Rất nhiều năm về trước, đương kim Hoàng thượng chỉ là một chư hầu nho nhỏ trong số những quần hùng khởi nghĩa, địa bàn không phải lớn nhất, đội ngũ cũng không nhiều nhất, thậm chí từ đầu cũng chẳng ra mắt ở vị trí "center". Song người ta ra tay phi thường, chỉ năm thứ hai đã chính thức xưng đế, cuối năm ấy chiếm được tòa thành ngày hôm nay, sau đó quyết định đóng đô, hoàn thiện luật pháp, tổ chức triều đình... Rất nhanh chóng thành lập đội ngũ cơ sở, nhiều năm quản lý cẩn thận, xây dựng chinh chiến bằng cả hai tay, dần dần phát triển thành một quy mô tiệm cận với thống nhất thiên hạ lúc này. Thiếu Thương không khỏi bội phục. Tòa thủ phủ hiện nay chỉ là thái ấp của phiên vương nào đó ở tiền triều, sau khi Hoàng đế chiếm đóng nơi này, để giảm thiểu tiết kiệm nên đã trực tiếp dùng vương cung cũ làm cung thành - chính là Nam Cung ngày hôm nay. Dẫu sao dân số hoàng tộc cũng không nhiều, Nam Cung khá rộng lớn, thế là thành chỗ ở lẫn nơi vào triều chấp chính. Mãi đến năm hai anh em Vạn Trình đi theo phò tá, Hoàng đế thấy quốc khố ngày một dồi dào nên mới bắt đầu xây dựng quần thể Bắc Cung quy mô lớn hơn chút. Nhìn xuống cung thành khổng lồ hình chữ nhật đứng ta sẽ có Bắc Cung nằm ở trên cao, Nam Cung nằm bên dưới, trên lớn dưới nhỏ tạo thành quần thể cung điện vuông vức, giống y hệt chữ "Lữ (吕)" lộn ngược, hai cung Nam Bắc được nối với nhau bằng cầu trên không, xung quanh ký tự "Lữ" còn có rất nhiều cung điện nằm rải rác độc lập, ngoài ra còn có vườn tháp miếu mạo cùng các cơ quan hành chính, vân vân. Trường Thu cung của Hoàng hậu tọa lạc ở hướng tây nam Bắc Cung. Gia tộc hoàng thất thuở ban đầu khá đơn sơ. Thứ nhất, cha mẹ Hoàng đế đã mất sớm nên không có Thái hậu hay Thái phi, trưởng bối cao nhất trong hoàng thất hiện tại chính là Nhữ Dương vương đang ở tình trạng nửa tu tiên. Thứ hai, một huynh một đệ của Hoàng đế đã lần lượt bỏ mạng trong chiến trận, thậm chí khi qua đời người em vẫn chưa có con nối dõi, thế là một trong hai người con của huynh trưởng được thừa kế hương khói của người em. Kế đó, tỷ muội của Hoàng đế chỉ còn lại duy nhất Đại trưởng công chúa tuổi gần sáu mươi, dưới gối bà chỉ có một con ấu lanh chanh - chính là bạn học Hoàng Dương ngày hôm đó tại phủ của Lăng Bất Nghi nói đã nhìn thấy Thiếu Thương và Viên Thận lén lút hẹn hò ở tiệm rèn. Cuối cùng, hiện tại Hoàng đế chỉ có một hậu hai phi, theo thứ tự là Tuyên Hoàng hậu, Việt Phi và Từ Mỹ nhân, chấm hết. "Chỉ có thế này thôi ư?" Lúc Thiếu Thương nghe đến đoạn biên chế hậu cung thì rất ngạc nhiên, "Cơ thiếp của Vạn bá phụ còn không ít đến thế." Lăng Bất Nghi hỏi ngược lại: "Vậy Vạn công có bao nhiêu con nối dõi?" Thiếu Thương thở dài, đây đúng là nỗi đau bền vững của Vạn gia. "Lệnh tôn chỉ có một mình lệnh đường, con cháu không bao nhiêu." Ruộng tốt không cần quá nhiều, miễn là siêng cày cấy. Thiếu Thương đành đổi đề tài: "Vậy bệ hạ có bao nhiêu hoàng tử." Hoàng đế có cả thảy mười con trai năm con gái, ngoại trừ Ngũ hoàng tử do Từ Mỹ nhân tình cờ hạ sinh thì Tuyên Hoàng hậu và Việt Phi mỗi người sinh năm con trai, về sau một người con trai của Việt Phi chết yểu, thế là Việt Phi lại sinh thêm một vị công chúa. Kết luận: Tuyên hoàng hậu sinh năm trai hai gái, Việt Phi bốn trai ba gái, mỗi người sinh bảy người con. Thiếu Thương: ... Hoàng đế thuộc chòm sao Thiên bình chắc luôn. "Có phải Việt nương nương rất được bệ hạ sủng ái không? Vậy không phải sẽ rất bất lợi với Hoàng hậu nương nương ư." Đến một cô gái chưa từng đọc truyện cung đấu hay xem phim cung đấu vẫn có thể liên tưởng được. Lăng Bất Nghi lại làm ra vẻ mặt rất khó miêu tả: "... Chuyện này về sau em khắc rõ." Nhưng Thiếu Thương cũng không có nhiều thời gian để ý đến quan hệ hậu phi của Hoàng đế, điều bây giờ nàng cần làm là điều chỉnh lại đồng hồ sinh học. Sáng tinh mơ mỗi ngày, Thiếu Thương phải dùng sức mạnh dậy sớm tự học để rời giường rửa mặt chải đầu, rồi lại dùng sự kiên nhẫn bắt tàu điện ngầm đến thành phố để ngồi xe ngựa đến cổng thành hướng tây dựa bắc nhập cung, băng qua khu vườn thượng uyển rồi đi bộ về phía nam thì mới đến được Trường Thu cung. Khái quát lại chính là: thức dậy trước năm giờ, mất nửa tiếng đánh răng rửa mặt ăn sáng, thêm hơn một tiếng chạy đến cung thành, lại đi bộ thêm ba mươi bốn mươi phút nữa mới đến nơi làm việc. Chỉ mất hai ngày, trong bụng Thiếu Thương có bao nhiêu giọt mực đã bị Hoàng hậu nhìn thấu. Kể từ ngày thứ ba, Hoàng hậu bắt đầu dạy Thiếu Thương về các loại sách cổ. Không như Tiêu phu nhân cho con gái học thuộc lòng hết cuốn này sang cuốn khác, thay vào đó Hoàng hậu nói cho Thiếu Thương biết rõ nàng cần đọc hiểu bao nhiêu cuốn sách, theo thứ tự là các điển tịch Nho giáo Đạo giáo, luật lệ quy định, gia phả thế gia và thậm chí cả những điều cấm kỵ. Hoàng hậu ưa yên tĩnh, thông thường bà đã hoàn tất cung vụ khoảng mười phút trước khi Thiếu Thương có mặt tại Trường Thu cung vào lúc chín giờ, không phải đang cầm sách đọc thì cũng là đang luyện thư pháp. Bà để cung nữ dọn bài trải sẵn bút mực cho Thiếu Thương ở bên cạnh mình, luôn giải thích cho Thiếu Thương đoạn điển tịch kinh văn này nói gì, hoặc chỉ điểm thư pháp cho Thiếu Thương, rồi buổi sáng cứ vậy trôi qua. Hoàng hậu lại chuẩn bị một gian phòng trống cho Thiếu Thương ở trắc điện trong cung của mình, là nơi tiểu cô nương nghỉ ngơi mỗi ngày sau ngọ thiện, đến chiều bắt đầu giáo dục thục nữ và phổ biến các lễ nghi. Đầu tiên là lễ tế, bao gồm cầu nguyện tổ tiên thần linh hay thậm chí là núi sông ngòi trạch, Hoàng hậu còn triệu hai lễ quan đến giải thích kỹ lưỡng cho Thiếu Thương về việc tế lễ - từ cung đình tông thất cho tới công hầu thế tộc, từ khác biệt về cống phẩm vật tế cho đến hàm nghĩa của những lời cầu khấn. Thiếu Thương nghe mà hai mắt hoa lên như vòng nhang muỗi. Kế tiếp mới là kỹ thuật tài nghệ của một tân nương. Ví dụ như dệt vải, cụ thể được chia thành trồng gai xe sợi, nuôi tằm lấy tơ, kéo dệt, tơ bẹt tơ mỏng, thậm chí là cắt xiêm y; ngoài ra còn phải học những điều cơ bản về nấu ăn như làm chao tương, ủ tương cá, nấu rượu, vân vân. "... Thần thiếp cứ ngỡ mai mốt mình không cần phải tự tay làm những chuyện này." Thiếu Thương học hành quá cực nhọc, nhẫn nhịn hai hôm, cuối cùng bạo gan nói ra. Hoàng hậu mỉm cười: "Đúng là không cần tự tay làm, nhưng nếu ngươi tinh thông những việc ấy, người ngoài sẽ khen ngươi đảm đang hiền thục." Khi nói lời này, gương mặt đoan trang như khuôn đúc của bà thoáng giễu cợt. Thiếu Thương đờ đẫn gật đầu. Hiền thục, hay lắm hay lắm. Kế đến là nghệ thuật trò chơi, bấy giờ trò được lưu hành nhất là lục bác*, đổ xúc xắc, ném thẻ, ngoài ra còn có cờ vây và cờ búng không mấy phổ biến... Những lúc ấy Hoàng hậu sẽ gọi Lạc Tế Thông dẫn các tiểu cung nữ chơi cùng Thiếu Thương. (*Lục bác/六博 là một trò chơi dạng cờ phổ biến của Trung Quốc thời cổ đại, chủ yếu dành cho hai người chơi, mỗi người chơi lần lượt di chuyển sáu con cờ xung quanh các điểm đối xứng của một bàn cờ vuông dựa theo kết quả gieo sáu chiếc que, vốn được sử dụng như quân xúc xắc trong các trò chơi hiện đại.) Thiếu Thương càng đánh càng bại, càng đổ càng thua. Đến nỗi sáu viên xúc xắc đã đoán được năm, vậy mà nàng vẫn có thể tránh chính xác tất cả các đáp án đúng, chọn ngay đáp án sai. Lạc Tế Thông cười nghiêng ngả, chỉ vào nàng nói: "Vận may của muội dồn hết vào nhân duyên rồi!" Thiếu Thương rất muốn hộc máu - dồn cái gì mà dồn, đến tổ tiên mười tám đời không tích đức của bà đây dù đã xuống huyệt vẫn muốn nhổm dậy cầm quan tài ném bể đầu cảnh sát giao thông làm lãng phí tài nguyên quốc gia! "Như muội cũng tốt." Lạc Tế Thông rầu rĩ, "Ta sắp xuất giá đến Tây Bắc xa xôi, tới khi ấy muội nhớ ở bên Hoàng hậu nhiều nhé." Thiếu Thương ảo não. Hoàng hậu là thục nữ tiêu chuẩn được nuôi dưỡng bởi xã hội thượng lưu điển hình, bà còn có thể chầm chậm cắt tỉa cành lá cắm hoa hết nửa ngày trời, còn mình chỉ là nữ lưu manh dự bị ân oán sòng phẳng, bảo đập vỡ bia thì tuyệt đối không làm đổ đĩa nước tương, chứ như bây giờ thực sự muốn đòi mạng quá. "Chẳng nhẽ thần thiếp không cần học quản gia hay giải quyết đối nội ạ?" Nàng thấp giọng hỏi Hoàng hậu. Nào ngờ Hoàng hậu lại nở nụ cười rất có thâm ý: "Ngươi là nữ nương rất có chính kiến. Trong mấy ngày vào cung, ngươi chưa bao giờ đem theo bất cứ thứ nào thừa thãi, và cũng không lấy một cây kim hay một sợi chỉ nào ra khỏi cung. Biết cân nhắc lựa lời khi nói chuyện với ta, dù các cung nữ chào hỏi ngươi thế nào, ngươi cũng không đi lung tung nửa bước, gấp chăn đệm sau giờ nghỉ trưa còn vuông vức hơn cả thềm đá bạch ngọc ở tiền điện. Địch ảo* chuyện trò với ngươi một lúc lâu nhưng không tài nào hỏi nổi Nhị thúc ngươi hiện tại đang đi học ở đâu, trái lại còn bị ngươi hỏi quê bà ấy có bao nhiêu người, đã có hôn phối chưa, sinh sống ra sao, nhất nhất hỏi rõ. Vậy thì mấy chuyện quản gia nhỏ nhặt ấy có gì đáng lo đâu." (*Địch ảo nghĩa là người phụ nữ lớn tuổi họ Địch, chữ "ảo" chỉ là loại hiệu được xưng hô trong trường hợp không rõ người ấy tên gì.)