Tiểu phúc tấn
Chương 4 : Tiểu phúc tấn
Chương 4
Ngày kế tiếp, Lâm Nguyễn đem lời của Trạm Hi nói lại với Đông bá, ông nhăn mày nhưng vẫn dựa theo những lời mà Trạm Hi nói, để cho Lâm Nguyễn chuẩn bị bánh mật, thịt hầm, mật ong cùng tương giò. Đây là những món quà rất bình thường được chuẩn bị vào dịp năm mới, còn lại gạo và mì thì Đông bá không cho chuẩn bị, nói là rất giống bố thí người nghèo, Lan Công quán không cần ở nơi này tỏ ra hơn người.
Lâm Nguyễn làm theo ý của Đông bá, thay một bộ quần áo mới, ăn mặc tươm tất đến cho ông xem thử.
Đông bá hừ một tiếng, ánh mắt ông nhìn Lâm Nguyễn giống như đang nhìn đứa con dâu chỉ biết phá của đem đồ tặng cho nhà mẹ đẻ.
“Đã đi gặp thiếu gia hay chưa?” Đông bá hỏi.
Lâm Nguyễn nói: “Ngày hôm qua cháu đã có nói chuyện với thiếu gia rồi.”
“Vậy cũng phải báo với thiếu gia một tiếng.” Đông bá nhăn mày lại: "Không có quy củ.”
Lâm Nguyễn nhỏ giọng lẩm bẩm vài câu, nói: “Bây giờ cháu sẽ đi báo với thiếu gia.”
“Đi đi.”
Lâm Nguyễn đi lên lầu hai, gõ cửa phòng Trạm Hi.
“Vào đi.” Giọng nói của Trạm Hi từ bên trong truyền ra, trước sau vẫn trầm ổn.
Lâm Nguyễn đi vào, đứng ở phía trước bàn, nói: “Thiếu gia, tôi phải đi ra ngoài nên đến báo với thiếu gia một tiếng.”
Trạm Hi cũng không ngẩng đầu lên: "Cậu gọi tôi là gì?”
Lâm Nguyễn phản ứng lại, vội nói: “Tiên sinh, tiên sinh.”
Trạm Hi giương mắt nhìn về phía Lâm Nguyễn.
Lâm Nguyễn mặc một chiếc trường bào vạt chéo màu xanh thêu hoa mai, áo cổ tàu đính thêm một vòng lông, càng tăng thêm nét nhã nhặn, thanh tú của Lâm Nguyễn.
“Bộ quần áo này cũng không tồi” Trạm Hi nói: “Do cậu chọn?”
Lâm Nguyễn lắc đầu: "Là thợ may chọn cho tôi.”
Cậu hơi khó khăn để lựa chọn, cũng không muốn rối rắm về chuyện này.
“Tôi nhớ có một ít vải dệt mang từ nước ngoài về, miễn cưỡng có thể nhìn được.” Trạm Hi nói: “Chờ cậu trở về sẽ làm cho cậu hai bộ.”
“Cảm ơn tiên sinh.” Trong lòng Lâm Nguyễn chỉ nghĩ đến việc về nhà: "Tôi đi xuống trước.”
Trạm Hi “Ừ” một tiếng, Lâm Nguyễn rời khỏi phòng.
Dưới lầu, Viên Tử từ bên ngoài tiến vào, nói với Đông bá: “Xe kéo đang chờ ở bên ngoài .”
Đông bá gật đầu, dặn dò Viên Tử: “Ngươi đưa cậu ấy đến Lâm gia, mang theo một vài thứ cho cậu ấy, trước bữa cơm tối thì đón cậu ấy trở về.”
“Tôi biết rồi!” Viên Tử đồng ý, vừa lúc Lâm Nguyễn cũng từ trên lầu đi xuống.
“Chúng ta cũng mau đi thôi.”
Đông bá gật đầu, nhìn hai người ra cửa, sau đó vội xử lý một vài việc của mình.
Lâm gia nằm trong một ngõ nhỏ gần cầu vượt, những người sống ở đây đều là những bá tánh bình thường, các ngôi nhà nhỏ nằm san sát nhau, tường viện được xây bằng gạch, mấy gian nhà ở hợp lại thành một tiểu viện nhỏ, cũng chính là một hộ gia đình.
Lúc Lâm Nguyễn tám tuổi, Lâm Mãn vừa mới sinh ra, vì để cả nhà sống tốt hơn, cha Lâm đi theo người ta ra ngoài làm việc. Thế sự hỗn loạn, tiền không những không kiếm được mà chân còn bị thương, trở thành một người tàn tật.
Người duy nhất trong nhà có thể kiếm tiền lại nằm ở trên giường nửa chết nửa sống, hài tử chưa đầy một tuổi gào khóc đòi ăn, mắt thấy sắp sống không nổi, mẹ Lâm chỉ có thể gọi người mang Lâm Nguyễn đi.
Khi đó còn dùng bạc, mười lượng bạc đổi lấy Lâm Nguyễn tám tuổi, cứu sống cha Lâm, cũng cứu sống người trong nhà.
Xe kéo ngừng ở đầu ngõ, Viên Tử xách theo các món đồ của Lâm Nguyễn, đi vào đến cửa thứ sáu chính là Lâm gia.
Lâm Nguyễn gõ cửa, người tới mở cửa chính là Lâm Mãn.
Lâm Mãn vừa thấy Lâm Nguyễn, lập tức trừng lớn đôi mắt, hướng về phía bên trong kêu: "Mẹ, ca về rồi!”
Viên Tử thả mấy món đồ đang cầm xuống, nói: “Tôi không vào đâu, buổi tối sẽ đến đón cậu.”
Lâm Nguyễn lấy ra hai đồng đại dương: "Vất vả cho anh rồi.”
Viên Tử nhận tiền, cười nói: “Khách khí với tôi làm gì.”
Viên Tử đi rồi, Lâm Nguyễn bảo Lâm Mãn xách đồ, hai anh em đi vào cửa.
Mẹ Lâm xoa tay đi ra cửa chính, bà là một người phụ nữ đã bốn năm chục tuổi, tóc rối chải ngược sau đầu. Bàn tay khẳng khiu, đen sạm và còn có rất nhiều vết nứt chai sạn.
“Tiểu Nguyễn đã về rồi à.” Mẹ Lâm thoạt nhìn chân tay có chút luống cuống, lời nói ra chưa đến hai câu mà vành mắt đã đỏ.
Lâm Nguyễn kêu một tiếng mẹ, nhìn sang bên kia, cha Lâm đang chống gậy từ trong phòng đi ra.
Một bên ống quần trống rỗng, tay đỡ gậy run run. Lâm Mãn vội vàng chạy đến để dìu ông, hơn nửa thân hình người trưởng thành đều đè lên người một cậu nhóc như Lâm Mãn .
Lâm Nguyễn cũng vội buông đồ trên tay xuống, nói: “Để cho anh.”
Cậu đỡ cha Lâm ngồi xuống trên ghế tre, nói: “Thiếu gia nói đã sắp đến tết rồi, kêu con trở về thăm nhà.”
Mẹ Lâm cẩn thận hỏi: “Vương gia đã về rồi?”
Lâm Nguyễn gật đầu, đã rất lâu chưa nghe xưng hô thế này, Lâm Nguyễn cảm thấy có chút không tự nhiên.
Mẹ Lâm không nhắc đến Trạm Hi nữa, chỉ hỏi: “Con thế nào rồi?”
“Con sống khá tốt: " Lâm Nguyễn nói: “Thiếu gia vẫn luôn đối xử với con rất tốt.”
Mẹ Lâm dường như đã thở phào nhẹ nhõm, nói: “Con ngồi xuống nghỉ ngơi một lát, ta đi nấu cơm cho con.”
Không đợi Lâm Nguyễn nói thêm gì, mẹ Lâm nhanh chóng đi đến phòng bếp. Bà luôn không biết thể hiện tình cảm với nhi tử như thế nào, nấu một bữa cơm ngon cho các cậu cũng xem như là phương thức biểu đạt tình cảm của bà.
Lâm Nguyễn thu hồi ánh mắt, nhìn về phía cha Lâm: "Cha, bên ngoài lạnh lắm, con đỡ người đi vào trong.”
“Được.” cha Lâm lên tiếng, nắm tay Lâm Nguyễn đi vào phòng.
Sau khi Lâm Nguyễn trở ra, Lâm Mãn đang ngồi xổm ở cửa xem mấy thứ Lâm Nguyễn mang đến, vừa thấy Lâm Nguyễn bước ra, còn rất ngượng ngùng.
Lâm Nguyễn cười, tiến lên xoa đầu Lâm Mãn.
Cha Lâm cùng mẹ Lâm tự biết bọn họ vô cùng hổ thẹn với Lâm Nguyễn, lúc ở chung phần lớn thời gian đều luôn rất cẩn thận, dùng hết khả năng mà mình có để bù đắp cho cậu. Ngược lại, khi ở chung với đứa em trai này Lâm Nguyễn cảm thấy nhẹ nhàng hơn rất nhiều.
“Em muốn ăn gì?” Lâm Nguyễn hỏi.
Lâm Mãn hừ một tiếng: "Em mới không muốn ăn đâu.”
Lâm Nguyễn cười một tiếng, lấy ra một cái hộp từ trong đống quà, bên trong là điểm tâm do mẹ Tào làm. Lần trước Lâm Mãn đi đến Lan Công quán đã ăn bánh quy của A Nguyệt. Mẹ Tào ngay lập tức không vui, xuống bếp làm cho Lâm Mãn một vài món điểm tâm tinh xảo, nhất định phải cho thằng bé biết như thế nào mới gọi là ngon.
“Lót bụng trước một chút, giữa trưa sẽ cho em ăn thịt hầm.”
Lâm Mãn nhận lấy hộp điểm tâm, giúp Lâm Nguyễn đưa quà vào trong phòng.
Lâm Nguyễn vào nhà thay quần áo, bộ quần áo quý giá này không chỉ không hợp với cái sân này mà còn không thích hợp để làm việc.
Khói trong phòng bếp nhanh chóng lan ra, Lâm Nguyễn đang chặt củi ở sân nhỏ, âm thanh bổ củi vang lên thanh thúy mà cũng rất êm tai. cậu xếp đống củi đã bổ xong cạnh cửa sổ nhà bếp, làm tạm một cái lều nhỏ để chất củi vào, sợ củi sẽ bị tuyết đọng làm ướt.
Nước trong lu cũng đã cạn khô, lúc Lâm Mãn không có việc gì làm cũng nhanh chóng đi xách nước, cậu bé vẫn còn nhỏ, không thể xách cả một thùng đầy, chỉ có thể xách một lần nửa thùng đổ vào trong lu. Đến khi đổ đầy, những món mà Lâm Mãn vừa ăn xong lúc nãy cũng đã tiêu hóa hết.
Lâm Nguyễn vén tay áo lên đi múc nước, bên cạnh giếng nước có một cây hồng. Vừa đến mùa thu, lá cây rụng đầy đất, trên cành cây trơ trụi xuất hiện những quả hồng đỏ rực, đó là thứ duy nhất không cần dùng tiền mua trong nhà.
Cây hồng rất cao, những quả hồng treo trên ngọn cây vươn khỏi tầm với, phần lớn đều mang lại tiện nghi cho các loài chim nam lai bắc vãng.
Lu nước cũng đã đổ đầy, Lâm Nguyễn bắt đầu quét sân, sân không lớn lại để ra một khoảng nhỏ để trồng rau. Lâm Nguyễn nhìn thấy có dưa chuột, cà chua, đậu que, còn có một ít hành, khi nào cần dùng thì đến lấy một chút.
Quét sân sạch sẽ xong Lâm Nguyễn dùng gạch xếp thành một nơi nhỏ, đốt lửa bên trong. Lâm Mãn không biết từ lúc nào đã nhặt về một đốt cây đu khô, vốn dĩ định chặt nó làm củi đốt nhưng không thể chẻ nó ra, đành để nó ở một góc trong sân.
Lâm Nguyễn đem đốt của cây đu ném vào đống lửa, từ từ đốt cháy.
Gian phòng của Lâm gia rất lạnh, lại không có giường gạch. Lâm Nguyễn dọn một cái ghế dài, đỡ cha Lâm đến ngồi, không quên dặn ông mang theo một cái túi sưởi ấm.
Lâm Mãn đến phòng bếp cầm ra một nắm đậu phộng, ném vào đống lửa bên cạnh, chỉ chốc lát sau đã chín tới, vừa nóng hổi mà hương vị lại thơm ngọt.
Lâm Mãn, Lâm Nguyễn và cha Lâm nói chuyện phiếm bên đống lửa, nói một chút chuyện trong nhà. Một lát sau, Lâm Nguyễn vào phòng bếp.
Mẹ Lâm vừa thấy cậu, hoảng sợ nói: “Sao con không ở ngoài nghỉ ngơi?”
Lâm Nguyễn cười nói: “Không có việc gì làm nên con đến phụ người một tay, rửa rau gì đó cũng được.”
Mùa đông nước lạnh, mẹ Lâm không cho Lâm Nguyễn động tay, bà nói: “Con đi thêm một ít củi đi, bên đó ấm áp hơn.”
Lâm Nguyễn nghe lời bà đi thêm củi, ánh lửa vàng óng ánh chiếu lên mặt Lâm Nguyễn, làm mặt cậu nóng đến đỏ bừng.
Mẹ con hai người đều không phải là người hay nói nhiều, chỉ một lát liền không còn lời gì để nói. Lâm Nguyễn lấy ra một túi nhỏ từ túi quần, bên trong đều là bạc.
“Mẹ, tiền này người cầm đi.”
Mẹ Lâm xoa xoa tay trên tạp dề, nói: “Cha con mấy hôm trước có nhận được mấy công việc mộc, trong nhà vẫn còn tiền, con không cần đưa thêm.”
Lâm Nguyễn đưa túi nhỏ cho mẹ Lâm: "Sắp đến Tết rồi, mua chút gạo, mì và đồ tết. Con thấy trong phòng quá lạnh, về tìm người làm một cái giường gạch đi, cha ở trong phòng nằm cũng thoải mái hơn một chút. Còn có Lâm Mãn, em ấy cũng không còn nhỏ nữa, con muốn đưa em ấy đi học mấy năm, đọc sách biết chữ cũng tốt.”
Mẹ Lâm do dự nhìn Lâm Nguyễn: "Vậy con ····”
“Bình thường con cũng không dùng đến tiền. " Lâm Nguyễn nói: “Người cũng biết, vương gia đối xử với con rất tốt.”
Sau khi mẹ Lâm nghe xong, im lặng một lúc lâu.
Bọn họ dùng cơm trưa ở trong sân nhỏ, bên cạnh là đống lửa đang cháy, so với trong phòng thì ấm áp hơn rất nhiều. Mẹ Lâm làm cho Lâm Nguyễn vài món mặn, còn nấu cơm trắng, chỉ sợ Lâm Nguyễn ăn không quen.
Lâm Mãn nhỏ giọng nói chuyện với Lâm Nguyễn, bữa ăn này còn phong phú hơn bữa cơm tất niên của gia đình.
Thời điểm mặt trời lặn xuống phía Tây, Viên Tử tới đón Lâm Nguyễn. Lâm Nguyễn mặc lại bộ quần áo lúc sáng, ba người Lâm gia tiễn cậu đến đầu ngõ, đến khi người đã khuất bóng mới quay trở về.
Buổi tối mẹ Lâm cùng cha Lâm nói về việc đi học của Lâm Mãn, Lâm Mãn nghe thấy liền nói không muốn đi học.
“Chúng ta tích góp tiền sau đó đón anh trở về không phải tốt hơn sao?”
Cha Lâm mẹ Lâm nhất thời đều trầm mặc, thân là cha mẹ, không chỉ không thể bảo vệ con trai, còn để cho nó bán mình cứu lấy sinh kế của gia đình. Chuyện này là cái gai trong lòng hai người, mỗi khi nhớ tới đều đau đến không thở được.
Mẹ Lâm thấy sắc mặt cha Lâm khó coi bèn mắng Lâm Mãn: "Đừng nói bừa!”
Lâm Mãn bất mãn nói: “Sao vậy chứ?”
Mẹ Lâm nhỏ giọng nói: “Số tiền anh con đưa cho chúng ta còn không phải là của vương gia hay sao, lấy tiền vương gia cho anh trai con để chuộc nó về, đây là đạo lý gì?”
“Cũng không phải là anh ấy không thể lấy được, anh trai con đã làm hạ nhân cho nhà họ mười mấy năm rồi!”
Mẹ Lâm biến sắc, có chút muốn nói lại thôi: "Anh con, nó không phải hạ nhân.”
“Vậy thì là cái gì?” Lâm Mãn một hai phải hỏi đến cùng.
Mẹ Lâm chỉ lắc đầu, qua một hồi lâu, bà lại than một tiếng: "Nó ở bên đó sống rất tốt, hà tất phải đón nó về đây chịu khổ.”
Truyện khác cùng thể loại
353 chương
7 chương
36 chương
40 chương
38 chương