp xếp mọi việc thay đại nương. Nhưng trước bấy nhiêu con mắt ở đó, biết rõ chỉ cần một người ngoái lại là sẽ lộ tẩy, vậy mà đại nương vẫn chấp nhận đánh cược một phen. Huống hồ đại nương ra tay vừa chuẩn vừa hiểm, thời gian gấp gáp như thế mà có thể một kiếm đâm trúng tim Tề phán quan, không để nạn nhân la lên nửa tiếng, cũng không bị kẹt lưỡi kiếm vào xương sườn. Thậm chí, lúc đâm kiếm vào, đại nương còn xoay kiếm xoáy sâu vào tim, khiến Tề phán quan không kịp phản ứng đã chết ngay. Đến nỗi Chu tiểu thư ngồi trong màn lụa bên cạnh cũng không nghe thấy động tĩnh gì.” Giọng Hoàng Tử Hà bình thản chậm rãi, không bộc lộ mảy may cảm xúc, thậm chí có phần lạnh lùng, “Tất nhiên, đại nương cũng rất may mắn. Lúc mở màn, Tề phán quan vốn ngồi phía trên, đại nương không có cơ hội tiếp cận, nhưng bấy giờ đại nương lại nói, điệu múa này có thể cùng thưởng thức với người trong lòng. Tề phán quan muốn lấy lòng Chu tiểu thư, bèn bê ghế chạy đến ngồi tít phía dưới, cạnh Chu tiểu thư. Khi đại nương giết người, Phạm thiếu gia lại đang nôn mửa, mùi rượu nồng nặc theo gió đưa đến, át hết mùi máu tanh, khiến Chu tiểu thư phải bịt mũi quay đi, vừa khéo không trông thấy đại nương.” Công Tôn Diên đứng dưới đèn, như một nhánh lan hắt hiu trước gió, mảnh mai mà quạnh quẽ vô cùng. “Sau khi giết người, đáng lẽ đại nương phải lắp ngay lưỡi kiếm vào chuôi, nhưng muốn lắp lại cũng mất chút thời gian, chứ không dễ như tháo ra, hơn nữa trong bóng tối muốn tìm đúng chỗ mà lắp vào thật không dễ, lỡ sơ sảy lại lộ ra là trong thanh kiếm gỗ có máu, nên đại nương đành vứt bỏ lưỡi kiếm. Nhưng nếu cứ thế cắm vào khe giữa hai phiến đá, hẳn sẽ có vết máu dính lên mặt đá hoặc thấm ra nền đất, ắt bị người ta phát hiện. Đúng lúc ấy Phạm thiếu gia nôn xong nằm lăn ra đó. Đại nương đã sẵn ghét Phạm thiếu gia buông tuồng cợt nhả, bèn lau sạch máu vào áo hắn, sau đó nhét lưỡi kiếm vào khe đó, cuối cùng cầm chuôi kiếm lên ráp vào thân gỗ, thế là kín như bưng, đúng không nào?” Ai nấy đều im phăng phắc. Công Tôn Diên cắn vào môi thật mạnh, ngăn đôi môi run bắn, thật lâu sau mới khó nhọc thốt lên bằng giọng khàn khàn: “Tề phán quan và ta không thù không oán... sao ta phải ra tay giết người?” “Không thù không oán ư?” Hoàng Tử Hà vừa nói vừa xếp tất cả đồ đạc của Công Tôn đại nương lại, rồi quay sang gật đầu ra hiệu cho Chu Tử Tần. Họ Chu hiểu ý, lập tức tới bên cạnh lấy ra vài thứ, đặt lên bàn. Thôi thì đủ thứ hỗn tạp. Nào là túi tiền màu lam thẫm; nào là một tờ thủ bút Chung Hội; một bức trang gảy đàn dưới gốc thông; một xấp những tờ thơ trăng gió đủ màu đủ kiểu... Trong ánh mắt ngạc nhiên của mọi người, Hoàng Tử Hà lần lượt bày từng thứ một ra: “Đây là những thứ ta tìm được ở nhà Tề phán quan có liên quan tới vụ án. Thứ nhất là xấp thơ này. Những tờ thơ này được gửi từ ngõ Ngô Đồng, gần như đều từ những cô nương phong trần, tên người nhận là Ôn Dương.” Phạm Nguyên Long lên tiếng đầu tiên: “Ôn Dương ư? Chẳng phải là kẻ tự vẫn cùng Phó Tân Nguyễn đấy ư? Thư từ của họ Ôn, sao lại ở nhà Tề phán quan?” “Đúng thế, hơn nữa khi chúng tôi tìm đến đường Ngô Đồng, gặp những người viết ra những bài thơ này, họ đều kể rằng có một vị khách tên Ôn Dương, dịu dàng tươi cười, ân cần chu đáo, lại giỏi làm thơ viết nhạc lả lơi. Dường như khác xa Ôn Dương lạnh lùng kia.” “Lẽ nào...” Mọi người không hẹn mà cùng nghĩ đến một khả năng, tức thì cả nhà thuỷ tạ im phăng phắc như tờ. “Đâu chỉ có vậy. Mời các vị xem, bức gảy đàn dưới gốc thông này, chất giấy, nét vẽ và ý cảnh hoàn toàn khác những bức hoạ ở nhà Tề phán quan. Mà theo chúng tôi được biết, trong thư phòng Ôn Dương vốn treo một bức tranh thế này, nhưng sau khi họ Ôn qua đời thì không thấy đâu nữa.” Đoạn cô lại lấy ra một bức khác: “Bức hồ điệp tú cầu này, chúng tôi lấy được từ thư phòng Ôn Dương. Người hầu nhà họ Ôn kể rằng, trước đây trong thư phòng Ôn Dương treo một bức tranh thông, chẳng hiểu đã thay sang bức này từ khi nào. Nhưng chúng ta tìm khắp nhà họ Ôn, không hề thấy bức tranh thông nọ.” “Nên thật ra, bên nhà Tề phán quan, vốn treo bức tranh tú cầu!” Chu Tử Tần gật đầu tiếp: “Từ chuyện đó, chúng tôi đã khẳng định hai bức tranh trong nhà họ Tề và họ Ôn bị tráo đổi!” Chu Tường liền hỏi: “Tráo đổi hai bức tranh để làm gì vậy?” “Vấn đề thật ra chỉ nằm trong một bức hoạ thôi.” Nói rồi, Hoàng Tử Hà rút bức thư của Phó Tân Nguyễn tìm được tại nhà họ Ôn ra, đọc cho mọi người nghe. “... Mưa dầm nhiều ngày, nước ngập phố xá, không thể lặn lội. Nghĩ đến hoa quế trước sân, chỉ còn đôi ba phần, thương tiếc hương ấy nên gom lại, chưng nước quế hoa cho chàng. Đất Thục nắng ít mây nhiều. Hôm nay mở hộp phấn chàng tặng khi trước, hương thơm thoang thoảng, màu sắc tươi đẹp, chẳng khác bức tranh bướm vờn tú cầu trước án thư của chàng...” Đọc tới đó, cô đặt bức thư xuống than thở: “Kẻ qua lại với Phó Tân Nguyễn, thường ngày rất cẩn thận, mỗi khi lui tới đường hoa ngõ liễu, đều mạo xưng là người khác. Phó Tân Nguyễn cũng bị hắn gạt, luôn miệng gọi hắn là Ôn lang, lúc viết thư kể cho các chị em nghe, cũng chỉ nhắc tới Ôn Dương, nên tên Ôn Dương giả mạo này, phải ra sức giấu giếm hành tung của mình, không bao giờ để lại một câu nửa chữ ở kỹ viện, cũng rất hiếm khi thư từ với Phó Tân Nguyễn, bức này có thể là một trong số ít thư từ giữa đôi bên. Bèn bị hắn đem ra làm chứng cứ, để ở chỗ Ôn Dương, nhằm chứng thực quan hệ giữa Phó Tân Nguyễn và Ôn Dương, đồng thời đánh lạc hướng điều tra, khiến chúng ta cho rằng bọn họ trúng độc chết là tự tử vì tình.” Phạm Nguyên Long nhổm dậy lắp bắp hỏi: “Công công... Ý công công là, Ôn Dương này không phải Ôn Dương thật à... Không, phải nói là Ôn Dương thật không phải Ôn Dương trong bức thư này?” Tuy Phạm Nguyên Long nói năng lộn xộn, nhưng mọi người ở đó đều hiểu, nhất tề ngẩn cả ra. Hoàng Tử Hà gật đầu: “Đúng thế, Ôn Dương trong thư, cả Ôn Dương mà Phó Tân Nguyễn gặp, đều không phải Ôn Dương, Ôn Tịnh Tế thật sự. Nhưng có một người, tên của hắn và Ôn Dương ghép lại thành một cặp đối, nên thường lấy cái tên giả này để lui tới chốn gió trăng. Tất cả những kẻ viết thư cho hắn đều gọi hắn là Ôn Dương, không một ai hay, tên thật của hắn là Tề Đằng, Tề Hàm Việt, ngoại hiệu Hàn Nguyệt công tử.” Nhớ đến Tề Đằng ôn hoà ung dung, mọi người thật không sao tưởng tượng nổi dáng điệu buông tuồng lơi lả của hắn lúc chơi bời phóng đãng. Phạm Nguyên Long lại hỏi: “Nếu theo lời công công nói, Tề Đằng ngang nhiên mạo danh Ôn Dương đi tìm kỹ nữ, lẽ nào không sợ có ngày bị người khác phát hiện, hoặc chạm mặt Ôn Dương thật ư?” Hoàng Tử Hà lắc đầu: “Không, Tề phán quan có một kế sách vẹn toàn. Thật ra hắn mạo danh Ôn Dương, không chỉ vì tên họ hai người vô tình tạo thành một cặp đối, cũng không chỉ vì họ đều mất hết cha mẹ và goá vợ, mà bởi họ Tề nắm chắc, mình sẽ không thể chạm mặt Ôn Dương ở kỹ viện được.” Chu Tử Tần thì thào: “Nhưng người hầu nhà họ Ôn kể rằng Ôn Dương thỉnh thoảng cũng đi tìm hoa hỏi liễu mà...” “Chỗ Ôn Dương đến, không giống chỗ Tề phán quan đến.” Hoàng Tử Hà rút trong xấp thơ ra một tờ giấy màu lam có hoa văn kỷ hà, “Đây là tờ đặc biệt nhất trong đống này, bởi nó được gửi tới từ một nam kỹ viện, nơi những người chuộng kỹ nam lui tới.” Mọi người lúc này mới vỡ lẽ, song đều cảm thấy chuyện này không thể nói ra miệng, đành giương mắt nhìn nhau nín lặng. “Thế nên Ôn Dương không thể tự tử vì tình cùng Phó Tân Nguyễn được, vì họ Ôn không thích nữ nhân. Sau khi vợ qua đời, Ôn Dương cũng chẳng muốn cưới vợ mới, thường nhân lúc đêm tối lẻn tới kỹ viện nam, gần sáng lại lẳng lặng quay về. Người như thế sao có thể khăng khít yêu đương Phó Tân Nguyễn suốt mấy năm, còn tặng cả hoa quế, phấn son, ân cần chu đáo đến mức Phó nương tử được muôn vàn người ngưỡng mộ phải xiêu lòng?” Hoàng Tử Hà bình tĩnh phân tích từng điểm một, hồ như cô thật sự là một hoạn quan chẳng dính dáng gì tới chuyện này, “Tề phán quan cũng biết, Ôn Dương từng dùng một tờ thủ bút giả của Chung Hội, hòng lấy lòng... một nam tử khác. Kẻ khác có lẽ sẽ không để ý tới, nhưng hạng người thường xuyên lui tới làng chơi như họ Tề, thoạt nhìn là nhận ra ngay. Từ đó, chẳng những Tề phán quan thả sức mạo danh Ôn Dương đi chơi bời, mà khi muốn rũ bỏ Phó Tân Nguyễn, hắn bèn lôi luôn Ôn Dương thật vào làm kẻ thế thân, thay mình kết thúc mối tình ấy. Đương nhiên, họ Tề cũng phải phi tang tất cả các vật chứng có thể tiết lộ bí mật ở chỗ Ôn Dương, kể cả bức thủ bút giả của Chung Hội, cùng bài thơ tình kỹ nam gửi Ôn Dương. Đồng thời hắn còn tìm trăm phương nghìn kế đánh tráo bức hoạ, hòng khiến người khác tin rằng, Ôn Dương quả thật rất thắm thiết với Phó Tân Nguyễn.