Chiến hoả trùng trùng sinh Tạng Cẩu Quân Minh cuồn cuộn phá cửa quan Lúc quân Minh mới sang xâm lược Đại Ngu, hai tướng Mạc Thuý và Nguyễn Huân đã đem một vạn binh sĩ tới xin hàng. Sau này, hai người Trương Phụ, Mộc Thạnh dẫn quân sông Tuyên, Mạc Thuý bèn vẽ bản đồ địa hình, lại dẫn các lộ hàng tướng xung phong làm hướng đạo cho quân Minh. Mạc Thuý cho bộ tốt dưới quyền thả sức chém giết thường dân để tỏ rõ cái ý quy thuận nhà Minh. Thuở ấy chỗ cửa sông Bạch Hạc có một thôn nhỏ tên Điếu Ngư, nhân khẩu vào khoảng vài chục hộ. Binh sĩ của Mạc Thuý vừa kéo tới đã vung đao chém loạn xạ, khua đuốc đốt phá khắp nơi. Già trẻ trai gái trong thôn tổng cộng hơn hai trăm người. Trai tráng thì chết cả trong tay chúng. Đàn bà con gái ai có chút nhan sắc thì bị quân lính trói lại khiêng đi, còn không thì cũng bị giết. Cả thôn ngập trong một biển máu tanh tưởi và tiếng khóc than vang dậy đất, duy chỉ có một nhóc tỳ vừa qua tám tuổi là sống sót. Nó nấp trong lũy tre dày nhìn ra, thấy cảnh máu người thân phun đầy đất mà nghiến răng thật chặt, mười đầu ngón tay bé nhỏ chuyển thành màu trắng. Lá cờ " Đại Ngu " của quân Mạc Thuý in hằn trong đôi mắt nó. Những lời già làng kể cho nó nghe về nhà Ngu, về Hồ Quý Li và những tội trạng của ông ta vẫn còn mới nguyên trong đầu đứa bé. Người lớn trong làng còn cẩn thận lấy que vạch lên đất chữ " Ngu ", dặn đám nhỏ học thuộc, sau này hễ thấy cờ xí thêu chữ này là phải trốn ngay. Vì nó nghe lời lẩn vội vào lùm tre nên mới may mắn giữ được mạng sống. Dù mặt mũi lấm lem đúng chất con nhà nông, ngũ quan của nó lại khá thanh tú thư sinh. Nếu không có những vết bùn đất vấy đen thùi đôi má thì có thể nói là dễ nhìn. Đặc biệt là cặp mắt thằng bé ấy rất sáng, cứ như thể hai vì sao trên cao được ai hái xuống gắn vào hốc mắt nó vậy. Nó không cha chẳng mẹ, cũng không họ không tên. Người làng nhặt được nó trong một cái làn bị thả trôi theo dòng nước từ khi nó mới lọt lòng, vì tội nghiệp đứa nhỏ tứ cố vô thân nên góp gạo vào nuôi nó lớn. Lúc biết đi đứng nói năng, thằng bé ấy bắt đầu đi xin ăn. Ai cho gì nó cũng lấy, nhờ gì nó cũng làm nên được cả làng gọi là Con Chó Bẩn. Nó nằm im trong bụi tre không dám nhúc nhích, mặc cho mưa lạnh xối thẳng vào lưng, bùn hôi bắn lên đầy mặt. Những chỗ trên người nó bị gai tre cào rách, nay lại thấm nước mưa càng thêm ê buốt. Song nó vẫn cứ im thin thít dầm mưa trốn suốt nửa ngày, cho đến khi nhánh quân tiên phong của Mạc Thuý đi khuất rồi nó mới chui ra, đang định tìm bừa một hướng mà chạy. Nhưng thằng bé dù hơi chút thông minh lanh lợi cũng mới chỉ có tám tuổi đầu thôi. Nó không ngờ được toán quân đông đảo thiện chiến vừa quét qua làng chỉ là một toán tiên phong. Chưa kịp chạy trốn, đứa bé đã gặp phải cánh quân chủ lực do Trương Phụ chỉ huy tiến đến từ xa. Nó thấy vậy muốn lẩn ngay, nhưng hai chân đã nhũn ra như hai cọng bún làm nó ngã nhào. Đứa nhỏ sức yếu, lại dầm mưa hơn nửa ngày nên đã nhiễm cảm, thế là bị quân Minh tóm cổ. Hai tên binh sĩ đô con xốc nách nó lên, đem qua vệ đường. Chúng bẻ ngoặt hai tay đứa bé ra sau, dùng chân đạp đúng vào mạch môn ở cổ tay. Nếu làm thế thì đến người lớn cũng không giãy dụa gì được nữa là một nhãi con mới tám tuổi. Xong xuôi đâu đấy, hai tên to con giơ cao thanh đao lên quá đầu, bàn nhau cứ cho nó một nhát là xong. Thế là đỡ rách việc. Thằng nhỏ nghe đối phương xì xà xì xồ toàn tiếng Tàu chẳng hiểu gì cả thì lo lắm. Dự cảm lờ mờ mách bảo nó rằng ắt có chuyện chẳng lành sắp xảy ra. Rồi nó bị đối phương áp xuống đất. Mấy hơi thở sau, nghe thấy tiếng đao ra khỏi vỏ soàn soạt là nó biết mình sắp chết đến nơi. Hai tay bị đạp lên đau nhừ chẳng thể nhúc nhích nổi. Thế là... đứa nhỏ la toáng lên. Nó kêu ra ngoài miệng cũng rặt tiếng Tàu là tiếng Tàu, và mặc dù đứa nhỏ chẳng hiểu nổi lấy một từ mà mình thốt ra, nhưng phát âm cũng tròn vành rõ chữ. Thì ra, năm đó quân Hồ thắng lớn ở Lãnh Kinh, một số tù binh bị bắt được đưa về thôn Điếu Ngư. Những người này xuất thân từ binh sĩ bị bắt, lúc đêm tối trò chuyện với nhau không phải ca ngợi hoàng đế khai quốc nhà Minh Chu Nguyên Chương thì là chửi rủa thoá mạ vua quan nhà Hồ. Người Nam nghe không hiểu, cũng không muốn hiểu nên cứ mặc kệ bọn hắn gào thét. Xuất phát từ tính tò mò của trẻ nhỏ, mỗi lần thằng nhỏ đi chơi qua chỗ những tù binh ấy đều dụng tâm nhớ kỹ những gì họ nói. May là đầu óc sáng lạng nên lâu dần cũng học được mấy câu có đầu có đuôi. Đứa trẻ ngoạc mồm kêu một hồi, mấy người có địa vị trong quân rốt cục cũng để ý tới. Chỉ thấy trong hàng ngũ quân Minh có một thiếu niên đi ra. Người này thân cao vai rộng, lưng hổ eo gấu, mày kiếm dựng thẳng nhọn hoắt, mắt sáng thâm sâu tựa biển. Y mặc một bộ chiến giáp, đầu đội thú diện thôn đầu khôi, tay nắm một thanh hổ đầu kim thương. Sắc diện y hồng hào anh tuấn, tinh thần sáng láng đầy tự tin trái hẳn với vẻ lấm lem bệnh hoạn của Tạng Cẩu. Thiếu niên chỉ nói mấy câu tiếng Tàu với hai binh sĩ, bọn chúng đã phải rút đao về. Sau đó cậu bé bẩn thỉu được chúng nâng dậy, bước nhanh vào trung quân. Đây là lần đầu tiên hài đồng thấy nhiều binh lính như thế. Nó như quên cả sợ hãi khi trước, tròn vo đôi mắt nhìn tới nhìn lui ra chiều thích thú lắm. Chỉ thấy ai nấy đều mặt mày nghiêm túc, ánh mắt lạnh lẽo sắc bén. Khi dừng chân thì ngay hàng thẳng lối, có quy có củ. Cậu bé bỗng cảm thấy choán ngợp, bị khí thế hùng hổ như biển lớn của đại quân nhấn chìm mà lui về sau hai bước. Đúng lúc ấy bệnh sốt quái ác lại hoành hành, thế là đầu óc Tạng Cẩu quay mòng mòng lên. Cơn chóng mặt đánh đổ nó, vật thằng bé ra đất. Thiếu niên mặc giáp dẫn trước, hai tiểu tốt chặc lưỡi xốc nó lên theo sau. Bốn người đi thêm một lúc nữa, vượt qua xa kị quân, thương binh, đao binh rồi mới tới trung quân. Nổi bật lên so với các thuẫn binh xung quanh là một đôi bạch mã cao lớn. Hai người đàn ông vận kim giáp ngồi chễm chệ trên lưng ngựa. Nhìn vẻ ngoài hoa quý của bộ giáp cũng biết thân phận của hai người trong quân rất cao. Kẻ xách siêu sắt bên trái là Mộc Thạnh, còn người vác quan đao bên phải là Trương Phụ. Đứa nhỏ bị giải tới trước mặt họ, một trong hai gã binh sĩ dùng vỏ đao đánh vào khoeo chân nó để ép nó quỳ xuống hành lễ. Cậu thiếu niên mặc giáp bạc bước lên nói xì xào, hai người vừa nghe vừa gật gù. Đứa bé dù nghe không hiểu, nhưng nó biết đối phương đang bàn nhau xem nên xử trí nó ra sao, thành ra cũng không tránh khỏi cảm thấy khẩn trương. Đặc biệt là sau khi sự kinh ngạc khi chứng kiến uy khí của đại quân đã qua đi. Lúc này, Trương Phụ tằng hắng một cái, rồi nói xì xồ thật chậm một hồi bằng tiếng Tàu. Tất nhiên là hài đồng bẩn thỉu chẳng hiểu gì hết. Tuy nhiên, cậu thiếu niên mặc giáp bạc bắt đầu nói bằng tiếng Việt: " Cậu nhóc... là... Minh quốc... người hả? " Mặc dù còn bị ảnh hưởng nặng nề bởi Hán ngữ nhưng đứa bé bẩn thỉu vẫn hiểu được đại khái. Nó hơi kinh ngạc vì người Minh mà lại biết tiếng Việt, nhưng rồi nó cũng gật đầu, miệng nở nụ cười ngốc nghếch: " Phải... phải... " Nó cố tình giả như nói tiếng Việt không sõi, cốt để đánh lừa đối phương. " Vì sao ngươi... biết... Hán tiếng... lại... không nói? " " Ta... ngốc... bốn tuổi... mới biết nói... Tiếng Hán ba dạy, không học được... " Không còn cách nào khác, đứa bé chỉ có thể tiếp tục giả ngốc. Trong làng có một thằng nhóc rất ngu đần, đầu óc tối tăm. Theo lời kể của chính nó thì đến mãi năm bốn tuổi thằng nhỏ ấy mới biết nói. Nó là con của binh sĩ người Minh, nên bõm bẽm được cả hai thứ tiếng. Đứa nhỏ ở vào lúc nguy hiểm bèn nảy ra ý giả làm người khác những mong lừa được đối phương. Trong cuộc viễn chinh năm 1406, trong đoàn phu tải lương tuy rất hiếm nhưng vẫn có cả gia quyến của binh lính tự nguyện đi theo, nên trường hợp mà Tạng Cẩu bịa ra dù hiếm hoi, nhưng vẫn tồn tại. Cậu thiếu niên khẽ vỗ vai thằng bé như để trấn an, sau đó dịch ra tiếng Tàu cho Trương Phụ và Mộc Thạnh. Hai viên tướng nghe xong bèn nhìn nhau gật gù, rồi lại nói gì đó với đứa bé bẩn thỉu. Đứa bé dù chẳng hiểu họ nói gì cả, nhưng trên mặt vẫn hiện lên điệu cười ngốc nghếch. Chỉ có cậu thiếu niên là tỏ vẻ mừng rỡ, tay vỗ lên bả vai thằng nhỏ mấy cái. " Tên... ta là... Liễu Thăng, tự Tử Tiêm. Ngươi? " " Con... chó bẩn. " Đứa bé luống cuống một lúc rồi đáp. Nó chẳng được học hành, không biết chữ nghĩa nên không lấy được tên nào nghe " Tàu Tàu một tí " để dùng tạm cả. Liễu Thăng cười phá lên, hô lớn: " Cẩu Tạng? Oa ha ha, tên ngươi là Tạng Cẩu? " Vì quá buồn cười nên câu này cậu nói bằng tiếng Hoa, binh sĩ chung quanh đều nghe được. Ai cũng thấy nực cười trước cái tên quái dị của đứa bé. Đến cả Trương Phụ và Mộc Thạnh cũng phải cố lắm mới nín được cười để giữ thân phận và uy nghiêm, lòng nghĩ không biết bố mẹ nào lại đặt cho con cái tên cá tính đến thế. Liễu Thăng lấy danh nghĩa bách hộ trưởng, thu Con Chó Bẩn làm thủ hạ dưới trướng. Vì chức quan nho nhỏ này cậu được tập ấm từ cha, trong quân ngũ chẳng có tiếng tăm gì nên không có binh sĩ nào tin tưởng đi theo hết. Mộc Thạnh và Trương Phụ thì khác. Hai người bàn tính với nhau, đoán chừng cưu mang một đứa nhóc có tí xíu như Tạng Cẩu thì chẳng tốn bao nhiêu cơm gạo mà còn được cái tiếng nhân nghĩa. Trăm đường lợi mà chỉ có một điểm hại nhỏ bằng cái móng tay, nên hai tướng quyết định sẽ cho Tạng Cẩu đi cùng. " Cho nó ở cùng Liễu Thăng thì dù là gián điệp của quân Ngu nó cũng không cựa được. Kể cũng kì, nhất nhị tam học còn không thông, mà ca ngợi tiên đế thì cứ lau láu. " Hai người bàn nhau, thầm đắc chí vì sự khôn ngoan của mình. Lại nói, Mộc Thạnh dẫn một cánh binh mã theo sự chỉ dẫn của Mạc Thuý tiến về phía thành Đa Bang công mặt nam trước, Trương Phụ và đại quân theo sau, hai người ước định lúc hội quân sẽ là ngày thành đổ. Cứ thế, Tạng Cẩu đi theo quân Minh xuôi về phía nam. Quân Minh thắng lớn trận Mộc Hoàn, tướng đại Ngu Nguyễn Công Khôi vì mải nữ sắc nên không kịp dẫn quân ngăn trở, binh tốt dưới trướng Trương Phụ thành công bắc cầu phao vượt qua sông Thao, tiến quân thẳng đến Đa Bang. Có lẽ do cùng tuổi, lại hợp tính nhau nên Liễu Thăng coi thủ hạ đầu tiên của mình – " Tạng Cẩu " – như là anh em, cho ngồi cùng mâm dùng chung đũa bát. Tạng Cẩu nghĩ nếu " cậu ấm " này mất hứng thì chắc chắn mình toi mạng, nên Liễu Thăng nói sao thì cậu cũng cứ nghe vậy, không dám trái lại, cũng chẳng hề có cảm giác mình được ưu ái. Nó không biết tiếng Tàu, cũng không được ai dạy cho lễ nghĩa tôn ti gì cả. Liễu Thăng thì lại không thạo tiếng Việt nên hai đứa thường gặp khó khăn trong việc giao tiếp với nhau. Tử Tiêm xuất thân là con nhà quan, từ bé đã phát chán ánh mắt ngưỡng mộ, ghen tị hay nịnh nọt của những đứa trẻ địa phương cùng trang lứa. Tiếp xúc với Tạng Cẩu, Liễu Thăng thấy rất thích sự ngây thơ của cậu bé, bèn nảy ý kết bái làm anh em. Nhưng lại thấy hai bên thân phận quá chênh lệch, xưng huynh gọi đệ với người luôn làm bạn cùng kiếm thương cung mác như mình cũng chưa chắc đã là chuyện tốt cho Tạng Cẩu bèn dằn ý nghĩ này xuống. Tạng Cẩu là trẻ lang thang, đã quen ngủ đầu đường xó chợ rồi nên nó thường nghỉ ngơi ngoài cửa lều, trên một cái xe kéo. Hàng đêm luôn có hai lính gác đứng gác ở cách đó không xa, thực ra là để giám sát nó. Quân nhà Minh hội họp ở thành Đa Bang, áp sát hai mặt bắc nam thành tấn công dữ dội. Hai bên giằng co suốt mấy ngày, xác chết chất cao như núi, máu chảy lênh láng tựa sông. Mấy chục vạn quân Minh không công phá được Đa Bang mà quân Đại Ngu cũng không thể chọc thủng vòng vây. Đêm hôm đó, Tạng Cẩu đang thiu thiu ngủ ngoài cửa lều thì đột nhiên thấy mặt đất khẽ rung lên. Biên độ càng lúc càng nhanh, khiến nó giật mình tỉnh lại. " Quỷ! Quỷ đến bắt người!!! " Tạng Cẩu sợ quá, trong lúc thần trí còn mơ hồ bên bờ mê tỉnh đã khóc toáng lên. Tiếng nó vang khắp quân doanh, khiến Trương Phụ, Mộc Thạnh giật mình tỉnh giấc. Cứ như già trong làng kể thì quỷ to lắm, mắt nó tròn xoe, mồm ngoác rộng dẩu ra hai cái nanh bén như vuốt cọp sừng trâu. Lỗ mũi nó phụt ra lửa, da xanh lè còn tóc thì đỏ rực. Sức quỷ lớn kinh hồn, nó đi đến đâu núi rung đá lở đến đó, chuyên bắt người xấu, đặc biệt là trẻ con không nghe lời, tha về hang ăn thịt. Tạng Cẩu nghe những câu chuyện người lớn dùng để doạ trẻ nhỏ này nhiều, riết rồi sợ lúc nào cũng không hay. Nó thầm nghĩ: [ Chà, chết dở. Mình đang ở cùng dân Tàu. Chắc Quỷ nó đến bắt người về ăn thịt đây mà. Thế thì anh Thăng cũng khó thoát được. Người ta cứu mình một mạng, mình không thể vì tự cứu mà bỏ mặc ân nhân... ] Nghĩ vậy, Tạng Cẩu bèn thu hết can đảm chạy vào lều, nắm bả vai Liễu Thăng đang mơ màng ngủ mà lắc qua lắc lại. " Cẩu, đừng làm ồn... cho ta ngủ... " Trong cơn mơ màng, Liễu Thăng quên mất Tạng Cẩu không biết tiếng Tàu, câu nói theo bản năng hoàn toàn dùng tiếng Hoa. Tạng Cẩu nghe không hiểu, cứ lay mãi vào vai cậu, miệng luôn mồm kêu: " Quỷ! Có quỷ!!! " Ruỳnh!! Ruỳnh!!!! Lúc này, bên ngoài chợt vang lên tiếng kêu của binh sĩ truyền quân. Ánh đuốc bùng lên sáng bừng cả doanh trại. Tiếng chân bước rầm rập, giáp trụ khí giới khua vào nhau loảng xoảng hoà lẫn vào tiếng ngựa hí liên hồi. Liễu Thăng nghe thấy những âm thanh đặc thù ấy mới tỉnh táo lại. Cậu vỗ vào mặt mình hai cái, rồi nai nịt võ trang cẩn thận thật nhanh. Quá gấp, nên cậu cũng chẳng có hơi sức để tâm đến Tạng Cẩu – người đang vừa kéo tay vừa cố đẩy cậu ra khỏi lều để chạy khỏi " con quỷ ". Liễu Thăng đang gấp, nghe câu được câu mất bèn cả giận, trầm giọng: " Nam nhi đại trượng phu, lâm trận bỏ chạy còn ra thể thống gì? ". Nói xong cũng mặc kệ cậu bé ăn mày. Chỉ mấy phút sau, Liễu Thăng đã một tay nắm kim thương đầu hổ, một tay vén cửa lều lên. Cậu thiếu niên chạy băng băng về phía lều chủ soái của Mộc Thạnh và Trương Phụ. Tạng Cẩu mới ốm dậy, đuổi theo không kịp nên chỉ biết gọi với theo bóng lưng Liễu Thăng đến lạc cả giọng. Hai viên đại tướng đã tỉnh hẳn. Nghe thám quân truyền tin, thì ra tướng sĩ đại Ngu nhân đêm tối đục thủng tường thành lấy lối cho tượng binh di chuyển. Nay quân voi đã kéo đến chỉ cách doanh trại chừng mười dặm, khí thế không gì cản nổi. Mộc Thạnh và Trương Phụ chinh chiến nhiều năm, nhưng chưa có cơ hội đụng đầu với tượng binh. Thế nên nhất thời cũng không biết phải làm gì để phá địch. Đám tham tướng vây quanh thì rặt một lũ vô dụng, giá áo túi cơm nên chẳng nghĩ ra được ý gì hay ho. Quân Đại Ngu bên ngoài thì tiến tới càng lúc càng gần, tiếng hô chém giết và tiếng voi kêu vang rền như sấm nổ bắt đầu vọng lại từ phía xa. Liễu Thăng giục ngựa chạy đến chỗ hai tướng vào. Đến khi biết được tình hình nghiêm trọng đến mức nào thì sững cả người. Lúc này, vị tướng trẻ tuổi mới biết vì sao Tạng Cẩu lại bảo cậu mau chạy. [ Tạng Cẩu còn nhỏ, nghĩ voi lớn là quỷ mới bảo ta trốn. Trong lúc ấy, dù sợ hãi nhưng nó vẫn không bỏ rơi mình chạy trước, tiểu tử này cũng thật là có nghĩa khí. ] Ba người ngồi bàn kế sách đối phó quân voi ngay trên lưng ngựa, nháy mắt đã qua thời gian một khắc nhưng vẫn chẳng tìm ra được đối sách nào dùng được. Trong khi ấy binh voi của quân nhà Ngu đã càn vào càng lúc càng gần. Quân nhà Minh chống đỡ không nổi, thương vong bắt đầu tăng mạnh. Cửa sông Bạch Hạc: đoạn sông Lô đổ vào sông Hồng