Toái Ngọc Đầu Châu
Chương 16
Toái ngọc đầu châu
Tác giả: Bắc Nam
Edit: Dú
Chương 16 – Trẻ nhỏ dễ dạy
Sóng trước chưa yên, sóng sau đã tới, Kỷ Thận Ngữ mãi mới hoàn hồn. Cậu cứ tưởng bình hoa họa tiết trăm chữ thọ và bình sứ xanh có giá trị ngang nhau, song thật sự không ngờ khi bán ra lại được mười vạn.
Điều rúng động cậu nhất là, thứ có giá cao đến vậy, chỉ là một đồ giả cổ.
Cấp bậc của đồ giả cổ phức tạp, cấp thấp nhất là hàng giả trên thị trường, sản xuất hàng loạt, người ngoài nghề cũng có thể nhìn cái là ra; bậc cao hơn kế đó, chỉ nhìn mắt thường thôi thì không đủ, phải chạm bằng tay; cao hơn nữa thì tinh xảo hơn, hoàn toàn dựa vào độ tỉ mỉ của tay nghề làm giả.
Kỷ Thận Ngữ không khỏi nghĩ ngợi, Lương Hạc Thừa có biết cái bình đó là đồ giả không nhỉ? Phải chăng ông trân trọng nó rất lâu, vẫn luôn tưởng nó là hàng thật? Cậu buông khung cửa ra, bất an xoay người đi, quên mất Đinh Hán Bạch vẫn đang đứng ngoài cửa sổ, chỉ nghĩ đến chuyện nhức nhối của riêng mình.
Giương mắt nhìn thoáng qua bình sứ xanh trên bàn học, cậu lại sinh ra sự nghi ngờ mới. Đến cả việc mình làm thứ này, Đinh Hán Bạch cũng không thể chắc chắn nhìn ra được, vậy tại sao có thể nhận định một cách chắc chắn chiếc bình hoa một trăm chữ Thọ này là giả được?
Kỷ Thận Ngữ nói ra suy nghĩ trong lòng, Đinh Hán Bạch không đáp, chỉ ngoắc tay bảo cậu đi theo.
Nhảy phắt một bước ra hành lang, Đinh Hán Bạch ném bừa chiếc túi lên bàn đá, tay trống trơn dẫn Kỷ Thận Ngữ ra tiền viện. Tiền viện rộng nhất, phòng ngủ Đinh Duyên Thọ và Khương Sấu Liễu đóng, ngoài cửa là một con mèo hoang đang nằm.
Đinh Hán Bạch hùng hổ mở cửa như tên thổ phỉ, khiến mèo hoang hoảng đến độ nhảy phắt lên cây. Hắn dẫn Kỷ Thận Ngữ vào phòng, đi thẳng đến một cái tủ thấp thì nửa ngồi xổm xuống, ngồi rồi mới phát hiện ra mình không có chìa mở khóa.
Kỷ Thận Ngữ ngồi bên cạnh: "Phù điêu gỗ lim?"
Mới vừa nãy ba hồn bảy vía loạn xì ngầu suýt xuất khiếu, giờ thấy tủ lại phấn chấn, Đinh Hán Bạch không quan tâm, lấy một chùm chìa khóa ngay tủ đầu giường, mỗi chiếc chìa có vết đánh dấu nhỏ, dựa theo dấu rồi mở khóa ra.
Hắn lấy một bình hoa ra khỏi tủ: "Cậu xem cái này đi."
Kỷ Thận Ngữ gỡ vỏ bông ra, ngạc nhiên: "Bình hoa trăm chữ Thọ!"
Chữ đề quen thuộc, xúc cảm lạnh lẽo và trắng mịn, đầu Kỷ Thận Ngữ vốn đã mông lung, nay lại thêm một chuyện kỳ lạ nữa. Đinh Hán Bạch đứng dậy ngồi bên giường, nói: "Có thể anh không xác định được lọ hoa một trăm chữ Thọ đó của cậu là thật hay giả, nhưng anh chắc chắn bình này là thật, cho nên bình kia là giả."
Kỷ Thận Ngữ hỏi: "Cái này đâu ra vậy ạ?"
Đinh Hán Bạch bật cười thành tiếng: "Là bố cậu tặng kèm theo cuốn sách ảnh đó cho bố anh, nên khóa vào tủ, không nỡ đưa ra ngoài để dính bụi."
Quanh đi quẩn lại cũng là vì duyên phận diệu kỳ, Kỷ Thận Ngữ ôm bình ngẩn ngơ, một chốc sau mới nhếch môi, nhìn Đinh Hán Bạch cười khì. Lúc này, chú mèo hoang trong viện đang kêu réo, nghĩa là có người đến.
Chưa kịp dọn hiện trường phạm tội thì Đinh Duyên Thọ đã mở cửa xuất hiện, sau khi thấy hai người thì trừng mắt, mãi sau mới quát: "Ban ngày ban mặt, hai đứa làm gì ở đây?"
Đinh Hán Bạch xách Kỷ Thận Ngữ lên, đáp: "Con kể cho cậu ấy là thầy Kỷ từng tặng bố một lọ hoa trăm chữ Thọ, cậu ấy tò mò, con cho cậu ấy nhìn."
Đinh Duyên Thọ không tính sổ nữa, bèn hỏi lại: "Mày khắc xong lọ thuốc hít chưa đó?"
Nấp trong chợ đồ cổ suốt mấy ngày nay nên đã quên sạch bài tập, Đinh Hán Bạch cãi lại cho có lệ: "Hôm nọ đi làm con dọn đồ giúp tổ trưởng khiến tay bị thương, đau không dùng lực được..."
"Xạo!" Đinh Duyên Thọ tức quá đá cửa, "Mày lại nghỉ làm, tưởng bố không biết chắc?!"
Đinh Hán Bạch không nói đối được nữa, bèn đi vòng qua chiếc bàn tròn để xông ra ngoài, nhưng rủi thay vẫn bị đá trúng một cú. Kỷ Thận Ngữ thấy vậy bèn đặt bình xuống, bảo "Sư phụ bớt giận", rồi cũng nhanh chân chạy thoát. Hai người vừa chật vật vừa buồn cười, sau khi về tiểu viện thì điều hòa nhịp thở. Kỷ Thận Ngữ về thư phòng tiếp tục làm bài tập, Đinh Hán Bạch cầm Bạch Ngọc lên rồi cũng vào phòng, phải khắc lọ thuốc hít.
Ghế kề sát nhau, Kỷ Thận Ngữ nhìn trân trân đề toán mới làm một nửa với vẻ mông lung, hướng giải đề bị ngắt.
Đinh Hán Bạch sáp đến: "Môn toán của anh không tệ đâu, giảng cho cậu nhé."
Cái giọng tự đề cử mình này rất chắc chắn, Kỷ Thận Ngữ bèn ngoan ngoãn dâng sách lên, cậu cứ tưởng Đinh Hán Bạch là kiểu người không thích học hành, đến khi giảng bài xong thì hơi thay đổi suy nghĩ.
Đinh Hán Bạch nói: "Từ nhỏ anh học Toán đã tốt rồi, hợp kinh doanh, tiếng Anh cũng ổn, hợp buôn bán to, vươn tầm quốc tế."
Kỷ Thận Ngữ bị thuyết phục trước logic này, bèn hỏi: "Vậy môn Văn tốt thì hợp cái gì ạ?"
"Văn tốt à?" Đinh Hán Bạch khựng người, "Văn tốt thì có tài ăn nói, nhưng Văn tốt vẫn chưa đủ, cả Thể dục cũng tốt mới được. Bởi vì có tài biện luận dễ sinh ra đấu võ miệng, nghiêm trọng hơn thì chọc người ta đánh mình, nếu môn Thể tốt sẽ chạy được nhanh hơn, chuồn nhanh như chớp."
Kỷ Thận Ngữ cười ngặt nghẽo, úp mặt trên sách cười lăn cười bò, không biết Đinh Hán Bạch đang pha trò với cậu hay đang nghiêm túc nữa. Dần dà, trong thư phòng chỉ có mỗi tiếng cười của cậu, bất chợt, cậu ngưng cười, im bặt.
Đinh Hán Bạch cầm Bạch Ngọc đến là nóng, rốt cuộc cũng tĩnh tâm cầm dao khắc.
Tiếng giở trang giấy loạt xoạt, Kỷ Thận Ngữ chẳng gặp bài nào không giải ra nữa, thế nhưng giải thuận lợi quá khó tránh khỏi lơi là, sinh cơn buồn ngủ. Hai ngày nay cậu chẳng ngủ ngon giấc, cơn ngái ngủ như sóng gầm biển động, cúi người xuống là không nhấc nổi nữa.
Tiếng động bên cạnh ngừng lại hồi lâu, Đinh Hán Bạch chăm chú chạm khắc tò mò xoay mặt sang: "Thằng nhóc này..." Hắn thấy Kỷ Thận Ngữ đương ghé vào quyển sách ngủ ngon lành, đè nửa mặt, trong tay vẫn đang nắm bút.
Mãi đến tận khi hắn khắc xong, đứng dậy dịch ghế, Kỷ Thận Ngữ mới từ từ mở mắt.
"Còn làm bài tập nữa không đó?" Đinh Hán Bạch hỏi, "Không làm thì về phòng ngủ, bớt nhỏ nước miếng xuống cả quyển sách."
Kỷ Thận Ngữ vẫn nằm sấp: "Anh khắc xong rồi à?"
Đinh Hán Bạch gật đầu, đưa lọ thuốc hít bằng Bạch Ngọc ra, cổ ngắn vai rộng, giữa dáng lọ vuông là hình tròn, quan trọng là không hề có dấu vết chạm khắc, chỉ là một miếng đậu phụ bằng ngọc mà thôi. Kỷ Thận Ngữ ngồi thẳng dậy: "Chỉ khắc đường viền, trên mặt đá không có hoa văn, anh lười hả?"
Cậu thấy Đinh Hán Bạch không đáp, vừa suy nghĩ đã ngộ ra: "Viên đá này..."
"Ngọc Hòa Điền thượng thừa, cảm ơn cậu đã biết chọn vậy nhé." Đinh Hán Bạch hết sức hài lòng, hài lòng đến nỗi sợ khắc thêm một dao thôi sẽ để phần phụ lấn át phần chính. Đợi khi nào khoét lòng, đánh bóng thì lọ thuốc hít bằng Bạch Ngọc không một kẽ nứt này mới gọi là hoàn hảo được.
Kỷ Thận Ngữ cầm lên thưởng thức: "Sư ca ơi, tiền công của Ngọc Tiêu Ký rất cao, vậy mình tính giá của lọ này là bao nhiêu?"
Đinh Hán Bạch đáp: "Đây là lọ thuốc hít bằng ngọc được lưu hành vào thời Càn Long, gọi là "Lương tài bất trác", đã từng có một cặp được ghi chép trong sách, giá hơn mười vạn, lọ đơn lẻ này chỉ tầm ba đến bốn vạn thôi."
(*Lương tài bất trác: Lấy từ "Ngọc bất trác, bất thành khí" – Ngọc không mài giũa thì không thể thành khí cụ được, cũng như con người không được giáo dục, không học tập, rèn luyện thì không thể thành tài.)
Kỷ Thận Ngữ thích quá không nỡ rời tay: "Thế chẳng phải em có thể nhận nửa công lao hả? Đợi khi nào bán ra, em phải đi tranh công với sư phụ."
Lòng bàn tay trống trơn, lọ thuốc hít đã bị Đinh Hán Bạch đoạt lại, "Cậu mơ đẹp nhỉ." Đinh Hán Bạch xòe tay ra, giấu đồ trong tay, "Anh không bán đâu, đợi đến năm mươi tuổi rồi anh dùng."
Kỷ Thận Ngữ thấy lạ: "Còn ba mươi năm nữa mà anh đã chuẩn bị đến cả năm mươi tuổi luôn á?"
Đinh Hán Bạch nói: "Đương nhiên, năm mươi số trời đã định, tiền cũng kiếm đủ, dạy lại tay nghề lẫn tài cán cho con trai, còn anh rong chơi suốt ngày." Hắn nói đến là có lý, Kỷ Thận Ngữ bèn hỏi sinh con gái thì sao? Hắn trả lời: "Anh có nguyên tắc như này, truyền cho con trai, không truyền cho con gái."
Đùa à, chạm khắc khổ đến thế, sao nỡ để con gái mình làm được. Con gái ấy à, đi học này, làm những gì mình thấy hứng thú này, giống Khương Thải Vi là tốt nhất. Đinh Hán Bạch nghĩ vậy.
Kỷ Thận Ngữ đập tan suy nghĩ của hắn: "Thế lỡ anh không có con trai, chẳng phải tay nghề sẽ thất truyền ư?"
Đinh Hán Bạch liếc: "Bộ anh không nhận đồ đệ à? Nhưng đồ đệ anh chắc chắn phải có thiên phú cao, không thì thà không nhận còn hơn. Với cả thất truyền thì có sao, có phải tứ đại phát minh đâu*, chẳng lẽ "không được" thất truyền à?"
(*Tứ đại phát minh của người Trung Quốc gồm la bàn, thuốc súng, nghề làm giấy và nghề in.)
Kỷ Thận Ngữ chẳng cãi lại nổi, nghĩ chắc môn Văn của Đinh Hán Bạch là môn xếp nhất quá, lúc nào cũng có lời để nói. Đương lúc im lặng, cậu chợt nhớ tới Kỷ Phương Hứa, thật ra có con trai thì đã sao? Đến cả việc đốt vàng mã cúng tế cũng cách nghìn núi vạn sông, chỉ có thể báo mộng trách móc một câu "Vậy ta cũng không cảm thấy con nhớ ta" kia kìa.
Ánh nhìn cậu dừng trên chiếc bình sứ xanh, lòng tiếc nuối càng sâu hơn, Kỷ Phương Hứa dạy cho cậu tài cán này, chắc sau này cũng phải bỏ phí quá.
Đinh Hán Bạch không rõ tình hình, nhìn nương theo tầm mắt của Kỷ Thận Ngữ, hào sảng nói: "Chẳng phải cậu muốn đổi đồ à? Đã đổi cho cậu rồi đó thôi."
Quanh đi quẩn lại, bình sứ xanh lại về tay Kỷ Thận Ngữ. Cậu dở khóc dở cười, sau khi ôm bình về phòng thì dựa cửa bần thần. Lúc đó Lương Hạc Thừa đã nói mọi việc đều có số, cứ xem duyên phận, nhưng cái duyên mười vạn này xa xỉ quá, có được nó từ một ông già mắc bệnh nan y, e là giảm thọ mất.
Ba ngày sau, Đinh Hán Bạch đội mưa to đi làm, khi đến cửa Cục Di sản văn hóa thì bị một chiếc xe ba gác ngáng đường, kéo cửa kính xuống hô to với bảo vệ cửa, bảo vệ lại đẩy một ông già ra.
"Sao lại thế này?" Đinh Hán Bạch hỏi.
Bảo vệ nói: "Người thu phế phẩm của viện bảo tàng, định làm ăn ngay trong cục luôn, đuổi mà không đi."
Ông cụ đội chiếc mũ rơm, cả giày vải lẫn ống quần đều ướt nhẹp, Đinh Hán Bạch nhìn không nổi bèn nói: "Bảo ông ấy vào trú mưa đi, tôi xin cho, xem có thể giúp ông ấy làm ăn không?"
Hắn đỗ xe xong thì vào tòa nhà, bắt gặp ông cụ trú mưa ngay cửa, vừa cất bước thì ông cụ đã lấy mũi rơm xuống, mặt lộ ra, không phải Trương Tư Niên thì là ai?!
Trương Tư Niên lau nước: "Cậu còn xin nữa không?"
Đinh Hán Bạch cảm thấy cái ông này đúng là đồ gây rối, còn cách nhau một mét năm nữa thì cười phá lên: "Xin chứ, sau này ông cứ thường đến đi, có gì tốt tôi sẽ đưa ông xem, mười vạn một món phá giá cực mạnh."
Hắn dứt lời vào tòa nhà đi làm, sau khi đến văn phòng thì định viết đơn xin gửi Trương Dần, một văn phòng mà đã phê chuẩn thì những bộ ngành khác cũng lười tìm hiểu, chuyện rất chi là đơn giản. Trương Dần lề mà lề mề, lau lọ mực nước, bóp ruột bút, sau khi hút mực xong thì lau khô, cuối cùng mới ký cái tên không quá lẫy lừng của mình.
Đinh Hán Bạch hít hà, cúi đầu nương theo mùi đàn hương thì nhìn thấy chiếc lư hương nhỏ trên bàn. Thảo nào rề rà thế, thì ra là đợi hắn phát hiện nơi đây có món đồ mới, trong lư hương đặt sachet*, chắc chẳn là quý lắm, nên không chịu dùng hương thật kẻo đốt phải vách lư.
(*Sachet là một túi vải nhỏ thơm chứa đầy các loại thảo mộc, potpourri, hoặc các thành phần thơm.)
Hắn cúi người thưởng thức, nói dối hết câu này đến câu khác: "Gốm Ge* thời Tống, đẹp thật."
(*Gốm Ge: Là một loại men ngọc hoặc đồ xanh trong đồ gốm Trung Quốc – một trong năm dòng "danh sứ" celadon ngự dụng thời nhà Tống, cũng có thể gọi là gốm Ca Diêu.Là loại gốm Celadon có men phủ xám trắng và hoa văn rạn khá chặt, có nguồn gốc từ tỉnh Triết Giang vào thế kỷ 13- 15. Các phiên bản sản phẩm copy xuất hiện ngay sau giai đoạn này và trở thành phổ biến đặt biệt vào đầu thế kỷ 20, lúc này thường kết hợp với hình thức có viền rìa không phủ men hoặc khắc chạm chìm.
Lần trước tôi sơ suất nên giờ sửa lại.)
Cuối cùng Trương Dần cũng ký xong xuôi: "Đồ giả cổ thời Càn Long, là gốm Ge bình thường thôi."
"Vậy tôi nhìn lầm rồi." Đinh Hán Bạch tâng bốc đối phương lên chín tầng mây, chắc đi làm tuần này sẽ trót lọt cả thôi. Sau khi rời đi thì tất bật một chốc, mưa ngớt rồi bèn gom được hai thùng phế phẩm, Trương Tư Niên vẫn đang đứng chờ ở cửa, thấy hắn ra thì đích thân đón.
"Nhiều hơn lúc bàn điều kiện, có phải cậu chi trả sẽ hời hơn không?"
Đinh Hán Bạch thấy bị sỉ nhục: "Trả một vạn mà tôi còn không thèm chớp mắt lấy một cái, thế mà còn ham cái giá chênh lệch khi bán phế phẩm á?"
Trương Tư Niên vốn hay pha trò, bèn hí hửng nói: "Đúng rồi, chẳng phải cậu bảo cậu làm việc ở viện bảo tàng à?"
Đinh Hán Bạch cũng cười: "Ông được bán hàng rởm còn tôi thì không được dối về thông tin cá nhân chắc?" Hắn nói thẳng ra, "Khi đó ông nói cái bình nọ xuất xứ từ Phúc Kiến, có hơi "nổ" rồi đó."
Nếu Trương Tư Niên nhận thầu phế phẩm của viện bảo tàng thì chắc chắn đã dạo nơi ấy không ít lần, do đó đã trông thấy đống sứ vỡ trục vớt dưới biển đó rồi. Trương Tư Nhiên khoái trá gật đầu: "Nếu không "nổ" thì gạt cậu kiểu gì?"
Đinh Hán Bạch cảm thấy mình lại bị sỉ nhục nữa, cái giới này có ai giám định bằng miệng đâu nào, thứ chẳng đáng con mẹ nó tin nhất là miệng đó. Hắn tranh thủ buôn chuyện: "Cái bình kia dùng cách chắp vá, sở dĩ làm giả là bởi có vốn vật liệu thật, đương nhiên kỹ thuật cũng không hề tệ."
Con mắt mù của Trương Tư Niên dính mưa, đo đỏ: "Còn cách nào khác không?"
"Còn có niêm phụ, chôn cất, hoặc làm giả một bộ phận, hoặc làm giả toàn bộ." Đinh Hán Bạch đáp. Hắn đã học thuộc lòng những gì có trong "Như núi như biển", cách làm giả ba hai một, cách giám định bốn năm sáu, nhớ như in.
(*Cách làm giả của em Ngữ ở đây – chắp vá – là gắn đồ giả lẫn thật vào nhau. Niêm phụ nghĩa là gắn những thứ gây cảm giác cũ kĩ như xác bọ, đất cát trết cứng,... lên bề mặt vật. Chôn cất tức là chôn đồ giả xuống đất, tùy theo mục đích mà chôn lâu hoặc không, giả vờ như vừa được khai quật lên.)
Trương Tư Niên hỏi: "Thế cậu nhìn ra nó là giả rồi còn mua?"
Lúc đó Đinh Hán Bạch chỉ muốn nghiên cứu mà thôi, huống chi hắn thấy ba vạn chẳng là gì cả. Nhưng nếu đã nhắc đến đây rồi, hắn nổi ý xấu, nín cười nhìn đối phương. Trương Tư Niên bị hắn nhìn mà thấy mất tự nhiên, mắt mù trợn tròn bất chợt hiểu ra.
"Thằng cháu này!" Ông cụ mắng to, "Hình hoa trăm chữ Thọ là đồ giả!"
Đinh Hán Bạch dỗ dành: "Đồ giả thì cũng là hàng cao cấp đó, tôi dám nói thế này, ông mà cầm đi thử xem, chẳng ai nhìn ra được đâu, bán lại sẽ được giá cao hơn nữa đó."
Trương Tư Niên nổi giận, giận vì mình nhìn lầm, chứ nom không hề liên quan đến cái gì khác. Hồi sau bình tĩnh lại vẫn thấy là lạ: "Người Cục Di sản văn hóa giỏi thật đấy, chẳng giống mấy kẻ buôn đồ cổ, một phát ăn ngay."
Đinh Hán Bạch nói: "Khen mình tôi là được, đừng kéo cả cơ quan vào." Hắn trỏ ngược tay lên trên, "Chủ nhiệm bọn tôi mua một cái lư hương gốm Ge giả, ngu vãi, tôi mất mặt vì gã ghê."
"Sao cậu biết là giả?"
"Chiếc lư hương nhỏ đó chăng dầy dây sắt sợi vàng* lỏng, độ khó phục chế khá lớn. May là trí nhớ của tôi tốt, xưa giờ toàn chọn mấy hiện vật được bảo tồn để nhớ, nhìn từ khoảng cách giữa các sợi hơi khang khác là ra."
(*Dây sắt sợi vàng: Đặc điểm nổi bật của loại gốm Ge là vết rạn khắp toàn thân, mảng hoa văn kích thước không đều nhau, mảng lớn có màu đen sắt, mảng nhỏ có màu vàng kim, vì thế nên có cách gọi"dây sắt sợi vàng".)
Bán phế phẩm rồi nhàn nhã hồi lâu, mưa đã ngớt, Trương Tư Niên chuẩn bị đi, bèn cười, bèn hừ, hoàn toàn không nổi giận như ban nãy, mà cứ như gặp phải chuyện vui nào đó. Ông bước xuống bậc thang, ngoái đầu la to với Đinh Hán Bạch: "Cậu có muốn xem lư hương gốm Ge thật không?"
Đinh Hán Bạch sửng sốt không kịp phản ứng, bèn bị cái nhìn chém đinh chặt sắt của ông làm điếng người.
"Số 57 Sùng Thủy, đừng đến tay không, xách hai xị rượu trắng." Trương Tư Niên rút tinh quang trong mắt về, đội mũ rơm, vừa đi vừa độc thoại, "Ây, trẻ nhỏ dễ dạy."
Còn lúc này, Kỷ Thận Ngữ đã đến số 25 Miểu An, khí thế ngút ngàn, dường như sắp xảy ra chuyện gì đó.
*Chú thích:
Lư hương gốm Ge:
<img data-original-width=747 data-original-height=513 src="https://em.wattpad.com/2642e3c00d12d7e0a70f226efaf0785a8dc8b8cd/68747470733a2f2f73332e616d617a6f6e6177732e636f6d2f776174747061642d6d656469612d736572766963652f53746f7279496d6167652f703734665a5858416a61544f54773d3d2d3733373130303535332e313561323433393532633831366362373537383836383938343633332e6a7067" data-pagespeed-url-hash=429120517 onload="pagespeed.CriticalImages.checkImageForCriticality(this);"/>
Truyện khác cùng thể loại
19 chương
122 chương
28 chương
7 chương
35 chương