Thiên quan song hiệp
Chương 10 : Thanh bang lương thuyền
Triệu Quan cầm sào đẩy con thuyền sang bờ bên kia, rẽ vào một con lạch nhỏ xíu. Hai bên bờ lạch toàn là những ngôi nhà thấp lè tè lợp ngói đen, chính là nơi dân cư sinh sống nổi danh thiên hạ của Tô Châu. Nhà nào trông ra bờ sông đều có thủy môn, cạnh mỗi thủy môn lại có buộc hai ba con thuyền nhỏ. Triệu Quan cho thuyền chạy ngoằn ngoèo một hồi, luẩn quẩn trong lạch, thoáng sau Vưu Tuấn đã hoàn toàn mất phương hướng. Y đâm ra nghi vấn: “Còn chưa tới sao?”
Triệu Quan đáp: “Sắp đến rồi. Ồ, ngươi nhìn hộ ta xem cuối con lạch này có phải có một ngôi miếu nhỏ không?”
Vưu Tuấn thò đầu ra xem, quả nhiên thấy ở đằng xa có mấy ánh đèn đo đỏ, đáp: “Hình như thế.”
Triệu Quan nói: “Ngươi nhìn kỹ chưa? Không sai chứ?”
Vưu Tuấn dõi mắt nhìn, đáp: “Trước cửa có một cái lư lớn, không sai, đích xác là một ngôi miếu vũ.”
Y nhận ra con thuyền đứng im không nhúc nhích liền hỏi: “Ở đó sao?” Quay đầu lại mới nhận ra trên thuyền còn có mỗi mình, nam hài không biết đã đi đâu mất.
Vưu Tuấn đại nộ, đứng lên phóng mắt nhìn tứ phía nhưng trong con lạch tối om, dân cư hai bên yên tĩnh vô cùng, nào có thấy bóng dáng nam hài ở đâu? Y giơ tay định cầm sào thì thấy con sào đang lềnh bềnh cách đó mười trượng, như thể bị nam hài cố ý quăng xuống nước. Vưu Tuấn loay hoa loay hoay, vừa vội vừa giận, chỉ đành giậm chân đứng lại trong thuyền, rủa thầm tiểu nam hài gian hoạt vô bỉ, rõ ràng chỉ là một tên tiểu đồng trói gà không chặt vậy mà có thể đùa bỡn y thảm thương.
Triệu Quan từ bé đã sinh trưởng ở Tô Châu, cực kỳ quen thuộc với những con lạch phụ cận, lần này lừa đưa Vưu Tuấn lọt vào trong con lạch rắc rối có chín khúc quanh, mười tám ngã rẽ rồi nhảy lên bờ, lẩn vào một gian nhà ngói mà tẩu thoát.
Nó chạy trở lại bờ sông phía sau Yên Thủy tiểu lộng, thấy bọn Lục lão lục đã bỏ đi bèn nhảy xuống một con thuyền nhỏ, chèo đến bên mạn đại thuyền Thanh Bang, bám vào dây buồm mà leo lên thuyền. Nó ngồi chồm hỗm trên sàn thuyền, thấp giọng gọi: “Hàm Nhi, muội ở đâu? Huynh là Triệu Quan đây.” Một bóng đen từ góc thuyền mò ra nói: “Muội ở đây. Huynh không sao chứ?”
Triệu Quan cười: “Hảo ca ca của muội không sao. Tên trọc khốn kiếp đó bị huynh lừa đi rồi.”
Dưới ánh trăng, Hàm Nhi thấy mũi nó sưng phồng, chắc bị đánh rất đau, nước mắt liền chảy dài. Cô bé vừa tận mắt thấy Triệu Quan thà bị đánh đập cũng không chịu nói ra chỗ mình ẩn nấp, trong lòng vạn phần cảm kích, cảm giác hảo ca ca là người tốt nhất trên đời, có gọi một trăm tiếng hảo ca ca cũng không đủ đền đáp, vừa khóc vừa nói: “Vì sao huynh lại tốt với muội như thế?”
Triệu Quan cười: “Vì muội là thân nhân của ta, ta tự nhiên phải che chở cho muội rồi.”
Hàm Nhi thấy môi nó rách toạc, lúc nói làm động đến khóe môi hình như rất đau, khóc tỉ tê: “Huynh đừng nói nữa, để muội lau mặt cho huynh.”
Cô bé lấy khăn tay ra, nhúng nước rồi nhẹ nhàng lau sạch những vết máu trên mặt Triệu Quan. Thấy khuôn mặt dễ coi của nó bị đánh đến nỗi nổi khối tím xanh, lòng đau như cắt, vừa lau vừa chảy nước mắt.
Lúc trước Triệu Quan bị Vưu Tuấn đánh đập tàn nhẫn, mới đầu không có cảm giác gì, hiện giờ cảm thấy toàn thân đau như dần, mắng chửi: “Con mẹ nó, có ngày ta sẽ trả lại hắn trận đòn này.”
Nó thấy Hàm Nhi khóc mãi, cười nói: “Người đau là ta, muội khóc cái gì?” Rồi lấy một gói nhỏ từ trong ngực ra, chính là điểm tâm của Tình Phong Quán, bảo: “Vừa nãy muội không có lòng dạ nào ăn uống, giờ có đói không?”
Hàm Nhi quả đã đói ngấu rồi, nhón lấy một miếng thiên tầng cao, cắn một miếng rồi nói: “Sao huynh không ăn?”
Triệu Quan đáp: “Ta và muội không có gì không chia sẻ được. Muội thấy ta bị đánh thì đau lòng đến rơi lệ; ta thấy muội ăn là bao tử đã no rồi.” Hàm Nhi nghe nó hồ thuyết bát đạo mà không cười nổi.
Triệu Quan ngắm cô bé ăn điểm tâm, đột ngột kể: “Hơn một năm trước, có một tiểu cô nương không chịu nổi đày đọa của Lộng Nguyệt Lâu đã nhân lúc trời tối trốn đi. Sau đó bị bắt về, bị Tôn má má đánh cho sống dở chết dở. Ta có gặp qua tiểu cô nương đó, lớn lên chắc rất đẹp, tuổi cũng xấp xỉ muội. Tôn má má đó nổi tiếng bạo ngược, luôn tâm ngoan thủ lạt với những cô nương dưới tay. Tiểu cô nương đó bị bắt về không đầy một tháng thì treo cổ tự sát.” Đoạn thở dài.
Từ lúc gặp Triệu Quan đến giờ, Hàm Nhi chỉ thấy y luôn liến thoắng, luôn mồm bỡn cợt, đây là lần đầu tiên được nghe nó nói mấy lời đường đường chính chính. Cô bé tỉnh ngộ: “Nguyên lai huynh ấy muốn cứu mình, chắc huynh ấy sợ mình cũng sẽ giống như tiểu cô nương kia.” Trong lòng cảm động, cô bé hỏi: “Tôn má má đó vì sao lại ác độc với tiểu cô nương như vậy?”
Triệu Quan giải thích: “Bà ta muốn tiểu cô nương học tập cách tiếp khách, tiểu cô nương không chịu nghe lời, không giúp bà ta kiếm tiền nên bị bà ta đánh chửi.”
Hàm Nhi lại hỏi: “Tiếp khách là gì? Là tiếp đãi khách nhân ư?”
Triệu Quan sinh trưởng ở kỹ viện, tất nhiên hiểu rõ những ngoắt ngoéo chốn buôn hương bán phấn, dầu sao nó còn nhỏ, đối với chuyện nam nữ còn chưa hiểu tí gì, giờ Hàm Nhi không hiểu nhưng không biết giải thích thế nào cho hợp nhẽ, đành lấp liếm: “Những chuyện như thế muội không biết thì tốt hơn. Tóm lại là Tôn má má chỉ là loại người cầu lợi, trong mắt có mỗi kim tiền, không đối đãi với cô nương dưới tay giống như với con người. Chiều khách chỉ cốt moi tiền, khách yêu cầu gì cũng sẽ đáp ứng.”
Hàm Nhi tuy không minh bạch nhưng cũng biết chuyện đó mười phần đáng sợ. Cô bé suy nghĩ rất lung một lúc rồi hỏi: “Nhà huynh là Tình Phong Quán à? Người trong nhà huynh thì thế nào?”
Triệu Quan đáp: “Tình Phong Quán nhà huynh tất nhiên phải khác. Mẹ huynh là Tình Phong Quán chủ Lưu Thất Nương, luôn chiếu cố hết mức cho các cô nương dưới tay. Nếu các cô nương không muốn gặp bất cứ vị khách nào, mẹ đều có cách bảo hộ, không để họ bị khinh khi. Viện nhà huynh nổi danh ở Tô Châu bao nhiêu năm nay, hiệu xưng Giang Nam đệ nhất danh viện, không phải chỉ có hư danh đâu.” Lời lẽ hết sức kiêu ngạo.
Hàm Nhi nói một cách nhẹ tênh: “Muội cứ đến nhà huynh cũng được.”
Triệu Quan cười hỏi: “Ô là la, sao thế, Chu đại tiểu thư không muốn về nhà sao?”
Hàm Nhi ngẩn ra: “Muội đương nhiên muốn về nhà. Nhưng muội…muội làm thế nào mà về được?”
Triệu Quan nói: “Huynh có chủ ý thế này. Thuyền vận lương này đang lúc ngược bắc tiến kinh nộp lương thảo. Chúng ta cứ trốn trên thuyền, bám càng về đến kinh thành.”
Hàm Nhi đại hỉ, vỗ tay hoan hô: “Hay quá, hay quá!”
Triệu Quan cười nụ nhìn cô bé hoan hỉ, nó biết sự tình không dễ dàng thế được. Thuyền vận lương này là của Thanh Bang, nhiệm vụ vận lương lại cực kỳ nghiêm cẩn, làm sao dung nạp cho hai hài đồng đi nhờ thuyền? Nhưng lúc đó nó thấy đầu đau như muốn nứt ra, tự nhủ ngày mai nghĩ cách cũng không muộn, bèn nhắm mắt lại, nằm xuống sàn thuyền ngủ say sưa. Hàm Nhi ngồi cạnh cậu bé, lòng nghĩ đến chuyện vài hôm nữa sẽ về đến nhà nên vui sướng vô cùng, không lâu sau cũng ngủ thiếp đi.
Trời còn chưa sáng, Hàm Nhi đã bị Triệu Quan lay tỉnh, trong lúc mơ mơ hồ hồ nghe Triệu Quan nói: “Thuyền sắp đi rồi, chúng ta mau nấp đi.” Rồi kéo cô bé lom khom đi ra cửa khoang thuyền toan mò vào trong đó.
Trong khoang rặt những bao dệt bằng đay rất lớn chất chồng, hoàn toàn không có kẽ hở. Triệu Quan kéo Hàm Nhi cố lách vào, vào được trong khoang thì cũng tìm được một chỗ có thể miễn cưỡng dung thân trên một chiếc bao lớn. Triệu Quan dụng lực đẩy mấy cái bao lớn ra, lại kéo hai cái bao nhỏ che kín lối vào, khoảng không này trở thành một căn phòng nho nhỏ, vừa dủ cho hai hài tử ngồi tựa vai vào nhau.
Trong khoang cực kỳ ngột ngạt, Triệu Quan thấp giọng: “Bây giờ trời còn sớm, muội ngủ thêm chút nữa đi. Chốc nữa huynh sẽ ra ngoài lấy đồ ăn sáng cho muội.” Hàm Nhi gật đầu nhưng trong lòng khẩn trương, không ngủ lại được.
Trời vừa sáng, đã nghe trên boong thuyền có tiếng người hô lớn, giục nhổ neo lên đường. Chiếc thuyền từ từ di động, xuôi theo dòng sông. Triệu Quan cùng Hàm Nhi nhìn qua kẽ nứt của ván thuyền, thấy hai đại thuyền nữa cũng bắt đầu khởi hành, xung quanh đó cũng có những đại thuyền tương tự, phải đến hơn mười chiếc, thuyền nào cũng lặc lè những bao lớn dệt bằng đay. Hàm Nhi chưa từng thấy qua tình cảnh này, cảm thấy mới mẻ vô cùng.
Lúc này đang tiết tháng ba ấm áp, chính là thời tiết lý tưởng để vận chuyển lương thảo. Từ cuối triều Minh, việc vận chuyển lương thảo bằng đường sông đều do quân đội chuyên trách đưa đến kinh thành, duy chỉ có “bạch lương” do năm phủ ở Giang Nam Tô Châu, Tùng Giang, Thường Châu, Gia Hưng và Hồ Châu thu nạp là dân gian vận chuyển. Lương thảo trên những thuyền này chính là loại gạo tám và gạo nếp trắng tinh chất lượng thượng đẳng do hai mươi tư huyện của một trong năm phủ làm ra, chuyên cung cấp cho cung đình, Tông nhân phủ cùng bách tính kinh sư hưởng dụng, được gọi là “thượng cung ngọc thực.” Mỗi năm ngũ phủ phải thu nạp chừng hai mươi vạn thạch bạch lương, các châu huyện thu lương thảo xong thì các thuyền đội tự lập thành bang, đồng loạt lên đường, gọi là “khai bang khởi vận.” Nhân vì trên chặng đường ngược lên phía bắc dài ba ngàn dặm phải qua nhiều đoạn hiểm trở, tai nạn sóng gió, thổ hào cướp bóc, đường đi cực kỳ gian nan, hung hiểm. Các thuyền đội muốn tương trợ, chi viện, chiếu cố lẫn nhau nên hợp thành Thuyền bang, là một bang hội bí mật trong dân gian, còn gọi là Thanh Bang (xem lời chú thích của tác giả). Sau triều Minh việc vận chuyển lương bằng đường thủy lỏng lẻo dần, Thanh Bang bắt đầu chiếm lĩnh phi pháp phương thức vận tải thủy. Sáu tỉnh còn duy trì việc vận chuyển lương bằng đường sông, tức là những tỉnh phía nam gồm Chiết Giang, Giang Tây, Hồ Quảng, Hà Nam cùng Sơn Đông, phần lớn đều do thuyền và bang chúng Thanh Bang đảm nhận, thậm chí một phần vận chuyển đường biển từ Sơn Đông đến Thiên Tân (còn gọi là Già dương vận) cũng do hải thuyền Thanh Bang bao luôn. Vì thế, bang chúng Thanh Bang đông đảo, thế lực lớn, năm Gia Tĩnh đạt đến cả vạn người, là bang hộ bí mật lớn nhất đương thời.
Tô Châu phủ là phủ giàu thứ hai Giang Nam, số bạch lương phải đảm trách càng lớn, mỗi năm thu cho kinh sư năm vạn thạch. Bây giờ thuyền đội lên đường từ Tô Châu phủ gồm một trăm mười bảy chiếc, hoành tráng hết mực, cực kỳ tráng quan. Lúc nhỏ Triệu Quan thường thường trốn ra bờ sông xem thuyền vận lương lên đường, lĩnh bang đầu mục của Thanh Bang đứng tại mũi chiếc thuyền đi đầu, phất lá đại kỳ màu xanh, hạ lệnh một tiếng là cả trăm đại thuyền đồng thời giương buồm khởi hành, uy phong vô cùng. Tháng bảy, đại thuyền sẽ đến kinh thành, giao nộp bạch lương xong xuôi, tiện thể chở các loại hàng hóa, sản vật phương bắc về nam, chừng giữa tháng mười sẽ về đến Tô Châu. Lúc đó sẽ mở một chợ lớn bán hàng hóa phía bắc, truyền đạt tin tức, náo nhiệt phi phàm.
Triệu Quan thi thoảng được nghe những hán tử đi theo thuyền kể lại những kiến văn tân tiến thu nạp được sau khi thuyền đội rời Tô Châu, sinh lòng ngưỡng mộ nhưng chưa từng có ý định bám theo thuyền đội lên phương bắc một phen. Lần này tấu xảo lên thuyền vận lương, nó đã toại nguyện, chắc mẩm lúc li khai Tô Châu sẽ được khai nhãn giới nên rất mực cao hứng.
[Lời chú của tác giả: Trong thực tế, Thanh Bang hay Tào Bang mãi đến năm Ung Chính triều Thanh mới thành lập. Lúc đó, Thanh triều muốn tăng cường vận tải thủy, treo bảng chiêu hiền, để công tác vận tải đường sông cho dân gian đảm nhận, tổ chức dân gian coi vận tải sông làm hoạt động chính yếu được gọi là Tào Bang. Do bang chúng dùng vải bố xanh quấn lên đầu mà được gọi là Thanh Bang. Trước thời Ung Chính, bang hội này không hề tồn tại. Từ giữa triều Minh, việc vận chuyển bốn trăm vạn thạch lương thảo bằng đường sông từ sáu tỉnh đều do quân đội quốc gia chuyên trách, gọi là “Vận quân”; duy có số lượng hai mươi vạn thạch bạch lương thủy chung vẫn do dân gian vận chuyển. Còn chuyện các thuyền đội vận chuyển bạch lương ở triều Minh kết thành bang phái hay không, bang phái này có nhúng tay vào việc vận chuyển đường sông của quân đội không thì không có căn cứ, vậy cứ coi là sáng tạo của tiểu thuyết gia.]
--- Xem tiếp hồi 11 ----
Truyện khác cùng thể loại
792 chương
78 chương
40 chương
20 chương
286 chương
57 chương
84 chương
37 chương