Trâm 4: Chim Liền Cánh
Chương 6
Trong cung Đại Minh, lầu gác nguy nga tráng lệ cũng đã trút sạch sắc thu theo những chiếu lá hòe rụng xuống.
Hoàng Tử Hà theo sau Lý Thư Bạch, một lần nữa bước vào điện Tử Thần.
Lý Thư Bạch tâu trình lại tình hình ở Thục, rồi dâng cống phẩm các nơi lên. Hoàng đế vẫn tươi cười ôn hòa như trước, chỉ là chiếc cằm vốn đầy đặn giờ đã tóp đi đôi chút. Sau khi Đồng Xương công chúa qua đời, ngài ngự và Quách thục phi đau lòng khôn xiết, gầy rộc hẳn đi.
“Tết Trùng dương hôm trước, mấy anh em tề tựu trong cung dự tiệc, chỉ thiếu mỗi Tứ đệ, Thất đệ còn ngâm câu: Nay cắm thù du thiếu một người (1).” Hoàng thượng lần chuỗi mười tám hạt (2), cười nói, “Cung khuyết trẫm mới tu sửa, đệ còn chưa thấy nhỉ?”
(1) Trích từ bài “Mồng chín tháng Chín nhớ anh em ở Sơn Đông” của Vương Duy. Mùng chín tháng Chín là tết Trùng dương, hay Trùng cửu, người xưa thường hay ăn cua ngắm cúc, lên đài cao ngắm cảnh, cắm một cành thù du – loài cây có hoa rất đẹp – vào bình, tượng trưng cho tình anh em gắn bó.
(2) Chuỗi mười tám hạt, được xâu thành từ mười tám loại hạt bồ đề khác nhau, chọn ra từ hơn trăm loại hạt bồ đề. Mười tám hạt ý chỉ mười tám giới, bao gồm: lục căn: mắt, mũi, tai, lưỡi, thân, ý; lục trần: sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp; lục thức: nhãn thức, nhĩ thức, nhĩ thức, tị thức, thiệt thức, thân thức, ý thức.
“Cung khuyết ư?” Lý Thư Bạch đã nghe nói, song vẫn thản nhiên hỏi lại.
“Đúng vậy, cửa phượng đế thành mờ mây phủ (3), qua cửa cung Đại Minh là thấy ngay hai tòa gác Tường Loan, Tê Phượng nằm trước điện Hàm Nguyên, giờ cả hai đều đã cũ nên trẫm sai người tu sửa lại, đẹp đẽ như mới, Tứ đệ mà trông thấy nhất định sẽ phải tán thưởng.”
(3) Trích từ “Vâng mệnh họa bài Từ điện Bồng Lai đến gác Hưng Khánh, giữa đường dừng lại ngắm xuân trong mưa xuân của vua”, tác giả Vương Duy.
Lý Thư Bạch chỉ nín lặng gật đầu. Lúc ở Thục y đã được tin lần này hoàng thượng cho sửa sang lại điện Hàm Nguyên cùng hai gác Tường Loan, Tê Phượng nguy nga hơn xa thuở trước, lấy gỗ trầm làm xà, lim vàng làm cột, khắp nơi sơn son thiếp vàng, tổng cộng hết mấy ngàn lượng vàng, vài trăm hộc trân châu, chưa kể sừng tê, đá quý, vân vân. Hậu cục và bộ Công phải giật gấu vá vai đến giờ vẫn chưa đủ bù.
Song ngài ngự nào hay những nông nỗi ấy, chỉ hào hứng kể: “Sau đại tế Đông chí năm nay, chúng ta sẽ uống rượu trên hai tòa gác mới sửa, xem ca múa từ xa, nhất định trở thành câu chuyện phong nhã nổi tiếng trong cung Đại Minh, lưu danh sử sách.”
Lý Thư Bạch lại tâu trình: “Lời bệ hạ rất có lý, có điều công trình này đã tiêu tốn rất nhiều, hôm qua bộ Công tới tìm thần đệ, nói rằng nếu bây giờ lại cho xây một trăm hai mươi tòa tháp để rước cốt Phật thì quả là nan giải.” Hoàng đế nhíu mày, vuốt chòm râu lơ thơ nghĩ ngợi rồi phán, “Lý Dụng Hòa đúng là vô dụng, bộ Công nắm trong tay quyền điều động bao nhiêu tiền bạc như vậy mà có mỗi một trăm hai mươi tòa tháp cũng không xây nổi ư?”
“Bẩm, năm nay xây dựng khá nhiều, đầu năm xây cung Kiến Bật, giữa năm xây mộ công chúa, giờ lại mới trùng tu cung khuyết, nếu xây thêm tháp, e rằng sẽ cạn kiệt quốc khố.”
Hoàng đế thở dài: “Tứ đệ, gần đây ta thấy rất bất an, nhớ năm xưa Linh Huy gặp phúc ắt thông, câu đầu tiên mở miệng ra nói là: Sống được, ai ngờ giờ đây lại đột ngột qua đời, để trẫm... người đầu bạc tiễn kẻ tóc xanh, như nến tàn trước gió, ai mà biết được ngày mai lại ở đâu?”
Lý Thư Bạch an ủi: “Bệ hạ đương độ tráng niên, sao lại nói lời chán nản ấy rồi? Triều đình xã tắc còn phải trông vào bệ hạ, xin bệ hạ đừng nản lòng như thế. Theo thần đệ thấy, cốt Phật không rước cũng chẳng hề gì.”
“Cốt Phật nhất định phải rước về. Kiếp này ta được trông thấy thì có chết cũng không hối tiếc.” Hoàng đế lắc đầu đầy cương quyết, rồi hỏi: “Vậy... Tứ đệ tinh thông sách sử, cảm thấy chín chín tám mươi mốt tòa tháp có được không?”
“Cửu cửu quy nhất, con số này cũng rất tốt lành.” Nói rồi, Lý Thư Bạch nhíu mày, “Nếu bệ hạ vẫn quyết rước cốt Phật về, thì thần đệ cho rằng, quan trọng nhất là tâm ý. Nhà Phật có thuyết thập nhị nhân duyên, bệ hạ xây mười hai tòa cũng đủ. Cũng có thể chỉ xây ba tòa thôi, tượng trưng cho Phật, pháp, tăng, vừa thanh tịnh lại phù hợp.”
“Tứ đệ không hiểu lòng thành của trẫm rồi, xây có mấy tòa như thế làm sao tỏ lòng được?” Hoàng đế không vui, xua tay cho y lui ra.
Lý Thư Bạch đứng dậy cáo lui, ra đến cửa điện còn nghe hoàng đế nói: “Bảy mươi hai vậy, bên trong thờ phụng thất thập nhị hương nhà Phật cũng được.”
“Lần trước rước cốt Phật là năm Nguyên Hòa thứ mười bốn, cách đây năm mười năm rồi.” Tại phủ Ngạc, Lý Nhuận phấn khởi rót trà cho Lý Thư Bạch, “Nghe nói lần đó náo nhiệt chưa từng thấy, dân chúng trong trành tranh nhau mua đèn nhang để cung nghênh cốt Phật, lần này chắc cũng thế.”
Lý Thư Bạch đón lấy chung trà Lý Nhuận vừa pha, chậm rãi hỏi: “Đệ có biết hôm cốt Phật được rước từ chùa Pháp Môn ra, có một bà lão dẫn theo cháu gái đứng đợi bên ngoài, cốt Phật vừa ra, bà ta liền dốc vào miệng đứa bé một lọ thủy ngân, dùng nhục thân của nó để cúng dường không?”
Lý Nhuận hít vào một hơi khí lạnh, mở to mắt: “Nhưng... Phật pháp cao thâm, thiện nam tín nữ đông đảo, khó tránh có kẻ cuồng tín, chẳng qua cũng chỉ cầu được phù hộ đấy thôi.”
“Nếu chỉ dân chúng tin Phật thì đâu đến nông nỗi ấy, nhưng hoàng gia đi rước, triều đình làm gương, sẽ trở thành mầm họa. Dốc hết sức lực toàn quốc, khiến dân ngu cuồng loạn thì ích gì?” Lý Thư Bạch lắc đầu, “Năm ấy Hàn Dũ chỉ vì can gián việc rước cốt Phật mà bị biếm, giờ đây xem chừng cũng cần một người đứng ra khuyên ngăn.”
“Tứ ca đừng làm chuyện dại dột!” Lý Nhuận vội can, “Từ sau khi Đồng Xương công chúa qua đời, bệ hạ luôn gặp ác mộng, giờ chỉ một lòng muốn rước cốt Phật vào cung thờ phụng để tiêu tai giải nạn. Ý bệ hạ đã quyết, không ai khuyên nổi đâu!”
Lý Thư Bạch gật đầu không đáp.
Uống hết nửa ly trà, thấy Lý Thư Bạch không nói gì thêm, Lý Nhuận mới hơi yên lòng, ngẩng lên trông thấy Hoàng Tử Hà vận đồ nữ thì ồ lên hỏi: “Bên cạnh Tứ ca cuối cùng cũng có một thị nữ rồi ư?”
Hoàng Tử Hà nâng vạt áo lên hành lễ, gật đầu với y.
“Hình như ta đã thấy cô ở đâu rồi thì phải...” Vừa nói đến đó, y bỗng “à” lên rồi vỗ trán, “Dương Sùng Cổ! Gần đây trong kinh đồn ầm lên rằng, Hoàng Tử Hà cải trang thành tiểu hoạn quan, Quỳ vương xuôi Nam phá án, đám tiên sinh kể chuyện ngoài phố đã dựng thành chuyện kể khắp nơi rồi đấy!”
Hoàng Tử Hà cúi đầu: “Khi trước tiểu nữ không dám tiết lộ thân phận, chứ không phải cố ý lừa gạt Ngạc vương gia, mong vương gia thứ tội.”
“Ba bốn năm trước ta và Vương Uẩn từng trông thấy cô trong cung một lần, vậy mà về sau gặp mấy lần vẫn không nhận ra, là ta không biết người tiên đấy thôi.” Nói đoạn, y ra hiệu cho cô ngồi xuống, còn đích thân rót trà mời, xong xuôi mới thắc mắc, “Vương Uẩn chẳng phải cũng về kinh rồi ư? Sao Hoàng tiểu thư còn hầu hạ bên cạnh Tứ ca?”
Hoàng Tử Hà nín lặng uống trà. Người lên tiếng là Lý Thư Bạch: “Dương Sùng Cổ là hoạn quan hạng bét ở phủ ta, đã điểm chỉ ký tên rõ ràng, bất luận thân phận thay đổi thế nào, hễ ta chưa có lời, thì cũng đừng hòng đi đâu được.”
Hoàng Tử Hà nhìn y như muốn mắng: “Vô sỉ”, còn Lý Nhuận lần đầu tiên thấy một Lý Thư Bạch thế này thì sững cả người ra, quên bẵng rót thêm nước vào bình trà.
Hoàng Tử Hà rút một túi gấm trong tay áo ra, đặt nhẹ lên bàn, đẩy về phía Lý Nhuận: “Thứ này xin trả lại cho Ngạc vương gia.”
“Gì vậy?” Lý Nhuận ngạc nhiên cầm lên, mở túi lấy vật bên trong ra.
Vòng ngọc long lanh, phát ra ánh sáng mờ mờ, như có làn khói mỏng bao quanh. Y lặng lẽ nắm chặt nó trong tay, màu ngọc cũng long lanh biến đổi theo động tác của y, tạo ra vô vàn vầng sáng.
Lý Nhuận thần thờ ngắm chiếc vòng hồi lâu, đoạn hỏi: “A Nguyễn... nhờ hai người trả lại ta ư?”
Lý Thư Bạch chậm rãi gật đầu: “Trước khi qua đời, cô ấy nhờ Công Tôn đại nương trả lại cho đệ.”
“Qua đời à...?” Lý Nhuận ngẩng phắt lên, đôi mắt mơ màng mở to.
“Đệ đã biết chuyện Hoàng Tử Hà phá án giải oan, hẳn cũng nghe được manh mối vụ này bắt nguồn từ cái chết của một ca kỹ chứ?”
Lý Nhuận ngỡ ngàng nhìn Lý Thư Bạch, như vừa vỡ lẽ. Mặt y tái ngắt, nốt ruồi son đỏ thắm giữa mi tâm cũng nhạt hẳn đi, ly trà tuột tay rơi xuống nền gạch vỡ tan tành, vụn trà xanh lục loang đầy đất.
Lý Thư Bạch thở dài: “Thất đệ cất đi. Dù sao cũng là di vật của thái phi, vẫn nên trả cho chủ cũ.”
“Vâng...” Y ngơ ngẩn đáp, tay vẫn nắm chặt chiếc vòng.
Thấy y đờ đẫn, Lý Thư Bạch bèn đứng dậy từ biệt: “Ta vừa về kinh, còn rất nhiều việc, vòng đã trả lại đệ, ta cũng phải về đây.”
“Tứ ca...” Lý Nhuận vô thức giữ lấy tay y.
Lý Thư Bạch ngoái lại. Lý Nhuận cắn môi nói khẽ: “Đệ muốn nhờ huynh giúp một việc.” Lý Thư Bạch đành ngồi xuống hỏi: “Sao thế?”
“Đệ nghi ngờ...” Lý Nhuận ngập ngừng, mấy ngón tay siết chặt chiếc vòng đến tái nhợt cả ra. Rồi đột nhiên y đứng phắt dậy, nhìn qua khung cửa sổ mở toang, thấy không có ai lảng vảng mới hít một hơi thật sâu, gắng trấn tĩnh nói tiếp, “Đệ nghi ngờ mẫu phi đệ bị người ta hãm hại.”
Lý Thư Bạch nhíu mày, quay sang nhìn Hoàng Tử Hà.
Hoàng Tử Hà ngẫm nghĩ một lát, rồi bình thản hỏi: “Có phải vương gia phát hiện ra chuyện gì không, sao đột nhiên lại nói vậy?”
Lý Nhuận cắn môi gật đầu: “Mời Tứ ca và Hoàng tiểu thư theo đệ.”
Trần thái phi là phi tần của tiên hoàng, theo lệ phải ở trong cung Thái Cực dưỡng già. Nhưng ngay trong đêm tiên hoàng băng hà, thái phi đau đớn quá độ đã hóa điên, cung nữ hầu hạ trong cung Thái Cực lại bỏ mặc không săn sóc, năm ấy Lý Nhuận mới hơn mười tuổi, đến thăm mẫu phi thì thấy bà đầu bù tóc rối, cơm không đủ no áo không đủ mặc, bèn quỳ trước điện Tử Thần thật lâu, cầu xin hoàng đế cho đón mẫu phi về vương phủ phụng dưỡng.
Sau khi được đón về vương phủ, Trần thái phi tuy vẫn phát bệnh luôn, nhưng người ở vương phủ săn sóc chu đáo nên cũng coi như được tĩnh dưỡng. Lý Nhuận chăm nom mẹ rất cẩn thận, cho mở một gian điện nhỏ sau chính điện, để bà ở ngay gần mình. Giờ đây tuy mẫu phi đã qua đời, song y vẫn giữ gian điện nọ, bày biện bài trí hệt như lúc bà còn sống, không hề động đến.
Lý Nhuận dẫn Lý Thư Bạch và Hoàng Tử Hà vào, chỉ thấy bên trong thờ linh vị của Trần thái phi, trước án thờ bày hoa thơm và nhang đèn, khiến không khí hơi ngột ngạt.
Sau khi thắp cho Trần thái phi nén nhang, Lý Thư Bạch và Hoàng Tử Hà nhìn sang Lý Nhuận. Y đặt chiếc vòng lên trước linh vị mẫu phi, rồi chắp tay vái dài, đứng lặng hồi lâu mới quay lại bảo họ: “Mẫu phi đệ trước khi lâm chung đã có lúc tỉnh táo lại. Bà dặn đệ rằng, thiên hạ Đại Đường sắp mất rồi.” Nghe vậy, cả Lý Thư Bạch và Hoàng Tử Hà đều biết chuyện này không phải tầm thường, bèn chăm chú lắng nghe y nói tiếp.
“Bấy giờ mẫu phi đã rất lâu không tỉnh, đệ cũng biết tình trạng của bà. Nhưng lần đó mẫu phi thực sự rất tỉnh táo, khác hẳn mọi khi.” Nhớ lại tình cảnh lúc ấy, Lý Nhuận không khỏi thở dài, “Bởi vậy, những lời bà nói nhất định không phải lời của kẻ điên, đệ nghĩ, lúc phụ hoàng lâm chung, chắc mẫu phi đã biết được chuyện gì đó, nên mới hóa điên, ắt hẳn là một bí mật vô cùng quan trọng, bằng không sao mẫu phi lại nghĩ nó có liên quan đến giang sơn xã tắc, thiên hạ Đại Đường?”
Hoàng Tử Hà hỏi: “Bấy giờ thái phi nói thế nào, vương gia có thể thuật lại cho chúng tôi nghe chăng?”
Lý Nhuận mở ngăn tủ, lấy ra một hộp trang điểm sơn đen, khảm xà cừ hình hoa, trông khá cũ kỹ, thoạt nhìn đã biết là vật dùng lâu ngày. Lý Nhuận thận trọng mở hộp, gỡ tấm gương đồng mờ đục ra, để lộ khe hở đằng sau.
Y lại mở một chiếc hộp nhỏ cạnh đó, lấy ra mẩu giấy bông vẽ ba mảng mực đen sì, gập lại ướm vào khe hở sau tấm kính: “Bấy giờ mẫu phi rút mảnh giấy này ra từ đây, chẳng biết bà đã giấu ở đó từ khi nào nữa. Bà đưa cho đệ nói rằng, đây là bà vất vả lắm mới vẽ được mà giấu đi, dặn đệ phải cất thật kỹ... liên quan đến chuyện tồn vong của cả thiên hạ.”
“Có thể thấy thái phi lúc đó rất tỉnh táo, quả thật không phải lú lẫn.” Cô vừa ngẫm nghĩ về mấy chữ “tồn vong của cả thiên hạ”, vừa nghiêng đầu nhìn sang Lý Thư Bạch.
Lý Thư Bạch khẽ gật đầu với cô, rồi hỏi Lý Nhuận: “Còn gì nữa không?”
“Mẫu phi còn nói một câu...” Lý Nhuận ngần ngừ, nhưng cuối cùng cũng thành thực kể, “Bà dặn đệ không được thân thiết với Tứ ca.”
Lý Thư Bạch cúi đầu im lặng nhìn ba mảng mực đen sì trên tờ giấy trong tay y.
Hoàng Tử Hà lúng túng lên tiếng: “Vậy mà Ngạc vương gia vẫn kể chuyện này cho chúng tôi.”
“Ta và Tứ ca cùng lớn lên trong cung Đại Minh, lại cùng bị đưa ra khỏi cung, từ nhỏ đến giờ vẫn khăng khít. Ta... biết Tứ ca có ý nghĩa thế nào với thiên hạ Đại Đường mà.” Lý Nhuận đặt tờ giấy bông lên bàn, cả người như bị rút cạn sức lực, khó khăn lắm mới đứng vững được trước án thờ, “Thế nên ta nghĩ, mẫu phi nhất định đã biết được gì đó, nên mới bị hãm hại đến hóa điên còn thốt ra lời này, mà kẻ hại mẫu phi nhất định có liên quan mật thiết đến việc phụ hoàng băng hà, cũng là kẻ thù của Tứ ca.”
Lý Thư Bạch chậm rãi gật đầu, song không nói gì thêm.
Hoàng Tử Hà liền hỏi: “Thái phi sinh thời sống ở đây ư? Mọi thứ vẫn giữ nguyên như trước ạ?”
Lý Nhuận gật đầu, ngồi xuống ghế chống tay vào trán nói khẽ: “Hoàng tiểu thư cứ việc tra soát thật kỹ, biết đâu lại thấy manh mối gì đó.”
Hoàng Tử Hà bèn đứng dậy đi qua vách ngăn, sang phòng ngủ của Trần thái phi cạnh đó. Phòng không rộng, mé trái là cửa sổ, đặt một chiếc sập nhỏ, bàn trang điểm và bàn ghế; mé phải là một chiếc giường gỗ trắc chạm trổ, buông màn gấm, treo mấy đồ trang trí bằng ngọc thạch và gỗ đào. Hoàng Tử Hà đi quanh bàn trang điểm một vòng, thấy mọi thứ đều đã được thu dọn, chẳng còn gì cả, vì thường xuyên quét tước nên trong phòng rất sạch, cô miết tay lên mép bàn, chợt khựng lại, cúi xuống nhìn kỹ. Lý Thư Bạch đứng trước cửa thấy vậy thì hỏi với vào: “Gì thế?”
Cô quay lại đáp: “Hình như có vết móng tay khứa.”
Lý Thư Bạch nhặt trong hộp nữ trang Lý Nhuận vừa đem ra một mảnh chì kẻ mày hình xoắn ốc, đặt vào tay cô.
Hoàng Tử Hà miết nhẹ mảnh chì đen vào mép bàn, tức thì những vết móng tay khứa hiện ra rõ mồn một, sắp thành hai chữ xiên xẹo: Quỳ vương.
Lý Thư Bạch thản nhiên ra hiệu cho cô tiếp tục miết.
Một hàng chữ xiêu vẹo dần dần hiện ra: họa từ Quỳ vương.
Lý Nhuận cũng bước đến bức vách, trông thấy mẫy chữ nọ thì ngỡ ngàng hỏi: “Đây... là mẫu phi ta viết ư?”
Hoàng Tử Hà gật đầu đáp: “Hình như vẫn còn nữa.”
Đoạn cô lại miết tay sang trái, mẩu than chì xanh đen mài lên nền gỗ trắc đen thẫm, dưới ánh mặt trời tạo thành một vệt dài với đủ sắc độ đen khác nhau. Trên đó là những vết khắc vừa nông vừa xiên xẹo, tổng cộng có mười hai chữ: Đại Đường sắp mất triều đình rối loạn họa từ Quỳ vương. Ngoài ra, không còn gì nữa.
Hoàng Tử Hà lục tìm khắp giường tủ nhưng không phát hiện thêm gì.
Cô trả mảnh than chì vào hộp trang điểm, nhìn lại hàng chữ kia một lượt rồi chầm chậm rút khăn tay của mình ra lau sạch đi.
Lý Nhuận đứng trước cửa, lúng túng nhìn Lý Thư Bạch: “Tứ ca...”
Trái lại, Lý Thư Bạch chỉ bình thản vỗ nhẹ vai y: “Ta biết. Ta sẽ bắt tay vào điều tra mọi chuyện năm xưa, để xem rốt cuộc là kẻ nào đứng sau thao túng tất cả.”
Dọc đường về, Lý Thư Bạch và Hoàng Tử Hà ngồi trong xe nhìn quang cảnh phố phường trôi qua bên ngoài, đều trùng trùng tâm sự.
“Ta không thân thiết với Trần thái phi.” Lý Thư Bạch nhìn cô, cuối cùng cũng mở lời.
Hoàng Tử Hà gật đầu: “Lúc tiên hoàng băng hà, thái phi phát điên, gia mới mười ba tuổi nhỉ?”
“Ừm, tuy ta ở trong cung Đại Minh, nhưng đa phần là phụ hoàng tranh thủ ghé qua thăm, chứ ta ít khi tới chỗ phụ hoàng. Những ngày cuối cùng, bên cạnh phụ hoàng luôn có Trần thái phi hầu hạ, song ta cũng ít khi chạm mặt. Từ sau khi phụ hoàng qua đời, ta không hề gặp lại bà ấy nữa.”
Hoàng Tử Hà nhẹ nhàng vuốt ve mấy món trang trí bên cửa sổ, trầm ngâm đáp: “Tại sao Trần thái phi cứ đinh ninh ghi nhớ một hoàng tử mới mười ba tuổi, lại hiếm khi gặp mặt, hơn nữa lúc đã phát điên, còn cho rằng gia sẽ làm điên đảo thiên hạ nhỉ?”
Lý Thư Bạch nhíu mày, gõ nhẹ lên bàn hỏi: “Cô nghĩ sao?”
“Ngạc vương có nói một câu mà tôi hết sức tán đồng. Chính là nếu có kẻ làm Trần thái phi phát điên thì nhất định hắn rất muốn hại gia, nên mới dẫn dụ Trần thái phi sinh lòng căm ghét gia như vậy.”
Y đặt bàn tay trắng trẻo thon dài trên bàn, trầm ngâm thật lâu mới hỏi khẽ: “Tử Hà... có tin ta không?”
Cô ngỡ ngàng nhìn Lý Thư Bạch, chẳng hiểu sao y lại đột nhiên hỏi vậy.
“Trang Chu mộng bướm, tỉnh dậy chẳng biết mình là người hay bướm. Khi phát hiện ra hàng chữ Trần thái phi để lại, ta chợt nhớ đến Vũ Tuyên.” Y không nhìn cô mà ngẩn ngơ nhìn quang cảnh đường phố quen thuộc trôi qua ngoài cửa sổ, “Sau khi giết hại cha mẹ cô, hắn cũng đã quên hết mọi chuyện, hơn nữa còn tin vào đủ thứ ám thị mà khăng khăng cho rằng cô mới là hung thủ.”
Hoàng Tử Hà tròn mắt nghi hoặc hỏi: “Ý gia là?”
“Có lẽ hồi mười ba tuổi ta đã làm chuyện gì đó khiến Trần thái phi nhớ mãi không quên?” Đôi mày y nhíu lại, ánh mắt hướng ra ngoài cũng dao động theo nhịp rung lắc của xe, “Con cá đỏ thình lình xuất hiện trong đời ta và con cá đã biến mất cùng đoạn ký ức quan trọng kia của Vũ Tuyên, có quan hệ gì đây?”
Mọi thứ thứ trước mắt bỗng chốc chìm vào sương mù, không sao trông rõ được.
Hoàng Tử Hà bất giác sinh lòng nghi hoặc, liệu có phải cỗ xe đang lộc cộc lăn đi này, quang cảnh đường phố trôi qua ngoài cửa kia, cùng Lý Thư Bạch ngay trước mặt chỉ với tay ra là chạm đến, cũng là hư ảo không?
Ký ức của họ rốt cuộc là giả hay thật? Cuộc đời của họ cho đến bây giờ liệu có từng bị bóp méo, thêm nếm thứ gì đó mà họ tin chắc, rồi lại xóa bỏ thứ gì đó mà họ khắc cốt ghi tâm chăng?
Bên trong xe nhất thời rơi vào im lặng. Cả hai đều làm thinh, tựa hồ có một áp lực nặng nề khủng khiếp đang đè lên họ, đến hít thở cũng chậm chạp khó khăn.
Một hồi lâu sau, Hoàng Tử Hà mới nhẹ nhàng giơ tay ra, ấp lên tay y: “Bất luận chân tướng cuối cùng ra sao, tôi chỉ biết, tất cả những gì chúng ta từng trải qua đều là chân thực... Ít nhất thì tình cảm giữa đôi bên hiện giờ là thực.”
Lý Thư Bạch lặng lẽ nâng hai bàn tay cô lên, vùi mặt vào. Hoàng Tử Hà cảm giác được hơi thở nặng nề mà rối loạn của y phả vào lòng bàn tay mình.
Y từng dựa vào chỉ tay, những đường chỉ tượng trưng cho số mệnh cả đời mà nhận ra thân phận của cô, song giờ đây, hơi thở của y đã vương vào cuộc đời cô, để lại dấu ấn vĩnh cửu trong huyết mạch, đời đời kiếp kiếp, cô cũng không thể lãng quên.
Chẳng biết bao lâu sau, xe ngựa dần chậm lại, bên ngoài có người bẩm: “Thưa gia, đã đến bộ Công.”
Lý Thư Bạch ngẩng lên, ấp tay cô trong hai bàn tay mình, im lặng một thoáng rồi nói: “Vào thôi.” Giọng đã lại lạnh lùng trầm thấp. Ra khỏi xe ngựa, rời khỏi không gian chỉ có hai người, y vẫn chỉ có thể là Quỳ vương gia lạnh lùng cứng cỏi, không bao giờ biết sợ.
Hoàng Tử Hà lặng lẽ theo sau y, bước qua cổng lớn.
Trong lúc Lý Thư Bạch bàn luận với Lý Dụng Hòa, Hoàng Tử Hà ngồi trong đại sảnh. Giờ cô là nữ tử, ngồi được một lúc đã bị vô số quan viên xì xầm bàn tán, bèn đứng dậy ra mảnh vườn đằng trước ngắm hoa cúc.
Đã sắp đến tháng Mười, hoa cúc nhuốm sương, bắt đầu tàn úa. Cô lơ đãng ngắm, thầm nghĩ đến hàm nghĩa bốn chữ “họa từ Quỳ vương” thì có người xăm xăm chạy đến gọi to: “Sùng Cổ! Quả nhiên là ở đây!”
Truyện khác cùng thể loại
16 chương
14 chương
206 chương
48 chương
12 chương
117 chương
118 chương