Tôi bỏ cả tháng tiếp theo để miệt mài nghiên cứu từng bản trong số mười hai bản Mẫu Đơn Đình đã sưu tập được và chép lại mọi chú giải tôi từng viết trong những bản đó lên lề giấy trong bản gốc hai tập do Thang Hiền Tổ xuất bản. Bản sách mà chị dâu của chồng tương lai đã gửi cho tôi. Sau khi hoàn tất việc ấy, tôi tập hợp những cuốn sách của cha quanh mình và đọc lướt chúng cho tới khi, một tháng sau, tôi xác định được tất cả ngoại trừ ba trong số các tác giả gốc của những đoạn mượn ý trong tập một và hầu hết tập hai. Tôi không giải thích thuật ngữ, những ám chỉ, bình luận về âm nhạc, cách trình diễn hoặc cố so sánhMẫu Đơn Đình với các vở kịch khác. Tôi viết bằng kiểu chữ nhỏ xíu, ken sít vào giữa các dòng văn bản. Tôi không rời khỏi buồng mình. Tôi để vú Thiệu tắm gội và thay y phục, nhưng ngoảnh mặt với thức ăn bà ta mang tới. Tôi không đói; trạng thái mê sảng dường như làm tôi nghĩ và viết rõ ràng hơn. Khi các thím và em họ đến rủ tôi đi dạo ở hoa viên hay cùng họ uống trà, ăn bánh ở Xuân Đình, tôi hòa nhã cám ơn họ song từ chối. Chẳng đáng ngạc nhiên, quan điểm của tôi không hợp với mẹ. Tôi không kể với bà việc tôi đang làm và bà cũng không hỏi. “Con không thể trở thành một người vợ hiền thảo nếu cứ trốn trong buồng với những cuốn sách của cha được,” bà bảo. “Tới Xuân Đình đi. Ăn điểm tâm và lắng nghe các thím của con ấy. Tới ăn trưa và học cách đối xử với tỳ thiếp của chồng. Cùng chúng ta ăn tối và hoàn thiện cách chuyện trò.” Bỗng dưng mọi người đều muốn tôi ăn, nhưng bao nhiêu năm qua, mẹ đã bảo tôi cẩn thận kẻo trở nên mũm mĩm như Chổi và ăn ít để người được mảnh mai trong lễ thành hôn. Nhưng làm mà sao ăn được khi người ta đang yêu. Cô gái nào cũng có trải nghiệm này. Cô gái nào cũng hiểu chuyện này là thế. Trái tim tôi đang mơ về chàng thi nhân ấy, đầu óc tôi đầy ắp công trình ấy. Tôi chắc rằng nó sẽ bảo vệ mình trong nỗi cô đơn của cuộc hôn nhân. Còn dạ dày tôi ư? Nó trống rỗng và tôi không bận tâm. Tôi bắt đầu nằm lì trên giường. Tôi dành cả ngày để đọc hai tập sách. Đêm đến, tôi đọc trong ánh đèn dầu lập lòe. Càng đọc, tôi càng nghĩ về những mối liên hệ mong manh Thang Hiền Tổ đã sử dụng để sáng tạo ra một tổng thể sâu sắc hơn. Tôi ngẫm ngợi về những thời điểm quan trọng trong vở kịch, những ám thị, những chủ đề quán xuyến, và cách từng lời, từng hành động làm bừng sáng lên thứ ám ảnh tôi:tình yêu. Chẳng hạn, cây mai là cây của cuộc sống và tình yêu. Nó ở nơi Lệ Nương và Mộng Mai lần đầu gặp gỡ, nơi nàng được chôn cất và nơi chàng mang nàng trở lại cuộc sống. Ở ngay cảnh đầu tiên, vì một giấc mộng, chàng đã đổi tên thành Mộng Mai. Nhưng cây mai cũng gợi nhắc tới Lệ Nương vì hoa mai mang vẻ đẹp mong manh, thanh tao và gần như trinh bạch. Khi một thiếu nữ thành hôn, nhan sắc nàng bay mất và mãi mãi hình ảnh lãng mạn của nàng cũng bay mất. Nàng vẫn còn những bổn phận phải thực hiện, sinh con, thờ cúng tổ tiên nhà chồng, trở thành một quả phụ tiết hạnh, nhưng nàng đã bắt đầu trượt dốc tới cõi chết. Tôi lấy thỏi mực, mài xuống nghiên, đổ nước rồi viết những suy nghĩ của mình vào lề trên của tập một bằng nét chữ nắn nót nhất của mình: Phần lớn những người đau lòng vì mùa xuân đều đặc biệt xúc động trước những đóa hoa tàn, giống như tôi lúc dạo bước ở hoa viên. Lệ Nương nhìn những cánh hoa mà hiểu rằng tuổi xuân và nhan sắc của nàng chỉ là phù du. Nàng đâu biết rằng cuộc đời mình cũng mong manh như thế. Vở kịch luôn thu hút trí tưởng tượng của tôi bởi cách nó khắc họa tình yêu lãng mạn, rất khác so với những cuộc hôn nhân không tình yêu được sắp đặt trong Trần phủ. Tôi đã lớn lên cùng với chúng, và sắp có một đám cưới như thế. Với tôi, tình yêu là thứ cao quý, là tham vọng lớn nhất của một con người, đàn ông hay đàn bà cũng vậy. Mặc dầu trải nghiệm của tôi về nó chỉ hạn chế trong ba đêm dưới ánh trăng lưỡi liềm, nhưng tôi tin rằng, nó khiến đời này có ý nghĩa. Tất cả bắt đầu bằng tình yêu. Với Lệ Nương, nó bắt đầu từ chuyến ra thăm vườn hoa, rồi giấc mộng của nàng và không bao giờ kết thúc. Hồn ma của Lệ Nương đã mây mưa với Mộng Mai. Họ chân thành trong tình yêu, giống như tôi và chàng thi nhân của mình, đến nỗi chuyện ấy không phải là chuyện gì xấu xa như giữa một người đàn ông và tỳ thiếp của anh ta. Tình yêu của họ trong trắng thánh thiện. Lê Nương luôn cư xử như nàng tiểu thư đài các. Khi viết những lời này, tôi nghĩ đến chính mình trong đêm cuối ở Vọng Nguyệt Đình. Tôi viết về những giấc mộng, của Lệ Nương, của Mộng Mai và cả của tôi nữa. Tôi cũng nghĩ đến bức chân dung tự họa của Lệ Nương và so sánh nó với những gì tôi đang làm. Ở lề trên, tôi nắn nót viết: Một bức tranh là hình hài không bóng ảnh, hệt như mộng là bóng ảnh không hình hài. Bức tranh giống như cái bóng không hình hài. Nó thậm chí còn ảo hơn giấc mộng nữa. Cái bóng, những giấc mộng, hình phản chiếu trong gương và ao, ngay cả ký ức cũng mong manh và phù du, nhưng chúng không thực chút nào ư? Với tôi chúng là thực. Tôi nhúng bút vào mực, miết bỏ mực dư rồi viết: Đỗ Lệ Nương tìm niềm vui trong giấc mộng; Liễu Mộng Mai tìm người thương trong tranh. Nếu không coi những điều như vậy là ảo ảnh thì ảo ảnh sẽ thành hiện thực. Tôi làm việc chăm chỉ và ăn ít đến nỗi tôi bắt đầu hồ nghi không hiểu có phải mình từng gặp một người lạ ở Ngự Phong Đình trong hai đêm hay không. Có đúng là chàng thi nhân ấy và tôi đã rời Vọng Nguyệt Đình dạo bước ven bờ hồ hay chăng? Những điều đó là mộng hay thực? Đó phải là sự thực và trong thời gian rất ngắn nữa tôi sẽ bị đẩy vào một cuộc hôn nhân với người tôi không yêu. Khi Lệ Nương tới thư phòng, nàng đi qua một ô cửa sổ, và muốn bay ra ngoài để tìm gặp tình lang. Đương nhiên, nàng sợ đến nỗi không dám làm thế. Lệ dâng lên trong mắt, lăn xuống má và rơi xuống trang giấy lúc tôi viết dòng này. Ảo tưởng về tình yêu thiêu rụi tôi. Chút khẩu vị còn sót lại sau đợt giam cầm đầu tiên đã hoàn toàn rời bỏ tôi. Nàng Hiểu Khánh đã uống nửa cốc nước lê ép mỗi ngày; tôi chỉ nhấp vài ngụm. Tuyệt thực không còn là vì sự kiểm soát cuộc đời tôi nữa. Thậm chí cũng không phải vì chàng thi nhân của tôi và những cảm xúc dữ dội về tình yêu và khao khát đang thiêu đốt trong tôi. Một vị hiền nhân từng viết: Chỉ khi đang trải qua tột cùng bất hạnh thì thi ca viết ra mới hay được. Cố Nhược Phác, nữ thi sĩ vĩ đại, đã hưởng ứng điều này khi bà bình chú: Các vị quan viên và học giả sẽ khắc cốt ghi tâm, nghĩ trắng cả đầu, và dùng cả đời để viết ra những dòng u ám và sầu muộn. Tôi tới một chốn sâu thẳm bên trong bản ngã của mình. Ở nơi ấy, mọi điều trần tục bị tước bỏ và tôi chỉ còn cảm thấy xúc cảm dạt dào: yêu thương, hối tiếc, khao khát, hy vọng. Tôi ngồi dựa lưng trên giường, mặc tấm áo dài yêu thích thêm hình đôi chim uyên ương đang bay trên vườn hoa và đàn bướm, để tâm trí mình phiêu du tới Mẫu Đơn Đình. Những giấc mộng của Lệ Nương có làm tổn hại đến sự trinh bạch của nàng không? Những giấc mộng của tôi, chuyện tôi đi lang thang trong hoa viên, có làm tổn hại sự trinh bạch của tôi không? Phải chăng tôi không còn trong trắng vì đã gặp gỡ một người lạ và để chàng chạm vào mình bằng cánh mẫu đơn? Trong khi tôi viết đầy hưng phấn, công việc sửa soạn cho hôn lễ quay cuồng xung quanh. Một hôm, thợ may khoác thử áo cưới cho tôi, rồi đem đi sửa nhỏ lại. Hôm khác, mẹ tới cùng các thím. Tôi đang ở trên giường, những cuốn sách bày rải rác xung quanh. Nụ cười nở trên mặt, nhưng họ không vui. “Cha con ở kinh thành đã gửi thư về,” mẹ nói bằng giọng du dương. “Ông ấy sẽ trở lại phụng sự triều đình ngay khi con xuất giá.” “Bọn Mãn Châu đã bỏ đi rồi ạ?” tôi hỏi. Tôi đã bỏ lỡ một cuộc thay triều đổi đại khi bị giam cầm ư? “Không, cha con sẽ phụng sự hoàng đế Thanh triều.” “Nhưng cha là trung thần của Đại Minh cơ mà. Làm sao cha có thể...” “Con cần phải ăn.” Mẹ ngắt lời tôi. “Hãy gội đầu, thoa phấn và sửa soạn đón cha về, một đứa con gái phải phép nên làm thế. Cha con đã mang lại danh vọng cho nhà ta. Con cần phải tôn trọng ông ấy. Giờ hãy dậy đi!” Nhưng tôi không dậy. Mẹ rời buồng nhưng các thím ở lại. Họ cố gắng lôi tôi ra khỏi giường và bắt đứng lên nhưng tôi trơn tuột và oặt oẹo như một con lươn trong tay họ. Tâm trí tôi cũng bảng lảng thế. Làm sao cha có thể phụng sự hoàng đế nhà Thanh khi ông là một bậc trung thần của Đại Minh? Mẹ tôi có rời phủ và theo ông tới kinh thành như bà từng theo ông đến Dương Châu không? Hôm sau, mẹ mời thầy toán mệnh tới để bàn cách làm má tôi nhuận sắc hơn trước hôn lễ. “Phu nhân có trà Long Tỉnh không?” ông ta hỏi. “Hãy hãm trà với gừng để bổ vị và tăng lực cho tiểu thư.” Tôi đã cố uống trà nhưng không có tác dụng. Một cơn gió nhẹ cũng có thể cản bước tôi. Ngay cả bộ đồ ngủ dường như cũng trở nên nặng nề. Ông ta kê cho tôi chục trái mơ chua, toa thuốc chung dành cho những thiếu nữ mà suy nghĩ bị coi là hơi đàn bà, nhưng tâm trí tôi không theo hướng được kê đơn. Thay vì thế, tôi nghĩ tới việc được gả cho chàng thi nhân của mình, và những trái mơ muối tôi sẽ ăn khi mang bầu đứa con trai đầu lòng, chúng sẽ giúp tôi trong cơn ốm nghén. Thầy toán mệnh trở lại rưới tiết lợn lên giường tôi nhằm xua đuổi những linh hồn mà ông ta tin là đang quanh quất ở đấy. Xong xuôi, thầy bảo, “Nếu tiểu thư bắt đầu ăn uống trở lại, vào ngày hôn lễ, da và tóc tiểu thư sẽ vượt qua mọi mẫu mực nhan sắc ở trần gian.” Nhưng tôi không hứng thú gì chuyện kết hôn với Ngô Nhân và tất nhiên là tôi không quan tâm đến ăn uống để khiến anh ta hạnh phúc hơn trong lễ thành hôn của chúng tôi. Dẫu sao chuyện đó cũng chẳng quan trọng gì. Tương lai của tôi đã được định đoạt và tôi đã làm mọi việc cần làm để sửa soạn cho hôn lễ. Tôi đã hoàn thiện kỹ năng thêu thùa của mình. Giờ tôi có thể chơi đàn tranh. Hàng ngày vú Thiệu khoác lên người tôi những chiếc áo dài thêu hoa, bướm hoặc đôi chim đang bay như một biểu hiện bề ngoài của tình yêu và hạnh phúc mà họ nghĩ rằng tôi đang thấy khi nghĩ về cuộc sống ở nhà chồng tương lai. Tôi không ăn, ngay cả hoa quả; họa hoằn lắm thì chỉ vài ngụm nước quả ép. Tôi nuôi mình bằng cách thở khí công, bằng cách nghĩ về tìnhyêu, bằng cách nhớ lại cuộc phiêu lưu cùng chàng thi nhân bên ngoài tường bao hoa viên. Thầy toán mệnh dặn rằng phải giữ cho cửa mở ra sảnh lúc nào cũng đóng để ngăn ác quỷ xâm nhập, điều chỉnh lại lò trong bếp và đổi hướng giường tôi để tận dụng những lợi thế phong thủy. Mẹ và các gia nhân đảm nhiệm những việc này. Nhưng tôi cảm thấy chẳng có gì khác. Khi họ rời khỏi buồng, tôi tiếp tục viết. Không thể chữa trị một trái tim khao khát bằng cách đổi hướng giường được. Vài ngày sau, mẹ đến cùng Triệu đại phu, ông ta bắt mạch cho tôi và nói: “Tim là trung tâm của nhận thức và tim con gái bà bị sung huyết vì quá nhiều ao ước.” Tôi vui khi chính thức được chẩn đoán mình mắc bệnh tương tư. Một ý nghĩ kỳ lạ lóe lên trong đầu tôi. Điều gì sẽ xảy ra nếu tôi chết vì tương tư như Lệ Nương? Liệu chàng thi nhân của tôi có đi tìm và mang tôi trở lại cuộc sống? Ý tưởng này làm tôi dễ chịu nhưng phản ứng của mẹ trước thông tin của đại phu thì hoàn toàn khác. Bà vùi mặt trong tay mà khóc. Đại phu dẫn bà ra xa giường tôi và hạ thấp giọng. “Chứng u uất này cũng dẫn đến rối loạn tỳ vị. Nó có thể khiến người ta chán ăn. Tôi muốn nói với bà rằng, thưa Trần phu nhân, con gái bà có thể chết vì sung khí.” y da! Các vị đại phu thường cố làm những bà mẹ kinh hãi. Đó là cách họ moi tiền. “Phu nhân phải bắt tiểu thư ăn,” ông nói. Và đó là điều họ làm. Vú Thiệu và mẹ ấn tay tôi xuống trong khi đại phu đút cơm vào miệng tôi rồi giữ cho hàm tôi ngậm lại. Một gia nhân mang ô mai sắc thuốc vào. Ông ta nhét những miếng sũng nước vào miệng tôi cho tới khi tôi nôn mửa ra hết mọi thứ. Ông ta nhìn tôi ngao ngán, nhưng lại bảo với mẹ tôi, “Phu nhân đừng lo, chứng ứ trệ này có thể là do ảnh hưởng của xúc cảm. Nếu tiểu thư đã xuất giá rồi thì tôi sẽ nói rằng, một đêm mây mưa sẽ trị được bệnh cho cô ấy. Nhưng vì chưa thành thân nên tiểu thư phải ghìm lại những khao khát của mình. Thưa hiền mẫu, sau đêm động phòng, tiểu thư sẽ khỏi bệnh thôi. Nhưng có thể không đủ thời gian đợi đến lúc đó. Tôi khuyên phu nhân thử một cách khác.” Ông ta nắm lấy khuỷu tay bà, kéo bà lại gần và thì thào. Khi ông ta buông bà ra, vẻ mặt quyết tâm không thể lay chuyển che đi nỗi sợ hãi của bà. “Thường thì, một cơn giận có thể giải được chứng ứ trệ này,” ông ta buông thêm một câu khích lệ. Mẹ tiễn đại phu ra khỏi buồng. Tôi ngả đầu lên gối, những cuốn sách bày quanh tôi trên giường. Tôi cầm tập một Mẫu Đơn Đình lên, nhắm mắt lại và để tâm tưởng phiêu du qua hồ nước tới nhà chàng thi nhân. Liệu chàng có nhớ đến tôi như tôi đang nghĩ về chàng không? Cửa mở. mẹ bước vào cùng vú Thiệu và hai gia nhân. “Hãy bắt đầu với những cuốn đằng kia,” mẹ bảo, trỏ vào chồng sách tôi để trên bàn. “Còn ngươi, hãy lấy những cuốn trên sàn.” Mẹ và vú Thiệu tiến đến bên giường và thu hết những cuốn sách ở dưới chân tôi. “Chúng ta sẽ dọn hết đống sách vở này đi,” mẹ thông báo. “Đại phu đã khuyên ta đốt chúng.” “Không!” Theo bản năng, tôi nắm chặt cuốn sách đang cầm trong tay. “Tại sao ạ?” “Triệu đại phu bảo làm vậy con sẽ khỏi bệnh. Ông ấy rất chắc chắn về điều này.” “Mẹ không được làm thế!” tôi khóc. “Chúng là của cha cơ mà!” “Thế thì con đừng bận tâm,” mẹ trả lời thản nhiên. Tôi buông cuốn sách đang cầm xuống và toài người ra ngoài tấm chăn lụa một cách điên cuồng. Tôi cố ngăn mẹ và những người khác lại, song tôi quá yếu. Bọn gia nhân đã mang những chồng sách đầu tiên đi. Tôi gào lên, tay vươn về phía chúng như thể tôi là kẻ ăn mày chứ không phải là cô con gái được cưng chiều trong một gia tộc chín đời khoa bảng. Đó là những cuốn sách của chúng tôi! Quý báu với bao kiến thức! Thiêng liêng biết bao, tình yêu và nghệ thuật! Ở trên giường là những bản Mẫu Đơn Đình của tôi. Mẹ và vú Thiệu bắt đầu lấy cả chúng nữa. Nỗi khiếp sợ việc họ sắp làm khiến tôi rơi vào hoảng loạn điên cuồng. “Mẹ không được làm thế! Chúng là của con!” Tôi vừa gào lên vừa thu lại tất cả các tập sách mình với tới được, nhưng mẹ và vú Thiệu khỏe lạ thường. Họ phớt lờ tôi, xua những nỗ lực cứu sách của tôi dễ dàng như xua một con muỗi mắt. “Công trình của con, làm ơn, mẹ ơi,” tôi khóc. “Con đã vất vả biết bao.” “Ta không biết con đang nói về việc gì. Con chỉ có một công trình duy nhất: lấy chồng,” bà nói khi giằng lấy bảnMẫu Đơn Đình mà cha đã tặng tôi trong ngày sinh nhật. Tôi nghe thấy tiếng người bên ngoài, trong cái sân phía dưới buồng tôi. Mẹ bảo, “Con phải xem tính ích kỷ của mình đã gây ra chuyện gì.” Bà gật đầu với vú Thiệu, rồi hai người lôi tôi khỏi giườn, kéo lê tới bên cửa sổ. Bên dưới, bọn gia nhân đã đốt lò lên. Họ thả từng cuốn sách của cha vào ngọn lửa. Những dòng thơ của các thi sĩ thời Đường mà ông yêu thích tan biến như khói trong không trung. Tôi thấy một tập sách của tác giả nữ cuộn cháy thành hư không. Ngực tôi phập phồng cùng những tiếng nức nở. Vú Thiệu buông tôi ra và trở lại giường để thu nốt những cuốn còn lại. Khi vú Thiệu đi ra ngoài, mẹ hỏi, “Con có tức giận không?” Tôi không tức giận. Tôi chẳng cảm thấy gì ngoài nỗi thất vọng. Sách vở và thơ ca không thể đẩy lui cái đói, nhưng không có chúng, tôi không sống được. “Hãy bảo ta là con giận dữ đi,” mẹ nói như khẩn cầu. “Đại phu bảo con sẽ nổi giận mà.” Khi tôi không trả lời, mẹ quay đi và khuỵu gối xuống. Bên dưới, tôi dõi theo vú Thiệu khi bà ta thả những bản Mẫu Đơn Đình tôi sưu tầm vào lửa. Khi mỗi bản bị ngọn lửa ngốn ngấu, tôi lại quặn thắt trong lòng. Đó là những tài sản quý báu nhất của tôi. Giờ đây chúng đã biến thành những mảnh tro tàn cho gió cuốn lên và thổi giạt ra ngoài phủ. Công trình và mọi hy vọng của tôi đã biến mất. Tôi tê tái vì thất vọng. Giờ đây làm sao tôi có thể tới nhà chồng được nữa? Làm sao tôi có thể sống sót trong nỗi cô đơn? Bên cạnh tôi, mẹ khóc. Người bà gập ra phía trước cho tới khi chạm đầu xuống sàn, và rồi bà lê tới chỗ tôi, phủ phục như đầy tớ. Bà túm gấu váy tôi trong các ngón tay và vùi mặt vào lớp lụa. “Hãy giận dữ với ta đi con ơi.” Giọng bà nhẹ đến nỗi tôi hầu như không nghe thấy. “Con gái ơi, làm ơn đi.” Tôi đặt nhẹ tay lên gáy bà, nhưng không nói một lời nào. Tôi chỉ nhìn vào ngọn lửa. Vài phút sau, vú Thiệu tới đưa mẹ đi. Tôi ở lại bên cửa sổ, cánh tay tì trên bậu cửa. Hoa viên ảm đạm trong mùa đông. Bão táp và sương mù đã vặt trụi cây cối. Những cái bóng kéo dài và và ánh sáng lờ mờ. Tôi không đủ sức để di chuyển. Mọi thứ tôi làm đã bị phá hủy. Cuối cùng tôi vươn người lên. Đầu óc quay cuồng. Chân cẳng run rẩy. Tôi ngỡ như đôi bàn chân nhỏ bé của mình không mang nổi sức nặng bản thân. Tôi chậm chạp lê lết về giường. Tấm chăn lụa nhăn nhúm và nhàu nát vì nỗ lực cứu sách vô ích của tôi. Tôi kéo tấm chăn và trèo lên giường. Khi chân tôi trượt xuống dưới lớp lụa mát lạnh tôi cảm thấy như đụng phải vật gì đó. Tôi với xuống dưới lớp vải và kéo ra tập một bản Mẫu Đơn Đình mà chị dâu tương lai đã gửi cho tôi. Trong cơn thanh tẩy điên rồ ấy, cuốn sách này và tất cả chữ viết trên lề đã được cứu thoát. Tôi nức nở trong nỗi biết ơn và đau buồn. Sau cái ngày khủng khiếp đó, thi thoảng tôi ra khỏi giường vào lúc đêm khuya, bước qua thân hình đang ngủ của vú Thiệu, tới bên cửa sổ, kéo sang một bên tấm rèm nặng nề giữ cho cái lạnh mùa đông khỏi tràn vào. Tuyết đã rơi và ý nghĩ về những bông hoa từng tỏa hương bị nghiến nát dưới sắc trắng rét buốt làm tôi phiền muộn. Tôi ngước nhìn vầng trăng, dõi theo sự di chuyển chậm chạp của nó trên bầu trời. Đêm này qua đêm khác, sương làm ướt đẫm áo dài, chất nặng lên tóc tôi, làm những ngón tay tôi ớn lạnh. Tôi không thể chịu đựng những ngày băng giá bất tận này thêm nữa. Tôi nghĩ về Hiểu Khánh, tưởng tượng xem hàng ngày nàng ăn vận như thế nào, vuốt váy cho sát người. Nàng ngồi trên giường để không làm rối tóc, Hiểu Khánh đã cố giữ gìn nhan sắc nhưng những ý nghĩ về cuộc sống tương lai âu sầu ảm đạm đã làm tôi tê liệt, và tôi chẳng làm gì hết. Tôi thậm chí không còn quan tâm đến bàn chân mình. Vú Thiệu rửa ráy và bó chân tôi hàng ngày một cách vô cùng âu yếm. Tôi biết ơn nhưng cũng hết sức cẩn trọng với bà ta. Tôi giấu tập Mẫu Đơn Đình cứu được của mình trong lớp lụa quấn quanh người, sợ rằng bà sẽ tìm thấy rồi báo với mẹ và nó sẽ bị mang đi đốt. Triệu đại phu lại tới. Ông ta khám bệnh cho tôi, cau mày, rồi nói, “Thưa Trần phu nhân, bà đã hành động đúng. Phu nhân đã xua đuổi tai họa chữ nghĩa khỏi con gái mình. Việc đốt những cuốn sách gở đó đã giúp tránh cho ma quỷ vây quanh tiểu thư.” Ông ta bắt mạch tôi, theo dõi tôi hít vào thở ra, hỏi tôi vài câu vô nghĩa rồi tuyên bố, “Các thiếu nữ, nhất là vào thời điểm lễ cưới gần kề, dễ bị ma quỷ làm tổn hại. Các cô gái trẻ bị những thứ tà ma này làm cho mất trí. Càng đẹp thì càng dễ bị rùng mình ớn lạnh và sốt cao. Cô gái sẽ tuyệt thực, giống như con gái phu nhân vậy, cho đến chết.” Ông ta bẹo cằm trầm ngâm, rồi nói tiếp. “Điều này, như phu nhân lường được, không phải là điều mà một người chồng tương lai muốn nghe. Và tôi có thể nói bằng kinh nghiệm rằng nhiều cô gái trong thành chúng ta đã dùng cách này để không phải quan hệ chăn gối lúc được gả về nhà chồng. Nhưng thưa Trần phu nhân, phu nhân cần phải cảm tạ trời đất. Vì con gái phu nhân trong sạch trước cám dỗ như vậy. Tiểu thư không có quan hệ bất chính với thần tiên hay ma quỷ. Cô ấy vẫn trong trắng và sẵn sàng để lên kiệu hoa về nhà chồng.” Những lời này không làm mẹ vui và tôi cảm thấy còn tệ hại hơn. Tôi không thấy có cách nào thoát khỏi đêm động phòng hay những năm tháng bất hạnh sẽ đến sau đó. “Trà hãm từ tuyết tươi sẽ làm má tiểu thư hồng hào trong ngày hôn lễ,” Triệu đại phu nói khi dời gót. Hàng ngày, mẹ tới đứng bên giường tôi, mặt bà xanh xao khiếp đảm. Bà cầu xin tôi ra khỏi giường, tới thăm các thím và em họ, hoặc ăn chút gì đó. Tôi gắng gượng cười trước nỗi lo âu của bà. “Con khỏe mà mẹ. Mẹ đừng lo. Mẹ đừng lo.” Nhưng tôi không an ủi được bà. Bà lại mời thầy toán mệnh tới. Lần này ông ta dùng một thanh kiếm để chém không khí xung quanh giường tôi, cố gắng xua đuổi lũ ác quỷ mà ông ta quả quyết là ẩn nấp ở đó. Ông ta treo một tấm bùa hộ mạng bằng đá quanh cổ tôi để ngăn linh hồn khỏi bị lũ ma đói đánh cắp. Ông ta bảo mẹ đưa cho một tấm váy của tôi, buộc những gói lạc vào trong đó, rồi bảo bà rằng mỗi hạt lạc sẽ làm một ngục thất dành cho bọn ma quỷ tà dâm. Ông ta xướng lên những câu thần chú. Tôi kéo chăn lên mặt để ông ta không thấy nước mắt đang rơi. Với các cô con gái, đi lấy chồng gần giống như là đi chết vậy. Chúng tôi nói lời từ biệt cha mẹ, các chú thím, em họ và những người hầu trông nom chúng tôi và bước vào một cuộc đời hoàn toàn mới, ở đó, chúng tôi sẽ sống cùng gia đình thực sự của mình, tên chúng tôi sẽ được liệt vào danh sách trong từ đường nhà chồng. Như thế, hôn lễ giống như trải nghiệm cái chết và sự tái sinh mà không sang thế giới bên kia. Tôi hiểu đó là những ý nghĩ không lành mạnh, nhưng với hoàn cảnh bất hạnh hiện tại, tâm tư tôi còn tồi tệ hơn thế. Bệnh tật đã đẩy tâm trí tôi vào những nơi chốn tối tăm mù mịt. Đôi khi, thậm chí tôi còn tưởng, hy vọng, rằng mình đang hấp hối chờ chết như Hiểu Khánh và những nàng thiếu nữ tương tư khác. Thả hồn mình theo những nàng thiếu nữ bất hạnh ấy, tôi dùng nước mắt để pha mực rồi cầm lấy bút. Những dòng thơ tuôn trào ra dưới ngòi bút: Ta đã học thêu hình hoa hình bướm Mong ngày vu quy nên thêu đã nhiều năm Người có biết chăng khi ta về cõi âm Hoa sẽ chẳng thơm, và bướm sẽ không lượn vì ta. Trong nhiều ngày, tâm trí tôi nung nấu ngôn từ và cảm xúc. Tôi viết hoài viết mãi. Khi cảm thấy quá mệt mỏi và kiệt sức, tôi đưa bút cho vú Thiệu để bà ta chép hộ những bài thơ tôi làm. Bà ta vâng lời. Trong vài ngày sau đó, tôi đã đọc cho bà chép tám bài khác. Ngôn từ của tôi cứ từng chữ buông trôi, như những bông hoa đào bồng bềnh trên suối ra từ hang động nước chảy. Tháng chạp đã tới. Lò than ngày đêm đỏ lửa, nhưng tôi chẳng hề thấy ấm áp. Mười ngày nữa, tôi sẽ thành hôn. Ba tấc hài thơm đỡ gót mây Gấp ngang lụa chít tấm lưng gầy Mịt mù âm thế, người khôn bước Cậy gió dìu đưa tới chốn đây. Tôi lo rằng ai đó sẽ tìm thấy chúng và cười nhạo sự thống thiết của tôi hay nói rằng những thứ tôi viết ra chẳng hề ý nghĩa và chẳng lâu bền, chúng chỉ như tiếng kêu của loài trùng kiến. Tôi gấp những tờ giấy lại và tìm trong buồng một chỗ để giấu chúng, nhưng tất cả đồ đạc của tôi sau này đều sẽ được đem tới nhà chồng. Tôi nhất quyết không để ai tìm thấy những bài thơ của mình, nhưng tôi không đủ sức mạnh ý chí để châm lửa đốt đi. Quá nhiều phụ nữ đã đốt những tác phẩm của mình vì nghĩ rằng rằng chúng không đáng giá, để rồi sau này chỉ còn biết hối tiếc. Tôi muốn giữ lại những bài thơ này, tưởng tượng rằng, một ngày kia, sau khi thành một thiếu phụ đã có con cái, có thể tôi đã quên chàng thi nhân ấy. Tôi sẽ về thăm nhà, tìm lại những bài thơ đó, đọc chúng mà nhớ lại thuở con gái tương tư. Thế không phải tuyệt vời nhất hay sao? Nhưng tôi sẽ chẳng bao giờ quên chuyện đã xảy ra. Điều này khiến tôi càng thêm quyết tâm tìm một chỗ an toàn cho những bài thơ của mình. Bất kể tương lai như thế nào, tôi luôn có thể tới đây và hồi tưởng lại những xúc cảm của mình. Tôi buộc mình rời khỏi giường và ra ngoài hành lang. Mới chập tối, mọi người đang dùng bữa. Tôi lần tìm tới thư phòng của cha, quãng đường ấy dường như dài bất tận vì tôi phải bám vào tường, ôm chặt những cây cột hay níu lấy lan can để mình khỏi ngã. Tôi lấy ra một cuốn sách chưa ai từng xem về lịch sử đắp đập ở các tỉnh miền Nam và kẹp các bài thơ của mình vào giữa những trang sách. Tôi cất cuốn sách về chỗ cũ và nhìn nó hồi lâu để ghi nhớ tên và vị trí của nó trên giá. Khi trở lại buồng mình, tôi cầm bút lên lần cuối cùng trước lễ cưới. Bên ngoài tập Mẫu Đơn Đình, tôi vẽ lại cảnh trong hồi “Kinh mộng” theo cách hiểu của mình, đây là cảnh Mộng Mai và Lệ Nương lần đầu gặp gỡ. Bức tranh của tôi vẽ hai người đứng trước hòn non bộ, chỉ một khoảnh khắc trước khi họ biến mất vào trong động đá mây mưa. Tôi chờ cho tới khi mực khô rồi mở cuốn sách viết tiếp: Người ta yêu khi sống, người ta vẫn yêu khi chết. Nếu tình yêu chấm dứt khi một người chết thì đó không phải là tình yêu thực sự. Tôi gấp sách lại và gọi vú Thiệu. “Vú đã thấy tôi chào đời,” tôi bảo. “Giờ vú sẽ thấy tôi chuyển đến một ngôi nhà mới. Tôi không thể tin cậy ai khác.” Nước mắt chảy xuống khuôn mặt lạnh lùng của vú Thiệu. “Tiểu thư muốn tôi làm gì ạ?’ “Vú phải hứa sẽ nghe theo lời tôi, bất kể cha mẹ tôi nói gì chăng nữa. Họ đã lấy của tôi nhiều thứ, nhưng có những vật phải theo tôi về nhà mới. Vú hãy hứa là sẽ đem chúng tới sau lễ thành hôn ba ngày đi.” Tôi thấy sự lưỡng lự trong mắt vú Thiệu. Bà ta rùng mình một cái rồi nói, “Tôi hứa.” “Hãy mang cho tôi đôi hài mà tôi đã làm cho Ngô phu nhân.” Vú Thiệu đi ra ngoài. Tôi nằm yên lặng, nhìn chăm chăm lên trần nhà, lắng nghe tiếng kêu của mấy con ngỗng lẻ đàn khi chúng bay ngang bầu trời. Chúng khiến tôi nghĩ đến những bài thơ của Hiểu Khánh và cách nàng gợi tả những âm thanh buồn thảm ấy. Rồi tôi nghĩ đến người phụ nữ vô danh đã viết nỗi tuyệt vọng của mình lên bức tường ở Dương Châu. Người ấy cũng đã nghe thấy tiếng kêu của bầy ngỗng. Tôi thở dài khi nhớ lại dòng thơ của bà, Giá huyết lệ ta nhuộm đỏ được mai hoa. Chẳng bao giờ ta khiến cây ra chồi... Mấy phút sau, vú Thiệu trở lại với đôi hài vẫn nằm trong tấm lụa. “Vú hãy để chúng vào chỗ an toàn. Đừng cho mẹ biết là vú đã lấy.” “Dĩ nhiên rồi, tiểu thư Mẫu Đơn.” Tôi đã không được gọi bằng tên ấy từ khi cha đổi nó vào đêm diễn kịch cuối cùng. “Còn một vật nữa,” tôi với xuống dưới tấm chăn và lấy bảnMẫu Đơn Đình còn sót lại ra. Bà ta lùi lại vẻ cảnh giác. “Đây là thứ quan trọng nhất trong số của hồi môn của tôi. Mẹ và cha không biết và vú không bao giờ được nói với họ. Vú hứa đi!” “Tôi xin hứa,” vú Thiệu thì thào. “Hãy giữ nó cho chắc. Chỉ vú mới có thể đem nó đến cho tôi. Ba ngày sau hôn lễ của tôi. Vú đừng quên đấy!” Cha từ Kinh thành trở về. Lần đầu tiên trong đời, ông đến tận buồng riêng thăm tôi. Ông lưỡng lự bên cánh cửa, bồn chồn không bước vào trong. “Con gái,” cha gọi, “Chỉ còn năm ngày nữa là tới hôn lễ của con. Mẹ con kể với ta rằng con không chịu dậy tắm rửa trang điểm, nhưng con phải ra khỏi giường thôi. Con không muốn bỏ lỡ hôn lễ của mình mà.” Khi tôi nghiêng đầu từ chối, ông bước tới, ngồi bên giường và cầm lấy tay tôi. “Ta đã chỉ cho con thấy chồng tương lai của con vào đêm diễn cuối cùng,” ông bảo. “Con không vui với những gì con thấy ư?” “Con có nhìn đâu ạ,” tôi trả lời. “Ôi Mẫu Đơn, giờ ta ước là mình đã kể cho con nhiều hơn về cậu ấy, nhưng con biết mẹ con thế nào rồi đấy.” “Không sao đâu, thưa cha. Con hứa sẽ làm điều cha mong đợi. Con sẽ không làm cha mẹ phải xấu hổ. Con sẽ khiến Ngô Nhân hạnh phúc.” “Ngô Nhân là một chàng trai tốt,” cha tiếp tục, phớt lờ lời tôi nói. “Chúng ta quen biết nhau từ khi cậu ấy còn là một cậu bé và ta chưa từng thấy cậu ấy làm điều gì không phải phép cả.” Ông mỉm cười dịu dàng. “Ngoại trừ một lần. Đêm đó, sau buổi diễn kịch, cậu ấy đã lại gần ta. Ngô Nhân đưa cho ta vật gì đó để trao lại cho con.” Cha lắc đầu. “Có thể ta là chủ của nhà họ Trần này, nhưng mẹ con có những quy tắc riêng và bà đã giận dữ với ta vì buổi trình diễn. Vậy nên, ta đã không đưa cho con lúc đó. Ngay cả khi ta biết thế là không đúng. Vậy nên ta đã giữ vật ấy trong một tập thơ. Ta hiểu cả hai đứa con, nên ta nghĩ đó là nơi xứng đáng nhất.” Một món quà từ năm tháng trước hay vào lúc này cũng chẳng thay đổi cách nhìn của tôi về chồng tương lai hay cuộc hôn nhân của mình. Tôi chỉ thấy nghĩa vụ và trách nhiệm, chứ không hơn. “Và giờ chúng ta ở đây, chỉ vài ngày trước khi...” cha lắc đầu như thể đang giũ bỏ một ý nghĩ khó chịu. “Ta nghĩ mẹ con sẽ không bận tâm nến ta đưa nó cho con bây giờ.” Ông buông bàn tay tôi ra, luồn vào trong áo dài mình và lấy ra một vật gì đó nhỏ nhắn gập trong giấy thông thảo. Tôi không đủ sức nhấc đầu khỏi gối nhưng tôi dõi theo khi ông mở tờ giấy ra. Bên trong là một đóa mẫu đơn khô, ông đặt nó vào lòng bàn tay tôi. Tôi nhìn đóa mẫu đơn mà không dám tin vào mắt mình. “Nhân chỉ hơn con hai tuổi,” cha bảo. “Nhưng cậu ấy đã làm được nhiều việc rồi. Cậu ấy là một thi nhân.” “Thi nhân ư?” tôi lặp lại. Tâm trí tôi đang khó mà chấp nhận vật đang cầm trong tay, trong khi tai tôi dường như đang nghe những lời cha nói từ đáy mồ. “Một thi nhân thành công,” cha nói thêm. “Tác phẩm của cậu ấy đã được xuất bản, dù cậu ấy còn rất trẻ. Cậu ấy sống ở núi Vu Sơn ngay bên kia hồ. Nếu không phải tới kinh thành thì ta đã chỉ cho con thấy nhà cậu ấy từ cửa sổ thư phòng rồi. Nhưng ta đã đi còn con thì...” Cha đang nói về người lạ của tôi, thi nhân của tôi. Đóa hoa khô tôi cầm trong tay chính là đóa hoa chàng dùng vuốt ve tôi ở Vọng Nguyệt Đình. Mọi điều tôi kinh sợ đều chỉ là nhầm lẫn. Tôi sắp được lấy người tôi yêu. Số phận đã mang chúng tôi lại với nhau. Chúng tôi thực sự là một cặp uyên ương bầu bạn suốt đời. Người tôi co giật không thể kiểm soát được và lệ tuôn trào ra. Cha nhấc tôi lên như thể tôi không nặng hơn một chiếc lá và ôm tôi trong tay mình. “Ta rất tiếc,” ông cố an ủi tôi. “Các cô gái đều sợ lấy chồng nhưng ta không biết với con việc đó lại tệ đến thế.” “Con không khóc vì buồn hay sợ. Ôi cha ơi. Con là cô gái hạnh phúc nhất trên đời.” Ông dường như không nghe tôi nói vì ông bảo, “Con sẽ hạnh phúc với Ngô Nhân thôi mà.” Ông đặt nhẹ nhàng tôi xuống gối. Tôi cố đưa đóa hoa lên mũi để xem mùi hương có còn vương lại hay không, nhưng tôi quá yếu. Cha cầm lấy đóa hoa đặt lên ngực tôi. Nó tưởng chừng nặng như một hòn đá trên trái tim tôi. Mắt cha ngân ngấn nước mắt. Thật lý tưởng khi cha và con gái được hội ngộ trong miền hạnh phúc. “Ta cần nói với con vài chuyện,” ông nói với giọng khẩn bách. “Đó là bí mật của gia đình chúng ta.” Ông đã trao tôi món quà cưới lớn nhất trên đời. “Con biết là ta từng có hai người em nữa,” ông bảo. Tôi đã quá hân hoan, vì Ngô Nhân là chàng thi nhân của tôi, không lâu nữa chúng tôi sẽ thành thân và sống một cuộc đời huyền diệu, tôi phấn chấn đến nỗi khó có thể tập trung vào những người cha đang nói tới. Tôi đã thấy tên những người chú này ở từ đường nhưng chẳng ai đi tảo mộ họ trong dịp tết Thanh Minh cả. Tôi vẫn tưởng họ mất lúc mới sinh, đó là lý do tại sao mọi người rất ít nhắc đến họ. “Họ chỉ là những đứa bé khi cha ta nhận chức ở Dương Châu,” cha tiếp tục. “Cha mẹ giao phó cho ta trông nom gia đình và tòa trang viên này khi họ vắng mặt, nhưng họ dẫn theo hai đứa con trai nhỏ đi. Mẹ con và ta tới thăm họ ở Dương Châu nhưng chúng ta đã chọn lúc tồi tệ nhất. Bọn Mãn Châu tấn công.” Ông ngừng lại để thăm dò phản ứng của tôi. Tôi không hiểu sao ông lại kể cho tôi chuyện nghiệt ngã nào đó trong khoảnh khắc tuyệt vời này. Khi tôi không nói gì, ông tiếp lời. “Cha ta, các em và ta bị dồn vào một khu vực có cổng ngăn cùng những người đàn ông khác. Chúng ta không biết chuyện gì xảy ra với những người phụ nữ và cho đến tận hôm nay mẹ con vẫn chưa nói về chuyện đó nên ta chỉ có thể kể với con điều ta trông thấy. Là con trai, ta và hai em có bổn phận bảo vệ tính mạng của cha. Bọn ta đứng vây quanh ông, che chắn ông không chỉ với bọn lính mà còn với những tù nhân liều lĩnh khác, những kẻ đó sẽ dễ dàng nộp ông cho quân Mãn Châu nếu họ cho rằng việc đó cứu được họ.” Chuyện này còn hơn tất cả những gì tôi từng biết. Song tâm trí tôi lúc này cũng lo lắng như nó đang hạnh phúc vậy. Mẹ và bà nội đã ở đâu? Như thể nhìn thấu suy nghĩ ấy trong đầu tôi, cha bảo, “Ta không được chứng kiến lòng dũng cảm của mẹ ta nhưng ta đã tận mắt nhìn thấy các em trai ta chết. Ôi Mẫu Đơn ơi, con người có thể rất độc ác.” Đột nhiên, dường như ông nghẹn lời. Còn tôi lại băn khoăn, sao ông lại kể với tôi mọi chuyện này? Sau một hồi lâu, ông tiếp tục. “Khi con gặp họ, hãy nói với họ là ta rất tiếc. Hãy nói với họ là chúng ta đã hết sức thể hiện lòng thành kính. Đồ cúng hậu hĩnh rồi nhưng họ vẫn chưa ban cho gia tộc một đứa con trai. Mẫu Đơn ơi, con đã là một cô con gái ngoan. Hãy xem có cách nào giúp được không.” Tôi bối rối và nghĩ rằng cha cũng vậy. Trách nhiệm của tôi là sinh con trai cho nhà chồng chứ không phải cho nhà cha đẻ. “Cha,” tôi nhắc ông. “Con sắp được gả vào nhà họ Ngô cơ mà.” Ông nhắm mắt lại và quay mặt đi. “Dĩ nhiên rồi,” ông cộc cằn nói. “Dĩ nhiên rồi, hãy thứ lỗi cho ta.” Tôi nghe thấy tiếng người bên dưới. Đám gia nhân bước vào và mang đi các thứ đồ đạc, y phục, vải vóc và của hồi môn, mọi thứ trừ chiếc giường của tôi, để đem tới nhà chồng tương lai. Rồi mẹ, các chú thím, em họ và tỳ thiếp bước vào vây quanh giường tôi. Cha hẳn đã nhầm lẫn khi tính số ngày còn lại trước hôn lễ. Tôi cố đứng lên để có thể khấu đầu đáp lễ họ cho phải phép, nhưng người tôi yếu ớt và mệt mỏi ngay cả khi trái tim tôi ngập tràn hạnh phúc. Gia nhân treo một chiếc sàng con và một mảnh gương lên cửa buồng tôi để biến mọi điều bất lợi thành cát tường may mắn. Tôi sẽ không được phép ăn trong suốt thời gian cử hành hôn lễ nhưng tôi cần nếm một chút thực phẩm đặc biệt mà mọi người đã chuẩn bị cho bữa điểm tâm ngày cưới. Tôi không đói nhưng sẽ cố hết sức vâng lời, vì mỗi miếng sẽ là một điềm báo về cuộc sống hòa hợp lâu dài với người chồng tương lai. Song không ai mời tôi món sườn lợn mà tôi tưởng sẽ ăn để lấy sức sinh quý tử, đồng thời cố không gặm vào xương để bảo vệ tinh lực của phu quân. Họ có lẽ muốn tôi ăn hạt sen, hạt bí và hạt hướng dương để sinh nhiều con trai. Nhưng họ cũng chẳng mời tôi những thứ này. Thay vào đó, cả gia đình đứng quanh giường tôi mà khóc. Họ đều buồn bã khi thấy tôi xuất giá, nhưng tôi thì rất hăm hở. Tôi thấy người lâng lâng và nhẹ bẫng đến nỗi tưởng mình có thể bay đi. Tôi hít một hơi sâu để giữ người cho vững. Tôi sẽ được ở bên chàng thi nhân ấy trước khi mặt trời lặn. Từ giờ đến lúc đó, tôi sẽ tận hưởng mọi phong tục tập quán truyền thống khi gia tộc gả đi cô con gái yêu. Đêm nay, rất, rất khuya đêm nay, và trong những lần gần gũi nhiều năm tới, tôi sẽ khoản đãi phu quân bằng hồi ức về những khoảnh khắc tươi đẹp này. Những người đàn ông bỏ đi, các thím và em họ lau rửa tay chân cho tôi, họ chỉ quên thêm lá bưởi vào nước. Họ chải tóc tôi và ghim lên đó những chiếc trâm ngọc trâm vàng mà quên phủ tấm khăn trùm đầu lên. Họ thoa phấn trắng lên mặt tôi mà không màng tới các lọ son sẽ làm má môi tôi ửng lên. Họ đặt đóa mẫu đơn đã ép khô vào tay tôi. Họ mặc cho tôi chiếc váy lót bằng lụa trắng in kinh Phật. Với rất nhiều nước mắt quanh mình, tôi không đủ sức chỉ ra rằng họ đã quên buộc tim lợn vào chiếc váy lót. Tiếp theo họ sẽ giúp tôi mặc váy cưới. Tôi mỉm cười với họ. Tôi sẽ nhớ họ lắm. Tôi khóc, đó là việc nên làm. Tôi đã ích kỷ và bướng bỉnh giấu đi công trình của mình trong khi thời gian ở cùng gia đình không còn nhiều nữa. Nhưng trước khi họ mang áo váy cưới ra, thím hai gọi những người đàn ông trở vào. Tôi dõi theo đám gia nhân khi họ tháo cánh cửa khỏi khung và mang nó tới cạnh giường. Họ nhẹ nhàng nâng tôi lên cánh cửa. Cả một bộ rễ khoai sọ được đặt quanh tôi làm biểu tượng cho khả năng sinh nở. Trông tôi như một vật hiến tế thần linh vậy. Có vẻ như tôi sẽ không phải đi bộ tới kiệu hoa. Nước mắt biết ơn từ khóe mắt tôi chảy xuống thái dương và vào trong tóc. Tôi không ngờ mình lại có thể hạnh phúc đến thế. Người ta khênh tôi xuống lầu. Một đám rước tuyệt đẹp kéo dài phía sau khi chúng tôi di chuyển dọc theo các hành lang có mái che. Chúng tôi phải tới từ đường để tôi có thể cảm tạ tổ tiên Trần gia đã che chở, song chúng tôi không dừng lại ở đó. Chúng tôi tiến thẳng đến chiếc sân trong ngay trước An Tọa Đường ở phía trước cổng chính. Người ta đặt tôi xuống và bước sang bên cạnh. Tôi nhìn phong hỏa môn và nghĩ, chỉ còn một lúc nữa thôi. Cánh cổng kia sẽ mở ra. Tôi bước vào kiệu hoa. Nói lời từ biệt lần cuối với cha mẹ rồi tới nhà mới của mình. Lần lượt từng người trong gia tộc, từ cha mẹ tới những gia nhân thấp hèn nhất, đi ngang qua tôi thi lễ. Rồi lạ lùng và kỳ quặc là họ bỏ tôi lại một mình. Trái tim tôi nguôi dịu. Xung quanh là những thứ thuộc về tôi: lụa và đồ thêu chất đầy trên ngực tôi, gương lược, chăn gối và y phục nữa. Giờ là khoảng thời gian sân vườn hoang tàn và lạnh lẽo trong năm. Tôi không nghe thấy tiếng pháo nổ. Tôi không nghe thấy tiếng chiêng hay giọng người xướng lên trong các nghi lễ. Tôi không nghe thấy tiếng những phu kiệu sẽ đưa tôi về nhà chồng. Những ý nghĩ âu sầu xổ tung, đánh bẫy tôi như đám dây nho rối. Cùng với nỗi đau buồn và hoảng sợ, tôi nhận ra rằng không phải mình sắp đến với Ngô Nhân. Theo tục lệ dành cho những cô con gái chưa chồng, gia đình đã mang tôi ra, để tôi chết bên ngoài. “Mẹ ơi, cha ơi,” tôi gọi nhưng giọng yếu ớt đến nỗi không thể nghe được. Tôi cố cử động nhưng tay chân tôi vừa quá nặng vừa quá nhẹ vô phương cựa quậy. Tôi nắm chặt bàn tay và cảm thấy đóa mẫu đơn tan vụn thành bụi. Giờ là tháng Chạp, trời lạnh buốt nhưng tôi vẫn sống hết ngày và đêm đó. Khi ánh hồng bắt đầu loang trên bầu trời, tôi cảm thấy mình như viên ngọc trai đang chìm dưới những con sóng. Trái tim tôi như viên ngọc đang tan vỡ. Tâm trí tôi giống như phấn đang phai, hương đang tan, mây đang giạt đi. Sinh lực của tôi trở nên mỏng manh như thứ lụa nhẹ nhất. Khi trút hơi thở cuối cùng, tôi nghĩ tới những dòng trong bài thơ cuối cùng mình viết: Dùng dằng nửa tỉnh nửa mơ Luyến hoa, hồn mộng lập lờ dưới trăng