Ngoại truyện 1
Trời đêm rợp sao như dệt cửi, thảo nguyên mênh mông vô bờ bến, chỉ cần nín thở, ngẩng mặt trông lên trời, vào khoảnh khắc ấy, nó yên bình và đẹp như những bài thơ cổ được các cụ già trong làng kể lại thuở còn thơ, khó mà mường tượng nơi đây vừa trải qua trận chiến khốc liệt, một trận huyết chiến từ tờ mờ sáng đến tận giữa tuần trăng.
Lão Vu định thần, đập vào mắt là vô số thi thể la liệt, thoáng nghe thấy tiếng khóc gào thê thảm và tiếng chiến mã hí dài, những lá cờ gãy bay trong khói lửa thiêu xác. Binh lính rệu rã tới lui giữa bãi chiến trường, có người tìm di hài của đồng bào, có người đề phòng kẻ thù giả chết.
Không khí nồng nặc mùi máu tanh lẫn mùi khét của xác người và động vật đang cháy, nhưng gió đêm nhẹ nhàng lướt qua thảo nguyên, làm loãng đi bầu không khí chết chóc do cuộc chiến mang lại.
Lão Vu biết dù có bao nhiêu người chết đi chăng, dù còn lại bao nhiêu giọt nước mắt, mặt trời vẫn sẽ mọc và lặn, gió đêm sẽ không ngừng thổi, ngày hôm sau vẫn sẽ đến như mọi khi, như cái ngày tin báo tử của huynh trưởng cuối cùng nhà lão được đưa về, mẹ lão khóc mù mắt, nhưng hôm sau vẫn là một ngày nắng đẹp thích hợp cho việc cưới hỏi động thổ.
Lão Vu đứng thẳng vai, gánh hai xô nước nóng tiếp tục bước đi, sau lưng là hai con ngựa cũng thồ hai thùng nước nóng to tướng, cả ba cùng tiến vào căn lều mái vàng lớn nhất doanh trại. Các tướng lĩnh mặc khôi giáp khác nhau hoặc ngồi hoặc đứng, hoặc im lặng hoặc cười to, chỉ vào sa bàn khổng lồ trải trên mặt đất, bên cạnh là các học giả địa phương trung niên cao tuổi, không biết bọn họ đang nói gì, ngồi ngay chính giữa là một tướng lĩnh trẻ tuổi khôi ngô, cao to trắng trẻo.
Một thiên tướng có vẻ văn tú nghiêng đầu, nhác thấy lão Vu thì cười nói: “Cuối cùng lão Vu cũng tới! Chúng ta nhanh rửa ráy thôi, mùi tanh quá chịu không nổi!”
Trương Thiện cười đùa: “Lý tiểu nương tử của chúng ta chải chuốt ghê...”
Lý Tư nổi giận: “Vậy lần trước là tên nào đổ ba lọ phấn lên người hả! Lần sau còn trộm mặc đồ mới của ta là ta sẽ thiến ngươi!”
Các tướng sĩ cười to.
Lão Vu và hai binh sĩ rót nước nóng vào chậu nước trong góc rồi hòa nước lạnh vào. Lão Vu phục vụ một mình Hoắc Bất Nghi, những binh sĩ tùy tùng còn lại lau rửa vết máu cho các tướng lĩnh.
Cởi khôi giáp, tháo búi tóc đọng máu, lão Vu nhìn nước nóng dần đục đi, lại nhìn hổ khẩu chằng chịt vết thương của chàng trai trẻ bên cạnh, hạ giọng nói: “Nếu để Hầu gia biết, kiểu gì cũng sẽ xót đại nhân không biết giữ mình.”
Hoắc Bất Nghi nói: “Giữa chiến trường đao thương không có mắt, Thôi thúc phụ khắc biết.”
Lão Vu thở dài, không nói gì thêm. Trong lòng ông, nhân vật cao quý như Hoắc Bất Nghi phải là quý công tử có mỹ nhân vây quanh, ngựa xe sang trọng sống ở chốn đô thành phồn hoa mới phải, tại sao lại đến biên thùy hoang vu thê lương trọng trấn, tại sao lại để lưỡi đao liếm máu như thế này.
Một tướng lĩnh trung niên nói: “Hôm nay Hoắc đại nhân quá dũng mãnh, ta ngăn cũng không được, suýt bị cuốn theo vào tả tiền đạo. Nhất là buổi trưa, lúc đạo quân mặt hông tấn công đại trướng trung quân của lão tặc Cam Tà Thiền Vu, mới ngoái đầu lại đã không thấy đại nhân đâu, sợ hết hồn. Đồ ngu Trương Thiện nhà ngươi, sao lúc xông ra cùng không hét báo cho ta hả, tên chết tiệt này! Lão Vu, bao giờ về ông phải tố cáo với Thôi Hầu đấy!”
Một lão tướng bụng tròn lẳn cười theo: “Tố Thôi Hầu có ích gì, chuyện gì Thôi Hầu cũng xuôi theo đại nhân cả, ta thấy phải bảo Thôi Hầu tố lên bệ hạ!”
Lý Tư chau mày: “Hai vị tướng quân đã chừng này tuổi mà còn thích tố cáo vậy.”
Trương Thiện cười nói: “Đã lớn tuổi mà vẫn thích tố cáo, nếu là ngày trẻ ắt hẳn hai vị tướng quân đã che giấu cho đại nhân rồi, còn tố cáo gì nữa?!”
Mọi người lại cười phá lên.
Lão Vu cúi đầu bật cười. Thực ra lão Vu không già, tuổi ông xấp xỉ tuổi Thôi Hựu, ngày trẻ cũng từng làm tùy tùng cho Thôi Hựu.
Hai ba đời Vu gia bọn họ là giúp việc trong cửa tiệm nhà họ Thôi, bởi Thôi gia đối xử với người hầu rất chân thành nên trong thời buổi chiến tranh, cha mẹ lão Vu vẫn bình an nuôi được tám cậu con trai cường tráng.
Về sau Thôi gia đi theo Hoàng đế hiện tại khởi nghĩa, cha mẹ Lão vu nghe kể chuyện lâu ngày, nảy sinh khí khái, cảm thấy đã tới lúc Vu gia sắp lên đi như diều gặp gió, bèn xin Thôi Hựu cho các con trai được nhập ngũ, tiện bề kiếm công lao.
Nhưng cho dù được đích thân Thôi Hựu gửi gắm, các cậu con trai nhà họ Vu không cần đi lên từ tiểu binh, thì trong vòng chưa tới mười năm, bảy huynh trưởng của lão Vu đã lần lượt qua đời. Hai người bị giết ngay trên chiến trường, hai người bị tên bắn chết, hai người bị thương nặng không chữa trị kịp thời đã chết, còn lại một người lúc rút lui gặp sông chảy xiết, không kịp cởi khôi giáp nên đã chết chìm.
Cha mẹ lão Vu khóc cạn nước mắt, cuối cùng cũng hiểu thế nào là “nhất tướng công thành vạn cốt khô”, những người có thể kiếm được công danh giàu sang từ chiến trường đều là người ưu tú, nhân vật có thể giao chiến bước lên đỉnh chóp thiên hạ là tinh tú hạ phàm, không những phải có bản lĩnh hơn người mà còn được tổ tiên phù hộ, may mắn vô địch, bằng không sẽ khó lòng trụ tới cuối cùng.
Vậy là một lần nữa cha mẹ lão Vu tới năn nỉ Thôi Hựu, để lão Vu được làm lính tốt bên cạnh Thôi Hựu, không có công lao cũng chẳng sao, được yên bề gia thất mới là điều quan trọng. Thôi Hựu đồng ý. Kể từ đó, lão Vu dốc lòng hầu hạ Thôi Hựu trong ngoài, chu đáo không ngại khổ cực, cũng trở thành tâm phúc của Thôi Hựu.
Dần dà về sau, thiên hạ từ từ quy vào tay Hoàng đế, Thôi Hựu không cần chinh chiến thường xuyên, lão Vu trở thành lão quản sự an nhàn ở Thôi gia. Năm năm trước khi Hoắc Bất Nghi xảy ra chuyện, bị đày đến Tây Bắc xa xôi, lão Vu lại khóc lóc xin Thôi Hựu được đi cùng đến biên thùy hoang vu.
Thực ra lão Vu không biết rốt cuộc Hoắc Bất Nghi đã gặp chuyện gì, nhưng ông biết rõ một chuyện - liên quan tới lần lưu đày này, từ trong triều cho đến ngoài triều, từ đô thành cho đến Tây Bắc, ngoại trừ bản thân Hoắc Bất Nghi thì không một ai nó xem là thật.
Chưa nói đến ‘tội phạm lưu đày’ cao quý được trọng thần Thôi Hầu đích thân ‘áp giải’, mà trong cái đêm Hoắc Bất Nghi mới tới, hai Tổng đô đốc Tây Bắc đã chạy đến ân cần thăm hỏi, còn hoài niệm về tư thế anh hùng của Hoắc Xung tướng quân năm xưa - dù hai vị này có lẽ chưa gặp Hoắc Xung bao giờ. Lại có một hào tộc bậc nhất địa phương tặng căn biệt viện xa hoa mình mới tu sửa cho Hoắc Bất Nghi làm nơi dừng chân, ngoài ra còn có nương tử Lạc thị danh môn thục nữ luôn tới hầu hạ chăm sóc.
Ban đầu Thôi Hựu rất cảm động, cảm thấy hai vị tướng quân biên cương quả là nhiệt tình, về sau mới biết là Hoàng đế và Tam hoàng tử đã lần lượt gửi thư đến, nhắc nhở có kín đáo có lộ liễu. Nhưng Hoắc Bất Nghi thật sự có lòng tới vùng hoang dã chăn ngựa, khi ấy vết thương trên người chàng vẫn chưa khỏi, Thôi Hựu chỉ biết một khóc hai làm loạn, nói có lỗi với Hoắc phu nhân qua đời, không còn thiết sống nữa, cuối cùng Hoắc Bất Nghi đành thỏa hiệp, ở tại đại trạch thanh tịnh hơi cũ.
Năm thứ hai lưu đày, Ngu Hầu đưa đến biên thành tất tần tật gấm vóc lương thực đồ dùng mà mọi gã trộm cướp khắp trời nam đất bắc phải thèm nhỏ dãi, đương nhiên, ngoài mặt là ông đến ban bố thánh chỉ: Hoàng đế muốn Hoắc Bất Nghi lập công chuộc tội, thăng chức làm Đô lĩnh biên quận.
Mọi người: không cần nói gì hết, bọn ta hiểu cả, bệ hạ ngài không lộ liễu chút nào hết trơn.
Năm thứ ba lưu đày, Nhị phò mã cũng đưa túi lớn túi nhỏ cùng số quân lương đáng kể đến thăm Thôi Hầu (chỉ là ngoài mặt thôi), nhân tiện ban chỉ: để Hoắc Bất Nghi tiếp tục lập công chuộc tội, thăng chức Phó tổng đô đốc hành dinh Tây Bắc, tự chiêu binh lập phủ, thúc quản các bộ tộc Tây Bắc.
Mọi người: lúc nào thì chữ ‘Phó’ này sẽ bị bỏ đi đây, như đã nói, ai mới ‘công bằng’ đây.
Năm thứ tư lưu đày, ...
Mọi người: Mệt quá rồi.
Nhưng lão Vu cảm thấy Hoàng đế là một quân tử phúc hậu chân chính, đất nước trải qua bao lần lầm than, có được một chúa thượng lương thiện như thế quả là có phúc.
Quãng thời gian ở biên giới Tây Bắc vừa trống trải vừa bận rộn, lão Vu tuân lệnh chăm sóc Hoắc Bất Nghi nên có vài chuyện biết rõ hơn người ngoài.
Khi huynh đệ Lương Khưu cãi nhau xem có nên nói cho Lạc nương tử biết về vết thương của Hoắc Bất Nghi hay không, lão Vu đã nghiêm khắc ra lệnh người hầu trong dinh là những nơi quan trọng như thư phòng, phòng ngủ hay phòng nghị sự, dù Lạc nương tử có nhiệt tình đến đâu cũng không được để nàng ta đặt chân vào một bước.
Khi Lý Tư và Trương Thiên cá cược với nhau rốt cuộc Hoắc Bất Nghi có thích Lạc nương tử hay không, lão Vu đã lén bẩm báo cho Thôi Hầu rằng mỗi khi đêm khuya thanh vắng, Hoắc Bất Nghi thường vuốt ve sợi dây đàn quấn trên cổ tay, xin Thôi Hầu nhanh chóng làm mai cho Hoắc Bất Nghi.
Trong lòng lão Vu còn biết, Hoắc Bất Nghi thật sự rất muốn bị phạt nặng, nhưng thiên tử cứ không đồng ý.
Rửa sạch sẽ tay chân, các tướng lĩnh và ba vị học giả lại ngồi xuống, lão Vu vén rèm cửa, sai tùy tùng đem đồ ăn rượu uống vào, hầu hạ mọi người dùng bữa. Cơm nước no nê, lính liên lạc ngoài lều tới bẩm báo, Hoắc Bất Nghi ngoắt tay cho người vào, Lương Khưu Khởi tiến vào, chắp tay thưa: “Thổ Hồn Cáp và Ô Lư Thiện Bố đã đem đến.”
Một học giả có vết thương cũ lâu năm trên mặt lập tức đanh mặt, chắp tay nói: “Hoắc đại nhân, đám người Hồ này có tập tính của hổ báo, bản chất ác độc, chi bằng tận diệt...”
Hoắc Bất Nghi khoát tay ngắt lời: “Ông yên tâm, cứ nghe ta hỏi xong đã... A Khởi, dẫn Thổ Hồn Cáp vào.”
Trong lều lập tức im lặng.
Truyện khác cùng thể loại
324 chương
10 chương
111 chương
112 chương
135 chương
10 chương
351 chương
83 chương