Thiên Long Bát Bộ (bản Mới)

Chương 36 : Hồ Hán Ân Cừu Tu Khuynh Anh Hùng Lệ

Ai chia kẻ Hán người Hồ, Bên Nam bên Bắc oán thù triền miên. Anh hùng gặp cảnh đảo điên, Nuốt cay ngậm đắng biết nghiêng bên nào? * ** Hai người nhắm đường chạy về phía thành Vô Tích. Đi được vài dặm, bỗng thấy nơi cây tùng bên vệ đường có một xác người treo lủng lẳng nhìn phục sắc thì là một võ sĩ Tây Hạ. Đi thêm mấy trượng nữa, nơi sườn đồi lại thấy hai võ sĩ Tây Hạ nằm còng queo, vết thương trên người máu còn chưa khô xem ra chết cũng chưa lâu. Đoàn Dự nói: -Bọn Tây Hạ gặp phải kẻ đối đầu rồi. Vương cô nương, cô thử nghĩ xem ai đã giết họ? Vương Ngữ Yên đáp: -Người này võ công cực kỳ cao cường, giơ tay là giết được người không tốn hơi sức gì, quả thật ghê gớm. Ồ, đằng kia có ai tới kìa? Chỉ thấy trên đường lớn hai người cưỡi ngựa song song chạy đến, trên lưng một người áo đỏ, một người áo xanh chính là hai nàng Châu Bích. Đoàn Dự mừng quá kêu to: -A Châu cô nương, A Bích cô nương, các cô thoát hiểm rồi ư? Hay lắm! Hay thật là hay. Bốn người liền cùng giục ngựa chạy đi, ai nấy vui không để đâu cho hết. A Châu nói: -Vương cô nương, Đoàn công tử, sao hai vị lại quay trở lại làm gì? Tiểu nữ và A Bích muội tử đang định đi tìm hai người đây. Đoàn Dự đáp: -Chúng tôi cũng đang định đi tìm hai cô đây. Chàng vừa nói vừa liếc Vương Ngữ Yên để dọ ý xem nàng có chịu để cho gộp chung thành "chúng tôi" thì quả thật là vinh dự. Vương Ngữ Yên hỏi: -Các ngươi làm sao mà thoát thân được? Đã ngửi cái bình thuốc thối chưa? A Châu cười nói: -Quả thực thối đến chết người, cô nương cũng phải ngửi rồi phải không? Cũng do Kiều bang chủ cứu hay sao? Vương Ngữ Yên đáp: -Không phải. Đoàn công tử cứu ta đó. Các ngươi được Kiều bang chủ cứu hay sao? Đoàn Dự nghe nàng chính miệng nói ra "Đoàn công tử cứu ta đó" sung sướng như bay bổng tận mây xanh, đầu óc choáng váng tưởng chừng như muốn rơi khỏi lưng ngựa. A Châu nói: -Đúng thế! Tiểu nữ và A Bích trúng độc rồi, mơ mơ màng màng không sao cử động được, cùng với cả bọn người trong Cái Bang bị bọn man tử Tây Hạ trói lại, vứt lên yên ngựa. Đi được một quãng, trời đổ mưa rào, cả bọn liền phải tản ra, chia nhau tìm chỗ trú mưa. Tiểu nữ và A Bích bị mấy tên Tây Hạ dẫn vào đụt tại một tòa lương đình, đến lúc tạnh mưa mới ra đi. Vừa ngay lúc đó, đằng sau có người cưỡi ngựa chạy đến, chính là Kiều bang chủ. Ông ta thấy chúng tôi bị bọn Tây Hạ bắt giữ, rất là ngạc nhiên, chưa kịp mở mồm hỏi chúng tôi đã kêu lên: "Kiều bang chủ, cứu tôi với!". Bọn võ sĩ Tây Hạ nghe thấy ba tiếng "Kiều bang chủ", lập tức rút binh khí ra vây đánh ông ta. Kết quả là có đứa thì bị treo lên cây tùng, có đứa chết nơi sườn núi, có kẻ lại lọt xuống sông. Vương Ngữ Yên cười nói: -Đó là chuyện mới xảy ra, phải không? A Châu đáp: -Đúng thế! Tiểu nữ nói: "Kiều bang chủ, chị em chúng tôi bị trúng độc, phiền ông một chút, tìm trên người bọn man tử Tây Hạ xem có giải dược không?⬙. Kiều bang chủ lục nơi người một võ sĩ Tây Hạ tìm được chiếc bình nhỏ, thơm hay thối thì chẳng cần nói cũng biết. Vương Ngữ Yên hỏi thêm: -Thế Kiều bang chủ đâu? A Châu đáp: -Ông ta nghe nói mọi người trong Cái Bang đều trúng độc bị bắt cả rồi nói là muốn đi cứu bọn họ, lật đật đi ngay. Ông ta cũng hỏi thăm Đoàn công tử xem ra rất là lo lắng. Đoàn Dự thở dài: -Vị bả huynh của tôi quả là nghĩa khí thâm trọng biết chừng nào. A Châu nói: -Người của Cái Bang chẳng biết hay dở, một vị bang chủ tài giỏi như thế mà đem đuổi đi, bây giờ mình làm mình chịu, thật là đáng kiếp. Tôi thấy là vị bả huynh đó tình nghĩa mặn nồng, thà để người phụ mình chứ nhất định không chịu phụ người. A Bích nói: -Vương cô nương, bây giờ chúng mình đi đâu? Vương Ngữ Yên đáp: -Ta và Đoàn công tử đã bàn nhau phải đi cứu hai đứa ngươi trước. Bây giờ cả bốn người mình bình an cả rồi, thật là hay không đâu cho hết. Chuyện của Cái Bang không liên can gì đến mình, cứ như ý ta, chúng ta đến chùa Thiếu Lâm tìm công tử các ngươi là hơn cả. Chu Bích hai nàng quan tâm nhất chính là Mộ Dung công tử, nghe nàng nói thế đều vỗ tay reo lên. Đoàn Dự trong lòng chua xót nhưng cũng phải ra vẻ thản nhiên nói: -Vị công tử của các cô, tôi vẫn có bụng kính phục lắm, mong được gặp một lần. Hiện nay không có việc gì làm, tôi đi theo các cô đến chùa Thiếu Lâm một chuyến cũng hay. Bốn người quay đầu ngựa đi về hướng bắc. Vương Ngữ Yên và hai nàng Châu Bích nói cười vui vẻ, đem chuyện gặp nguy hiểm thế nào ở nhà máy xay lúa, Đoàn Dự nghinh địch ra sao, võ sĩ Tây Hạ Lý Diên Tông tha mạng lại cho thuốc giải tất cả kể lại rành mạch rõ ràng, khiến cho A Châu, A Bích hai nàng cực kỳ kinh ngạc. Ba cô gái mỗi khi đến đoạn nào vui lại cười khúc khích, thỉnh thoảng lại quay đầu nhìn Đoàn Dự, lấy tay áo che miệng nhưng không dám cười một cách lộ liễu. Đoàn Dự biết các cô đang bàn tán với nhau về chuyện ngốc nghếch của mình nhưng tự nghĩ mặc dầu mình lộ đủ mọi thứ vụng dại nhưng cuối cùng cũng bảo vệ được Vương cô nương chu toàn nên vừa thấy sượng sùng nhưng cũng lại đầy tự hào. Chàng lại thấy ba cô gái thân mật tíu tít bỏ mặc mình không lý gì đến, bây giờ đã vậy, đến khi gặp được Mộ Dung công tử rồi thì chàng quả không có đất dung thân. Mộ Dung Phục chắc cũng như Bao Bất Đồng, không nể nang gì đuổi cổ mình đi, càng nghĩ chàng càng thấy ê chề. Đi được mấy dặm, qua khỏi một khu vườn dâu thật lớn, bỗng nghe ở bìa rừng có tiếng hai thiếu niên đang khóc. Bốn người giục ngựa chạy lên thấy đó là hai chú tiểu tuổi chừng mười bốn, mười lăm, trên tăng bào lấm tấm những máu, một trong hai người còn bị thương nơi trán. A Bích dịu dàng hỏi: -Này các tiểu sư phụ, ai hiếp đáp các chú đó? Sao lại bị thương? Chú tiểu không bị thương vừa khóc vừa trả lời: -Có vô số ác nhân phiên bang đến chùa giết chết thầy chúng tôi rồi đuổi hai đứa chúng tôi ra ngoài. Bốn người nghe thấy nói đến "ác nhân phiên bang" liền đưa mắt nhìn nhau cùng nghĩ: "Hay là bọn Tây Hạ chăng?". A Châu hỏi thêm: -Thế chùa của các chú ở nơi nào? Bọn kẻ ác phiên bang là bọn nào thế? Chú tiểu đáp: -Chúng tôi ở chùa Thiên Ninh, ở phía bên kia ... Vừa nói y vừa chỉ về phía đông bắc: -Bọn người phiên kia bắt đâu khoảng hơn một trăm ăn mày đi đến chùa trú mưa, đòi rượu đòi thịt, lại định giết gà giết bò. Sư phụ bảo là "tội lắm" không chịu cho chúng giết bò ở trong chùa, bọn chúng liền bắt cả sư phụ lẫn hơn một chục sư huynh giết sạch, hu hu, hu hu. A Châu hỏi tiếp: -Thế bọn chúng đã đi chưa? Chú tiểu chỉ về phía làn khói đang lững lờ bay lên sau khu rừng dâu nói: -Chúng nó đang nấu thịt bò kìa, thật là tội lắm, xin bồ tát phù hộ bắt bọn phiên nhân kia bỏ xuống a tì địa ngục. A Châu nói: -Thôi hai chú chạy cho xa chứ nếu như bọn người phiên bắt được, không chừng chúng nó mổ ra ăn thịt đó. Hai chú tiểu nghe nói thế kinh hãi, lật đật bỏ chạy ngay. Đoàn Dự thấy vậy không vui nói: -Hái chú đó đã vào nước cùng không còn biết đi đâu, sao A Châu tỉ tỉ lại còn dọa họ làm gì? A Châu cười nói: -Có phải dọa đâu, tôi nói thực đấy chứ. A Bích nói: -Nếu như người trong Cái Bang đang bị nhốt trong chủa Thiên Ninh, Kiều bang chủ lại chạy về thành Vô Tích thì đúng là không nên cơm cháo gì. A Châu đột nhiên nghĩ ra một kế thật lạ liền nói: -Vương cô nương, tôi muốn cải trang làm Kiều bang chủ trà trộn vào trong chùa, đem chiếc bình thuốc thối kia cho bọn ăn mày ngửi, sau khi bọn chúng thoát hiểm rồi thể nào củng cảm kích tấm lòng của Kiều bang chủ. Vương Ngữ Yên mỉm cười nói: -Kiều bang chủ thân thể cao to, là một hán tử cực kỳ hùng tráng, làm sao ngươi hóa trang thành ông ta cho được. A Châu cười nói: -Càng khó chừng nào thì càng biết tay A Châu này. Vương Ngữ Yên cười: -Ngươi giả trang giống Kiều bang chủ chăng nữa nhưng làm sao bắt chước được tuyệt thế thần công của ông ta. Trong chùa Thiên Ninh đầy những cao thủ Nhất Phẩm Đường của Tây Hạ, đâu có để cho ngươi vào ra thong thả. Cứ như ý ta, giả làm một tên đầu bếp hay một bà già bán rau trà trộn vào chùa còn dễ hơn. A Châu nói: -Bảo tiểu nữ giả làm bà già bán rau thì có gì là thú. Thôi không đi nữa là hơn. Vương Ngữ Yên nhìn Đoàn Dự, mấp máy đôi môi muốn nói rồi lại thôi. Đoàn Dự hỏi: -Cô nương định nói gì thế? Vương Ngữ Yên đáp: -Tôi vốn định nhờ công tử hóa trang thành một người đi cùng với A Châu đến Thiên Ninh Tự, nhưng nghĩ kỹ lại thấy không xong. Đoàn Dự hỏi: -Cô muốn tôi giả trang thành ai vậy? Vương Ngữ Yên nói: -Các anh hùng trong Cái Bang có bụng nghi ngờ rất nặng, vu oan cho Kiều bang chủ cùng biểu ca tôi ngầm cấu kết với nhau giết hại Mã phó bang chủ, nếu như ... nếu như ... biểu ca tôi cùng Kiều bang chủ đến cứu họ ra khỏi chỗ nguy nan, bọn họ chắc không còn nghi tâm nữa. Đoàn Dự trong lòng chua xót nói: -Cô nương muốn tôi giả làm biểu ca cô ư? Vương Ngữ Yên bẽn lẽn nói: -Trong chùa Thiên Ninh kẻ địch quá mạnh, hai người đến đó cực kỳ nguy hiểm, chi bằng không đi là hơn. Đoàn Dự nghĩ thầm: "Cô bảo tôi làm gì tôi cũng làm, dù phải tan xương nát thịt cũng quyết chẳng từ nan". Chàng đột nhiên nghĩ thêm: "Nếu như mình hóa trang thành Mộ Dung Phục, không chừng lời ăn tiếng nói nàng sẽ đổi khác ngay, nàng sẽ dịu dàng chiều chuộng mình trong giây lát thì cũng hay". Chàng nghĩ đến đó lập tức tinh thần phấn khởi hăng hái nói: -Thế có gì nguy hiểm đâu? Cái gì chứ trò chạy cong đuôi là món sở trường của Đoàn Dự này. Vương Ngữ Yên nói: -Tôi thấy không ổn là vì biểu ca tôi sát địch dễ như trở bàn tay, xưa nay chưa bao giờ bỏ chạy cả. Đoàn Dự nghe nói thế một làn hơi lạnh chạy dài từ đầu xuống chân, nghĩ thầm: "Biểu ca cô là một đại anh hùng, đại hào kiệt, ta đâu có xứng đáng giả làm y. Giả mạo mà để cho lộ cái xấu ra trước mặt mọi người thì có phải là làm ô nhục thanh danh của y hay không?". A Bích thấy chàng buồn bã không vui liền lên tiếng an ủi: -Địch đông ta ít, tạm thời thoái nhượng thì có gì không phải đâu? Chúng ta chỉ cốt cứu được người chứ nào có phải tỉ võ để được dương danh. Đôi mắt tinh anh của A Châu nhìn Đoàn Dự một lượt từ đầu đến chân như để đánh giá xem thế nào, một lúc sau gật đầu nói: -Đoàn công tử, muốn cải trang thành công tử chúng tôi quả không phải dễ. Cũng may là bọn Cái Bang xưa nay chưa biết công tử chúng tôi thế nào, giọng nói vẻ mặt ra sao cũng chỉ biết đại khái thôi. Đoàn Dự nói: -Tài nghệ của cô ghê gớm lắm, giả làm Kiều bang chủ thật thích hợp, nếu không Kiều bang chủ đối với người của Cái Bang sớm hôm gặp gỡ, nếu có sơ hở là họ biết ngay. A Châu mỉm cười nói: -Kiều bang chủ là một đấng trượng phu cao lớn vậy mà tôi giả làm ông ta lại dễ dàng. Công tử chúng tôi tầm vóc không khác công tử bao nhiêu, tuổi tác cũng chẳng hơn nhiều, cả hai đều là hạng con nhà gia thế, ham học hành vậy mà Đoàn công tử phải bỏ bản lai diện mục của mình để biến thành Mộ Dung công tử thì lại thật khó khăn. Đoàn Dự thở dài: -Mộ Dung công tử là rồng phượng trong loài người, người khác dễ gì bắt chước cho giống được? Theo tôi thì nếu cải trang không giống cũng tốt, để đến khi cúp đuôi bỏ chạy cũng không tổn thương đến thanh danh của Mộ Dung công tử. Vương Ngữ Yên mặt hơi đỏ lên, nói khẽ: -Đoàn công tử, tôi lỡ lời anh có giận tôi không? Đoàn Dự vội đáp: -Không, không! Đâu có, tôi làm gì dám giận cô? Vương Ngữ Yên mặt tươi cười nói: -A Châu tỉ tỉ, hai người đi đâu cải trang đây? A Châu đáp: -Chắc phải đến một tiểu thị trấn mới có thể mua được những thứ cần dùng. Bốn người quay ngựa chạy về hướng tây. Đi chừng bảy tám dặm đến một thị trấn tên là Mã Lang Kiều. Thị trấn này thật nhỏ bé, không có khách điếm, A Châu nghĩ ra một cách, thuê một chiếc thuyền neo tại giữa sông rồi sau đó đi xuống phố mua vật dụng, quần áo đem lên cải trang ngay trên thuyền. Đất Giang Nam đâu đâu cũng đầy sông rạch, thuyền bè nhiều vô kể chẳng khác gì gia súc ở miền bắc. Nàng bảo Đoàn Dự thay đổi y phục trước, để chàng mặc một chiếc áo dài màu xanh, tay phải cầm quạt xếp, ngón tay trái đeo nhẫn. A Châu nói: -Công tử chúng tôi đeo nhẫn ngọc đời Hán, ở đây mua ở đâu ra? Thôi đành dùng tạm đá Thanh Điền nhập nhoạng, cũng được rồi. Đoàn Dự chỉ đành gượng cười, bụng bảo dạ: "Mộ Dung Phục là thứ ngọc quí, còn ta chỉ là hạng đá xoàng, trong lòng ba cô gái này thân phận hai người cách nhau xa". A Châu trét bột mì lên mặt chàng, nặn mũi cho cao lên, sửa cho mặt hơi mập thêm một chút, lấy bút vẽ lông mày, khóe mắt, hóa trang xong cười hỏi Vương Ngữ Yên: -Cô nương xem thử còn chỗ nào không giống nữa chăng? Vương Ngữ Yên không trả lời chỉ ngây ngất nhìn chàng, trong ánh mắt chứa đầy tình ý, hiển nhiên hồn đang bay bổng, tâm thần miên man. Đoàn Dự thấy ánh mắt mê mẩn của nàng cũng thấy lòng lâng lâng nhưng chợt nghĩ ra: "Nàng nhìn đây là nhìn Mộ Dung Phục chứ nào có phải Đoàn Dự ta đâu?". Chàng lại nghĩ thêm: "Không biết gã Mộ Dung Phục này anh tuấn cỡ nào, làm sao hơn ta gấp trăm lần, tiếc thay ta không thấy được mình bây giờ ra sao". Lòng chàng khi thì vui, khi thì đổi ra giận dữ. Hai người nhìn nhau, mỗi người theo đuổi một ý nghĩ không biết A Châu, A Bích đã ra ngoài sau khoang cải trang từ hồi nào. Một hồi sau, bỗng nghe giọng một người đàn ông ồm ồm nói: -A, thì ra ngươi ở đây, làm cho người anh này đi kiếm ngươi muốn chết được. Đoàn Dự thất kinh, quay đầu lại thấy người vừa nói chính là Kiều Phong, không khỏi vui mừng kêu lên: -Đại ca đấy ư? Thế thì hay lắm. Bọn chúng tôi đang định cải trang thành anh để đi cứu người, bây giờ anh lại đến đây, A Châu tỉ tỉ không cần gì phải hóa trang nữa. Kiều Phong nói: -Người của Cái Bang đã trục xuất ta ra khỏi bang rồi, bọn họ chết sống gì, Kiều mỗ cũng mặc kệ không coi vào đâu. Hảo huynh đệ, đi mau, anh em mình lên bờ đi kiếm rượu uống thi với nhau hai chục bát xem nào. Đoàn Dự vội đáp: -Đại ca, người trong Cái Bang đều là bạn bè cũ của anh, anh làm ơn cứu họ một lần. Kiều Phong giận dữ đáp: -Thứ đồ gàn như ngươi biết gì? Thôi đi uống rượu với ta nào! Nói xong ông ta liền nắm tay Đoàn Dự. Đoàn Dự không biết làm sao chỉ đành nói: -Thôi được, để tiểu đệ hầu rượu đại ca, uống xong rồi sẽ đi cứu người cũng được. Kiều Phong đột nhiên cười khanh khách, giọng trong trẻo uyển chuyển, một đại hán cao to lại nghe tiếng cười như một thiếu nữ còn xuân, quả thực quái lạ. Đoàn Dự ngạc nhiên, lập tức hiểu ra, cười nói: -A Châu tỉ tỉ, thuật cải trang của tỉ tỉ quả là thần kỹ, đến cả cách ăn nói cũng y hệt không khác chút nào. A Châu lại đổi qua giọng Kiều Phong nói: -Hảo huynh đệ, thôi mình đi, ngươi nhớ mang theo cái bình thuốc thối nhé. Nàng quay sang nói với Vương Ngữ Yên và A Bích: -Hai vị cô nương ở đây chờ tiện hơn. Nói xong dắt tay Đoàn Dự, hăng hái bước lên bờ. Không biết nàng đắp cái gì lên tay mà một bàn tay nhỏ nhắn mềm mại lúc giơ ra lại đen sì, tuy không to như bàn tay Kiều Phong nhưng người ngoài thoáng nhìn thật khó mà phân biệt. Vương Ngữ Yên nhìn theo bóng Đoàn Dự, trong bụng miên man nghĩ thầm: "Nếu anh chàng là biểu ca thật thì hay biết mấy. Biểu ca, giờ phút này chàng có nhớ đến thiếp hay không?". A Châu và Đoàn Dự cưỡi ngựa chạy đến cách chùa Thiên Ninh chừng năm dặm, ngại rằng bọn võ sĩ Tây Hạ ở trong chùa có thể nghe được tiếng chân ngựa, đem ngựa buộc vào một chuồng bò nơi nhà một nông gia, đi bộ tới. A Châu nói: -Mộ Dung huynh đệ, đi đến chùa rồi, ta sẽ đại ngôn đàm luận, phét lác dọa cho chúng một mẻ, ngươi thừa cơ dùng bình thuốc thối giải độc cho bang chúng Cái Bang. Nàng nói mấy câu đó gọng thô hào, nghe y hệt Kiều Phong. Đoàn Dự cười đáp lời. Hai người hùng dũng tiến về phía Thiên Ninh Tự, thấy trước cửa chùa có độ mươi võ sĩ Tây Hạ, tay cầm trường đao, mặt mày hung ác. A Châu và Đoàn Dự vừa trông thấy chúng tim đập thình thình không khỏi hoảng sợ. A Châu nói nhỏ: -Nếu có chuyện gì thì công tử dắt tôi chạy cho nhanh, nếu không bọn chúng níu lại đòi tỉ võ thì thật khó mà đối phó. Đoàn Dự đáp: -Được! Thế nhưng chàng nói giọng run run, trong bụng quả là khiếp sợ. Hai người còn đang thì thầm bàn tính, nhìn quanh quất thăm dò thì một tên võ sĩ đứng ngoài cửa đã trông thấy, lớn tiếng quát: -Hai thằng chết tiệt kia, thập thò làm gì thế? Các ngươi là gian tế chăng? Tiếng quát chưa dứt đã có thêm bốn tên võ sĩ khác ùa ra. A Châu không còn biết làm sao hơn, chỉ đành ưỡn ngực, hung hăng bước tới, cất giọng ồm ồm: -Mau báo cho tướng quân nhà các ngươi hay là Kiều Phong của Cái Bang và Mộ Dung Phục đất Giang Nam đến xin gặp Hách Liên đại tướng quân nước Tây Hạ. Gã võ sĩ đứng đầu nghe thế giật nảy mình, vội vàng vòng tay khom lưng nói: -Thì ra là Kiều bang chủ của Cái Bang quang giáng, quả là thất lễ, tiểu nhân xin vào bẩm báo. Y lập tức quay vào trong chùa, những kẻ còn lại cung kính thõng tay đứng hầu. Chẳng mấy chốc đã nghe tiếng tù và vang dội, cửa chùa mở toang, đường chủ Nhất Phẩm Đường nước Tây Hạ là Hách Liên Thiết Thụ cùng bọn Nỗ Nhi Hải các cao thủ, đi ra nghinh tiếp. Diệp Nhị Nương, Nam Hải Ngạc Thần, Vân Trung Hạc cũng có mặt trong số đó. Đoàn Dự hồi hộp tim đập thình thình, cúi đầu không dám nhìn thẳng vào bọn họ. Hách Liên Thiết Thụ nói: -Đã ngưỡng mộ đại danh của Cô Tô Mộ Dung từ lâu với môn "dĩ bỉ chi đạo hoàn thi bỉ thân", hôm nay được gặp cao hiền thực quả là vinh hạnh. Nói xong y vòng tay ôm quyền hướng về phía Đoàn Dự hành lễ. Y nghĩ bụng Tây Hạ Nhất Phẩm Đường với Cái Bang nay đã thành thù nghịch nên không tỏ vẻ gì nể nang Kiều Phong cả. Đoàn Dự vội vàng hoàn lễ nói: -Uy danh Hách Liên tướng quân vang dậy ra ngoài biên ải, tại hạ vốn đã mong có dịp gặp được các vị anh hùng hào kiệt trong Nhất Phẩm Đường một phen, hôm nay đường đột đến đây, xin rộng lòng tha thứ. Nói mấy câu khách sáo kia đúng là chàng đã quen mồm như cháo chẩy nên không có chút sơ hở nào. Hách Liên Thiết Thụ nói: -Vẫn thường nghe tiếng trong võ lâm đồn rằng "Bắc Kiều Phong, Nam Mộ Dung", trong số anh kiệt của Trung Nguyên hai vị là đứng đầu, hôm nay cùng giá lâm một lượt, quả là vinh hạnh xiết bao! Xin mời! Y tránh qua một bên nhường lối mời hai người vào trong đại điện. A Châu và Đoàn Dự gượng làm ra vẻ thản nhiên đi song song với Hách Liên Thiết Thụ. Đoàn Dự nghĩ thầm: "Cứ xem thần thái ngôn ngữ của gã tướng quân Tây Hạ này, xem chừng y coi trọng Mộ Dung công tử hơn cả Kiều đại ca, không lẽ gã Mộ Dung Phục kia nhân phẩm võ công còn trên đại ca ta một mức hay sao? Ta xem ra thì đâu có thể như vậy được". Bỗng nghe tiếng một người thật quái lạ: -Không thể như thế được! Không thể được! Đoàn Dự giật mình, liếc qua xem ai vừa nói, chính là Nam Hải Ngạc Thần. Y giương đôi mắt nhỏ như hạt đậu đánh giá Đoàn Dự, vừa nhìn vừa lắc đầu. Đoàn Dự chột dạ, bụng bảo dạ: "Chết rồi! Chết thật rồi! Y nhận ra mình!". Lại nghe Nam Hải Ngạc Thần tiếp: -Xem thân thể ngươi chưa được ba lạng xương, làm cái quái gì được? Này, ta hỏi ngươi. Nghe người ta nói ngươi biết thuật "dĩ bỉ chi đạo hoàn thi bỉ thân", Nhạc lão nhị này đếch tin nổi. Đoàn Dự bấy giờ mới thở phào nghĩ thầm: "Hóa ra y chưa nhận ra mình". Nam Hải Ngạc Thần nói: -Ta không cần ngươi phải ra tay, ta chỉ hỏi ngươi, ngươi có biết Nhạc lão nhị này có môn gì đặc biệt không? Ngươi dùng cái công phu con mẹ gì mà đối phó với ta để mà "gậy ông đập lưng ông" được? Nói xong y đứng chống nạnh, vẻ mặt nhơn nhơn tự đắc. Hách Liên Thiết Thụ đang toan lên tiếng chặn y lại nhưng lại nghĩ ngay, Mộ Dung Phục tên tuổi rất lớn, danh với thực có đi đôi với nhau hay không, chi bằng để gã Nam Hải Ngạc Thần điên điên khùng khùng này thử xem cho biết nên để yên không can thiệp. Trong khi nói chuyện thì cả bọn đã vào trong đại điện rồi, Hách Liên Thiết Thụ mời Đoàn Dự ngồi ghế trên cùng nhưng Đoàn Dự nhường thủ vị đó cho A Châu. Nam Hải Ngạc Thần lớn tiếng nói: -Này, Mộ Dung tiểu tử, ngươi nói thử ta nghe nào, công phu đắc ý nhất của ta là gì thế? Đoàn Dự mỉm cười nghĩ bụng: "Người nào hỏi ta thì ta không trả lời được chứ còn như ngươi hỏi ta thì thật là gãi đúng chỗ ngứa". Chàng bèn mở chiếc quạt ra, phe phẩy mấy cái nói: -Nam Hải Ngạc Thần Nhạc Lão Tam, cái bản lãnh đắc ý nhất của ngươi là lách cách một tiếng, vặn gãy cổ người ta. Mấy năm nay công phu lại càng tiến bộ, bây giờ môn võ công tinh thục hơn cả là ngạc vĩ tiên và ngạc chủy tiễn. Ta muốn đối phó với ngươi lẽ dĩ nhiên phải dùng roi đuôi cá sấu và kéo hình hàm cá sấu chứ còn gì. Chàng mở miệng nói ra hai cái tên ngạc vĩ tiên và ngạc chủy tiễn khiến cho Nam Hải Ngạc Thần kinh ngạc đến há hốc mồm, đến ngay cả Diệp Nhị Nương và Vân Trung Hạc cũng ngạc nhiên không kém. Hai món binh khí đó Nam Hải Ngạc Thần mới luyện gần đây chưa từng thi triển với ai, chỉ cùng Vân Trung Hạc động thủ một lần nơi đỉnh Vô Lượng Sơn, khi đó ngoài Mộc Uyển Thanh ra không một ai trông thấy. Bọn họ có ngờ đâu Mộc Uyển Thanh đã kể hết đầu đuôi cho anh chàng Mộ Dung công tử giả hiệu này nghe rồi. Nam Hải Ngạc Thần nghiêng đầu quan sát Đoàn Dự thật kỹ. Y tuy rất hung ác tàn nhẫn nhưng lại có bụng bội phục những người anh hùng hảo hán, ngắm nghía một hồi giơ ngón tay cái lên nói: -Giỏi thật! Đoàn Dự đáp: -Chẳng bõ cười! Nam Hải Ngạc Thần nghĩ thầm: "Đến cả món binh khí ta mới luyện đây y cũng nói ra được, những võ công khác còn phải hỏi làm gì. Tiếc thay lão đại không có nơi đây, không thì sẽ một phen vặn hỏi y xem sao. À! Có rồi!". Y bèn lớn tiếng: -Mộ Dung công tử, ngươi biết võ công của ta thật chẳng có gì khó hiểu. Thế nhưng nếu như sư phụ ta đến đây, võ công của ông ấy ngươi chẳng thể nào biết được. Đoàn Dự mỉm cười hỏi: -Sư phụ ngươi là ai thế? Ông ta có võ công gì đặc biệt? Nam Hải Ngạc Thần dương dương đắc ý đáp: -Thụ nghiệp ân sư của ta thì qua đời đã lâu, chẳng nói đến làm gì. Còn người thầy ta mới bái sư đây tài nghệ thật ghê gớm lắm, chẳng phải ngoa, chỉ riêng một môn Lăng Ba Vi Bộ xem ra trên đời này không người thứ hai nào biết được. Đoàn Dự trầm ngâm đáp: -Lăng Ba Vi Bộ thì quả là một môn võ công cao siêu. Nếu bảo là Đoàn công tử nước Đại Lý thu các hạ làm đồ đệ, ta thật chẳng tin chút nào. Nam Hải Ngạc Thần vội đáp: -Ta nói láo ngươi làm chi? Ở đây có bao nhiêu người nghe thấy Đoàn công tử chính miệng gọi ta là đồ nhi mà! Đoàn Dự trong bụng cười thầm: "Lúc đầu ngươi nhất định thà chết không chịu lạy ta làm thầy, lúc này thì lại sợ ta không nhận là học trò". Chàng bèn nói: -Ồ, nếu như thế các hạ chắc đã học được tuyệt kỹ của sư phụ rồi? Chúc mừng! Chúc mừng! Nam Hải Ngạc Thần lắc đầu quầy quậy nói: -Chưa có! Chưa có! Nhà ngươi tự cho rằng võ công trong thiên hạ cái gì cũng biết, cái gì cũng rành, nếu đi được ba bước Lăng Ba Vi Bộ thôi thì Nhạc lão nhị này mới thực là bội phục. Đoàn Dự mỉm cười đáp: -Lăng Ba Vi Bộ tuy khó thật nhưng tại hạ cũng học qua vài bước. Nhạc lão gia tử, ông thử chạy lại bắt tôi xem nào. Nói rồi trường bào phất phới chàng đã lướt ra chính giữa đại điện. Quần hào nước Tây Hạ trước nay chưa từng nghe nói đến Lăng Ba Vi Bộ, nay nghe Nam Hải Ngạc Thần xưng tụng là một thần kỹ tuyệt luân, ai nấy đều háo hức muốn xem ra thế nào, lập tức chia ra đứng chung quanh bốn góc để xem Đoàn Dự biểu diễn. Nam Hải Ngạc Thần gầm lên một tiếng thật ghê rợn, tay trái vươn ra, tay phải xuyên qua bên dưới tả chưởng, chộp luôn vào Đoàn Dự. Đoàn Dự đạp xéo qua hai bước, lui về sau nửa bước, thân hình nhẹ nhàng như gió lướt qua tàu lá sen, khéo léo sao tránh được. Chỉ nghe bộp một tiếng, Nam Hải Ngạc Thần thu chưởng về không kịp, năm ngón tay phải đã cắm vào cột trong đại điện, sâu đến mấy tấc. Người đứng chung quanh thấy y công lực cao thâm như thế ai nấy đều tái mặt. Nam Hải Ngạc Thần tấn công không trúng, lại rống lên lần nữa, nhảy vọt tới, đem cả thân mình từ trên cao chộp xuống. Đoàn Dự không thèm lý đến y, chỉ việc đạp theo phương vị bát quái, tiêu sái lướt qua. Nam Hải Ngạc Thần càng tấn công nhanh hơn, tiếng rống mỗi lúc một lớn chẳng khác gì một con mãnh thú. Đoàn Dự bỗng nhìn thấy khuôn mặt khủng khiếp của y, trong lòng không khỏi sựng lại, vội vàng quay đầu đi, lấy trong tay áo ra một chiếc khăn tay, buộc lên che mắt mình lại nói: -Nếu như ta bịt mắt lại ngươi cũng không bắt được ta đâu. Song chưởng của Nam Hải Ngạc Thần múa lên vù vù xông thẳng vào tấn công Đoàn Dự nhưng vẫn cách thân chàng một chút. Người đứng xem ai nấy sợ giùm, lòng bàn tay tươm mồ hôi lạnh. A Châu quan tâm đến Đoàn Dự nên cũng rợn cả người, đột nhiên cất giọng ồm ồm quát lên: -Nam Hải Ngạc Thần, ngươi thấy Lăng Ba Vi Bộ của Mộ Dung công tử so với sư phụ ngươi thì thế nào? Nam Hải Ngạc Thần ngạc nhiên, bao nhiêu khí lực trong người toát ra hết, lập tức dừng lại nói: -Hay quá! Hay quá! Ngươi bịt mắt mà vẫn đi theo bộ pháp quái dị kia được, e rằng đến sư phụ ta làm cũng không được. Gớm thật, Cô Tô Mộ Dung quả thật danh bất hư truyền, Nam Hải Ngạc Thần này thực là bội phục. Đoàn Dự gỡ chiếc khăn che mắt ra, quay lại chỗ ngồi, trong đại tiếng tiếng hoan hô vang lên như sấm rền. Hách Liên Thiết Thụ đợi hai người ngồi xuống rồi mới cầm chén trà lên nói: -Mời dùng trà. Hai vị anh hùng quang lâm không biết có chuyện gì muốn chỉ giáo? A Châu đáp: -Tệ bang có mấy anh em không biết đắc tội chỗ nào, nghe nói tướng quân sai các cao thủ dùng võ công thượng thừa bắt họ lại nơi đây. Tại hạ mạo muội đến xin tướng quân tha cho họ. Nàng nhấn mạnh mấy chữ "sai các cao thủ dùng võ công thượng thừa bắt họ lại" để mỉa mai người Tây Hạ sử dụng chất độc hèn hạ thô bỉ bắt người. Hách Liên Thiết Thụ mỉm cười nói: -Lời nói đó không sai. Mới rồi Mộ Dung công tử đại hiển thân thủ, quả là không phải mang cái hư danh. Kiều bang chủ tên tuổi đứng ngang với Mộ Dung công tử, vậy cũng xin lộ chút công phu cho xem thử, để cho người Tây Hạ chúng tôi vui vẻ mà bội phục lúc đó sẽ thả các vị anh hùng hảo hán của quí bang ra. A Châu trong bụng hoang mang, nghĩ thầm: "Nếu như bảo ta giả mạo thân thủ của Kiều bang chủ thì lập tức sẽ lòi đuôi ngay". Nàng còn đang tìm cách thoái thác, bỗng thấy chân tay mềm nhũn, tưởng như cử động một ngón tay cũng không được, giống hệt như bị trúng độc tối hôm trước thật là kinh hãi: "Chết rồi! Có ai ngờ đâu trong giờ phút này, bọn ác nhân Tây Hạ lại giở trò cũ ra ám toán, không biết phải làm sao đây?". Các loại tà độc không thể nào xâm nhập vào người Đoàn Dự nên chàng hoàn toàn không thấy gì khác, thấy A Châu mềm nhũn ngồi trên ghế, biết nàng lại bị trúng độc khí nữa rồi, vội vàng lấy trong túi ra chiếc bình thuốc thối, mở nắp đưa vào mũi nàng. A Châu vội hít mấy hơi vì nàng trúng độc chưa nhiều nên tay chân liền hết tê dại. Nàng liền cầm chiếc bình ngửi liên tiếp, trong bụng lấy làm lạ lùng sao địch nhân không ra tay can thiệp? Nhìn lại bọn người Tây Hạ, thấy người nào người nấy cũng xuội lơ ngồi ỳ ra, không ai cử động gì được, chỉ giương mắt nhìn quanh quất._ Đoàn Dự nói: -Quái lạ làm sao! Bọn người này chẳng lẽ tự hại mình, tự phóng độc, tự trúng độc hay sao? A Châu liền đi tới gần lay Hách Liên Thiết Thụ. Gã đại tướng quân kia liền xiêu đi nằm ngoẹo trên ghế, quả thực bị trúng độc rồi. Thế nhưng y vẫn còn nói năng được, quát lên: -Đứa nào dùng Bi Tô Thanh Phong đó? Có mau lấy thuốc giải ra không nào! Y quát tháo luôn mấy bận nhưng tất cả các thủ hạ của y ai nấy đều nằm gục đó chỉ bẩm báo: -Bẩm tướng quân, thuộc hạ không cử động được. Nỗ Nhi Hải nói: -Chắc là có kẻ nội gian, nếu không làm sao biết được cách sử dụng phức tạp của loại Bi Tô Thanh Phong này? Hách Liên Thiết Thụ giận dữ nói: -Đúng đó! Đứa nào thế? Ngươi mau mau tra xét cho rõ ràng, đem nó ra chặt thành vạn mảnh. Nỗ Nhi Hải đáp: -Vâng! Có điều bây giờ cần phải có thuốc giải trước đã. Hách Liên Thiết Thụ nói: -Ngươi nói phải lắm! Mau mau đi lấy thuốc giả coi nào. Nỗ Nhi Hải lông mày nhíu lại, liếc mắt nhìn chiếc bình sứ trong tay A Châu nói: -Phiền Kiều bang chủ đem thuốc giải trong cái bình cho chúng tôi ngửi, tướng quân chúng tôi thể nào cũng trọng thưởng. A Châu cười nói: -Ta muốn đến đây giải cứu anh em trong bang chứ nào phải tham đồ trọng thưởng của tướng quân nhà ngươi đâu. Nỗ Nhi Hải lại nói: -Mộ Dung công tử, bên người tôi cũng có một cái bình nhỏ, phiền công tử lấy ra, mở nắp cho tôi ngửi một chút. Đoàn Dự thò tay vào túi y lấy ra một chiếc bình nhỏ, quả nhiên cũng là thuốc giải bèn cười nói: -Ta lấy giải dược ra nhưng không cho ngươi ngửi. Chàng cùng A Châu hai người xuống hậu điện, đẩy cửa phòng ở phía đông thấy bên trong đầy người đều là người của Cái Bang bị bắt cầm giữ nơi đây. A Châu vừa bước vào, Ngô trưởng lão đã kêu lên: -Kiều bang chủ, ông đấy ư? Thật phúc đức quá! A Châu đưa giải dược cho ông ta ngửi nói: -Đây là thuốc giải, ông đem cho các anh em khác cùng ngửi để trừ chất độc trong cơ thể. Ngô trưởng lão mừng quá, đợi đến khi tay chân bắt đầu cử động được liền đưa chiếc bình cho Tống trưởng lão, còn Đoàn Dự thì đưa chiếc bình lấy được của Nỗ Nhi Hải cho Từ trưởng lão. A Châu nói: -Cái Bang đông người nếu muốn trục độc từng người một thì biết bao giờ mới xong? Ngô trưởng lão, phiền ông đến chỗ bọn Tây Hạ tra xét xem chúng có mang thuốc giải không? Ngô trưởng lão đáp: -Vâng! Ông ta liền rảo bước ra ngoài đại điện, rồi nghe từ ngoài vọng vào tiếng chửi bới, tiếng kêu trời, rồi tiếng kêu lốp bốp, hẳn là Ngô trưởng lão một mặt đi kiếm thuốc giải, đồng thời đánh cho bõ tức. Một lúc lâu sau, ông ta cầm sáu cái bình quay vào cười nói: -Ta cứ xem đứa Hồ Lỗ nào ăn mặc sang trọng mà tìm, quả nhiên lục một hồi trong người đều có thuốc giải, ha ha, mấy tên đó đứa nào cũng khổ sở. Đoàn Dự cười hỏi: -Sao thế? Ngô trưởng lão cũng cười: -Cứ mỗi đứa ta cho hai hai cái bạt tai, đứa nào có thuốc giải thì lại càng mạnh tay. Ông ta bỗng nhiên nhớ ra mình chưa từng gặp Đoàn Dự lần nào nên hỏi: -Chẳng hay vị huynh đài này cao tính đại danh là chi? Xin cảm ơn đã cứu chúng tôi. Đoàn Dự đáp: -Tại hạ họ kép là Mộ Dung, đến cứu hơi trễ để quí vị phải chờ đợi, quả thật đắc tội. Người trong Cái Bang nghe thấy người trước mặt là kẻ danh tiếng lẫy lừng Cô Tô Mộ Dung, ai nấy đều hết sức ngạc nhiên. Tống trưởng lão nói: -Bọn chúng ta quả là có mắt như mù nói oan cho Mộ Dung công tử giết hại Mã phó bang chủ. Hôm nay nếu không nhờ y và Kiều bang chủ ra tay cứu, cả bọn rơi vào tay bọn chó dại Tây Hạ này, thì còn gì nữa? Ngô trưởng lão nói: -Kiều bang chủ, người trên không chấp lỗi của người dưới, xin ông trở lại làm bang chủ cho xong. Toàn Quan Thanh lạnh lùng nói: -Kiều gia và Mộ Dung công tử quả nhiên là chỗ tri giao. Y gọi Kiều Phong là Kiều gia chứ không là Kiều bang chủ đủ biết y không muốn Kiều Phong trở lại làm bang chủ nữa, lại bảo ông với Mộ Dung công tử là chỗ tri giao hảo hữu, câu nói quả là lợi hại. Người trong Cái Bang nghi Kiều Phong mượn tay Mộ Dung Phục, dùng kế mượn dao giết người để trừ khử Mã Đại Nguyên, Kiều Phong vẫn chối không hề quen biết với Mộ Dung Phục. Hôm nay hai người cùng đến chùa Thiên Ninh, nói nói cười cười, xem ra vẻ thân thiết lắm hiển nhiên không phải chỉ vừa biết nhau. A Châu nghĩ bụng những người này ai ai cũng biết Kiều Phong từ lâu, càng để dây dưa càng khiến cho họ nhìn ra chỗ sơ hở liền nói: -Chuyện đại sự trong bang, từ từ bàn thảo với nhau cũng không muộn. Ta đi xem những con chó Tây Hạ kia ra sao. Nói xong liền đi ra ngoài đại điện, Đoàn Dự cũng đi theo. Hai người vừa ra đến ngoài vừa lúc nghe Hách Liên Thiết Thụ quát tháo: -Mau mau tra xét cho rõ ràng, thằng khốn kiếp Tây Hạ nào đó tên là gì, kiếm đến nhà nó, bắt hết già trẻ trai gái, con gà con chó giết cho kỳ hết. Con bà nó chứ, nó là người Tây Hạ, sao lại đi tương trợ người ngoài lấy Bi Tô Thanh Phong đem ra rải loạn lên là sao? Đoàn Dự ngạc nhiên nghĩ thầm: "Y đang chửi gã Tây Hạ nào thế?". Chỉ nghe Hách Liên Thiết Thụ chửi một câu thì Nỗ Nhi Hải lại vâng dạ một câu. Hách Liên Thiết Thụ lại tiếp: -Y viết trên tường tám chữ không phải là châm chọc bọn mình hay sao? A Châu và Đoàn Dự ngửng đầu lên, thấy trên tường vôi có bốn câu, mỗi hàng bốn chữ như rồng bay phượng múa: Hễ ai có tài nghệ gì, Ta đem trả ngược lại về cho ngươi. Độc phong chuyên để hại người, Cứ nguyên như thế dùng nơi chúng mày. Dĩ bỉ chi đạo, Hoàn thi bỉ thân. Mê nhân độc phong, Nguyên bích qui quân. Nét bút còn ướt sũng chưa khô, hiển nhiên người viết đi chưa lâu. Đoàn Dự "A" lên một tiếng ấp úng: -Cái đó ... cái đó ... có phải Mộ Dung công tử viết đấy chăng? A Châu hạ giọng thì thầm: -Đừng quên công tử đang đóng vai Mộ Dung công tử, công tử chúng tôi biết viết nhiều loại chữ khác nhau, tôi cũng không phân biệt được có phải ông ta viết hay không? Đoàn Dự quay sang hỏi Nỗ Nhi Hải: -Ai viết đó? Nỗ Nhi Hải không trả lời trong bụng khiếp sợ, không biết người trong Cái Bang sẽ làm gì mình. Bọn chúng bắt được các bang chúng Cái Bang rồi, tra khảo đánh đập, không việc gì không làm, bọn họ chỉ cần "ăn miếng trả miếng" là cũng đủ khổ sở lắm rồi. A Châu thấy quần hào Cái Bang lũ lượt kéo vào đại điện nói nhỏ: -Đại sự xong rồi, thôi mình đi! Nàng lớn tiếng nói: -Ta có việc gấp phải lo, cùng với Mộ Dung công tử đi làm cho xong, sau này gặp lại. Nói xong rảo bước đi ra khỏi điện. Ngô trưởng lão cùng cả bọn kêu lên: -Bang chủ đừng đi vội! A Châu đâu dám nán lại thêm, lại cùng Đoàn Dự càng đi nhanh hơn. Quần hào Cái Bang xưa nay kính sợ Kiều Phong đâu có người nào dám bước ra ngăn trở. Hai người đi chừng một dặm, A Châu cười nói: -Đoàn công tử, quả thật khéo làm sao, đứa học trò xấu như ma lem lại đòi công tử biểu diễn Lăng Ba Vi Bộ, còn bảo công tử giỏi hơn cả sư phụ y nữa. Đoàn Dự cũng ồ lên một tiếng. A Châu lại tiếp: -Không biết kẻ nào ngầm phóng thuốc mê? Gã Tây Hạ tướng quân luôn mồm chửi rủa đứa nội gian, xem chứng chính người Tây Hạ làm chuyện này! Đoàn Dự đột nhiên nghĩ đến một người bèn nói: -Hay chính là Lý Diên Tông? Là gã võ sĩ Tây Hạ chúng tôi gặp nơi nhà máy xay lúa? A Châu chưa từng gặp Lý Diên Tông nên không thể nào trả lời gì được, chỉ nói: -Thôi mình đến nói cho Vương cô nương hay để xem cô ta nghĩ thế nào? Hai người đang đi bỗng nghe tiếng ngựa chạy, trên đường cái một người phi ngựa chạy tới. Đoàn Dự nhìn từ xa thấy chính là Kiều Phong, mừng rỡ kêu lên: -Kiều đại ca kìa! Chàng đang tính lên tiếng gọi, A Châu vội vàng giật tay áo chàng nói: -Chớ có lên tiếng, người thật tới rồi đây. Nàng vội vàng quay người đi. Đoàn Dự chợt hiểu ra: "A Châu đang giả làm Kiều đại ca, để ông ta trông thấy quả là không hay". Chẳng mấy chốc Kiều Phong đã cưỡi ngựa đến gần. Đoàn Dự không dám đối diện với ông ta nghĩ bụng: "Kiều đại ca khi gặp quần hào Cái Bang rồi, chân tướng sẽ rõ ngay, không biết có trách A Châu đã dựng cái màn kịch này hay không?". * ** Kiều Phong cứu được A Châu, A Bích hai nàng rồi biết tin anh em của Cái Bang bị người Tây Hạ bắt giữ, trong bụng hốt hoảng vội chạy lồng đi tìm khắp nơi. Thế nhưng đất Giang Nam chỗ nào cũng ruộng lúa vườn dâu, sông hồ đường cái, ngang dọc chằng chịt không như phương bắc chỉ toàn đường đi, Kiều Phong tìm kiếm mãi, may sao lại gặp được hai chú tiểu chùa Thiên Ninh, hỏi rõ phương hướng lúc ấy mới chạy đến Thiên Ninh Tự được. Ông ta thấy Đoàn Dự thần thái hiên ngang, diện mạo anh tuấn nghĩ thầm: "Chàng công tử này trông mặt mũi sáng sủa chẳng kém gì Đoàn Dự huynh đệ". A Châu lúc ấy đã quay mặt đi, ông ta cũng không để ý, trong bụng chỉ lo cho người của Cái Bang nên quất ngựa chạy cho nhanh về phía trước. Ông chạy đến trước chùa Thiên Ninh, thấy độ mươi bang chúng Cái Bang đang áp giải các võ sĩ Tây Hạ bị trói từ trong chùa đi ra. Kiều Phong mừng quá nghĩ thầm: "Thì ra các anh em Cái Bang đã phản bại vi thắng rồi". Những người của Cái Bang thấy Kiều Phong đi rồi quay trở lại, tíu tít ra nghinh đón nói: -Bẩm bang chủ, bọn giặc Hồ Lỗ náy bây giờ tính sao đây, xin thỉnh thị hiệu lệnh của bang chủ. Kiều Phong nói: -Ta không còn là người của Cái Bang nữa, hai tiếng bang chủ xin đừng đề cập đến. Các anh em có ai tổn thương gì không? Bọn Từ trưởng lão trong chùa nghe tin vội vàng chạy ra đón, trông thấy Kiều Phong hoặc mặt đỏ bừng, hoặc vui sướng ra mặt. Tống trưởng lão cao giọng nói: -Bang chủ, hôm qua ở trong rừng hạnh, thám tử bản bang phái qua Tây Hạ đem về quân tình khẩn cấp, Từ trưởng lão tự mình quyết định nên không cho ông xem, bang chủ có biết chuyện gì không? Từ trưởng lão, mau đem ra cho bang chủ coi nào. Giọng nói của ông ta xem ra có chiều khách khí. Từ trưởng lão mặt mày sượng sùng, lấy viên giấy bên trong cục sáp ong, thở dài đưa cho Kiều Phong nói: -Tôi quả là lầm lẫn. Kiều Phong lắc đầu không cầm. Tống trưởng lão chen lên, cầm lấy mở cục giấy vo viên kia ra lớn tiếng đọc: -Khải bẩm bang chủ: Thuộc hạ thám thính thấy tướng quân Hách Liên Thiết Thụ của Tây Hạ dẫn các cao thủ Nhất Phẩm Đường đi đến Trung Nguyên để đối phó với bản bang. Bọn họ có một loại độc khí ghê gớm lắm, khi tung ra không mùi vị gì, khiến cho người ta không hay biết gì cử động không được. Khi gặp bọn chúng, tuyệt đối phải bịt mũi lại, hoặc đánh ngã tên đầu não của họ cướp lấy giải dược có mùi thối rất kinh người, nếu không cực kỳ nguy hiểm. Rất khẩn cấp, rất khẩn cấp. Thuộc hạ Đại Tín Đà Dịch Đại Bưu cấp bẩm báo. Tống trưởng lão đọc xong, cùng bọn Ngô trưởng lão, Hề trưởng lão hầm hầm nhìn Từ trưởng lão. Bạch Thế Kính nói: -Anh em Dịch Đại Bưu báo tin khẩn cấp đúng ra cũng về đúng lúc, tiếc thay mình không kịp mở ra xem. Cũng may anh em chỉ bị một phen hoảng vía không ai bị thương tổn. Bang chủ, tất cả chúng tôi xin chịu lỗi, ông đại nhân đại nghĩa chẳng nói cũng biết. Ngô trưởng lão nói: -Bang chủ vừa đi khỏi anh em đã ra nông nỗi này, không nhờ ông và Mộ Dung công tử kịp thời đến cứu thì toàn thể Cái Bang đã bị diệt sạch rồi. Nếu như ông không quay về chủ trì đại cuộc, đứng đầu bản bang thì không xong. Kiều Phong ngạc nhiên hỏi lại: -Cái gì mà Mộ Dung công tử? Ngô trưởng lão nói: -Gã Toàn Quan Thanh kia chỉ nói năng lếu láo, ông đừng để tâm lời y làm gì. Kết giao bằng hữu có gì là không phải? Tôi tin là đến hôm nay bang chủ mới quen biết được Mộ Dung công tử. Kiều Phong hỏi: -Mộ Dung công tử ư? Phải chăng ông nói đến Mộ Dung Phục? Ta chưa từng gặp y bao giờ. Từ trưởng lão cùng Tống, Hề, Trần, Ngô bốn trưởng lão mặt mày ngơ ngác, ai nấy ngớ người ra nghĩ bụng: "Chỉ mới vừa đây ông ta dắt tay Mộ Dung công tử đến đưa thuốc giải cho bọn mình, sao bây giờ lại chối không biết Mộ Dung Phục?". Hề trưởng lão suy nghĩ một chút hiểu ngay nói: -À, đúng rồi, gã thanh niên kia chỉ nói phức tính Mộ Dung chứ nào có bảo rằng y là Mộ Dung Phục. Trên đời này người họ Mộ Dung hàng nghìn hàng vạn, có gì là lạ đâu? Trần trưởng lão nói: -Y đề trên tường "dĩ bỉ chi đạo hoàn thi bỉ thân", không phải Mộ Dung Phục thì còn ai? Bỗng nghe có tiếng người eo éo nói: -Gã công tử nhãi nhép kia công phu gì cũng biết, môn nào so với chính chủ nhân lại còn tinh diệu hơn, chẳng là Mộ Dung Phục thì gì? Chính là hắn rồi! Nhất định là hắn. Mọi người nhìn vào kẻ vừa nói, thấy y mắt nhỏ như chuột, râu ngắn mặt vàng, chính là Nam Hải Ngạc Thần. Y trúng độc rồi bị trói nằm đó, nhịn không nổi liền chõ mồm vào nói góp. Kiều Phong lạ lùng hỏi: -Thế ra Mộ Dung Phục đã đến đây rồi ư? Nam Hải Ngạc Thần giận dữ chửi: -Con mẹ ngươi rắm thối. Chính ngươi vừa mới dắt tay Mộ Dung Phục đến đây, không biết dùng cái trò quái gì khiến cho lão tử mê man. Ngươi có mau thả lão tử ra không nào, nếu không, hừ hừ ... Y liên tiếp mấy tiếng hừ hừ, không biết định nói "nếu không" là sao, nghĩ đi nghĩ lại chỉ đành "hừ hừ ..." không dứt. Kiều Phong nói: -Ta xem ngươi cũng là một hảo thủ võ lâm, sao lại nói năng quấy quá như thế? Ta đến đây hồi nào? Làm gì có chuyện dắt tay Mộ Dung Phục đến đây, nghe ra cực kỳ hoang đường. Nam Hải Ngạc Thần tức đến thở hồng hộc gầm lên: -Kiều Phong, tổ mẹ gã Kiều Phong, thật uổng cho ngươi thân làm bang chủ Cái Bang mà lại nói năng tầm xàm đến thế. Này các anh em lớn bé, có phải Kiều Phong vừa mới đến hay chăng? Tướng quân chúng ta chẳng mời y ngồi trên uống trà là gì? Cả bọn Tây Hạ đồng thanh đáp: -Đúng thế, Mộ Dung Phục thi diễn Lăng Ba Vi Bộ, Kiều Phong đứng bên vỗ tay khen hay, không lẽ còn giả được hay sao? Ngô trưởng lão giật tay áo Kiều Phong nói nhỏ: -Bang chủ, người ngay không làm trò ám muội, chuyện mới rồi chẳng nên chối làm gì. Kiều Phong cười gượng: -Ngô tứ ca, đến tứ ca cũng không tin ta nữa hay sao? Ngô trưởng lão lấy chiếc bình thuốc giải đưa ra nói: -Bang chủ, chiếc bình này trả lại cho ông, mai sau có việc dùng không chừng. Kiều Phong ngạc nhiên: -Trả lại cho ta ư? Sao lại trả cho ta? Ngô trưởng lão nói: -Thuốc giải này ông vừa mới đưa cho tôi, không lẽ quên rồi sao? Kiều Phong sững sờ: -Cái gì? Ngô tứ ca, có thực ông vừa mới gặp ta hay không? Ngô trưởng lão thấy ông ta nhất quyết phủ nhận, trong lòng không vui lại cảm thấy dường như không ổn. Kiều Phong tuy là người tinh minh tài giỏi nhưng làm sao đoán ra được chỉ mới trước đây giây lát đã có kẻ giả làm mình, đến chùa Thiên Ninh giải cứu người cho được? Ông nghĩ thầm việc này ắt có một âm mưu trọng đại dấu bên trong. Ngô trưởng lão, Hề trưởng lão đều là người thẳng tính, quyết không thể nào có điều gì gian dối nhưng vì kẻ bày mưu tính kế là kẻ thật lợi hại nên đã an bài bố trí thật tinh vi khiến cho những gì mình làm trở thành hoang đường tà ác. Mọi người trong Cái Bang được giải cứu vốn dĩ ai nấy đều cảm kích nhưng nay nghe thấy ông ta nhất quyết không nhận nên ai nấy đều kinh ngạc. Có người nghĩ rằng mấy hôm nay ông gặp nhiều chuyện đau lòng, khiến cho thần trí thác loạn, người khác lại cho rằng Kiều Phong có kế mưu bí mật đối phó với Tây Hạ nên không chịu công khai nhận chuyện trước mặt bọn này, có người lại cho rằng Mã Đại Nguyên quả đúng là bị ông ta giả tay Mộ Dung Phục giết đi, e ngại gian mưu bai lộ nên khăng khăng chối là mình không quen biết gì với họ Mộ Dung, kẻ khác lại đoán ông có ý định quay trở lại làm bang chủ Cái Bang nên sắp đặt kế sách như thế, người lại cho rằng việc này ông ra tay chỉ vì Khất Đan để hại Tây Hạ, Đại Tống. Mỗi người trong lòng nghĩ một nẻo nên trên mặt kẻ thì hoài nghi, người lộ vẻ sùng kính, kẻ lại băn khoăn, phẫn nộ, hoặc giả khinh bỉ, hận thù mỗi người một cách. Kiều Phong thở dài một tiếng nói: -Các vị đều đã thoát hiểm rồi, Kiều Phong này thôi xin từ biệt. Nói xong ông ôm quyền, xoay người nhảy lên ngựa, giơ roi lên quất ngựa chạy ngay. Bỗng nghe Từ trưởng lão gọi vói theo: -Kiều Phong, hãy để Đả Cẩu Bổng lại. Kiều Phong gò cương, nói: -Đả Cẩu Bổng ư? Ở nơi rừng hạnh, ta đã giao lại rồi mà? Từ trưởng lão nói: -Bọn ta sẩy tay bị bắt, Đả Cẩu Bổng rơi vào tay bọn ác cẩu Tây Hạ. Bây giờ tìm khắp nơi không thấy đâu, ắt hẳn nhà ngươi lấy được rồi. Kiều Phong ngẩng mặt lên trời cười ha hả, thanh âm thê lương lớn tiếng nói: -Kiều Phong này với Cái Bang không còn giây mơ rễ má gì nữa, lấy Đả Cẩu Bổng để làm gì? Từ trưởng lão, ông coi Kiều Phong này nhẹ thể quá. Hai chân ông kẹp một cái, con ngựa liền tung bốn vó soải dài chạy vọt về hướng bắc. Kiều Phong từ thuở nhỏ đã được cha mẹ nâng niu, về sau được Huyền Khổ đại sư của chùa Thiếu Lâm dạy võ nghệ, lại bái Uông bang chủ của Cái Bang làm thầy, trước nay hành tẩu giang hồ tuy từng gặp nhiều gian hiểm nhưng sư phụ bằng hữu ai nấy đãi ông một dạ chân thành. Trong hai ngày qua ngờ đâu trời đất nổi cơn sóng gió, từ một vị bang chủ uy danh lừng lẫy, chí thành chí nhân bị người ta coi thành một kẻ tiểu nhân bán nước hại dân, vô sỉ vô tín. Ông cứ để cho con ngựa tùy ý chạy đi, trong lòng cực kỳ hỗn loạn: "Nếu như ta quả là người Khất Đan thật thì trong mười năm qua tay ta giết biết bao nhiêu người Khất Đan, phá vỡ bao nhiêu đồ mưu của họ, có phải là kẻ đại bất trung ư? Nếu đúng là cha mẹ ta bị người Hán giết ngoài Nhạn Môn Quan, ta lại bái kẻ giết cha mẹ mình làm thầy, ba mươi năm qua nhận người khác làm cha làm mẹ, có phải là kẻ đại bất hiếu ư? Kiều Phong ơi Kiều Phong, ngươi là kẻ bất trung bất hiếu như thế, còn mặt mũi nào đứng giữa đất trời? Nếu như Tam Hòe Công không phải cha ta thì ta nào có phải là Kiều Phong? Ta họ gì? Cái tên cha ruột ta đặt cho ta là gì? Ha ha, ta không phải chỉ là kẻ bất trung bất hiếu mà còn là đứa không họ không tên". Ông lại chợt nghĩ: "Có thể lắm! Không chừng tất cả mọi việc đều do một kẻ đại gian đại ác vu hãm cho ta khiến cho một kẻ đường đường trượng phu như Kiều Phong này trở thành thân bại danh liệt, không còn ngóc đầu lên được nữa, nếu vì cái công phẫn nhất thời mà bỏ đi, chuyện Cái Bang từ nay không ngó ngàng gì đến nữa thì có phải là gian mưu của y đã thành công rồi ư? Ôi, nói gì thì nói, mình phải tra cứu cho minh bạch mới được". Trong bụng tính toán việc đầu tiên là phải đến núi Thiếu Thất tỉnh Hà Nam, hỏi Tam Hòe Công về thân thế lai lịch của mình, kế đó sẽ vào chùa Thiếu Lâm khấu kiến thụ nghiệp ân sư Huyền Khổ đại sư để xin cho biết rõ chân tướng. Hai người này xưa nay đối với ta thương yêu khôn xiết, chắc sẽ không dấu diếm điều gì. Ông đã trù tính như vậy, trong lòng không còn phiền não nữa. Từ trước tới nay ông vốn là bang chủ Cái Bang nên hành tẩu giang hồ bốn biển đâu đâu cũng là nhà, giờ này không tiện đến các phân đà tá túc nữa, nhưng để cho khỏi rắc rối thêm nên đến đâu cũng tránh đường lớn để khỏi gặp lại các bộ thuộc cũ trong Cái Bang. Đi được hai ngày, tiền bạc trong người cạn cả rồi, đành phải đem con ngựa đoạt được của người Tây Hạ đem ra bán để làm lộ phí. Hôm đó ông đến chân dãy Tung Sơn bèn nhắm theo ngọn Thiếu Thất mà tới. Đây là nơi ông sinh sống hồi nhỏ nên chỗ nào cũng quen thuộc. Từ khi ông xuất nhiệm làm bang chủ Cái Bang đến nay, Cái Bang là bang hội lớn nhất giang hồ, phái Thiếu Lâm là môn phái lớn nhất võ lâm nên nếu như bang chủ Cái Bang đến ắt phải đủ loại nghi lễ sắp xếp kinh động rất nhiều nên chưa bao giờ quay trở lại, chỉ hàng năm sai người đem áo quần đồ ăn thức uống kính biếu cha mẹ, ân sư, hỏi thăm sức khỏe mà thôi. Đến lúc này quay trở về quê cũ, nghĩ đến mình thân thế mơ hồ, chỉ trong một hai giờ nữa sẽ rõ, nên tuy ông là người trấn tĩnh trầm ổn nhưng lòng cũng thấy nao nao. Nhà cũ của ông ở bên cạnh một triền núi ở phía đông núi Thiếu Thất. Kiều Phong rảo bước đi vòng sơn pha, thấy dưới gốc cây táo bên cạnh vườn rau có úp một chiếc nón cạnh một bình trà. Chiếc bình trà quai đã gãy, Kiều Phong nhận ra ngay là vật của phụ thân Kiều Tam Hòe, trong lòng dâng lên một lòng thương cảm: "Cha ta cần mẫn tiết kiệm, chiếc bình trà vỡ này dùng đã mấy chục năm nay nhưng cũng không nỡ vứt bỏ". Ông nhìn thấy cây táo lớn, nhớ tới khi còn nhỏ mỗi mùa trái chín, phụ thân đều nắm bàn tay bé nhỏ của ông cùng rung cho táo rụng. Những trái táo chín đỏ đến nứt cả ra, vừa ngọt vừa nhiều nước, từ thuở rời cố hương đến nay ông chưa từng nếm lại thứ táo nào ngon đến thế. Kiều Phong nghĩ thầm: "Dẫu hai người không phải cha mẹ ruột ta chăng nữa nhưng cái ơn dưỡng dục kia suốt đời cũng không sao báo đáp được. Bất luận thân thế chân tướng của ta thế nào, ta nhất quyết không vì thế mà đổi cách xưng hô". Ông đi đến trước ba gian nhà đất, thấy đằng trước trải một chiếc phên tre phơi đầy rau, một con gà mẹ dẫn một bầy gà con, đang tìm mồi nơi đám cỏ. Ông không khỏi mỉm cười: "Hôm nay thể nào má chẳng giết gà làm cơm đãi đứa con lâu nay không gặp". Ông cao giọng gọi: -Ba, má! Con đã về đây! Ông gọi luôn mấy tiếng không nghe đáp lại, nghĩ thầm: "À, đúng rồi! Hai ông bà tai điếc rồi, không nghe được nữa". Ông đẩy cửa ra bước vào, trong nhà bàn ghế giường phản, cày bừa mai xẻng vẫn không khác khi ông ra đi bao nhiêu, nhưng không thấy một bóng người. Kiều Phong lại gọi thêm mấy tiếng nữa: -Ba má ơi! Vẫn không thấy ai trả lời, ông hơi ngạc nhiên, lẩm bẩm một mình: -Không biết hai người đi đâu? Ông thò đầu vào trong phòng ngủ xem thử, không khỏi giật mình kinh hãi, thấy vợ chồng Kiều Tam Hòe nằm lăn trên mặt đất, không động đậy gì cả. Kiều Phong vội vàng nhảy vào, trước hết đỡ mẹ dậy, thấy bà ta đã tắt thở nhưng thân còn hơi ấm, xem ra chết chưa đầy một giờ. Ông lại đỡ cha lên thì cũng y như thế. Kiều Phong vừa kinh hoàng, lại vừa đau xót, ôm xác cha chạy ra ngoài cửa, dưới ánh sáng mặt trời xem xét kỹ, thấy ngực ông gân cốt đều bị đứt đoạn, hiển nhiên bị một cao thủ võ học dùng chưởng lực cực kỳ lợi hại đánh chết. Ông lại quan sát mẫu thân thì cũng không khác chút nào. Kiều Phong trong lòng hỗn loạn: "Cha mẹ ta là vợ chồng nhà quê trung hậu thực thà, sao lại bị cao thủ võ học đến hạ độc thủ? Ắt hẳn là tại ta mà ra". Ông xem kỹ bên trong ba gian phòng, trước nhà sau nhà, nhảy cả trên mái nhà để tra xét xem hung thủ là hạng người nào. Thế nhưng kẻ hạ độc đến dấu chân cũng không để lại. Kiều Phong mặt mày đẫm lệ, càng nghĩ càng đau buồn, nhịn không nổi khóc òa lên. Chỉ mới khóc được một lát, bỗng nghe sau lưng có tiếng người: -Tiếc thay! Tiếc thay, chúng ta đến chậm một bước rồi. Kiều Phong đứng lên quay lại, thấy bốn nhà sư trung niên, phục sức theo lối chùa Thiếu Lâm. Kiều Phong tuy đã từng học nghệ phái Thiếu Lâm nhưng người truyền thụ võ công cho ông là Huyền Khổ đại sư mỗi ngày đến nửa đêm xuống thẳng nhà ông dạy võ thành ra ông không biết một nhà sư nào trong chùa. Lúc này ông trong lòng buồn khổ, tuy thấy người ngoài nhưng nhất thời không cầm được nước mắt. Một nhà sư dáng người cao cao đầy vẻ giận dữ, lớn tiếng nói: -Kiều Phong, ngươi quả là không bằng heo bằng chó. Vợ chồng Kiều Tam Hòe tuy không phải là cha mẹ ruột của ngươi nhưng hơn mười năm nuôi nấng, cái ơn đó quả là không nhỏ, ngươi nỡ nào ra tay sát hại? Kiều Phong sụt sùi đáp: -Tại hạ vừa mới trở về nhà, thấy cha mẹ bị hại, chính đang muốn tra xét hung thủ là ai để báo thù cho cha mẹ, đại sư sao lại nói như thế? Nhà sư kia bực tức đáp: -Người Khất Đan lòng như lang sói, quả nhiên hành động không khác gì cầm thú. Ngươi chính tay giết cha mẹ nuôi, bọn ta chỉ tiếc đến quá muộn. Họ Kiều kia, ngươi muốn đến núi Thiếu Thất làm càn, e rằng không xong đâu. Nói xong nghe vù một tiếng đã đánh ra một chưởng thẳng vào ngực Kiều Phong. Kiều Phong vừa toan tránh né, bỗng thấy sau lưng có hơi gió nhè nhẹ, biết ngay có người đánh lén, ông không muốn cùng những nhà sư Thiếu Lâm kia chưa rõ đầu đuôi đã động thủ, chân trái điểm một cái đã nhẹ nhàng vọt ra xa hơn một trượng, quả nhiên một nhà sư Thiếu Lâm đá hụt vào quãng không. Bốn nhà sư thấy ông dùng khinh công tránh được ai nấy lộ vẻ kinh dị. Nhà sư cao lớn liền chửi: -Võ công ngươi tuy giỏi thật nhưng đã làm sao? Ngươi tưởng rằng giết nghĩa phụ nghĩa mẫu diệt khẩu để che dấu xuất thân lai lịch, chỉ tiếc thay ngươi là giống nghiệt chủng Khất Đan, việc này đã truyền vang trên giang hồ, trong võ lâm có ai còn không biết, có ai còn không hay? Ngươi làm chuyện đại nghịch như thế chỉ làm tăng thêm tội nghiệt mà thôi. Một nhà sư khác lại tiếp: -Ngươi trước kia giết Mã Đại Nguyên, rồi nay giết vợ chồng Kiều Tam Hòe, hừ hừ, chuyện xấu xa đó tưởng thế mà che dấu được hay sao? Kiều Phong tuy nghe hai nhà sư nhục mạ riếc móc như thế, trong lòng chỉ cảm thấy xót xa, chẳng có chút nào oán hận. Ông bình sinh gặp chuyện lớn, quyết đoán hiềm nghi, đã từng gặp không biết bao nhiêu chuyện khó khăn lúc này lại càng cố nén nhịn, vòng tay hành lễ nói: -Xin hỏi pháp danh bốn vị đại sư xưng hô thế nào? Có phải là tăng nhân chùa Thiếu Lâm chăng? Một nhà sư người tầm thước tính tình dễ chịu nhất liền nói: -Bọn ta đều là đệ tử Thiếu Lâm. Ôi, nghĩa phụ nghĩa mẫu ngươi một đời trung hậu sao lại gặp cảnh thảm báo thế này. Kiều Phong, người Khất Đan các ngươi ra tay quả là độc địa. Kiều Phong nghĩ thầm: "Nếu như họ không chịu tuyên lộ pháp danh, có hỏi thêm cũng vô ích. Nhà sư cao kia đã nói rằng họ đến cứu chậm mất rồi hẳn là có người báo tin đến cứu viện, thế nhưng ai là người đến đưa tin? Ai là người dự đoán cha mẹ ta sẽ gặp hung hiểm?". Ông liền đáp: -Bốn vị đại sư lòng dạ từ bi, xuống núi đến cứu cha mẹ tôi, tiếc thay chậm mất một bước ... Nhà sư cao kia tính nóng như lửa, giơ nắm tay to lớn lên, nghe vù một tiếng nhắm Kiều Phong đấm tới, quát lớn: -Bọn ta chậm một bước nên mới để ngươi làm chuyện ngược ngạo này, ngươi còn hợm hĩnh khoe khoang, đắc ý châm chọc nữa hay sao? Kiều Phong biết bốn người đều có lòng tốt, vừa nghe tin lập tức chạy xuống cứu cha mẹ mình nên không muốn cùng họ động thủ quá chiêu, thế nhưng nếu không chế ngự được bọn họ thì vĩnh viễn sẽ không bao giờ tìm được chân tướng nên nói: -Tại hạ hết sức cảm kích hảo ý của bốn vị, chuyện hôm nay không biết làm sao hơn, đành phải đắc tội. Nói xong thân mình quay vụt lại nhắm ngay vai nhà sư thứ ba đánh tới. Nhà sư đó kêu lên: -Muốn động thủ thực hay sao? Câu nói chưa dứt, đầu vai đã bị Kiều Phong đánh trúng rồi, thân mình mềm nhũn, ngồi phịch xuống đất. Kiều Phong học nghệ của phái Thiếu Lâm nên võ công gia số của bốn nhà sư ông thuộc nằm lòng, liên tiếp xuất chưởng đánh ngã từng người một nói: -Đắc tội! Xin hỏi bốn vị sư phụ, các ông nói là đến cứu chậm mất rồi, vậy làm sao biết được là cha mẹ tôi gặp phải nguy nan? Ai là người báo tin cho bốn vị sư phụ? Nhà sư cao kia giận dữ đáp: -Có phải ngươi muốn biết rõ ai là người đưa tin để tới ra tay giết hại người ta ư? Đệ tử Thiếu Lâm lẽ nào chịu để cho bọn chó Khất Đan tàn nhẫn kia bức cung? Ngươi cứ thử dùng độc hình xem bọn ta có thổ lộ nửa lời hay chăng? Kiều Phong trong bụng than thầm: "Hiểu lầm mỗi lúc một thêm, dù ta có hỏi cách nào bọn họ cũng nghĩ là mình đang tra vấn". Ông đưa tay xoa nắn trên lưng mỗi người mấy cái, giải những huyệt đạo bị phong cho bốn người nói: -Nếu như muốn sát nhân diệt khẩu thì lúc này mỗ đã lấy mạng bốn vị rồi. Chân tướng thị phi, thể nào rồi đây cũng có ngày thủy lạc thạch xuất. Bỗng nghe từ sườn núi có tiếng người cười khẩy: -Muốn giết người bịt miệng cũng đâu phải dễ dàng như thế. Kiều Phong quay đầu lại đã thấy bên cạnh núi đứng khoảng hơn chục nhà sư Thiếu Lâm, trong tay ai nấy cầm kim binh khí. Hai nhà sư đứng đầu đều vào khoảng trên dưới năm mươi, trong tay đều cầm một cây phương tiện sản_, đầu sản hình mặt trăng làm bằng đồng ròng phát ra hàn quang lấp lánh, mắt cả hai như bắn vào người chỉ thoạt nhìn đã biết nội công cực kỳ thâm hậu. Kiều Phong tuy không sợ gì cả nhưng cũng biết những người vừa đến võ công không phải tầm thường, nếu hai bên phải giao tranh thì không thể không giết vài người mới có thể bảo toàn tính mạng mà thoái lui. Ông hai tay ôm thành quyền nói: -Kiều Phong vô lễ, xin tạ tội với chư vị đại sư. Đột nhiên thân hình bay ngược về sau, lưng đụng phá vỡ cánh cửa chui tọt vào trong căn nhà đất. Biến cố đó cực kỳ nhanh, các nhà sư cùng kinh hoảng kêu la, năm sáu người cùng xông lên nhưng vừa đến cửa, một luồng kình phong từ bên trong đánh ra. Năm sáu người kia ai nấy đều vội vàng giơ tả chưởng lên vận nội lực chống đỡ, nghe bùng một tiếng, bụi đất bay mịt mù, tất cả bị chưởng lực từ bên trong ép phải lùi lại bốn năm bước. Đợi đến khi mọi người đứng vững lại rồi, ai nấy thấy khí huyết trong ngực trào lên, người nào cũng mặt mày ngơ ngác, trong bụng đều hiểu rằng: "Chưởng lực của Kiều Phong tuy mãnh liệt thật nhưng vẫn còn dư lực, nếu đánh ra chưởng thứ hai chưa chắc đã chống đỡ nổi". Ai nấy cho rằng Kiều Phong là kẻ cùng hung cực ác nên đang thu lực để đánh thêm, có biết đâu ông ra nhẹ đòn không muốn đả thương người khác. Mọi người ai nấy thủ thế đề phòng, một hồi sau, hai nhà sư đứng đầu cầm phương tiện sản, cùng sử chiêu Song Long Nhập Động đánh ép hai bên, thân hình theo sản song song cùng tiến vào căn nhà đất. Keng keng keng hai thanh sản chạm nhau, kết thành một màn lưới bảo hộ toàn thân nhưng chỉ thấy trong nhà trống không, nào thấy hình bóng Kiều Phong đâu nữa? Lạ lùng nhất, đến thi thể vợ chồng Kiều Tam Hòe cũng không còn. Hai nhà sư sử dụng phương tiện sản thuộc Giới Luật Viện trong chùa Thiếu Lâm, một người giữ chức trì giới tăng, giám thủ hành vi các đệ tử bản phái, còn một người là thủ luật tăng, bình thời hành tẩu giang hồ tra xét công tội các đệ tử môn hạ, bản thân võ công cố nhiên cao cường, kiến văn cũng rộng rãi người khác không thể nào bì kịp. Hai người thấy Kiều Phong trong khoảnh khắc biến đi đằng nào không biết cũng đã cực kỳ khó rồi, lại ôm theo hai cái xác vợ chồng Kiều Tam Hòe, quả thật không thể nào ngờ nổi. Các nhà sư tra xét ngõ trước vườn sau, đến cả nhà bếp, lục lọi mấy lần. Hai nhà sư giới luật cùng chạy xuống núi đuổi theo, đuổi đến hơn hai chục dặm nhưng nào có thấy tung tích Kiều Phong đâu? Có ai ngờ được Kiều Phong ôm xác cha mẹ lại chạy ngược lên núi Thiếu Thất. Ông tìm đến một sườn núi thật kín đáo, rậm rạp cheo leo đem cha mẹ chôn nơi đó, quì xuống cung kính lạy tám lạy, trong bụng khấn thầm: "Cha mẹ bị người nào hạ độc thủ giết hại, hài nhi thể nào cũng tìm cho ra hung thủ, đưa đến mộ phần moi tim tế sống hai vị lão nhân gia". Ông nghĩ đến lần này quay trở về nhà, chỉ chậm mất một bước, nên đã không gặp được cha mẹ, nếu không ông bà thấy mình đã trở thành tráng kiện khôi ngô, thể nào cũng vui mừng lắm. Giá như ba người được tụ hội một ngày nửa buổi thì cũng còn được khoái hoạt trong giây lát. Nghĩ đến như thế, nhịn không nổi lại khóc thầm. Ông từ bé vốn tính tình cứng cỏi, ít khi khóc lóc, hôm nay vì hết sức thương tâm, hết sức bi phẫn nên nước mắt tuôn trào không sao cầm được giọt lệ. Đột nhiên trong lòng lại nảy ra một ý niệm, kêu thầm: "Chết rồi, không xong, thụ nghiệp ân sư của ta là Huyền Khổ đại sư không chừng cũng bị nguy hiểm". Đột nhiên ông hiểu rõ luôn mấy việc: "Hung thủ giết cha mẹ ta không phải chỉ là ngẫu nhiên xảo hợp mà hạ thủ chỉ nửa giờ trước khi ta về đến nhà mà là y đã dự mưu, hạ thủ xong rồi lập tức thông tri cho các nhà sư chùa Thiếu Lâm rằng ta đang lên núi Thiếu Thất giết hai ông bà để bịt miệng. Các nhà sư đó bụng dạ hiệp nghĩa, một lòng muốn cứu cha mẹ ta thể nào cũng chạm trán với ta. Trên đời này biết được thân thế ta nay chỉ còn một sư phụ Huyền Khổ mà thôi, phải phòng hung đồ hạ độc thủ đem tội danh đổ riệt lên đầu mình". Ông nghĩ đến Huyền Khổ đại sư vì mình mà phải chịu nguy nan, lập tức tâm can nóng như lửa đốt, vội vàng cất bước chạy thẳng lên chùa Thiếu Lâm. Ông biết rõ trong chùa cao thủ đông như kiến, trong Đạt Ma Đường cững đã có vài vị lão tăng mang tuyệt kỹ kinh người, mình chỉ vừa lộ diện, chúng tăng sẽ cùng xông lên tấn công, muốn thoát thân không phải là chuyện dễ dàng nên chỉ tìm những đường mòn mà chạy. Gai góc cỏ cây móc hai ống quần ông tơi tả, trên đùi cũng máu me đầm đìa nhưng ông cũng không coi vào đâu. Đi vòng theo đường nhỏ lên núi, lộ trình dài gần gấp rưỡi, chạy đến hơn một giờ mới lên đến sau chùa. Lúc đó trời đã tối mịt, ông trong lòng vừa mừng vừa lo, mừng là vì trời tối dễ dàng trốn tránh, lo là sợ hung thủ thùa cơ đánh lén không phải dễ dàng tìm ra tung tích của y được. Mấy năm qua ông tung hoành giang hồ, ít khi gặp địch thủ, thế nhưng lần này kẻ địch, võ công cố nhiên cao cường đã đành mà tâm kế cũng công phu, tính toán độc địa, trước nay ông chưa từng gặp bao giờ. Chùa Thiếu Lâm tuy là đầm rồng hang hổ nhưng đâu có đề phòng có người đến gia hại Huyền Khổ đại sư, nếu như có người tới đánh trộm thì e rằng khó mà thoát được ám toán. Kiều Phong đâu phải không biết mình đang ở vào cảnh bị hiềm nghi cực nặng nề, nếu như lúc này Huyền Khổ đại sư đã bị độc thủ, dẫu không ai nhìn thấy hung thủ hình dạng thế nào nhưng nếu mình bị người ta phát giác lén lén lút lút lẻn vào trong chùa thì dù có trăm cái miệng cũng không biện bạch nổi. Nếu lúc này ông muốn độc thiện kỳ thân_ thì tránh xa chùa Thiếu Lâm càng xa càng tốt, nhưng một là quan hoài an nguy của ân sư Huyền Khổ đại sư, thứ nữa cũng muốn thừa cơ bắt lấy hung thủ đích thực để báo thù cho cha mẹ nên dẫu cực kỳ nguy hiểm ông cũng không coi vào đâu. Ông tuy ở tại núi Thiếu Thất hơn chục năm nhưng chưa hề bước chân vào trong chùa, thành thử phương hướng phòng ốc hoàn toàn không biết gì cả. Do đó Huyền Khổ đại sư ngụ tai nơi nao ông chẳng hề hay biết, nghĩ bụng: "Nếu như ân sư bình an không sao cả, ta gặp được thầy ta rồi sẽ bẩm rõ nội tình để lão nhân gia để ý đề phòng, sau đó sẽ hỏi thân thế lai lịch, may ra ân sư có thể đoán được hung thủ là ai". Trong chùa Thiếu Lâm, điện, đường, viện, lạc đâu phải chỉ vài mươi căn, đông một tòa, tây một tòa rải rác khắp các sườn núi. Huyền Khổ đại sư ở trong chùa không chấp chưởng chức vụ gì, nhà sư hàng chữ "Huyền" ít ra cũng phải hai chục người, người nào ăn mặc cũng giống nhau, trong đêm tối biết tìm ông nơi đâu? Kiều Phong tính thầm trong bụng: "Chỉ còn một cách duy nhất là bắt lấy một nhà sư Thiếu Lâm, ép y phải đưa mình đến gặp Huyền Khổ sư phụ, sau khi gặp ông rồi sẽ nói rõ việc mình bất đắc dĩ phải làm như thế rồi trịnh trọng xin lỗi ông ta. Thế nhưng những nhà sư Thiếu Lâm phần lớn tôn sư trọng nghĩa, nếu như y lại tưởng ta mưu toan điều gì bất lợi cho Huyền Khổ đại sư, hẳn là thà chết chứ không chịu khuất phục, nhất định không chịu cho ta biết ông ta ở nơi đâu. Ôi, hay là ta đến nhà bếp tìm một gã hỏa công bảo y dẫn đường thế nhưng những người đó chắc gì đã biết được sư phụ ta ở chỗ nào". Ông nhất thời bàng hoàng không biết tính sao, mỗi khi qua một điện đường sương phòng lại nằm phục bên ngoài cửa sổ nghe ngóng, hi vọng biết được chút mối manh gì. Tuy ông thân thể cao to nhưng thân thủ nhanh nhẹn, trồi lên hụp xuống nhẹ nhàng như một con mèo nên không ai biết được. Cứ từng bước từng bước như thế, đi đến một tòa nhà nhỏ bỗng nghe bên trong có người nói: -Phương trượng có việc quan trọng cần bàn bạc, xin sư thúc lập tức đến ngay Chứng Đạo Viện. Lại nghe một giọng già nua trả lời: -Được rồi! Ta sẽ đến ngay. Kiều Phong nghĩ thầm: "Phương trượng triệu tập người để bàn việc quan trọng, sư phụ ta cũng có mặt không chừng. Chi bằng ta theo người này đến Chứng Đạo Viện". Chỉ nghe kẹt một tiếng, cánh cửa mở ra, hai nhà sư đi ra, người già đi về hướng tây còn người trẻ đi về hướng đông chắc là đi truyền tin cho những người khác. Kiều Phong bụng bảo dạ, phương trượng mời lão tăng này đến thương lượng yếu sự, ông ta ắt hẳn vai vế cực cao, chùa Thiếu Lâm không phải như những chùa khác, phàm những người bối phận cao võ công ắt cũng cao thâm. Ông không dám đi sát theo sau, chỉ nhìn theo sau lưng đi xa xa thấy ông ta đi thẳng về hướng tây đi vào một tòa nhà. Kiều Phong đợi ông ta đi vào trong phòng rồi mới đi vòng ra phía sau, xem kỹ chung quanh không có ai mới dám nằm phục xuống bên cạnh cửa sổ. Ông trong lòng bi phẫn, lại thêm tức tối tự nhủ: "Kiều Phong này từ thuở hành tẩu giang hồ đến nay, đối đãi với đồng đạo chính phái trong võ lâm, có chuyện gì mà không quang minh lỗi lạc, đàn anh kẻ cả đâu? Vậy mà hôm nay ta phải lén lén lút lút, nếu như hành tung bại lộ thì một đời anh danh của Kiều mỗ còn mặt mũi nào mà nhìn ai?". Ông lập tức lại nghĩ ngay: "Năm xua sư phụ hằng đêm xuống núi đây võ nghệ cho ta, dẫu có mưa to gió lớn cũng chưa bao giờ bỏ một ngày nào. Cái ơn nặng như thế, ta dù tan xương nát thịt cũng chưa báo đáp được, huống hồ một chút nhục cỏn con". Chỉ nghe ngoài cửa có tiếng bước chân người, trước sau đi vào bốn người, chẳng mấy chốc lại thêm hai người nữa, bóng chiếu trên giấy dán cửa sổ, phải đến trên mười người cả thảy. Kiều Phong nghĩ thầm: "Nếu như họ thương lượng việc quan trọng cơ mật của phái Thiếu Lâm nếu như ta nghe lỏm được, dù ta không cố ý nhưng cũng không ổn, chi bằng ta tránh ra xa xa thì hơn. Nếu như sư phụ có ở trong nhà, trong đó cao thủ nhiều như thế, dẫu hung thủ có lợi hại thế nào chăng nữa cũng không sao đả thương ông ta được, đợi khi thương nghị xong rồi, quần tăng phân tán ta sẽ tìm cách gặp sư phụ sau". Ông đang toan rón rén đi ra, bỗng nghe trong nhà hơn chục tăng nhân cùng lên tiếng tụng kinh. Kiều Phong không biết họ tụng kinh văn nào, nhưng nghe thấy giọng trang nghiêm hiền từ, một số người tụng kinh lại ra vẻ có chiều thương xót. Đoạn kinh văn đó tụng thật dài, ông xem ra bất ổn nghĩ thầm: "Bọn họ dường như ở đây làm lễ cầu siêu, hay tham thiền nghiên cứu kinh điển chi đó, sư phụ ta xem ra không có ở đây". Ông lắng tai nghe, quả nhiên trong tiếng quần tăng đang tụng niệm không nghe thấy giọng trầm ấm hậu thực của Huyền Khổ đại sư. Kiều Phong nhất thời không quyết định được có nên chờ thêm chút nữa hay không, chỉ thấy tiếng tụng kinh chấm dứt, một giọng nói uy nghiêm cất lên: -Huyền Khổ sư đệ, ngươi có còn gì để nói nữa chăng? Kiều Phong mừng quá: "Sư phụ quả nhiên có ở trong đây, lão nhân gia vẫn bình an không sao cả. Thì ra ông không lên tiếng đọc kinh". Chỉ nghe một giọng hồn hậu bắt đầu nói, Kiều Phong nghe thấy biết chắc chính là tiếng của thụ nghiệp ân sư Huyền Khổ đại sư: -Ngày tiểu đệ thụ giới, tiên sư đặt tên cho là Huyền Khổ. Phật tổ có nói đến bảy nỗi khổ trên đời, đó là sinh, lão, bệnh, tử, oán tăng hội, ái biệt ly, cầu bất đắc _. Tiểu đệ cố gắng thoát khỏi bảy nỗi khổ đó để mong độ được cho mình chứ chẳng dám độ cho người, nói ra thật là hổ thẹn. Cái nỗi khổ "oán tăng hội" kia nguyên là một cảnh giới mà nhân sinh ai ai cũng có. Gieo trồng nhân nào thì ắt sẽ gặt nghiệp đó. Các vị sư huynh, sư đệ thấy ta túc nghiệp_ đáng ra phải mừng cho ta mới phải. Kiều Phong nghe ông nói cực kỳ bình tĩnh, có điều những điều thốt ra đề là ngôn ngữ nhà Phật nên không hiểu ý ông định nói gì. Lại nghe giọng nói uy nghiêm kia tiếp: -Huyền Bi sư đệ mấy tháng trước táng mạng trong tay gian nhân, bọn chúng ta hết sức truy nã hung thủ, xem ra đã vi phạm vào giới luật đừng sân đừng nộ rồi. Thế nhưng việc hàng ma trừ gian cốt là phổ cứu thế nhân, phận người học võ chúng ta, bản ý vốn là để hoằng pháp, theo đòi tâm đại từ đại bi của Như Lai để giải trừ khổ nạn cho chúng sinh ... Kiều Phong nghĩ thầm: "Thanh âm uy nghiêm kia chắc hẳn là giọng của Huyền Từ đại sư, phương trượng chùa Thiếu Lâm". Lại nghe ông nói tiếp: -... trừ một ma đầu, ấy là cứu được vô số thế nhân. Sư đệ, kẻ đó có phải là Cô Tô Mộ Dung chăng? Kiều Phong nghĩ bụng: "Việc này lại có liên quan đến họ Mộ Dung đất Cô Tô. Nghe nói Huyền Bi đại sư của phái Thiếu Lâm tại cảnh giới nước Đại Lý bị người ta ám toán, không lẽ họ nghi là Mộ Dung công tử hạ độc thủ hay sao?". Chỉ nghe Huyền Khổ đại sư nói: -Phương trượng sư huynh, tiểu đệ không dám để sư huynh cùng các sư huynh đệ phải lo lắng cho mình để phải tăng thêm nghiệp báo. Người kia nếu như biết bỏ con dao đồ tể xuống, quay đầu lại là thấy bến ngay, còn như chấp mê không tỉnh, ôi, thì y chỉ tự mình làm khổ mình thôi. Người đó hình dáng ra sao cũng chẳng cần phải nói đến nữa. Huyền Từ phương trượng nói: -Được rồi! Sư đệ đại giác cao kiến, sư huynh này còn quá chấp nê, xem ra không bằng được. Huyền Khổ nói: -Tiểu đệ muốn được tĩnh tọa một chút để mặc tưởng sám hối. Huyền Từ đáp: -Thôi được! Sư đệ cố gắng giữ gìn. Chỉ nghe tiếng cửa mở ra, một nhà sư cao gầy chầm chậm đi trước. Ông đi được chừng một trượng, đằng sau là một đoàn người đi theo, tổng cộng mười bảy nhà sư. Cả mười tám người ai nấy đều chắp tay, cúi đầu mặc niệm, thần tình thật là trang nghiêm. Đợi các nhà sư đi xa rồi, trong nhà lặng yên không một tiếng động nhưng Kiều Phong bị tình hình làm cho khuất phục nhất thời không dán hiện thân gõ cửa. Bỗng nghe Huyền Khổ đại sư nói: -Giai khách từ xa đến sao còn chần chừ chưa vào? Kiều Phong giật mình kinh hãi, nhủ thầm: "Ta nín thở ngưng khí, người khác dẫu có ở cách ta một vài thước cũng chưa chắc đã phát giác ta nằm phục nơi đây. Tai của sư phụ thính như thế, nội công tu tập quả là cao cường". Nghĩ thế ông bèn cung kính đi đến trước cửa phòng nói: -Sư phụ an hảo, đệ tử Kiều Phong khấu đầu bái kiến sư phụ. Huyền Khổ "A" lên một tiếng : -Phong nhi đấy ư? Ta lúc này đang nghĩ đến con đây, chỉ mong được gặp con một lần, mau vào đi. Trong giọng nói đầy vẻ vui mừng. Kiều Phong mừng lắm, vội rảo bước tiến vào, lập tức quì xuống khấu đầu nói: -Đệ tử bình thời ít khi được hầu hạ khiến cho sư phụ phải nhớ mong. Sư phụ khỏe mạnh hài nhi thật mừng không để đâu cho hết. Nói xong ông ngẩng đầu lên, đăm đăm nhìn vào Huyền Khổ. Huyền Khổ đại sư khuôn mặt vốn dĩ mỉm cười, dưới ánh đèn đầu nhìn thấy khuôn mặt Kiều Phong đột nhiên sắc mặt đại biến, đứng phắt dậy, run run nói: -Ngươi ... ngươi ... thì ra là ngươi, ngươi là Kiều Phong đấy sao, chính tay ta ... ta dạy được đứa học trò giỏi thật? Vẻ mặt ông vừa kinh ngạc lại vừa thống khổ, lại dường như chen lẫn thương xót và tiếc nuối. Kiều Phong thấy sư phụ thần sắc lạ lùng, trong lòng hết sức khủng khiếp nói: -Sư phụ, hài nhi chính là Kiều Phong đây. Huyền Khổ đại sư nói: -Hay lắm! Hay lắm! Hay lắm! Ông liên tiếp nói ba câu "Hay lắm" mà không nói gì thêm nữa. Kiều Phong không dám hỏi thêm, lặng yên đợi ông giáo huấn sai bảo thêm điều gì, ngờ đâu đợi một hồi lâu, Huyền Khổ đại sư thủy chung không nói thêm lời nào nữa. Kiều Phong nhìn lại khuôn mặt sư phụ, thấy các bắp thịt ông đã cứng đờ không chuyển động, vẻ mặt trước sau vẫn nguyên như thế không đổi chút nào, không khỏi kinh hoảng nhảy dựng lên, giơ tay sờ vào bàn tay ông cảm thấy hơi lạnh, vội vàng thăm lại hơi thở, hóa ra khí đã tuyệt từ bao giờ.