Thiếp định chàng rồi quyết chẳng buông

Chương 121 : ngoại truyện 6: kiếp này – đại đoàn viên (2)

Lục Nguyên Thù nhìn rõ người tới thì khẽ “a” lên kinh ngạc, ngón tay buông ra, dải lụa đỏ tuột tay bay theo gió, vừa khéo bay về phía Trịnh Hoằng. Trịnh Hoằng nhẹ nhàng đưa tay đón lấy, mân mê trong lòng bàn tay, nhìn cô bé đang vội nghiêm mặt khom người gọi: – Bệ hạ. Cô bé tuy nhỏ người nhưng điệu bộ đâu ra đấy, cậu thở dài như người từng trải: – Đúng là không nhận ra ta rồi, đã bảo đừng gọi ta như vậy mà. Cậu đã không xưng “trẫm” mà cô gọi bệ hạ gì chứ. Dứt lời, cậu cúi đầu tìm gì đó trong tay áo, hình như muốn tặng quà cho cô. Lục Nguyên Thù dè dặt nhìn quanh, hạ giọng gọi thêm tiếng nữa: – Bệ hạ. Tay Trịnh Hoằng đang tìm dở thì dừng lại nhìn cô, đôi môi anh đào của cô hé mở tạo khẩu hình trong im lặng: bệ hạ ca ca. Trịnh Hoằng vui vẻ, quay đầu nhìn thái giám Nghiêm Phúc theo hầu: – Trẫm bảo rồi mà! Nghiêm Phúc nghe vậy cười tít mắt. Trên đường tới Lạc Dương, thánh nhân nói chắc như đinh đóng cột là Lục tiểu nương tử gặp mình nhất định sẽ gọi mình là “ca ca” hệt như trước đây. Tuy Tiểu Nguyên Thù người ta kiêng dè lễ nghi, kiêng dè xung quanh có người nên không dám gọi ra tiếng, nhưng Nghiêm Phúc vẫn giơ ngón cái với Trịnh Hoằng: – Đại gia nhìn xa trông rộng, biết rõ mọi bề. Nói xong, nhìn vẻ mặt hả hê của tiểu hoàng đế, ông ngẩn ngơ nhớ về một cảnh mấy năm về trước. Năm đó tiểu thánh nhân gặp đại nạn cửu tử nhất sinh, nhờ được Đức vương cứu mới có thể về kinh vội vã đăng cơ, suốt quãng thời gian dài ấy, nụ cười chưa bao giờ nở trên gương mặt. Một đứa trẻ 6 tuổi ngồi trên long ỷ, chân với còn chưa chạm đất nhưng thần thái trang nghiêm làm những chuyện mà người lớn chưa chắc làm được. Thánh nhân trưởng thành quá nhanh, nhờ Lục trung thư và các triều thần dưới trướng tiên Đức vương phò tá, ngài nhanh chóng quét sạch dư đảng Bình vương, sửa án cho Nguyên gia, chiêu cáo tội trạng của tiên đế khắp thiên hạ, việc nào việc nấy đâu ra đấy. Trên dưới toàn triều chẳng ai thấy như vậy có gì không đúng. Bởi chẳng ai xem ngài là đứa trẻ. Ngài là thánh nhân của họ, dẫu đôi vai bé bỏng vẫn là người gánh vác giang sơn của Đại Chu. Nhưng Lục trung thư đôi lúc không đành lòng. Những chuyện quá đen tối, quá máu tanh tàn bạo, y đều dẹp đường thay đứa bé ấy. Sau đó không lâu, có lần tra khảo một hình phạm quan trọng trong ngục, thánh nhân sau khi nghe nói liền bảo muốn đích thân theo dõi. Trọng hình thẻ trúc kẹp thân mà cậu nhìn từ đầu đến cuối không chớp mắt, sắc mặt trắng bệch ban đầu dần dần lấy lại màu máu, lúc rời khỏi nhà lao, gương mặt cậu không hề có chút sợ hãi, bước chân trầm ổn vững vàng tựa như có ngàn quân đè nặng. Nhưng Nghiêm Phúc biết, đêm ấy sấm chớp kinh hoàng, thánh nhân gặp ác mộng, nhảy chân trần khỏi giường, khóc lóc chạy khắp nơi, nức nở nghẹn ngào chẳng biết gọi tên ai. Đối với thánh nhân, cha là tội nhân thiên cổ, mẹ đẻ mất sớm, mẹ kế là Lương hoàng hậu thì kể từ khi lựa chọn đưa đệ đệ đi mạo hiểm để cứu Thiều Hòa, bà không còn mặt mũi nào ra dáng mẫu thân trước mặt hoàng đế là cậu nữa. Từ đó, đứa bé ấy ngay cả khóc cũng không tìm được nơi để trốn. Cậu ngơ ngơ ngác ngác bị dòng lũ mênh mông cuồn cuộn đẩy mạnh về phía trước, ép bản thân sớm mang dáng dấp trưởng thành. Trong hai năm đầu, cậu bận đến mức không có thời gian rảnh để cười. Ngay cả Nghiêm Phúc cũng cho rằng, thánh nhân bị ép trưởng thành sớm có lẽ sẽ mãi mãi như vậy: còn nhỏ tuổi mà trầm mặc kiệm lời, khe rãnh khi nhăn mày còn sâu hơn cả khi cười. Thế nhưng sau đó, Lục Nguyên Thù xuất hiện. Hôm ấy, cô bé như sứ trắng như tuyết ngọc được Lục trung thư nắm tay bước tung ta tung tăng xuất hiện. Mắt thánh nhân bừng sáng, khóe môi không kìm được cong lên. Nghiêm Phúc cảm thấy thánh nhân chưa đủ 10 tuổi sao có thể có tình cảm đặc biệt gì với phái nữ, bèn tò mò hỏi cậu cười gì. Thánh nhân đáp mình từng bế cô bé ấy một lần lúc cô bé vừa đầy tháng chưa lâu, nhưng chẳng bao lâu sau Đại Chu rơi vào cảnh mưa gió lầm than. Nghiêm Phúc hiểu, cô bé là đoạn hồi ức bình yên tươi đẹp cuối cùng của thánh nhân trước khi lang bạt. Nhìn cô bé, thánh nhân như nhìn thấy một Đại Chu trong quá khứ được các người lớn dùng vỏ ngoài xinh đẹp bao bọc, chưa bao giờ lộ ra cái mục nát thối rữa bên trong. Nghiêm Phúc nghĩ, có lẽ cô bé có chút đặc biệt với thánh nhân. Những năm tháng sau đó, hễ rảnh là thánh nhân lại lén xuất cung đến phường Vĩnh Hưng gặp cô bé, lần nào cũng mang cho cô bé cả đống quà. Để tránh làm Lục trung thư giận, trước khi đi, cậu luôn chuẩn bị sẵn vài bản tấu chương mang theo để đến thăm với danh nghĩa hay ho là: thỉnh giáo lão sư. Nghiêm Phúc không cảm thấy thánh nhân như vậy là không thỏa đáng, ngược lại ông cho rằng như vậy mới có cảm giác chân thực, mới giống một đứa trẻ chân chính. Có lẽ Lục trung thư cũng nghĩ vậy nên không quá ngăn cản chuyện này, đương nhiên, cũng có lẽ do lễ quân thần nên y không cách nào cố chấp ngăn cấm. Ngược lại, huynh trưởng song sinh của Nguyên Thù là Nguyên Trăn rất không thích thánh nhân tranh sự chú ý của muội muội, cậu nhóc như nghé con không sợ hổ, cứ âm thầm gây khó dễ thánh nhân. Đương nhiên thánh nhân không giận thật, chỉ là hơi không phục, bèn đem quà lấy lòng Tiểu Nguyên Thù: – Sau này muội đừng gọi ta là bệ hạ mà gọi ta là ca ca đi. Nguyên Thù bị quà dụ, quăng ca ca ruột ra sau gáy, ngọt ngào gọi cậu là ca ca. Sau đó có lần Lan Thương huyện chúa nghe được, kinh hãi thất sắc: – Bộ nhà ta có công chúa à? Thánh nhân nói: – Sư mẫu, Nguyên Thù muốn làm công chúa sao? Nếu muội ấy muốn thì con phong cho muội ấy là được. Huyện chúa từ chối, bảo như vậy còn ra thể thống gì, ngài cứ lo học hành thật tốt là được, đồng thời cảnh cáo Nguyên Thù: – Con không được gọi bệ hạ là “ca ca”, nếu thật muốn gọi thì hãy gọi “bệ hạ ca ca” ấy. Lúc đó Nghiêm Phúc cảm thấy huyện chúa đúng là nhân tài, hèn gì sinh được một cô con gái đáng yêu như vậy. Suy cho cùng, Lục gia vẫn rất biết chừng mực, chưa bao giờ kiêu ngạo vì được sủng ái, bởi thế chưa bao giờ lợi dụng thánh nhân, không để Nguyên Thù thành công chúa Đại Chu. Lúc ấy ông hơi tiếc thay Tiểu Nguyên Thù, song theo thời gian thấm thoắt trôi, đến bây giờ thánh nhân 14 tuổi, ông lại cảm thấy may mà trước đây không phong cô làm công chúa. Thánh nhân trưởng thành sớm, chín chắn hơn một thiếu niên tuổi 17 18 nhiều. Có điều hiện tại Nguyên Thù vẫn chỉ là một nụ hoa chưa nở, cậu cũng nhất thời chưa hiểu rõ nên chỉ một lòng đối xử với cô như muội muội. Nhưng theo ánh mắt gian manh của Nghiêm Phúc thấy, chuyện này nhất định không đơn giản, hoặc sớm muộn cũng không đơn giản. Chờ thánh nhân và Nguyên Thù lớn thêm vài tuổi, giữa hai người rốt cuộc có còn là tình cảm huynh muội thuần túy hay không thì chưa biết. Nếu trước đây phong Nguyên Thù làm công chúa, để cô thật sự thành muội muội của thánh nhân thì ngày nào đó khi thánh nhân hiểu rõ sẽ bị quyết định của mình làm tức chết mất. Nghiêm Phúc thất thần chốc lát, thấy Trịnh Hoằng lấy từ tay áo ra một con hổ bằng vải bước tới đưa cho Nguyên Thù: – Cho muội chơi nè. Lục Nguyên Thù đưa tay nhận lấy, nghịch chốc lát mới khó khăn ngước đầu nhìn cậu: – Bệ hạ đến dự tiệc trăm ngày đúng không ạ, thế quà của đệ đệ đâu? Ơ tiểu nha đầu lớn rồi này, làm tỷ tỷ biết đòi phúc lợi cho đệ đệ rồi này. Trịnh Hoằng cong khóe môi cười: – Quà của đệ ấy trong xe ngựa phía sau đấy, yên tâm không thiếu được đâu, đệ đệ của Nguyên Thù chính là đệ đệ của ta mà. Cậu vừa nói xong thì nghe một tiếng hừ lạnh, Nguyên Trăn xuất hiện. Con trai tuổi này vóc dáng vẫn chưa phát triển, Nguyên Trăn không cao hơn Nguyên Thù bao nhiêu, đứng trước mặt Trịnh Hoằng như chú nhóc mà vẫn muốn che chắn muội muội, nói như thể người lớn: – Bên ngoài gió lớn, mời bệ hạ mau chóng vào trong ạ. Một câu bình tĩnh vừa không đắc tội ai vừa ngăn cản muội muội và quân địch giả lập ở cùng nhau. Trịnh Hoằng cảm thấy, so với cậu nhóc năm xưa chỉ biết trét kẹo dính dưới đế giày mình thì Nguyên Trăn giờ đây đã tiến bộ không ít. Có điều nếu muốn so với cậu thì còn xa lắm. Cậu nhướng mày, chắp tay sau lưng nói: – Lão sư chưa mời ta, ta không mời mà tới là thất lễ, nếu cứ vào như vậy e không thích hợp. Nguyên Trăn dẫu sao chỉ mới 8 tuổi, cảm xúc đa phần đều hiện hết trên mặt, vừa nghe vậy liền lộ vẻ vui mừng, toan nói vài lời khách sáo tiễn khách thì Trịnh Hoằng nói: – Có điều nếu Nguyên Trăn đã nói vậy mà ta không vào thì đúng là phụ ý tốt của đệ. – … Mặt Lục Nguyên Trăn tái hơn vài phần. Nghiêm Phúc cảm thấy thánh nhân quá xấu xa, lại đi bắt nạt một cậu nhóc 8 tuổi, ông bèn vội nói với Trịnh Hoằng để hòa giải: – Đại gia, chúng ta vào trong ạ? Trịnh Hoằng gật đầu, nói bâng quơ với ông: – Cũng tốt, đúng lúc dạo này trẫm có chuyện nan giải muốn thỉnh giáo lão sư. Dứt lời, cậu nháy mắt với ông. Nghiêm Phúc nhận được ám hiệu, vội phối hợp hỏi: – Đại gia, là chuyện gì thế ạ? Trịnh Hoằng hài lòng nhưng ngoài miệng lơ đãng đáp: – Trẫm muốn dời đô đến Lạc Dương. Ôi trời, chuyện lớn dời đô mà thánh nhân nói nhẹ nhàng cứ như người bình thường dọn nhà ấy, Nghiêm Phúc bị dọa đến nỗi chân mềm nhũn suýt đi không vững, lúc quay đầu nhìn Lục Nguyên Trăn lần nữa thì mặt cậu bé đã đen đến độ có thể mài ra mực. Mấy đứa trẻ choai choai lần lượt bước vào cổng phủ. Nguyên Trăn giận đến mức im thin thít suốt quãng đường, chỉ có ra sức nắm tay Nguyên Thù mới có thể tìm lại cảm giác huynh trưởng chính thống. Nguyên Thù vô tư, một tay an phận đặt trong lòng bàn tay huynh trưởng, một tay cầm con hổ vải của bệ hạ ca ca chơi. Khi đến sảnh, trước tiên cô bé thưa phụ mẫu, kế đó thưa “cô phụ cô mẫu” Đậu A Chương và Lục Sương Dư, cuối cùng mới hỏi thăm ngoại tổ phụ ngoại tổ mẫu, cả cữu cữu và cữu mẫu khi nào đến. Lời cô bé vừa dứt, ngoài cửa phủ chợt vang lên một tràng tiếng đùng đoàng kinh thiên động địa như tiếng pháo nổ. Cô bé giật mình nhảy lên kêu “á” một tiếng. Trịnh Hoằng phản ứng cực nhanh, bịt tai cô bé nhanh hơn cả Nguyên Trăn bên cạnh, chờ pháo bên ngoài đốt xong mới hạ tay xuống, cúi đầu an ủi cô: – Nguyên Thù đừng sợ, ta ra ngoài xem có chuyện gì nhé. Ghê quá ghê quá. Nguyên Thù bị hoảng sợ, thánh nhân đích thân ra ngoài xem tình hình, thế người trong phòng có thể nhàn rỗi sao? Đương nhiên không thể. Lục Thời Khanh và Nguyên Tứ Nhàn nhìn nhau, Đậu A Chương và Lục Sương Dư nhìn nhau, Nguyên Trăn và Nguyên Thù nhìn nhau, Nghiêm Phúc không có ai để nhìn, đành mắt trái mắt phải nhìn nhau, sau đó cả đoàn người theo sau Trịnh Hoằng ra ngoài. Không ngờ còn chưa đến nơi đã nghe một giọng nam vô cùng phẫn nộ: – Cô Già kia cô nói xem, là tên khốn nào bảo cô rằng người Hán đốt pháo vào tiệc trăm ngày hả?