Tình sử Angélique
Chương 4
Sáng hôm sau, Angiêlic đang nô chạy trên sân thì thấy một chú bé nông dân mang đến một mảnh giấy nhàu cho ông Nam tước.
- Bác quản lý Môlin muốn mời tôi đến chơi. Chắc tôi không trở về kịp trước bữa cơm chiều đâu - ông Nam tước nói với vợ, rồi đi lấy yên cương thắng vào ngựa
Đang sắp ra vườn rau với cái mũ rơm đội trên khăn choàng đầu, bà Nam tước mím môi nói:
- Cái thời chúng ta sống thật quá sức tưởng tượng! - bà thở dài - chịu để một anh láng giềng là dân thường, một tay quản lý theo đạo Tin lành tự cho mình quyền gọi ông đến nhà, mà ông lại là một người thuộc dòng dõi chính thống của vua Philip Oguýxtơ kia đấy! Tôi tự hỏi: một người quý tộc thì có công việc chính đáng gì phải giao dịch với anh quản lý lâu đài bên cạnh? Chẳng qua lại bàn chuyện mấy con la đấy thôi…
Ông Nam tước không trả lời. Bà vợ bỏ đi và lắc đầu. Trong lúc hai người nói chuyện, Angiêlic đã kịp tuôn vào bếp tìm được đôi giầy và áo khoác, rồi chạy theo bố ra chuồng ngựa.
- Con đi với bố được không, hả bố? - cô bé vừa hỏi vừa nhoẻn miệng cười thật dễ thương.
Ông Nam tước không từ chối được, đành bế con đặt lên yên. Angiêlic là đứa con gái cưng của ông. Ông thấy con thật là xinh đẹp: và nhiều khi ông mơ ước sẽ gả con cho một quận công.
Hôm đó là một ngày thu đẹp trời. Cánh rừng bên cạnh còn chưa rụng lá, phô những tán lá màu hung thẫm che lấp những mảng trời xanh lơ. Khi con ngựa phóng qua cổng lâu đài Plexi-Belie, Angiêlic vươn người ra để nhìn rõ hơn. Ở cuối lối đi có trồng hai hàng cây dẻ này, hiện lên một tòa nhà tuyệt mỹ màu trắng soi mình trên mặt hồ nước in bóng mây, tựa một cảnh trong mơ. Mọi cái đều yên lặng: tòa lâu đài theo kiểu kiến trúc phục hưng vắng người (gia chủ đã rời quê đến sống ở Triều đình), dường như ngủ say giữa những trang viên và cây xanh tốt. Từ cánh rừng Niôn cạnh đấy, một chú hươu nâu phóng vút qua những lối mòn hiu quạnh quanh khu vực lâu đài.
Nhà viên quản lý Môlin ở cách đó hai dặm, cạnh một trong những cái cổng vào trang viên. Đó là một tòa nhà xinh đẹp bằng gạch đỏ, mái lợp đá bảng xanh, dáng dấp vuông vắn và bề thế, sừng sững như để bảo vệ tòa lâu đài thanh nhã, duyên dáng theo kiến trúc Italy.
Người quản lý hình dáng cũng tương xứng với tòa nhà của ông ta. Lực lưỡng và nghiêm nghị, tự tin ở quyền hạn và vai trò của mình, ông ta dường như làm chủ thật sự đối với dinh cơ bao la này. Những người chủ có quyền sở hữu thường xuyên đi vắng. Cứ cách khoảng một vài năm, để săn bắn vào mùa thu hoặc để nhặt cỏ thơm và hoa dại vào mùa xuân, cả một đoàn các nhà quý tộc cùng phu nhân của họ kéo về đây nườm nượp, xe cộ, ngựa, chó săn và cả những đoàn nhạc công nữa. Trong mấy ngày liền chỉ toàn là hội hè, chiêu đãi, giải trí, làm kinh ngạc những điền chủ trong vùng, những người này được mời đến làm đối tượng giễu cợt mua vui. Rồi sau đó, chủ và khách đều trở về Pari; tòa lâu đài lại rơi vào cảnh im lìm, giao phó cho người quản lý.
Nghe tiếng vó ngựa phi vào sân, ông Môlin bước ra cửa, cúi mình chào nhiều lần thật dẻo, đúng với chức trách quản gia của mình. Angiêlic chả quan tâm gì đến kiểu cách quá lễ phép này, nhưng hiển nhiên là Nam tước Ácmăng cũng vừa ý lắm.
- Sáng nay tôi cũng rảnh rang một chút. Vì vậy, tôi cũng không muốn ông phải nóng ruột chờ, ông Môlin ạ.
- Thưa Nam tước, tôi rất biết ơn ngài. Tôi sợ ngài phân vân vì thấy tôi cho người đưa thư mời chăng?
- Không, tôi không thấy có gì là xúc phạm đâu. Tôi biết ông tránh đến thăm tôi tại nhà chỉ vì có Cụ tôi, vì Cụ vẫn coi ông như một người Tin lành nguy hiểm.
- Ngài Nam tước quả thật sáng suốt. Quả thật tôi không muốn ra mắt vì sợ trái ý cụ nhà, ngài Nam tước Riđuê, và phu nhân nhà ta, con người sùng đạo. Vì vậy, tôi mong muốn được thưa chuyện với ngài tại đây hơn. Và thật vinh hạnh nếu như Ngài vui lòng dùng cơm với chúng tôi, cùng cô tiểu thư nhỏ này.
- Cháu không còn nhỏ nữa đâu - Angiêlic nói cộc lốc. Cháu đã mười tuổi rưỡi rồi. Ở nhà còn Mađơlông, Đơni, và Mari-Anhét, mấy đứa đều bé hơn cháu, lại còn đứa út mới sinh nữa.
- Tiểu thư Angiêlic bỏ lỗi cho tôi nhé. Đúng đấy, là một chị gái thì cần có suy xét, cần chín chắn. Tôi thật sung sướng, nếu con bé Béctiơ của tôi học hỏi được nhiều điều ở tiểu thư. Các bà tu sĩ dạy nó ở trường vẫn nói là nó ngờ nghệch lắm, khó bảo b
- Ông cứ nói quá, ông Môlin - Nam tước Ácmăng nhã nhặn gạt đi.
“Lần này thì mình thấy ông Môlin nói đúng” - Angiêlic nghĩ thầm, vì cô ghét con gái viên quản lý, một đứa bé lầm lì, nước da nâu xạm. Đối với chính người quản lý, tình cảm của cô bé không rõ rệt lắm. Cô có phần không ưa ông ta, nhưng cảm thấy vị nể, chắc hẳn vì ngôi nhà của ông ta lộ rõ sự sung túc. Luôn luôn thấy ông ta mặc quần áo đen bằng vải đắt tiền, đi đôi giầy gót cao hợp thời trang nhất.
Mà thức ăn ở nhà người quản lý thì ngon tuyệt. Cánh mũi của Angiêlic rung rung khi mấy người bước qua phòng rộng liền cửa vào cạnh gian bếp, mọi cái đều sạch bóng. Bà Môlin cúi rạp chào, rồi quay vào bếp làm tiếp. Người quản lý đưa khách vào một phòng làm việc nhỏ, rồi gọi mang nước lạnh và rượu nho ra.
- Tôi rất ưa thứ rượu nho này - ông ta nâng cốc mời.
Ông Nam tước ngả lưng trên ghế tựa trải đệm, quan sát người quản lý với một chút tò mò. Ông hơi phấp phỏng về những gợi ý làm việc mà người láng giềng của mình sắp nêu, vì có dư luận không hay lắm về ông ta. Môlin được mọi người cho là rất giàu. Trước kia, ông ta rất khắc nghiệt đối với các tá điền. Nhưng những năm gần đây, ông ta tỏ ra dễ thương hơn, ngay cả đối với những người nông dân nghèo khổ nhất. Không ai rõ lý do sự thay đổi thất thường này. Nông dân chưa tin hẳn, nhưng vì người quản lý bây giờ đã bớt khắt khe về khoản tô và thuế phải nộp cho nhà vua và cho ông chủ là Hầu tước Plexi, nên ông ta được họ kính trọng. Miệng lưỡi độc ác thì dèm pha rằng ông ta làm thế chẳng qua để cho ông chủ của mình thêm nợ đìa. Vả lại, bà Hầu tước và con trai bà là Philip cũng chẳng quan tâm gì nhiều đến những bất động sản của gia đình y như ông Hầu tước.
Không thích thú với câu chuyện trao đổi trước mặt mình, Angiêlic lặng lẽ rời khỏi phòng làm việc, đi vào phòng lớn nơi bà Môlin đang tíu tít chuẩn bị làm bánh ngọt. Bà mỉm cười với cô bé, tặng cô một hộp mứt thơm phức. Angiêlic nếm mứt thấy thật thơm ngon. Cô đưa mắt nhìn quanh, vẻ thán phục: đồ đạc đều đánh xi bóng lộn. Ở một góc phòng, sừng sững một chiếc đồng hồ treo tường lớn. Để nhìn rõ và theo dõi tiếng tích tắc, cô bé lại gần và tiến sát phòng làm việc, nơi hai người đàn ông đang bàn bạc. Cô nghe tiếng cha nói:
- Lạy chúa, ông làm tôi bối rối, ông Môlin ạ. Người ta vẫn đồn đại mọi chuyện về ông, nhưng nói chung ai cũng có ý kiến là ông kiên quyết và thính nhạy trong việc làm ăn. Vậy mà ở đây, qua chính lời ông nói, tôi lại thấy là quả thật ông dính vào những chuyện kỳ quái khó tin quá.
- Tất cả những điều tôi vừa nói, Ngài thấy cái gì là sai trái không đáng tin nào?
- Không ư? Ông thừa biết tôi ham thích nuôi la. Tôi còn lai giống và gây được một giống la tuyệt vời. Ông đã ủng hộ tôi, mở rộng chuồng la này, lại muốn đích thân chịu trách nhiệm tiêu thụ những con la tôi nuôi được. Tới đó, mọi cái ổn cả rồi, nhưng tôi chịu không hiểu được, khi ông tính đến chuyện chúng ta ký hợp đồng dài hạn với…Tây Ban Nha. Ông bạn ơi, chúng ta đang có chiến tranh với Tây Ban Nha kia mà…
- Chiến tranh sẽ không kéo dài mãi được, thưa Nam tước.
- Tôi cũng mong thế. Nhưng ta không thể lập kế hoạch kinh doanh nghiêm túc được, nếu chỉ dựa vào một hi vọng kiểu đó…
Người quản lý thoáng mỉm cười khó hiểu, vẻ khinh khỉnh.
Ông Nam tước tiếp tục giữ ý kiến không muốn tính chuyện buôn bán với Tây Ban Nha, nước đang là kẻ thù, biên giới hai nước đang bị đóng cửa…
- Lý do cuối cùng là: tôi có ít la quá, không bõ đem ra buôn bán. Nếu muốn buôn bán thì cần có nhiều tiền và phải chuẩn bị hàng năm kia. Điều kiện tài chính không cho phép tôi làm cuộc thí nghiệm này…
- Xin ngài Nam tước vui lòng tính lại xem, Ngài hiện đã có bốn con la giống cực hiếm, mà còn có thể tậu thêm nhiều gấp bội của những nhà quý tộc nhỏ quanh đây. Việc này ngài làm được dễ dàng hơn tôi nhiều. Lừa cái thì có thể mua vài trăm con dễ dàng, giá chỉ từ mười đến hai mươi livrơ một con. Và nếu đào thêm mương rãnh để thoát nước ở các vùng bãi lầy, những đồng cỏ sẽ tốt hơn. Tôi tin rằng với hai mươi nghìn đồng livrơ, công việc làm ăn này sẽ có cơ sở khả quan, và sẽ thu lãi chỉ sau ba hay bốn năm thôi.
Ông Nam tước thấy chóng cả mặt:
- Chà chà! Ông tính chuyện quy mô lớn thật đấy! Hai mươi nghìn livrơ! Ông coi trọng mấy con la xoàng xĩnh của tôi đến thế kia à, quanh đây người ta vẫn đem chúng ra cười nhạo đấy. Hai mươi nghìn livrơ! Chắc hẳn chẳng khi nào ông chịu ứng trước cho tôi số tiền lớn như vậy?
- Tại sao không nhỉ? - Môlin điềm nhiên hỏi.
Ông Nam tước trố mắt nhìn chủ nhà:
- Dễ ông loạn trí rồi, ông Môlin ạ. Tôi không thể giấu ông: tôi có gì bảo đảm đâu kia chứ.
- Tôi không muốn gì hơn là chúng ta ký một hợp đồng kinh doanh chung, chia thành hai khối cổ phần bằng nhau, và lấy trại nuôi la để thế nợ. Hợp đồng này nên soạn thảo riêng và kín đáo ở Pari.
- Đề nghị của ông, tôi thấy hơi phiêu lưu. Có lẽ tôi cần phải trao đổi ý kiến thêm với một vài người bạn.
- Nếu như vậy, thưa ngài Nam tước, xin dừng lại ở đây không bàn thêm nữa. Bởi vì điều kiện then chốt để công việc ta thành công được, chính là sự bí mật tuyệt đối… Vậy thôi, ta không nên thảo luận gì thêm, Nam tước ạ. Cứ coi là tôi đã nghĩ sai. Tôi vẫn cho rằng trong cả vùng này, chỉ có mình ngài có khả năng đứng ra gây dựng một trại chăn nuôi với quy mô lớn như vậy và mang tên ngài.
Ông Nam tước cũng cho rằng sự đánh giá này là có cơ sở - ông nói:
- Đấy có phải là vấn đề đâu…
- Thưa Nam tước, mặc dù tôi không được giàu có như một số người nghĩ, tôi đã tính đến việc cung cấp thêm một khoản tín dụng nữa - dưới hình thức một khoản ứng trước để ngài chi dùng cho việc kinh doanh chung của chúng ta - giá trị mức ứng trước này cũng bằng khoản đầu tư ban đầu, là hai mươi nghìn livrơ. Như vậy, Ngài sẽ có thể rảnh rang dành hết thì giờ vào công việc sản xuất chứ không bận tâm gì về sinh hoạt của các công tử, các tiểu thư… Dù sao, tôi nghĩ rằng nếu tiết lộ sự thỏa thuận của ta thì không có ích lợi gì. Tôi thấy phải nhấn mạnh một lần nữa: cuộc trao đổi này giữa chúng ta không nên nói lại cho bất cứ ai, dù ngài quyết định chấp nhận hợp đồng hay không cũng thế…
Đến đây, bỗng người quản lý trông thấy Angiêlic ghé mắt nhìn. Cô bé vẫn dựa vào bậu cửa lắng nghe câu chuyện, chẳng cần giấu diếm. Ông Nam tước xoay người lại và trông thấy con gái. Ông cau mày, nói nghiêm khắc:
- Vào đây, Angiêlic. Bố thấy con bắt đầu học thói nghe trộm rồi đấy. Con luôn luôn xuất hiện vào những lúc không đáng có mặt, mà chẳng ai nghe thấy con đến gần! Thói xấu ấy đáng chê quá.
Ông Môlin nhìn trộm cô bé vẻ dò xét, nhưng không tỏ ra khó chịu như bố cô. Ông ta hơi mỉm cười nói:
- Nông dân họ nói rằng cô bé này là tiên đấy!
Angiêlic bước lại gần chẳng hề bối rối.
- Con có nghe thấy ba nói chuyện gì không đấy?
- Có, cha ạ - ông Môlin bảo: anh Gôngtơrăng sẽ có thể vào quân đội, và chị Ooctăngxơ sẽ vào trường các bà tu sĩ được, nếu như cha nuôi được nhiều la.
- Cô bé tóm tắt câu chuyện gọn thật nhỉ. Bây giờ hãy nghe tôi nhé: cô hãy hứa sẽ không bao giờ kể lại chuyện này với bất cứ ai chứ?
Angiêlic ngước đôi mắt màu xanh nhìn người quản lý:
- Cháu có cần gì đến chuyện này… Nhưng mà ông hứa cho cháu cái gì nào?
- Angiêlic …Nam tước kêu lên k
Môlin điềm nhiên trả lời:
- Trước hết, hãy chứng minh cho người ta thấy rằng cô là một cô bé kín đáo, tiểu thư Angiêlic ạ. Nếu như việc làm ăn chung giữa cha cô và tôi thành sự thật, đúng như điều tôi hi vọng, thì còn cần phải bảo đảm sao cho việc làm ăn được thịnh vượng. Phải giữ cho kế hoạch của ta không bị tiết lộ chút nào. Được như vậy, để thưởng cho cô chúng tôi sẽ tặng cho cô một người chồng…
Cô bé bặm môi ra vẻ suy nghĩ, rồi tuyên bố:
- Được rồi, cháu hứa sẽ kín đáo.
Rồi cô đi ra.
- Bà Môlin ơi, còn thì giờ cho cháu chạy ra ngoài chơi không bà?
- Còn nhiều thì giờ lắm cô bé ạ, lúc nào cơm dọn xong thì sẽ có người đi gọi cháu.
Angiêlic chạy vụt đi. Đến lối mòn đầu tiên, cô bé tụt giày ra, đem giấu dưới một hòn đá để khi quay về sẽ lấy. Sau đó cô chạy tiếp, nhanh thoăn thoắt lướt trên mặt đất phủ rêu của khu rừng phảng phất mùi nấm. Một cơn mưa rào mới tạnh để lại những vũng nước nhỏ mà cô bé lần lượt nhảy qua dễ dàng. Angiêlic cảm thấy sung sướng. Ông Môlin đã hứa tặng cho cô một người chồng. Cô không rõ liệu đó có phải là một quà tặng đặc sắc lắm không. Một người chồng sẽ giúp ích được gì cho cô nhỉ? Ừ phải, nếu anh ta cũng dễ chịu như Nicôla thì có thể hằng ngày làm người bạn đi câu lươn với cô được chứ…
Cô trông thấy bóng dáng tòa lâu đài hiện ra ở cuối lối đi, mầu trắng nổi bật trên nền trời xanh thẳm.
Lâu đài của Hầu tước Plexi-Belie đúng là một tòa nhà trong truyện thần tiên khắp vùng không có một dinh thự nào sánh kịp. Mọi ngôi nhà khác cũng giống như ở Môngtơlu, đều một màu xám, tối, phủ đầy rêu. Còn ở lâu đài này, bàn tay một nghệ sĩ kiến trúc người Italia của thế kỷ trước đã thiết kế cửa sổ, cửa tò vò trên mái và cổng lớn. Một cầu treo bé xíu vươn mình trên một con hào đầy cây hoa súng. Các tháp canh ở bốn góc tòa nhà chỉ có tính chất trang trí.
Angiêlic trèo thoăn thoắt một cách đáng ngạc nhiên lên sân thượng của tòa lâu đài. Rồi bám chắc vào những vật trang trí bằng đá ở các cửa sổ và các ban công, cô bé đu người lên tầng trên, ở đó cô tóm được một ống máng để làm một chỗ tựa rất thuận tiện. Cô dí mũi vào khung kính cửa sổ để nhìn vào trong rõ hơn. Cô đã từng đến đây khá nhiều lần và tròn mắt nhìn không bao giờ chán vào căn phòng bí mật đóng kín mít. Ở đây tuy nhá nhem tối vẫn thấy óng ánh những vật trang trí và đồ chơi bằng bạc và bằng ngà, bên những tấm thảm mới màu xanh, đỏ tươi tắn và những bức tranh sơn dầu rực rỡ trên các bức tường.
- Ôi ước gì mình được sờ tay vào tất cả những thứ kia! - cô bé nghĩ thầm - Giá mà sau này mình thành người chủ của những cái đó…
Truyện khác cùng thể loại
30 chương
64 chương
2306 chương
114 chương
14 chương
56 chương