Thiên mã hành không
Chương 139 : Y kế nhi hành
Hôm sau, Trình Anh đến gặp Tiêu Phong, A Tử cùng Liễu Như Lãng. Rất vui khi gặp lại Trình Anh, A Tử níu tay nàng, hỏi han tường tận mọi thứ.
Hàn huyên một lúc, Lâm Yên Bích đem kế sách cô nghĩ ra đêm rồi bàn cùng Tiêu Phong. Tuy không muốn mạo hiểm gây suy nhược cho cả tám vạn quân binh, nhưng trước tình thế hiện tại, Tiêu Phong đành chấp nhận giải pháp đầy rủi ro ấy. Ông gật đầu, bảo:
- Dù xảy ra gì đi nữa, ta hy vọng tám vạn tướng sĩ đều được bình yên hồi hương, vì thực ra, là Mông Cổ hay là Hán tộc, cũng đều là người, dù đi đánh nam dẹp bắc, cũng toàn tại trót dấn thân vào binh nghiệp, có ai muốn đem thân mình ra đổ máu nới sa trường, muốn tuyệt mạng, bỏ xác nơi quê người đâu!
Lâm Yên Bích nói:
- Tiêu đại ca cứ yên tâm, muội chỉ bỏ thuốc năm ngày thôi, chỉ sau năm bữa kế đó, khí lực toàn bộ binh sĩ đều sẽ tự hồi phục. Tên Giả Tự Đạo này nhát như thỏ đế, một khi y biết có khả năng nghị hoà cùng Mông Cổ, y tuyệt sẽ chẳng đem quân ra ngoài thành khiêu chiến đâu, y sẽ chỉ một lòng muốn cầu hòa.
Liễu Như Lãng bàn góp:
- Đúng đấy! Giả Tự Đạo là đứa tối ham sống sợ chết, tự hắn là đồ vô học dốt nát, chỉ dựa hơi hướm chị hắn làm quý phi mà nắm được quyền thế nghiêng trời lệch đất, suốt ngày y thả thuyền du hí trên Tây Hồ, y có biết gì đến chiến sự? Chuyến hành quân tác chiến này chẳng phải đã làm y sợ muốn chết sao?
Qua ba bữa, báo cáo từ các quân doanh tuần tự gửi về Tiêu Phong tin tức quân sĩ họ chẳng hiểu tại sao đều toàn thân èo uột vô lực, quân y đến khám bệnh chỉ thấy mạch lạc có phần suy yếu, không một dấu hiệu gì tỏ vẻ đang trúng độc. Lâm Yên Bích thấy thời cơ chín muồi, lập tức ngay tối hôm ấy, cô nhờ Trình Anh hồi thành, khuyên Giả Tự Đạo hai ngày nữa cử sứ giả đến nghị hoà.
Dương Qua hộ tống Trình Anh đến tận chân thành, nàng thổi hai hiệu còi tre, quân trên đầu thành bèn giòng thang dây xuống kéo nàng lên.
Thấy Trình Anh lên đến nơi vô sự, Dương Qua cũng quày trở về doanh trại.
Về đến chỗ cổng trại, gã thấy Liễu Như Lãng đang đứng chờ ở đấy, y cười cười, hỏi gã:
- Dương đại ca về rồi đấy ư? Trình cô nương có lên đến được đầu thành bình an, vô sự?
Dương Qua "hừm" một tiếng, đáp:
- Đều được thuận lợi cả!
Gã dòm dòm Liễu Như Lãng, hỏi:
- Sao huynh đài giờ còn chưa đi ngủ? Trông kiểu cách thế kia, chắc đang muốn tìm ta có chuyện gì chăng?
Liễu Như Lãng vui vẻ đáp:
- Đâu có gì đâu! Tối nay trăng thanh gió mát, vầng nguyệt tỏ rạng, đệ ra ngoài ngắm trăng chơi!
Bỗng Liễu Như Lãng háy mắt, ghé vào gần bên Dương Qua, gã hỏi:
- Dương đại ca, vị Trình cô nương đó có phải là tình cũ của đại ca?
- Nói nhảm nào! - Dương Qua nghiêm mặt đáp - Trình gia muội tử đích thực một cô nương còn trong còn trắng, cô chỉ kết nghĩa huynh muội cùng ta thôi, đệ chớ có nói bậy bạ vô trách nhiệm vậy!
Liễu Như Lãng vội vàng nói:
- Là đệ thuận miệng hỏi chơi thôi, Trình cô nương là một cô gái hiếm gặp trên đời, ai gặp cũng đều thấy điều đó ... Chỉ có điều ...
Dương Qua lấy làm lạ, hỏi:
- Chỉ có điều gì? Đệ có hàm ý kỳ lạ gì đây?
Liễu Như Lãng không đáp lời, gã ngước mắt lên, nhìn nhìn vào vầng trăng sáng trên cao, rồi bỗng dưng cất giọng ngâm:
- "Vấn thế gian tình thị hà vật?
Trực giáo nhân sinh tử tương hứa!``
Dương Qua nghe qua, gã chợt choáng trong đầu, nhớ lại, xưa kia, đấy là hai câu mà người quá vãng Xích Luyện tiên tử Lý Mạc Sầu thường ngâm nga nơi cửa miệng. Trong một thoáng, dĩ vãng hơn mười năm trước cuồn cuộn kéo về, hồi ấy, vào lúc phong lưu thiếu niên, gã nói năng buông thả, đưa đến chỗ các nàng Lục Vô Song, Trình Anh và Công Tôn Lục Ngạc đều bị khuynh đảo con tim, rốt cuộc, Công Tôn Lục Ngạc vì gã mà thảm tử, Trình Anh cùng Lục vô Song cũng vì thế mà ở vậy, họ bỏ phí tuổi thanh xuân, cho dù con tim gã từng thề nguyền sinh tử cùng Tiểu Long Nữ, cùng nàng chung cái hẹn ước mười sáu năm, tuy phải sống cô thân suốt mười một năm vừa qua, mối tình gã dành cho nàng tuyệt chẳng chút thay đổi. Mọi đầu đuôi, duyên cớ các sự việc đều gói trọn vào trong hai câu thơ:
"Vấn thế gian tình thị hà vật?
Trực giáo nhân sanh tử tương hứa!``
ấy!
Bất giác, gã buông tiếng thở dài, đưa tay đẩy cổng, gã bước vào trong khu doanh trại.
- Dương đại ca - Liễu Như Lãng gọi với theo - Trình cô nương tài mạo song toàn, phong tư dịu dàng, hoàn mỹ, quả là một cô gái khó kiếm dưới trời này, cái quý báu ơn nữa, là mối thâm tình cô ấy dành cho huynh, đã vì huynh mà chịu ở vậy mười một năm ròng, sao huynh không chút động lòng cùng cô?
Dương Qua dừng bước, gã trầm ngâm một lúc, rồi nói:
- Đúng vậy! Cô là một nữ tử hiếm gặp trên đời, ngay cả thê tử của ta là Tiểu Long Nữ cũng chưa chắc bằng được cô ấy. Ở đời này, muốn lấy được một người vợ như thế, ít ra cũng phải tu, phải tích đức từ mười kiếp trước. Chỉ là, trong lòng ta, đang ngự trị duy nhất hình bóng thê tử Tiểu Long Nữ của ta, ta đành cô phụ tấm thâm tình của cô mà thôi!
Gã nói xong, quay đầu lại bảo Liễu Như Lãng:
- Khuya lắm rồi, trông trăng thì cũng đã trông nhiều rồi, giờ muốn về ngủ chưa?
Liễu Như Lãng gật đầu, gã quay gót, bước trở về lều của gã, trong lòng thầm than thở, cực kỳ phiền muộn, gã nhìn thấy mối thâm tình sâu đậm mà Trình Anh dành cho Dương Qua, rồi đi dọ hỏi nơi A Tử, được biết nguyên lai Trình Anh cho đến giờ vẫn ở vậy, gã bất giác liên tưởng tấm si tình của gã với Lâm Yên Bích, thấy cả hai cùng một xuồng, đồng bệnh tương liên, nên khuya nay gã đã đặc biệt tìm đến hỏi han nơi Dương Qua, trong lòng gã nuôi hy vọng thuyết phục Dương Qua kết lương duyên thêm cùng Trình Anh, một gái không thể hai chồng, nhưng một trai có thể lấy hai vợ, đâu ngờ, Dương Qua quá sức chí tình, gã quyết đến chết không thay lòng đổi dạ cùng Tiểu Long Nữ, dù gã biết Trình Anh vì gã mà ở vậy, gã vẫn không thể xử khác được cùng nàng. Nghĩ tới nghĩ lui, chạm vào tấm si tình Lâm Yên Bích mà gã đang chất chứa trong lòng, thấy cô không chút lay chuyển bất giác, gã cảm giác cực kỳ đau khổ.
Qua hôm sau, Tiêu Phong hôi họp chư tướng, trên danh nghĩa để bàn về tình hình bệnh hoạn của ba quân, thực ra, là chờ sứ giả của Giả Tự Đạo, để cho họ đều hay biết ý định muốn giảng hoà của bên Tống triều.
Tiêu Phong yêu cầu các thày thuốc quân y lần lượt báo cáo tình hình bệnh trạng ba quân, đồng thời đưa giải pháp điều trị.
Các thày thuốc này đều khổ sở, nhăn mặt nhíu mày, nói tới nói lui cả nửa buổi, chẳng một ai trong họ có thể xác định toàn quân đang mắc chứng bệnh gì!
Nghe lâu, Dã Tốc mất kiên nhẫn, gã đập bàn, hét lớn:
- Con bà nhà các ông! Nói cả nửa ngày trời, mà chẳng ông nào bảo cho lão tử ta đây biết đó là cái bệnh quái quỷ gì! Hay các ông toàn là một lũ ăn hại! Đem ra chém đầu quách hết cho rồi!
Mấy ông thày thuốc hoảng hốt, họ quỳ thụp ngay xuống, van lơn:
- Tướng quân, ngay chúng tôi cũng mắc bệnh đó, toàn thân èo uột, mà cũng đều không rõ duyên cớ ra sao, chúng tôi đã tự dùng không biết bao nhiêu là thuốc, muốn tự chữa lấy, nhưng đều vô hiệu. Thỉnh tướng quân xem xét cho kỹ, mà dung tha chúng tôi!
Đồng loạt, tiếng cầu khẩn rộ khắp, mấy thầy thuốc này phần lớn là người Hán, họ hiểu người Mông Cổ hung ác, van lơn thì van lơn, nhưng đều không khỏi run rẩy vì sợ.
Tiêu Phong xua tay,bảo:
- Mọi người đừng ồn ào nữa, giờ đang lúc phải bàn bạc tìm đối sách, sao Dã Tốc tướng quân lại đòi xử chém người ta? Giết họ đi rồi, lấy đâu ra người lo y tế cho toàn quân?
Dã Tốc cúi gằm mặt, nói:
- Mạt tướng bỗng dưng mất kiên nhẫn, mong đại tướng quân đừng trách phạt!
Đang cơn nhốn nháo, bỗng có tiếng trung quân bẩm báo:
- Báo cáo cùng đại tướng quân, có sứ giả Tống triều cầu kiến!
Chúng tướng đều kinh ngạc, im ắng hẳn xuống. Thần sắc nghiêm trọng, Tiêu Phong thấp giọng:
- Hãy phong toả thật nghiêm nhặt tin tức, không để vụ toàn quân mắc bệnh lọt ra ngoài, kẻ nào vi lệnh, lập tức xử trảm!
Chúng tướng dạ rân.
Tiêu Phong khoát khoát tay, chờ cho đám thày thuốc ra ngoài xong, ông bảo:
- Cho mời sứ giả Tống triều vào!
Một chặp sau, thị vệ đưa một người đến. Vừa trông qua, Dương Qua nhận ra đấy là kẻ đã giao tranh cùng gã ngày nào, chính thị Lưu Nhất Hằng. Chỉ thấy y hết hẳn vẻ kiêu hùng ngày nọ, người co rúm lại, dáng thấp hèn. Y đến trước chỗ án thư Tiêu Phong, quỳ thụp đôi gối xuống lạy. Tiêu Phong thầm lắc đầu, nghĩ bụng "Người này chẳng hiểu biết ti ti gì về nghi thức sứ giả được bình đẳng khi tương kiến, vừa vào đến nơi đã quỳ quỳ lạy lạy, đúng là đồ bỏ!"
Tiêu Phong gằn giọng, nói nhỏ:
- Ông thân làm sứ giả Tống triều, chẳng nên thi hành đại lễ như thế, mau đứng lên đi!
- Tạ ơn đại tướng quân!
Lưu Nhất Hằng đứng lên, y không dám ngẩng đầu, đứng run lẩy bẩy nơi ấy.
- Mời ngồi!
Tiêu Phong lên tiếng, lập tức có người đem một ghế bọc gấm đến chỗ y đứng, Lưu Nhất Hằng rớn rén ngồi xuống.
Tiêu Phong hỏi:
- Không hiểu sứ giả bên Tống đến có điều gì muốn chỉ giáo?
Tối bữa trước ngày Lưu Nhất Hằng ra đi, Trình Anh gặp Giả Tự Đạo, bảo riêng cho lão nghe ý định muốn giảng hoà của Mông Cổ, dặn lão đừng hó hé cho bất cứ ai khác biết, nếu không, quân Mông Cổ ắt nổi giận, sẽ đổi ý, sẽ tấn công thành trì. Nghe qua, Giả Tự Đạo mừng như điên cuồng, nhưng vẫn có phần nghi ngại, lão thấy lời Trình Anh dặn, chỉ cử độc nhất một người sứ giả đi giải hoà, cho dù bên Mông Cổ có quỷ kế gì đi nữa, lão cũng chỉ tổn thất một cá nhân thôi. Mà Trình Anh tình nguyện ở lại làm con tin trong quân doanh của lão, đến khi nào ký kết xong hoà ước thì nàng mới cáo từ.
Do đó, Giả Tự Đạo không đắn đo gì nữa, ngay trong đêm, lão cho đòi Lưu Nhất Hằng đến, buộc y xuất thành, đến gặp Mông Cổ cầu hòa. Tên Lưu Nhất Hằng đâu có biết bụng dạ Tiêu Phong muốn giảng hòa, gã cho là Giả Tự Đạo đang cơn cựa quậy giãy chết, tính đưa gã đi trước bán mạng. Khi y được Tiêu Phong mời ngồi, thấy ông có vẻ không muốn làm khó dễ gì, y bèn lấy lại tinh thần, lấy can đảm, thưa:
- Thái sư chúng tôi muốn cùng quý quốc nghị hoà, đặc biệt cử mình tôi đến truyền đạt ý định ấy, chỉ cần quý quốc đồng ý hoà đàm, có yêu cầu gì, xin quý quốc cứ đưa ra.
Nghe y nói, Dương Qua nổi nóng, gã quát:
- Lưu Nhất Hằng, đó có phải lời Giả Tự Đạo bảo ngươi đến truyền đạt? Ngươi chớ khá nói năng vô trách nhiệm!
Nhìn lại, Lưu Nhất Hằng nhận ra Dương Qua, chính người đã đánh bại y ngày nào, y lập tức cung cung kính kính cúi rũ đầu xuống, đáp:
- Đích thật là lời của Giả thái sư, tiểu nhân nào dám thêm bớt chút gì!
Dương Qua giận đến tái xám mặt mày, tưởng y đến cầu hoà, nào ngờ lão Giả Tự Đạo lại sai y xin đầu hàng, nếu cứ kiểu này, tụi tướng lãnh Mông Cổ đem đưa ra những đòi hỏi nghiệt ngã, lão Giả Tự Đạo sau khi nhờ hoà ước mà rút chạy được rồi, lão sẽ làm sao thi hành hiệp ước cho được? Gã dang tay đập bàn, đang muốn phát tác, bỗng thấy Tiêu Phong xua xua tay, bảo:
- Được rồi! Thành ý cầu hoà quý quốc, chúng tôi đều thấy rõ, mời ông tạm ra ngoài ngơi nghỉ, chờ ta cùng chư tướng bàn bạc xong, sẽ có phúc đáp.
Chờ cho thị vệ dẫn Lưu Nhất Hằng đi khỏi, ánh mắt quét vào bọn tướng lĩnh, Tiêu Phong hỏi:
- Lời sứ giả Tống triều nói đó, tất cả thảy đều nghe rõ, vậy ý kiến các ông là sao?
Chúng tướng đưa mắt nhìn nhau, không ai dám mở miệng, bọn họ trước giờ đi chinh chiến, thắng nhiều hơn thua, dường như chưa từng giảng hoà cùng đối phương, nhưng lúc này, ba quân mắc quái bệnh, chẳng phải như bình thường, bọn họ đều chung một ý nghĩ ``Lòng thiệt chẳng muốn hoà hoãn, nhưng nếu không giảng hoà, hiện thời không có cách chi điều quân tấn công thành trì cho được!``. Do đó, tất cả đều lặng thinh.
Nhìn quanh, chẳng thấy ai có ý kiến, ánh mắt Tiêu Phong dừng lại trên người Ngột Lương Hiệp Đài, ông hỏi:
- Ngột Lương Hiệp Đài tướng quân, hãy nói cho ta nghe ý của ông đi!
Ngột Lương Hiệp Đài mắc bệnh gần mười ngày nay, thân thể cực kỳ hư nhược, y đang gắng gượng giữ cho thẳng lưng, nhưng cuối cùng vô lực, đành ngồi ngả nghiêng trên ghế, khi bị ánh mắt Tiêu Phong thăm dò, bị ông hỏi ý, giọng y hầu như hụt hơi, y đáp nho nhỏ:
- Mọi thứ đều trông vào đại tướng quân chủ định, tôi vốn không có ý nào, mà cái bệnh này nó kỳ lạ quá, tôi đoán chừng đây là do bên quân Tống bỏ thuốc xuống giếng nước ăn!
Tromg óc hơi bị choáng, Tiêu Phong sắc mặt chẳng đổi, ông gật gù, bảo:
- Ông nói rất có lý, nhưng đại bộ phận quân ta đều đang bị trúng độc, vẫn chưa có cách chữa trị, kế sách trước mắt, ta thấy chỉ có giảng hoà mới là cách tốt hơn hết, không hiểu ý các vị là thế nào?
Truyện khác cùng thể loại
64 chương
21 chương
659 chương
4 chương
15 chương
18 chương
17 chương