Thiên quan song hiệp

Chương 152 : Bi sảng chi cổ

Lăng Hạo Thiên ở lại Thiếu Lâm Tự mấy ngày đã đến trung tuần tháng chín, không còn cách ngày mười tám tháng mười bao lâu. Y biết mình không có dũng khí đến hỷ đường dự lễ nên không về nhà. Thanh Triệu và Thanh Thánh phương trượng lo lắng cho nội thương của y, thay nhau đến giúp y vận khí liệu thương. Y đang lúc chán nản, không quan tâm lắm đến nội thương, nhưng cũng không từ chối họ giúp đỡ. Nội thương vừa đỡ, y cả ngày ngồi dưới gốc cổ tùng, ngây ngô nhìn Thiếu Thất sơn cho đến lúc chạng vạng. Thông Bảo đến hỏi: “Lăng tam công tử có cần uống thuốc không?” Y lắc đầu, Thông Bảo mười phần lo lắng: “Công tử từ sáng đến trưa không ăn gì, không đói sao?” Y lại lắc đầu. Thông Bảo không khuyên được, đành thở dài: “Lúc nào công tử đói, cứ gọi tiểu tăng.” Thông Bảo đi khỏi không lâu, y nghe thấy tiếng chuông khánh, tiếng mõ vang lên, biết ngay tăng chúng tụng kinh tối, mới đứng dậy đi về đại điện. Y đứng ngoài nghe năm trăm tăng nhân đồng thanh tụng niệm kinh văn, từ kinh Bát Nhã, kinh cầu đảo, kinh Viên Giác cho đến kinh Lăng Nghiêm, chợt nghe thấy trong lời kinh Viên Giác có một câu: “Người hiểu lòng ta, ta nhớ mặt người, cũng là nhân duyên, dù trăm ngàn kiếp vẫn quấn quýt nhau” bất giác chấn động, lòng giác ngộ xen lẫn chua xót, liền nhắm mắt chắp tay lắng nghe. Chúng tăng lại tụng sang kinh Lăng Nghiêm, vang vọng khắp sảnh đường: “Đấng diệu trạm tổng trì bất động Kinh Thủ Lăng Nghiêm đời ít có Con sạch ức kiếp tưởng điên đảo Chẳng trải tăng-kỳ được Pháp thân. Nay nguyện được thành quả Bảo vương Trở lại độ như hằng sa chúng Đem thâm tâm này thờ trần sát Đây mới gọi là đáp Phật ân. Lại xin Thế Tôn vì chứng minh Đời ác ngũ trược thề vào trước Còn một chúng sinh chưa thành Phật Con quyết nơi đây chẳng Niết-bàn. Đấng đại hùng đại lực đại từ bi Mong lại xét trừ hoặc vi tế Khiến con sớm được Vô thượng giác Nơi cõi mười phương ngồi đạo tràng. (Dịch: Hòa thượng Duy Lực)” Y mặc lòng chìm trong lời kệ, nhất thời quên cả bản thân. Giờ đọc kinh kết thúc cũng gần nửa đêm, tăng nhân nối nhau rời đại điện, có người về thiền phòng tĩnh tọa, có người ra hậu viện luyện công, có người vội vàng làm việc riêng. Trong óc y vang vang tiếng chúng tăng tụng niệm, trong lúc lơ đãng đến cạnh lầu trống phía tây, ngẩng lên thấy tăng nhân Linh Vi chuẩn bị đánh trống, trong lòng y máy động, nhảy lên lầu nói: “Để tại hạ.” Linh Vi ngây người nhưng vẫn đưa mộc chùy ra. Y đứng trước trống, ngưng thần bình tâm, hít sâu một hơi, khoa mộc chùy một vòng quanh trống rồi giáng xuống. Ban đầu tiếng trống trầm trầm, về sau nhanh dần, vang xa, lúc nhanh như cuồng phong ào ạt, mưa đổ rào rào, lúc vang như sóng vỗ bờ cát, sấm mùa xuân ì ùng trên không, lúc trầm như chạm vào nỗi đau trong lòng, giãi bày mọi ngọt đắng của thế gian, lúc chậm như lắng lòng suy xét, đánh thức mỗi người giác ngộ. Tiếng trống lặp đi lặp lại mấy lần, rung động lòng người. Năm trăm tăng chúng trong chùa đều ngừng lại lắng nghe, có người cảm giác tâm thần chấn nhiếp, nhập vào tiếng trống, có người nội lực dâng tràn, cũng có người chìm vào bi khổ, nước mắt ròng ròng. Tiếng trống của Lăng Hạo Thiên mang theo nội lực hồn hậu cùng tâm cảnh bi thương, hàm chứa giác ngộ khổ tận cam lai, xuất thế thăng hoa, nhìn thấu hồng trần. Thiếu Lâm tăng chúng nổi danh thiên hạ về võ công thiền tu, đều bị cuốn theo tiếng trống, tâm thần cả chùa gửi hết theo từng hồi trống rung. Mọi tự miếu trong vòng mấy chục dặm đều nghe được, ai nấy ngưng thần lắng nghe, như si như say. Lăng Hạo Thiên đánh trống suốt nửa thời thần, gõ thêm một hồi vang vọng rồi dừng. Toàn thân y đẫm mồ hôi, nhắm mắt điều tức, trước mặt tựa hồ hiện lên cảnh mũ phượng rạng rỡ, hoa chúc sáng chói. Y bước xuống lầu trống, chỉ thấy hai chân mềm nhũn, lòng đau như kim châm, thở dài một tiếng quay về phòng. Chúng tăng trong chùa thắc mắc ai là người đánh trống, được Linh Vi cho biết, tất thảy đều bái phục. Đêm đó Lăng Hạo Thiên không tài nào nhắm mắt, ngơ ngẩn ngắm vầng trăng ngoài song cửa, đầu óc rối như tơ vò. Mới giờ dần, trời chưa sáng hẳn, tăng chúng đã đánh chuông. Suốt một ngày một đêm y không ăn không uống, cũng không chợp mắt, bất giác đến hành lang phía đông, thấy một lão tăng cao gầy đang cầm dây gióng chuông, một tay dựng trước ngực, gióng mộ tiếng chuông lại niệm một câu “Khấu chung kệ”: “Nguyện để tiếng chuông lan khắp pháp giới, mọi chốn u tối đều nghe thấu, rũ rạch bụi trần lòng thông suốt, tất thảy chúng sinh thành chính quả. “Hồng chung rung lên, ngân vang bảo kệ, vươn lên thiên đường, thông xuống địa phủ. “Trên chúc đương kim hoàng đế, cai quản càn khôn; dưới có văn võ bá quan, phúc đức đầy nhà. “Trong tam giới tứ sinh, đều thoát luân hồi, cửu u thập loại không sa vào bể khổ. “Mưa gió bão bùng không gây tai họa, ruộng đồng trải khắp, trù mật như thời Nghiêu Thuấn. “Nạn đao thương vĩnh viễn không còn, nơi trận địa hóa thành đất lành. “Muông thú không sa bẫy, lãng tử nơi xa sớm về quê hương. “Vô biên thế giới, trời đất dài lâu, đàn việt gần xa tăng thêm phúc thọ, “Tam môn yên tĩnh, Phật pháp rỡ ràng, thổ địa long thần, chung sức che chở. “Phụ mẫu sư trưởng, lục thân quyến thuộc, tổ tiên các đời, cùng sang cực lạc.” Y nghe đến câu “lãng tử nơi xa sớm về quê hương”, tâm thần chợt rúng động, gục xuống khóc nức nở. Hôm đó y đến phòng Thanh Thánh xin được cắt tóc. Thanh Thánh phương trượng nhắm mắt ngẫm nghĩ một hồi: “Lăng tam công tử, lão nạp nghe tiếng trống của công tử đánh đêm qua biết công tử tuệ căn sâu nặng, Phật duyên thâm hậu. Nhưng hai chữ tình nghĩa trong lòng công tử ăn sâu, lại là người của hồng trần, lão nạp không muốn công tử xuất gia. Trên giang hồ còn nhiều việc đợi công tử hoàn thành.” Lăng Hạo Thiên lặng lẽ lắng nghe, biết Thanh Thánh nói không sai, liền bái biệt rồi một mình rời khỏi Thiếu Lâm Tự. --- Xem tiếp hồi 152 ---- Bi sảng chi cổ = Tiếng trống thê lương