Chỉ là lời nói đùa mà đâu ngờ thành thật, trong giấc ngủ miên man, Du Thái Linh mơ thấy anh trai nhà hàng xóm ở thị trấn, vóc dáng cao gầy như cây ngô đồng trong sân nhà bà nội, còn bản thân bé nhỏ đứng cạnh anh ngẩng đầu trông lên, ngập tràn sự quý mến.
Từ nhỏ cô đã có một chấp niệm, vì sao cùng là trai nhà quê với gái tri thức về nông thôn sản xuất*, nhưng vợ chồng nhà người ta ân ái thắm thiết, sau khi cải cách thì càng phát tài giàu có, phong cách phô trương của nhà người ta là theo chân vợ học tập, quyên góp thư viện cộng đồng cho thị trấn hoặc lập học bổng cho trường tiểu học, chứ không giống ông cha nhà mình suốt ngày đến mấy chỗ nhà thổ ăn chơi đàng điếm.
(*Thanh niên trí thức tham gia phong trào vô sản hoá bằng cách gia nhập các công xã, đội sản xuất ở nông thôn trong đại cách mạng văn hoá Trung quốc.)
Hồi bé Du Thái Linh hay nằm trên đầu tường quan sát một nhà ba người hoàn hảo ấy, vừa hâm mộ lại vừa đố kỵ, tới khi lớn thì bắt đầu si mê con trai nhà người ta, kết quả người ta lại dẫn bạn gái về nhà, chỉ vào mình cười bảo “… Đây là em gái hàng xóm nhà anh.”
Hô, thảm hơn việc bị cho vào ‘friend-zone’ chính là bị đưa vào ‘brother-zone’ hay ‘sister-zone’.
Năm đó nghe nói hội trưởng vô dụng của câu lạc bộ hí kịch trong xã yêu thầm cô, nếu không phải, nếu không phải vì nhớ đến dáng vẻ hồi bé của cậu ta, Du Thái Linh đâu đến nỗi chết vẫn chưa kịp yêu đương tử tế, đúng là quá đáng tiếc.
Chẳng rõ đã sa đà vào chuyện cũ bao lâu rồi, Du Thái Linh nửa tỉnh nửa mê, tay chân bủn rủn không nhúc nhích nổi, chỉ cảm thấy có người đỡ mình dậy, đút từng thìa canh mát lạnh. Du Thái Linh mới uống mấy thìa đã thấy tỉnh táo phần nào, cố mở mắt ra… như thể một chiếc hộp đóng chặt bị cạy mở một kẽ hở, gần như có thể nghe thấy tiếng *rắc rắc*.
“Tỉnh rồi, tỉnh rồi!”
Du Thái Linh nhận ra đấy là giọng nói mừng rỡ xen lẫn thở phào của ‘thẩm thẩm tốt’ Cát thị.
“Thái y trong cung quả nhiên lợi hại, chỉ uống mấy thìa thuốc là có hiệu quả ngay, chúc mừng quân cô, chúc mừng tế bá, chúc mừng tẩu…”
Chẳng đợi Cát thị sốt ruột nói hết, một giọng nói già nua dấm dẳn vang lên: “Có mỗi nóng đầu mà làm quá, người ngoài lại tưởng nhà ta làm gì con gái bọn nó. Mười năm không ngó ngàng, là chúng ta chăm bẵm nó từ bé đến lớn, không có công lao cũng có khổ lao chứ, trẻ con nhà ai mà không bị bệnh, sốt có mấy hôm cũng khóc lóc lên xuống. Nếu lo lắng vậy thì tự đi mà nuôi.”
Du Thái Linh khó nhọc mở mắt, thấy trong phòng có mười mấy người ăn mặc như vú già với nô tỳ đang quỳ. Nương theo giọng nói nhìn lại, cô thấy ngồi trên chiếc giường gỗ đàn hương sơn mài, được nhóm nô tỳ vây quanh là một bà lão cao to béo khỏe, mặc trường bào cổ thẳng màu tím sẫm, đeo băng trán thêu hoa văn chìm bằng chỉ vàng. Phần eo mập mạp được thắt đai ngọc rộng chừng bốn năm ngón tay, tóc được búi thành búi tròn ở sau ót rồi cắm một cây trâm cài dài thượt, nhìn kỹ sẽ thấy cây trâm đó làm bằng vàng, thô như một thanh củi. Lại nhìn dái tai của bà ta, trên dái tai đeo khuyên bằng vàng to tướng, xém thì kéo rớt cả lỗ tai, dưới ánh nến ban đêm phản chiếu lấp lánh.
Du Thái Linh thấy mà tức, nghĩ bụng bộ bà ta mở cửa hàng bán vàng chắc, sao không cắm thêm hai cây đũa vàng vào mũi giả làm ngà voi vàng luôn đi?!
Bà ta có gương mặt dài, ánh mắt lóe lên vẻ miệt thị, như thể lúc nào cũng bất mãn. Quỳ bên cạnh đó là Cát thị cùng vài đứa nô tỳ, người bưng khay gỗ, kẻ cầm lò sưởi, dàn cảnh rất dữ dội. Chỉ có Cát thị là hai tay trống hoắc, bất an nhìn về Du Thái Linh.
Lúc này Du Thái Linh mới phát hiện có một cặp nam nữ trung niên đang ngồi cạnh giường mình. Người đàn ông cao to tuấn tú, nhưng vì râu quai nón nên không nhìn rõ mặt mũi, ông mặc áo bông màu đỏ, khoác áo choàng tối màu, phanh ra tay phải, trên cổ tay đeo một bộ bảo vệ cổ tay bằng sắt ánh vàng, rõ ràng là kiểu ăn mặc của võ tướng.
Dù người đàn ông này đã cởi bỏ áo giáp nhưng vô hình trung vẫn toát lên sự hào hùng mạnh mẽ nơi sa trường đẫm máu. Ông ấy nhìn thẳng vào Du Thái Linh, trong mắt hiện lên vẻ ân cần. Còn người phụ nữ kia vẫn im lặng cúi đầu, không biết mặt mũi trông ra sao, chỉ nhận thấy được thân hình duyên dáng thướt tha, trước lồi sau vểnh.
Nghe thấy lời bà lão kia nói, bà bác đứng tuổi đang dìu người phụ nữ vẫn còn thút thít kia bỗng đứng thẳng người lên, bà mặc thâm y màu thiên thanh, mi thanh mục tú, dẫu đã đứng tuổi nhưng chất giọng vẫn rất trong trẻo: “Lão phu nhân nói nghe buồn cười thật, làm như nữ quân nhà thiếp không muốn nuôi Tứ nương tử nên mới để Tứ nương tử ở nhà vậy. Thiếp chẳng dám vượt quá bổn phận, nhưng cũng biết ngày trước để Tứ nương tử ở lại là làm tròn đạo hiếu với lão phu nhân, nếu không có quẻ tượng của vu sĩ kia thì nữ quân nhà thiếp đâu nỡ để đứa con mới ba tuổi lại.”
Ngay lập tức Du Thái Linh đã biết lão thái bà này với người phụ nữ kia là ai, cô vội vã nhìn quanh, phát hiện đây không phải là căn phòng mà ‘thẩm thẩm tốt’ đã sắp xếp cho mình hồi trước. Phòng ốc hơi nhỏ, trang trí cũng khá đơn giản, nhưng được cái sàn nhà bằng gỗ sơn mài sáng bóng, trải thêm một tấm thảm lông nhiều màu dày cộm, trong phòng được sưởi ấm bằng lò than, tất cả đều đi vớ dày.
Dưới sàn đặt một chiếc bàn vuông thấp, trông hơi giống loại bàn cờ có chân trong “Kỳ thủ cờ vây”*, bên trên đặt một lớp đệm bằng nhung, có người ngồi quỳ trên đó, chắc là dùng như ghế; chẳng qua vẫn có nhiều người quỳ trực tiếp trên sàn hơn.
(*Kỳ Thủ Cờ Vây là tên tiếng Việt của bộ manga/anime đình đám Hikaru no Go, bàn cờ vây như ảnh.)

A Thanh, chớ nói lung tung.” Tiêu phu nhân thút thít nãy giờ ngẩng đầu lên, khẽ mắng một câu rồi thưa lời với Trình mẫu, “Xin quân cô thứ lỗi, tính tình A Thanh là thế, bà ấy chỉ quá xót cho Tứ nương tử thôi.”
Trình mẫu không chịu bỏ qua, tức giận nói: “Một đứa tiện tỳ mà dám làm càn! Người đâu, vả miệng…”
Lão thái bà còn chưa nói hết câu, vị võ tướng kia đã lạnh lùng ngắt lời: “Làm càn cái gì, A Thanh nói đâu sai. Ngày trước cho Niệu Niệu ở lại là để làm tròn đạo hiếu, nay lại nói như vợ chồng chúng con không chịu nuôi nấng, còn bất hiếu làm phiền mẫu thân. Tận hiếu với mẫu thân là điều nên, nhưng đã nói thì phải nói cho đúng.”
“Thủy nhi, con…!” Trình mẫu ghét nhất bốn chữ ‘vợ chồng chúng con’ này, bà ta vừa tức vừa sợ, nghĩ bụng tuy xưa nay trưởng tử nghe vợ hơn nghe mẹ, nhưng chưa bao giờ cứng miệng như thế cả.
Du Thái Linh choáng đầu hoa mắt, cô chỉ chú ý đến một trọng điểm, đó là cô tên ‘Điểu Điểu’* á?! Rõ ràng là con gái mà lại gọi ‘Điểu Điểu’, không lẽ thiếu cái gì nên muốn bù cái đó?
(*Phiên âm của Điểu Điểu là niǎoniǎo, đồng âm với Niệu Niệu, cũng có nghĩa là ‘chim’.)
A Thanh ngoái đầu lại, trông thấy Du Thái Linh hai mắt mơ màng, vẻ mặt bơ phờ thì dịu dàng nói: “Tứ nương tử đã khỏe lên rồi, mấy năm qua không gặp phụ mẫu, trước tiên nên hành lễ cái đã.” Vừa nói bà vừa ra hiệu cho hai thị nữ ở cạnh Du Thái Linh.
Du Thái Linh từng thấy Phù Đăng làm lễ với Trữ và Phù Ất, nhưng không rõ ở đây có khác gì không. Cô uể oải giơ hai tay lên, giả vờ nghiêng ngả. Hai thị nữ cũng rất nhanh trí, tức khắc tiến tới nhẹ nhàng nâng cánh tay lẫn nửa người Du Thái Linh đang quỳ trên giường dậy, đặt tay phải cô lên trên tay trái, hai tay lồng vào tay áo giơ lên trước trán, ngồi trên giường cúi xuống, một thị nữ nói nhỏ bên tai Du Thái Linh: “Nữ công tử xin vấn an phụ mẫu.”
Du Thái Linh nghe lời làm theo, sau đó được đỡ dậy, lại đưa tay lên ngang lông mày, cuối cùng hạ tay xuống là coi như hành lễ xong.
Tiêu phu nhân nhìn thẳng vào con gái, vẻ mặt phức tạp, chỉ đáp: “Ừ.”
Lúc này Du Thái Linh mới nhìn rõ diện mạo của Tiêu phu nhân, kìm lòng không đặng thầm cảm thán tốt quá, mình đến thời đại này đã lâu nhưng chưa từng thấy vị phu nhân nào trông ổn cả, không răng hô thì cũng chột mắt, chẳng lưng hùm vai gấu thì cũng gầy như que củi, nào ngờ Tiêu phu nhân lại trắng trẻo xinh đẹp như thế, còn đẹp hơn đám hồ ly bên cạnh cha Du nữa. Cô lập tức có phần mong chờ vào diện mạo của mình.
Có lẽ vì ngồi dậy quá nhanh nên Du Thái Linh lại bị một trận đầu váng mắt hoa, nghiêng người tựa vào vai thị nữ hôn mê, nửa là thật nửa là giả.
Trình Thủy thấy con gái gầy choắt, vừa rồi lên tiếng giọng non nớt đến tội nghiệp, bên mặt còn đọng vệt nước mắt trong lúc ngủ, dựa vào thị nữ yếu ớt tựa búp bê giấy, gương mặt chỉ to bằng nửa bàn tay, tiểu nương tử ở nhà dân bình thường đến mười ba tuổi là đã phải xuất giá, nhưng con gái nhà mình lại đáng thương yếu đuối thế này. Ông bỗng thấy đau lòng, đoạn lớn tiếng bảo: “Con trấn thủ giết địch ở bên ngoài, sống khổ sở như vậy, vợ con cũng phải trông coi bộ khúc với nuôi nấng con cái, ba đứa con trai lớn với đứa út sinh sau đều ổn, chỉ có Niệu Niệu là ở lại đô thành, nào ngờ lại thành ra thế này! Giờ chúng con hỏi một câu cũng không được?”
Ông nói xong lời này, người phụ trách nuôi dưỡng trên thực tế là Cát thị tái mặt, Trình Thủy quả nhiên đổ tội lên đầu thị.
Thật tình Trình Thủy cũng nói oan cho thị rồi, ngoài cơn sốt trong ngày trở về là do nàng ta thờ ơ mà ra, thì cuộc sống thường ngày của con nhóc đều có cơm ngon áo ấm mà. Dẫu gì nhà Vạn lão phu nhân cũng ở ngay bên cạnh, thường xuyên qua lại xỉa xói mấy câu kiểu: “Đứa trẻ đáng thương không có cha mẹ ở bên, nếu cô không nuôi được thì chẳng bằng trả lại cho Trình giáo úy đi…” Trình mẫu đã già nên tính lười, chỉ cần Tứ nương tử ở lại bên cạnh là coi như không quan tâm gì nữa, thị có muốn phát tác cũng chẳng dám giở trò thâm độc.
Truyện khác cùng thể loại
6 chương
173 chương
63 chương
5 chương
95 chương
203 chương
109 chương