Thời Hoàng Kim
Chương 11 : Hồng phất chạy trốn trong đêm (2)
Chương này nói về Hồng Phất viết đơn xin chỉ tiêu tự tử, cho nên tác giả nhớ lại câu chuyện tương tự: Chỉ tiêu số người chết vì tai nạn giao thông ở Bắc Kinh năm nay là một trăm chín mươi hai người, khu này chỉ có mười bảy người.
1
Về già Lý Vệ công sống ở Tràng An, đó là kết quả chạy khỏi Lạc Dương. Khi nói điều này, chiếc đồng hồ đá của ông đã quay ngược mấy chục vòng. Người ta bảo thành Tràng An ngột ngạt, là tướng đế vương, có nghĩa là địa lý trong thành Tràng An có nơi khác thường, một vật bên ngoài tám lạng đưa vào Tràng An là một cân, ngược lại trong thành một cân ra ngoài có tám lạng thôi.
Như vậy có nghĩa là các quan lĩnh bạc mang ra ngoài tiêu chẳng được mấy đồng tiền, chẳng mua được bao nhiêu củi gạo mỡ muối. Ngoài ra trong thành đun bếp khói chẳng bao giờ bốc lên cao, ra khỏi lò là bay xuống thấp. Đến tầm nấu cơm, cả thành mù mịt khói giơ tay không thấy ngón, thở mạnh một chút là sặc. Cho nên có lệnh, từ lúc mặt trời mọc đến lúc mặt trời lặn cấm đốt lửa. Từ khi trời tối đến khi trời sáng ở trong nhà để tránh nhiễm độc khói. Người Tràng An chưa sáng đã ăn điểm tâm rồi đi ngủ tiếp. Sau khi tối trời mới ăn chiều. Buổi trưa ăn nguội. Lâu ngày bệnh đau dạ dày phát triển mạnh. Nhưng Lý Vệ công không phải chịu cái tội này vì ông chế ra một thiết bị đặc biệt, dùng sức người đạp một cái bánh đà quay cái khăn lau đít nồi, tạo ra nhiệt lượng đủ đun nước sôi, và xào rau. Nhưng thiết bị này không phải ai cũng dùng được vì nó to lớn kềnh càng, hơn nữa phải cần đến mười người lực lưỡng đạp đến đứt hơi mới đun sôi được nồi nước. Thành Tràng An còn có một nơi kỳ lạ, chỉ mọc một giống cây hòe cho nên cuối xuân đầu hạ là nghe tiếng sâu ăn lá rào rào, lũ sâu xanh xanh trắng trắng rơi như mưa rào, gà vịt trong thành phải nhốt lại hết không thì chết vì béo. Nhưng cây nhà Lý Vệ công thì không có sâu vì chúng được làm bằng sáp. Tình cờ có con sâu nào đến ăn thử vài miếng thấy không hợp khẩu vị là tếch đi nơi khác. Nước trong thành Tràng An có vị mặn, ăn nước này lâu ngày con gái có giọng nam trầm. Nhưng chẳng can gì đến nhà Lý Vệ công vì nhà ông dùng nước khoáng ở xa, cho nên con gái vẫn có giọng con gái. Mặc dù sống sướng nhưng ông vẫn ghét thành Tràng An. Ông cảm thấy nơi này không có sức sống, người ở đây ai cũng ngây ngây ngô ngô.
Đường trong thành rải đất đỏ, suốt ngày có những người mặc áo vạt vàng đứng hai bên đường xúc đất rải vào giữa, tưới nước rồi lăn cho bằng phẳng. Sau này, thành bị bỏ hoang, đường đất vẫn còn, đất cứng như ngói chỉ bị rạn nứt như mai rùa. Cả thành Tràng An đều phẳng lì cỏ không mọc được. Hàng ngày Vệ công đi làm bằng ngựa. Trèo lên lưng ngựa là ngủ, ngáy khò khò. Ông ngồi xiêu bên nọ vẹo bên kia, con ngựa cũng thế, mải giữ thăng bằng quên cả đường đi, có lần đi ba tiếng đồng hồ chẳng tới nơi vì càng đi càng xa nơi làm việc. May mà không cần đến đúng giờ. Đến chỗ làm việc lại ngủ tiếp, loại quan chức như ông có quyền ngủ nơi làm việc. Lâu dần ông thành trò cười cho thiên hạ. Khi nói đến ông là người ta bất giác cũng gà gật ngái ngủ và đưa tay cạy như có gỉ mắt. Nhưng ông không nghe hoặc giả vờ không nghe, không thấy hoặc giả vờ không thấy. Do đó cho dù hoàng đế nhà Đường cho Vệ công nhiều bổng lộc nhưng chẳng ai coi trọng Vệ công, họ coi ông là lão già không bao giờ tỉnh.
Khi về sống ở Tràng An thì Lý Tịnh đã già và đã trao hết binh quyền, làm ông quan nhàn. Nhưng nói vậy không có nghĩa là ông hết việc. Có khi hoàng đế triệu tất cả các lão tướng đã chinh chiến giành thiên hạ vào cung tổ chức đoàn hợp xướng, hoàng đế tự chỉ huy, Vệ công đảm trách vai lĩnh xướng, hát cho mệnh phụ toàn thành nghe. Nhưng các vị đều già rồi, răng hở thông thống, ngũ âm không tròn cho nên một bà mệnh phụ cay nghiệt nhận xét: như một bầy chão chuộc! Về sau thêm một quan hoạn trẻ hát đệm, mọi người chỉ đứng đó cho oai, hiệu quả vẫn sởn tóc gáy vì các ông già râu tóc bạc phơ đứng đó phát ra tiếng bé trai, vô cùng quái đản. Chưa hết, hoàng đế còn tổ chức một đội múa, mọi người đi giày ống, tay vung gươm múa điệu kỵ binh. Kết quả là Trình Giảo Kim bị trụy tim xuýt chết. Đó chỉ là hai trong số những hoạt động xã hội mà Vệ công tham gia khi về già. Ông còn viết các tập hồi ký, đến nay đã hoàn thành tập hồi ký quân sự, tập hồi ký chính trị, tập hồi ký khoa học nhưng còn phải viết hồi ký từ tuổi thơ. Chuyện này bắt đầu từ việc hoàng đế cho sửa Lăng Tiêu Các, đó là một cái lầu cao chọc trời, trong đó bày các bức tượng và tiểu sử các quan trong triều. Đã là tiểu sử thì phải tự viết. Thế là ngày ngày đi làm là ông viết tiểu sử. Nhưng ông toàn ngủ cho nên viết mãi không xong. Hoàng đế cử người đến viết giúp vẫn chậm vì bất cứ lúc nào ông cũng có thể ngủ thiếp đi. Cuối cùng hoàng đế cử một nữ quan có tinh thần sẵn sàng hiến thân đến, tiến độ vẫn rất chậm. Vị nữ quan báo cáo, Lý Vệ công lúc không ngủ thì lại càu nhàu – “không để người ta yên” rồi lại còn hỏi “Mấy giờ rồi? Hết giờ chưa?”.
Lúc về già, hai mắt Vệ công xệ xuống hai túi thịt, mặt đầy nếp nhăn, lông mi tẹt dính vào mắt vì toàn ngủ gục trên bàn. Những chỗ khác không có thay đổi gì mấy. Ông không tin được toàn ngủ mà không béo ra. Vị nữ quan nọ nghi ngờ vì ông ngủ rất say nhưng lại như không ngủ. Để kích thích thần kinh khứu giác cho ông tỉnh táo, cô ta xức rất nhiều nước hoa xạ hương đến nỗi cô đi qua là mèo đực kêu ngoao ngoao, thế mà cô ngồi cùng phòng, Vệ công như chẳng thấy gì cả, vẫn gục lên bàn ngủ. Điều này chỉ có thể giải thích rằng, Vệ công giả vờ ngủ, cô mặc quần áo ngủ cực ngắn ông cũng không để ý, chỉ thỉnh thoảng giữa hai giấc ngủ nhắc cô rằng: “Cẩn thận khéo cảm lạnh”, cô vuốt ve gợi tình để làm cho ông tỉnh, nhưng ông vẫn ngáy. Cô mất tự tin, cho rằng mình xấu xí, khóc tức tưởi đến mấy ngày.
2
Sau ngày sinh nhật lần thứ sáu mươi không lâu, Vệ công chết. Nguyên nhân cái chết theo cách nhìn hiện đại là nhồi máu cơ tim, có liên quan đến tuổi già và dinh dưỡng quá độ, nhưng thời xưa gọi là thượng mã phong, liên quan trực tiếp đến việc giao hợp. Người xưa trọng việc dưỡng sinh, cho nên ngoài chuyện ấy ra chẳng có gì có thể là nguyên nhân nhồi máu cơ tim. Thực ra nếu Hồng Phất không nói thì chẳng ai biết ông mắc chứng thượng mã phong, Hồng Phất càng lớn mồm càng to, khi mười bảy tuổi miệng chúm chím anh đào, đến bốn mươi tuổi thì cặp môi to gợi dục, chuyện gì cũng tuôn ra hết. Lý Vệ công khi chết mặt không biến sắc, súng không đổ gục. Điều đáng sợ là ở chỗ, hôm ấy Hồng Phất làm tình với Vệ công mà không biết là làm tình với người sống hay người chết. Khi kể lại, Hồng Phất trợn tròn hai mắt, mu bàn tay nổi gai ốc (chỗ khác không nhìn thấy cho nên không biết có nổi gai ốc không). Rồi nàng bảo Vệ công chết rồi tôi chẳng sống làm gì nữa. Mọi người tưởng nàng nói thế thôi, ai ngờ nàng đưa đơn xin tuẫn tiết theo chồng. Người ta khuyên: Vệ công chết rồi, sau này chúng ta sớm muộn gì cũng chết, không phải vội. Nhưng nàng không nghe.
Chúng tôi bảo: Vệ công chết rồi, có nghĩa là từ nay không cần phải coi ông là một con người nữa, mà là một sự việc. Một sự việc đã hoàn tất thì chẳng thay đổi được nữa. Hôm nay chúng ta bảo ông cưỡi ngựa xiêu bên này vẹo bên nọ, không phải nói con người ấy mà nói sự việc ấy. Nói cách khác kim đồng hồ Vệ công đã dừng lại ở chỗ này rồi, nhưng chúng ta có thể quay ngược kim trở lại. Trời sẩm tối, ông ngất ngưởng đi trên con đường dẫn qua nhà mình, con đường không một bóng người nhưng rợp bóng cây, thế có nghĩa là thời tiết đang giữa hạ, cây hòe bị sâu ăn lá lại đâm lá mới. Người đi trên phố nghe tiếng ngáy của ông đã vội tránh từ xa. Con ngựa quay ngang đi như nhảy đến trước cửa nhà Vệ công nó đứng sững lại, ông ngã nhào xuống, nhưng người nhà đã chờ sẵn ở cổng đỡ vội lấy ông khiêng vào nhà.
Khi còn sống, Vệ công từng nói ông ghét Tràng An vì nó vuông vắn không có sức sống. Nhà nào cũng nhìn về hướng nam, mái nhà là các miếng sành làm sẵn, hoàn toàn như cái hộp vuông. Phía có nắng thì chói chang, phía không có nắng thì có các ô vuông sáng như khăn trải giường căng lên do tường đối diện phản chiếu sang, nếu có ai đi ngang, bóng người còn hiện lên tường. Ai cũng đi trong bóng râm, đi ngoài sáng bị cấm nếu không cần thiết. Nhưng Vệ công muốn đi thế nào cũng được. Đường lớn ngõ nhỏ đều sạch bong, ngoài các cây hòe ra không đâu có màu xanh, vì Tràng An không một ngọn cỏ. Điều Vệ công khó chịu nhất là cảnh tượng này do chính ông gây ra. Tràng An là do ông xây dựng. Lý Vệ công không chỉ xây dựng thành Tràng An mà còn xây dựng mọi quy chế trong thành. Bởi vì hoàng đế yêu cầu thế này: “Lý ái khanh, nhà ngươi xây cho trẫm một đô thành”. Mình xây rồi mình ở trong đó, không gì tệ hại bằng. Đái ra ỉa ra rồi nhảy vào mà vùng vẫy trong cứt đái của mình. Chỉ có lợn mới thế. Hơn nữa nếu tôi hiểu lợn thì sống như thế chúng cũng chẳng thích thú gì.
Dùng tiêu chuẩn bây giờ để đánh giá thành Tràng An, chúng ta phải nói là thành phố rất yên tĩnh vì cấm huyên náo, không được rao hàng cho nên người bán cứ cầm biển hàng để chặn khách. Được nuôi mèo đực cấm nuôi mèo cái cho nên mèo đực phải chạy ra ngoài tìm bạn tình. Thành Tràng An đàn bà đông hơn đàn ông, như vậy đàn ông có giá hơn. Rõ ràng khi thiết kế thành, Lý Vệ công chỉ nghĩ cho mình.
Sau khi chết, ký ức của mọi người về ông chỉ là những mảnh vụn như chiếc đĩa vỡ. Thí dụ trong ký ức vị nữ quan, ông ngồi trên ghế ngủ gật, mặt ông chùng xuống như chiếc buồm vải đã buông dây, cằm xếp bốn lần da, vậy mà ông không phải người béo. Người ngủ ngồi chẳng bao giờ có được dáng đẹp. Phòng làm việc của ông lát gạch nhúng dầu thông, bao nhiêu năm qua đi ngấn dầu vẫn nhìn rõ, hắt nắng lên trần thành những đốm sáng như chùm nến.
3
Tôi làm công tác nghiên cứu lịch sử khoa học. Các đồng sự của tôi đưa ra kết luận thời nhà Chu, người Trung Quốc đã chứng minh định lý Pythagore, bằng chứng là trong cuốn sách toán nào đó có câu: Câu tam cổ tứ huyền ngũ ( [2] ) , cho nên định lý này gọi là định lý Câu Cổ, đưa tên Trung Quốc vào. Rồi lại có người chứng minh trong thơ Đường có định luật Newton, trong từ Tống có thuyết tương đối, đăng đầy trên các tạp chí khoa học. Bây giờ tôi là người đầu tiên chứng minh được định lý Fermat, khó khăn hơn nhiều so với họ. Trước tiên tôi phải chứng minh định lý đã, sau đó tôi gán cho Lý Vệ công. Tất nhiên tôi có thể gán cho chính tôi, gọi là định lý Vương Nhị, nhưng làm thế thì thiếu chất lãng mạn quá. Khó nhất là tôi chưa chứng minh được định lý Fermat – ba bốn trăm năm lại đây người ta vẫn chứng minh nhưng chưa ai chứng minh được. Lại có không ít người đang tìm cách chứng minh định lý Fermat không tồn tại và cũng chưa chứng minh được. Chứng minh khó như vậy mà tại sao Lý Vệ công đã chứng minh được? Chẳng lẽ ăn no rỗi hơi?
Nói đến chuyện tại sao Lý Vệ công chứng minh định lý Fermat phải nhắc đến cảnh ông và mọi người ngồi trên sàn gỗ trong nhà tắm Thổ Nhĩ Kỳ. Khi đó có một người Nhật, tóc cắt kiểu râu của vua hề Charlot, mặc bộ quần áo xanh in hoa quỳ trên sàn, ông ta gọi Lý Tịnh là Lý Tường. Một người đến từ bán đảo Balkan, bộ mặt to và đần độn, mũi đeo vòng vàng, mặc bộ quần áo tắm ngồi trên đệm. Một ông Hy Lạp râu vàng, quấn khăn tắm ở bụng. Lý Vệ công chẳng mặc gì, xếp chân vòng tròn ngồi bệt xuống sàn. Vóc dáng ông cường tráng cho nên trong bóng tối nhiều ánh mắt thèm muốn chĩa vào ông – nhà tắm này là nơi hội ngộ của những kẻ yêu đồng tính. Nhưng Lý Vệ công không phải loại người ấy. Ông đến đây vì nhà tắm cung cấp thuốc ống điếu miễn phí. Thuốc lá được để trong cái ống sắt ở giữa mọi người. Ống sắt nặng cho nên có giá đỡ, quay được như khẩu pháo. Họ quay ống điếu lần lượt hút trông cứ như lần lượt ăn đạn để tự sát. Trong khoảnh khắc giữa hai lần hút, người Hy Lạp lấy chiếc bút sáp viết định lý Fermat lên sàn và ngọng nghịu nói bằng tiếng Hán: Ai chứng minh được thì người đó thông minh nhất thế giới. Câu nói như con đom đóm bay vào nội tâm tối đen của Lý Vệ công. Chứng minh được định lý Fermat thì cũng chứng minh mình là người thông minh nhất. Việc này đáng làm lắm. Về sau ông đã chứng minh được ông là người thông minh nhất thế giới. Nhưng tôi có thể nói thêm: khi ông bị ấn xuống đất, bị phang cú gậy thứ mười một vào mông, phát ra tiếng kim loại thì ông thông minh nhất, đến cú thứ mười hai giáng xuống thì không chỉ ông mà toàn thế giới không còn thông minh như vừa nãy nữa. Nhưng ông chẳng được gì. Là một người Trung Quốc, không những phải chứng minh mình thông minh mà còn phải chứng minh mình đần độn nữa, nếu không thì hậu họa khó lường. Tôi viết điều này để chứng minh ở tôi vế sau rất kém, cho nên đã tự gieo giống tai ương cho mình.
Nếu muốn tỏ rõ mình thì việc gì phải tìm định luật Newton trong thơ Đường, tìm thuyết tương đối trong từ Tống. Hãy chứng minh mình có khả năng vận dụng hoặc chứng minh mình có óc thưởng thức, tóm lại có giá trị để tồn tại. Chứng minh rằng người Trung Quốc phát hiện thuyết tương đối và định luật Newton sớm nhất, rêu rao tính dân tộc thế là coi như có óc thưởng thức. Chứng minh cái khác lãnh đạo không ưng.
Bây giờ tôi vẫn chưa chứng minh được định lý Fermat, nhưng tôi đã nghĩ ra cách công bố nó, cách đó là gọi nó là định lý Lý Tịnh. Nhiều người đã có cái thông minh trong chứng minh, phát minh nhưng lại chưa có cái thông minh trong việc công bố chúng. Mức độ khó khăn của nó rất khó tưởng tượng đối với người chưa làm công tác nghiên cứu. Một định lý hai ba thế kỷ chưa được chứng minh thì làm sao viết ra ba bốn chục trang, chưa nói viết ra cả cuốn sách. Bạn lại còn phải được những người có máu mặt khẳng định mới có cơ hội công bố. Nhưng người có quyền ít nhất đã bảy tám chục tuổi, sống đã khó còn đâu minh mẫn để đọc bản luận văn lằng nhằng rắc rối của bạn? Vì thế nên cất đi. Nếu gọi đó là “định lý Lý Tịnh”, nói là Lý Tịnh chứng minh thì việc công bố sẽ chẳng có vấn đề gì. Thực ra là ai chứng minh, điều đó không quan trọng. Bởi vì trong chuyện này tôi tỏ ra chẳng ngu chút nào, tôi đâu cần phải tự hạ mình quá thế.
Người ta có một sự hiểu lầm loại người như tôi và Vệ công. Mọi người tưởng chúng tôi chọn lối sống như thế – suốt ngày nghĩ vẩn vơ , tính tính toán toán – thấy ghét. Hiểu thế là sai. Tính chúng tôi sinh ra đã thế. Ví như tôi, không chứng minh định lý Fermat thì sẽ làm việc khác, thí dụ viết tiểu thuyết, làm thơ, viết ra rồi thì nhất định người ta lại ghét, chúng tôi không cấm người ta được. Có thể trong đầu có cái u gì đó. Nếu thế gian này đầy những người như chúng tôi thì ra thế nào. Nhưng chịu vậy chứ biết làm thế nào.
Lý Vệ công là người thông minh nhất thế giới, điều ấy người đời Đường ai cũng thừa nhận. Đại Đường hoàng đế nói: Trẫm thánh minh, ái khanh thông minh. Vậy nên nếu có con dân nào dám cho rằng mình thông minh hơn Vệ công thì mọi người sẽ bảo là ngông cuồng, là điên, thậm chí bắt đưa vào nha môn chịu tội. Hoàng đế cho ông thêm nhiều bổng lộc, thường cho gọi Hồng Phất vào dặn: Phải nấu món cá cho Vệ công ăn! Cá bổ não. Vệ công ăn nhiều cá đến nỗi người tanh lòm, ăn xong đi dạo có hàng đàn mèo theo sau. Ngoài ra còn những chuyện đau đầu khác nữa. Vì biết ông là người thông minh nhất thế giới cho nên mọi việc cần nhiều suy nghĩ thì người ta tống hết cho ông. Thí dụ họ để ông thiết kế nhà xí công cộng của Tràng An. Lý Vệ công thiết kế thành những kiốt đa giác, mỗi góc là một gian. Có hai loại, sáu góc và tám góc. Vẽ xong cho người làm. Nhưng người làm không thông minh như ông cho nên làm tám góc cho nam, sáu góc cho nữ, trong khi ai cũng biết nữ nhiều hơn nam. Thế là sinh ra bao chuyện điên đầu, Vệ công quá mệt mỏi, ông bèn giả vờ ngủ, giả chứng ngây dại của tuổi già để trốn tránh. Ở nhà, ở chỗ làm việc, cả lúc đi đường ông đều nhắm mắt. Trông ông lúc nào cũng như người bắn lén sắp bóp cò. Ai hỏi ông bảo là bệnh tuổi già đãng trí và liệt cơ mắt. Chỉ khi làm tình với Hồng Phất ông mới giương tròn đôi mắt. Ông tin Hồng Phất, tin nàng sẽ không cáo bẩm với hoàng đế rằng ông giả bệnh để không tuân lệnh. Ông giả vờ như thế đến mấy năm không ai biết. Câu chuyện ly kỳ ở chỗ, thời trẻ ông đã liều cả thân mình để chứng minh rằng mình là người thông minh, về già lại giả ngốc, mâu thuẫn vậy đó. Nhưng đó là điều thú vị nhất để làm một người Trung Quốc.
4
Lý Vệ công giả ngốc giả bệnh cuối cùng lộ tẩy. Tố giác ông không phải ai khác mà là chính ông. Khi ông chết người thẳng đơ, hai mắt mở trừng trừng. Lẽ ra ông nên mềm đi đã hoặc nhắm mắt đã rồi hãy chết, nhưng lúc đó không kịp, ông chết nhanh quá. Hoàng đế đến nhìn mặt ông lần cuối rồi cau mày bảo với người bên cạnh: Vệ công không bị bệnh sao? Mắt trái không mở được kia mà?! Điều này cho thấy hoàng đế nói mình thánh minh không phải là bốc phét. Ngài thường sai thái giám trẻ ra chợ mua tiểu thuyết suy luận của Nhật in bằng giấy nhân sâm Cao Ly, chỉ đọc một trang là có thể suy ra toàn bộ vụ án một cách rõ ràng. Cứ cho là không có ai bẩm báo Vệ công chết vì thượng mã phong thì nhìn Vệ công cứng đơ trong quan tài ngài cũng biết. Chết vì bệnh này nhất định bên cạnh còn có người nữa. Có nghĩa là Vệ công không chỉ tố giác chính mình mà còn tố giác Hồng Phất – nàng biết rõ Vệ công giả bệnh mà không trình báo, có nghĩa là không trung thành với vua. Từ phủ Vệ công ra về, nhìn phố xá, hoàng đế nói: Thằng này thiết kế Tràng An không ra làm sao! Có nghĩa là hoàng đế không ưa Vệ công nữa. May mà ông đã chết, hoàng đế không xử được. Nhưng Hồng Phất còn sống, tình hình này rất bất lợi cho cô. Vệ công giả dại bất thành, không hại mình nhưng hại vợ. Điều đó cho thấy rằng một người Trung Quốc, muốn giả ngu giả dại thì không được lơi lỏng phút nào, phải giả vờ cho đến lúc chết. Tốt nhất là chết đi rồi vẫn phải tiếp tục giả vờ. Tình trạng của Vệ công là một thí dụ cực hay.
Nếu Vệ công hoàn toàn thành công trong việc giả ngốc, thì phải giả ngốc ở ngoài, ở nhà và giả ngốc cả khi làm tình với Hồng Phất nữa, phải nhắm mắt bò lên người cô, như thế nhìn vào ai biết được là ngốc giả hay ngốc thật, sau khi chết vì thượng mã phong thì vẫn có vẻ ngốc. Hoàng đế đến nhìn thì cũng phải xúc động: Lý khanh ơi Lý khanh, chăm chỉ việc vua, mệt đến mức làm cho óc thành bã đậu! Sau đó nước mắt lã chã giáng chỉ: Cấm thiên hạ ăn đậu phụ, chỉ trừ hoàng đế. Nhưng thế thì cũng dở, Hồng Phất làm tình với một ông già mắt nhắm miệng chảy rớt dãi thì mất hứng mà không cự tuyệt được, vì nàng là nhất phẩm phu nhân, phải làm tình với quan nhất phẩm, đó là chức trách của cô. Nếu không thì đồng lương dễ kiếm quá. Nhất phẩm phu nhân phải có tính thực tế một chút. Mọi điều nàng có thể làm được lúc đó chỉ là lấy bút trang điểm ra vẽ mắt cho Vệ công và đeo khẩu trang cho ông ấy.
Vì tôi làm công tác nghiên cứu lịch sử khoa học cho nên tôi hiểu cổ nhân. Theo tôi hiểu, thời trẻ Vệ công muốn chứng minh mình là người thông minh. Tâm trạng ông giống như đang thống lĩnh một đoàn quân đứng trước một thành trì giàu có, hăm hở muốn tấn công vào. Khi đã chứng minh được mình thông minh, bắt đầu muốn giả vờ ngốc thì lại giống như người thân cô thế cô đang bị thiên binh vạn mã vây chặt, cho dù có lỗ chó chui thì cũng sẵn sàng làm chó làm lợn chui ra. Tôi cũng thông cảm hoàng đế đại Đường, tâm tính ngài cũng bất thường như cô gái đẹp – khi thích Lý Tịnh thì, xoen xoét: Lý ái khanh là người tốt, mặc kệ người nghe có sởn gai ốc hay không. Nếu không ưa thì: Lý Tịnh đáng tùng xẻo! Nhưng khác với tính đỏng đảnh con gái ở chỗ ngài nói tùng xẻo ai là người đó bị tùng xẻo, bị thái mỏng, thịt vừa cho vào nồi đã chín.
Hồi trẻ Lý Vệ công trốn khỏi thành Lạc Dương, về già thì xây thành Tràng An. Hai thành phố chỉ có vẻ ngoài khác nhau nhưng bên trong rất giống nhau – thí dụ, trong sự kiểm soát chặt chẽ, nghĩ vẩn vơ là có tội. Vậy là Vệ công như con san hô trong biển cả – giống động vật cấp thấp này trốn trong lớp đá vôi cứng, nếu ai đó bóc lớp vỏ đá đi thì mồm nó lại đùn vôi ra làm lớp vỏ mới. Nếu có loài động vật cao cấp hơn ta rất nhiều thì so với họ, ta lại chỉ là san hô thôi. Họ sẽ kết luận rằng: Loài động vật người này tựa như san hô, bóc vỏ này nó có vỏ khác, ít nhất có một cá thể gọi là Lý Tịnh đã làm vậy. Có loài san hô sống trong ống nghiệm của nhà hải dương học, tôi e loài đó không hiểu chuyện này. Nó nghĩ cái ống nghiệm là thế giới bao la. Cái ta gọi là “trái đất” có thể cũng chỉ là cái ống nghiệm. Ta tự hào có nền văn minh năm ngàn năm thực ra chỉ là một trang giấy trong sổ ghi chép kết quả thí nghiệm của họ mà thôi. Lũ đáng chết đem ta ra làm thí nghiệm đó chẳng tin là ta có trí tuệ như ta không tin san hô có trí tuệ vậy. Điều đó cho thấy loài này không hiểu được trí tuệ của loài kia, cái nhìn thấy chỉ là những hành vi quái đản.
Bây giờ kể chuyện hồi trẻ Lý Vệ công chứng minh định lý Fermat. Nếu tôi đang ngồi trên thuyền chứng minh được, bỗng thuyền đắm, tôi lạc trên đảo hoang thì tôi cũng chẳng chịu để công sức của tôi mai một đi. Tôi sẽ gõ vào máy điện báo sóng ngắn phát liều đi, chẳng dám nghĩ có ai nhận được, càng không dám nghĩ có người trả lời. Lý Vệ công cũng vậy. Ông đã bị đòn cho nên ông viết ra bằng ẩn ngữ và viết vào chỗ không ai để ý, chỉ cốt sao in được ra và phát tán đi, không nghĩ ai đọc và hiểu được (cho đến nay tôi vẫn không hiểu được). Nhưng việc này đã có hồi đáp, mồng năm mỗi tháng ông đều nhận được ngân phiếu. Ngân phiếu của đời đại Tùy khác với bây giờ lắm, bây giờ cho dù là Money Order của Western Union hay giấy gửi tiền của Bưu chính nhân dân Trung Quốc đều có ghi người gửi. Ngân phiếu đời nhà Tùy chỉ có những vân dấu đóng trên tấm da, chẳng có người gửi, cũng chẳng ghi số tiền là bao nhiêu. Chúng ta chỉ biết nếu là da trâu là năm mươi lượng bạc, da ngựa là một trăm lượng. Có điều là rất khó phân biệt da trâu hay da ngựa, chỉ có cách cho một con trâu và một con ngựa ngửi, con nào chảy nước mắt với tấm da nào thì biết được giá trị tấm ngân phiếu. Tấm ngân phiếu Lý Vệ công nhận được là loại trâu ngửi thì khóc, tức là năm mươi lượng, đúng bằng số tiền sinh hoạt phí của ông. Ngân phiếu bao giờ cũng có kèm bốn chữ, nếu bạn chúc đôi tân hôn thì đến phòng thuế bảo họ đóng dấu cho bốn chữ trăm năm hạnh phúc, nếu gửi cho đám tang thì là chia buồn sâu sắc , vân vân. Tấm ngân phiếu Lý Vệ công nhận được lại có bốn chữ to tướng: xin đừng mở miệng , ông chẳng hiểu ra sao. Kể từ khi ông nhận được tấm ngân phiếu đầu tiên, phía sau ông bắt đầu xuất hiện hai công vụ, ông đi đâu họ cũng đi theo, tay cầm chiếc gậy nửa đỏ nửa đen. Người ta gọi là gậy thủy hỏa , có người bảo đỏ là hỏa, đen là thủy, kết hợp lại có nghĩa là âm dương tương hợp, mưa thuận gió hòa, nhưng tôi nghi ngờ có điều tốt lành đó hay không. Đỏ là máu, đen là sẹo. Thủy hỏa thời cổ có nghĩa là đại tiểu tiện, đánh cho vãi cứt vãi đái ra. Lý Vệ công nói với ai quá năm chữ là người kia bị phang một gậy vào đầu tóe máu. Thế là chẳng ai dám nói gì với Lý Tịnh, ông rất buồn. Ông hỏi tại sao, hai người nọ không trả lời. Hỏi mãi họ lấy ngón chân viết trên đất: theo lệnh trên. Chuyện này xảy ra khi Lý Tịnh còn trẻ, kết quả việc ông in và phát tán chứng minh định lý Fermat. Điều đó chứng minh ông thông minh nhất thế giới và do vậy được năm mươi lượng bạc mỗi tháng. Theo tôi đó là số tiền không nhỏ. Chỉ tiếc là lãnh đạo đã để mắt tới và không chỉ cho tiền thôi đâu. Lý Vệ công thiếu chuẩn bị về tư tưởng cho nên về sau lãnh đủ cũng chẳng lạ.
Bị hai người công vụ theo sát, Lý Vệ công không còn giận đời nữa mà buồn chán, mất tự tin. Ông nghĩ nát óc tìm cách thoát khỏi hai gã này để có thể thanh thản đi uống rượu mà không được.
5
Lý Vệ công chết, Hồng Phất cũng chẳng thiết sống nữa. Nàng muốn tự tử, nhưng triều đại nhà Đường rất nghiêm minh, tất cả phải nằm trong kế hoạch, cho nên suốt ngày nàng chạy các cửa để làm thủ tục chết theo chồng. Các quan rất tử tế với nàng, rất tán thành ý định của nàng nhưng bảo nàng phải đợi một số chỉ tiêu. Đầu tiên là chỉ tiêu chết không bình thường. Thành Tràng An mỗi năm chỉ có ba trăm người chết không bình thường, bao gồm chết vì nạn xe cộ, binh đao, cháy, lụt, thuốc độc vân vân. Chỉ có chết bệnh, chết già là chết bình thường. Việc này do bộ Hình trông coi. Ông quan làm việc này tra đi xét lại thấy các kiểu chết đã vượt xa chỉ tiêu, chỉ còn trống chỉ tiêu người treo cổ vào tháng sau cho nên phê chuẩn nàng treo cổ. Hồng Phất ớn kiểu chết này, nàng cau mày trợn ngược mắt lên. Ông quan khiếp quá quỳ mọp xuống: Thưa quý bà, việc này nhờ quý bà giúp cho. Nếu bà liều cắt cổ thì cả ban chúng tôi bị phạt cắt hết lương, người già trẻ con hít gió bấc mà sống! Hồng Phất được giấy phép treo cổ rồi lại phải sang bộ Lễ làm thủ tục tiếp theo vì quả phụ chết theo chồng thuộc phạm trù ý thức tư tưởng. Ông quan phong tục bộ Lễ bảo: Quý này người chết theo chồng đông quá làm cho đời sống tinh thần của xã hội có chiều hướng bi quan, phải đợi ít nhất là sang quý sau. Thế là lại quay lại cãi vã với bộ Hình. Ngoài ra trước khi chết còn phải xóa tên trong hàng loạt sổ sách: hộ khẩu, hội viên vân vân. Những việc đó không thể làm xuể và không thể nhờ ai làm thay. Dù sao nàng cũng có xe, có vai vế, được khá nhiều bổng lộc, ít nhất đến bộ Lễ thì cũng được tiếp đón chu đáo tại phòng khách, không phải đứng xếp hàng ngoài cửa như một quả phụ tôm tép, run rẩy nghe bên trong quát tháo: Các người chỉ nghĩ đến cái bảng tiết hạnh, không thèm nghĩ người ta vất vả thế nào đâu!
Hồng Phất là người giàu óc tưởng tượng, nghe người ta quát tháo các quả phụ khác mà nghĩ đến phận mình. Mặc dù người ta đều bảo trong tất các các mệnh phụ làm thủ tục tuẫn tiết, nàng được ưu tiên số một, riêng điều đó thôi cũng đáng trân trọng, nhưng nàng vẫn nghĩ một số câu họ nói với người khác cũng là nói nàng. Ở bộ Lễ khi điền vào ô “động cơ tuẫn tiết”, nàng ghi: “Cảm thấy sống phiền phức quá”. Về sau người ta gợi ý, nàng ghi thêm: nhớ Vệ công, ghi xong nàng thấy càng thêm phiền phức. Thế rồi nàng nhìn thấy có ô “phương thức tuẫn tiết” nàng bèn viết “cắt cổ tay”. Ông quan xem tờ khai bảo: bộ Hình phê chuẩn bà treo cổ, làm sao cắt tay được. Phải làm tờ khác, dán miếng giấy đè lên không được, vì đây là mệnh phụ tuẫn tiết, phải dâng hoàng đế xem, không bôi dán lem nhem được. Nhưng bảng khai có đến ba bốn chục trang, phải khai lại. Phiền phức hết chỗ nói.
Hồng Phất nhận ra một điều: muốn chết cũng không dễ, thủ tục chẳng bao giờ làm xong được, do đó ở Tràng An các mệnh phụ đều đang làm thủ tục. Làm như vậy các bà cũng gửi gắm lòng thương nhớ của mình và cũng chứng tỏ chồng chết không phải các bà không đau lòng. Có cái tiếng như thế sau này tái giá cũng dễ. Các cửa quan mà các bà các cô tuẫn tiết phải đến dán đầy các yết thị tìm bạn đời, vô số các cậu ấm đang cưa kéo các quả phụ đang xếp hàng làm thủ tục chết theo chồng. Có cô xếp hàng mấy lần rồi cưới, trong mười người chẳng có một người thực sự theo đuổi đến cùng việc tuẫn tiết. Mà có ai chết thì người ta cũng bảo chết vì tuyệt vọng, không tìm được bạn đời. May mà Hồng Phất nổi tiếng là người đẹp nhất đại Đường cho nên không ai bảo nàng tìm cái chết vì không lấy được ai. Người ngoài bảo nàng rất có dũng cảm, người nhà lại nghĩ khác, thí dụ con gái nàng bảo: Mẹ từng ấy tuổi rồi, điệu bộ làm gì nữa? Hồng Phất ở trong trạng thái bức bách muốn phát điên lên, nhưng thủ tục vẫn chưa xong. Có người bảo nên nghĩ lại đi, lại có người bảo đã trình lên rồi. Lên hỏi thì được bảo rằng chưa thấy văn bản đâu. Cho đến khi nàng sốt ruột không chịu nổi nữa, nàng bảo: thôi không làm thủ tục nữa, tự tìm sợi dây thừng treo lên là xong. Lúc ấy người ta mới cuống lên thúc làm cho nhanh. Thế là sau sáu tháng kể từ khi Lý Vệ công chết, thủ tục đã làm xong.
Về chuyện Hồng Phất muốn tự tử, cần nói thêm một chút. Là nhất phẩm phu nhân của đại Đường, nàng rất ít ra khỏi nhà vì chuyện chỉ tiêu. Người ta thì khác, nếu bạn là một tiểu thương, bạn chẳng lạ gì chỉ tiêu, đầu tháng cuối tháng bạn phải chạy các cửa, do đó ở Tràng An đầu tháng cuối tháng phố xá vắng tanh, muốn mua lọ xì dầu cũng không có. Nếu bạn là thợ nề thì không lạ với chỉ tiêu, bởi vì ai đến thuê bạn làm nhà, bạn không thể quên hỏi: có được chỉ tiêu làm nhà chưa? Nhưng khi Hồng Phất cần chỉ tiêu thì chỉ có thể là chỉ tiêu tự tử. Tuy nàng nói rằng không cần làm thủ tục nữa, cứ tự treo cổ lên, nhưng nàng chưa chuẩn bị thực hiện. Bởi vì nàng không phải là người vô trách nhiệm, nàng sợ người ta chửi. Đến khi mọi thủ tục đã xong xuôi, nàng định đi rửa mặt chải đầu để tự vẫn thì một đoàn người ùn ùn kéo đến, dẫn đầu là một phụ nữ. Người này làm việc trong cung chuyên phụ trách lễ nghi treo cổ của các cô. Bà ta đến truyền lệnh của thái hậu, nói rằng con Hồng Phất làm gì cũng lộn xộn, chị đi đến đó thay tôi chỉ bảo cho nó. Từ hôm đó, việc chuẩn bị treo cổ của Hồng Phất được tiến hành dưới sự chỉ đạo của chuyên gia, không liên quan gì đến nàng. Việc này đã được đưa vào kế hoạch, đã được phân bổ chỉ tiêu, từ đó mặc dù còn nhiều phức tạp nhưng nàng không phải lo, nàng cứ yên tâm chờ ngày lành tháng tốt mà chết là được rồi. Việc chết nàng cũng không phải lo, chưa đến ngày thì nàng muốn chết cũng không được, đến ngày rồi thì muốn sống cũng không được. Có nghĩa là, mặc dù Hồng Phất vẫn đang sống, chúng ta vẫn có thể coi nàng là một sự việc được rồi.
6
Về việc này vẫn cần nói thêm. Lúc mới nảy ra ý định chết, Hồng Phất chưa tưởng ra mình sẽ chết như thế nào bèn đến cửa hàng bán các đồ sử dụng trong việc tự tử. Mọi phương thức hiện nay người ta đang sử dụng ở đây đều có, chỉ làm khác đi, thí dụ nỏ nhỏ thay cho súng lục, chiếc ống đồng chứa ôxít các bon thay cho ống dẫn hơi ga. Vấn đề tự tử bằng điện thì hơi phiền, phải chờ lúc cơn dông có sét, cầm dây diều bằng đồng cho điện giật. Tóm lại ở đây được phục vụ chu đáo không chê vào đâu được. Cửa hàng còn có cả đội đào giếng hùng hậu giúp khách hàng muốn có giếng để nhảy xuống nhưng không muốn gây ô nhiễm cho mọi người. Nhưng trước khi cử đội đào giếng đi thì cố vấn tự tử của cửa hàng khuyên bạn nên chết trong bể thủy tinh, trong bể có các loại cá vàng rùa xanh, ở trong đó bạn có thể vẫy tay chào mọi người, vừa ngắm các loài thủy tộc vừa thong dong xuống âm phủ. Kiểu này vô cùng sang trọng nhưng hơi đắt. Hồng Phất đang buồn bã khổ đau thấy vậy phấn chấn hẳn lên. Bạn biết đấy, đàn bà thích cảnh này. Nhiều kiểu dáng, nhiều cấp chất lượng, nhiều sự lựa chọn. Cái đó gọi là tiêu dùng. Lúc đó Hồng Phất bảo: Tôi rất tiếc không được sử dụng tất cả, chỉ được chọn một. Sau khi bàn với giám đốc cửa hàng thì mới biết các thứ hấp dẫn như thế không cái nào thuộc về nàng cả. Nàng là mệnh phụ của triều đình, chết thế nào là do lãnh đạo sắp xếp. Lúc đó điên tiết lên văng ra đủ lời lẽ khó nghe, lên án chế độ triều chính nhà Đường, mạt sát cả Lý Vệ công vì ông là người đưa ra các quy chế đó. Những lời lẽ như thế tất nhiên nàng không thể nói khơi khơi được, mười giờ sáng nàng chửi vung tí mẹt, buổi trưa đã có biên bản hiện trường đóng thành sách, ngoài bìa đề: “Những lời lẽ phản động của quả phụ Lý Vệ công” trình đến tay hoàng đế. Ngài nổi giận định giáng chỉ tuyên bố Lý Tịnh là chó săn của tên đầu sỏ phản động tiền triều Dương Tố, là quả bom nổ chậm chôn trong lòng chế độ đại Đường. Vậy là có thể “xử” Lý Tịnh, luôn thể tuyên bố Hồng Phất là đồng bọn, gô cổ lại nện cho một trận. May mà hoàng hậu kịp can ngăn: Vội gì nào? Hồng Phất chưa chết, đang trong tay ta. Hoàng đế nghe có lý không giáng chỉ nữa. Nếu không thì chúng ta đã không biết trên thế giới này lại có một ông Lý Vệ công, càng không biết ông đã chứng minh định lý Fermat. Trong lịch sử Trung Quốc biết bao người đã bị “xử” rồi biến luôn như chưa từng có bao giờ.
Bây giờ nói tại sao Hồng Phất bất mãn với chế độ đại Đường. Lý Vệ công là sủng thần bậc nhất triều Đường, địa vị Hồng Phất cũng cực cao, lương tháng hai người cộng lại muốn mua gì chả được, nhưng chẳng được mua gì. Thí dụ đồ lót, lẽ ra nàng có thể chọn đồ sợi bông, tơ tằm, vải pha len, nàng có được cảm giác sở hữu tất cả cho dù chỉ chọn một. Là một người đàn bà, phần lớn cuộc đời là sợi bông, là lụa, là len nhưng nàng chỉ có một chiếc áo ngủ bằng flanen dày màu hồng mặc lên như nằm trong hộp các tông. Không phải là chuyện mua được hay không mua được, nếu không sợ nặng, sợ lạnh, nàng sẵn sàng mua một chiếc áo lót toàn vàng. Nhưng điều quan trọng là nàng không được mua. Theo quy chế đại Đường, nhất phẩm mệnh phụ chỉ được mặc áo ngủ flanen hồng. Áo lại chỉ được may theo một kiểu, kiểu đó cũng do Lý Vệ công thiết kế. Ai bảo ông là người thông minh nhất đại Đường làm gì để ông phải thiết kế thành phố, thiết kế chế độ, thiết kế áo lót đàn bà. Chiếc áo ngủ dài và nặng, có mũ trùm đầu, có sáu túi đựng đồ, phía trước có hai mươi bốn cúc, khó mặc khó cởi. Chiếc áo giống như một cái túi vải kết cấu phức tạp. Mặc cái áo này vào Hồng Phất vòng bụng thước bảy trông chẳng khác gì bà béo ba thước ba. Hồi Lý Vệ công còn sống, mỗi tối mặc cái áo này nàng lại mắng ông một chặp. Lúc đó ông nằm trên giường chỉ mở có một mắt, khi Hồng Phất cởi hết cúc áo, thôi mắng ông mới mở cả hai mắt. Lý Tịnh chết đi, Hồng Phất chẳng còn ai để mắng, thấy sống cũng chẳng nghĩa lý gì, thế là tìm cái chết. Thế mới biết, điều rất không nên làm là chứng minh mình là người thông minh, nó vừa phiền phức cho mình vừa khổ cho vợ. Nhưng Lý Vệ công chỉ chăm chăm chứng minh mình là người thông minh mà không nghĩ đến điều đó. Khi chứng minh được rồi thì hối cũng đã muộn.
7
Khi Lý Vệ công ở Lạc Dương, đằng sau luôn luôn có hai công sai theo sát, ông cảm thấy rất bức bối. Nguyên nhân là lãnh đạo đã biết ông là người thông minh, đối với người thông minh lãnh đạo cũng phải đề phòng phạm pháp. Sau đó ông dồn tất cả sự thông minh của mình vào việc thoát khỏi hai thằng này và đã thành công rực rỡ. Một buổi trưa, ông đến quán ngồi uống rượu giải sầu. Uống say rồi đánh nhau với tay coi quán. Ông là lưu manh cho nên ông đem theo hung khí là chiếc xích có ngạnh, người ta gọi là roi con rết, quật vào xé rách mặt người ta. Lý Vệ công làm điều này không ai tha cho cả. Tất cả các người coi tiệm, đầu bếp, cả chủ tiệm xách dao bầu, đinh ba, then cửa xông lên lầu đánh, khách ăn cũng ném chai lọ. Vệ công không chống nổi nhảy qua cửa sổ rơi xuống nóc nhà bên cạnh. Thế là hỏng bét. Thời nhà Tùy mái chỉ có một lớp ngói, vỡ tan tành. Người chủ nhà ở dưới nhìn lên rất rõ, mọi người xông ra ném tới tấp. Thời nào cũng thế, gạch đắt hơn đất, ngói đắt hơn gạch. Ngói để lợp nhà chứ đâu phải để giẫm lên cho nát vụn như vậy.
Hồi trẻ tôi đi lao động ở Vân Nam đã có làm ngói. Việc này đau đầu nhất là phải dùng đất sét loại hảo hạng, loại đất này chất thành bức tường mà không đổ, sau đó lấy dây cung cắt thành lát mỏng, cuốn thành ống, để khô rồi xẻ làm ba, đó là ngói. Đất và nước phải cho trâu xéo nhuyễn nhiều lần mới làm ngói được, lại phải tránh cho trâu ỉa đái vào, chỉ một chút nước đái trâu là vứt hết. Lý Vệ công say rượu bị vây đánh, ông chạy lung tung trên mái nhà cho nên người vây đuổi ngày càng đông, gây náo loạn cả phố. Nhìn bên ngoài, chuyện xảy ra do Lý Tịnh say rượu gây rối, thực ra không phải. Chẳng qua là vua nào, thời nào và ở đâu cũng thế, không thể chứa nổi một lúc quá nhiều người thông minh. Thí dụ Dương Tố là người thông minh đời nhà Tùy, ông đặt ra chế độ, ông xây thành Lạc Dương, Lý Vệ công ở đó không hòa nhập được, sớm muộn thế nào cũng gây tai họa ở đây và Dương Tố biết trước như vậy. Bởi vì Dương Tố cũng thích hình học nhưng chưa chứng minh định lý Pythagore. Ông thích toán học, phát minh ra “cấp số Dương Tố”, nhưng chưa chứng minh định lý Fermat. Do đó Lý Tịnh khó sống. Thời cổ bung bét thế đấy, có mấy môn khoa học thôi cho nên luôn luôn đụng xe. So sánh mới thấy bây giờ sướng. Các nhân vật lãnh tụ cận đại đều thích triết học, chúng ta làm môn khác là hơn. Bây giờ Dương Tố, Lý Vệ công, Các Mác đều đã chết, tôi nghiên cứu toán học là an toàn. Tôi tuyệt đối không đụng vào kinh tế học, chính trị học, xã hội học, những món đó để cho người có máu mặt.
Chuyện sau đây cho thấy Lý Vệ công thông minh hơn Dương Tố, nhưng đó là khi đã về già: Dương Tố là một nhà toán học giỏi, viết ra những cuốn sách đặt tên mình như “Cấp số Dương Tố”, “Hình học Dương Tố”, kết quả là bị hoàng đế nhà Tùy ghen ghét, nói sách toán của ông có vấn đề chính trị, cấm hết, đến nay không thấy còn bản nào. Còn Lý Vệ công thì viết thành quả của mình vào sách lịch của nhà Đường, tất nhiên dùng những thuật ngữ cực kỳ phức tạp. Thí dụ: có một biến số x, nói thành hoàng thượng, thánh thượng, một biến số y, nói thành mẫu hậu, hoàng hậu, vạn tuế là bình phương, vạn vạn tuế là lập phương, vạn thọ vô cương là hằng số. Theo đó, đa thức 2x 2 + x 3 + c được diễn tả thành: “Hoàng thượng vạn tuế vạn tuế vạn vạn tuế vạn thọ vô cương”. Nếu đa thức đó bằng y thì viết là: “Hoàng hậu, hoàng thượng vạn tuế vạn tuế vạn vạn tuế vạn thọ vô cương”. Tất nhiên còn phải xem văn cảnh thế nào. Cách viết sách toán học như vậy đủ cả tính thực tiễn và tính thẩm mỹ, tất nhiên là không có vấn đề chính trị, sự bất tiện duy nhất là khó hiểu. Tôi biết cái mẹo này và biết toàn bộ tri thức toán học của ông (trừ định lý Fermat) mà đọc sách của ông còn rất vất vả.
Lý Vệ công chạy trên mái nhà, bị dân phố đuổi và ném gạch ngói, mấy gã dân vệ đường phố tưởng là dân làm loạn. Chuyện này do Vệ công gây ra nhưng họ không nhìn lên mái nhà cho nên ông lọt lưới. Họ chỉ nhìn thấy dân phố đang bên dưới thế là cầm gậy xông đến. Dân Lạc Dương rất biết phận mình, thấy dân vệ xông đến không chạy, bị phang gậy không tránh, cứ giơ đầu ra chịu, lần lượt ngã xuống. Có người phát hiện Lý Tịnh chẳng bị đánh gậy nào và chạy mất tiêu rồi. Họ nói với dân vệ như thế nhưng dân vệ không thừa nhận, chẳng có Lý Tịnh nào chạy trên nóc nhà cả. Nếu thừa nhận điều đó nghĩa là thừa nhận nhân viên triều nhà Tùy làm ăn kém cỏi bất lực, tội danh không rõ ràng thì làm lung lay nền tảng chế độ. Nhưng hàng trăm người đã nhìn thấy Lý Tịnh uống rượu say bét nhè chạy trên cóc nhà. Thế là cãi nhau ầm ĩ, số người đã lên đến hàng ngàn, họ vây lấy dân vệ mà hò hét. Phủ quan cử thêm người xuống trấn áp, đám người hò hét đã lên đến hàng vạn. Người ở nhà cũng không chịu ngồi không, đem thùng sắt ra gõ chí chát, cả thành Lạc Dương biến thành hàng lò rèn. Tiếng ồn ào Hồng Phất cũng nghe thấy nhưng vừa gội đầu, tóc nặng quá không ra được. Lý Tịnh cũng nghe thấy nhưng vừa lên giường với Lý nhị nương cũng không tiện ra xem, cũng may, ra thì không còn sống mà về. Ông đoán là có nguyệt thực, người ta sẽ gõ thùng cho đến khi trăng lại sáng mới thôi. Thực ra gõ hay không gõ thì rồi trăng vẫn sáng, gõ thì mệt mà thùng lại bị lõm bị thủng. Cuộc náo loạn đã trở nên dữ dội, các quan trấn áp không nổi, nhà đương cục điều quân đội đến, hàng ngàn binh mã từ bốn cửa thành kéo vào Lạc Dương.
8
Người đời nhà Tùy an phận nhưng cũng có lúc nổi xung vây lấy người nhà quan mà hò hét, chứng tỏ cái đầu hơi ngứa muốn ăn một gậy. Trong nhiều trường hợp người nhà quan có thể thỏa mãn được ý dân chúng nhưng tối hôm đó dân đông thấy người nhà quan không làm gì được, chỉ hò hét thôi chưa thỏa bèn ném gạch đá. Như vậy có nghĩa là cần thêm người nhà quan và thêm gậy. Một người trai tráng có thể đánh băng mười cái đầu, như vậy tỷ lệ quan dân phải cần một trên mười. Khi xảy ra rối loạn, tỷ lệ đó chưa đạt được.
Sẩm tối hôm đó quân đội nhà Tùy hàng ngũ chỉnh tề oai phong hùng dũng tiến vào Lạc Dương trấn áp nổi loạn. Đội quân gồm giáp binh, khinh bộ binh, giáp kỵ, công binh, pháo binh. Thái úy Dương Tố cưỡi voi chỉ huy. Đội quân do Dương Tố thành lập lần đầu ra trận. Đầu tiên là bắn pháo uy hiếp. Pháo cũng do Dương Tố thiết kế, đạn bay đi rồi lại bay về, cho nên không cần đem theo nhiều đạn. Ông hạ lệnh bắn, đạn phạt sạch cây hai bên đường, khi quay lại chui hết vào nhà dân, thế là pháo binh hết đạn phải lùi lại, giáp binh xông lên. Giáp binh của nhà đại Tùy cũng đặc biệt, lính không mang giáp mà có hai người hai bên cầm giáp để che, trông như hai mảnh vỏ hến. Như vậy có lợi là chiến binh không mệt vì mang giáp nhưng dở ở chỗ nếu hai người mang giáp bị gạch đá ném trúng ngã xuống thì anh ta trơ ra như con hến lột vỏ, trông thảm hại và cũng vô hại. Dương Tố lại xua giáp kỵ xông lên. Lính giáp kỵ mặc áo choàng, đầu đội mũ sắt, dân ném gạch đá không hề hấn gì, trong khi ba chục con ngựa dàn hàng xông lên, uy thế thật khủng khiếp. Nhưng đường phố hẹp, những con ngựa hai bên đụng phải nhà thì những con ở giữa cũng dừng lại, để giữ đội hình, thế là kỵ binh lộn cổ xuống trước đầu ngựa. Cuối cùng công binh xông lên phá tan hoang cửa nhà san thành bãi trống, nhưng dân không ra bãi trống mà rút vào các phố hẹp. May mà khinh binh đuổi theo được, dồn dân ra bãi trống. Lính giáp kỵ chĩa dáo dài thẳng vào họ, nhưng đã mấy phen trắc trở trên quãng đường hẹp trước đó cho nên thấm mệt, cầm không nổi cây dáo nặng, khi xông lên mũi dáo toàn chọc xuống đất, cán bật ngược lại, kỵ sĩ bay bổng lên trời rơi xuống làm chết mấy người dân, cũng làm chết cả lính mình. Dân trông thấy vừa cười ha hả vừa chạy tứ tán. Đại quân của Dương Tố trầy trật đến nửa đêm, giết được mấy người dân mà binh mã tổn thất nặng nề. Tất cả đều do Lý Tịnh gây ra, nhưng Lý Tịnh chẳng biết gì. Hôm sau ông ra khỏi nhà thấy cảnh tan hoang, nhà cháy, người chết đầy đường, mùi khét, mùi máu, mùi phân ngựa bốc lên thật kinh hoàng. Mấy người đánh xe đi nhặt xác, ai chết rồi thì ném lên, ai chưa chết hẳn thì gõ cho một cái rồi cũng ném lên, đằng sau có nhiều người cầm chổi, quét vôi ướt lên những chỗ cháy đen, xong rồi lại đi tiếp, quay lại nhìn, một màu trắng xóa, không có người chết, không vết cháy, không một giọt máu. Vệ công chớp mắt, tưởng là trông thấy ảo ảnh, uống rượu nhiều thấy ảo ảnh là thường (không uống rượu thấy ảo ảnh… cũng là thường), cho nên chúng ta quên nó đi thôi.
Dương Tố dẫn quân đi trấn áp, trước nửa đêm gặp trắc trở như đã nói, đến giữa đêm ông vừa mệt vừa bực mình. Ông ra lệnh: giải tán tại chỗ, sớm mai tập hợp rồi cưỡi voi về nhà ngủ. Quân lính nghe lệnh reo lên rồi cởi hết giáp trụ, mặc quần áo lót, tốp năm tốp ba tản vào các ngõ. Cả thành Lạc Dương chìm trong tĩnh lặng, tôi cũng chẳng biết xảy ra chuyện gì. Tôi chỉ biết từ trong khoảng nửa đêm và bốn năm giờ đồng hồ sau đó đàn ông Lạc Dương giảm đi một phần sáu. Đúng mười tháng sau đó số trẻ em tăng vọt và chúng được đặt tên, con trai thì “Đại quân”, “Tiểu binh”…; con gái thì “Lệ quân”, “Phương binh”… và trùng tên nhau rất nhiều. Như thế có nghĩa là bọn trẻ có liên quan đến lính tráng. Có những đứa sinh ra da dẻ lạnh ngắt như bọc thép, không bao giờ ra mồ hôi. Đêm đó Lý Vệ công chẳng hiểu chuyện gì xảy ra mà mọi người trừng trừng nhìn ông, ông cũng trợn mắt nhìn lại. Về đến nhà, không phải hai mà là bốn viên công vụ đang chờ ở cửa, cả bốn đều lạ mặt. Hai người hôm trước không hoàn thành nhiệm vụ đã bị lôi đi chém rồi. Về sau ông lại trốn lần nữa, số công sai tăng gấp đôi, theo nguyên tắc đó, nếu ông trốn mười sáu lần thì số công sai của ông là trên sáu vạn người, tương đương một đội quân hùng mạnh. Đấy là mặt sáng, nhìn thấy được nhưng còn mặt khuất, công sai liên lụy bị chém đầu cũng tương đương con số ấy, những cái đầu rụng chở mười xe tải không hết. May mà ông chỉ thấy mặt sáng.
Lý Vệ công say rượu gây náo loạn làm liên lụy nửa số dân thành Lạc Dương. Tâm trạng của ông không ổn, tôi quy ra vấn đề của lãnh đạo . Kiểu suy diễn này chính tôi thấy kỳ quặc nhưng tôi không thấy có gì là sai. Đó là vì ông và tôi đều là nhà toán học Trung Quốc. Tôi không chứng minh được định lý Fermat là do lãnh đạo chưa quan tâm đúng mức – không có lương cao, không có vợ đẹp, không có nhà ở tử tế, ảnh hưởng đến tinh thần của tôi. Bạn thử nghĩ xem, Lý Vệ công chứng minh định lý Pythagore xong rồi gửi đi đâu? Gửi vào phủ. Nếu không bị trận đòn thì chứng minh xong định lý Fermat ông lại gửi vào phủ. Bây giờ nếu tôi chứng minh được thì tôi cũng gửi cho tạp chí khoa học và cũng gửi cho mấy cơ quan. Thế là có thể ví chúng tôi như Faust ( [3] ) bán linh hồn cho quỷ dữ. Làm được cái gì tốt tôi đưa anh, sống chẳng ra sao tôi trách anh. Tất nhiên tôi cũng tự biết mình còn khoảng cách khá xa với Lý Vệ công. Cho nên tôi tưởng tượng con quỷ dữ ngồi trước mặt tôi cười độc địa nói rằng: Định lý Fermat mày chẳng chứng minh được, ai cần cái linh hồn bầy nhầy ấy của mày! Đem về! (nhưng tôi không hiểu tại sao quỷ dữ lại thích toán, một câu đố tôi chưa giải được)! Đó là lý do tôi chưa dám uống rượu làm càn. Tôi và các đồng nghiệp đều thế, lương thấp, nhà ở tồi tàn nhưng chúng tôi biết thân phận, không dám gây chuyện, vì chúng tôi đã chứng minh ra cái gì đâu. Nhưng Vệ công thì khác, uống rượu gây chuyện là có lý.
9
Tôi cảm thấy tôi có thể thông cảm với Lý Vệ công về nhiều phương diện. Thí dụ bỗng một hôm chẳng ai nói chuyện với tôi nữa, đó là hiện tượng xấu; mỗi tháng tôi nhận được nhiều tiền, đó là hiện tượng tốt; tự nhiên có nhiều cảnh sát bám đít tôi, khó đoán đó là hiện tượng xấu hay tốt. Từ hiện tượng đó mà đoán là tôi đã làm chết nửa số dân thành phố thì tôi không làm nổi. Nhưng mỗi lần tôi thoát ra khỏi sự theo dõi, số người theo dõi tăng gấp đôi và những bộ mặt quen biến mất thì tôi lại phải nghĩ cách thoát thân nữa. Ở phố hàng Rượu tôi có người quen, cô Lý nhị nương xinh đẹp, tôi muốn đến đó gặp cô. Nhưng những viên công vụ mới này không ưa tôi, muốn đánh tôi (thậm chí muốn lột da ăn thịt tôi, nhưng tôi không nhận ra) thì tôi cũng thấy có điều gì không ổn. Trong tình hình ấy tôi phải có cách ứng biến – bởi vì số công sai tăng lên theo cấp số nhân phải tính mưu trước khi hành động, huống chi cái khoản mỗi tháng lĩnh năm mươi lượng bạc là không thể bỏ được – việc đầu tiên là tập cho khỏe vì thời cổ làm việc gì cũng phải dùng sức, chạy phải nhanh như mình có chiếc ô tô xịn, cánh tay khỏe như có khẩu súng lục, vung được quả chùy như có ống phóng tên lửa trong tay. Vì thế sáng nào Vệ công cũng tập chạy, ba mươi hai công sai chạy hai bên như đội lính danh dự, khi ông đánh xà đơn, cả đội vây tròn lại, tập xong ông tắm hơi trong buồng tắm Thổ Nhĩ Kỳ, cả đội áo mũ chỉnh tề vào theo ngồi đó, nóng bức có người ngất. Thế rồi ông đi tìm Lý nhị nương, phải tìm cách cắt đuôi họ, nếu không khi làm tình thì chả lẽ cả đội đứng xếp hàng nhìn như xem phim con heo hay sao. Ông tập tành và tìm cách thoát thân như vậy không có nghĩa là ông có hiềm khích gì với lãnh đạo, ông chỉ càng thêm mưu mẹo mà thôi, rồi chúng ta sẽ biết trời sinh ra ông vốn lắm mưu mẹo thế nào.
Thành Lạc Dương yên ổn trở lại, Hồng Phất chạy ra chơi lại gặp Lý Vệ công nhưng không có dịp nói chuyện vì ông không đi một mình mà còn sáu mươi tư người nữa, đúng là cách tính nhị phân có ma lực thật. Lúc đó thành Lạc Dương đang triển khai cuộc hội thảo quần chúng thảo luận biện pháp trừng trị tên Lý Tịnh đầu sỏ gây rối. Mọi người đều phải đề xuất phương án để chứng minh mình lương thiện – có người đề nghị tùng xẻo ông, có người đề nghị cho năm ngựa xé xác ông, có người đề nghị đem ông đi thiêu lấy tro đúc gạch xây nhà xí, có người đề nghị ném ông vào máy xay thịt cùng năm con lợn béo làm nhân bánh bao cho toàn thành mỗi người một cái. Lãnh đạo tuyên bố sau này phương án của ai được chọn thì người ấy được một khoản tiền thưởng. Ai cũng được yêu cầu đề xuất phương án, chỉ trừ những phần tử không tin cậy. Những phần tử không tin cậy là Lý Vệ công và phường chó dê của ông, kể cả Lý nhị nương ở phố hàng Rượu. Đối với những phần tử này lãnh đạo đã cho người đi đe trước, cho nên ông không biết tin tức gì. Đi trên phố ông chỉ thấy mọi người nhìn ông bằng ánh mắt lạ lùng, không biết rằng mình đã được coi là viên gạch xây nhà xí và nhân bánh bao. Kể ra cũng tội nghiệp, lúc đó ông đang nghĩ một vài vấn đề về phép vi phân vì ông nghĩ chứng minh định lý Fermat được năm mươi lượng bạc mỗi tháng, cú áp-phe ấy cũng tạm được. Nếu mở ra phép vi phân tích phân nữa thì không biết còn được những gì. Lấy tôi làm ví dụ thì thế này: Tôi viết một bài nho nhỏ trên tạp chí khoa học, lấy nhuận bút từ bưu điện nhà trường, cảm thấy sống thế cũng dễ chịu – tuy không có tự do nhưng được kích thích, đang đi nhảy lên xoay ba trăm sáu mươi độ rồi đi tiếp, không hề để ý bí thư chi bộ khoa cau mày nhìn tôi, cũng không nghĩ mấy hôm sau cảnh sát ập tới lôi tôi đến sân vận động vạn người để đấu tố, hoặc lôi tôi đến Lư cầu kiều bắn bỏ – những chuyện như thế không thể xảy ra, điều ấy cho thấy thời tôi sống tốt hơn thời nhà Tùy nhiều lắm – chúng tôi không nghĩ đến điều đó không phải vì thiếu óc tưởng tượng mà vì chúng tôi không phải là Tomas Katai. Chúng tôi là các nhà toán học cho nên tôi nghĩ giá trị của Vệ công không phải để làm gạch hoặc nhân bánh bao nhưng rất khó giải thích với mọi người. Hồng Phất thấy trên mặt viên gạch tương lai không có vẻ gì bi thảm cả bèn vụng trộm nhỏ vài giọt lệ. Lý Tịnh nhìn thấy chợt cảnh giác. Giữa thanh thiên bạch nhật có người nhìn mình mà chảy nước mắt là có chuyện rồi.
Truyện khác cùng thể loại
6 chương
499 chương
16 chương
37 chương
94 chương
5 chương