Tình Mẫu Đơn
Chương 4
MỌI THIẾU NỮ ĐỀU NGHĨ ĐẾN THÀNH HÔN CỦA MÌNH. Chúng tôi lo rằng người chồng của mình sẽ lạnh lùng, ích kỷ, thờ ơ hay lạnh nhạt, song phần lớn chúng tôi đều tưởng tượng ra điều gì đó diệu kỳ và vui sướng. Sao chúng tôi lại không tạo ra những ảo tưởng trong tâm trí khi mà thực tế rất khắc nghiệt? Vì thế, trong bóng đêm lúc lũ chim sơn ca cất tiếng hót, tôi hình dung ra lễ cưới của mình, người chồng đang đợi mình ở nhà chàng và mọi thứ cho đến khoảnh khắc chúng tôi hợp nhất, chỉ có điều, thay cho một người đàn ông không biết mặt, tôi mường tượng ra người lạ khôi ngô của mình.
Tôi mơ cảnh những món quà dẫn cưới cuối cùng được đưa tới. Tôi tưởng tượng những chiếc trâm cài tóc, hoa tai, nhẫn, xuyến và đồ nữ trang lặt vặt sẽ nặng thế nào, lấp lánh thế nào. Tôi nghĩ về thứ lụa Tô Châu có thể cạnh tranh ngay cả với thứ lụa mà cha làm ra trong các xưởng dệt của ông.
Tôi mơ về con lợn cuối cùng, một phần của đám vật nuôi mà cha sẽ nhận được để đổi lấy tôi. Tôi tưởng tượng cảnh cha sẽ cho mổ lợn, và tôi sẽ gói thủ và đuôi gửi lại nhà họ Ngô để bày tỏ lòng tôn kính. Tôi nghĩ đến những món quà tặng mà cha sẽ gửi kèm các phần thịt lợn: những nhành ngải để xua đuổi tà ma trước khi tôi đến, những quả lựu tượng trưng cho khả năng sinh con đàn cháu đống của tôi, những quả táo vì từ này nghe giống tạo và bảy hạt ngũ cốc vì chữ hạt trong tiếng Hán viết và đọc đều giống hệt chữ chủng.
Tôi mơ mộng về chiếc kiệu sẽ tới rước tôi đi, không biết nó trông như thế nào. Tôi nghĩ về lần đầu gặp gỡ với mẹ chồng và cách bà sẽ trao tôi cuốn sách mật dành cho tân nương, cuốn sách sẽ hướng dẫn tôi phải làm gì khi mây mưa. Tôi hình dung ra đêm đầu tiên một mình trên giường với người lạ.
Tôi cầu khấn những năm tháng bên nhau của chúng tôi trong tương lai không bị những lo lắng về tiền bạc hay quan cách làm trở ngại. Chúng tôi sẽ hưởng ngày, hưởng đêm, hưởng nụ cười, lời nói, nụ hôn và ánh mắt. Toàn những ý nghĩ hay ho. Toàn những mộng tưởng vu vơ. Buổi sáng sinh nhật tôi và cũng là ngày Thất Tịch, tôi chẳng muốn ăn uống gì.
Tâm trí tôi đầy những hồi ức về hơi thở người lạ trên má mình cùng những lời chàng thì thầm. Đó chính là nỗi tương tư, tôi vui sướng nhận ra. Hôm nay tôi muốn mọi thứ mình làm, từ lúc trở dậy đến khi gặp chàng ở Vọng
Nguyệt Đình, đều do ý nguyện của chính bản thân tôi.
Tôi sai Liễu Nhi gỡ lớp bó chân ra, để nó dùng lòng bàn tay nắm lấy mắt cá chân phải tôi và quan sát khi những ngón tay nó tháo lớp vải trên, dưới và quanh bàn chân tôi bằng một động tác như bị thôi miên. Nó ngâm chân tôi vào chậu nước lá bưởi để giữ cho cơ thịt mềm mại và dễ bó, rồi cọ sạch lớp da cũ.
Nó dùng phấn làm từ vỏ rễ cẩu kỷ tử để làm mịn những chỗ ráp, rắc phèn vào các kẽ chân để tránh nhiễm trùng và hoàn tất bằng việc rắc một lớp phấn thơm mỏng mịn đầy cám dỗ. Đôi bàn chân bó của tôi đẹp vô cùng, đó là nét đẹp nhất của tôi, và tôi rất tự hào về chúng.
Thường thì tôi hoàn toàn chú tâm vào sự chăm sóc của Liễu Nhi để đảm bảo rằng các kẽ sâu đã được lau sạch hoàn toàn, những cục chai đã được tẩy đi, tất cả các mảnh xương gãy thọc qua da tôi đã được mài nhẵn và móng chân để càng ngắn càng tốt. Lần này thì tôi tận hưởng sự nhạy cảm của da thịt mình trong làn nước ấm áp và không khí mát lạnh.
Đôi bàn chân phụ nữ là thứ huyền bí nhất và là món quà lớn nhất. Nếu điều kỳ diệu xảy ra và tôi thành hôn với người lạ của mình, tôi sẽ chăm sóc chúng một cách kín đáo, thoa phấn để chúng dậy mùi thơm và rồi bó chặt lại để chúng trông càng nhỏ nhắn thanh mảnh càng tốt.
Tôi sai Liễu Nhi mang tới một chiếc khay để vài đôi hài. Tôi chăm chú nhìn chúng ngẫm ngợi. Chàng sẽ thích đôi nào hơn, đôi màu đỏ tươi thêu những cánh bướm hay đôi màu xanh nhạt với những con chuồn chuồn nhỏ xíu? Tôi nhìn những đồ lụa là Liễu Nhi mang ra cho mình và tự hỏi liệu chàng có thích không.
Liễu Nhi giúp tôi mặc y phục, chải tóc rửa mặt rồi thoa phấn và tô hồng má tôi. Đắm đuối một cách vô vọng trong những ý nghĩ về tình yêu, nhưng tôi vẫn phải cúng lễ ông bà tổ tiên vào ngày Thất Tịch. Sáng nay, tôi không phải là người đầu tiên trong gia tộc tới từ đường.
Chúng tôi đều mong ước giàu sang, được mùa, sinh con đẻ cái và những đồ thực phẩm cúng lễ đã được làm ra để cầu lộc sinh sôi từ tổ tiên ban lại. Tôi nhìn thấy cả một bộ rễ khoai sọ, biểu tượng của khả năng sinh sản, và biết rằng các thím và những người thiếp đã ở đây để cầu xin tổ tiên ban quý tử cho dòng tộc.
Các tỳ thiếp của ông nội tôi đã để lại những chùm quả sơn trà và vải tươi nhỏ. Họ phung phí quá mức, vì biết rằng ở thế giới bên kia họ vẫn sẽ duy trì thân phận làm nô tỳ của ông nội và hy vọng bà nội tôi đang thì thầm những lời tốt đẹp về họ vào tai ông. Các chú tôi đã mang gạo đến để cầu bình an và sung túc còn cha tôi cúng một đĩa thịt để cầu cho gia tộc thêm giàu sang và một mùa tơ tằm bội thu.
Bát đũa cũng được dâng lên, để các cụ có thể dùng bữa một cách dễ dàng và thanh nhã. Tôi đã bắt đầu đi tới Xuân Đình để ăn điểm tâm thì nghe mẹ gọi. Tôi bèn theo tiếng bà tới buồng dành cho các bé gái. Khi bước vào, xộc vào mũi tôi là mùi hương độc đáo của thứ nước nấu đặc biệt từ hương trầm, hạt mơ và quả bạch dâu mà vú già dùng cho các cô con gái họ Trần khi bó chân.
Tôi thấy thím hai đang ôm Phong Lan, con gái út của thím vào lòng, mẹ tôi đang quỳ trước hai người bọn họ và mọi bé gái khác sống trong buồng này, không đứa nào trong bọn hơn bảy tuổi, túm tụm xung quanh họ. “Mẫu Đơn,” mẹ bảo khi nhìn thấy tôi, “con lại đây. Ta cần con giúp.” Tôi đã nghe mẹ phàn nàn rằng việc bó chân Phong Lan không tiến triển và rằng thím hai đã quá mềm lòng trong việc này.
Mẹ nhẹ nhàng cầm một bàn chân của con bé trong tay. Những chiếc xương cần phải gãy đều đã gãy, nhưng người ta vẫn chưa cố nắn chúng thành hình dáng đẹp hơn. Cái mà tôi nhìn thấy lúc này trông giống thân một con mực đầy những que nhỏ gãy lởm chởm. Nói theo cách khác là một mớ hỗn độn tím tím vàng vàng vô dụng, xấu xí.
“Thím biết là đàn ông trong gia tộc ta yếu đuối,” mẹ quở trách thím hai. “Họ từ nhiệm và trở về nhà sau
Đại biến. Họ từ chối làm việc cho hoàng đế mới nên họ không còn nắm chút thực quyền nào nữa. Họ bị buộc phải cạo trán. Họ không cưỡi ngựa nữa mà ưa an nhàn ngồi trong kiệu hơn.
Thay vì chiến đấu, đi săn và đàm luận thời thế họ lại sưu tập những thứ đồ sứ tinh xảo và tranh lụa. Họ đã trốn tránh và trở nên... nữ tính hơn.” Bà tạm ngừng trước khi tiếp tục một cách mạnh mẽ. “Vì lẽ thế nên chúng ta phải đàn bà hơn bao giờ hết.” Nói đến đây, bà lắc bàn chân của Phong Lan.
Con bé khóc thút thít, nước mắt lăn xuống trên má thím hai. Mẹ không hề để tâm.
“Chúng ta phải tuân theo Tam Tòng Tứ Đức. Hãy nhớ rằng tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử. Phu quân là Trời,” bà dẫn Nữ hiếu kinh ra. “Thím biết điều tôi nói là đúng.” Thím hai không nói gì nhưng những lời này làm tôi sợ.
Vì là đứa con gái lớn nhất trong gia tộc nên tôi nhớ mọi thứ quá rõ ràng mỗi khi một trong các em họ tôi bị bó chân. Các thím tôi thường xuyên quá nhân từ và mẹ sẽ đích thân bó lại, làm cả con bé lẫn mẹ nó khóc vì đau đớn khổ sở. “Đây là những thời điểm khó khăn,” mẹ nghiêm khắc nói với bộ đôi đang khóc.
“Việc bó chân giúp chúng ta nhu mì hơn, yếu đuối hơn, nhỏ bé hơn.” Bà lại tạm ngừng trước khi tiếp tục bằng một giọng dịu dàng hơn nhưng không kém phần cứng rắn, “Tôi sẽ chỉ cho thím làm việc này thế nào. Tôi mong rằng thím làm việc này cho con gái thím sau bốn ngày nữa. Cứ mỗi bốn ngày, càng lúc càng chặt hơn.
Hãy cho con gái thím món quà của tình mẫu tử. Thím có hiểu không?” Nước mắt thím hai nhỏ từ má xuống tóc con gái. Mọi người trong phòng đều biết rằng sau bốn ngày thím hai sẽ chẳng mạnh mẽ hơn bây giờ và một biến tấu của cảnh này sẽ được lặp lại. Mẹ chuyển hướng chú ý sang tôi.
“Đến ngồi cạnh ta đi.” Khi mẹ con tôi nhìn vào mắt nhau, bà cười với tôi một nụ cười đượm tình mẫu tử. “Đây sẽ là đôi chân cuối cùng được bó trước khi con lấy chồng. Ta muốn con về nhà chồng với những kỹ năng chuẩn mực để một ngày nào đó con còn bó chân cho con gái mình.” Những bé gái khác nhìn tôi đầy ngưỡng mộ, ước mong mẹ chúng cũng làm điều đó cho chúng.
“Không may là trước hết chúng ta phải sửa chữa những gì đã bị bỏ bê ở đây,” bà nói. Rồi bà tha thứ cho thím hai bằng cách nhẹ nhàng nói thêm, “Tất cả các bà mẹ đều không đủ dũng khí khi phải làm việc này. Có những lần tôi cũng yếu đuối như thím. Nó xui ta không quấn lớp bó cho chặt.
Nhưng rồi điều gì xảy ra?
Đứa trẻ bước đi và những cái xương bắt đầu di chuyển trong lớp bó. Thím hai, thím không thấy là trong khi thím nghĩ mình đang làm điều tốt cho con gái thì thím chỉ kéo dài thử thách của nó và khiến nó càng đau đớn hơn hay sao? Thím phải nhớ rằng một khuôn mặt khó ưa là thứ Trời trao nhưng đôi bàn chân bó không đúng chuẩn mực là dấu hiệu của sự lười biếng, không chỉ của bà mẹ mà của cả con gái nữa.
Điều này sẽ gửi thông điệp gì đến nhà thông gia tương lai chứ? Con gái cần phải thanh mảnh như hoa. Điều quan trọng là chúng bước đi một cách tao nhã, đung đưa một cách duyên dáng và thể hiện tư cách đáng trọng của mình. Theo cách đó con gái mới thành ngọc quý.” Giọng mẹ đanh lại khi bà nói với tôi.
“Chúng ta phải mạnh mẽ và sửa chữa lỗi lầm khi chúng xảy ra. Giờ con hãy cầm mắt cá chân em họ con bằng tay trái.” Tôi làm như được bảo. Mẹ nắm bên ngoài bàn tay tôi và siết lại. “Con sẽ phải nắm thật chặt vì...” bà liếc nhìn lên Phong Lan và quyết định không nói hết câu.
“Mẫu Đơn,” bà tiếp tục, “chúng ta không giặt giũ nhưng chắc là con đã từng thấy Liễu Nhi hay những đứa tôi tớ khác giặt quần áo hay vải vóc của con rồi chứ?” Tôi gật đầu. “Tốt, vậy con biết rằng lúc giũ quần áo bọn chúng vắt càng chặt càng tốt để cho ra hết phần nước còn lại.
Chúng ta sắp sửa làm cái gì đó giống thế. Hãy làm theo đúng như ta làm.” Từ tình mẫu tử được tạo bởi hai thành phần: tình yêu và đau đớn.(1) _ Tôi đã luôn nghĩ rằng cảm xúc này là của các cô con gái cảm nhận về mẹ mình, những người đã gây đau đớn cho chúng tôi bằng cách bó chân chúng tôi lại, nhưng khi nhìn những giọt nước mắt của thím hai và sự can đảm của mẹ, tôi nhận ra rằng xúc cảm này là của họ.
Người mẹ đã chịu đau đớn cùng cực để sinh nở, bó chân và nói lời tạm biệt với con gái khi nó đi lấy chồng. Tôi muốn mình có thể bày tỏ với các con gái mình rằng mình yêu chúng thế nào, nhưng tôi thấy lòng đau đớn, trong nỗi đồng cảm với đứa em họ và trong nỗi sợ rằng tôi sẽ làm hỏng việc theo cách nào đó.
“Mẹ nó hãy ôm chắc lấy con gái mình nào,” mẹ tôi bảo em dâu. Bà nhìn tôi, gật đầu khuyến khích và bảo, “nắm một tay quanh bàn chân cho chạm vào tay kia... như thể con sắp vắt quần áo ấy.” Áp lực lên những cái xương gãy của Phong Lan khiến nó quằn quại. Thím hai choàng cánh tay quanh con gái mình chặt hơn.
“Tôi mong là chúng ta có thể làm nhanh việc này,” mẹ tiếp tục, “nhưng cơ sự ra thế này trước hết là bởi sự hấp tấp và một trái tim mềm yếu.” Bà giữ chặt tay trái trên mắt cá chân trong khi tay phải chầm chậm tiến về phía các ngón chân. Em họ tôi bắt đầu gào lên. Tôi thấy chóng mặt nhưng đồng thời cũng lấy làm hồ hởi.
Mẹ đang tỏ cho tôi thấy bao nhiêu là tình mẫu tử. Tôi làm theo động tác của bà và tiếng gào của em họ tôi còn dữ dội hơn. “Tốt,” mẹ bảo. “Hãy cảm nhận những chiếc xương được sắp xếp đúng vị trí bên dưới những ngón tay con. Hãy để chúng vào đúng chỗ của mình khi bàn tay con vắt chặt.” Tôi lần đến các ngón chân và buông ra.
Đôi bàn chân Phong Lan vẫn méo mó khủng khiếp. Nhưng thay vì các cục u lạ lùng lồi trên da thịt, đôi bàn chân nó trông giống hai trái ớt dài. Phía trên tôi, thân mình Phong
Lan phập phồng với những tiếng nức nở khi nó cố lấy hơi. “Phần tiếp theo sẽ đau đấy,” mẹ nhắc nhở. Bà sai một đứa em họ tôi đang đứng bên phải bà, “Đi tìm vú Thiệu đi.
Bà ấy ở đâu được nhỉ? Không sao. Cứ bảo bà ấy đến đây. Nhanh lên!” Con bé quay trở lại với bà vú già của tôi. Vú từng có một gia đình tử tế, nhưng vú đã đến làm việc cho chúng tôi khi trở thành một góa phụ trẻ tuổi. Càng lớn lên tôi càng bớt quý vú vì vú rất nghiêm khắc và không rộng lượng.
“Giữ cho chân con bé ở đúng chỗ đi,” mẹ ra lệnh. “Tôi không muốn thấy bất cứ một cử động nào từ đầu gối xuống, trừ những cử động của tay con gái tôi hoặc tay tôi. Bà hiểu không?” Vú Thiệu đã trải qua việc này rất nhiều lần và biết việc gì cần làm. Mẹ nhìn khắp lượt đám con gái.
“Lùi lại. Cho trống một chút nào.” Mặc dù mấy con bé này tò mò như chuột, mẹ tôi là người đàn bà đứng đầu trong khu nhà này, nên bọn nó đều răm rắp nghe lời. “Mẫu Đơn, hãy nghĩ đến bàn chân con khi con làm việc này. Con biết các ngón chân được gập xuống dưới thế nào và ngón chân giữa được gấp lên chính nó thế nào chứ? Chúng ta thực hiện việc này bằng cách cuộn xương dưới bàn chân như thể con đang cuộn bít tất ấy.
Con làm được không? “Chắc là được
ạ.” “Mẹ nó đã sẵn sàng chưa?” mẹ tôi hỏi thím hai. Thím hai, người nổi tiếng vì nước da xanh xao, trở nên gần trong suốt như thể đã hồn lìa khỏi xác. Với tôi thì mẹ bảo, “Một lần nữa, làm theo ta nào.” Và tôi làm. Tôi vặn những chiếc xương bên dưới, tập trung đến nỗi hầu như không nhận thấy những tiếng thét inh tai của em họ.
Bàn tay chai sạn của vú Thiệu giữ cẳng chân chắc đến nỗi các đốt ngón tay bà trắng bệch.
Trong cơn đau đớn cùng cực, Phong Lan nôn ọe. Đám bầy nhầy nát bấy văng ra từ miệng nó bắn tung tóe vào áo dài, váy và mặt mẹ tôi. Thím hai xin lỗi rối rít và tôi nhận thấy nỗi hổ thẹn cay đắng trong giọng thím.
Những cơn nôn ọe nối tiếp nhau làm tôi bị ướt nhưng mẹ không nao núng hay do dự một khoảnh khắc nào. Cuối cùng chúng tôi cũng làm xong, mẹ nhìn thành quả của tôi và vỗ nhẹ lên má, “Con làm tốt đấy. Đây có lẽ là tài năng đặc biệt của con. Con sẽ là một người vợ và người mẹ tốt.” Chưa bao giờ mẹ khen tôi như thế với bất cứ việc gì tôi đã làm.
Mẹ quấn bàn chân bà đã làm trước. Bà làm những gì thím hai không thể làm; bà bó rất chặt. Phong Lan giờ đây chìm trong nước mắt nên âm thanh duy nhất là giọng mẹ tôi và tiếng sột soạt khe khẽ của cuộn vải khi bà đưa nó lên lên xuống xuống bàn chân, lần nữa và lần nữa, cho đến khi ba thước vải đã được quấn hết lên trên một bàn chân bé xíu.
“Lịch sử nước ta từ trước tới nay chưa khi nào có nhiều cô gái bó chân như ở thời này,” mẹ giải thích. Bọn mọi Mãn Châu cho rằng thói quen của phụ nữ ta lạc hậu! Chúng nhìn thấy chồng chúng ta và chúng ta lo lắng cho họ, nhưng bọn Mãn Châu không thể nhìn thấy chúng ta trong khuê phòng.
Chúng ta bó chân con gái như một hành động nổi dậy chống lại những kẻ ngoại bang kia. Hãy nhìn quanh đi; ngay cả a hoàn, gia nhân và nô tỳ của chúng ta cũng bó chân. Cả người già, kẻ khó và kẻ hèn yếu cũng bó chân. Chúng ta có cách của phụ nữ ta. Đó là điều khiến chúng ta giá trị.
Đó là điều khiến chúng ta có thể lấy được chồng. Và chúng không thể ngăn ta lại được!” Mẹ khâu chỗ bó vào, đặt bàn chân lên một chiếc nệm và bắt đầu chuyển sang bàn chân tôi đã nắn lại. Khi xong việc, bà cũng đặt bàn chân này lên nệm. Bà gạt những ngón tay ve vuốt của em dâu khỏi gò má còn ướt của Phong Lan và thêm vài nhận định cuối cùng.
“Qua việc bó chân chúng ta đã thắng lợi theo hai cách. Chị em phụ nữ yếu đuối chúng ta đã đánh bọn Mãn Châu. Chính sách của chúng thất bại thảm hại đến nỗi giờ đây phụ nữ Mãn Châu cố học theo chúng ta. Nếu ra bên ngoài, thím sẽ thấy họ đi những đôi hài to xấu xí với đế nhỏ xíu dựng theo dáng hài chân bó đóng phía dưới để tạo cho họ ảo tưởng về đôi bàn chân bó.
Chà! Họ không thể ganh đua hoặc ngăn ta nuôi dưỡng văn hóa ta. Quan trọng hơn, bàn chân bó vẫn là thứ hấp dẫn chồng chúng ta. Hãy nhớ rằng, người chồng tốt là người mang lại cho ta khoái cảm dục tình.” Với những cảm giác xuất hiện trong tôi từ khi gặp người lạ, tôi cảm thấy mình hiểu điều bà đang nói.
Dù lạ là tôi chưa từng thấy cha và mẹ chạm vào nhau. Chuyện này do cha hay do mẹ? Cha luôn biểu lộ sự trìu mến với tôi. Ông ôm hôn tôi mỗi khi cha con gặp nhau ở hành lang hay khi tôi tới thăm ông tại thư phòng. Khoảng cách thể xác giữa cha và mẹ hẳn là do khiếm khuyết nào đó ở mẹ.
Liệu vào lúc kết hôn với cha tôi bà đã có được những hiểu biết như tôi bây giờ? Đó có phải là lý do khiến cha tôi có tỳ thiếp không? Mẹ đứng lên và kéo vạt váy ướt ra xa chân. “Ta đi thay đồ. Mẫu Đơn, hãy tới thẳng Xuân Đình nhé. Thím hai, để con gái lại đây và đi cùng Mẫu Đơn.
Chúng ta có khách. Chắc là họ đang đợi chúng ta. Bảo họ cứ ăn sáng, không cần đợi tôi.” Với vú Thiệu, bà nói thêm, “Ta sẽ sai mang cháo đến cho con bé. Phải ép nó ăn rồi cho nó ít lá thuốc giảm đau. Hôm nay nó có thể nghỉ. Ta mong vú cho ta biết tình hình sau bốn ngày. Chúng ta không được phép để chuyện này xảy ra lần nữa.
Thế không công bằng với đứa trẻ và làm những đứa nhỏ hơn hoảng sợ.” Sau khi bà đi, tôi đứng dậy. Trong khoảnh khắc, căn buồng tối sầm lại. Cuối cùng đầu óc tôi cũng quang quẻ, nhưng dạ dày tôi thì vẫn không không ngừng quặn lên. “Thím cứ từ từ thôi,” tôi gắng nói.
“Cháu sẽ gặp thím ở hành lang khi nào thím xong.” Tôi lao về buồng mình, đóng cửa lại, nhấc nắp cái bô nước tiểu đã đầy một nửa lên và nôn oẹ. May mà Liễu Nhi không ở đó, vì tôi không biết phải giải thích thế nào cả. Rồi tôi đứng lên súc miệng, quay trở lại hành lang và tới nơi đúng lúc thím hai đi từ buồng bọn con gái ra.
Cuối cùng tôi đã làm việc gì đó khiến mẹ mình thực sự tự hào, nhưng nó cũng khiến tôi phát ốm. Dù tất cả ao ước của tôi là được mạnh mẽ như Lệ Nương, nhưng tôi lại dễ mềm lòng như thím mình. Tôi sẽ không thể thể hiện tình mẫu tử với con gái mình.
Sẽ là một thảm họa khi bó chân cho nó.
Tôi hy vọng mẹ sẽ không bao giờ biết. Có lẽ, mẹ chồng tôi sẽ không để tin tức về sự thất bại của tôi vượt cửa nhà họ Ngô, cũng như mẹ không để ai biết về sự yếu đuối của thím hai. Chuyện này được liệt vào điều luật, rằng không bao giờ được làm điều gì khiến gia tộc mất mặt, và nhà họ Ngô, nếu họ tốt bụng và tử tế, họ sẽ thực hiện phần của mình bằng cách giữ bí mật trong bốn bức tường nhà họ.
Tôi trông đợi một bầu không khí trầm mặc khi thím hai và tôi bước vào Xuân Đình, vì chắc chắn mọi phụ nữ trong trang viên này đều đã nghe thấy tiếng gào của Phong Lan, nhưng thím ba đã tranh thủ cơ hội làm người đàn bà đứng đầu trong phủ. Các món ăn đã được dọn ra, và đám phụ nữ thì đang bận ăn và nói chuyện tầm phào như thể không có gì bất thường xảy ra vào buổi sáng ngày Thất Tịch trong Trần phủ.
Tôi quên làm mình chai sạn đi để chống lại những lời bình phẩm chua cay có thể đoán trước của lũ em họ suốt bữa điểm tâm, nhưng thật lạ, lời chúng rơi khỏi tai tôi như lớp da chết mà Liễu Nhi đã cọ khỏi chân tôi. Tuy vậy tôi không ăn nổi ngay cả món sủi cảo đặc biệt mẹ đã sai đầu bếp chuẩn bị cho sinh nhật tôi.
Làm sao tôi có thể bỏ thức ăn vào miệng mà nuốt khi dạ dày vẫn cuộn lên bởi vụ bó chân, bởi niềm hạnh phúc ngấm ngầm và bởi những lo lắng về việc đêm nay có thể bị bắt gặp nữa. Sau bữa điểm tâm, tôi trở lại buồng mình. Lát sau, khi nghe thấy tiếng bước nhẹ nhàng của gót sen khi những người khác rời buồng họ đến Liên Khai Đường, tôi gói một bức tranh của mình trong mảnh lụa cho cuộc thi hôm nay, hít một hơi sâu rồi bước ra hành lang.
Khi tới
Liên Khai Đường tôi tìm chỗ ngồi bên cạnh mẹ. Cảm giác ấm áp của bà trước đó dường như đã tan biến nhưng tôi không lo lắng. Hôm nay bà đặc biệt bận rộn với khách khứa, các cuộc thi và cả buổi lễ Thất Tịch nữa, tôi nghĩ khi bà đi khỏi chỗ tôi. Chúng tôi bắt đầu bằng cuộc thi vẽ tranh, nếu đã cẩu thả khi thêu thùa và vụng về khi chơi đàn thì lúc vẽ tranh tôi còn tệ hơn.
Mục thi đầu tiên là những đóa mẫu đơn.
Dường như ngay khi tất cả các bức tranh được bày ra, những ánh mắt trông đợi hướng sang tôi. “Mẫu Đơn này, hoa mẫu đơn của cháu đâu?” một vị khách hỏi. “Đó là tên cháu nó,” thím ba tiết lộ với những người khác,
“nhưng chưa bao giờ cháu nó luyện vẽ cánh hoa cả.” Cuộc thi được tiếp tục bằng hoa cúc, hoa mai và cuối cùng là hoa lan.
Tôi len lén đặt bức tranh của mình lên bàn. Những bông lan tôi vẽ quá nặng nề và một cô khác đã thắng cuộc. Tiếp theo là các bức vẽ bướm và cuối cùng là vẽ bướm cùng hoa. Tôi không tham gia mục nào cả. Luôn là những hoa và bướm đó, tôi tự nhủ. Nhưng chúng tôi có thể vẽ gì hơn? Tranh của chúng tôi vẽ những gì chúng tôi có thể thấy trong vườn: bướm và hoa.
Đứng đây, nhìn những khuôn mặt son phấn xinh đẹp của các thím, các em họ và những vị khách nữ, tôi trông thấy vẻ khát khao thèm muốn. Nhưng nếu tôi đang nhìn họ thì họ cũng đang quan sát tôi. Vẻ thẫn thờ của tôi không thoát khỏi sự chú ý của những phụ nữ khác, những người đã được rèn luyện để phát hiện ra lỗi lầm và yếu điểm.
“Mẫu Đơn nhà chị hình như kiệt sức vì tương tư rồi,” thím tư nhận xét. “Đúng thế, chúng em đều để ý thấy sắc ửng hồng trên má cháu,” thím ba thêm vào. “Trong đầu con bé có cái gì vậy nhỉ?” “Mai em sẽ hái thuốc và hãm một ấm trà để cháu nó dịu bớt,” thím tư đề nghị giúp đỡ.
“Tương tư ư?” mẹ lặp lại. “Mẫu Đơn quá thực tế mà.” “Chúng em thích thấy cháu nó thế này,” thím hai nói.
“Có lẽ cháu nó sẽ tâm sự bí mật của mình với những đứa khác. Tất cả bọn chúng đều muốn có những ý nghĩ lãng mạn. Cô gái nào trông cũng dễ thương thế này trong ngày sinh nhật thứ mười sáu.
Năm tháng trước khi đi lấy chồng. Em nghĩ chúng ta đều đồng tình rằng cháu nó đã sẵn sàng để được gả chồng rồi.” Tôi gắng hết mức để mặt mình khôn dò như mặt hồ trong đêm hè ẩm ướt. Tôi không làm được và vài phụ nữ lớn tuổi hơn khúc khích cười trước nỗi thẹn thùng con gái của tôi.
“Vậy thì việc cháu nó mau xuất giá là tốt,” mẹ tôi đồng tình với một giọng tưởng như nhẹ nhàng. “Nhưng thím nói đúng, thím hai ạ, có lẽ cháu nó kể với con gái thím. Tôi chắc rằng chồng cháu Chổi sẽ hài lòng với bất cứ điều gì giúp cho đêm động phòng của hai cháu được mỹ mãn.” Bà vỗ nhẹ tay.
“Giờ đi thôi, ra vườn cho vòng thi chung kết nào.” Khi đám phụ nữ nối đuôi nhau ra cửa, tôi cảm thấy ánh mắt mẹ nhìn mình, cân nhắc và xem xét những gì họ vừa nói. Bà không nói gì và tôi tránh ánh mắt bà. Mẹ con tôi như hai bức tượng đá trong phòng. Tôi biết ơn bà đã bảo vệ tôi, nhưng nói thế nghĩa là thừa nhận... cái gì nhỉ? Rằng tôi đang ốm tương tư?
Rằng tôi đã gặp gỡ ai đó trong Ngự Phong Đình hai đêm qua? Rằng tôi định đêm nay gặp chàng ở Vọng Nguyệt Đình, một nơi mà tôi không được phép tới? Đột nhiên tôi nhận ra mình đã biến đổi về bản chất.
Kinh nguyệt không biến con gái thành đàn bà, cả việc đính hôn hay những kỹ năng mới cũng vậy. Tình yêu đã biến tôi thành đàn bà. Tôi cầu khấn mình có được sự tự tin cùng phẩm giá của bà nội, và không nói lời nào, tôi ngẩng đầu bước khỏi cửa, đi ra vườn. Tôi ngồi bên một bồn hoa sứ.
Khu vườn rất đẹp, và hầu hết cảm hứng cho vòng thi cuối cùng này, như thường lệ, sẽ đến từ những gì chúng tôi trông thấy. Các em họ và các thím tôi đọc những đoạn thơ ngắn của những nữ sĩ nổi tiếng có nhắc đến hoa mai, hoa cúc, hoa lan và mẫu đơn. Có biết bao từ ngữ hay dành cho những bông hoa xinh đẹp và gợi liên tưởng đến thế, nhưng tôi lục trong ký ức cho tới khi tìm ra một bài thơ u ám đã được một phụ nữ vô danh viết trên một bức tường ở Dương Châu trong cơn Đại biến.
Tôi chờ tới khi những người khác ngâm thơ xong, rồi bắt đầu ngâm lên với giọng mà tôi tưởng tượng là âm thanh sầu thảm của người tác giả tuyệt vọng đó: Xơ xác hàng cây trơ nước mây Xa đưa tiếng ngỗng khuất chân trời Máu này ví nhuốm nhành mai đỏ Chắc chẳng vì ta, khứng nảy chồi.
Cõi lòng trống trải buồn khôn dứt Cuộc thế phù du chán mớ đời Mỗi khắc trôi qua sầu lại thẳm Muôn hàng châu lệ, vạt mưa rơi. Bài thơ này, được coi là một trong những bài buồn nhất về Đại biến, đã chạm vào nơi sâu thẳm trái tim mọi người. Thím hai, người vẫn đau khổ về cái chân bó của con gái, lại một lần nữa trào nước mắt, nhưng thím không phải là người duy nhất.
Những cảm xúc của tình ngập tràn cả khu vườn. Chúng tôi cùng chia sẻ nỗi tuyệt vọng với người phụ nữ lưu lạc mà có lẽ là đã chết đó. Rồi tôi cảm thấy ánh mắt mẹ xuyên qua mình. Khuôn mặt hoàn toàn biến sắc của bà khiến lớp phấn hồng nổi bật lên như những vết thâm trên má.
Giọng bà gần như không thể nghe được, “Vào ngày đẹp thế này mà con gái tôi lại gieo đau khổ vào cho chúng ta.” Tôi không hiểu sao mẹ lại khó chịu.
“Con gái tôi thấy không được khỏe,” mẹ thì thầm với những bà mẹ khác đứng quanh bà, “và tôi e rằng nó đã quên khuôn phép là gì.” Bà quay lại phía tôi.
“Con nên nằm nghỉ hết ngày hôm nay và cả tối nay.” Mẹ có quyền kiểm soát tôi, nhưng lẽ nào bà định ngăn tôi khỏi vở kịch chỉ vì tôi ngâm một bài thơ buồn thật sao? Lệ ứ trong mắt. Tôi chớp chớp để ngăn lại. “Con có ốm đâu ạ,” tôi thống thiết nói. “Đó không phải điều
Liễu Nhi nói với ta.” Tôi đỏ mặt vì giận dữ và thất vọng.
Lúc đi đổ bô, Liễu Nhi hẳn đã biến tôi nôn ọe và báo cho mẹ tôi. Giờ mẹ biết là tôi thất bại, lại một lần nữa, khi sắp làm vợ làm mẹ. Nhưng điều này này không chế ngự được tôi. Nó khiến tôi trở nên kiên định hơn. Tôi sẽ không để bà ngăn tôi đến cuộc gặp ở Vọng Nguyệt Đình.
Tôi đặt ngón trỏ lên má, nghiêng đầu và thể hiện vẻ mặt như trong bức tranh dễ thương nhất, ngây thơ nhất của một thiếu nữ Hàng Châu. “Ôi, mẹ, con nghĩ là các thím đã nói đúng. Vào ngày chúng ta vinh danh nàng Chức Nữ con đã để tâm tưởng mình trôi giạt tới cây cầu Ô Thước sẽ được dựng lên trong đêm nay cho đôi tình nhân gặp gỡ.
Có lẽ con có thoáng mệt mỏi, nhưng con không bị sốt, chẳng bị đau chỗ nào hay mắc phải căn bệnh phụ nữ nào. Sai sót của con chỉ là một dấu hiệu của thể trạng thiếu nữ chứ không hơn ạ.” Tôi tỏ ra thực sự ngây thơ và những phụ nữ khác nhìn tôi với ánh rộng lượng đến nỗi mẹ thấy khó mà đuổi tôi đi được.
Sau một lúc lâu, bà hỏi, ”Ai có thể đọc một bài thơ có cây mộc đồng trong đó nào?” Mọi thứ, giống như thường ngày ở khu phụ nữ, có vẻ như một cuộc kiểm tra gì đó. Và tất cả những cuộc kiểm tra đều nhắc tôi nhớ đến sự kém cỏi của mình. Tôi không nổi trội trong bất cứ việc gì, bó chân, thêu thùa, vẽ tranh, chơi đàn hoặc đọc thơ.
Giờ đây làm sao tôi có thể lên kiệu hoa khi tôi đã yêu người khác sâu sắc? Sao tôi có thể trở thành một người vợ xứng đáng với chồng, một người vợ mà chồng tương lai của tôi cần đến và mong muốn? Mẹ đã tuân theo mọi lễ giáo, ấy vậy mà bà vẫn không thể sinh con trai cho cha.
Nếu mẹ đã không phải một người vợ thành công thì tôi sao mà có thể được? Có lẽ chồng tôi sẽ ngoảnh mặt với tôi, làm tôi tủi thẹn trước mặt mẹ chồng và tìm vui thú nơi những nàng ca nương bên hồ hay lấy thiếp. Tôi nhớ đến điều mẹ thích nhắc đi nhắc lại: “Tỳ thiếp là một thực tế của cuộc sống.
Điều quan trọng là con chọn họ trước khi chồng con làm việc ấy, và con đối xử với họ thế nào. Đừng đánh đập họ. Hãy để anh ta làm việc đó.” Đó không phải là điều tôi mong muốn trong đời. Hôm nay là sinh nhật thứ mười sáu của tôi. Đêm nay trên thiên cung, Chức Nữ và Ngưu Lang sẽ tái ngộ.
Trong vườn nhà tôi, Lệ Nương sẽ được hồi sinh bằng tình yêu của Mộng Mai. Và trong Vọng Nguyệt Đình, tôi sẽ gặp gỡ người lạ của mình. Có lẽ tôi không phải là người phụ nữ trẻ hoàn mỹ nhất thành Hàng Châu, nhưng trước ánh mắt chăm chú của chàng, tôi cảm thấy mình là thế.
Truyện khác cùng thể loại
8 chương
487 chương
167 chương
3 chương