Thuận Thiên Di Sử
Chương 2 : Côi Sơn đại hiệp
Từ Trường-yên đến Thiên-trường không xa. Con đường này Thanh-Mai đã đi nhiều lần. Nàng thuộc làu tên từng thôn, rừng xóm sắp đi qua. Mỗi thôn, mỗi xóm đều có di tích, nàng thuật truyện cho mọi người nghe. Khi thấy xa xa một xóm làng, với nhiều ngôi nhà ngói đỏ, nổi bật lên trên những tùm cây xanh ngắt, nàng chỉ tay hỏi Mỹ-Linh: - Chúng ta sắp qua địa phận xã Thanh-liêm. Trong xã có một di tích thời Lĩnh-nam. Đố Mỹ-Linh biết di tích đó là di tích gì ?
Mỹ-Linh lắc đầu:
- Sư tỷ nói tổng quát quá, làm sao em đóan ra. Xin sư tỷ "hé" cho chút ánh sáng nữa, họa may.
- Trong xã có đền thờ một danh tướng thời vua Bà.
Thường-Kiệt cỡi một con ngựa chiến lớn, nó luôn đi cạnh Thanh-Mai. Nó hỏi:
- Cô cho con đoán được không ?
Trước đây Thường-Kiệt gọi Thanh-Mai bằng sư thúc. Từ hôm đi cùng với nó từ Thanh-hóa ra, Thanh-Mai cho phép nó gọi bằng cô hầu thêm thân mật. Thanh-Mai gât đầu:
- Con thử đoán xem có đúng không ?
- Con nghe mẹ nói, vùng Thiên-trường sinh ra ba nữ tướng thời vua Bà. Một là công chúa Gia-hưng Trần Quốc. Hai là công chúa Tử-Vân. Ba là bà Chu Tái-Kênh. Chắc trong xã Thanh-liêm có đền thờ một trong ba vị đó.
Thanh-Mai thấy Thường-Kiệt lý luận, nàng gật đầu vui mừng:
- Con đoán gần đúng. Trong xã có đền thờ bà Thánh-Thiên.
Thiệu-Thái hỏi:
- Thánh-Thiên giữ chức gì trong triều đình Lĩnh-Nam ?
Thanh-Mai thuật:
- Bà là người bác học đa năng vào bậc nhất thời bấy giờ. Công đức đối với đất nước chỉ thua có vua Trưng mà thôi. Hồi còn niên thiếu bà theo cậu là Nam-thành vương Trần Minh-Công khởi binh ở Ký-hợp. Trong gần mười năm làm cho Tích Quang, Tô Định ăn không ngon, ngủ không yên.
Thường-Kiệt hỏi:
- Thế võ công bà hẳn cao thâm không biết đâu mà lường.
Thanh-Mai lắc đầu:
- Trái lại, võ công bà rất bình thường, gần như chỉ đủ để tự vệ mà thôi. Tính tình bà cẩn trọng điềm đạm. Gặp việc gấp, nguy biến, bà vẫn thản nhiên. Khi bà tuẫn quốc, vua Trưng phán: "Thánh-Thiên sống thản nhiên, hành sự cẩn mẫn, nói ít làm nhiều, nhưng mưu trí trùm hoàn vũ". Ngay đối với giặc, bà cũng nói năng ôn tồn. Bà được phong làm Bình-ngô đại tướng quân, giữ nhiệm vụ tổng trấn vùng Nam-hải.
Bảo-Hòa gật đầu:
- Nhiệm vụ bà quan trọng thực, như vậy bà tổng trấn vùng biên giới Hán, Việt, giống như mạ mạ bây giờ.
Thanh-Mai tiếp:
- Bà đánh nhiều trận khét tiếng như Thường-sơn, Nam-hải, Phụng-hoàng. Bà để lại bộ Dụng binh yếu chỉ mà bọn Tống cử hàng chục đòan sang tìm kiếm.
Chợt nghĩ ra điều gì, Mỹ-Linh hỏi Thanh-Mai:
- Nhập gia vấn húy! Chị Thanh-Mai cho bọn này biết tên húy trong nhà chị, để còn kiêng chứ?
Thanh-Mai lắc đầu:
- Các vị yên tâm. Bố tôi vốn tính ngang quá ghẹ. Thành ra ông xoá bỏ tất cả những gì ông coi là rởm. Vì vậy các vị tới trang tôi, đừng ngạc nhiên, khi người không cấm con cháu kiêng húy. Cho đến tên Hoàng-đế người cũng không kiêng.
Đỗ Lệ-Thanh hỏi nhỏ Thanh-Mai:
- Trần cô nương. Tiểu tỳ tuyệt không nghe cô nương nhắc đến chủ mẫu là tại sao vậy?
Thanh-Mai cau mày, tỏ vẻ suy nghĩ, rồi thở dài:
- Đỗ phu nhân hỏi thực phải. Tôi phải tường thuật chi tiết những gì không hay trong gia đình tôi cho quý vị hiểu rõ mới được. Thân mẫu tôi bị trúng Chu-sa độc chưởng chết đã hơn năm năm. Sau khi mẫu thân tôi qua đời ba năm, phụ thân tôi tục huyền với một người con gái lớn tuổi. Vì bố tôi nghĩ rằng với người lớn tuổi như vậy, dễ dàng cho chúng tôi xưng hô.
- Bấy giờ bà ấy bao nhiêu tuổi rồi?
- Ba mươi bẩy. Mọi người cùng bật lên tiếng ồ. Vì thời bấy giờ, gái mười ba, trai mười sáu, cha mẹ bắt đầu dựng vợ gả chồng cho. Thảng hoặc như trường hợp Thanh-Mai, Mỹ-Linh, Bảo-Hoà, tuổi mười tám chưa gả chồng, đã thuộc ngoại lệ rồi. Đây nghe nói tới người con gái ba mươi bẩy tuổi, khiến ai cũng phải giật mình.
Thiệu-Thái lắc đầu:
- Chắc bà ấy chắc phải thuộc loại võ công cao cường, văn chương quán thế. Hoặc giả nhan sắc khuynh quốc?
- Bà ta cùng họ với tôi. Nhũ danh Phương...
Thanh-Mai thuật đến đó, thì đoàn người ngựa cũng vừa tới ngôi đền thờ Thánh-Thiên. Đền không lớn lắm, rộng, dài khoảng ba chục bước. Trước đền có tượng hai con ngựa bằng đất đắp. Góc sân phía trước, dựng đứng lên hai cây đề cao như muốn chọc mây. Gió thổi vào lá đề thành những tiếng reo như một bản nhạc liên miên bất tận.
Bảo-Hòa gò ngựa lại nói:
- Chúng ta vào đền lễ bà đi!
Đoàn người ngựa dừng lại. Trong sân đền có đám trẻ con đang chơi đùa. Chúng thấy người lạ cỡi ngựa, lưng đeo kiếm, biết rằng khách phương xa vãng cảnh. Chúng tránh sang một bên, nhường lối cho khách. Ông từ giữ đền thấy có khách đến vội chạy ra chào. Ông lễ phép hỏi:
- Chẳng hay quý khách từ đâu đến lễ bà ?
Thanh-Mai đáp:
- Chúng tôi ở bên Thiên-trường qua. Ông từ ơi, có nhiều người đến lễ bà không ?
- Thưa cô nương ngày thường thì vắng lắm. Nhưng mồng một, ngày rằm đông vô cùng. Những ngày đó, hội đền cử thêm nhiều người giúp, chứ mình tôi, lo không xuể.
Trước đền, có đôi câu đối khắc trên cột gỗ. Thanh-Mai ngơ ngác hỏi Mỹ-Linh:
- Sư muội, chữ gì chị đọc không được.
Mỹ-Linh lẩm nhẩm một lát rồi bật cười:
- Chữ Khoa-đẩu. Để em đọc đôi câu đối cho chị nghe. Thực hào kiệt, thực anh hùng, những khi giúp đỡ vua Trưng, mặt nước sông Thương gươm báu trăng lồng còn lấp lánh. Còn bâng khuâng, còn phảng phất, sau lúc đuổi tan giặc Hán cành hoa bến Ngọc, vòng tay thơm nức vẫn còn đây.
Mỹ-Linh nhìn lên thấy mặt trời gần đứng bóng. Nàng móc trong bọc ra một xâu tiền đưa cho ông từ:
- Phiền ông mua dùm chúng tôi hoa quả, cùng gà, gạo làm cơm cúng bà.Ông từ vui vẻ:
- Mời quý khách vào trong ngồi chơi uống trà. Tôi sai mẹ nó đi liền. Chợ gần đây thôi.
Phía sau đền có cái hồ sen. Sen vào thu, hoa đã tàn, chỉ còn những bọng với lá. Bảo-Hòa nói:
- Chúng ta ra ao rửa mặt rồi vào lễ. Bằng không bà mắng là bọn con cháu ở dơ, mặt mũi ghớm nhờn.Ông từ đi trước dẫn đường. Ông mở cửa đền, đánh lửa đốt lên nến. Ánh nến lung linh chiếu vào những đỉnh hương, bát hương bằng đồng lóng lánh. Ông kéo màn trước bàn thờ. Phía sau màn, một ngôi tượng bằng đồng theo tư thức đứng, hông đeo bảo kiếm, tay trái giữ đốc kiếm. Tay phải chỉ về trước. Gương mặt đầy vẻ cương quyết.
Mỹ-Linh hỏi Thanh-Mai:
- Sư tỷ này. Em nghe nói dáng người bà ẻo lả, tính tình hiền hậu, nhưng khi ra lệnh lại quyết liệt vô cùng. Tượng này chắc đúc theo truyền thuyết ấy.
- Đúng. Bà vốn người ôn nhu văn nhã, thông kim bác cổ, chỉ thua có công chúa Phùng Vĩnh-Hoa mà thôi.
Bảo-Hòa đứng ngắm pho tượng, lòng nàng đầy xao xuyến nói với Thiệu-Thái:
- Người xưa anh hùng như thế. Tuy bà sống cách đây nghìn năm, mà anh khí vẫn còn phảng phất. Mình là con cháu phải làm thế nào nối tiếp sự nghiệp đó, đừng để mất đi cái hào khí dân tộc.Ông từ gióng chuông. Thanh-Mai nói:
- Bây giờ ai lễ trước, ai lễ sau?Ông từ nói:
- Theo Khâm định điển lệ của đức Hòang-đế ban hành thì nam lễ trước, nữ lễ sau. Lớn tuỗi lễ trước, nhỏ tuổi lễ sau. Nhưng phép vua thua lệ làng. Trong đền này thuộc lãnh địa thời vua Trưng. Nếu áp dụng luật Lĩnh-Nam, trai, gái như nhau. Lớn tuổi lễ trước, nhỏ tuổi lễ sau.
Ngô Tuấn nói với Thanh-Mai:
- Vậy ở đây Đỗ phu nhân lễ trước, rồi tới chú Thái, cô Thanh, cô Hòa, cô Linh. Cuối cùng đến con.
Lễ xong, ông từ mời khách uống trà. Ngô Tuấn tính hiếu động, nó chạy chơi trong sân. Bỗng nó kêu lớn:
- Cô ơi, ra mà xem này.
Mỹ-Linh, Thanh-Mai chạy ra, nhìn theo tay Tuấn chỉ, đôi câu đối đã bị ai vạc mất chữ vua Trưng và chữ Hán. Vết vạc còn mới nguyên. Thanh-Mai nói:
- Chúng ta gần chục người hiện diện, mà người này đến vạc chữ, rồi đi, mà không ai khám phá ra được cũng thực kỳ lạ. Mau tìm kiếm. Chúng chưa rời khỏi đâu, vì chữ Hán mới vạc được một nửa.
Thiệu-Thái vọt mình lên nóc đền. Thanh-Mai nhảy lên nóc nhà ngang. Bảo-Hòa vào trong, Mỹ-Linh chạy vòng quanh. Sau khi lục sóat một lúc, vẫn không có dấu vết gì khác lạ. Thanh-Mai hỏi Tuấn:
- Con có thấy ai đi qua, hoặc vào sân đền không?
- Không. Con chỉ thấy đám trẻ kia mà thôi.
Chợt Bảo-Hòa đến trước đống rơm góc sân, hướng vào trong nói:
- Cho đến giờ phút này mà người không chịu xuất hiện ư? Ra ngay!
Những đống rơm thời bấy giờ thường chất theo hình nón, cao ngang mái. Hàng ngày người ta rút rơm ở dưới thấp ra nấu ăn. Thành ra, trong ruột đống rơm rỗng như cái tổ chim. Một người nào đó nằm cuộn tròn trong hố rơm ngáy khò khò.
Người này nghe Bảo-Hòa quát, càng gáy to hơn như trêu ghẹo. Bảo-Hòa ôn tồn nói:
- Người có ra ngay không? Nếu còn chần chờ, bản cô nương sẽ có biện pháp.
Người ấy vẫn gáy lớn, thình lình trở mình, ngáp dài một cái, rồi lại ngủ tiếp. Ông từ thấy ồn ào chạy ra. Mỹ-Linh chỉ đống rơm hỏi:
- Ông từ! Ông có biết người này là ai không?Ông từ nhìn vào trong, rồi phất tay:
- À, ông Mốc. Không biết ông ta từ đâu đến vùng này từ hơn năm nay. Bạ đâu ngủ đấy. Da ông ta bị bệnh giống như người mốc, vì vậy trẻ con gọi ông là lão Mốc.
Đám trẻ con đang chơi ngoài xa cùng chạy lại. Chúng gọi:
- Lão Mốc, ra đây mau. Có khách đến, đông lắm tha hồ mà xin tiền.
Lão Mốc trong đống rơm từ từ bò dậy, miệng nói lảm nhảm:
- Bọn ranh con chưa ráo máu đầu, thấy ông nội ngủ, mà không biết giữ im lặng, đến phá rối. Ông lại đánh bỏ bu bây giờ.
Lão nói bâng quơ, nhưng ngụ ý chửi Bảo-Hòa. Từ trong đống rơm lão chui ra. Người lão thực tàn tạ kinh khủng. Áo cánh nâu rách hai ba chỗ. Quần ống còn, ống mất. Đầu tóc bù xù. Lão đưa con mắt sáng loáng nhìn mọi người, rồi ngửa bàn tay hướng vào Mỹ-Linh :
- Xin cô nương bố thí cho đồng tiền bát gạo, làm phúc cũng như làm giầu. Về sau con rể con dâu đầy nhà.
Mỹ-Linh đã theo chú ra ngoài gần năm qua, kinh nghiệm có thừa. Ngặt vì bản chất một Phật tử thuận thành trong người, nàng thấy lão Mốc sống không nhà, không cửa, ngủ bụi, ngủ bờ, thì động lòng trắc ẩn. Nàng móc túi lấy ra một bốc tiền, hai tay đưa cho lão:
- Ông đang ngủ ngon, bọn tôi đến quấy rối thực có lỗi. Đây chút ít tiền, ông cầm lấy mà tiêu.
Lão cầm tiền, bỏ vào túi, miệng nói:
- Đa tạ cô nương. Người có hằng tâm như cô nương hỏi được mấy? Lão kính chúc bẩy kiếp phụ mẫu của cô thường được an lạc. Hiện kiếp ông bà nội ngọai, cha mẹ, chú bác, anh chị em của cô hưởng quả phúc như núi Côi.
Thanh-Mai nghe lời chúc, nàng biết lão này không phải người đi ăn mày. Lời chúc của lão rút trong kinh Phật, ngụ ý rằng Mỹ-Linh làm phúc, cha mẹ của bẩy kiếp trước, dù nay ở đâu cũng được hưởng hạnh bố thí. Rồi lão chúc phúc thân thuộc kiếp này. Thông thường người ta chúc hưởng phúc như Đông-hải hay như núi Thái-sơn. Đây lão chúc như núi Côi, là ngọn núi trong vùng Trường-yên.
Thanh-Mai đưa mắt nhìn lão. Nàng biết lão không thể là tên ăn mày vô danh. Dường như lão ở xa mới đến đây mưu đồ gì. Muốn dò tông tích lão, nàng cần lờ đi như không biết lão đóng kịch. Nàng làm bộ thương hại:
- Chúng tôi đang chuẩn bị lễ Bà. Mời ông vào trước lễ bà, sau ăn cơm với chúng tôi.
Lão thản nhiên:
- Như vậy lão quấy rầy các vị quá.Ông bà từ giết gà, làm cỗ cúng thực mau. Mâm cơm thịnh soạn gồm mấy món ăn tầm thường, nhưng tinh khiết: lòng gà xào với mướp hương, cá chép rán, gà luộc, chim sẻ quay. Đặc biệt có món cá rô kho keo với canh rau đay nấu cua đồng.Ông bầy các món ăn lên bàn thờ. Lão Mốc cùng mọi người vào lễ. Ông từ chỉ lên bàn thờ:
- Hàng ngày cúng bà chúng tôi không thể thiếu hai món canh rau đay hoặc canh mồng tơi nấu cua đồng với cá rô kho keo. Vì sinh thời, tuy làm đại tướng, mà bao giờ bữa ăn của bà cũng có hai món này.
Đợi hết tuần nhang, ông từ dọn các thức cúng xuống bàn, bầy ra mời khách. Ông lấy một đĩa xôi với miếng thịt gà đưa cho lão Mốc. Thanh-Mai cản lại:
- Nghìn dặm gặp nhau là đại duyên, xin ông từ cho lão đây ăn chung với chúng tôi cho vui, không biết có được không ?Ông từ bỡ ngỡ không ít. Khách thập phương tới lễ đền thờ Thánh-Thiên có đủ loại người. Nhưng đa số đều vào ngày hội hoặc ngày rằm. Hôm nay đám khách này tới vào ngày thường, đã làm ông bỡ ngỡ. Thứ nhì mọi khi khách cúng nhiều lắm một hai trăm đồng. Đây Mỹ-Linh trao cho ông một quan, tức sáu trăm đồng để làm cỗ cúng, còn đưa cho ông một nén bạc hầu tu bổ đền. Rồi bây giờ họ lại mời lão Mốc ngồi ăn cùng.
Mỹ-Linh dành ngồi bên lão Mốc. Nàng luôn gắp thịt bỏ cho lão ăn. Trong mâm cơm có bốn cái đùi gà, nàng gắp cho lão tới ... ba cái. Lão nhai cả xương. Ăn cơm xong, lão ăn thêm một đĩa xôi. Mỹ-Linh mở to mắt ra xem lão ăn. Trên đời chưa bao giờ nàng thấy ai ăn khỏe như vậy.
Vì có lão Mốc với ông từ, cho nên Mỹ-Linh, Bảo-Hòa chỉ nói truyện trời mưa, trời nắng, cùng hỏi bà từ về cách thức làm món ăn.Ăn xong, Thanh-Mai dục mọi người chuẩn bị lên đường. Mỹ-Linh nói với lão Mốc:
- Bây giờ tôi phải lên đường. Duyên may chưa hẳn đã hết. Không biết sau này chúng ta có gặp nhau nữa không ?
Lão Mốc đáp:
- Gặp chứ, nhất định sẽ gặp lại nhau mà.Ông từ đứng lên tiễn khách. Khi mọi người ra sân, nhìn lên đôi câu đối thực lạ chưa, chữ Hán đã có bàn tay bí mật nào đó lấy than tô thành chữ Tống. Còn chữ vua Trưng được tô thành chữ anh quân. Bây giờ đôi câu đối trở thành:
"Thực hào kiệt, thực anh hùng, những khi giúp đỡ anh quân, mặt nước ông Thương gươm báu trăng lồng còn lấp lánh.
Còn bâng khuâng, còn phảng phất, sau lúc đuổi tan giặc Tống cành hoa bến Ngọc, vòng tay thơm nức vẫn còn đây.
"Bảo-Hòa chợt nhớ ra, trong lúc ăn cơm, lão Mốc đứng lên xin phép ra sau. Không lẽ lão ra cửa sau, rồi vòng về trước, tô lại mấy chữ này ư ? Nàng nhìn bàn tay lão, tuy lão đã chùi, nhưng vẫn còn vết than ở ngón cái.
Bảo-Hòa xá lão Mốc:
- Tiền bối, khinh công của người thực vô địch. Mà bản lĩnh hí lộng quỉ thần lại còn hơn ai hết. Mấy chữ này người sửa mau thực. Nhưng e chữ anh quân đối với chữ giặc Tống thực không chỉnh.
Lão Mốc ngơ ngẩn:
- Cô nương nói sao ? Lão thực không hiểu.
Biết lão là một dị nhân, Bảo-Hòa không muốn bắt lão xuất hiện, nàng cười:
- Sẽ có ngày tái ngộ.
Nàng ra roi cho ngựa chạy trước. Thanh-Mai cùng mọi người vọt theo. Mỹ-Linh hỏi Thanh-Mai:
- Sư tỷ. Sư tỷ cho lão Mốc là người thế nào ?
Thanh-Mai lắc đầu:
- Khó biết lắm. Cứ như bản lĩnh của lão, e không kém gì Nguyên-Hạnh. Có điều lão ẩn thân ở đền này bấy lâu nay không biết để làm gì ?
Bảo-Hòa chợt á lên một tiếng:
- Lão này muốn tìm hiểu tông tích bọn mình.
Mỹ-Linh kinh ngạc:
- Thế nghĩa là ?
Bảo-Hòa phân tích:
- Lúc đầu lão xóa đi mấy chữ vua Trưng, rồi giặc Hán để xem phản ứng của chúng ta, hầu biết chúng ta có biết chữ Khoa-đẩu không. Mỹ-Linh vô tình chỉ lên nói mất chữ này, còn chữ kia chị cũng gật đầu công nhận. Thế là lão biết Mỹ-Linh với chị biềt chữ Khoa-đẩu.
Mỹ-Linh giật mình:
- Chúng mình sơ hở quá.
Bảo-Hòa tiếp:
- Sau đó lão tô lên mấy chữ kia, biến câu đối ca tụng Bà thành ca tụng chúng mình. Chúng mình hỉ hả trong lòng. Như vậy lão biết đích xác căn cước bọn mình.
Đỗ Lệ-Thanh xen vào:
- Lão dùng một thức thuốc đặc biệt thoa vào người, thành ra giống như mốc. Nhưng lão quên mất rằng phàm khi người ta bị bệnh mốc, thế nào cũng bị bệnh phổi. Trong khi đó lão nói năng lớn tiếng, hơi thở điều hòa, chứng tỏ lão không hề bị bệnh phổi. Lão tưởng qua mặt chúng ta được. Tôi lờ đi cho lão sướng. Nội ngày nay lão phải tìm thế tử xin lỗi.
Thiệu-Thái kinh ngạc:
- Tại sao vậy ?
- Tại vì tiểu tỳ đã phóng vào bát của lão một ít chất độc. Chỉ chiều nay chất độc phát tác. Lão có gan bằng trời cũng không chịu được cơn đau.
Đoàn người tới con sông nhỏ. Thanh-Mai chỉ vào những lũy tre bên kia sông:
- Kia là Thiên-trường trang của bố tôi.
Nhìn lũy tre cao vút bên sông, cùng cổng trang bằng đá bên gốc đa cao tới mây xanh, lòng Thanh-Mai rộn lên không biết bao nhiêu tình cảm. Trong lũy tre kia, nơi bố mẹ nàng đã cho nàng biết bao thương yêu. Những kỷ niệm thời thơ ấu bên cạnh mẹ hiện về. Bây giờ mẹ nàng đã cách biệt ngàn trùng.
Một cái bè lớn từ bên sông do bốn người cầm sào đang đẩy qua. Đó là bốn thanh niên lực lưỡng. Họ thấy Thanh-Mai thì reo lên:
- Tiểu thư đã về đó sao ? Cậu út đâu rồi ?
Thanh-Mai cảm động:
- Em tôi cũng sắp về. Có lẽ sau tôi ít ngày.
Nàng vẫy tay cho mọi người xuống bè. Bốn thanh niên dắt ngựa dùm khách. Cái bè to lớn dư sức chở sáu ngựa. Tới bờ Thanh-Mai chỉ vào cổng trang:
- Trang này do tổ phụ tôi là Tự-Viễn công tới đây khai sáng ra. Trải hơn mười lăm đời mới tới bố tôi. Lúc đầu trong trang chỉ có người họ Trần. Đến đời thứ sáu mới cho thêm một tên mã phu họ Trịnh vào ở. Đến đời thứ tám thêm họ Hoàng, Phạm, Vũ. Như vậy trong trang có tới năm họ. Hiện nay số tráng đinh lên tới gần vạn.
Mỹ-Linh nhìn lên: cổng trang xây bằng đá, to lớn không kém gì cổng thành Thăng-long. Trên cổng có tráng đinh canh gác. Đường trong trang lát bằng những viên đá lớn. Hai bên lối đi trồng toàn một thứ bàng với phượng vĩ thẳng tắp. Đường xá trong trang như bàn cờ. Sau những cây bàng cây phượng có hàng dậu trúc cắt tỉa rất công phu. Trong hàng dậu trúc, những ngôi nhà gạch lợp ngói đỏ tươi nổi bật bên những cây xanh. Xe, ngựa dân chúng đi lại tấp nập như thị trấn.
Đi sâu vào trong trang khỏang ba ngàn bước, tới cái hồ nước trong xanh. Xung quanh hồ trồng toàn hoa cúc vàng tươi. Dưới hồ một đàn thiên nga đang bơi lội. Phía sau hồ nỗi bật lên một căn nhà rất cao, tường bằng đá, mái lợp cỏ. Bên ngoài ngôi nhà bao phủ bằng hàng dậu dâm bụt. Thanh-Mai chỉ ngôi nhà đá:
- Đấy, nhà tôi đấy.
Tới cổng, nàng rung chuông, một đàn chó to lớn xồ ra xủa. Thanh-Mai chưa kịp lên tiếng. Bảo-Hòa đã cho hai ngón tay vào miệng tru lên mấy tiếng. Lập tức đàn chó nhảy xô ra vẫy đuôi mừng nàng. Một thị nữ mặc áo hồng nhạt, chạy lại reo lên:
- A cô về. Ông đang mong cô đấy.
Thanh-Mai bước vào nhà gọi:
- Bố ơi ! Con về đây.
Một trung niên nam tử, dáng người bệ vệ, khuôn mặt cực kỳ uy nghiêm bước ra. Ông quàng tay qua cổ con gái, kéo sát Thanh-Mai vào ngực, rồi cắn lên má nàng:
- Con chó này. Bỏ bố đi gần một năm rồi, bây giờ mới về. Bố phải đánh què mới được. Mấy tháng trước bố được tin Thanh-Nguyên theo bản sư về Mê-linh. Còn con vẫn ở lại Thanh-hóa. Hôm nay mới về thăm bố. Hư quá.
Thời bấy giờ lễ giáo Khổng-Mạnh đã có căn bản tại Đại-Việt. Cái lý thuyết nam nữ thụ thụ bất tương thân trở thành khuôn mẫu trong xã hội. Bố với con gái. Mẹ với con trai có một hàng rào ngăn cách. Khi con gái mười bốn, mười lăm mà bố còn ôm ấp là điều cấm kị. Nhưng đại hiệp Trần Tự-An không phục, ông cho rằng kỷ cương xã hội do Khổng-tử đặt ra, ông cũng có thể sửa chữa. Tại sao con cái, vốn từ trong cơ thể mình mà có, mình không thể thân mật được? Vì vậy tuy Thanh-Mai đã mười tám, mà ông vẫn đối xử như nàng còn nhỏ. Một lý do khác khiến ông gần Thanh-Mai, vì vợ chết sớm, ông càng cưng chiều con gái hơn để đền bù lại nàng mất tình thương của mẹ.Ông thấy theo sau con gái còn một số người nữa, cùng lứa tuổi với nhau. Thương con, ông thương luôn cả bạn của con. Ông buông Thanh-Mai ra, hỏi:
- Bạn con đây hả ?
Mỹ-Linh, Bảo-Hòa từng nghe danh đại hiệp Trần Tự-An võ công vô địch thiên hạ, bác học đa năng. Nàng cứ tưởng ông sẽ bang bạnh lắm, hay ít ra cũng như Hồng-Sơn đại phu. Không ngờ, khi gặp, họ chỉ thấy ở ông, một ông bố thương con vô hạn. Trong lòng họ nảy ra những tủi thân, phải chi họ cũng có ông bố như vậy!
Ngô Tuấn quỳ gối xuống rập đầu binh binh:
- Đệ tử Ngô Tuấn xin ra mắt Thái sư-phụ.
Trần Tự-An cầm tay nó đỡ dậy:
- Khá lắm, mới có mấy tuổi mà nội công vững thế này đây. Bố cháu đâu, có về đây không ?
Ngô Tuấn đáp:⬔ Thưa ông, bố cháu mới được thăng Chiêu-thảo-sứ, lĩnh Khu-mật-viện phủ Khai-quốc vương, nên không về vấn an ông được.
Tự-An lắc đầu:
- Bố cháu thích công danh, rồi mang ách vào thân. Làm quan chi cho mệt, tiêu dao tự tại có thích hơn không ? Thôi kệ, mỗi người một chí.
Mỹ-Linh, Bảo-Hòa, Thiệu-Thái vừa định quỳ gối hành lễ. Ông phất tay một cái, kình lực nhu hòa đỡ họ dậy. Ông cười:
- Các cháu đừng có lễ nghi quá phiền phức. Bác không thích.
Bỗng ông ngừng lại, chau mày hỏi Mỹ-Linh:
- Con bé này xinh đẹp đáo để. Nội công của nó tại sao lại tạp nhạp như vậy ? Nào Thiếu-lâm, nào Hoa-lư, nào Sài-sơn, nào Mê-linh và cả Tiêu-sơn nữa ?
Không đợi Mỹ-Linh trả lời, ông vung tay đánh dứ một chưởng vào mặt nàng. Mỹ-Linh biết ông giảo nghiệm võ công mình. Nàng vội xuống tấn, vận sức đẩy ra chiêu Tượng-đầu chưởng của Tiêu-sơn. Binh một tiếng, người nàng choáng váng lui lại. Trong khi Tự-An gật đầu:
- Thì ra cháu là đệ tử của đại ca ta. Lão thầy chùa Huệ-Sinh giỏi thực, một con bé xinh đẹp thế này, mà anh ta dạy cho nó thành đại cao thủ hiếm có. Thế nào, sư phụ vẫn mạnh chứ ?
Mỹ-Linh chắp tay:
- Sư phụ cháu vẫn nhắc đến sư bá luôn. Người vẫn mạnh khoẻ.
Tự-An cười:
- Sư phụ cháu dại dột quá. Y đang là một Bồ-tát đắc đạo, ngồi trên núi ăn trái cây, ngửi hoa thơm, nghe chim hót, lại đi giúp thằng bé con Lý Long-Bồ lăn mình vào bụi trần cho khổ.
Thanh-Mai chỉ Bảo-Hòa:
- Con đố bố biết Bảo-Hòa là đệ tử ai đấy ?
Đối với bất cứ một ông thầy dạy võ nào, mà đệ tử đặt câu hỏi như vậy, ắt bị đòn, nhẹ ra cũng bị mắng vô phép. Ngược lại, Thanh-Mai được bố cho nói năng tư do thành quen. Nàng đặt câu hỏi đó với ông, ông cho rằng đó là việc thường. Ông lại đánh Bảo-Hòa một chưởng nhẹ nhàng.
Bảo-Hòa kinh hãi, phát chiêu Ác ngưu nan độ đỡ. Binh một tiếng, người nàng như muốn vỡ tung lồng ngực ra. Tự-An nhăn mặt suy nghĩ một lúc, rồi vỗ vai Bảo-Hòa:
- Tưởng ai, hóa ra cháu nội ông bạn già Thân Thiệu-Anh của ta. Khi cháu bước vào đây ta đã nghi rồi. Vì người cháu tiết ra mùi hương thơm nhẹ nhàng. Trên đời này, ta e chỉ hai người có hương thơm. Một là lão hòa thượng béo tròn, béo trục Bố Đại. Hai là cháu nội lão Thiệu-Anh. Mùi hương của Bố Đại hòa thượng giống mùi trầm. Còn của cháu cũng giống trầm, nhưng ngát hơn.Ông vỗ đầu Bảo-Hòa:
- Ông nội cháu hồi này ra sao ? Năm ngoái người gửi cho ta ba cái mật gấu. Ta chưa cho người lên cảm ơn đấy.
Bảo-Hòa kính cẩn:
- Ông nội cháu vẫn khỏe. Vừa rồi người sang Trung-nguyên, không biết đã về chưa ?
Tự-An chau mày:
- Lạ ! Cháu học ở đâu được chiêu Phục-ngưu thần chưởng tinh diệu như vậy. Ta e hơn cả Đặng Đại-Khê nữa.Ông quay lại nhìn Thân Thiệu-Thái:
- Thằng cháu này, là anh Bảo-Hòa hẳn. Em gái đẹp thế, mà anh trông như lợn vậy. Võ công học tới đâu rồi?Ông vung chưởng đánh Thiệu-Thái. Chàng vội lùi lại đỡ. Ông mở to mắt ra rồi thở dài:
- Than ôi ! Sùng-Phạm còn đâu ! Cháu phúc đức thực, cháu gặp Bồ-tát Sùng-Phạm trong trường hợp nào ?
Thiệu-Thái kính cẩn hỏi:
- Thưa sư bá. Sư bá có thân quen với sư phụ cháu à ?
- Có. Chúng ta vốn nhiều duyên với nhau. Ông có nguyện rằng khi nào xác ông mục, ông sẽ tìm một thiếu niên phúc đức, truyền hết công lực cho, rồi mới xuất. Thấy cháu mới hai mươi tuổi là cùng, mà công lực đến độ này, ta biết cháu đã được người ban cho cái hạnh vô biên đó.Ông quay lại nhìn Đỗ Lệ-Thanh, rồi lắc đầu:
- Này bà ! Tuổi bà lớn hơn ta. Ta khuyên một lời, mong bà để lọt vào tai.
Đỗ Lệ-Thanh chắp tay:
- Xin đại hiệp cứ dạy.
- Khi vợ chồng đã hết duyên thì thôi. Mỗi người đi một ngả. Tại sao trong người bà còn đầy uất khí như vậy ?
Đỗ Lệ-Thanh quì mọp xuống đất:
- Tiểu tỳ có mối uất hận, xin đại hiệp vì công đạo đứng ra chủ trì cho.
Tự-An gật đầu:
- Khoan rồi hãy kể. Nghỉ đã. Thanh-Mai, bảo tụi nó dọn phòng cho các vị này ở. Hôm nay chúng ta xuống thuyền, ăn cơm trên sông.
Khi đi đường Mỹ-Linh, Bảo-Hòa cứ lo sợ sẽ gặp phải một người nghiên khắc, khó khăn. Bây giờ gặp Tự-An, họ thấy ở ông một người dễ tính, vui vẻ, bình-dị, đầm ấm.
Mỹ-Linh nói với Tự-An:
- Xin sư bá cho cháu vào ra mắt liệt tổ phái Đông-a, cùng chào bác gái.
Trần Tự-An gật đầu:
- Thanh, con dẫn các bạn vào nhà từ lễ tổ, lễ mẹ, còn con mụ kia không cấn lễ nghi gì cả.
Mặt Nam trang Thiên-trường tiếp giáp với con sông Hồng-hà, quanh năm nước phù sa chảy siết. Từ sông Hồng-hà có hai con sông nhỏ hơn, như hai tay ngai ôm lấy trang Thiên-trường. Nước lên xuống hàng tháng theo mặt trăng. Những ngày con nước từ một tới bốn là những ngày êm dịu. Khi con nước lên từ năm đến tám là lớn nhất. Sông nhỏ, nước chỉ lên cao, chứ không chảy siết. Sông đầy nước phù sa, nên rất nhiều cá. Mà cá lại béo, ăn không độc.
Chiều đến, Thanh-Mai chuẩn bị con thuyền khá lớn trên nhánh sông, rồi cho thả giữa giòng. Thân phụ nàng thường tiếp khách trên con thuyền này. Hôm nay ông mặc Thanh-Mai, muốn đã khách bằng món gì thì đãi.
Từ khi gặp Mỹ-Linh, Thanh-Mai luôn nói về cái thú ăn gỏi tươi của quê nàng. Hôm nay nàng được làm gỏi đãi khách. Thanh-Mai nói:
- Một con thuyền thả trên sông. Trong thuyền thực khách ngồi bên lò than hồng. Trên lò than, một cái nồi đất lớn. Trong nồi chứa nửa mỡ. Nửa còn lại là nước mắm, hồ tiêu, ớt. Phải đun cho mỡ sôi sục. Bấy giờ mới buông lưới. Lưới phải là loại mắt nhỏ, để có thể bắt được cá, tôm con. Tôm cá kéo lên, thả vào trong chậu còn sống. Thực khách gắp thả vào nồi mỡ nhúng cho tái đi, rồi gắp ra bát. Trong bát phải đủ tám thứ rau thơm: húng, hành, tỏi, ngổ, răm, mơ, xương xông, lá lốt. Sau đó dùng muỗm múc một muỗm nước chấm.
Nàng nhấn mạnh:
- Cái món nước chấm mới thực cầu kỳ. Trước hết dùng tương, nghiền cho nhỏ, pha vào ít vừng rang, để nguyên hạt. Dùng gạo nứt rang cháy vàng đi, làm thính. Thính dã thực nhỏ, dùng rây lấy bột thính cho mịn. Sau đó trộn lẫn với tương. Phải tính sao cho đặc sền sệt mới được. Nếu ăn gỏi cá phải dã thêm củ riềng cho vào. Còn ăn gỏi tôm thì thêm củ gừng.
Trong bữa cơm, chỉ tội nghiệp Thiệu-Thái, Bảo-Hòa, Mỹ-Linh chưa được hưởng cái thú thanh nhàn ăn uống trên sông, với tôm cá tươi như vậy. Ba người ăn hết miếng này tới miếng khác, muốn nuốt cả lưỡi vào. Mỹ-Linh vừa ăn vừa nói với Tự-An:
- Sư-bá. Cháu thấy sư bá sướng thực, sống tự do tự tại, tiêu dao với sông nước. Như vậy thành tiên rồi. Đâu có như ông nội cháu, suốt ngày lo lắng , hao tổn tâm thần.
Từ lúc Mỹ-Linh đến trang, đại hiệp Trần Tự-An chưa hề hỏi tông tích nàng. Ông thấy Mỹ-Linh nói năng nhỏ nhẹ, nhu mì, xinh dẹp, dáng người cực kỳ cao sang. Ông đoán nàng ắt phải xuất thân trong gia đình danh tiếng. Bây giờ nghe nàng nói, ông lại cho rằng, nàng con quan. Song ông không muốn hỏi. Ông chỉ cần biết bạn của con, ông coi như con. Ông thương yêu tất cả những gì liên quan đến con. Chợt ông vỗ đầu Mỹ-Linh:
- À, ta hiểu rồi. Cháu mới được phong cái gì công chúa Bình-dương phải không ?
Thanh-Mai không ngờ bố đoán ra nguồn gốc Mỹ-Linh. Nàng tự biết bố mình không ưa triều Lý, mà nàng dẫn Công-chúa về trang chơi thực không phải đạo lý. Thanh-Mai sợ bố nổi giận, nàng vội nói:
- Bố ! Con với Mỹ-Linh kết thành sư tỷ sư muội rồi.
Tự-An cốc khẽ vào đầu con gái:
- Gớm lắm. Qua mặt cả bố già.
Thế rồi ông cười xòa tỏ ý tha thứ. Tính ông dễ thực dễ, mà khó thì cũng thực khó. Ông không uống rượu, cũng chẳng hút thuốc lào. Cái thú của ông là ngồi ăn với con, với cháu, với bạn của con. Ông thu nhận khá nhiều đệ tử. Người nào cũng thành tay kiệt hiệt. Ông thương học trò như con. Vì vậy giữa họ với ông có nhiều mối dây tình cảm hơn các đại tôn sư khác.
Nhưng tại sao, trên giang hồ nghe danh ông đều kinh sợ ? Điều đó có lý do. Ông dễ là dễ với con, với học trò, với bạn của con. Học trò vô lễ, ông dạy dỗ. Con lầm lỗi, ông giảng giải. Người ngoài tưởng ông thuộc loại nhu nhược, bắt chước con, cháu, học trò... để rồi phạm vào điều cấm kị của ông thực khốn khổ vô cùng. Kẻ nào vô tình hãm hại đệ tử họăc con ông, ông giết cả nhà, bố mẹ, anh em, con cái, cho tới con chó con mèo ông cũng không tha.Ông lấy vợ năm hai mươi tuổi. Vợ ông nhan sắc có một không hai. Võ công bà rất cao siêu. Tuy không bằng ông, nhưng so trong giới nữ lưu, bà đứng hạng nhất. Cách đây bốn năm, trong khi ông đi vắng, ở nhà kẻ gian đột nhập trang. Bà đấu với y trên ba trăm chiêu bất phân thắng bại. Cuối cùng y đánh bà một độc chưởng. Sau đó bà lên cơn đau đớn khủng khiếp. Gian nhân xuất hiện ra điều kiện, bà phải tuyên thệ nhập Hồng-thiết giáo, cùng tuyệt đối tuân theo lệnh của họ. Như vậy bà sẽ nhận được thuốc giải. Bà đành chịu chết, chứ không phản chồng.Ông bà có bốn con. Con trưởng tên Thông-Mai, thứ đến Thanh-Mai, Tự-Mai, Thanh-Nguyên. Sau khi bà chết được hơn năm, ông tục huyền. Một lần người vợ kế của ông nói đụng đến mẹ, Thông-Mai nổi cơn giận, tát bà vợ kế ba cái, rồi viết thư cáo từ phụ thân, bỏ đi mất. Từ sau thảm cảnh đó, trong gia đình không ai giám nhắc đến Thông-Mai nữa.Ăn uống xong, ông bảo Thanh-Mai:
- Bố được tin con theo bản sư Tịnh-Huyền cùng Tự-Mai, Thanh-Nguyên đi Cửu-chân chơi. Bố không tin. Bản sư của con không bao giờ làm cái gì thừa cả. Chắc bà lại dẫn ba đứa con đi lễ Lệ-hải bà vương chứ gì. Trong bằng này người, con gặp ai trước, ai sau ?
Thanh-Mai chỉ Mỹ-Linh:
- Con gặp Mỹ-Linh trước, rồi Thiệu-Thái, Bảo-Hòa. Cuối cùng tới Đỗ phu nhân.Ông chỉ Mỹ-Linh:
- Bây giờ cháu thuật truyện từ lúc gặp Thanh-Mai lần đầu cho đến khi Bảo-Hòa xuất hiện.
Mỹ-Linh học văn rất sâu. Nàng thuật truyện tỷ mỷ rành rẽ. Tiếng nàng trong, nhẹ, người nghe như rót vào tai. Nàng thuật từ lúc gặp Thanh-Mai ở gốc đa gần đền thờ Tương-liệt đại vương cho đến khi tế lăng Lệ-hải bà vương, rồi Bảo-Hòa xuất hiện.
Tự-An gật đầu:
- Ta thực không ngờ công chúa Hồng-Châu lại đi tu thành Tịnh-Huyền. Trước kia ta khâm phục đại ca Huệ-Sinh một bây giờ ta khâm phục mười. Lão hay thực. Muôn ngàn lần ta không bằng lão. Thân làm quốc-sư, võ công tuyệt đỉnh, lão chỉ búng tay một cái, cũng đủ giết hết bọn ruồi nhặng. Thế mà lão thản nhiên chịu để bọn lưu manh bắt trói đem vào ngục như tên ăn cắp, không phản ứng. Ôi lão quả đã thành Bồ-tát vậy. Ta không bằng.Ông lẩm nhẩm:
- Còn cái bọn Tống đáng chết thực. Tại sao Tịnh-Huyền, Huệ-Sinh không giết phắt chúng đi cho rồi. Đối với quân cướp nước chỉ có đánh bỏ mẹ đi chúng nó mới sợ.
Mỹ-Linh thấy ông đang nhu nhã, bỗng nổi cộc, văng tục chỉ vì nghe bọn Tống khinh khi Đại-Việt. Nàng nhủ thầm:
- Ông này thế lực mạnh. Võ công kiến thức cao. Tiếc rằng ông chống họ Lý nhà mình. Đã vậy mình phải khích ông, đem cái tự hào dân tộc ra để ông đập tụi Tống mới được.
Nàng thỏ thẻ:
- Sư bá hiểu cho. Chưa chắc sư phụ cháu với thái-cô đã địch nổi bọn Minh-Thiên với Vương Duy-Chính. Cháu nghĩ giá có sư bá hay ít ra một trong Đại-Việt ngũ long giết bọn chúng mới được.Ông gật đầu:
- Có thể như thế. À còn cái người đang đêm đánh úp bọn Triệu Anh ở đền thờ Tương-liệt đại vương. Rồi hôm sau cướp di thư giả trên tay Triệu Thành, cùng bắt sống y đem đi, cũng bọn Tống chứ không sai.
Mỹ-Linh kinh hoảng:
- Không lẽ bọn chúng tranh dành lẫn nhau.
Tự-An lắc đầu:
- Cháu ngây thơ lắm. Huệ-Sinh, Nùng-Sơn, Tịnh-Huyền cũng chẳng hơn, để bọn Tống qua mặt, thôi chắc chúng cười cho thối mũi ra.Ông quay lại kéo tai Thanh-Mai:
- Con chó này. Bố dạy biết bao nhiêu sách vở, mà cũng để bọn chúng lừa cho. Đáng đánh đòn.
Thanh-Mai ngẩn người ra một lúc, rồi ngồi nhỏm dậy:
- Đúng rồi. Con chỉ hơi nghi thôi. Bây giờ mới hiểu ra.
Mỹ-Linh ngơ ngác:
- Sư tỷ nghi chỗ nào ?
Thanh-Mai đỏ mặt lên vì xấu hổ:
- Thế này nhé. Bọn Tống từ Thăng-long mới đến Thanh-hóa ban ngày. Đêm đã biết đường vào đền thờ Tương-liệt đại vương ăn trộm ngay, không lẽ chúng là thánh ? Như vậy tất chúng phải có người ẩn ở đây lâu rồi. Người ẩn đó báo cáo cho chúng biết. Chúng tới lục lọi. Nếu như thấy di thư, liệu chúng có thoát khỏi sự truy lùng của võ lâm Đại-Việt không ? Cho nên hễ thấy rồi, chúng diễn vở kịch bị người khác cướp đi. Như vậy mới an tòan.
Tự-An tiếp lời con gái:
- Rồi khi Tôn Trung-Luận đánh lừa Triệu Thành, tên bịt mặt bắt y đi. Triệu Thành võ công không tầm thường, đời nào y để người ta bắt đi dễ dàng như vậy. Vả thích khách bắt y đi, đời nào thả ra dễ dàng như thế. Thôi, đó là bài học.Ông chỉ Bảo-Hòa:
- Trong bằng này người, ta thích nhất cháu. Con bé hoa huệ hiếm có trên thế gian này. Nào bây giờ cháu thuật tiếp ta nghe nào ?
Bảo-Hòa thuật tỷ mỷ truyện trên lăng Lệ-hải bà vương, cho đến lúc lên chùa Sơn-tĩnh, rồi ba chị em đi đò thám đền thờ Tích Quang, Nhâm Diên. Tiếp đến Mỹ-Linh học thuộc di thư trong những tấm bia.
Tự-An cười lớn:
- Thế thì khi sang Đại-Việt, bọn Triệu Thành đã nắm chắc có di thư. Sợ rằng khi tìm ra di thư, chúng sẽ bị võ lâm Đại-Việt tranh dành. Chúng mới diễn ra vở kịch xông thuoc mê, diễn ra màn cho người cướp di thư từ tay Triệu Anh. Nhưng sau đó, Trung-Luận nói trắng ra rằng cuốn di thư trong bụng tượng Tương-Liệt đại vương không chỉ là cuốn phổ. Bọn Triệu Thành diễn màn baa bằng cách cho tên bịt mặt bắt y. Như vậy say này võ lâm sẽ tìm Trung-Luận truy lùng võ kinh, hơn là tìm bọn y. Khôn đấy chứ.
Tự-An gật đầu:
- Về việc bọn Triệu Thành hành sự. Tất cả đều bị bọn Tống lừa. Có hai người không bị lừa là mạ mạ cháu với Khai-quốc vương.
Mỹ-Linh nghe ông nói, nàng mừng thầm. Vì từ lúc mới đến đây, nàng thấy ngôn từ ông tỏ ra không ưa triều đình. Nói đến chú nàng, ông gọi sách mé bằng danh tự thằng bé con Long-Bồ. Bây giờ ông đổi, gọi bằng Khai-quốc vương, tức đã có phần coi trọng.Ông cười:
- Cháu phải biết, nếu đông người quá khó giữ bí mật. Cho nên Khai-quốc vương đang đêm lén trốn đi cùng Tự-Mai, Tôn Đản. Tất cả đám còn lại tha hồ cho bọn Tống theo dõi. Khai-quốc vương sai chim ưng mang lệnh về Khu-mật-viện. Ở đây phát lệnh cho Tiết-độ-sứ phái Đàm Toái-Trạng, Nguyễn Khánh đi hộ tống. Bọn Tống nói dối rằng bị trộm. Khai-quốc vương giả làm như tin thực, sai lính đi hộ vệ. Thế là bọn Tống tự nhiên bị bó chân bó cẳng.
Bảo-Hòa lắc đầu:
- Cháu không tin như vậy. Bọn Đàm Toái-Trạng với Nguyễn Khánh manh tâm hướng ngoại làm phản. Việc lớn như thế không lẽ cậu hai không biết ? Cậu hai biết, sao còn sai chúng đi hộ tống bọn Triệu Thành.
Tự-An cười:
- Này nhé, phép lừa địch cao nhất phải làm sao cho địch tưởng mình ngu. Bọn Triệu Thành thấy cậu hai cháu sai bọn gian hộ vệ. Y cho rằng cậu cháu cóc biết gì cả. Kỳ thực cậu hai cháu giả như thế. Bọn y yên tâm, dọc dường tha hồ làm ma làm quỉ, cậu hai cháu cho người theo dõi, khắc biết hết. Cái ưu điểm ở chổ cậu hai với mạ mạ cháu phối hợp rất nhịp nhàng. Bọn Tống giả đi Thiên-trường để liên lạc với ta, sự thực chúng chưa có đến. Điều này mạ mạ cháu biết rồi.
Bảo-Hòa tiếp:
- Khi cháu lên chùa Sơn-tĩnh, trong lòng tưởng Nguyên-Hạnh là cao tăng đắc đạo. Nên khi thấy chim ưng của Khu-mật-viện Trường-yên theo dõi y. Cháu không biết thần ưng của ai. Khi họ theo dõi, hẳn Nguyên-Hạnh không ra gì, vì vậy cháu nói tréo đi rằng thần ưng thấy y có đức, nên chầu y. Y tin thực. Đêm đó một thần ưng mang lệnh cậu hai cho cháu. Cậu truyền rằng cứ yên tâm, cậu dùng thần ưng liên lạc với cháu.
Bảo-Hòa lại tường thuật tới chỗ vào Vạn-hoa sơn-trang. Tự-An cười lớn:
- Bọn Tống bị cậu cháu coi như trẻ con. Cậu cháu viết thư cho dì An-quốc trước. Công chúa mới sai Nàng Thanh gửi thư tống tình Ngô Tích. Ngô Tích vô tình bị lọt lưới. Điều này cháu đâu ngờ. Còn cậu cháu bố trí cọp, trăn, để cháu bắt bọn Tống với mục đích gì cháu biết không?
- Cháu không biết.
- Này nhé, hiện cậu hai không có tên nào tín cẩn của Triệu Thành, để nhờ y thông báo tin tức bịa đặt cho y. Vì vậy phải bầy ra vụ ấy cho chúng bị bắt rồi cô hàng bún riêu Thanh-Trúc cứu y. Y cứu đồng bọn. Mưu này không qua mắt được bọn Triệu Thành với Vương Duy-Chính. Y tương kế tựu kế, làm như Ngô Tích bị trúng đòn ái tình. Đang đêm đến Vạn-hoa sơn-trang họp rồi được Nàng Thanh hẹn ra suối. Y hứa về Thăng-long tâu thiên tử cưới nàng...
Nghĩa là y làm như trúng kế thực. Như vậy cũng chưa đủ. Khi bọn y biết Ngô Tích bị theo dõi, cùng việc các cháu lên đồi luyện võ. Chúng, gỉa vờ kéo nhau tới kết tội Ngô. Tất nhiên người của cậu hai cháu phải xuất hiện cứu Ngô. Thế là y yên tâm cấy được người vào Khu-mật-viện Đại-Việt. Y có ngờ đâu cậu hai cháu cũng giả vờ trúng kế y. Bây giờ cậu hai chỉ việc bàn kế họach ma, để tên Ngô Tích báo về cho Triệu Thành.
Thanh-Mai hỏi bố:
- Liệu những bí mật của Nguyên-Hạnh, Khai-quốc vương có biết trước không ? Hay phải đợi đến khi vào Thanh-hóa mới biết ?
Tự-An suy nghĩ một lúc rồi nói:
- Có lẽ trước khi chưa vào Thanh-hóa, Khai-quốc vương chỉ đóan già rằng Nguyên-Hạnh không phải thiện nhân thôi. Phải đợi đến khi bọn cháu khám phá ra Hồng-hương cốc mới vỡ lẽ. Các cháu cũng khôn đấy, giả chết cháy, để giờ này Nguyên-Hạnh vẫn tưởng bí mật của y được bảo toàn.
Thanh-Mai ngồi ngay ngắn lại:
- Lúc đầu con tưởng người ám toán mẹ với Hồng-sơn phu nhân cũng như vương phi Khai-thiên vương là Nguyên-Hạnh, nhưng bây giờ lại không chắc. Tuy nhiên chúng ta cũng có chút ánh sáng. Ta cần tìm ra tung tích bọn trưởng lão Hòng-thiết, mới mong trả thù cho mẹ.
Thanh-Mai chơt nhớ ra một điều:
- Bố ơi. Khi qua đền thờ Thánh-Thiên, con gặp một người tên Mốc. Y có hành động rất kỳ lạ.
Tự-An mỉm cười:
- Trong vòng một trăm dậm của trang Thiên-trường, dù con chồn con cáo đột nhập bố cũng phải biết. Thằng Mốc vốn người nước Đại-lý. Đâu phải một mình Tống cử người sang đây tìm di thư ? Bọn Đại-lý cũng sai nhiều toán sang. Chúng theo sát bọn Triệu Thành. Chúng biết bọn Triệu Thành lấy được di thư, ngặt không biết đọc chữ Khoa-đẩu. Trong khi người Đại-lý biết chữ Khoa-đẩu. Chúng theo dõi bọn con với Triệu Thành, thấy bọn con đột nhiên biết xử dụng võ công thời Lĩnh-Nam. Như vậy chúng muốn thử xem bọn con có đọc được chữ Khoa-đẩu không. Chúng mới cho tên Mốc hành sự. Bọn con vô tình để y biết rõ sự thực. Như vậy bọn Đại-lý tin tưởng rằng di thư trong tay Triệu Thành quả đúng chứ không phải giả.Ông nhìn trời cười:
- Bọn Tống với Đại-Lý sẽ đánh nhau mù trời về di thư. Mà chắc chúng sẽ đánh nhau trong địa phận Thiên-trường này. Ta cứ ngồi chơi xem cho vui.
Truyện khác cùng thể loại
29 chương
59 chương
82 chương
62 chương
50 chương
36 chương
26 chương
78 chương