Thư Kiếm Ân Cừu Lục
Chương 7 : Thiết Đảm Trang, Rắp Tâm Lừa Con Trẻ -vọng Nguyệt Đình, Quyết Chí Bắt Phạm Nhân
Nhắc lại việc tiêu-sư Đổng-Triệu-Hòa, nhờ biết rõ hành tung của Văn-Thái-Lai và đường đi đến Thiết-Đảm-Trang nên được cử làm hướng đạo viên dẫn đường cho Trương-Siêu-Trọng cùng một số đông cao thủ triều đình với công tác phải bắt sống hay giết chết Văn-Thái-Lai cho kỳ được mới thôi.
Đổng-Triệu-Hòa lòng mừng hớn hở, tin rằng đã lập được một kỳ công vĩ đại, tất sẽ trả được thù riêng và sẽ được hưởng những giây phút khoái lạc bên mình ⬘người yêu trong mộng⬙ là Lạc-Băng, người thiếu-phụ với nhan sắc kiều diễm mà hắn quyết chiếm đoạt cho bằng được với bất cứ giá nào.
Đổng-Triệu-Hòa đi trước dẫn đường. Trương-Siêu-Trọng đi sau dắt theo vài chục cao thủ với võ công trác tuyệt được vua Càn-Long tuyển chọn và tín nhiệm, sung vào Giám-Thị-Vệ và Ngự-lâm-Quân cùng gần cả chục tên bổ-đầu cùng bổ-khoái hữu danh khác. Không chút chậm trễ, Trương-Siêu-Trọng kéo binh mã theo ngã Thiết-Đảm-Trang đi thẳng...
Khi đến trước cửa ngõ vào Thiết-Đảm-Trang, Trương-Siêu-Trọng gọi một tên tráng đinh ra quát lớn, nói như ra lệnh:
-Tên kia! Mau vào trong gọi chủ nhân người ra đây mà đón rước các quan lớn của triều-đình, không được chậm trễ mà mang tội lớn.
Gã tráng đinh nhìn thấy đám người trước cửa ngõ người nào người nấy khí vũ hiên ngang, oai phong lẫm liệt thì biết ngay không phải là những người tầm thường. Nhất là sau khi nghe Trương-Siêu-Trọng bảo thế thì vội vàng ⬘ba chân bốn cẳng⬙ chạy vào trong chứ không dám quay đầu lại mà hỏi một lời nào như lệnh trang chủ vẫn dặn rằng phải hỏi tên họ người đến Thiết-Đảm-Trang trước rồi mới vào bẩm báo sau.
Trương-Siêu-Trọng tuy là khâm-sai của vua Càn-Long, làm quan lớn của triều-đình Mãn-Thanh, võ nghệ siêu đẳng, uy danh lẫy lừng nhưng khi đến Thiết-Đảm-Trang cũng không dám khinh thường mà giở những hành vi lố lăng nên chỉ dừng ở ngoài mà gọi một tên tráng đinh ra mà truyền lệnh thôi. Nếu trường hợp là những nơi bình thường thì y đã bao vây, cho người xông thẳng vào bên trong lục soát rồi. Chẳng qua là vì thanh danh của Châu-Trọng-Anh quá lớn, được thiên-hạ gọi là Châu lão anh hùng, khắp nơi trên giang hồ, đâu đâu cũng kính phục. Do đó mà Trương-Siêu-Trọng cũng phải có vài phần nể nang, không dám ỷ vào thế khâm-sai triều-đình mà ngang tàng được. Huống hồ là việc này chưa biết chắc chắn ra sao, liệu Đổng-Triệu-Hòa báo tin có xác thực hay không? Bọn Văn-Thái-Lai còn ẩn trú trong sơn-trang hay là đã đi xa rồi? Nếu tìm không thấy khâm phạm trong đó thì không biết phải xử trí ra làm sao? Nghĩ đi nghĩ lại một hồi, Trương-Siêu-Trọng bỗng hối hận vì mấy câu nói hống hách vừa rồi với gã tráng đinh của Thiết-Đảm-Trang.
Châu-Trọng-Anh có chứa chấp khâm phạm hay không, Trương-Siêu-Trọng chưa dám chắc chắn. Mà cho dù có chứa chấp khâm-phạm đi chăng nữa, việc luận tội kia cũng không do Trương-Siêu-Trọng định đoạt mà phải chờ lệnh của vua Càn-Long. Vì vậy, cách tốt hơn hết, Trương-Siêu-Trọng thấy chỉ nên dùng lễ của một lãnh tụ Võ-Đang phái ra mắt một lãnh tụ của các võ phái miền Tây-Bắc mới đúng theo quy-tắc của ⬘luật giang hồ⬙.
Nghĩ vậy, Trương-Siêu-Trọng liền thay đổi ngay thái độ. Y đến trước mặt một tráng đinh khác mang phận sự canh gác cửa ngõ dùng lời nhỏ nhẹ từ tốn nói:
-Xin nhờ đại ca vào trong nhà thưa giúp giùm một việc là có quan Thống-Chế Ngự-Lâm-Quân cùng các vị khâm-sai ở đế đô nhân đi kinh lý sang vùng này có chút việc muốn thỉnh giáo cùng Châu lão anh hùng.
Trương-Siêu-Trọng nói xong liền đảo mắt liếc ra dấu cho bọn bổ đầu và bổ khoái. Bọn Ngô-Quốc-Đống hội ý khẽ gật đầu mấy cái nên khi tráng đinh này vừa quay gót đi vào trong thì hắn cũng dẫn tám tên bổ-khoái theo sát sau lưng. Ý Trương-Siêu-Trọng là đề phòng chuyện Văn-Thái-Lai cùng đồng bọn thoát ra cửa sau trốn kịp khi nghe có khâm sai đến. Trong trường hợp này, sẽ có Ngô-Quốc-Đống cùng tám tên bổ-khoái chặn lại ngay.
Mạnh-Kiện-Hùng đang ở trong phòng khách vừa nghe gã tráng đinh chạy vào thuật lại những điều mắt thấy tai nghe cùng những lời hống hách của Trương-Siêu-Trọng thì hiểu ngay những người này đến đây không ngoài mục đích try nã Văn-Thái-Lai.
Cẩn thận và tinh tế, Mạnh-Kiện-Hùng gọi Tống-Thiện-Bằng ra trước ngõ giả vờ tiếp đón niềm nở bọn Trương-Siêu-Trọng để tạm thời dùng kế hoãn binh, còn chàng thì tức tốc đích thân vào thẳng căn phòng rộng rãi và yên lặng nơi Văn-Thái-Lai đang nằm dưỡng bệnh. Mạnh-Kiện-Hùng kề tai Văn-Thái-Lai nói nhỏ rằng:
-Văn tứ gia! Hiện thời ngoài cửa Thiết-Đảm-Trang có một số ⬘chó săn chim mồi⬙ của vua Càn-Long dưới sự chỉ huy của tên đại Hán gian Trương-Siêu-Trọng. Việc này gất rút lắm, không thể trình bày cặn kẽ cho Văn tứ gia được. Theo ý tiểu đệ thì không nên chống cự với bọn chúng làm gì cho bất lợi. Theo ý tiểu đệ thì tốt hơn hết, ba vị đương gia nên tạm lánh mặt để giữ cho mình được an toàn rồi sẽ tính sau.
Văn-Thái-Lai nghe nói khẽ gật đầu tán thành. Mạnh-Kiện-Hùng lập tức đưa ba người: Văn-Thái-Lai, Lạc-Băng và Dư-Ngư-Đồng ra thẳng ngoài vườn hoa của Châu-Trọng-Anh. Tại đây có một căn phòng rất rộng rãi khang trang, mát mẻ mà Châu-Trọng-Anh thường dùng để ngắm hoa thưởng nguyệt, luyện tập võ công, và phú vịnh ngâm nga trong những lúc cao hứng nhàn rỗi...
Đó chỉ là bề ngoài để che mặt kẻ bàng quang. Bên trong là một cơ quan bí mật để Châu-Trọng-Anh bảo vệ cách nhà cách mạng bị truy nã đến nhờ ông ta khi cần thiết. Phía dưới nền nhà ấy là một cái hầm bí mật rộng rãi, sạch sẽ, đầy đủ tiện nghi, không thiếu gì các vật dụng.
Bốn người vừa đến nơi thì Dư-Ngư-Đồng hợp sức với Dư-Ngư-Đồng khiêng một cái bàn cẩm thạch lớn rất dày xê dịch ra khỏi nơi đó một chút, nhìn thấy phía dưới lộ ra một miếng sắt thật dày, được cột chặt bởi một sợi dây xích sắc dài dinh chặt vào. Mạnh-Kiện-Hùng và Dư-Ngư-Đồng cùng nắm sợi dây xích kéo, giở hổng miếng sắt lên. Thì ra đó là một miệng rộng rãi và kín đáo, mà miếng sắt chính là nắp dùng đậy lại. Mọi người liền theo miệng hang mà đi xuống hầm bí mật mà Mạnh-Kiện-Hùng gọi là địa huyệt.
Văn-Thái-Lai đứng nhìn Mạnh-Kiện-Hùng làm công việc này bất giác nổi giận hét to lên rằng:
-Ta Văn-Thái-Lai chẳng phải hạng người tham sống sợ chết đâu! Bình sinh, ta chưa bao giờ biết lui bước trước một nguy nan nào cả, cũng chưa bao giờ chịu hạ mình làm việc hèn hạ, lại càng không bao giờ biết khiếp sợ những đứa gian manh hung tàn, mặc kệ võ nghệ chúng có cao đến bậc nào cũng vậy. Nếu thấy việc phải sẽ làm ngay, gặp cường địch đương nhiên phải chống cự. Không lẽ giờ đây ta lại chịu khom lưng mà chui xuống cái lỗ này sao? Chui xuống để trốn cái chết mà bảo vệ tánh mạng mình à? Không, nhất định là không! Tuy hiện tại trong mình ta rất yếu, khí lực giảm suy, các vết thương chưa lành nhưng tinh thần ta vẫn sáng suốt, chí khí vẫn hiên ngang, còn đủ sức đánh với Trương-Siêu-Trọng cùng bè lũ ⬘chó săn chim mồi⬙ của Càn-Long phái tới. Cứ để ta đánh với chúng một trận. Thà là ta chết còn hơn phải chui xuống cái lỗ này để cầu sống. Một khi ta chui xuống cái lỗ này rồi, tất cả anh-hùng trong thiên-hạ sẽ chê cười ta. Văn-Thái-Lai này làm việc minh minh bạch bạch, chẳng bao giờ núp trong bóng tối hoặc lợi dụng bóng tối mà hành động bao giờ!
Nghe lời nói khảng khái của Văn-Thái-Lai, Mạnh-Kiện-Hùng trong thâm tâm hết sức bội phục, lại càng không muốn cho vị Tứ đương-gia kia phải chết một cách oan uổng hay bị bắt bởi bọn ⬘chó săn chim mồi⬙ của triều đình. Chàng cố lựa lời khéo mà khuyên Văn-Thái-Lai rằng:
-Tại hạ vẫn biết Văn tứ gia là bậc trượng-phu nghĩa khí trên đời này. Chính Châu sư-phụ dù chưa gặp mặt Văn tứ gia nhưng vẫn luôn khen ngợi và thán phục vì chính sư-phụ cũng là một đấng anh-hùng nghĩa khí như Văn tứ gia, coi cái chết nhẽ tựa lông hồng, xem việc thiện như ngọc ngà châu báu. Tuy nhiên đấng trượng phu ở đời cũng có khi co mà cũng có khi duỗi, không nên câu nệ những tiểu tiết làm hỏng việc lớn mà tổ quốc và dân tộc đang trông cậy vào mình. Như Văn tứ gia hiện thời đang mang thương tích nặng, không thể dùng sức mà đượng cự với bọn đầu trâu mặt ngựa cam tâm làm ưng khuyển cho kẻ thù thì việc bảo vệ cái thân hữu dụng của mình để gánh vác công việc lớn lao sau này cho dân cho nước thì đâu có phải là tham sống sợ chết! Xin Văn tứ gia tạm thời lánh nạn ở đây, tạm trú trong cái hầm bí mật này. Thử hỏi người anh-hùng nào khi thông suốt đại nghĩa lại có thể cười Văn tú gia được?
Văn-Thái-Lai nói:
-Tôi nhất định không chui xuống địa huyệt! Yêu cầu mạnh huynh mở cửa sau vườn hoa cho chúng tôi thoát ra khỏi nơi này!
Mạnh-Kiện-Hùng nói:
-Không thể được! Bọn ⬘trâu chó⬙ của Càn-Long rất đông! Chắc chắn chúng đã chia nhau ra bao vây tứ phía và canh chừng nghiêm ngặt bên ngoài vườn hoa này rồi. Văn tứ gia có ra khỏi vườn hoa cũng không thoát hiểm được. Xin Văn tứ gia nhất thời nhịn nhục chờ đợi cơ hội khác mà diệt trừ bè lũ chúng chẳng hơn sao? ⬘Quân tử phục thù, mười năm chưa muộn⬙. Cái kế vạn toàn hay nhất trong lúc này là tạm ẩn dưới hầm bí mật nơi đây.
Văn-Thái-Lai vẫn cương quyết nói:
-Không phải ý tôi muốn Mạnh huynh mở cửa sau vườn hoa cho chúng tôi thoát ra có nghĩa là chạy trốn bọn Trương-Siêu-Trọng đâu! Tôi biết chắc là chung quanh Thiết-Đảm-Trang hiện tại bọn ⬘chó săn chim mồi⬙ đã bao vây chặt chẽ rồi, dẫu cho con kiến cũng không thể nào lọt ra được! Tôi muốn thoát ra là để tránh cho quý trang cái họa ⬘chứa chấp khâm-phạm⬙ của triều-đình cho khỏi liên lụy đến Châu lão anh-hùng và toàn thể người vô tội tại Thiết-Đảm-Trang. Sau đó tôi sẽ công khai giao chiến với bọn trận, chết hay sống cũng chẳng có gì đáng kể. Hảo ý của Mạnh huynh tôi nguyện ghi nhớ mãi không bao giờ quên. Ngày sau nếu có duyên sẽ gặp lại. Thiết-Đảm-Trang mãi mãi là ân nhân và Mạnh huynh lúc nào cũng là hảo bằng hữu của tôi cũng như Hồng Hoa Hội. Thôi, chúng tôi xin cáo từ. Xin Mạnh huynh mau mở cửa ra đi!
Nói dứt lời, Văn-Thái-Lai đứng dậy toan bước ra thúc giục Mạnh-Kiện-Hùng mau mau mở cửa. Đang lúc đôi bên còn nói qua bàn lại thì bỗng nghe phía sau cánh cửa vườn hoa có tiếng đập phá ⬘rầm rầm⬙ và tiếng gọi mở cửa vang lên inh ỏi. Ngoài ra, những tiếng động ồn ào ở phía trước càng lúc nghe càng rõ tựa như đang xảy ra một cuộc võ trang xung đột.
Một người cầm khí giới hùng hổ từ ngõ trước chạy thẳng ra phía vườn hoa bị người giữ cửa của Thiết-Đảm-Trang cương quyết cản ngăn lại. Hai bên cãi vả, xô đẩy nhau kịch liệt. Giữa lúc ấy thì một bọn ⬘ tẩu cẩu⬙ theo chân Trương-Siêu-Trọng cũng vừa chạy đến.
Tống-Thiện-Bằng nhất định không để cho bọn Trương-Siêu-Trọng tự ý ra vườn hoa nên mặc dầu sức yếu vẫn liều mạng chận đứng cánh cửa lại không cho ai đi tới. Nếu lấy tài sức mà đọ thì có đến 10 người như Tống-Thiện-Bằng cũng không cản trở nổi bọn người của Trương-Siêu-Trọng, là những tay hảo thủ võ công siêu việt. Đó là chưa nói đến tài nghệ của viên Thống-Chế Ngự-lâm-Quân kia. Nhưng có lẽ nhờ vào uy danh của Châu-Trọng-Anh vang dậy khắp chốn gần xa nên bọn người kia tuy đông và mạnh nhưng vẫn chưa dám làm càn vì còn chờ xem thái độ dứt khoát của Trương-Siêu-Trọng ra sao đã.
Trương-Siêu-Trọng dù làm quan tam phẩm, thống lãnh đám ngự-lâm quân trong triều nhưng chưa hề dám coi thường uy danh của Thiết-Đảm trang chủ Châu-Trọng-Anh. Y luôn luôn cân nhắc điều lợi hại trước khi hành động. Vì không ngoan và thận trọng, Trương-Siêu-Trọng bắt buộc phải dùng chiến thuật ⬘tiên lễ hậu binh⬙ để tránh những hậu quả đáng tiếc sau này nhiều được chừng nào hay chừng nấy.
Vào được bên trong Thiết-Đảm-Trang là xâm nhập vào gia cư của Châu-Trọng-Anh rồi. Vào đến đây cũng chẳng khác gì vào hổ huyệt và dù là vô tình hay cố ý thì cũng đã lâm vào thế cỡi cọp. Trương-Siêu-Trọng đã chạm đến danh dự cũng như sĩ diện của vị đệ nhất anh-hùng vùng Tây-Bắc và sẽ gây thêm nhiều sự công phẫn trong giới giang hồ.
Bản lãnh của Châu-Triệu-Anh, Trương-Siêu-Trọng chưa dám chắc đã thắng nổi. Ngoài ra, theo lời đồn đãi, biết đâu Thiết-Đảm-Trang còn có những cơ quan bí mật, khi vào thì dễ nhưng khi ra thì khó, dù trong tay có cả thiên binh vạn mã. Càng suy nghĩ, Trương-Siêu-Trọng càng trở nên thận trọng hơn, nhất là chính mắt y đã được nhìn thấy lối thiết kế dựng lên sơn trang, cách bố trí canh phòng cẩn mật thế nào ngay từ lúc mới đến.
Châu-Trọng-Anh hùng cứ nguyên một vùng Tây-Bắc rộng lớn mênh mông như một dải biên thùy. Tuy thần phục triều đình nhưng ông ta như làm chủ một cõi giang-san chẳng khác nào một lãnh chúa có khả năng huy động nhân lực, tài lực, vật lực dồi dào phản kháng chống lại nhà Mãn-Thanh. Muốn diệt trừ được Châu-Triệu-Anh thật không phải là một chuyện dễ.
Ngoài võ công trác tuyệt và thế lực dồi dào, Châu-Trọng-Anh còn là người túc trí đa mưu, với tài thao lược binh thư có thừa. Trương-Siêu-Trọng đã được nhìn thấy điều đó khi nhìn ra sự bố trí Thiết-Đảm-Trang kia như một Bát trận-đồ của Khổng-Minh đời Tam-Quốc. Rõ ràng Châu-Trọng-Anh muốn biến Thiết-Đảm-Trang của ông ta thành một cơ sở bền vững lâu dài...
Trương-Siêu-Trọng đắn đo suy nghĩ, sau cùng ôn tồn dịu giọng nói với Tống-Thiện-Bằng rằng:
-Chúng tôi vâng lệnh Hoàng-Đế đi công tác ngang qua đây, vì ngưỡng mộ đại danh Châu lão anh-hùng nên tiện đường vào bái kiến. Quý sơn-trang thật là một tòa dinh thự tráng lệ nguy nga chưa từng thấy tại bất cứ một nơi nào tại chốn biên ải này. Xin Tống bằng-hữu vui lòng dắt đi xem mọi nơi cho thỏa lòng hiếu kỳ ao ước bấy lâu nay.
Quả Trương-Siêu-Trọng hết sức khôn khéo. Y không đề cập gì đến chuyện đi điều tra bắt khâm-phạm mà lại nói rằng ý chỉ muốn thưởng thức qua các nơi mỹ lệ của Thiết-Đảm-Trang mà thôi.
Lúc bấy giờ Văn-Thái-Lai để ý nhìn xem, thấy Thiết-Đảm-Trang đã bị bao vây kín mít, trước sau đều có người của Trương-Siêu-Trọng canh giữ, không còn đường nào tẩu thoát được. Trước tình thế nguy ngập đó, Văn-Thái-Lai vẫn không thay đổi sắc mặt, dường như chẳng xem cường địch ra gì cả. Mạnh-Kiện-Hùng thấy sự việc quá khẩn cấp bèn năn nỉ Văn-Thái-Lai mau mau tạm lánh thân vào hầm bí mật.
Văn-Thái-Lai mặt mày đỏ tía tai, đôi mắt long lên sòng sọc như tức giận đến cực độ. Chàng không trả lời Mạnh-Kiện-Hùng mà rút đoản đao ra cầm sẵn trên tay như sẵn sàng chuẩn bị ứng chiến, lại xoay qua bảo Lạc-Băng và Dư-Ngư-Đồng rằng:
-Hai em cứ bình tĩnh chứ không việc gì phải lo lắng hay khiếp sợ. Nếu chúng hành động chúng ta lập tức ra tay đối phó. Để tránh liên lụy đến người khác, hai em mau đưa ta ra cửa sau.
Cả hai người đều tỏ ý tán đồng ý kiến của Văn-Thái-Lai. Lạc-Băng đỡ vai trái của Văn-Thái-Lai dìu đi, còn Dư-Ngư-Đồng thì đi trước dẫn đường. Cả ba nhắm cửa sau vườn hoa đi thẳng. Bỗng nhiên Văn-Thái-Lai khẽ liếc nhìn gương mặt của Lạc-Băng, chợt thấy hai hàng nước mắt của người vợ yêu nhỏ xuống đầm đề. Nhìn những nét buồn chua xót hiện ra trên khuôn mặt trắng trẻo đầy đặn của Lạc-Băng làm cho gan ruột của Văn-Thái-Lai như muốn đứt ra từng khúc. Chàng xúc động quá, không nói năng được gì cả mà chỉ khẽ than thầm. Sau vài giây tư lự, Văn-Thái-Lai mới nghẹn ngào lên tiếng:
-Em lo sợ cho anh lắm phải không? Hay là chúng ta tạm lánh thân vào nơi địa huyệt nhé?
Lạc-Băng nghe chàng nói thế thì cũng hết sức cảm động. Nàng biết con người của Văn-Thái-Lai kia một đời tung hoành khắp nơi, sống oanh liệt chẳng xem cái chết ra gì cả. Thế mà giờ chàng đành lên tiếng cam tâm chịu nhịn nhục mà làm một việc trái ngược hẳn với ý chí can trường kia thì đủ hiểu chàng yêu thương, quý mến nàng đến bực nào rồi.
Mạnh-Kiện-Hùng nghe Văn-Thái-Lai vì muốn chiều lòng Lạc-Băng mà chịu trú thân lánh nạn vào trong địa huyệt thì trong lòng không xiết. Chàng vốn không muốn Văn-Thái-Lai phải liều mạng chết uổng nhưng lại không dám nói gì thêm nữa, nãy giờ chỉ biết riu ríu đi theo sau, chuẩn bị tiếp tay bất cứ lúc nào cho người anh-hùng mà chàng đã thầm cảm phục dù chỉ mới gặp lần đầu. Mạnh-Kiện-Hùng cũng là bậc trượng phu hiếm có trên đời. Chàng thầm quyết định rằng nếu cần sẽ sẵn sàng đem sinh mạng ra hy sinh để bảo vệ Văn-Thái-Lai đến cùng...
Không chậm trễ một giây nào, Mạnh-Kiện-Hùng dẫn cả ba người trở lại căn phòng tại vườn hoa rồi lần lượt đưa xuống hầm bí mật. Sau đó chàng hợp sức với ba gã tráng đinh mạnh khỏe lấp miệng hầm lại che kín như cũ.
Khi ấy, Châu-Anh-Kiệt không biết từ đâu chạy vội tới, cũng hăng hái giúp một tay. Mạnh-Kiện-Hùng thấy Châu-Anh-Kiệt tham gia vào việc này thì không khỏi lo lắng vì trẻ nít thường hay lẻo mồm lẻo mép dễ làm lộ bí mật. Nhưng chuyện đã lỡ, không còn cách nào ngăn ngừa kịp được nữa. Nó đã nhìn thấy và biết hết tất cả mọi việc.
Có một điều làm cho Mạnh-Kiện-Hùng cảm thấy an tâm đôi phần là chàng biết rằng Châu-Anh-Kiệt rất thông minh lanh lợi tuy rằng còn nhỏ tuổi. Nay gặp việc trọng đại có quan hệ đến gia đình nó không ít, chàng tin tưởng nó dư sức hiểu được mà không hó hé điều gì cả.
Sau khi đưa ba đương-gia của Hồng Hoa Hội xuống hầm bí mật, Mạnh-Kiện-Hùng bảo Châu-Anh-Kiệt cùng ba gã tráng đinh đi xa nơi khác, lại dặn dò thật kỹ là đừng bén mảng tới làm gì, mà ai hỏi gì cũng ⬘không biết⬙. Sắp xếp đâu ra đó xong xuôi, chàng cũng bước ra khỏi nơi ấy thì vừa vặn gặp Ngô-Quốc-Đống dẫn mấy tên bổ-khoái ra canh giữ cửa sai vườn hoa. Mạnh-Kiện-Hùng mừng thầm trong bụng, mỉm cười nói một mình:
-Khi nãy thì ta lo cho Văn tứ gia không thoát khỏi được bẫy của đám ⬘đầu trâu mặt ngựa⬙ chúng bây. Nhưng bây giờ thì cho chúng bây tha hồ mà tìm kiếm! Tìm kiếm có ra hay không cũng đố chúng bây ra khỏi được Thiết-Đảm-Trang này! Chờ đến khi Châu sư-phụ của ta về đến thì cứ liệu hồn mà chối!
Mạnh-Kiện-Hùng sau đó không thèm quan tâm tới bọn Ngô-Quốc-Đống nữa mà chỉ còn đề phòng bọn Trương-Siêu-Trọng mà thôi.
Trương-Siêu-Trọng dùng lời nói không ngoan lễ phép yêu cầu Tống-Thiện-Bằng đưa hắn đi xem những nơi mỹ lệ của Thiết-Đảm-Trang chứ không tỏ một thái độ hay một hành động sỗ sàng nào. Vì thế, Tống-Thiện-Bằng chẳng biết phải làm sao đành phải dẫn bọn chúng ra thăm hoa viên. Nhưng Tống-Thiện-Bằng cũng hết sức khôn khéo, cố kéo dài thì giờ cầm chân đám người Trương-Siêu-Trọng để dùng kế hoãn binh cho Mạnh-Kiện-Hùng có đủ thì giờ dấu Văn-Thái-Lai, Lạc-Băng, Dư-Ngư-Đồng, ba người dưới hầm bí mật kín đáo. Cho dù Trương-Siêu-Trọng ra hoa-viên đi chăng nữa, y cũng không biết đàng nào mà mò.
Nhìn thấy bọn Trương-Siêu-Trọng một bầy đi theo Tống-Thiện-Bằng ra hoa-viên (#1), Mạnh-Kiện-Hùng làm bộ xăn xái bước ra đón tiếp. Nhìn thấy trong đám người có Đổng-Triệu-Hòa, Mạnh-Kiện-Hùng lạnh lùng nhìn hắn bằng cặp mắt khinh khi, nói bằng một giọng châm biếm:
-Chắc vị này cũng là một quan khâm-sai của triều-đình đấy phải không? Tôi không biết rõ nên thành ra đã thất kính!
Đổng-Triệu-Hòa sượng sùng đỏ cả mặt, thẹn thùng nói:
-Tôi chỉ là một tiêu-sư tầm thường của Trấn-Viễn tiêu-cục, làm sao dám mạo nhận là quan khâm-sai? Huynh đài lầm rồi đó.
Dứt lời, hắn lại quay qua Trương-Siêu-Trọng nói rằng:
-Thưa Trương đại-nhân! Chính mắt tôi được trông thấy rõ ràng khâm-phạm trốn ở trong này. Xin đại-nhân cứ việc hạ lệnh cho lục soát.
Tống-Thiện-Bằng nhìn Đổng-Triệu-Hòa cười gằn nói:
-Lời của tiêu-sư thật là sai lầm! Thiết-Đảm-Trang chúng tôi đây chỉ biết thủ thân an phận, luôn luôn tuân theo pháp luật. Châu lão trang chủ của chúng tôi lại là một nhân sĩ có danh vọng ở vùng này, lại vừa có cả nhà cửa lẫn sản nghiệp, lẽ nào lại chứa chấp khâm-phạm của triều-đình?
Dứt lời, Tống-Thiện-Bằng dùng ngón tay chỉ vào Đổng-Triệu-Hòa nói:
-Chẳng hiểu vì sao vị tiêu-sư này lại có ác ý vu oan giá họa cho chúng tôi, muốn cho chúng tôi bị ⬘toàn gia tru lục⬙ hay sao đây? Mong rằng các quan khâm-sai đừng nên nghe những lời nói vô căn cứ ⬘ngậm máu phun người⬙ đó làm gì!
Sở dĩ Tống-Thiện-Bằng dám dẫn bọn Trương-Siêu-Trọng vào vườn hoa này vì thấy vắng mặt mấy người Hồng Hoa Hội, lại thấy Mạnh-Kiện-Hùng ra vẻ thản nhiên nên đoán biết các đương-gia có lẽ đã trốn dưới địa huyệt an toàn rồi nên mới dám ⬘lớn lối⬙ quả quyết như vậy.
Mạnh-Kiện-Hùng giả vờ như chẳng hay biết gì cả, lễ phép hỏi Trương-Siêu-Trọng:
-Chẳng hay công việc ấy thế nào mà chúng tôi chưa được rõ? Dám xin quan khâm-sai chỉ giáo cho.
Trương-Siêu-Trọng cười ⬘hì hì⬙ đáp lại rằng:
-Hồng Hoa Hội là một đảng cách mạng ở Giang-Nam, nay lên vùng Tây-Bắn này hoạt động. Hành tung của chúng chẳng may bị Đổng đại huynh phát giác nên báo cho tôi hay. Chỉ có thế thôi!
Tuy nói vậy nhưng Trương-Siêu-Trọng và đồng bọn vốn là những tay lịch lãm, từng trải giang-hồ nên ai nấy đều biết chắc được Văn-Thái-Lai thế nào cũng có mặt tại đây chứ chưa thoát ra ngoài vườn hoa hay đi đâu cả, cho dù Tống-Thiện-Bằng nói lời đanh thép quả quyết rằng Văn-Thái-Lai không có mặt tại Thiết-Đảm-Trang này và Mạnh-Kiện-Hùng với sắc mặt tự nhiên như giá tuồng như không biết đầu đuôi câu chuyện ra sao cả (#2). Trương-Siêu-Trọng cũng tin rằng lời tố giác của Đổng-Triệu-Hòa là có căn cứ vững chắc chứ không phải vô cớ cáo gian cho Thiết-Đảm-Trang chứa chấp khâm-phạm triều-đình. Y vẫn giữ thái độ tự nhiên như ra vẻ rất thích ngắm cảnh đẹp nơi vườn hoa như những tao nhân mặc khách nhưng sự thật là để ý dò xét, cương quyết tìm cho ra được Văn-Thái-Lai chứ không vì một lý do nào mà bỏ dở việc truy nã khâm-phạm của mình. Hơn nữa, dù có muốn bỏ qua công việc đi chăng nữa cũng không xong. Cái thế ⬘cỡi lưng cọp⬙ của Trương-Siêu-Trọng thật không đơn giản chút nào. Xuống thì bị cọp ăn thịt, nhưng cứ ở mãi trên lưng nó thì biết bao giờ mới thoát được! Chỉ còn mỗi một cách là mặc nó dẫn đến đâu thì đến.
Nếu tìm được Văn-Thái-Lai thì chẳng nói làm gì, nhưng nếu không tìm được mới là điều nan giải cho Trương-Siêu-Trọng. Cả hai mặt pháp lý cũng như giao tế, Trương-Siêu-Trọng sẽ phải gánh lấy một hậu quả khó mà lường được. Chắc chắn Châu-Trọng-Anh sẽ không bao giờ bỏ qua việc này. Trương-Siêu-Trọng sẽ phải mang tiếng là gây hấn, tìm cách vu khống cho một nhân vật uy tín, tên tuổi lừng lẫy trên giang hồ. Trương-Siêu-Trọng vừa mất uy tín với triều đình là làm không được việc lại vừa gây thù oán với họ Châu cùng với rất nhiều võ lâm đồng đạo của ông ta. Luật giang hồ là một điều luật rất thiêng liêng, dù không viết ra giấy, soạn thành sách hay bắt buộc ai phải theo nhưng phàm là người đi lại đây đó đều phải hiểu rõ mà liệu đường biết cư xử.
Trong lúc Trương-Siêu-Trọng còn đang nặn óc, đắn đo do dự đủ điều tấn thối lưỡng nan thì Đổng-Triệu-Hòa nghĩ bụng rằng:
-"Nếu phen này mà không bắt được Văn-Thái-Lai mà giải về triều-đình thì chẳng những bị Trương-Siêu-Trọng quở trách mà bao nhiêu công lao của mình kể cũng như dã tràng xe cát biển Đông mà thôi!"
Cặp mắt cú vọ của hắn chớp vài cái đã nghĩ ngay được một độc kế. Y hứng chí tự nhủ thầm:
-"Xưa nay tục ngữ có câu ⬘đi xa hỏi già, về nhà hỏi trẻ⬙. Tại sao ta không tìm con nít mà khai thác chứ?"
Đổng-Triệu-Hòa chợt nhớ ra là hắn bị một đứa con nít rượt theo dùng một thế võ tuyệt kỹ bắt hắn lại dễ dàng. Hắn chắc chắn đó là con của Châu-Trọng-Anh. Nếu làm cách nào dùng lời ngon ngọt dụ dỗ được nó ắt nó sẽ khai ra hết, không bằng cách này thì cách nọ. Kinh-nghiệm đã cho thấy, bí mật nào để cho con nít biết được rồi thì không sớm thì muộn cũng sẽ bị lộ ra. Đã có bao nhiêu vụ tan cửa nát nhà chỉ vì miệng lưỡi không kín đáo của con cháu trong nhà gây ra. Con nít dù có khôn ngoan lanh lợi đến thế nào rốt cuộc, cũng vẫn chỉ là con nít mà thôi, khó lòng mà qua được mánh khóe của người lớn. Nhất lại là một kẻ mưu mô xảo quyệt như Đổng-Triệu-Hòa! Tên tiêu-sư của Trấn-Viễn tiêu-cục nghĩ mà đắc ý, tự cho mình là đa mưu túc trí ít ai sánh kịp. Hắn tự nhủ thầm:
-"Đứa trẻ ấy đã tham dự vào việc đuổi bắt mình ắt hẳn cũng biết rõ nhà nó có những người lạ mặt đến ở. Trong khi Trương-Siêu-Trọng đi theo Tống-Thiện-Bằng, rất có thể Mạnh-Kiện-Hùng dẫn đám người Hồng Hoa Hội ra hoa-viên giấu kín. Lúc đó làm gì có mặt đứa trẻ này? Vậy thì nó đi đâu nếu không phải cũng theo Mạnh-Kiện-Hùng ra hoa-viên? Mà đã ra hoa-viên tất nhiên nó phải biết chỗ bọn Văn-Thái-Lai ẩn núp. Cứ theo đường này mà suy hẳn sẽ ra ngay."
Nghĩ xong được kế, Đổng-Triệu-Hòa mừng khấp khởi. Thấy Châu-Anh-Kiệt lãng vãng bên ngoài Mẫu-Đơn-Đình, Đổng-Triệu-Hòa bèn chạy đến nắm tay nó ra vẻ thân mật lắm. Nhưng Châu-Anh-Kiệt vừa trông thấy mặt Đổng-Triệu-Hòa là thấy không ưa ngay và nhận ra được hắn là một tên bất lương khả ố, có gương mặt khó thương và có hành động đáng ghét. Điều trước tiên hiện ra trong đầu Châu-Anh-Kiệt là con người Đổng-Triệu-Hòa không tốt vì tên này đã bị chính nó đuổi bắt tên, và bị Mạnh-Kiện-Hùng đuổi ra khỏi nhà. Nó lại thắc mắc không hiểu vì sao Đổng-Triệu-Hòa còn đến đây làm gì?
Tuy nhỏ tuổi nhưng Châu-Anh-Kiệt cũng đã có được một ít kiến thức biết xét đoán nên khi Đổng-Triệu-Hòa chạy đến nắm tay liền bị nó giựt một cái mạnh và sẵn trớn kèm theo một quyền. May cho Đổng-Triệu-Hòa đã đề phòng trước nên tinh ý lách qua một bên tránh khỏi được. Mục kích đường quyền lợi hại của Châu-Anh-Kiệt, ngay cả Trương-Siêu-Trọng cũng phải kinh khiếp vì không ngờ rành một đứa trẻ thơ nhỏ tuổi như vậy mà lại có được bản lãnh siêu việt đến thế kia!
Châu-Anh-Kiệt mắt lườm Đổng-Triệu-Hòa rồi thốt lên một câu khinh khi, đầy ác cảm rằng:
-Ê lão tặc! Bộ chưa tởn mặt hay sao mà còn đến đây sinh sự nữa? Coi chừng phen này không có mạng mà về đâu đấy nhé!
Đổng-Triệu-Hòa bẽn lẽn gượng cười đáp:
-Này tiểu huynh đệ! Lần này tôi tới nhà cậu không phải định sinh sự với cậu đâu mà là vì có ý tốt với gia đình cậu đó. Cậu đừng hiểu lầm mà oán ghét tôi!
Châu-Anh-Kiệt nghe Đổng-Triệu-Hòa nói, tỏ vẻ ngạc nhiên bèn hỏi:
-Lão tặc có ý tốt gì nói nghe thử? Nếu đúng thì ta sẵn sàng mời vào nhà dùng cơm nước hẳn hoi, khi về có tiền lộ phí đưa chân. Còn như nói không thông thì coi chừng ngọn cước này đá cho ngươi một đá thì chỉ có nước về âm phủ mà chầu ông bà đấy!
Đổng-Triệu-Hòa tươi hẳn nét mặt. Y dịu giọng hỏi:
-Tôi có ba người bạn rất thân đi đến nhà tiểu huynh đệ chơi. Hiện nay không biết họ ở đâu, mong cậu chỉ giùm. Đền đáp lại, cậu muốn gì tôi cũng tặng cho chứ không hề tiếc của. Đây, tôi tặn cậu trước vài nén bạc để cậu tùy ý mua đồ chơi, tạm gọi là lễ sơ kiến. Sau khi được gặp mặt ba người bạn của tôi rồi ắt sẽ còn nhiều món đồ chơi khác tặng cho cậu nữa.
Dứt lời, Đổng-Triệu-Hòa móc túi lấy ra hai nén bạc đưa cho Châu-Anh-Kiệt. Hắn nghĩ rằng con nít thấy tiền bạc thì tham, chắc chắn sẽ vui vẻ cầm lấy. Sau đó hắn tha hồ, muốn hỏi gì mà lại không được.
Chẳng ngờ Châu-Anh-Kiệt sau khi cầm hai nén bạc bỗng xuất kỳ bất ý liệng ngay vào mặt Đổng-Triệu-Hòa. Tên tiêu-sư vốn luôn luôn đề phòng trước nên cúi rạp đầu xuống tránh được, nhưng cũng một phen hú hồn vì nếu lỡ bị trúng phải ắt vỡ mặt như chơi chứ chẳng phải chuyện đùa.
Nư giận chưa nguôi, Châu-Anh-Kiệt quắc mắt nhìn Đổng-Triệu-Hòa nói:
-Lão tặc nghĩ ta là hạng người gì mà dám đem vật ngoại thân ấy để mua chuộc lương tâm của ta chứ? Phúc của lão tặc còn lớn nếu không thì cái bản mặt của ngươi đã nát ra với hai nén bạc kia rồi! Nhưng lão tặc ngươi coi chừng đó, lần sau ta sẽ cho một bài học đích đáng nếu còn thái độ khinh khi ta như thế nữa. Này, nói cho lão tặc biết! Cha ta là Châu-Trọng-Anh, chủ nhân của Thiết-Đảm-Trang này, vừa giàu có lại vừa không thiếu danh vọng, khắp nơi thiên-hạ đều biết? Cha ta xem nhân nghĩa như châu báu, thị (#3) tiền bạc như rơm rác, chỉ có lấy của giúp người chứ chưa bao giờ ngửa tay ra nhận lãnh của ai. Lão tặc ngươi đến đây định thị tiền với ta sao? Đồng tiền nhơ bẩn của ngươi, Châu-Anh-Kiệt này không thèm ngó tới chứ đừng nói là cầm vào tay! Đồ đê tiện!
Đổng-Triệu-Hòa định dùng đồng tiền mua chuộc lòng trẻ thơ, không dè lại bị trẻ thơ làm nhục cho một trận đến nỗi thẹn thùng đỏ hết cả mặt mày. Giá mà ăn tươi nuốt sống được Châu-Anh-Kiệt lúc này, chắc chắn Đổng-Triệu-Hòa sẽ không chờ đợi ai phải mời. Nhưng vì đã được biết qua bản lãnh của đứa trẻ này thế nào rồi cho nên Đổng-Triệu-Hòa hiểu rõ nếu lôi thôi thì chỉ mang nhục thêm mà thôi chứ chẳng ích lợi gì. Nghĩ vậy, hắn bèn nén cơn giận làm lành, vừa cười vừa nói:
-Có gì mà tiểu huynh đệ lại giận dữ vậy? Lão Đổng chỉ tỏ thiện ý làm quen chứ có phải ⬘thị tiền⬙ với cậu đâu?
Châu-Anh-Kiệt lại nói:
-Cái bản mặt vô liêm sỉ của ngươi hỏi có ai thèm làm quen kia chứ?
Khi Mạnh-Kiện-Hùng thấy Đổng-Triệu-Hòa chạy ra Mẫu-Đơn-Đình định o bế gây cảm tình với Châu-Anh-Kiệt thì trong lòng chàng hết sức lo lắng và hồi hộp. Tuy biết rõ Châu-Anh-Kiệt là một đứa trẻ khác thường nhưng chắc chắn không làm sao quỷ quyệt mánh lới bằng Đổng-Triệu-Hòa được. Nếu chẳng may Châu-Anh-Kiệt hớ hênh một câu thôi cũng đủ gây rắc rối cho Văn-Thái-Lai ngay, đồng thời còn liên lụy đến tất cả người trong Thiết-Đảm-Trang nữa.
Đang lúc chưa biết nghĩ được cách nào ngăn lại thì lại được nghe những lời nói hùng hồn và thái độ cứng rắn của Châu-Anh-Kiệt nên Mạnh-Kiện-Hùng mới thấy vững dạ an lòng được. Nhưng chàng bắt đầu nơm nớp lo sợ vì biết chắc Đổng-Triệu-Hòa sẽ không ngừng khai thác Châu-Anh-Kiệt để đạt được mục đích của hắn.
Còn Trương-Siêu-Trọng và đồng bọn thì đều rất đỗi ngạc nhiên, không ngờ một cậu bé con như thế ấy mà tính khí lại can cường, thái độ ngang nhiên, võ công tuyệt vời đến độ một tiêu-sư từng trải giang hồ, đầy đủ mánh khóe mà vẫn không làm sao áp đảo được. Trương-Siêu-Trọng nghĩ thầm:
-Một đứa trẻ như Châu-Anh-Kiệt mà còn lợi hại đến thế huống hồ là Tống-Thiện-Bằng và Mạnh-Kiện-Hùng. Cứ theo đó mà suy thì cũng đủ hiểu Châu-Trọng-Anh còn ghê gớm đến thế nào! Tình hình như vậy coi bộ muốn tìm ra được Văn-Thái-Lai thật không phải là một chuyện dễ dàng!
Về phần Đổng-Triệu-Hòa, hắn không vì bị Châu-Anh-Kiệt làm nhục mà nản chí. Hắn thần nghĩ:
-"Thỉnh tướng không bằng khích tướng. Đúng, ta cứ thế mà làm!"
Nghĩ đoạn, Đổng-Triệu-Hòa bèn đổi chiến thuật nói:
-Này tiểu huynh đệ! Ba người khách nhà cậu đó là bạn thân của chúng tôi. Họ là những người có tên tuổi lừng lẫy trong giới giang hồ, chưa chắc gì Châu lão anh-hùng đã được hân hạnh biết mặt khi họ đến đây. Như vậy họ đâu phải là bằng hữu gì với Châu-Trọng-Anh, thân phụ của cậu? Có đứng vậy không?
Châu-Anh-Kiệt bèn phun một bãi nước miếng vào mặt Đổng-Triệu-Hòa. Lần này hắn tránh không kịp nên lãnh nguyên bãi nước bọt ấy vào giữa mặt, bèn kéo vạt áo lên chùi. Châu-Anh-Kiệt lại cười khinh bỉ nói:
-Bọn chúng bây là một lũ ⬘tẩu cẩu⬙ hết cả thảy! Có ai là bằng hữu với các ngươi đâu! Thân phụ ta khắp một vùng Tây-Bắc này có thiếu chi là bạn bè thân thiết? Phàm những bậc anh-hùng hào kiệt trong thiên-hạ có dịp đi ngang qua đây đều ghé lại viếng thăm. Những người ấy quyết không phải là bằng hữu của các ngươi!
Mạnh-Kiện-Hùng nghe Châu-Anh-Kiệt nói hơi lố, sợ làm lộ bí mật ra định cản lại nhưng không kịp, lại nghe đứa con trai của sư-phụ chàng nói tiếp:
-Nhà ta chỉ tiếp những anh-hùng hào kiệt nên ngày nào cũng có khách quý đến rồi đi, đi rồi đến, chẳng biết con số là bao nhiêu mà đếm. Như vậy những người đến nhà ta hẳn không phải là bằng hữu của các ngươi rồi! Đừng lôi thôi nữa, vô ích!
Mạnh-Kiện-Hùng và Tống-Thiện-Bằng bấy giờ mới thở được một hơi khoan khoái nhẹ nhõm vì lời nói của Châu-Anh-Kiệt đã hùng hồn lại không ngoan kín đáo.
Đổng-Triệu-Hòa vẫn chưa chịu thua, lại tiếp tục tấn công bằng một câu nói khác nữa:
-Cậu có giấu kỹ ba người bạn thân thiết của chúng ta cũng không làm sao mà giấu được lâu dài được! Chúng ta sẽ cương quyết tìm kiếm cho ra. Khi ấy, trước mặt họ, cậu mới thấy đó là những người bạn thân của chúng ta chứ không quen biết gì về Châu lão anh-hùng cả. Nhưng tôi phải nói thật cho cậu biết điều này nữa là một khi chúng tôi tìm ra ba người ấy rồi thì tất nhiên cha mẹ cậu và luôn cả cậu nữa cũng bị tôi lột mặt nạ ra cho mà coi! Tại sao dám giữ ba người bạn thân của chúng tôi? Có phải là để âm mưu làm hại họ không?
Châu-Anh-Kiệt vừa nóng tính, vừa hăng máu không kém gì Châu-Trọng-Anh nên khi nghe Đổng-Triệu-Hòa nói chạm đến danh dự thân phụ mình bằng một giọng hách dịch thì đùng đùng nổi giận, liền trợn hai mắt hét lên rằng:
-Hỡi cái tên khốn kiếp! Ngươi dám đến đây làm phách hả? Ta bảo cho ngươi biết rằng thân phụ ta là Thiết-Đảm-Trang Châu-Trọng-Anh chưa hề biết sợ ai dưới vòm trời này cả!
Tiếp theo lời nói là cánh tay, Châu-Anh-Kiệt nhảy tới tung một quyền hết sức lợi hại ngay mặt Đổng-Triệu-Hòa. Trương-Siêu-Trọng đứng đó thấy Đổng-Triệu-Hòa luống cuống như khó bề chống đỡ nổi liền dùng bàn tay lên chặn đứng quyền của Châu-Anh-Kiệt lại, cứu nguy cho gã tiêu-sư. Châu-Anh-Kiệt cảm tưởng như tay mình chạm vào gang thép làm ê ẩm cả gân liền rút tay về liền. Trương-Siêu-Trọng cũng ngầm kinh hãi, không ngờ quyền của Châu-Anh-Kiệt lại có khí lực mạnh mẽ đến thế. Chính y cũng cảm thấy tay mình là đe, còn tay Châu-Anh-Kiệt là búa. Trương-Siêu-Trọng trong bụng bảo thầm:
-"Nó lợi hại như thế thảo nào Đổng-Triệu-Hòa thấy mặt nó là chạy mặt như gà gặp diều hâu. Lại bao phen bị nó làm nhục mà Đổng-Triệu-Hòa đành nhịn mà không dám tác sắc thị oai."
Thấy Đổng-Triệu-Hòa vô kế khả thi (#4) trước Châu-Anh-Kiệt thì Trương-Siêu-Trọng lại nghĩ:
-"Hay là ta thử đóng vai trò như Đổng-Triệu-Hòa thử xem có khuất phục được thằng nhỏ này không?"
Nghĩ đoạn, Trương-Siêu-Trọng ra dấu bảo Đổng-Triệu-Hòa lui ra. Rút kinh nghiệm, Trương-Siêu-Trọng nhận thấy mình phải tỏ ra là một người đứng đắn đạo mạo để tạo ra ấn tượng tốt cho Châu-Anh-Kiệt trước mới mong được thằng bé kính nể và có chút hảo cảm, sau đó mới dùng mánh lới xảo quyệt sau chứ không thể lất kha lất khất như Đổng-Triệu-Hòa được.
Châu-Anh-Kiệt sau khi bị Trương-Siêu-Trọng dùng tay gạt quyền đỡ cho Đổng-Triệu-Hòa lập tức biết rõ đây là một nhân vật cừ khôi thuộc chứ không phải thứ tầm thường như Đổng-Triệu-Hòa nên cũng có ý kiêng nể và e dè. Nhìn kỹ gương mặt Trương-Siêu-Trọng, Châu-Anh-Kiệt thấy mi thanh mục tú, oai phong lẫm liệt, cử chỉ nghiêm trang. Cậu ta thầm nghĩ đây là một nhân vật siêu phàm, tài nghệ quán chúng, đồng đẳng với thân phụ mình nên bỏ hẳn thái độ khinh nhờn đối với Đổng-Triệu-Hòa khi nãy.
Trương-Siêu-Trọng ngoài bản lãnh siêu quần còn là người tinh tế, túc trí đa mưu, từng trải việc đời nên rất sành tâm lý nhân gian. Vì vậy chỉ cần nhìn thoáng qua là biết ngay Châu-Anh-Kiệt vừa kính nể, vừa có cảm tình với mình rồi. Và chính ngay bản thân Trương-Siêu-Trọng cũng không dám coi thường đứa bé này. Sau khi được nhìn thấy cách đối phó can cường, linh mẫn của Châu-Anh-Kiệt với Đổng-Triệu-Hòa, Trương-Siêu-Trọng biết nó là một đứa con nít biết trọng danh dự, không ham tiền bạc. Đối với một đứa trẻ như vậy mà chạm đến tự ái của nó ắt sẽ bị nó chống cự lại ngay. Muốn chinh phục nó, trước tiên phải chiều nó, làm cho nó vừa lòng trước đã. Suy nghĩ một hồi, Trương-Siêu-Trọng bèn thò tay vào trong túi lấy ra một vật hình chữ nhật làm bằng vàng, dài độ một tấc, bề ngang chừng năm phân. Mặt trước là một vật sáng ngời trong như thủy tinh, hình tròn. Mặt sau là hình tượng hai con rồng đang ghìm nhau được chạm trổ rất tinh vi. Đuôi và mình rồng ở mặt sau nhưng đầu rồng uốn khúc ra mặt trước nên trông giống hệt như là ⬘lưỡng long tranh châu⬙ (#5). Đây là một bảo vật quý giá gọi là Thiên-Lý-Cảnh. (#6)
Cầm Thiên-Lý-Cảnh trong tay, Trương-Siêu-Trọng soi qua soi lại với vẻ thích thú, cốt ý để cho Châu-Anh-Kiệt trông thấy. Trương-Siêu-Trọng nghĩ rằng ⬘món đồ chơi⬙ mới lạ này thế nào cũng gây được sự chú ý của Châu-Anh-Kiệt và có thể dùng vật này dụ cậu bé tiết lộ ra hết tung tích của bọn Văn-Thái-Lai.
Nguyên báu vật Thiên-Lý-Cảnh này không phải do Trương-Siêu-Trọng mua mà có được. Xuất xứ của nó là do từ một đại thương gia ở Âu-Châu đem biếu cho vị Tổng Thủ-Lãnh Ngự-Lâm Quân của Thanh-Đế Càn-Long là Thân-Vương Phúc-An-Khang làm lễ tương kiến, với mục đích nhờ vận động với triều đình Mãn-Thanh để vào được thị-trường Trung-Quốc mà kinh doanh buôn bán.
Công dụng của vật Thiên-Lý-Cảnh này thật không phải nhỏ vì nhờ nó mà Phúc-An-Khang tìm bắt được nhiều phạm nhân lẫn trốn ngoài vòng pháp luật. Hễ biết phạm nhâm trốn ở đâu chỉ việc rọi Thiên-Lý-Cảnh vào ngay chỗ đó là hình ảnh phạm nhân hiện rõ trên mặt ống kính. Thân-Vương Phúc-An-Khang là một nhân vật nhất, được vua Càn-Long tin dùng nên mới giao cho chức Tổng-Thủ-Lãnh Ngự-Lâm-Quân. Trương-Siêu-Trọng làm chức Thống-Chế Ngự-Lâm-Quân là trực tiếp đặt dưới quyền chỉ huy điều khiển của Phúc-An-Khang.
Thấy Trương-Siêu-Trọng võ nghệ siêu đẳng lại tận tụy trung thành nên được Phúc-An-Khang xem là tay chân đắc lực; những việc bí mật đến thế cũng nói cho nghe; những của lạ quý báu đến thế nào cũng ban thưởng cho, hết lòng mua chuộc. Cũng vì vậy mà Trương-Siêu-Trọng hy sinh danh dự và sẵn sàng luôn cả tánh mạng để cam tâm làm ⬘chó săn chim mồi⬙.
Trách nhiệm của Ngự-Lâm-Quân là bảo vệ ngai vàng cho vua, nhưng mục đích chính của Phúc-An-Khang là bắt sống cho được Văn-Thái-Lai đem về dâng nạp, nói riêng; tiêu diệt Hồng Hoa Hội, nói chung. Những công tác quan trọng này Phúc-An-Khang hoàn toàn phó thác cho Trương-Siêu-Trọng.
Lúc Trương-Siêu-Trọng khởi hành công tác đi lùng bắt Văn-Thái-Lai, Phúc-An-Khang làm tiệc thết đãi, tặng cho bảo vật Thiên-Lý-Cảnh này, đồng thời tiễn chân ra tận Tây-Môn. Phúc-An-Khang không quên dặn dò Trương-Siêu-Trọng rằng bằng mọi giá phải bắt cho kỳ được Văn-Thái-Lai càng sớm càng tồt vì đó là nhân vật trọng yếu của Hồng Hoa Hội mà Thanh-Đế cần gặp mặt và đừng để khâm-phạm chạy thoát vào An-Tây.
Trương-Siêu-Trọng tuân mệnh ra đi, trong lòng ôm ấp hoài bão là nếu hoàn thành được sứ mệnh ắt đường công danh sẽ đạt được mức tột đỉnh, có nhiều triển vọng sẽ lên được hàng ⬘võ quan nhất phẩm⬙...
Trước cặp mắt háo hức và thèm thuồng của Châu-Anh-Kiệt, Trương-Siêu-Trọng cầm Thiên-Lý-Cảnh qua về phía các đỉnh núi xa xa, ghé mắt vào nhìn rồi xuýt xoa khen ngợi...
Bỗng nhiên, Trương-Siêu-Trọng ngừng lại, quay sang phía Châu-Anh-Kiệt nói:
-Đây là một báu vật hiếm có trong đời. Những vật ở đàng xa mà ta chỉ thấy được lờ mờ, nhưng khi dùng Thiên-Lý-Cảnh mà xem thì mọi vật như hiện ra ở trước mặt ta vậy. Cậu không tin thử nhìn xem cho biết rõ hư thực.
Dứt lời, Trương-Siêu-Trọng đưa Thiên-Lý-Cảnh cho Châu-Anh-Kiệt xem. Con nít thì ai không thích vật lạ với ham vui, nên Châu-Anh-Kiệt do dự nửa muốn cầm lấy nửa e dè. Thấy Châu-Anh-Kiệt trù trừ không quyết, Trương-Siêu-Trọng lại đưa ống kính lên mắt nhìn khắp nơi một lượt rồi reo lên:
-Ôi! Thật là xinh đẹp, lạ lùng biết bao nhiêu!
Dù sao thì Châu-Anh-Kiệt cũng vẫn là trẻ thơ. Cho dù có thông minh khác với những đứa trẻ cùng trang lứa nhưng bản chất cũng chỉ là một. Vì vậy khi nghe Trương-Siêu-Trọng reo mừng thích thú như vậy thì bản tính hiếu kỳ của trẻ thơ lại nổi dậy. Trương-Siêu-Trọng mừng thầm trong bụng, cầm Thiên-Lý-Cảnh trao vào tận tay Châu-Anh-Kiệt, vui vẻ nói:
-Cậu cứ thử cầm lấy mà xem đi. Tôi không nói gạt cậu đâu.
Châu-Anh-Kiệt đưa tay đón lấy rồi ghé mắt vào xem rồi bỗng vui mừng thích thú nhảy tưng tưng lên vì thấy ngay trước mắt có những ngọn đồi xanh, có hoa cỏ nhiều màu sắc, có giòng suối nước trong, lại có cả tiều phu vác búa vào rừng... Nói tóm lại. ⬘món đồ chơi⬙ này chẳng khác gì một ⬘đôi mắt thần⬙, có thể trông xa ⬘nghìn dặm⬙.
Trương-Siêu-Trọng lại bảo:
-Người cậu còn hơi thấp nên chưa thâu thập hết đượ£c những điều kỳ diệu của thiên nhiên. Hãy leo lên mặt bàn mà đứng xem sẽ thấy được đầy đủ những cái đẹp, những cái lạ mà chân cậu chưa hề bước tới, mắt cậu chưa hề trông qua bao giờ.
Châu-Anh-Kiệt bị Trương-Siêu-Trọng ⬘mê hoặc⬙, gãi đúng vào chỗ ngứa nên không còn đủ lý trí để phân biệt hư thực, phải trái ra sao nữa, chỉ còn nghĩ đến chuyện làm sao cho thỏa mãn tính ham vui của tuổi thơ mà thôi. Vì vậy, sau khi nghe Trương-Siêu-Trọng ⬘mách nước⬙ liền nhảy phóc lên mặt bàn đá cẩm thạch đứng, đưa Thiên-Lý-Cảnh lên mắt nhìn ra phía ngoài tường của hoa-viên. Ôi, nào là khách bộ hành qua lại; nào là những bác nông phu đang cày bừa; nào là những bước chân liếng thoắng của những mục đồng; nào là những nụ cười tươi như hoa của các cô thôn nữ... Tất cả những ngoại vật như đang linh hoạt trước mặt kính làm cho Châu-Anh-Kiệt khoái chí không biết mấy!
Bỏ Thiên-Lý-Cảnh ra mà nhìn bằng cặp mắt thịt của mình, Châu-Anh-Kiệt chỉ còn thấy được lờ mờ chút đỉnh, chẳng có gì là vui, là thú cả. Cái quang cảnh thiên nhiên của hóa công tô điểm, theo ý Châu-Anh-Kiệt phải được rọi bằng Thiên-Lý-Cảnh này mới hấp dẫn được mỹ quan của con người. Nếu không như vậy thì bao nhiêu cảnh vật xinh đẹp đều trở thành xác xơ trơ trẽn cả mà thôi.
Mải mê cầm Thiên-Lý-Cảnh của Trương-Siêu-Trọng đưa, Châu-Anh-Kiệt cứ đứng mãi trên mặt bàn soi hết nơi này lại soi sang nơi khác, dường như không biết chán, không biết mỏi. Trương-Siêu-Trọng cũng không đòi lại mà cũng không hối thúc, cứ để mặc cho Châu-Anh-Kiệt vui chơi thỏa thích với chiếc Thiên-Lý-Cảnh kia.
Mạnh-Kiện-Hùng biết Châu-Anh-Kiệt đã trúng phải kế gian của Trương-Siêu-Trọng bày ra nhưng không cách nào ngăn ngừa thằng bé đừng nói chuyện với Trương-Siêu-Trọng được. Vắng mặt Châu-Trọng-Anh thật khó khăn cho chàng hết sức. Chàng không biết phải nên ứng phó ra làm sao trước tình huống này!
Mạnh-Kiện-Hùng càng lúc càng rối trí mà nhìn quanh không có ai có thể giúp được chàng trong cơn nguy biến này. Bọn Trương-Siêu-Trọng đã đông, lại toàn là những kẻ có võ công tuyệt đỉnh, túc trí đa mưu thì hỏi sao một mình chàng có thể gìn giữ được cho Thiết-Đảm-Trang khỏi bị liên lụy và đám người Hồng Hoa Hội khỏi bị phát giác! Nếu chúng tiếp tục kéo dài chuyến bao vây và lục soát một cách khôn ngoan và chu đáo như thế này thì sớm muộn gì mọi chuyện cũng bị đổ bể mà thôi. Nhất là hiện thời Châu-Anh-Kiệt, một con cừu non đang bị Trương-Siêu-Trọng, một con cáo già dụ dỗ. Mà cái bẫy của Trương-Siêu-Trọng giăng ra, Châu-Anh-Kiệt càng lúc càng lún sâu vào.
Trương-Siêu-Trọng không vội vã mà cũng không kém cỏi như Đổng-Triệu-Hòa. Y làm việc gì cũng từ tốn, kiên nhẫn. Không ít thì nhiều, Trương-Siêu-Trọng đã gây được lòng tín nhiệm của Châu-Anh-Kiệt, Mạnh-Kiện-Hùng nhìn thấy điều này rất rõ. Nếu là Đổng-Triệu-Hòa thì cho dù hắn có dụ dỗ cả ngày đi chăng nữa, Mạnh-Kiện-Hùng cũng chẳng lo Châu-Anh-Kiệt hé răng. Nhưng với chiến lược của Trương-Siêu-Trọng đang áp dụng, chàng lo ngại rằng sẽ đến lúc Châu-Anh-Kiệt để hở môi! Mà hễ hở môi là nguy cơ sẽ đến, không biết tai hại đến chừng nào. Nhưng Mạnh-Kiện-Hùng còn biết làm gì được? Ngoài chàng ra, hiện tại chỉ có Tống-Thiện-Bằng là người có bản lãnh khá nhất phe chàng mà thôi. Nhưng Tống-Thiện-Bằng chỉ là một kẻ thừa hành chứ không phải là người biết xoay xở dùng mưu cao kế lạ.
Châu-Anh-Kiệt sau khi dán mắt dán mũi vào Thiên-Lý-Cảnh một hồi lâu thì cũng tự cảm thấy đã đến lúc phải trao trả báu vật lại cho khổ chủ nên đành nhảy từ trên bàn cẩm thạch xuống đất đưa lại cho Trương-Siêu-Trọng tuy rằng trong bụng vẫn còn ⬘tiếc rẻ⬙.
Trương-Siêu-Trọng mỉm cười đón lấy Thiên-Lý-Cảnh, nhìn Châu-Anh-Kiệt hỏi:
-Cậu muốn Thiên-Lý-Cảnh này thuộc về cậu không?
Châu-Anh-Kiệt liếc mắt nhìn Mạnh-Kiện-Hùng và Tống-Thiện-Bằng đang bàn chuyện to nhỏ với nhau nên liếc nhìn Trương-Siêu-Trọng khẽ gật đầu tỏ ý bằng lòng.
Nhìn cử chỉ đó của Châu-Anh-Kiệt, Trương-Siêu-Trọng biết cậu bé rất thích ⬘món đồ chơi⬙ quý giá này nhưng còn sợ Mạnh-Kiện-Hùng và Tống-Thiện-Bằng nên không dám lên tiếng mà chỉ lén canh chừng hai người rồi mới khẽ gật đầu với y. Vì thế, Trương-Siêu-Trọng thừa lúc hai người còn đang bận chuyện to nhỏ liền bí mật nắm tay Châu-Anh-Kiệt đi ra nơi xa mà hỏi cậu bé rằng:
-Cậu chỉ cần nói cho tôi biết rằng ba người khách đến ở trong nhà cậu ẩn núp chỗ nào thì chiếc Thiên-Lý-Cảnh này thuộc về cậu. Tôi vui lòng tặng cậu ngay mà không cần cậu phải trả lời tôi thêm một câu thứ nhì.
Châu-Anh-Kiệt bèn rỉ tai nói với Trương-Siêu-Trọng rằng:
-Thật tình tôi không biết.
Trương-Siêu-Trọng rất tinh ý, biết câu trả lời của Châu-Anh-Kiệt là miễn cưỡng chứ trên thực tế chắc chắn nó biết. Chỉ vì nó sợ nếu khai ra cho Trương-Siêu-Trọng biết rủi có người trong Thiết-Đảm-Trang nghe được và mách lại với Châu-Trọng-Anh thì chắc chắn nó sẽ bị trừng phạt. Trương-Siêu-Trọng nghĩ thầm:
-"Nếu trấn an được nỗi lo sợ của thằng bé này thì lo gì mà nó chẳng nói?"
Nghĩ đoạn, Trương-Siêu-Trọng dỗ dành, dùng lời ngon ngọt dịu dàng nói với Châu-Anh-Kiệt:
-Cậu cứ nói nhỏ cho một mình tôi nghe mà thôi, không còn người thứ hai biết được nữa đâu mà e ngại. Tôi nghe vào tai rồi chỉ để trong lòng mà thôi, dù cho là thân phụ hay thân mẫu của cậu cũng không hay nữa chứ đừng nói là người nào khác trong gia đình cậu. Cứ tin tôi mà nói đi, đừng đắn đo suy nghĩ gì nữa! Mấy người kia sở dĩ không muốn cậu nói chỉ vì họ không muốn cậu được chiếc Thiên-Lý-Cảnh này đó thôi!
Châu-Anh-Kiệt vốn là trẻ thơ, tuy có được chút nghĩa khí do phụ thân rèn luyện nhưng bản chất vẫn chỉ là con nít, vẫn chỉ là một người tầm thường, khi thấy báu vật thì vẫn thèm muốn, chỉ mong sao có cho bằng được chứ nào đã biết đắn đo suy nghĩ đến những chuyện lớn động trời có thể nguy hại đến gia đình nó như không.
Châu-Anh-Kiệt cho rằng Văn-Thái-Lai cũng chỉ là một khách tầm thường như những người khách khác ghé thăm Thiết-Đảm-Trang mà thôi. Vì vậy, nó nghĩ rằng có nói cho Trương-Siêu-Trọng biết cũng chẳng hại gì. Có lẽ Văn-Thái-Lai cùng hai người kia có thù oán gì với Trương-Siêu-Trông mà thôi nên cùng lắm hai bên sẽ đi đến chỗ đâm chém hay ẩu đả là cùng. Khi đó, nó sẽ cùng Mạnh-Kiện-Hùng đứng ra can thiệp giảng hòa cho đôi bên thì mọi việc êm ngay. Nhưng nó nào có biết đâu là một lời khai của nó sẽ trở thành một tai họa ghê gớm sẽ giáng xuống Thiết-Đảm-Trang, có thể chuốc lấy họa diệt tộc vì dám chứa chấp khâm-phạm triều đình...
Mà cũng khó mà trách được Mạnh-Kiện-Hùng không cảnh giác cho Châu-Anh-Kiệt trước được. Chàng bất quá cũng chỉ là đệ tử của cha nó thôi. Trong khi chủ nhân vắng mặt, một mình Mạnh-Kiện-Hùng phải đứng ra gánh vác bao nhiêu việc, tránh sao khỏi những sơ xuất? Mà có lẽ cũng phải công nhận rằng Trương-Siêu-Trọng quá ư lợi hại mà thôi. Y tung ra một chiêu thật bất ngờ ngoài sự tiên liệu của tất cả mọi người. Vả lại, biết đâu Châu-Anh-Kiệt chẳng là một Trương-Siêu-Trọng nhỏ tuổi, vì lợi sẵn sàng quên hết tất cả! Tuy rằng thiên-hạ vẫn nói là không bao giờ chấp nhặt trẻ nhỏ, nhưng lắm lúc tính tình, bản chất con người thường hiện ngay ra trong lúc tuổi còn thơ ấu...
Tóm lại, mọi sự phúc họa, số phận của con người hầu như đều có sự an bài của hóa công sẵn cả rồi...
Biết Trương-Siêu-Trọng là kẻ mưu mô nên Mạnh-Kiện-Hùng lúc nào cũng đề phòng. Từ lúc thấy Châu-Anh-Kiệt say mê chiếc Thiên-Lý-Cảnh của y, đô mắt của Mạnh-Kiện-Hùng không lúc nào rời y cũng như Châu-Anh-Kiệt. Đang bàn chuyện với Tống-Thiện-Bằng, chàng liếc nhìn thấy Châu-Anh-Kiệt gật đầu với Trương-Siêu-Trọng thì sợ đến toát cả mồ hôi, linh tính như có điều gì nguy ngập sẽ xảy đến cho Văn-Thái-Lai cũng như Thiết-Đảm-Trang. Không biết làn gì khác hơn, Mạnh-Kiện-Hùng đành lớn tiếng gọi Châu-Anh-Kiệt:
-Sư đệ không nên nói chuyện ở đây! Mau mời khách vào trong nhà dùng trà chờ sư phụ về. Cứ ở đây mà chơi mãi nếu sư phụ về mà bắt gặp thì thế nào cũng bị quở phạt mà thôi! Sư phụ đã dặn gì, tiểu sư đệ còn nhớ hay không? Thôi, mau đi vào!
Châu-Anh-Kiệt đáp:
-Xin tuân theo lời của sư huynh.
Sau đó quay qua Trương-Siêu-Trọng, Châu-Anh-Kiệt khẽ nói:
-Ông hãy theo tôi vào trong vì Mạnh sư huynh của tôi gọi vào, không cho nói chuyện ở vườn hoa theo lời dặn của thân phụ tôi. Nếu người về mà không thấy tôi trong nhà thì tôi sẽ bị trách phạt nặng nề chứ chẳng chơi!
Biết Châu-Anh-Kiệt rất nể sợ sư huynh Mạnh-Kiện-Hùng nên Trương-Siêu-Trọng đành theo cậu bé vào bên trong. Nhưng khi vừa nắm tay Châu-Anh-Kiệt thì Trương-Siêu-Trọng vừa đưa Thiên-Lý-Cảnh ngay trước mặt nó đồng thời dùng đủ cách khôn khéo để dụ. Sau khi nghe những lời trấn an của Trương-Siêu-Trọng, và nhìn Thiên-Lý-Cảnh không ngừng quơ qua trước mặt mình, Châu-Anh-Kiệt trong bụng đã lấy làm khoan khoái, ghé tai Trương-Siêu-Trọng nói nhỏ:
-Tôi chỉ sợ nói cho ông nghe, gia gia tôi về biết được thì đánh tôi chết!
Trương-Siêu-Trọng thấy ⬘cá đã cắn câu⬙ thì trong bụng sướng như mở cờ liền ⬘đề nghị⬙:
-Ai học lại mà cậu sợ thân phụ cậu biết được mà đánh đòn chứ? Nhưng tôi có cách này đây, nếu cậu nghe tôi thì cho dù chuyện có đổ bể cũng không có ai trách được cậu. Bây giờ tôi bày cậu cách này. Cậu đừng nói gì với tôi cả. Tôi hỏi câu nào thì cậu cứ trả lời câu đó cho tôi nghe thôi. Như vậy có nghĩa là không phải tại cậu nói, mà tại tôi hỏi.
Nói xong, Trương-Siêu-Trọng cầm Thiên-Lý-Cảnh dúi vào tận tay Châu-Anh-Kiệt mà nói:
-Tôi tặng cậu báu vật này. Bây giờ là của cậu rồi, cậu có quyền tùy nghi sử dụng. Cậu chỉ cần trả lời tôi vài câu vắn tắt thôi.
Không dằn được lòng ham muốn, Châu-Anh-Kiệt đưa tay đón lấy Thiên-Lý-Cảnh. Trong lòng cậu ta lúc này dâng lên một niềm sung sướng tưởng không còn gì trên thế gian này có thể đổi lấy được. Dẫu ngay bây giờ có bị thân phụ quở phạt trách mắng, thậm chí có đánh đòn đau, Châu-Anh-Kiệt cũng cho là bõ công. Trương-Siêu-Trọng lại khôn khéo đánh thêm một đòn tâm lý cuối cùng.
-Cậu bất tất phải mở miệng ra nói một lời nào. Tôi hỏi câu nào, nếu đúng cậu cứ gật đầu, nếu sai thì cậu lắc đầu, thế là xong. Như thế thì rõ ràng là không có ai nghe được giọng cậu cả, Châu lão anh-hùng làm sao mà trách phạt cậu được?
Quả nhiên cái kế này của Trương-Siêu-Trọng thật là vô cùng độc đáo, như giải thoát được tất cả những nỗi lo âu sợ sệt của một đứa trẻ. Châu-Anh-Kiệt nghe xong lại càng vững bụng hơn nữa. Thấy mưu đã thành công, Trương-Siêu-Trọng bắt đầu hỏi:
-Có phải hắn núp bên trong lẩm lúa không?
Châu-Anh-Kiệt lắc đầu. Trương-Siêu-Trọng bèn hỏi tiếp:
-Ở ngoài hoa-viên chăng?
Châu-Anh-Kiệt nhìn trước nhìn sau rồi gật đầu một cái thật lẹ. Trương-Siêu-Trọng mỉm cười ra vẻ mãn nguyện. Thế là y không cần phải lặn lội tìm đâu cho xa ở nơi Thiết-Đảm-Trang mênh mông này nữa mà chỉ chăm chú để ý thu gọn vào trong phạm vi hoa-viên mà thôi.
Vừa đi, cặp mắt Trương-Siêu-Trọng vừa quan sát thật tỉ mỉ. Y thấy ở chính giữa hoa-viên có một cái hồ lớn, ngay giữa hồ là một hòn giả sơn khá lớn trông rất xinh, phong cảnh thanh kỳ như một Bồn-Lai nhược thủy. Quanh hòn giả sơn là nước biếc trong xanh với những đóa hoa sen thơm ngát và những con thiên nga bơi qua bơi lại, thung dung rửa cánh. Có mấy chiếc thuyền con được cột chặt, neo vào mấy cây thùy dương ven bờ. Từ bên ngoài đi vào hòn giả sơn có một con đường trải đá, hai bên là hoa cỏ tốt tươi. Trên hòn giả sơn có mấy gian nhà thật đẹp trông hết sức thanh tịnh, chẳng khác nào là nơi ẩn dật của những ẩn sĩ không còn chuyện gì phải vương vấn đến nhân gian nữa.
Trương-Siêu-Trọng để ý đến hòn giả sơn này thật là kỹ, đinh ninh rằng chắc chắc Văn-Thái-Lai được Mạnh-Kiện-Hùng đưa đến ẩn núp trong này nhưng chưa biết là nơi nào mà dò xét để khỏi bị lầm lạc. Trương-Siêu-Trọng định hỏi Châu-Anh-Kiệt thêm một câu nữa nhưng thấy Mạnh-Kiện-Hùng đang từ từ đi tới nên thấy bất tiện lại thôi.
Số là Mạnh-Kiện-Hùng nhìn thấy Trương-Siêu-Trọng nắm tay Châu-Anh-Kiệt vừa đi vừa hỏi. Lại thấy Châu-Anh-Kiệt tay cầm Thiên-Lý-Cảnh khi lắc đầu khi gật thì chàng thấy chuyện thật không ổn tí nào cả. Nếu cứ để tình trạng này tiếp tục xảy ra ắt thế nào con cáo già Trương-Siêu-Trọng cũng khai thác được hết mọi chuyện mà thôi. Nghĩ vậy chàng liền dặn lẹ Tống-Thiện-Bằng mấy câu rồi ba chân bốn cẳng đi theo Trương-Siêu-Trọng để kèm Châu-Anh-Kiệt, hy vọng may ra còn cứu vãn được tình thế...
Trương-Siêu-Trọng giả đóng tuồng đi quanh hai bên ven hồ ra vẻ là người ưa thích phong cảnh ⬘thần tiên⬙ hữu tình nhưng kỳ thực trong thâm tâm là để dọ thám, cố tìm cho ra chỗ ẩn núp của Văn-Thái-Lai. Trương-Siêu-Trọng chợt nghĩ ra một âm mưu khéo léo nên giả vờ hỏi Châu-Anh-Kiệt:
-Hẳn nơi đây khách quý của chủ nhân cũng được mời vào xem chứ?
Châu-Anh-Kiệt không đáp nhưng chặc lưỡi rồi láy mắt nhìn vào gian nhà có tên là Vọng-Nguyệt-Đình cất ngay trên đỉnh hòn giả sơn. Trương-Siêu-Trọng hiểu ý nhưng muốn cho chắc chắn, y lại buông thêm một cây hỏi nữa:
-Chắc chắn nơi Vọng-Nguyệt-Đình có lưu lại nhiều kỷ niệm của khách quý đến chơi phải không?
Châu-Anh-Kiệt vẫn không trả lời, nhưng lại gật đầu thêm một cái nữa. Không còn điều gì nghi ngờ nữa, Trương-Siêu-Trọng liền buông tay Châu-Anh-Kiệt ra, bước vào con đường trải gạch dẫn vào hòn giả sơn nhắm thẳng Vọng-Nguyệt-Đình mà vào. Mạnh-Kiện-Hùng sợ toát cả mồ hồi, biết bí mật đã bại lộ. Chàng chỉ còn một hy vọng mong manh cuối cùng là Trương-Siêu-Trọng không khám phá được con đường dẫn xuống hầm bí mật nhờ cái bàn đá bằng cẩm thạch che kín bên trên.
Vào tới Vọng-Nguyệt-Đình, Trương-Siêu-Trọng không cần phải dè dặt thận trọng nữa, cứ tự nhiên mà hành động theo quyền hạn của một quan khâm-sai vâng mệnh thiên-tử đi bắt khâm-phạm. Lúc đầu vì chưa dám chắc Văn-Thái-Lai trốn ở đây nên Trương-Siêu-Trọng còn e dè, sợ có bề gì thì chỉ gây thù chuốc oán với Châu-Trọng-Anh. Nhưng giờ đây biết chắc chắc Văn-Thái-Lai có mặt nơi này, Trương-Siêu-Trọng tin tưởng thế nào cũng bắt được khâm-phạm. Khi đó, Châu-Trọng-Anh với tội chứa chấp khâm-phạm triều-đình chưa chắc đã giữ được thân mình và gia đình khỏi bị tru lục thì còn nói gì đến chuyện đi tìm Trương-Siêu-Trọng mà trả thù.
Nghĩ thế cho nên Trương-Siêu-Trọng mạnh dạn lục soát kỹ lưỡng. Y thấy Vọng-Nguyệt-Đình được cất lên bằng cây danh mộc rất đẹp và rất chắc, nền làm bằng cây sồi trên lát gạch hoa, bốn phía là những vòng lan can để cho khách nắm tay đứng dựa đặng nhìn ra hồ thưởng ngoạn, nhìn cảnh hoa nở hương bay gió lùa mát mẻ, chẳng khác nào một cảnh thần tiên nơi cõi trần tục. Ngoài những cây cột và bốn vòng lan can ra, Vọng-Nguyệt-Đình hoàn toàn trống rỗng, tuyệt nhiên không có một chỗ nào hay xó nào để cho ai có thể ẩn núp được.
Trương-Siêu-Trọng cau mày nghĩ thầm. Y cho rằng mình thật là vô lý đi tin lời vu vơ của một đứa trẻ. Nhưng rồi Trương-Trọng-Siêu lại nghĩ rằng rất có thể Châu-Anh-Kiệt là một đứa trẻ tinh ranh, cố tình gạt gẫm cho mình vào nơi đây để Văn-Thái-Lai có đủ thì giờ trốn ra khỏi Thiết-Đảm-Trang. Đã một lần Trương-Siêu-Trọng bị một ⬘đứa nhỏ tinh ranh⬙ lừa bịp tại lữ quán rồi nên y không thể nào không nghĩ đến điều đó được. Nếu bị lừa thêm lần nữa thì thật là nhục nhã, có đem nước mấy sông mà rửa cũng không sạch được! Lần trước chỉ có một mình Trương-Siêu-Trọng biết thôi, chứ lần này thì không những bao nhiêu người của mình biết lại còn người của Thiết-Đảm-Trang sẽ cười thầm mà chế nhạo thì thật còn mặt mũi nào mà đi lại trên giang hồ nữa! Nhưng rồi Trương-Siêu-Trọng lại nghĩ:
-"Một đứa trẻ mới 10 tuổi đầu thì chưa thể có được thủ đoạn như thế được. Gã sư-điệt trời đánh của ta dù sao cũng sấp xỉ 20, nghĩa là cũng đã lớn, có đủ trí khôn để lừa gạt người chứ thằng bé này dù có là thần đồng chưa thể nào ranh mãnh được như thế!"
Nhìn trước nhìn sau, ngó qua ngó lại, Trương-Siêu-Trọng có thể kết luận rằng không cách gì khâm-phạm có thể trốn được nơi này mà qua mắt mình được ngoại trừ có phép thần hóa thành con kiến hay giống côn trùng nào khác thì chẳng kể.
Rồi Trương-Siêu-Trọng lại nẩy ra ý nghĩ là rất có thể khi Châu-Anh-Kiệt gật đầu với mình thì lúc đó bọn Văn-Thái-Lai có trốn ở đây thật, nhưng sau đó Mạnh-Kiện-Hùng rất có thể đem chúng sang các mộc-đình (#7) khác không chừng. Đã có lúc Trương-Siêu-Trọng định bỏ Vọng-Nguyệt-Đình sang tìm kiếm tại các mộc-đình nhưng lại nghĩ đến cái gật đầu của Châu-Anh-Kiệt nên vẫn cố nuôi một chút hy vọng nào đó.
Như một cánh én, Trương-Siêu-Trọng tung mình lên khoảng không đáp nhẹ nhàng đứng trên vòng lan can nhìn lên nóc Vọng-Nguyệt-Đình dò xét. Vẫn không có một bóng người hay một vật nào khả nghi cả. Trương-Siêu-Trọng lại nhảy xuống nhìn các cây liễu trên mặt hồ qua một lượt. Cũng chẳng có một dấu vết gì do người hay vật để lại cả!
Nhưng cứ lấy lý mà suy đoán thì Trương-Siêu-Trọng tin là bọn Văn-Thái-Lai dù hiện tại rất có thể trốn tại một nơi khác, nhưng chắc chắc đã từng có mặt tại đây. Mà đã đưa bọn Văn-Thái-Lai đến Vọng-Nguyệt-Đình này thì lẽ dĩ nhiên nơi này phải có một cái gì có thể bảo đảm cho sự an nguy tối thiểu cho người đến đây trú ẩn. Nghĩ đến đây, Trương-Siêu-Trọng quyết định ở lại tìm cho ra hư thực, chứ nhất quyết không đi nơi đâu hết.
Trương-Siêu-Trọng đang buồn rầu lo nghĩ bỗng thình lình đổi sắc mặt trở nên vui tươi như đã khám phá cho kỳ được ⬘cái bí mật⬙ của Vọng-Nguyệt-Đình rồi. Trương-Siêu-Trọng chợt quay qua nhìn Mạnh-Kiện-Hùng cười gằn, nói bằng một giọng gay gắt khó chịu:
-Mạnh huynh! Tôi tuổi già sức yếu, võ nghệ cũng lụt đi nhiều nên chắc khí lực sánh với huynh đài phải kém xa! Với cái sức vóc của huynh đài mà lại được Châu lão anh-hùng truyền thụ bản lãnh thì ắt hẳn là tài nghệ của huynh đài phải cao siêu vượt bực hơn mọi người. Nếu mắt của tôi không trông lầm thì đôi tay của Mạnh huynh có thể giở nổi ngàn cân không khó khăn chi cho lắm. Chúng tôi từ kinh đô với công vụ đến thăm viếng Thiết-Đảm-Trang này nhưng vô duyên không được hân hạnh diện kiến Châu lão anh-hùng mà lòng hằng ngưỡng mộ tài cao đức trọng. Nhưng dù sao vẫn có được một chút an ủi là được thấy tận mắt dung mạo khôi vĩ và nghi biểu khác thường của huynh đài. Nếu lại được trông thấy thần công tuyệt kỹ của Mạnh huynh một lần cho thỏa chí thì chuyến đi này thật không uổng, và cũng không đến nỗi phải nhục mệnh vua khi về lại Bắc-Kinh. Chắc Mạnh huynh không nỡ từ chối lời thỉnh cầu tha thiết của tôi chứ?
Lời nói của Trương-Siêu-Trọng thoáng nghe qua thì có vẻ như khiêm nhường nhưng trên thực tế cái giọng ấy bao hàm một ý nghĩa mỉa mai khiêu khích đến tột độ khiến người nghe phải bực bội khó chịu. Mạnh-Kiện-Hùng cho rằng vì khổ công đem đến đây một lực lượng hết sức hùng hậu mà tìm mãi vẫn không thấy khâm-phạm nên Trương-Siêu-Trọng thẹn quá hóa giận định tìm cách gây sự với mình.
Trương-Siêu-Trọng sở dĩ oán ghét Mạnh-Kiện-Hùng là vì nếu không phải vì chàng cầm đầu mọi việc, Châu-Anh-Kiệt đã chỉ cho y chỗ núp của Văn-Thái-Lai rồi. Và một mình chàng mà cả đám người của triều đình, từ Thống-Chế Ngự-Lâm-Quân cho đến các bổ-đầu và bổ-khoái đều phải bó tay thì thật là một sự sỉ nhục rất lớn cho các bậc tiền bối cũng như các quan lớn.
Nghe giọng hậm hực của Trương-Siêu-Trọng, Mạnh-Kiện-Hùng tỏ ý không phục, bất mãn ra mặt. Chàng vốn đã xem thường tư cách của Trương-Siêu-Trọng là một kẻ bán danh dự của mình làm ⬘chó săn chim mồi⬙ cho những kẻ cướp nước, giờ đây lại còn vào Thiết-Đảm-Trang chực gieo họa cho Châu-Trọng-Anh, người mà Mạnh-Kiện-Hùng luông kính yêu như cha mẹ. Đã thế y lại còn quyết tâm truy nã với dụng ý bắt cho kỳ được Văn-Thái-Lai, một người đầy nghĩa khí của Hồng Hoa Hội mà Mạnh-Kiện-Hùng hết sức khâm phục, sẵn sàng đem cả sinh mạnh của chàng ra mà che chở cho. Dù bản chất khiêm nhượng, tính tình hòa nhã, nhưng nghe xong câu nói ấy của Trương-Siêu-Trọng, Mạnh-Kiện-Hùng không dấu được cơn thịnh nộ, khẽ ⬘hừ⬙ một tiếng, bụng bảo thầm:
-"Mi tưởng là võ công mi siêu việt, trong võ lâm không ai địch nổi cho nên mới nói cái giọng khiêu khích đó với ta chứ gì! Nói thật, nếu có Châu sư-phụ của ta ở đây thì cho dù có mười cái mạnh như mi cũng đừng hòng mà ra khỏi nơi này. Mà cho dù phải ⬘một chọi một⬙ với mi ta cũng nào có khiếp sợ mà mi hòng giở cái giọng hăm dọa hiếp đáp đó! Chẳng qua vì sư-phụ ta không có ở nhà. Sở dĩ ta chịu nhịn là vì thứ nhất, việc quan hệ đến vận mạng Thiết-Đảm-Trang ta không dám tự quyết. Thứ hai, hiện Văn tứ đương-gia đang trú ẩn ở đây nên không nỡ sinh sự ẩu đả, rủi mọi chuyện đổ bể làm liên lụy đến người anh-hùng nghĩa khí ấy. Thứ ba, vì ta không muốn cho người của Thiết-Đảm-Trang phải đổ máu dưới tay bạo tàn của những kẻ côn đồ chỉ chực gây chuyện hại người. Sẽ có lần khác ta quyết sống chết với mi một phen cho mà xem!
Sau khi đắn đo cân nhắc điều lợi hại, Mạnh-Kiện-Hùng đành nhịn nhục, cố làm ra vẻ tươi tỉnh, nói một cách tự nhiên với Trương-Siêu-Trọng:
-Trương đại-nhân là một nhân vật khét tiếng trên giang-hồ, là một trong ba vị thủ lãnh của phái Võ-Đang, đồng thời lại làm đến chức Thống-Chế Ngự-Lâm-Quân, uy danh vang dội khắp bốn bể, ai là người không kính nể? Vãn bối đây tư chất hèn kém, bất quá chỉ mới tập tễnh qua vài ba miếng võ phòng thân thôi. Dẫu Trương đại-nhân không thương mà cố ép phải động thủ đi nữa, cũng lẽ nào dám ⬘múa búa trước cửa Lỗ-Bang⬙ (#8) hay sao? Vả lại Trương đại-nhân đến chơi Thiết-Đảm-Trang này tuy không đúng lúc, sư-phụ không có ở nhà, nhưng cái lễ đãi khách vãn bối phải giữ gìn, quyết không để ⬘đao quang kiếm ảnh⬙ làm mất thanh danh của Châu sư-phụ. Mong rằng đại nhân tạm gác trong trí những ý tưởng về binh đao quyền cước ấy đi. Nếu cần xin để lúc khác, khi có mặt sư-phụ ở nhà, Trương đại-nhân muốn sao thì vãn bối cũng sẵn sàng vâng lời. Nhưng lúc này thì thà chết chứ không dám làm trái đạo của người quân tử khi đãi khách tại gia.
Trương-Siêu-Trọng nghe Mạnh-Kiện-Hùng nói xong thì phá lên cười hăng hắc. Giọng cười của y nghe rất khó chịu khiến cho chàng ghét cay ghét đắng. Cười cho thỏa chí rồi, Trương-Siêu-Trọng mới lên tiếng:
-Mạnh huynh! Tuy chúng ta mới gặp lần đầu nhưng thật chẳng khác như đã quen biết lâu rồi. Cách đối xử của huynh đài với chúng tôi thật là chu đáo vô cùng. Có lẽ nào chúng tôi lại dùng đến cái thế ⬘cường tân áp chủ⬙ (#9)? Huống chi Châu lão anh-hùng với tôi mặc dù chưa gặp mặt nhưng vẫn biết nhau qua danh tánh. Đại danh cao tánh của Châu lão anh-hùng làm sao Trương-Siêu-Trọng tôi dám sánh? Hỏi ai là người trên giang hồ chưa nghe qua danh hiệu ⬘Hoả-Thủ Phán-Quan⬙? Như thế, cho dù không được gặp mặt Châu lão anh-hùng đi chăng nữa, tôi vẫn kính nể người nhà của lão anh-hùng. Có lẽ nào mà tôi lại muốn động thủ mà dùng đến quyền cước hay đao kiếm? Làm như vậy chỉ có tổn thương đến hòa khí đôi bên thôi chứ có ích lợi gì? Tôi đến đây theo tình nghĩa là thăm viếng Châu lão anh-hùng, còn trên nhiệm vụ là truy nã khâm-phạm vì có người mách rằng bọn Hồng Hoa Hội hiện đang ẩn núp tại Thiết-Đảm-Trang. Tôi không dám đụng đến thể diện của Châu lãi anh-hùng, nhưng cũng không dám thờ ơ với trách nhiệm. Điều ấy chắc Mạnh đại huynh thể lượng cho chứ?
Không để cho Trương-Siêu-Trọng tiếp tục ⬘cà kê dê ngỗng⬙, Mạnh-Kiện-Hùng bèn cười nhạt cắt ngang:
-Vâng, tôi thừa hiểu như vậy. Khi mới đến, Trương đại-nhân đã lên tiếng trước là ⬘có quan khâm-sai đến, mau bảo chủ nhân ra tận ngõ đón tiếp nếu không sợ bị tội lớn⬙. Chỉ tiếc rằng Châu sư-phụ của tôi vắng mặt, không thì cuộc đón tiếp phái đoàn ⬘các quan lớn⬙ cũng sẽ rất long trọng, không kém gì ⬘thiên lý tiếp long đầu⬙ của các bang hội trên giang hồ!
Mạnh-Kiện-Hùng dùng lời châm chọc nhẹ nhàng nhưng đầy ý nghĩa xiên xỏ, nói móc họng Trương-Siêu-Trọng một cách thật văn-hoa khiến cho y tức giận, thẹn đỏ cả mặt nhưng vẫn phải cố mà dằn uất khí xuống. Y bèn cố tìm cách bào chữa, ráng dịu giọng nói:
-Đó là vì các bổ-khoái không chờ lệnh tôi! Họ nghe nói Thiết-Đảm-Trang chứa chấp bọn khâm-phạm Hồng Hoa Hội nên nóng nảy muốn bắt cho được nên sơ xuất, thành ra lỡ thốt ra lời bất kính với Châu lão anh-hùng. Tôi xin nhận lỗi về việc thất thố này.
Mạnh-Kiện-Hùng sợ rằng nếu tìm không ra được Văn-Thái-Lai và mấy người của Hồng Hoa Hội, Trương-Siêu-Trọng sau này có thể làm khó dễ Châu-Trọng-Anh nên chàng muốn nói vài lời, thứ nhất để lưu nhân tình, và thứ hai, hy vọng để cảm hóa được bọn Trương-Siêu-Trọng phần nào:
-Quý vị là khâm-sai của triều-đình thì tất nhiên có quyền ⬘làm mưa làm gió⬙. Bọn dân đen như chúng tôi chỉ là cỏ rác thì làm sao dám kháng cự lại? Vì vậy cho nên khi vào sơn-trang rồi, người của Trương đại-nhân vẫn được tự tiện bao vây lục soát bất chấp đếc người của sơn-trang. Nhưng có điều tôi lấy làm lạ thì quý vị, nếu tôi không lầm, đều là giòng dõi Hán-tộc, tôi con của nhà Minh cả. Tuy quý vị làm khâm-sai cả, nhưng điều đó cũng không có gì đáng nói. Tôi chỉ thắc mắc tại sao một đảng cách mạng có chính nghĩa ⬘phản Thanh phục Minh⬙ như Hồng Hoa Hội, phàm là người Hán, mạc hạng cùng đinh đi chăng nữa khi nghe cái tên ấy thì vui vẻ hân hoan với niềm hy-vọng. Trái lại quý vị lại thù hằn, nóng lòng bắt cho bằng được để ăn tươi nuốt sống là sao?
Nghe Mạnh-Kiện-Hùng nói, ai nấy đều im lặng. Suy nghĩ vài giây, chàng lại nói tiếp:
-Cái quan-niệm của quý vị sao khác hẳn với quan-niệm chung của người Hán chúng ta? Thật tôi nghe tận tai thấy tận mắt, muốn tự tìm hiểu vẫn không làm sao hiểu nổi! Phải chăng những người trong Hồng Hoa Hội có cựu thù, túc oán chi với quý vị?
Trương-Siêu-Trọng và bọn Cẩm thị-vệ nghe Mạnh-Kiện-Hùng mắng như tát nưóc vào mặt thì ai nấy đều giận run lên. Có nhiều người định rút binh khí ra sinh sự nhưng Trương-Siêu-Trọng láy mắt ra dấu bảo họ cứ im lặng mà bình tĩnh.
Trương-Siêu-Trọng cười đáp:
-Mạnh huynh muốn hiểu rõ cái quan-niệm ấy tưởng cũng không khó gì. Rồi đây dù muốn dù không, khi về đến Thiết-Đảm-Trang, Châu lão anh-hùng cũng sẽ nói lại cho Mạnh huynh cũng như tất cả mọi người ở vùng này nghe. Việc gì phải đến rồi sẽ đến, Mạnh huynh vội vàng làm gì!
Mạnh-Kiện-Hùng biết đây là một lời cảnh cáo hăm dọa trước nhưng chàng nào có sợ, liền trả lời ngay:
-Tôi cũng biết là cứ hễ ⬘phái đoàn khâm-sai⬙ đi đến đâu là bão tố theo đến đó. Tuy nhiên, đại trượng phu làm việc phải dù cho có bị họa tru lục đi nữa, há lại sợ sao? Cả một dân tộc đông đến 5 tỷ (#10) người còn phẫn uất trước cái họa xâm lăng thì ví phỏng một vùng, một xứ có hy sinh cho chính nghĩa đi nữa cũng xứng đáng chứ sá gì một Thiết-Đảm-Trang này! Tôi tin chắc Châu lão anh-hùng không phải hạng người qụy lụy bó tay trước bạo quyền hay cúi đầu khom lưng trước địa vị. Vì lẽ đó mà Châu lão anh-hùng luôn luôn giữ vững nghĩa khí quán thiên nên mới được giới giang-hồ kính phục.
Trương-Siêu-Trọng thật không ngờ Mạnh-Kiện-Hùng dám công khai nói những lời ⬘phản nghịch⬙ với triều-đình Mãn-Thanh như vậy trước mặt các quan khâm-sai trong đó có cả mình. Viên Thống-Chế Ngự-Lâm-Quân không muốn kéo dài câu chuyện cho Mạnh-Kiện-Hùng có cơ hội mạt sát thêm bèn nói:
-Mạnh huynh hãy nhớ những lời nói vừa rồi để đối chất với Châu lão anh-hùng nhé! Tôi sửa soạn từ giã Thiết-Đảm-Trang vì công vụ đã gần hoàn tất nên sở dĩ lúc nãy tôi có ý muốn nhìn thấy huynh đài biểu diễn sức mạnh hùng tráng của tuổi thanh niên để tôi có dịp chứng kiến xem đệ tử của Châu lão anh-hùng cao siêu đến bực nào. Không ngờ Mạnh huynh lại hiểu lầm câu nói của tôi, tưởng đâu tôi muốn hai bên động thủ bằng võ lực...
Mạnh-Kiện-Hùng không đợi Trương-Siêu-Trọng nói hết câu đã cắt ngang:
-Trương đại nhân bản lãnh siêu việt, lại là bực cao nhân tiền bối. Xin cho vãn bối được thưởng thức trước rồi vãn bối cũng xin thi thố chút đỉnh võ công thấp kém để Trương đại-nhân chỉ giáo thêm cho.
Trương-Siêu-Trọng vỗ tay, cả cười nói:
-Cũng được. Mạnh huynh xem thử lão phu còn đủ sức dở hổng một cái bàn bằng đá cẩm thạch không nhé!
Nghe mấy lời mỉa mai châm chọc của Trương-Siêu-Trọng, Mạnh-Kiện-Hùng biết ngay rằng cơ quan bí mật đã bị bại lộ, có muốn ngăn cản cũng chẳng còn cách nào. Chàng đứng yên mà chết lặng cả người. Trương-Siêu-Trọng lại nói tiếp:
-Mạnh huynh chờ tôi giở thử cái bàn cẩm thạch này lên rồi làm ơn giúp tôi giở một một khác nhé? Có lẽ là nặng lắm đấy! Nếu tôi giở không nổi thì mong Mạnh huynh ra tay trợ lực chớ đừng cười lão già bạc nhược này nhé!
Đoàn-Đại-Lân và Thành-Khoáng, hai trợ thủ đi theo Trương-Siêu-Trọng nghe y sắp sửa thi tài ⬘nội công⬙ với Mạnh-Kiện-Hùng thì trong lòng lấy làm bất bình. Chúng thầm nghĩ:
-"Sao Trương đại-nhân lại hạ mình đi tỷ thí với một tên đồ đệ của Châu-Trọng-Anh? Như thế chẳng phải là khinh xuất lắm sao? Thằng con nít này nào có danh vọng gì trên giang hồ chứ? Rủi mà thua hắn thì còn gì uy danh của Hỏa-Thủ Phán-Quan với Thống-Chế Ngự-Lâm-Quân! Sao Trương đại nhân lại không nghĩ đến điều này?
Hai người định lên tiếng ngăn cản vì không hiểu dụng ý của Trương-Siêu-Trọng nhưng không còn kịp nữa. Trương-Siêu-Trọng đã xắn tay áo lên, một tay xách hổng cái bàn cẩm thạch dời sang chỗ khác trông thật nhẹ nhàng chẳng chút phí sức.
Mạnh-Kiện-Hùng thấy nội công của Trương-Siêu-Trọng cao diệu như vậy không khỏi kinh tâm. Cái bàn cẩm thạch ấy nặng có đến dư 400 cân mà Trương-Siêu-Trọng chỉ cần dùng có một tay mà giở lên thì đủ hiểu sức mạnh và nội công y quả là khủng khiếp. Đám Đoàn-Đại-Lân phục quá reo lên:
-Trời ơi! Thần lực của Trương đại nhân thật là ⬘thiên-hạ vô song⬙!
Trương-Siêu-Trọng chỉ cười mà không đáp. Chiếc bàn cẩm thạch vừa được dời đi thì một tấm bảng bằng sắt có sợi giây xích sắt to bằng bắp tay hiện ra dưới bao nhiêu cặp mắt chưng hửng, kinh ngạc của đám tùy tùng.
Mạnh-Kiện-Hùng tái mặt, biết đại họa đã đến Thiết-Đảm-Trang rồi, chẳng còn phương cách nào đối phó được vì mình sức yếu, thế cô.
Trương-Siêu-Trọng với vẻ dương dương tự đắc, quay qua vừa cười vừa nói với Mạnh-Kiện-Hùng:
-Mạnh huynh! Hẳn cái bàn cẩm thạch kia không nặng bằng tấm bảng sắt này. Cảm phiền Mạnh huynh giở thử hộ lão phu.
Mạnh-Kiện-Hùng gượng cười nói:
-Trương đại-nhân đã dư sức giở hổng được chiếc bàn cẩm thạch, lẽ nào không giở được tấm bảng sắt ấy?
Trương-Siêu-Trọng phá lên cười nói:
-Nội việc giở cái bàn ấy, lão phu đã phải vận dụng, tiêu hao quá nhiều nội công rồi, e rằng không còn đủ sức lực nữa đâu!
Mạnh-Kiện-Hùng nhún vai nói:
-Thì Trương đại-nhân cứ nhờ đám người hộ vệ kia có hơn không? Trông họ đều là những tay vũ dũng cả đấy!
Trương-Siêu-Trọng nét mặt đểu cáng, cười ngạo nghễ nói:
-Nói chi mấy người ấy? Lão phu muốn muốn được nhìn thấy thần công tuyệt kỹ của Mạnh huynh kia! Hơn nữa, nếu lão phu không lầm thì Mạnh huynh cũng đã từng giở lên giở xuống quen tay rồi, tưởng chuyện này có khó khăn gì chứ!
Mạnh-Kiện-Hùng trong lòng hết sức là rối rấm và đau khổ, nhưng vẫn phải miễn cưỡng nói:
-Đã đành là thế! Nhưng chủ ý tại-hạ muốn để cho Trương đại-nhân lập được kỳ công với triều-đình mà nhận lãnh những sự ban thưởng xứng đáng...
Chú thích:
(1-) Hoa-viên: vườn hoa.
(2-) Giá tuồng: đóng tuồng.
(3-) Thị: nhìn, xem...
(4-) Vô kế khả thi: hết đường xoay xở, đành chịu bó tay.
(5-) Nói theo một cách khác cũng rất thông dụng là "song long đoạt ngọc".
(6-) Thiên lý cảnh: cái ống nhòm.
(7-) Mộc-đình: nhà có gác làm bằng cây (gỗ).
(8-) Cũng như chúng ta thường nói "múa rìu qua mắt thợ".
(9-) Cường tân áp chủ: khách mạnh hiếp chủ yếu.
(10-)Xin nhắc lại là đối với người Trung-Hoa, 100 triệu là "một tỷ".
Truyện khác cùng thể loại
88 chương
163 chương
654 chương
1000 chương
26 chương