Phong hy sinh cuộc vui với đám bạn vì An. Cậu cũng không dùng giọng điệu hống hách ngày thường mà ra lệnh nữa, thay vào đó, Phong chỉ nhẹ giọng đề nghị “được” sánh bước ngoài đường và ngắm nhìn những chùm pháo hoa nổ đùng đoàng trong đêm Giao thừa cùng con bé. Lại còn “hai bọn mình thôi” nữa chứ, An nghe mà nhộn nhạo hết cả ruột gan. Nỗi phiền muộn vì câu chuyện dỗi hờn của hai bằng hữu cùng cơn thèm nem chua rán lên đến tột đỉnh bỗng nhiên tan biến sạch, như chưa hề tồn tại. Mặc dù trong lòng đang gào thét sung sướng và cái đầu thì gật như băm thịt nhưng An vẫn hết sức kìm nén, giả bộ cao giọng:  “Chết thật, khi nãy bao nhiêu người rủ tớ đi chơi cơ nhưng may cho cậu là tớ vẫn chưa nhận lời ai đâu đấy. Chẹp, tớ đồng ý. Nể cậu lắm đấy nhá.”  Dứt lời, An bèn nhanh nhảu cúp máy cái rụp, rú rít om sòm và cười vang sang sảng. Cái điệu cười đậm chất phù thủy cưỡi chổi này nếu để Phong nghe được thì thật xấu hổ quá và cái giá mà khó khăn lắm An mới lôi lên được chút ít sẽ lại nhanh chóng tụt dốc không phanh mất thôi. Ngày 30 Tết ngoài đường ùn ùn người qua lại, vậy mà An không biết ngại là gì, hồn nhiên la ói ỏm tỏi, nhảy nhót loạn xạ. Đúng chuẩn bộ dạng của người đang chìm trong “bể sướng”. Chẳng bù cho Hoài Phong, mặt đen kịt lại hệt cái đít nồi bị đun bếp củi lâu năm. Cậu hạ mình xuống, An lại được thể vênh mặt lên. Cậu còn chưa nói xong, An lại dám tự ý dập máy. Tuy An nhận lời đấy nhưng câu trả lời này thật khiến Phong không mấy hài lòng. Ban nãy chỉ vì nhìn thấy được gương mặt ủ rột của An mà Phong cắn răng chai mặt chịu đựng hàng tá câu chửi rủa của đám bạn thân, nhất quyết bỏ rơi lời hứa tụ tập với chúng nó. Vậy mà con bé đáng ghét ấy dám dùng giọng điệu và thái độ đó để đáp trả lại tấm thịnh tình của cậu. Phong ức nhưng chẳng thể làm gì hơn. Quay lại đi chơi cùng hội bạn cũng không được, mà lật mặt nuốt lời với An lần nữa cũng không xong. Thôi thì đành ngậm đắng nuốt cay vậy. Hoài Phong banh miệng rộng hết cỡ và nuốt trọn miếng bánh chưng to oành, vừa nhai vừa lúng búng lẩm nhẩm:  “Đồ chân ngắn, cứ chờ đấy. Sẽ có lúc tao xử mày như xử miếng bánh chưng này.”  An vẫn đứng trên đoạn đường đó và thản nhiên múa may quay cuồng trước cái nhìn kỳ dị của cơ số người đi ngang, con bé vui đến độ không thể chuyên tâm lái xe về nhà. Đang lúc hí hửng, một ý nghĩ chợt lóe lên trong đầu, An tặc lưỡi và búng tay cái tách rồi định lôi điện thoại ra gọi cho ai đó. Vừa hay khi ấy tiếng nhạc chuông vang lên, An chẳng thèm liếc nhìn màn hình mà áp điện thoại lên tai nghe luôn, tuôn ra cả tràng dài:  “Tớ cũng đang muốn gọi cho cậu đây Phong. Tối nay đừng đi sớm quá nhớ, vì tớ còn muốn xem Táo Quân nữa cơ. Nên là đợi hết chương trình rồi cậu hãy đến đón tớ. Với cả... bọn mình mặc áo đôi đi.”  “Ơ… Là tao, Băng mà.”  Lệ Băng gọi cho An vốn để thông báo mình đã hoàn toàn thất bại trong việc đả thông tư tưởng cho Linh. Ngồi ỉ ê tâm sự đến cả buổi mà Linh vẫn bướng bỉnh chu mỏ lên bảo vệ lý lẽ của mình đến cùng, Băng cũng đành phất cờ trắng chào thua. Kỳ và Linh chắc chắn không ra khỏi nhà rồi, tuy rằng hội bạn bốn người vì thế mà thiếu đi hai mảnh, song Băng nghĩ tội cho An nên định gọi điện rủ con bé đi chơi tối nay. Thật buồn là lại nghe được lời nói kia. Băng thừa thông minh để hiểu ra một điều, rằng An và Phong đã lên lịch hẹn hò cho đêm Giao thừa này. Lại cả áo đôi nữa, Băng không ngờ họ đã tiến triển nhanh đến thế. Nuốt nỗi buồn vào trong, Băng đều đều đáp, vờ như không để ý đến những điều An vừa nói:  “Linh không nghe tao khuyên đâu, hai đứa nó hôm nay trói gối ngồi nhà rồi. Chúng nó tâm trạng nặng trĩu người như thế, tao cũng chẳng thiết đi chơi nữa đâu. Mày đi thì đi, tao ở nhà thôi.”  Tình cảm nhưng cũng rất đỗi vô tâm, hai tính cách trái chiều ấy đều song song tồn tại trong con người An. Có khi thì vô cùng nhạy cảm và dễ mủi lòng, sẵn sàng hy sinh, từ bỏ mọi thứ vì những người thân yêu. Lắm lúc lại quá hờ hững, vô tâm không để ý tới xúc cảm và tâm trạng của mọi người chung quanh, rồi vô tình làm tổn thương đến họ. Như lúc này đây, An chẳng nhận ra được chút tủi hờn nào trong câu nói của Băng, dù rằng trước đó con bé cũng ngờ ngợ về việc cô bạn thân có “ý đồ” với “đối tượng” của mình. Rất vô tư, An đáp:  “Ừ, thôi kệ bọn nó đi. Cũng kệ luôn cả mày đấy, tối nay tao có kế hoạch riêng rồi, phải đi chứ. Thế nhá, hẹn năm sau gặp lại.”  An cúp máy rồi mà Băng ngẩn ngơ cầm chặt điện thoại trên tay, đầu óc suy nghĩ vẩn vơ về mối quan hệ giữa An, Phong và chính bản thân mình. Băng ấn tượng với Phong ngay từ lần đầu gặp mặt. Đó là một cậu con trai với vẻ ngoài bất cần, ngổ ngáo và có phần lạnh nhạt, vô tâm với những người bên cạnh. Nhưng sau mấy lần cùng cô chủ nhiệm tới nhà Phong, tận mắt trông thấy nụ cười ấm áp và sự quan tâm cậu dành cho cô em gái, Băng đã có cái nhìn khác về cậu. Nhất là khi hiểu được hoàn cảnh của Phong có phần giống với cuộc sống của mình, Băng càng thấu hiểu và dành một tình cảm đặc biệt cho cậu. Thứ tình cảm ấy cứ lớn lên từng ngày, song Băng lại quá nhút nhát để có thể thổ lộ tất cả với Phong. Băng chọn cách im lặng, đơn phương đứng dõi theo cậu từ phía sau. Rồi một ngày nọ, cô bạn thân tên An gặp Phong và chết đứ đừ cậu con trai ấy ngay khi vừa chạm mặt. Lúc đầu, Băng thực sự không nghĩ ý định “cầm cưa” của An sẽ thành công vì Băng tin với tính cách của mình, Phong chắc hẳn chẳng ưa nổi những cô nàng như An. Nhưng tình cảm là thứ khó nói, Băng nào có ngờ rằng Phong có thể vì An mà làm nhiều chuyện tưởng chừng như không bao giờ xảy ra trong cuộc đời cậu đến vậy cơ chứ. Cậu đã cõng An suốt đoạn đường dài trong cái nắng gay gắt mà chẳng màng đến những ánh mắt săm soi của người qua đường. Cậu còn vì khúc mắc của An với mấy bạn nữ đành hanh kia mà chấp nhận bị nhà trường kỷ luật, đình trỉ ba ngày liền. Đã vậy, cậu cũng chẳng trách móc An lấy nửa lời, ngược lại còn nhiệt tình đưa đón An đi học vì lo sợ hội bạn kia vẫn tiếp tục tìm đến gây khó dễ cho con bé. Trong khi Băng hết lời nói đỡ cho Phong với Ban giám hiệu nhà trường thì An lại vô lo vô nghĩ, chẳng mảy may hay biết đến mức kỷ luật mà Phong đang chịu. Vậy mà, cách đối xử của Phong dành cho Băng và An sao lại khác xa nhau đến thế?!  Phải mất mấy phút sau, Băng mới gượng môi nhếch lên được nụ cười đượm buồn. Soi mình chăm chú trước gương và khẽ thở hắt ra một hơi, Băng tự nhủ sẽ chôn vùi thứ tình cảm này xuống thật sâu dưới tận đáy lòng:  “Nghĩ về ông nốt hôm nay thôi, từ ngày mai tôi sẽ đá văng ông ra khỏi đầu, không tơ tưởng gì hết. Yên tâm đi An, tao nói là làm.”  *​  Bảo An đặc biệt yêu thích chiều 30 Tết vì khi ấy con bé sẽ được ngâm mình trong bồn nước ấm nghi ngút khói và thơm thơm hương lá mùi già. Mẹ bảo đây là một phong tục của người dân Việt Nam. Tắm lá mùi chẳng những giúp gột rửa bụi trần, rũ bỏ những phiền muộn, xúi quẩy của năm cũ mà còn khiến cho tâm tư, đầu óc được thoải mái, mở cửa tinh thần đón chào những điều may mắn của một năm mới sắp tới. Chính vì lẽ ấy mà An ngồi thư thả trong bồn nước đến cả tiếng đồng hồ vẫn chưa chịu ra ngoài nhường chỗ cho mẹ, lượng lá được bỏ vào cũng nhiều gấp đôi mọi lần.  “Chà chà, thế này thì năm nay thuận buồm xuôi gió lắm đây. Câu chuyện tình giữa bạn Bảo An hoàn hảo và cậu Hoài Phong… chẳng được cái nước gì chắc hẳn sẽ thành công mỹ mãn.”  Vỗ tay đôm đốp mấy cái, Bảo An bắt đầu lim dim mắt và mơ về cái kết đẹp tựa cổ tích cho mối tình đơn phương đã kéo dài ngót nghét một năm trời của mình. Đang lúc mơ mơ màng màng lại bị tiếng mẹ phũ phàng gọi cửa cắt ngang:  “Nhanh lên An ơi. Trời rét thế này mà cứ nghịch nước suốt thôi. Cảm cúm ngay giữa ngày 30 thì mất Tết con ạ.”  Tuy hơi bức xúc vì bị cắt đứt mạch cảm xúc nhưng nghe mẹ nói thế An cũng hơi rùng mình. Hôm nay quả thật rất lạnh, ngâm người trong nước từ bấy tới giờ không chừng ốm thật cũng nên. Và như thế, tối nay làm sao mà đón khoảnh khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới cùng Phong được. Bảo An phải nhanh nhảu lên thôi.  “Con xong rồi đây ạ.”  Bảo An chẳng xem chương trình Táo Quân như lời đã nói với Phong ban sáng, chỉ là con bé muốn có thêm nhiều thời gian để chuẩn bị cho mình một diện mạo thật lung linh trước khi ra ngoài cùng Phong mà thôi. Đang háo hức thế này, An nào còn tâm trí mà xem tivi nữa chứ. Được sự đồng ý của Phong, tối nay những thỏi son và chai lọ nước hoa cuối cùng cũng có dịp được phát huy vai trò của mình. Uốn éo trước gương liền mấy tiếng đồng hồ An mới chọn được một màu son và bộ đồ ưng ý, chỉ cần xức thêm chút nước hoa nữa là xong.  “Tuyệt vời ông mặt trời!”  Dù ngoài trời hôm nay rất lạnh, cực kỳ không phù hợp để mặc cái áo khoác đôi kia nhưng An vẫn bướng bỉnh, nhất quyết “cãi ông Trời”. An đã phải khổ sở nguyên buổi tối, lục tung cả tủ quần áo mới có thể phối được một bộ đồ hợp với cái áo ấy, không thể vì chút cản trở của thời tiết mà phí hoài công sức như thế được. Hơn nữa cũng đã hẹn với Phong rồi, An phải giữ lời chứ.  Khi nãy ra khỏi nhà, An đã phải cuống cuồng vừa chào mẹ vừa lao vụt ra ngoài đường. Để mẹ nhìn thấy An mặc chiếc áo mỏng te thế này xem, kiểu gì mẹ cũng sẽ hoặc là bắt An thay bộ đồ mới ấm áp và dày dặn hơn, hoặc là nhốt An ở nhà luôn, không cho đi đâu hết. Bảo An đã vất vả là thế, cũng chỉ vì muốn được diện đồ đôi sánh bước cùng Phong long nhong ngoài đường. Nào ngờ vừa ra tới cổng, lại nhìn thấy cậu khoác trên mình chiếc áo măng tô đen sì, dày lụp xụp thật khiến An tụt hết cả hứng khởi.  “Cậu mặc cái gì đây? Đã nói là mặc áo đôi rồi cơ mà.”  Phong ngẩng mặt nhìn trời, lại đảo mắt nhòm mọi người trên đường rồi quay lại ngắm nghía An trong chiếc áo đỏ, cất tiếng nạt nộ:  “Rét căm căm thế này, đôi điếc gì nữa? Nhìn xem, có ai ăn mặc phong phanh như mày không? Đi vào trong nhà thay ngay bộ khác đi. Nhanh lên!”  Khoanh tay trước ngực, Bảo An ngang bướng quay mặt sang hướng khác, dứt khoát cãi lời:  “Hứ, tớ không lạnh, không thay đâu.”  Ngày cuối cùng của năm rồi không lẽ lại cãi nhau, Hoài Phong đành nuốt cục tức vào bụng, một lần nữa xuống nước nhún nhường. Cậu cầm cổ tay An và kéo con bé đi.  “Thì tùy đấy. Chốc nữa lạnh, cấm kêu ca.”  Hoài Phong vốn không thích cảnh chen lấn xô đẩy nên hai bạn không sang bờ Hồ ngắm pháo như mọi năm An vẫn thường làm cùng ba đứa bạn. Chiều theo ý Phong, cả hai quyết định tản bộ lên cầu Long Biên, khi đến nơi đã là hơn mười một rưỡi. Có bao nhiêu người và xe đứng thành một hàng dọc, trải dài kín cả hai bên cầu. Tranh thủ lúc đợi đến khoảnh khắc những bông pháo được bắn lên trời chào đón giây phút Giao thừa, ai nấy đều nói chuyện rôm rả, có người còn lấy cả máy ra chụp ảnh nữa chứ. Bảo An cực thích không khí náo nhiệt này.  Để làm nguôi ngoai cái giận dỗi trong An, Phong lôi từ trong túi áo ra đống hướng dương và chìa ra trước mặt An, mời mọc:  “Ăn đi cho đỡ buồn mồm. Thấy tao chu đáo không? Coi như là lời xin lỗi vì đã thất hứa, được chưa?”  Sau mấy cái liếc nhìn Phong và đống hướng dương trên tay cậu, Bảo An lắc đầu nguây nguẩy, nói giọng đầy thất vọng:  “Chẳng một chút thành ý gì cả? Tớ đã vì lời hẹn giữa chúng mình mà chịu đựng rét buốt, cố ra sức ngậm chặt răng nãy giờ để ngăn gió tràn vào phổi đây này. Giờ cậu định bắt tớ há mồm ra cắn hạt hướng dương rồi ‘nuốt’ luôn cả gió à? Nhỡ sưng phổi thì sao?”  Đúng là dạo này An được chiều quá sinh hư rồi. Nhưng lần này làm cho An chịu lạnh là tại cậu nên Phong sẽ cố nhịn thêm chút nữa vậy. Nhất định ra Tết, Phong sẽ dạy dỗ, uốn nắn lại cái đồ chân ngắn này.  “Thế giờ muốn như nào?”  “Cậu cắn sẵn ra tay đi, khi nào được nhiều nhiều tớ dốc vào mồm luôn một thể. Như thế cũng đỡ được phần nào bị gió xâm nhập vào trong cổ họng. Được không?”  Hoài Phong lườm lườm gương mặt đang vênh váo của An, bặm chặt môi kìm chế cảm xúc mấy hồi rồi từ từ thốt ra một chữ “Ờ”.  Hạt hướng dương do chính Phong bóc sẵn đối với An mà nói quả là ăn ngon hơn hẳn bình thường. Trong khi Hoài Phong đang cặm cụi cắn tách hướng dương, bất chợt từng chùm pháo hoa được bắn lên, sáng rực cả một vùng trời đen kịt. Mọi người đứng trên cầu rộ lên náo nức, Bảo An cũng thế. Con bé reo lên đầy phấn khích, hai tay vung vẩy ngang dọc thế nào mà đập thẳng miệng Phong, báo hại cậu đang cắn hướng dương liền cắn luôn cả vào môi. Đau ứa nước mắt. Đúng ra là Phong đã có thái độ gắt gỏng với An rồi đấy, cơ mà quay sang liền trông thấy An chăm chú ngắm nhìn pháo hoa, gương mặt rạng rỡ, Phong lại không nỡ quát. Đưa tay lên xoa xoa vết thương mấy cái, Hoài Phong khẽ cười nhẹ một tiếng rồi thay vì ngước mặt lên trời ngắm pháo sáng, cậu lại nghiêng đầu sang bên cạnh, thích thú nhìn An đang nhảy câng cẫng lên.  Sau màn bắn pháo rầm rộ, cũng là lúc An hắt xì liền tù tì một tràng dài vì rét. Nhớ lời Phong răn đe lúc đứng ở cổng nhà, An bèn ngoan ngoãn không dám ho he nửa lời than vãn. Bất giác, An cảm nhận được có hơi ấm đang lan tỏa, bao bọc khắp cơ thể mình. Là Hoài Phong ga lăng đã cởi bỏ tấm áo khoác dày và chùm lên người con bé. Quay sang định nói lời cảm ơn, An bỗng nhiên nghẹn cứng cổ họng khi phát hiện ra Hoài Phong không hề nuốt lời hứa. Chỉ là cậu giấu chiếc áo đôi mỏng tanh bên trong tấm măng tô giày cộp kia thôi. Thấy An cứ há hốc miệng nhìn mình mãi không dứt, Phong đưa tay lên bẹo một bên má phính đang đỏ như trái táo của An và cười đùa:  “Động kinh thì có ý. Cậu mà nói ngay từ đầu là cậu mặc áo măng tô chùm bên ngoài cái áo đôi thì lúc đấy tớ đã vào trong nhà và mặc thêm đồ rồi. Xớ!”  Nói xong, An bèn phăm phăm đi thẳng, bỏ lại phía sau là Hoài Phong vẫn đứng ngẩn tò te một mình.  Ngoài đường vẫn đông vui tấp nập, tiếng người mua kẻ bán vang lên không ngớt. Có người bán bóng, có người bán muối, có cả người rao bán những cành lộc xanh mướt lá, nặng trĩu quả. Hoài Phong thấy vậy bèn hứng chí vươn người lên định hái một cành cây.  “Muốn có lộc không? Tao hái cho.”  Bảo An nghe vậy liền ôm chầm lấy eo Hoài Phong mà hốt hoảng ngăn cản hành động phá hoại cây xanh này của cậu.  “Ê ê ê, cậu đừng có hái.”  Lần thứ hai trong ngày Bảo An phũ phàng trước tấm lòng nhiệt tình của Phong. Nhưng bây giờ thì cậu chẳng thấy khó chịu giống lúc sáng nữa, cậu dí sát mặt An nghiêng đầu khó hiểu.  “Tại sao? Tao tưởng ai cũng thích hái được lộc trong ngày này.”  Vẫn giữ nguyên tư thế đầy ám muội và dễ gây hiểu lầm đó, An lên tiếng giải thích, giọng điệu giống hệt bà cụ non:  “Xuân về là dịp cây cối đâm chồi nảy lộc sau những ngày đông trơ trụi, cũng giống như người ta vẫn hay mua quần áo mới mặc chơi ngày Tết còn gì. Thế mà giờ lại hái hết sạch lá đi như thế này. Đúng thật là…”  Phong luôn thừa nhận một điều rằng An nói rất nhiều. Và nếu bây giờ không ngăn chặn lại thì có lẽ con bé sẽ luyên thuyên đến lúc mặt trời mọc mất, lại còn trong cái tư thế “ngàn chấm” thế này thật khiến Phong khó xử biết mấy.  “Không hái nữa là được chứ gì. Giờ thì bỏ ngay cái tay ra đi An.”  Bấy giờ Bảo An mới nhận thức được đôi tay hư của mình đã tự ý đi chơi xa quá. Gương mặt vốn đã đỏ vì lạnh của An càng được thể mà nóng phừng phừng, con bé rụt tay lại và quay đầu đi tứ phía, tránh cái nhìn của Phong. Ngay sau khi bắt gặp một hàng cháo gà bên kia đường, An liền lắp bắp chuyển chủ đề:  “Tớ… tớ hơi đoi đói. Sang bên kia… ăn chút cháo đã rồi về sau.”  Khi cả hai đã yên vị bên trong quán cháo nhỏ, mặt An vẫn không bớt đỏ đi là mấy, con bé ngượng đến chẳng nhấc nổi đầu lên, chỉ biết cắm cúi húp cháo xì xụp. Còn Hoài Phong ngồi đối diện thì cứ tủm tỉm cười mãi thôi. Ăn uống no nê, đúng lúc định đứng dậy thanh toán tiền ra về, một dáng người cao lớn lù lù xuất hiện trước mặt An và lên tiếng chào hỏi:  “Chào An. Anh tên Phan Tuệ Minh, là chủ nhân của chú chó trùng tên với em đó, cũng là người đã tặng em hai cái bánh bao khi ở bệnh viện. Em còn nhớ không?”  Cả Phong và An đều đờ người, ngước mặt lên nhìn anh con trai đó. Mất một lúc lục lại hồi ức, cuối cùng An cũng bẽn lẽn gật đầu.  “À, em nhớ ra anh rồi.”  Tuệ Minh cười tươi roi rói, đưa điện thoại của mình cho An và thẳng thắn đề nghị:  “Anh với em quả đúng là thiên duyên trời định rồi. Nhớ có lần thấy em ngồi hì hục ăn cả núi kem trong quán ‘Soái ca hội quán’ của thằng bạn anh ấy, khi đó anh đã định ra làm quen với em rồi. Nhưng lại có chút sự cố xảy ra nên đành thôi. Anh vẫn tin rằng anh em mình kiểu gì cũng có duyên gặp lại, ngày nào cũng ngóng chờ, thật không ngờ lại đúng ngày hôm nay. An cho anh xin số đi. Anh chính thức tuyên bố, kể từ ngày hôm nay, anh sẽ theo đuổi em.”