Tình Mẫu Đơn
Chương 16
Sau chuyến đi tới chỗ Thẩm, Trắc về nhà và lui về giường nghỉ. Nó không chịu thắp đèn, không nói năng. Nó gạt bỏ đồ ăn ngay cả khi người ta mang đến tận nơi. Nó không trang điểm và vấn tóc nữa. Sau những việc nó đã làm với tôi, tôi không làm gì giúp nó cả. Cuối cùng, khi Nhân trở về sau những chuyến đi, nó vẫn không trở dậy.
Họ mây mưa với nhau, nhưng cứ như thể hai người đã trở lại những ngày đầu tiên sau hôn lễ, Trắc mới thật thờ ơ làm sao. Nhân cố dỗ dành nó ra khỏi phòng bằng những cuộc dạo chơi vui vẻ trong vườn hay một bữa ăn với bạn bè. Thay vì nhận lời, nó chỉ choàng tay quanh người, lắc đầu từ chối rồi hỏi, “Em là vợ hay là chỉ là tỳ thiếp của chàng?” Chàng tròn mắt nhìn nó thủ thế trên giường, mặt mày lem luốc, da dẻ vàng vọt, khuỷu tay và xương đòn nhô ra từ cơ thể có vẻ như chỉ còn da bọc xương.
“Nàng là vợ ta,” chàng trả lời. “Đương nhiên là ta yêu nàng.” Khi nó òa lên khóc, Nhân làm việc hợp lý duy nhất mà một người đàn ông có thể làm. Chàng cho mời Triệu đại phu, và ông này thông báo, “Vợ cậu đã tái phát bệnh tương tư.” Nhưng Trắc không thể bị tương tư được.
Nó không ăn uống gì nữa, đúng, nhưng nó không còn là một thiếu nữ. Nó không còn trinh. Nó là một người đàn bà mười tám tuổi đã có chồng. “Em không bị tương tư. Em không có tình yêu!” Trắc kêu gào trên giường. Hai người đàn ông nghiêm nghị nhìn nhau rồi quay lại nhìn người đàn bà đang nằm liệt giường.
“Phu quân ơi, hãy tránh xa em ra. Em đã trở thành một con dâm thần, một con ma hút máu, một ả quyến rũ xấu xa. Nếu chàng ngủ với em, em sẽ lấy dùi xuyên thủng bàn chân chàng. Em sẽ hút máu chàng đến tận xương tủy để thỏa mãn nỗi trống trải trong em.” Đây là một cách để thoát khỏi chuyện mây mưa, nhưng tôi chẳng còn muốn can thiệp vào nữa.
“Có lẽ vợ cậu lo ngại về địa vị của mình,” Triệu đại phu suy luận. “Cậu không hạnh phúc với mợ ấy ư?” “Hãy coi chừng,” Trắc cảnh cáo đại phu, “không thì lần sau khi ngươi ngủ ta sẽ lấy mảnh lụa siết cổ ngươi.” Triệu đại phu lờ đi cơn bột phát. “Có phải Ngô phu nhân hay mắng mợ ấy quá không? Ngay cả một lời nhận xét quá tự nhiên của mẹ chồng cũng có thể khiến nàng dâu trẻ lo lắng và thiếu tự tin.” Khi Nhân đảm bảo với đại phu rằng chuyện đó không thể xảy ra, ông ta liền kê một thực đơn toàn móng lợn để giúp Trắc phục hồi khí huyết.
Nó không định ăn cái gì đó thấp kém thế. Tiếp theo đại phu lệnh cho đầu bếp nấu canh gan lợn để bồi bổ gan cho Trắc, ăn gì bổ nấy. Chẳng bao lâu sau ông đã thử mọi bộ phận bên trong con lợn để bồi bổ cho bệnh nhân. Chẳng cái nào công hiệu cả. “Lẽ ra cậu đã lấy người khác,” đại phu rụt rè nói với Nhân.
“Có lẽ người ấy quay lại để khẳng định địa vị của mình.” Nhân bác bỏ ý kiến đó. “Tôi không tin vào ma quỷ.” Đại phu bạnh hàm ra và quay lại xem mạch cho Trắc. Ông hỏi về những giấc mơ, và nó kể trong những giấc mơ của nó đầy những ma quỷ và cảnh tượng khủng khiếp.
“Tôi thấy một người đàn bà còn chút thịt vương trên hài cốt,” Trắc kể lại. “Nỗi thèm khát của bà ta vươn về phía tôi, quấn quanh cổ tôi và khiến tôi không sao thở nổi.” “Tôi đã chẩn đoán không được tinh tế lắm,” giờ đây Triệu đại phu thừa nhận với Nhân. “Vợ cậu mắc một dạng bệnh tương tư khác với những gì tôi đã nghĩ lúc ban đầu.
Mợ ấy mắc chứng bệnh thông thường nhất trong tất cả các chứng rối loạn của phụ nữ, và mắc rất nặng. Mợ ấy ăn phải quá nhiều dấm chua.” Trong phương ngữ của chúng tôi, từ này nghe giống hệt như ghen tuông. “Nhưng nàng không có lý do gì để ghen cả,” Nhân phản đối. Nghe vậy, Trắc trỏ ngón tay gầy guộc vào chàng, “Chàng không yêu em.” “Thế còn vợ cả của cậu?” Triệu đại phu quay lại nói.
“Trắc là vợ cả của tôi.” Câu đó làm tôi đau nhói. Nhân có thể hoàn toàn quên tôi như thế sao? “Có lẽ cậu quên rằng tôi đã chăm sóc Trần Đồng khi cô ấy chết,” đại phu nhắc. “Theo truyền thống thì cô ấy là vợ cả của cậu. Bát Tự của hai người không hợp ư? Hay quà dẫn cưới chưa chuyển đến nhà cô ấy?” “Suy nghĩ của ông thật lỗi thời,” Nhân phản đối.
“Chẳng có ma quỷ gì ở đây cả. Ma chỉ tồn tại để dọa trẻ con cho chúng vâng lời cha mẹ, để đám trai trẻ có cớ thanh minh về lối hành xử tồi tệ của họ với những người phụ nữ thấp hèn hay khiến các cô gái tiều tụy đi vì điều gì đó mà họ không bao giờ có được.” Làm sao chàng có thể nói ra những lời này? Chàng quên những gì chúng tôi đã nói vềMẫu Đơn Đình rồi ư? Chàng quên rằng Lệ Nương là hồn ma ư? Nếu chàng không tin là có ma thì chàng làm sao nghe thấy tôi được? Lời chàng thậm tệ và nghiệt ngã đến nỗi tôi quyết định cho rằng chàng nói ra những điều đó chỉ để an ủi và làm người chị em chung chồng của tôi yên tâm mà thôi.
“Nhiều người vợ tuyệt thực vì ghen tuông và cáu bẳn,” đại phu thử một cách tiếp cận khác. “Họ cố đẩy sự giận dữ sang cho người khác bằng cách làm cho họ đau lòng vì cảm giác tội lỗi và hối hận.” Đại phu kê cho Trắc một bát canh chữa ghen nấu từ nước luộc thịt chim vàng anh.
Trong một vở kịch về Hiểu Khánh, phương thuốc này đã được dùng cho người vợ ghen tuông. Nó đã làm thuyên giảm phân nửa tâm bệnh của bà ta nhưng để lại sẹo rỗ. “Ông muốn hủy hoại tôi ư?” Trắc đẩy bát canh ra. “Còn làn da tôi thì sao?” Đại phu đặt tay lên cánh tay Nhân và nói đủ lớn cho Trắc nghe, “Chỉ xin nhớ cho rằng ghen tuông là một trong bảy nguyên nhân gây ra đổ vỡ.” Nếu hiểu biết hơn thì tôi đã cố làm điều gì đó.
Nhưng nếu hiểu biết hơn thì có lẽ chính tôi đã không chết. Vì thế tôi cứ ở nguyên trên xà nhà khi đại phu cố loại bỏ phần hỏa dư ra khỏi bụng Trắc bằng một phương thuốc ít gây sẹo hơn, rửa ruột nó bằng nước rau cần dại. Trắc nôn đầy hết bô này đến bô khác nhưng vẫn không lấy lại được sức lực.
Tiếp sau đó là thầy toán mệnh. Tôi ở ngoài tầm với của thầy khi ông ta khua một lưỡi gươm còn ướt máu phía trên giường Trắc. Tôi bịt tai lại khi ông ta đọc thần chú. Nhưng không có linh hồn xấu xa nào ám Trắc cả và vì thế những nỗ lực của ông này không đem lại kết quả.
Sáu tuần trôi qua. Trắc mỗi lúc một yếu hơn. Nó nôn ọe khi thức dậy vào buổi sáng. Suốt cả ngày, ngay cả khi quay đầu nó cũng bị nôn. Lúc mẹ chồng mang cháo hoa đến, Trắc quay mặt đi và nôn ọe. Ngô phu nhân cho mời đại phu và thầy toán mệnh cùng đến. “Nhà chúng tôi đã phiền muộn nhiều vì con dâu,” bà hàm hồ nói.
“Nhưng có thể chuyện đang xảy ra chỉ là lẽ tự nhiên thôi. Có lẽ các vị nên khám lại cho nó và lần này thì hãy cân nhắc rằng nó là vợ và con trai tôi là chồng.” Đại phu xem lưỡi Trắc. Ông săm soi mắt nó, thăm các mạch khác nhau ở cổ tay một lần nữa. Thầy toán mệnh chuyển một giò phong lan ủ rũ từ bàn này sang bàn khác.
Ông ta xem lá số tử vi của Nhân và Trắc. Sau đó, ông ta viết câu hỏi vào một mảnh giấy rồi đốt trong lư hương để nó có thể bay lên trời và xem xét đống tro tàn để đoán câu trả lời. Rồi hai ông thầy chụm đầu để bàn bạc và đưa ra chẩn đoán. “Người mẹ thật minh trí,” cuối cùng Triệu đại phu tuyên bố.
“Phụ nữ luôn là người đầu tiên nhận ra các triệu chứng. Con dâu phu nhân có bầu.” Sau nhiều tuần lễ chẩn đoán lung tung, tôi không tin điều đó, nhưng cũng lấy làm tò mò. Có thể đúng vậy không? Mặc cho những người khác có mặt trong phòng, tôi thả mình xuống giường Trắc. Tôi ngồi dạng ra trên người nó và nhìn vào trong bụng.
Tôi thấy một đốm sống nhỏ xíu, một linh hồn đang chờ được tái sinh. Nhẽ ra tôi đã phát hiện sớm hơn nhưng tôi còn trẻ và thiếu hiểu biết về những việc này. Đó là một đứa con trai. “Nó không phải con tôi,” Trắc thét lên. “Lấy nó ra đi.” Triệu đại phu và thầy toán mệnh cười hồn hậu.
“Chúng tôi thường xuyên nghe các cô vợ trẻ nói thế,” Triệu đại phu nói. “Ngô phu nhân, phu nhân hãy cho mợ ấy xem lại cuốn sách bí mật của phụ nữ và giải thích chuyện đã xảy ra. Mợ Trắc, mợ hãy nghỉ ngơi, tránh buôn chuyện tầm phào và ăn những món thích hợp. Chớ ăn củ mã thầy, thịt hươu xạ, thịt cừu và thịt thỏ.” “Và mợ phải cài hoa hiên vào eo lưng,” thầy toán mệnh nói thêm.
“Nó sẽ làm giảm đau đớn khi sinh nở và bảo đảm sinh ra một đứa con trai khỏe mạnh.” Hết sức mừng rỡ, Nhân, mẹ chàng và các gia nhân bàn luận về những khả năng có thể xảy ra. “Con trai là tốt nhất,” Nhân nói, “nhưng tôi sẽ rất vui nếu là một cô con gái.” Chàng là người như vậy đấy.
Đó là lý do vì sao tôi vẫn yêu chàng. Nhưng Trắc không mừng vui với đứa bé và tình trạng của nó không được cải thiện. Nó không có cơ hội để nhìn thấy thịt hươu xạ và đầu bếp đã loại hoàn toàn thịt thỏ cùng thịt cừu ra khỏi thực đơn gia đình, nhưng Trắc đã lẻn vào bếp lúc khuya khoắt để gặm củ mã thầy.
Nó vò nát bông hoa ở eo lưng mà ném xuống sàn. Nó không chịu cho đứa bé đang lớn lên trong bụng mình ăn. Nó thức khuya để viết lên các mảnh giấy rằng đứa trẻ không phải của nó. Mỗi lần nhìn thấy chồng nó lại rền rĩ, “Chàng không yêu em.” Còn khi không khóc lóc, buộc tội hay hất đổ thức ăn thì nó lại nôn ọe.
Chẳng bao lâu sau chúng tôi đều thấy những mảnh niêm mạc dạ dày hồng hồng trong các chậu nôn gia nhân mang ra khỏi phòng. Mọi người đều hiểu tình hình nghiêm trọng. Không ai muốn người yêu quý chết, nhưng phụ nữ mà chết khi đang mang bầu hoặc lúc sinh nở sẽ tự đẩy mình vào một số phận khủng khiếp.
Đó là bị lưu đày tới Tụ Huyết Trì. Trung Thu đến rồi đi. Trắc thậm chí còn không chịu uống nước. Những chiếc gương và sàng con được treo lên trong phòng. May mắn là không thứ nào trỏ vào chỗ tôi nấp cạnh nó. “Chả có gì bất ổn với nó hết,” Đàm đại nhân tuyên bố khi ông tới thăm con.
“Nó không muốn đứa bé trong bụng vì nó chẳng có gì trong tim cả.” “Nàng là con gái người mà, nhạc phụ đại nhân,” Nhân nhắc ông, “và nàng là vợ con.” Đàm đại nhân không mủi lòng, mà bỏ đi với một lời khuyên kèm lời cảnh báo: “Khi đứa bé ra đời, hãy đưa nó tránh xa mẹ nó ra.
Thế là an toàn nhất. Trắc không thích để mắt tới ai ngoài bản thân mình đâu.” Trắc không được thanh thản. Suốt cả ngày, nó hoảng hốt, run rẩy, khóc lóc, bịt mắt lại. Đêm tối cũng không cho nó nghỉ ngơi. Nó trở mình từ bên nọ sang bên kia, thét lên và thức dậy đầm đìa mồ hôi.
Thầy toán mệnh dựng một bàn thờ đặc biệt bằng gỗ đào rồi bày hương và nến lên đó. Ông ta viết bùa đem đốt rồi hòa tro với nước suối. Gươm trong tay phải và bát tro sũng nước trong tay trái, ông ta khấn: “Hãy thanh tẩy ngôi nhà này khỏi mọi tai ương ẩn nấp tại đây.” Thầy nhúng một nhành liễu vào bát nước rồi rẩy vào bốn góc xung quanh.
Để tăng cường sức mạnh của bùa phép, thầy ngậm nước tro trong miệng và phun vào bức tường phía trên giường Trắc. “Hãy tẩy rửa tâm trí người đàn bà này khỏi những linh hồn hắc ám.” Song những cơn ác mộng của nó không ngừng lại và ảnh hưởng của chúng ngày càng tồi tệ.
Thế giới trong mộng là thứ tôi biết và tôi nghĩ mình có thể giúp được, nhưng khi theo Trắc ra ngoài ở trong mộng, tôi không thấy có gì đáng sợ hay bất thường cả. Nó không bị săn đuổi hay làm hại trong mơ, điều này khiến tôi rất hoang mang. Những bông tuyết đầu tiên đã rơi và đại phu lại đến.
“Đứa con vợ cậu đang mang không được tốt lắm,” ông bảo Nhân. “Nó đang mắc vào ruột vợ cậu và sẽ không ra được. Nếu cậu cho phép, tôi sẽ dùng thuật châm cứu để tống nó ra.” Bề ngoài, đây có vẻ như một lời giải thích hợp lý và một giải pháp thiết thực, nhưng tôi có thể trông thấy đứa trẻ.
Nó không phải là một linh hồn xấu; nó chỉ đang cố gắng sống sót thôi. “Nếu nó là con trai thì sao?” Nhân hỏi. Đại phu xua tay. Khi thấy những mảnh giấy viết chữ của Trắc rải rắc trong phòng, ông buồn rầu bảo, “Hàng ngày tôi chứng kiến và tôi không biết phải làm gì. Văn hay chữ tốt là một nguy cơ chết người đối với phụ nữ.
Tôi đã thấy quá nhiều sức khỏe và hạnh phúc của phụ nữ trẻ tiêu tan vì không từ bỏ bút mực rồi. Tôi e là...”, và đến đây ông đặt bàn tay lên cánh tay Nhân như để xoa dịu, “...là chúng ta sẽ phải hồi tưởng và đổ lỗi cho bệnh tương tư do chuyện viết lách đã gây ra cái chết của vợ cậu.” Tôi nghĩ, mà đây không phải là lần đầu, rằng Triệu đại phu hiểu rất ít về phụ nữ và tình yêu.
Vào thời điểm ngặt nghèo nhất này, khi nhà họ Ngô cắt cử việc trông coi người sắp lâm chung thì em nuôi của tôi đến. Sự xuất hiện của Bảo làm mọi người sửng sốt, vì chúng tôi đều đang tập trung vào một người đang hao mòn gầy rộc đi, trong khi cậu ta thì béo phì béo nộn. Trong những ngón tay mập mạp, cậu ta cầm những bài thơ tôi đã viết khi sắp chết và giấu trong cuốn sách về đắp đập trong thư phòng cha.
Làm sao Bảo tìm thấy chúng? Nhìn bàn tay trắng trẻo mềm mại kia thì cậu ta có vẻ như không phải là hạng người nhận thầu hay thiết kế đập nước. Cặp mắt nhỏ của cậu ta quá hẹp và sít vào nhau nên khó lòng tìm thấy niềm vui trong việc đọc sách vì lòng ham hiểu biết, huống chi là vì thích thú.
Có điều gì khác đã khiến cậu ta mở cuốn sách đặc biệt đó ra. Khi cậu ta đòi tiền để đổi lấy mấy bài thơ giản dị của tôi và tôi thấy đó không phải là món quà em vợ tặng anh rể, tôi hiểu rằng tình hình trong nhà họ Trần không tốt đẹp cho lắm. Tôi nghĩ là mình mong điều này.
Họ không thể lờ đi cái chết của tôi mà không hứng chịu hậu quả. Chắc là Bảo đã phải tháo dỡ thư phòng và đã tình cờ bắt gặp các bài thơ. Nhưng cha đâu? Ông sẽ bán các tỳ thiếp của mình đi trước khi chấp nhận bán thư phòng. Ông đang ốm ư? Ông đã mất ư? Chẳng phải là nếu ông đã mất thì tôi phải nghe thấy gì đó sao? Tôi có nên lao về nhà cha mẹ không? Nhưng, giờ đây là nhà tôi.
Nhân là chồng tôi và Trắc là chị em chung chồng với tôi. Nó đang ốm, ngay đây, ngay lúc này. Ồ, phải, đôi khi tôi đã giận dữ với nó. Thỉnh thoảng tôi đã căm ghét nó. Nhưng tôi sẽ ở bên nó khi nó chết. Tôi sẽ chào đón nó ở thế giới bên kia và cám ơn nó vì đã là chị em chung chồng của tôi.
Nhân trả tiền cho Bảo. Bệnh trạng Trắc trầm trọng đến nỗi chàng thậm chí không buồn nhìn các bài thơ ấy. Chàng chọn một cuốn sách trong thư phòng, cài mấy mẩu giấy vào, đặt cuốn sách lên giá và trở lại phòng ngủ. Chúng tôi lại chờ đợi. Ngô phu nhân mang trà và chút đồ ăn cho con trai, và chàng để lại hầu như còn nguyên.
Đàm đại nhân cùng phu nhân lại tới thăm con gái. Sự khắc nghiệt của họ tiêu tan khi nhận thấy Trắc thực sự đang hấp hối. “Kể mẹ nghe có chuyện gì nào?” Đàm phu nhân van nài con gái. Người Trắc chùng xuống và má nó hồng hào lên khi nghe thấy tiếng mẹ mình. Được khích lệ, Đàm phu nhân thử lại lần nữa.
“Cha mẹ có thể mang con đi khỏi đây. Hãy về nhà để ngủ trong giường của con. Con sẽ cảm thấy khá hơn.” Sau những lời đó, người Trắc cứng đờ. Nó mím môi quay đi. Thấy thế, nước mắt tuôn trào trên mặt Đàm phu nhân. Đàm đại nhân nhìn cô con gái cứng đầu. “Con cứ bướng bỉnh mãi thôi,” ông nhận xét, “nhưng ta luôn nghĩ rằng cái đêm xem vở Mẫu Đơn Đình chính là khoảnh khắc cảm xúc của con đông lại thành đá.
Từ lần đó con chưa bao giờ nghe một lời cảnh cáo hay khuyên nhủ nào của ta. Giờ con phải trả giá. Chúng ta sẽ nhớ đến con khi cúng giỗ.” Khi Ngô phu nhân tiễn người nhà họ Đàm ra kiệu, cô gái ốm yếu rền rĩ về các bệnh trạng nó không kể với cha mẹ, “Tôi cảm thấy tê phù.
Tay chân không cử động được. Mắt khô ran không nước mắt. Tinh thần đông cứng vì giá lạnh.” Cứ vài phút nó lại mở mắt nhìn lên trần nhà, run rẩy và nhắm mắt lại. Suốt những lúc như thế, Nhân cầm tay và dịu dàng thầm thì với nó. Đêm khuya hôm đó, khi tất cả chìm trong bóng tối và tôi không sợ có ánh sáng phản chiếu trong gương nữa, tôi thả mình xuống phòng.
Tôi thổi cho rèm cửa hé ra để ánh trăng chiếu sáng phòng ngủ. Nhân ngủ trong một chiếc ghế. Tôi chạm vào tóc chàng và cảm thấy chàng run rẩy. Tôi ngồi bên người chị em chung chồng và cảm thấy cái lạnh xuyên thấu qua xương cốt nó. Những người khác trong nhà đang lang thang trong giấc mơ của họ, nên tôi ở bên Trắc để bảo vệ và an ủi nó.
Tôi đặt bàn tay lên trái tim nó. Tôi cảm thấy trái tim ấy đập chậm chạp, lỡ nhịp, cuống cuồng rồi chậm lại. Ngay khi bóng tối bắt đầu nhường chỗ cho ánh hồng, không khí trong phòng thay đổi. Xương cốt Đàm Trắc sụm xuống, linh hồn nó tan ra và cứ thế bay vút qua bầu trời. .
Truyện khác cùng thể loại
10 chương
15 chương
77 chương
55 chương
10 chương
54 chương
145 chương