Trong vòm lưu trữ số 10, Robert Langdon đang săm soi từng chữ trên trang giấy trước mật, miệng lẩm nhẩm các số đếm bằng tiếng Ý. Ngàn… trăm… một hai, ba… năm mươi.. Anh cần những gì liên quan đến các con số. Bất kì thứ gì! Dò đến hết trang, anh dùng con dao lật trang giấy qua một bên. Trong khi gài sẵn lưỡi dao vào trang giấy tiếp theo, Langdon luống cuống, không cầm vững nổi con đao nữa. Mấy phút sau, anh cúi xuống và thấy con dao trong tay đã bị quẳng sang một bên từ lúc nào, anh đang dùng tay để lật các trang giấy. Ôi! Langdon kêu thầm, cảm thấy mình thật không phải phép chút nào. Khả năng kiểm soát bản thân của anh đang giảm đi nhanh chóng do thiếu ôxi. Sau khi chết chắc mình sẽ bị thiêu trong hoả ngục dành riêng cho các nhân viên lưu trữ mật thôi. - Thế có phải tiện hơn hẳn không. - Vittoria thốt lên khi thấy Langdon dùng tay để lật tài liệu. Cô cũng quẳng con dao sang một bên và làm hệt như vậy. - Thấy gì không? Vittoria lắc đầu: - Chẳng có dấu vết nào của toán học cả. Tôi đang đọc lướt đây… nhưng chẳng tìm thấy gì giống đầu mối cả. Langdon tiếp tục đọc xấp tài liệu, cảm thấy mỗi lúc một khó khăn hơn. Khả năng đọc tiếng Ý của anh vốn đã kém, lại thêm chữ viết nhỏ, ngôn ngữ cổ nên rất chậm. Vittoria đọc xong trước, đang lật trang cuối cùng với vẻ thất vọng. Rồi đột nhiên lại đặt tờ giấy xuống để xem xét một cách kỹ lưỡng. Xem xong trang cuối cùng, Langdon vừa rủa thầm trong bụng vừa ngước mắt lên nhìn Vittoria. Cô gái đang nheo mắt, chăm chú nhìn vào một điểm trên trang giấy. - Gì thế? - Anh hỏi. Vittoria không ngẩng lên: - Các trang của anh có chú thích ở dưới không? - Không thấy có. Sao? - Trang này có chú thích. Rất mờ, lại đúng vào chỗ giấy nhàu. Langdon nhìn sang xem cô gái thấy cái gì, nhưng chỉ thấy mỗi số trang ghi ở góc trên bên phải của tờ giấy. Trang 5. Phải sau giây lát anh mới nhận ra sự trùng lặp ngẫu nhiên của con số 5. Trang số 5. Năm, môn đồ của thuyên Pitago, sao năm cánh, hội Illuminati. Langdon băn khoăn không hiểu có phải hội Illuminati đã chọn đúng trang 5 để gài đầu mối vào hay không. Trong ánh sáng màu đỏ sẫm mờ mờ ảo ảo đang phủ trùm lên cả hai người, Langdon chợt thấy lóe lên một tia hi vọng mong manh. - Chú thích đó có phải toán học không? Vittoria lắc đầu: - Chữ viết. Chỉ có một dòng. Khổ chữ nhỏ vô cùng. Gần như không đọc nổi. Hi vọng tiêu tan. - Đáng ra phải là toán học chứ. Ngôn ngữ thuần khiết cơ mà. - Đúng thế, tôi cũng biết thế. - Cô gái lưỡng lự - Nhưng mà rất có thể anh muốn nghe nội dung chú thích này đấy. Vittoria có vẻ khá hào hứng. - Đọc đi! Dí sát mặt vào tờ giấy, Vittoria đọc lo: - Con đường ánh sáng, thử thách linh thiêng. - Con đường ánh sáng à? - Langdon thấy các cơ bắp căng lên. - Lại xem nào? - Con đường ánh sáng, thử thách linh thiêng. Nghe xong, Langdon lại thấy tràn trề hi vọng. Con đường ánh sáng, thử thách linh thiêng. Chưa thể biết ngay dòng chữ này sẽ giúp gì cho họ, nhưng rõ ràng là nó đề cập trực tiếp đến Con đường ánh sáng. Con đường ánh sáng. Thử thách linh thiêng. Đầu óc anh như một cỗ máy phải hoạt động hết tốc lực nhưng lại không được cấp đủ năng lượng. - Dịch chính xác chưa đấy? Vittoria chần chừ: - Thật ra thì… - Cô gái ngước lên nhìn anh, Ánh mắt là lạ: - Thực ra thì tôi không hề dịch. Dòng này viết bằng tiếng Anh. Trong thoáng chốc, Langdon tưởng vòm kính quá kín đã ảnh hưởng đến thính lực của mình. - Tiếng Anh à? Vittoria đẩy tờ giấy tới trước mặt anh, Langdon đọc dòng chữ nhỏ xíu ở lề dưới. Con đường ánh sáng thử thách linh thiêng. - Tiếng Anh à? Tiếng Anh đóng vai trò gì trong một cuốn sách viết bằng tiếng Ý nhỉ? Vittoria nhún vai. Có vẻ như cả cô gái cũng đang cảm thấy choáng váng. - Hay chính tiếng Anh là cái mà họ cho là ngôn ngữ thuần khiết? Nó là ngôn ngữ quốc tế của khoa học mà. Ở CERN chúng tôi chỉ sử dụng mỗi thứ tiếng này thôi. - Nhưng đây là từ thế kỷ 17 cơ mà. - Langdon phản bác. - ở Ý hồi đó làm gì có ai nói tiếng Anh, thậm chí cả… -. Chợt nhận ra điều mình sắp nói, anh ngừng lời. - Thậm chí cả…giới tăng lữ nữa. Trí não Langdon căng ra như sợi dây đàn, và những lời nói của anh mỗi lúc một gấp gấp hơn. - Vào thế kỷ 17, tiếng Anh chính là ngôn ngữ mà Vatican chưa để mắt tới. Họ giao tiếp với nhau bằng tiếng Ý, tiếng La-tinh, tiếng Đức, thậm chí cả tiếng Pháp và tiếng Tây Ban Nha, nhưng trong toà thánh không một ai biết tiếng Anh. Họ coi đó là thứ ngôn ngữ uế tạp nên chỉ phù hợp với những kẻ phàm phu tục tử như Chaucer và Shakespeare. Langdon chợt nghĩ tới bốn phân nhóm của hội Illuminati: Đất, Nước, Khí và Lửa. Truyền thuyết về những cái tên bằng tiếng Anh của các nhóm này bất giác trở nên sáng rõ lạ kỳ. Anh cho rằng tiếng Anh được Galileo coi là ngôn ngữ thuần khiết là vì Vatican không sử dụng ngôn ngữ này à? - Đúng thế. Hoặc là bằng cách dùng tiếng Anh để chỉ đầu mối, Galileo muốn bịt mắt Vatican một cách kín đáo. - Nhưng có thấy đầu mối nào đâu. - Vittoria không đồng tình. - Con đường ánh sáng, thử thách linh thiêng. Câu này có ý nghĩa quái quỷ gì vậy? Đúng thế thật, Langdon ngẫm nghĩ. Dù sao thì dòng chữ này cũng chẳng mang lại lợi ích gì. Nhưng rồi anh chợt nhận ra một chi tiết kỳ lạ khi lặp đi lặp lại những từ ngữ ấy trong đầu. Lạ thật, Langdon nghĩ. Nếu thế thật thì sao đây? - Phải ra khỏi đây ngay. - Vittoria nói, giọng hổn hển. Langdon chẳng nghe thấy gì. Con đường ánh sáng, thử thách linh thiêng. - Đây là một dòng thơ ngũ âm viết theo nhịp Iambic 1. Bất thình lình anh nói lớn. - Năm cặp gồm những âm có trọng âm và không có trọng âm. Vittoria không hiểu: - Iambic là thế nào? Trong thoáng chốc, tâm trí Langdon chợt trở về với những buổi sáng chủ nhật ngồi trong lớp học Anh ngữ tại Học viện Phillips Exeter. Địa ngục trần gian. Hôm đó ngôi sao bóng rổ của trường Peter Greer không thể nào nhớ được những cặp âm cần thiết trong một dòng thơ viết theo thể Iambic của Shakespeare. Thầy Bissel, một giáo viên rất nhiệt tình và sôi nổi, đã nhảy lên bàn và gào to lên: - Greer, năm âm tiết! Hãy nghĩ đến những cái đĩa trong chạn bát nhà em mà xem! Lầu Năm góc! Năm cạnh! Năm! Năm! Năm! Thế! Năm cặp âm, Langdon nhớ lại. Theo định nghĩa thì mỗi cặp có hai âm tiết. Không ngờ sự nghiệp của anh lại dựa trên những liên tưởng kỳ lạ đến vậy. Iambic là một thể thơ rất cân đối dựa trên hai con số thiêng của hội Illuminati: số 5 và số 2! Tìm thấy rồi! Langdon muốn gạt ý nghĩ ấy ra khỏi tâm trí. Chỉ là sự trùng lặp ngẫu nhiên thôi mà! Nhưng nó vẫn cứ bám lấy anh. Năm… liên quan đến Pitago và ngôi sao năm cánh. Hai… chỉ sự tồn tại song song của mọi hiện tượng. Trong thoáng chốc, một ý nghĩ nữa khiến Langdon sững sờ. Thể thơ Iambic, do sự đơn giản của nó, vẫn được mệnh danh là thể thơ thuần khiết. Ngôn ngữ thuần khiết? Không lẽ đây chính là ngôn ngữ thuần khiết mà hội Illuminati vẫn nhắc đến? Con đường ánh sáng, thử thách linh thiêng… - Chà chà. - Vittoria thét lên. Langdon quay lại và thấy cô gái đang xoay ngược tờ giấy. Langdon chột dạ. Lại nữa à? - Câu thơ này không thể là biểu tượng đối xứng hai chiếu được đâu! - Không, không phải biểu tượng đối xứng hai chiều… nhưng mà… - Cô gái tiếp tục xoay xoay tờ giấy theo những góc vuông. - Cái gì thế! Vittoria ngẩng lên: - Đó không phải là dòng thơ duy nhất. - Còn dòng nữa à? Mỗi lề có một dòng. Trên, dưới, phải, trái. Có vẻ là một bài thơ. - Bốn dòng à? - Langdon xúc động đến nỗi nổi cả gai ốc. Galileo là nhà thơ ư? - Để tôi xem nào. Vittoria không chịu rời tờ giấy. Cô vẫn tiếp tục xoay tờ giấy theo những góc 90 độ. - Ban nãy tôi không nhìn thấy là vì chúng được in ở ngoài lề. - Cô gái dí sát mặt xuống tờ giấy - Chà, anh biết không, Galileo không tự viết những vần thơ này đâu. - Cái gì? - Thấy có chữ ký của John Milton. - John Milton à? Nhà thơ nổi tiếng người Anh, người đã viết tuyệt tác Thiên đường đã mất là người cùng thời với Galileo, và là người đầu tiên trong danh sách những người bị tình nghi có dính líu đến Illuminati. Từ lâu Langdon đã cho rằng những giai thoại về mối liên hệ giữa Milton và hội Illuminati của Galileo là đúng. Milton không những đã hành hương đến Rome năm 1638 để "tiếp kiến những người khai sáng", một chuyến đi được rất nhiều người biết tới mà ông còn có những buổi gặp gỡ với Galileo trong suốt thời gian nhà khoa học vĩ đại này bị giam lỏng tại gia. Những cuộc gặp này đã được ghi lại trong các bức hoạ Phục Hưng, đặc biệt là bức Galileo và Milton của Annibale Gatti hiện vẫn được trưng bày tại bảo tàng IMSS ở Florence. - Milton có biết Galileo, phải thế không? - cuối cùng thì Vittoria cũng chịu đưa cho Langdon tờ giấy. - Biết đâu vì lòng ái mộ mà ông ấy đã viết tặng Galileo bài thơ này. Môi bặm lại, Langdon đón lấy tờ giấy. Đặt trang giấy phầng phiu trên mặt đất, anh bắt đầu đọc dòng thơ ở lề trên. Rồi quay tờ giấy 90 độ, anh đọc hàng chữ in dọc theo lề phải. Xoay một lần nữa, anh đọc hàng chữ ở lề dưới, và cuối cùng là lề trái. Tất cả có bốn dòng. Dòng đầu tiên Vittoria phát hiện được thực ra là dòng thứ ba của bài thơ. Kinh ngạc đến sững sờ, anh đọc đi đọc lại bốn dòng chữ, xoay theo chiều kim đồng hồ: trên, phải, dưới, trái. Đọc xong, Langdon thở phào. Không còn nghi ngờ gì nữa. - Cô đã tìm ra, thưa cô Vetra. Cô gái khẽ cười: - Bây giờ chúng ta ra ngoài được chưa? - Tôi phải chép lại những dòng này cái đã. Cần phải tìm một cái bút chì và một tờ giấy. Vittoria lắc đầu: - Quên ý nghĩ đó đi thôi, thưa giáo sư. Làm gì có thời gian mà chép. Chuột Mickey đang kêu tích tắc kia kìa. - Cô gái giằng lấy tờ giấy trên tay Langdon và lao ra ngoài. Langdon đứng phắt dậy: - Không được mang tờ giấy ra ngoài! Làm thế thì… Nhưng Vittoria đã ra khỏi vòm kính. --- ------ ------ ------ -------1 Iambic: Một kiểu nhịp điệu trong văn vắn tiếng Anh gồm có sự xen kẽ giữa những âm tiết có trọng âm và không có trọng âm trong một dòng thơ.