CÔ LẬP, KÌ THỊ VÀ NHỮNG LỜI CHỈ TRÍCH Khi nói về lòng tự trọng, nó là một góc rất tối trong tâm hồn của mỗi người. Tại đó mỗi cá nhân đều có những đánh giá nhất định về chính bản thân mình. Nếu tự đánh giá về mình không đúng, sẽ bị coi là ảo tưởng. Nếu thể hiện ra bên ngoài quá nhiều thứ sai sự thật, sẽ bị coi là giả tạo. Vậy như thế nào mới là lòng tự trọng chân chính? Đó chính là tâm thái kiên định, bất kể những gì người khác nói về mình. Đó là một vấn đề của tính cách và quá trình rèn luyện để hình thành nó. Giống như trong mẩu chuyện, “đứa trẻ nhỏ và những viên kẹo.” Chuyện kể: “Mỗi ngày bạn đều cho một đứa trẻ ăn kẹo. Bạn làm điều ấy rất thường xuyên và vui vẻ. Đứa trẻ ấy cũng có vẻ rất yêu bạn. Mỗi ngày thấy bạn, nó đều cười tươi và chạy đến nhận kẹo. Nhưng rồi một ngày, bạn xoa đầu nó và bảo: "Hết kẹo rồi". Bỗng dưng bạn thấy nó rất khác. Nó gào ầm lên rằng bạn keo kiệt, bạn xấu xa. Hoặc nó đi khắp nơi để nói xấu bạn.” "Triết lý viên kẹo," có nghĩa là khi bạn cho ai khác một thứ gì, nhiều khi họ sẽ không nghĩ ấy là món quà, họ nghĩ đó là bổn phận, là trách nhiệm. Và khi bạn không cho thứ mà họ muốn nữa, họ sẽ lập tức trở mặt với bạn. Với nhiều người, cho dù bạn có cho họ kẹo mỗi ngày, thì họ cũng chỉ nhớ mỗi một ngày mà bạn đã không cho. Lòng tự trọng của bạn trong tình huống đó, nhiều ít sẽ bị tổn thương, đúng chứ? Vậy nên, như đã nói ở trên: “Lòng tự trọng chân chính, là tâm thái kiên định bất kể những gì người khác nói về mình.” Để làm được điều đó, bạn phải trở thành hình mẫu có suy nghĩ và lối tư duy độc lập. Khi còn bé, sự lệ thuộc vào người lớn khiến chúng ta có xu hướng trở thành như những gì được chỉ bảo, đánh giá hay khen ngợi. Nhưng sự trưởng thành là một quá trình dạy cho chúng ta nhận thức ra lối tư duy độc lập. Dễ thấy nhất ở độ tuổi thanh thiếu niên, những bất đồng trong tính cách và tâm lý của lứa tuổi này, biểu hiện rất rõ mong muốn thoát khỏi sự kiểm soát của người lớn. Chỉ là khi trưởng thành hơn, chúng ta mới có được những kinh nghiệm, kiến thức và sự từng trải nhất định cho tính đúng sai của mỗi quyết định mà chúng ta đưa ra. Lòng tự trọng khi ấy, được thể hiện qua những thành tích mà chúng ta đạt được, qua thái độ tích cực đối mặt với vấn đề. Và nổi bật nhất chính là qua trách nhiệm của bản thân cho những gì chúng ta đã làm, đang làm và sẽ làm. Chúng ta ai cũng thích được khen ngợi, hoặc ít nhiều đều sẽ phản ứng lại những lời chỉ trích thông qua một hành động cụ thể. Hãy hiểu, đôi khi cách chúng ta nghĩ về vấn đề mới thực sự là một vấn đề. Vì không phải lời khen nào cũng đúng với sự thật, hay lời chỉ trích nào cũng đều mang một mục đích xấu xa. Điều duy nhất chúng ta có thể làm, là kiểm soát tốt suy nghĩ của bản thân. Để làm được điều đó, hãy thực hành những điều sau: (1) HÃY BAO DUNG: Chúng ta không thể trách mắng, quở phạt một đứa trẻ chỉ vì nó không thể hiểu được những ứng xử mà một người lớn nên làm. Đôi khi, chính những người lớn như chúng ta cũng cần phải học cách bao dung như những đứa trẻ. (2) HÃY TỬ TẾ: Một hành động tử tế là thứ có sức mạnh lan toả. Cách bạn ứng xử lịch thiệp với người khác, ngay cả khi họ đang nóng giận, thể hiện một nguồn sức mạnh nội tâm vô cùng mạnh mẽ. Càng tử tế với người khác bạn sẽ càng nhận được thêm những nguồn năng lượng tích cực liên tục đến với mình. (3) HÃY TRUNG THỰC: Biểu hiện cao quý nhất của mối quan hệ giữa con người với nhau chính là sự trung thực. Mọi mối quan hệ bền vững và tốt đẹp đều có những khởi đầu từ đó. Người có đức tính trung thực sẽ luôn được đánh giá cao hơn cả, cũng như triết lý đơn giản mà hầu như tất cả chúng ta đều biết: “Muốn được người khác tôn trọng, hãy học cách tôn trọng họ trước.” (4) HÃY THA THỨ: Chúng ta sẽ chẳng bao giờ có thể trở thành một cá thể hoàn hảo về mọi mặt. Những sai lầm, vấp ngã là điều kiện tiên quyết trong quá trình trưởng thành về mặt nhận thức của mỗi cá nhân. Vậy nên, hãy học cách tha thứ cho chính mình, cũng như những người khác. Từ đó, bạn cũng sẽ có được lòng bao dung, sự tử tế và cái nhìn trung thực trong mọi vấn đề khi nó diễn ra. Cuối cùng, hãy nhớ những điều mà Eleanor Roosevelt từng nói: “Không một ai có thể làm bạn cảm thấy thấp kém, khi không có sự chấp nhận của bạn.” Hiểu rõ những điều này rồi, thì sự cô lập, kỳ thị và những lời chỉ trích, liệu có còn ảnh hưởng đến bạn được nữa hay không?