Mình tình cờ tìm được một bài review đặt trọng tâm vào đúng câu văn trích trong chương 28. Nói ngắn gọn thì câu văn đó cùng với tiêu đề cuốn sách là đại diện cho đợi chờ, hội ngộ và chia ly. Ai muốn skip phần giới thiệu ngắn về tác giả để đọc luôn đoạn phân tích thì bắt đầu từ đoạn thứ 5 có mũi tên chỉ vào nha. [Tạp chí Phê bình Sách New York; 2018] Tác giả bài viết: Patrick Disselhorst Dịch giả (của sách): Jane Weizhen Pan và Martin Merz "Tiểu đoàn viên" được viết trong vòng hai mươi năm, từ sau khi Trương Ái Linh tới Mỹ vào những năm 1950 đến cuối thập niên 70. Song, phải tới năm 2009, tức là mười bốn năm sau cái chết của bà, cuốn sách mới được xuất bản ở Trung Quốc, Đài Loan và Hồng Kông. Người ta nói với Trương Ái Linh rằng cuốn sách có nhiều nhân vật quá tương đồng với những người xuất hiện trong đời bà, bởi vậy, xuất bản là một việc rất rủi ro. Sau cái chết của bà ở Los Angeles vào năm 1995, The New York Times đăng một bản cáo phó nhấn mạnh sự tương phản giữa cuộc đời biệt lập tại Mỹ và tầm ảnh hưởng to lớn của bà ở Đài Loan cũng như Trung Quốc Đại lục. Từ khi tập truyện ngắn "Tình yêu khuynh thành" được xuất bản năm 2007, tầm ảnh hưởng của Trương Ái Linh dần được mở rộng trong cộng đồng người đọc sách tiếng Anh. Những câu chuyện trong "Tình yêu khuynh thành" được bà viết ở Thượng Hải vào đầu những năm 40, mốc thời gian chạy song song với các sự kiện trong "Tiểu đoàn viên", dù bà ít nhắc tới độ nổi tiếng của các tác phẩm bà viết. 2015 là năm "Naked Earth" (dịch thô: Trái đất Trần trụi) bản tiếng Anh được xuất bản. Trương Ái Linh viết tiểu thuyết này ngay trước khi di cư sang Mỹ. Trước đó, bà sống ở Hồng Kông vài năm và làm phiên dịch viên cho Sở Thông tin Hoa Kỳ. Bà cũng được đề nghị viết các tác phẩm chống Cộng sản, một trong số đó là "Naked Earth" được bà tự mình dịch sang tiếng Anh. "Bán sinh duyên", có lẽ là tác phẩm nổi tiếng nhất của Trương Ái Linh, được xuất bản năm 2016 với một bản dịch mới. Trong lời giới thiệu về "Tình yêu khuynh thành", dịch giả Karen S. Kingsbury đặt tác phẩm của Trương Ái Linh trong bối cảnh lịch sử. Bà Kingsbury cho rằng Cộng hoà Trung Hoa, trong bốn thập kỉ tồn tại, "bị ảnh hưởng từ bên trong bởi Phong trào Tân văn hoá (1), một phong trào cổ vũ những hình thức hiện đại (và gần như thuộc về phương Tây) của lòng yêu nước, khoa học, và quyền cá nhân, bao gồm quyền cho phụ nữ." Người ta có thể đọc tiểu sử ngắn về cuộc đời Trương Ái Linh trong phần giới thiệu của Kingsbury và dễ dàng nhầm tưởng đó là lời kể lại giản dị, thiếu trau chuốt về những sự kiện trong "Tiểu đoàn viên", cuốn sách mà các độc giả Trung Quốc không được tiếp cận cho tới vài năm sau bài viết của Kingsbury. Các sự kiện tương đồng với nhau tới mức ấy. (1) Phong trào Tân văn hóa từ giữa thập niên 10 đến thập niên 20 là cuộc vận động văn hóa chính trị, khởi xướng bởi sự vỡ mộng với văn hóa Trung Quốc truyền thống sau khi Trung Hoa Dân Quốc thành lập năm 1912 không giải quyết được các vấn đề của nước (Wikipedia). =====> Câu chuyện của "Tiểu đoàn viên" không đi theo tuyến tính thời gian. Cửu Lị, ở thời điểm đã trưởng thành hơn và đang sống tại New York, lần theo hồi ức của mình: từ khung cảnh thời thơ ấu trong ngôi nhà với người cha nghiện thuốc phiện tới những tháng ngày học ở trường Thiên chúa giáo tại Hồng Kông vào đầu Thế chiến Thứ hai. Câu chuyện dần hé lộ trọng tâm của nó: mối quan hệ của Cửu Lị với mẹ mình, Nhị Thu, và mối tình nghiêm túc đầu tiên với Chi Ung, một gián điệp cho phe Nhật. Văn chương của Trương Ái Linh thường được các nhà phê bình ngợi ca bởi sự độc đáo khi tách biệt khỏi chính trị. Song, theo cảm nhận của tôi, không phải chính trị không được ưu tiên, mà là tác động của chiến tranh, chủ nghĩa dân tộc và những cuộc nổi dậy đối với cuộc đời nhân vật đã thay đổi bản chất của các mối quan hệ. Như dịch giả chú thích, tựa đề "Tiểu đoàn viên" ám chỉ nhiều lần mẹ Cửu Lị và người yêu cô, Chi Ung, trở về từ nơi ngoại quốc xa xôi sau thời gian dài chia ly. Sự cô độc và nỗi trăn trở của Cửu Lị khiến những cuộc hội ngộ không được trọn vẹn. Cuộc đời cô ghi dấu bởi những đợt vắng mặt đột ngột sau thời gian dài chung sống. Ký ức của Cửu Lị bóp méo độ dài của khoảng lặng đợi chờ. Những cảm xúc mạnh mẽ loé lên một cách rời rạc đã chia cắt chiều dài thời gian - những thói quen như ăn, nói, hay sống bên cạnh người khác đều hoà thành một thể. Thói quen tầm thường sẽ trở nên khó phân biệt nếu nó lặp lại ngày này qua tháng nọ. Câu chuyện mở đầu bằng suy tư của Cửu Lị: "Tiếng mưa rả rích như ngồi bên khe suối." Cửu Lị viết vào cuốn vở khi sinh nhật tuổi ba mươi đang cận kề. "Tôi thà rằng ngày ngày trời mưa, rồi ngỡ như người vì cơn mưa mà không tới." Khi gợi lên hình ảnh cơn mưa dai dẳng, Trương Ái Linh khắc hoạ một chuyển động vĩnh viễn không bao giờ đổi thay. Trương Ái Linh được người ta gọi là Joan Didion của Trung Quốc. Bà là một nhà văn hoa mỹ, và cuốn sách này miêu tả một cách tinh tế xúc cảm đê mê khi hai cơ thể gặp nhau và chạm vào nhau lần đầu sau nhiều tháng biệt ly. Phần bên ngoài chạm tới phần bên trong. Trong đoạn văn kể lại cuộc gặp gỡ bí mật giữa Cửu Lị và người tình Chi Ung, lời văn cho thấy sự tách biệt giữa môi trường bên ngoài và khung cảnh bên trong đang tan rã. "Đôi chân cô không quá gầy gò, phía trên đôi tất lộ ra một vùng da trắng mịn. Anh vuốt ve nơi đó. "Một người tuyệt vời nhường ấy lại cho phép tôi được gần gũi tới bực này." Cơn gió nhẹ ve vuốt những tán cây cọ. Thuỷ triều dâng lên bờ cát, còn đường thẳng màu trắng rong ruổi và kéo dài mãi tới đường chân trời, cứ nhẹ nhàng dâng lên rồi lại rút về, nhưng thoạt nhìn lại ngỡ như đang bất động. Cô muốn những cảm xúc này trở thành vĩnh cửu, hay ít nhất là hãy để cô đắm mình trong sự trường tồn đặc biệt thêm chút nữa." Lời văn của Trương Ái Linh tạo ra mối dây liên kết giữa chuyển động của làn gió và con sóng gần đó với xúc cảm từ cái ve vuốt của Chi Ung. Sự hoà hợp của cơ thể không chỉ kết thúc ở điểm chạm của làn da. Cửu Lị không tách biệt các cảm quan, thay vào đó, cô mở lòng mình với mọi cảm xúc mà tình huống cũng như trải nghiệm với tình huống ấy đem lại. Với nỗi khát khao về "sự trường tồn đặc biệt," Trương Ái Linh bao trùm lên Cửu Lị một nỗi u sầu. Có thể thấy rõ câu chuyện được kể dưới góc nhìn của một Cửu Lị trưởng thành hơn, một Cửu Lị đã nếm trải tất thảy những gì tiểu thuyết kể lại. Cửu Lị của thì tương lai phải sống đơn độc một mình với sự thấu hiểu chua chát rằng niềm hạnh phúc tột cùng khó nắm bắt biết bao. Cuộc đoàn viên, một khái niệm được nhấn mạnh trong tiêu đề của cuốn sách, ám chỉ tính tạm thời - một cuộc đoàn viên rồi sẽ phải đi tới hồi kết - và có những niềm hạnh phúc tột bậc chỉ có thể đạt được khi ở bên người khác - một người khác đồng nghĩa với những khát vọng và những nhân tố nằm ngoài tầm kiểm soát của chính mình. Như lẽ tất nhiên, thì tương lai ám chỉ một tương lai mà sự chia cách và biệt lập là vài điều hiếm hoi bản thân còn điều khiển được. Cũng như kí ức, cuốn sách đi lạc khỏi những khoảnh khắc bừng tỉnh. Sau khi Cửu Lị biết được từ lời kể của dì Sở Đệ rằng Nhị Thu đã có những mối quan hệ cấm đoán và phải phá thai vài lần, cô nhớ lại thời thơ ấu của mình và điều chỉnh lại cơn sốc ban đầu. Trương Ái Linh viết: "Cửu Lị càng nghĩ càng cảm thấy cô đã biết ngay từ đầu. Sau khi những vị khách buổi trà chiều ra về còn Cửu Lị đi xuống từ mái nhà, cô nhận ra hương vị tình dục trong phòng ngủ và chiếc giường được dọn một cách cẩu thả - chăn ga không được phẳng phiu và mọi thứ trong căn phòng đều có vẻ hơi bừa bộn. Tất nhiên, đó chỉ là ấn tượng thoáng qua rồi bị gạt đi rất nhanh." Xét trên nhiều khía cạnh, "Tiểu đoàn viên" là một cuốn tiểu thuyết về tuổi mới lớn. Cũng như những tác phẩm khác cùng thể loại, nhân vật chính khát khao được sống trong một thế giới vượt ra ngoài hoàn cảnh sống xung quanh. Việc mẹ thường xuyên đi tới châu Âu đã để lại ấn tượng trong lòng cô (Cửu Lị so sánh bà với nhân vật trong một quyển tiểu thuyết Anh), và cô thất vọng khi kế hoạch học trường nội trú ở châu Âu bị gián đoạn vì chiến tranh nổ ra. Tình yêu, và thứ tình yêu mà Cửu Lị mường tượng cho bản thân, là một lối thoát khác. Cửu Lị kì vọng "mối tình đầu" sẽ có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Nhưng khoảng cách luôn ở đó. Khoảng cách địa lý khi mẹ và Chi Ung cứ về rồi lại đi, cũng như khoảng cách được gợi lên lúc hồi tưởng về một lịch sử tuy gần kề nhưng sẽ mãi mãi lùi về phía xa. Tác phẩm của Trương Ái Linh khắc hoạ thời gian chờ đợi dài đằng đẵng, chờ đợi một ai đó về với cuộc đời mình. Những khoảng lặng dai dẳng ấy hoà vào nhau thành các thói quen trôi nổi - những hành động tương đồng, lặp đi lặp lại - để rồi bị chia cắt bởi kích động đột ngột. Nguồn: Little Reunions - Eileen Chang | Full Stop - Patrick Disselhorst