Thiên Long Bát Bộ (bản Mới)
Chương 26 : Thủy Tạ Thính Hương, Chỉ Điểm Quần Hào Hí
Võ công thiếu đủ thế nào,
Nói đâu ra đấy quần hào ngẩn ngơ.
*
**
Chiếc thuyền nhỏ chèo tới mỗi lúc một gần, A Châu bỗng nhiên nói nhỏ:
-A Bích, mi xem kìa! Hình như có chuyện chi hơi lạ.
A Bích gật đầu nói:
-Ồ, sao lại có nhiều đèn đuốc thế nhỉ?
Nàng cười khúc khích nói:
-A Châu a tỉ, người trong nhà chắc mở hội Nguyên Tiêu chăng? Không chừng đèn đuốc sáng choang để làm tiệc sinh nhật của tỉ tỉ đó.
A Châu lặng yên không nói gì, chỉ chăm chăm nhìn đèn lửa trên mặt hồ. Đoàn Dự nhìn từ xa xa, thấy đó là một cù lao nhỏ, trên có tám chín căn nhà, trong đó có hai căn có lầu, từ trong cửa sổ ánh đèn chiếu ra. Chàng nghĩ thầm: "Nơi A Châu ở có tên là Thính Hương Thủy Tạ chắc so với Cầm Vận Tiểu Trúc của A Bích không khác bao nhiêu. Trong Thính Hương Thủy Tạ chỗ nào cũng đèn đuốc thắp sáng, chắc tại A Châu thích náo nhiệt vui chơi".
Khi chiếc thuyền còn cách Thính Hương Thủy Tạ chừng một dặm, A Châu ngừng chèo nói:
-Vương cô nương, trong nhà tiểu tì có kẻ địch.
Vương Ngữ Yên kinh hãi hỏi:
-Nói sao? Địch tới rồi ư? Ai thế?
A Châu đáp:
-Là kẻ địch nào chưa thể biết được. Thế nhưng cô nương thử ngửi xem mùi rượu nồng nặc như thế, hẳn là rất đông ác khách đang làm loạn trong nhà.
Vương Ngữ Yên và A Bích cố gắng hít mấy hơi nhưng không ai ngửi thấy gì. Còn Đoàn Dự chỉ nhận được mùi hương từ thân thể con gái còn ngoài ra những mùi khác thì chàng cũng chỉ như người thường mà thôi. Riêng A Châu có cái mũi đặc biệt mẫn cảm nói:
-Chao ôi! Chao ôi! Bọn chúng đánh đổ vò rượu Mạt Lị Lộ của tôi rồi, cả vò rượu Mai Quế Lộ nữa, thật đáng tiếc, đến cả vò rượu Hàn Mai Lộ chúng cũng uống sạch...
Nàng nói mà giọng nghẹn ngào như muốn khóc. Đoàn Dự hết sức lạ lùng hỏi:
-Sao mắt cô tinh thế nhìn được những chuyện đó hay sao?
A Châu ủ rũ đáp:
-Không phải vậy, tôi ngửi thấy đấy chứ. Tiểu nữ mất bao nhiêu công lao mới làm được những vò rượu mùi ấy, bọn ác khách kia chắc là đang chè chén rồi.
A Bích nói:
-A Châu tỉ tỉ, phải làm sao đây? Mình tránh đi chăng hay cứ tiến lên động thủ?
A Châu đáp:
-Không biết địch nhân có ghê gớm lắm không ...
Đoàn Dự nói:
-Đúng đó, nếu như gặp phải kẻ địch ghê gớm thì nên tránh trước là hơn. Còn như nếu chỉ là bọn tầm thường thì mình sẽ dạy cho chúng một bài học, để cho những trân vật của A Châu tỉ tỉ khỏi bị hư hao thêm nữa.
A Châu đang bực mình, nghe chàng nói nước đôi như thế liền nói:
-Tránh kẻ mạnh, dằn mặt kẻ yếu cái đó ai mà chẳng biết? Thế nhưng công tử làm sao biết kẻ địch ghê gớm hay tầm thường?
Đoàn Dự ứ họng không sao trả lời được. A Châu nói:
-Thế thì bọn mình cứ tới xem sao đã, nhưng có điều trước hết phải thay đổi áo quần, hóa trang thành dân đánh cá mới được.
Nàng chỉ về hướng đông nói:
-Đằng kia có một xóm chài, họ có quen tôi. Mình đến đó mượn y phục mặc tạm.
Đoàn Dự vỗ tay reo lên:
-Hay lắm! Hay lắm!
A Châu liền quạt chiếc giầm đổi hướng chèo về hướng đó, nghĩ đến hóa trang trong bụng phấn chấn, việc đang xảy ra trong nhà không còn làm nàng tức tối nữa. Trước hết nàng đến xóm dân chài mượn quần áo cùng Vương Ngữ Yên, A Bích ba người thay ra. Bản thân nàng giả làm một bà lão đánh cá còn Vương Ngữ Yên và A Bích thành hai mụ dân chài trung niên. Sau đó mới gọi Đoàn Dự qua, hóa trang chàng thành một ngư nhân chừng bốn mươi tuổi. Thuật dị dung của A Châu quả thật khéo léo dị thường, chỉ lấy bột mì, bùn đất đắp lên mặt bốn người chỗ này một chút, dán thêm chỗ kia một tị, chẳng mấy chốc mặt mày tuổi tác đều khác hẳn.
Nàng lại mượn thêm ngư thuyền, lưới đánh cá, cần câu, cá tươi các thứ rồi mới chèo về phía Thính Hương Thủy Tạ. Đoàn Dự và Vương Ngữ Yên tuy tướng mạo có đổi thật nhưng giọng nói bộ điệu đầy những sơ hở, cái tài giả vờ của A Châu hai người không sao học được. Vương Ngữ Yên cười nói:
-A Châu, mọi việc đều do ngươi đứng ra đối phó, ta giả làm như người câm.
A Châu cười đáp:
-Phải lắm, cô nương cứ thế là xong.
Chiếc thuyền đánh cá từ từ chèo đến phía sau thủy tạ, Đoàn Dự thấy bốn bề đều trồng dương liễu nhưng từ trong nhà tiếng nói cười ầm ỹ từng chập vang ra. Bọn chúng ăn nói ồn ào thật không xứng với khung cảnh hoa cỏ u nhã, tinh xảo chút nào. A Châu thở dài ra chiều bất mãn. A Bích ghé tai nàng nói nhỏ:
-Chị A Châu ơi, đánh đuổi được kẻ địch đi rồi em sẽ giúp tỉ tỉ thu dọn.
A Châu đưa tay nắm tay nàng tỏ vẻ biết ơn. Nàng dẫn bọn Đoàn Dự ba người từ phía sau đi lên nhà bếp, thấy lão Cố nấu ăn đang bận tíu tít, mồ hôi đầm đìa, đang luôn mồm khạc nhổ vào trong chảo, rồi khuấy ngay lên, trộn những bãi đờm vào thức ăn. A Châu vừa bực mình vừa tức cười kêu lên:
-Lão Cố, ông làm trò gì thế?
Lão Cố giật bắn người, hoảng hốt:
-Ngươi ... ngươi ...
A Châu cười nói:
-Ta là A Châu cô nương đây.
Lão Cố mừng quá nói:
-A Châu cô nương, sao bọn khốn kiếp ở đâu kéo đến đông thế, chúng bắt lão phải nấu cho chúng ăn, cô xem này ...
Ông ta vừa nói vừa cười hềnh hệch hỉ mũi vứt vào trong rau. A Châu cau mặt hỏi:
-Ông nấu ăn bẩn thỉu thế đấy à?
Lão Cố vội nói:
-Đồ ăn cho cô nương, trước khi nấu tôi đều rửa tay thật kỹ. Bọn xấu xa kia ăn thì càng bẩn càng tốt.
A Châu nói:
-Lần sau tôi thấy đồ ăn lão làm chắc tôi rờn rợn chẳng dám ăn đâu.
Lão Cố vội phân trần:
-Không, không phải vậy đâu, hoàn toàn không phải.
A Châu tuy chỉ là sứ tì của Mộ Dung công tử nhưng ở Thính Hương Thủy Tạ nàng là chủ, cũng có tì nữ, nấu bếp, thuyền phu, người trồng hoa hầu hạ. A Châu hỏi thêm:
-Địch nhân có đông không?
Lão Cố đáp:
-Bọn tới trước chừng mười tám, mười chín người, còn bọn đến sau phải trên hai chục người.
A Châu hỏi:
-Tới hai đám ư? Bọn chúng là ai thế? Ăn mặc kiểu nào? Nghe khẩu âm ở vùng nào tới?
Lão Cố chửi liền:
-Cha tiên sư chúng nó ...
Ông lão vừa mở mồm biết mình lỡ lời vội đưa tay bịt miệng, vẻ mặt hoảng hốt nói:
-A Châu cô nương, lão Cố thật đáng chết! Tôi giận quá nên ... mất khôn. Cả hai bọn đểu giả này xem ra toàn là ăn cướp, một bọn từ miền Bắc xuống, một đám là người Tứ Xuyên đứa nào cũng mặc áo bào trắng, chẳng biết làm cái giống gì.
A Châu hỏi thêm:
-Bọn chúng đến kiếm ai? Có chém giết ai không?
Lão Cố đáp:
-Bọn trước đến kiếm lão gia, bọn quái nhân đếu sau thì kiếm công tử. Chúng tôi nói lão gia đã qui tiên rồi, còn công tử thì không có nhà, bọn nó chẳng chịu tin, tra xét ngõ trước vườn sau khắp mọi chốn. Các a đầu trong trang phải trốn hết, mình tôi nhịn không nổi, cái đồ ...
Ông lão định chửi nhưng tiếng thô tục vừa đến cửa miệng vội cố nén lại. A Châu thấy mắt trái lão Cố tím bầm, một bên mặt sưng vù, biết ông bị chúng đánh đập, thảo nào tức quá nhổ nước miếng, hỉ mũi vào đồ ăn, cho hả cơn tức.
A Châu trầm ngâm nói:
-Để ta lên xem thử, lão Cố nói chưa rõ ràng.
Nàng dẫn Đoàn Dự, Vương Ngữ Yên, A Bích từ cửa hông nhà bếp đi ra, đi ngang một dẫy hoa nhài, qua hai chiếc cửa vòng nguyệt đến bên ngoài hoa sảnh. Còn cách hoa sảnh chừng vài trượng đã nghe bên trong tiếng người huyên náo.
A Châu rón rén đến gần, giơ ngón tay chọc giấy trên cửa sổ, ghé mắt nhìn vào bên trong. Chỉ thấy trong đại sảnh đèn đuốc sáng rực nhưng chỉ chiếu phía mặt đông, độ mười tám mười chín đại hán vạm vỡ đang nhậu nhẹt tưng bừng, trên bàn chén bát la liệt, dưới đất ghế ngổn ngang, có người ngồi cả trên bàn, có kẻ tay cầm đùi gà ăn uống nhồm nhoàm. Có kẻ lại vung trường đao chặt thịt bò rồi dùng mũi dao xiên đưa lên mồm.
A Châu sang phía tây nhìn vào lúc đầu cũng chẳng để ý nhưng sau khi nhìn một hồi bỗng thấy ớn lạnh, lưng nổi da gà thấy hai chục người đó đều mặc áo dài trắng thản nhiên ngồi đó, trên bàn chỉ đốt một ngọn nến, ánh sáng chiếu ra chỉ độ vài thước chung quanh soi rõ mặt dăm bảy người ngồi gần, ai nấy mặt mũi trơ trơ, chẳng ra vẻ vui, cũng chẳng ra vẻ giận, trông chẳng khác gì quỉ nhập tràng. Những người đó chẳng nói năng gì, cũng chẳng cử động, nếu không thỉnh thoảng nháy mắt thì ai cũng bảo đó là những xác chết.
A Bích cũng đến gần cầm tay A Châu thấy tay nàng lạnh ngắt lại hơi run run nên cũng vội chọc thủng giấy trên cửa sổ nhìn vào, mắt nàng đối diện với một tên mặt vàng như nghệ. Gã đó trừng trừng nhìn vào nàng khiến cho A Bích hoảng hốt khẽ kêu lên một tiếng. Bình bình hai tiếng, cửa sổ vỡ tung, bốn người cùng nhảy ra, hai người là bọn phương bắc còn hai người khác là quái khách Tứ Xuyên cùng quát lên:
-Ai đó?
A Châu đáp:
-Chúng tôi vừa bắt được mấy con cá tươi đến hỏi lão Cố có muốn mua không? Cả tôm nữa hôm nay cũng còn đang nhảy lao xao đây!
Nàng dùng giọng Tô Châu, cả bốn người kia chẳng hiểu nói gì nhưng thấy cả bốn người ăn mặc theo lối dân chài, tôm cá cầm trong tay còn đang dãy dụa, không hiểu cũng phải hiểu. Một đại hán giựt con cá trong tay A Châu, lớn tiếng gọi:
-Nhà bếp đâu, nhà bếp đâu, mau đem nấu cháo ăn cho rã rượu.
Một gã khác cũng cầm ngay con cá trong tay Đoàn Dự. Hai người Tứ Xuyên thấy đó chỉ là bọn bán cá nên cũng chẳng để ý gì, quay người đi trở vào trong sảnh. Khi hai người đó đi ngang qua trước mặt A Bích, nàng ngửi thấy mùi hôi nồng nặc, nhịn không nổi phải giơ tay bịt mũi lại. Một gã người Tứ Xuyên liếc mắt thấy tay áo nàng tụt xuống để lộ cánh tay trắng nõn như mỡ đông, bụng liền nghi ngay: "Một mụ dân chài trung niên da dẻ lẽ nào lại trắng trẻo đến thế?".
Y liền vung tay chộp lấy A Bích hỏi dồn:
-Mụ bao nhiêu tuổi rồi?
A Bích kinh hãi, vội hất tay y ra nói:
-Ngươi làm gì thế? Tính đánh nhau chăng?
Giọng nàng trong trẻo dịu dàng, cái vung tay lại cực kỳ nhanh nhẹn, gã Tứ Xuyên kia thấy cánh tay tê hẳn đi.
Thế là lập tức cả bọn bị lộ tẩy, nghe bốn người bên ngoài quát hỏi, ở trong nhà có đến hơn chục người chạy vội ra vây bọn Đoàn Dự lại. Một đứa giơ tay giựt bộ râu của chàng, chòm râu giả tuột ra ngay. Một đứa khác toan nắm lấy A Bích, bị nàng nghiêng qua đẩy cho một cái ngã lăn ra. Cả bọn kia liền lên tiếng quát tháo:
-Có gian tế! Có gian tế!
-Bọn chúng giả trang đó!
-Mau bắt chúng đánh cho một trận!
Lập tức có bốn tên chạy vào trong nhà bẩm cho người thủ lãnh ngồi ở phía đông:
-Diêu trại chủ, bắt được mấy tên gian tế ăn mặc giả trang.
Ông già nọ thân hình cao to, bộ râu muối tiêu dài đến ngực, quát lên:
-Bọn gian tế ở đâu đến đó? Lấp ló thậm thọt tính làm trò gì đây?
Vương Ngữ Yên nói:
-Giả làm bà già chẳng thích chút nào, ta không thèm làm nữa đâu.
Nói xong nàng giơ tay xoa mặt mấy cái, bao nhiêu đất cát bột mì nặn thành những nếp nhăn rơi xuống cả, cả bọn kia nhìn thấy một mụ dân chài trung niên biến ngay thành một thiếu nữ xinh đẹp tuyệt trần, ai nấy há hốc mồm, trợn tròn mắt, trong đại sảnh bỗng dưng không một tiếng động, bao nhiêu người khách Tứ Xuyên ngồi ở phía tây cũng nhìn chầm chập vào nàng.
Vương Ngữ Yên nói:
-Các ngươi cũng bỏ hết hóa trang đi!
Nàng quay sang nói với A Bích:
-Cũng tại ngươi nên làm lộ chuyện hết cả.
A Châu, A Bích, Đoàn Dự ba người liền gỡ hết những hóa trang trên mặt. Mọi người nhìn Vương Ngữ Yên, rồi nhìn sang A Châu, A Bích không ngờ trên đời này lại có những người mặt hoa da phấn, xinh đẹp tuyệt trần như thế.
Một lúc lâu sau, lão già to cao kia mới hỏi:
-Các ngươi là ai? Đến đây làm gì?
A Châu cười nói:
-Ta là chủ nơi đây, người ngoài lại hỏi ta đến đây làm gì không phải là lạ lùng sao? Các ngươi là ai? Đến đây làm gì?
Lão già kia gật gù:
-À, thì ra ngươi là chủ nơi đây, thế thì tốt lắm. Ngươi là tiểu thư nhà Mộ Dung chăng? Có phải Mộ Dung Bác là cha ngươi chăng?
A Châu mỉm cười đáp:
-Ta chỉ là một đứa a đầu, làm gì có phúc được làm con gái của lão gia? Các hạ là ai? Đến đây có chuyện gì?
Lão già kia thấy nàng xưng là con ở xem chừng không tin, trầm ngâm một chút rồi nói:
-Vậy ngươi đi mời chủ nhân ra đây ta sẽ cáo tri tại sao lại đến.
A Châu đáp:
-Lão chủ nhân chúng tôi đã qua đời rồi, còn tiểu chủ nhân đi vắng không có nhà. Các hạ có chuyện gì cứ bảo cho tôi cũng được. Tính danh các hạ là gì không lẽ cũng không cho biết được hay sao?
Lão già kia nói:
-Ồ, ta là Diêu trại chủ Diêu Bá Đương của Tần gia trại ở Vân Châu.
A Châu nói:
-Hâm mộ đã lâu.
Diêu Bá Đương cười nói:
-Ngươi chỉ là một cô gái nhỏ, biết gì mà hâm mộ ta đã lâu?
Vương Ngữ Yên nói:
-Vân Châu Tần gia trại nổi danh nhất về môn Ngũ Hổ Đoạn Môn Đao. Năm xưa Tần Công Vọng tiền bối sáng chế ra sáu mươi tư chiêu thức Đoạn Môn Đao, nhưng hậu nhân quên mất năm chiêu, nghe nói chỉ còn truyền lại năm mươi chín chiêu thôi. Diêu trại chủ, ông học được bao nhiêu chiêu rồi?
Diêu Bá Đương giật mình buột miệng:
-Ngũ Hổ Đoạn Môn Đao của Tần gia trại chúng ta nguyên thủy có sáu mươi tư chiêu, sao ngươi lại biết được?
Vương Ngữ Yên đáp:
-Trong sách có chép như vậy, xem chừng không sai phải không? Năm chiêu bị mất là Bạch Hổ Khiêu Giản, Nhất Khiếu Phong Sinh, Tiễn Phác Tự Như, Hùng Bá Quần Sơn, còn chiêu thứ năm là gì nhỉ? Ồ là Phục Tượng Thắng Sư, có đúng không nào?
Diêu Bá Đương đưa tay vuốt râu, trong bản môn có năm chiêu tinh yếu nhất nay đã thất truyền, y cũng chỉ biết thế, nhưng chiêu số đó ra sao thì trong môn phái chẳng một ai biết được. Bây giờ nghe nàng nói ra vanh vách, y vừa kinh hãi, vừa nghi ngờ nên câu hỏi của nàng không sao trả lời được.
Một gã chừng ngoài ba mươi tuổi mặc áo bào trắng ngồi bên phía tây cất tiếng lạnh lùng nói:
-Ngũ Hổ Đoạn Môn Đao của Tần gia trại bị thiếu mất năm chiêu, Diêu trại chủ đang lúc bận rộn nên không nhớ được. Chẳng hay cô nương xưng hô với Mộ Dung Bác Mộ Dung tiên sinh như thế nào?
Vương Ngữ Yên đáp:
-Mộ Dung lão gia là dượng của tôi, còn tôn tính đại danh các hạ là gì?
Người kia cười nhạt nói:
-Cô nương gia học uyên nguyên đã thông hiểu thấu đáo võ công của Diêu trại chủ. Vậy lai lịch của tại hạ cô nương đoán thử xem nào?
Vương Ngữ Yên mỉm cười nói:
-Vậy ông thử phô một chút thân thủ xem nào. Chỉ nói vài câu thì tôi chịu không thể đoán được.
Gã nọ gật đầu nói:
-Phải lắm.
Tay trái y vào ống tay áo bên phải, còn tay phải lại cho vào ống tay phải tưởng chừng như mùa lạnh người ta làm thế để cho ấm. Y lập tức rút tay ra, hai tay mỗi tay đã cầm một loại binh khí hình dạng lạ lùng, tay trái là một cái dùi sắt dài chừng sáu bảy tấc, mũi dùi lại cong cong, còn tay phải cầm một cái búa hình bát giác, cán búa dài cả thước, đầu búa cũng không to bằng nắm tay như đầu búa thường. Hai món binh khí đó be bé xinh xinh trông như đồ chơi của trẻ con xem chừng không dùng để giao đấu được. Những đại hán phương bắc ngồi bên phía đông nhìn thấy món binh khí cổ quái đó có mấy người cười rộ lên. Một gã nói:
-Thằng bé đất Xuyên đem đồ chơi ra cho bà con coi đấy mà!
Những người phía tây nghe nói thế ai nấy trừng mắt hầm hầm nhìn y. Vương Ngữ Yên nói:
-Ồ, đây là Lôi Công Oanh, các hạ hẳn là giỏi về khinh công và ám khí. Trong sách có viết Lôi Công Oanh là binh khí độc đáo của phái Thanh Thành ở Thanh Thành Sơn đất Tứ Xuyên. Chữ "Thanh" có chín miếng đánh, còn chữ "Thành" có mười tám phép phá thật là kỳ bí khó lường. Các hạ ắt hẳn phải là họ Tư Mã, đúng không?
Gã đó vốn mặt lầm lì nghe nàng nói mấy câu mặt liền biến sắc, luôn cả ba người ngồi bên cạnh y cũng lấm lét nhìn nhau, một lúc sau mới nói:
-Nhà Mộ Dung Cô Tô võ học uyên bác không ai sánh kịp, quả nhiên danh bất hư truyền. Tại hạ là Tư Mã Lâm, xin thỉnh vấn cô nương, có phải quả thực chữ Thanh có chín miếng đánh, chữ Thành có mười tám phép phá hay không?
Vương Ngữ Yên đáp:
-Câu hỏi của ông hay lắm. Theo tôi thì chữ Thanh phải nói là có mười miếng mới thật là đúng, Thiết Bồ Đề và Thiết Liên Tử bề ngoài tuy giống nhau nhưng cách dùng hoàn toàn khác hẳn, không thể lẫn lộn thành một được. Còn như chữ Thành tuy nói là có mười tám cách phá nhưng Phá Giáp, Phá Thuẫn, Phá Bài ba loại chiêu số không có gì khác biệt hẳn, có vẻ như cố ý làm ra cho đủ số mười tám, thực sự thì nếu gom lại thành mười lăm hay mười sáu cách phá lại có vẻ tinh yếu hơn.
Tư Mã Lâm nghe nói mà há hốc mồm, võ công chữ Thanh y chỉ học được mới có bẩy miếng, việc phân biệt Thiết Liên Tử và Thiết Bồ Đề nào có biết gì đâu, còn ba cách Phá Giáp, Phá Thuẫn, Phá Bài là ba môn võ công y đắc ý nhất vốn vẫn được coi là tuyệt kỹ trấn sơn của phái Thanh Thành bây giờ cô gái này lại bảo phải gom làm một. Y lúc đầu thì kinh hãi thực nhưng sau đó chuyển qua tức tối nghĩ thầm: "Võ công của ta cũng như tên tuổi nhà Mộ Dung biết từ lâu rồi, họ định làm bẽ mặt mình nên đặt điều ra nói lăng nhăng, cho cô gái này ra phét lác đây mà".
Y nghĩ vậy nên không nổi cọc chỉ thản nhiên nói:
-Đa tạ cô nương chỉ giáo khiến cho mỗ như được mở đám mây mù.
Y trầm ngâm một lát rồi quay sang kẻ phó thủ ở bên cạnh nói:
-Chư sư đệ, ngươi thử ra lãnh giáo cô nương này xem nào.
Chư Bảo Côn là một người đàn ông mặt mũi xấu xí rỗ nhằng rỗ nhịt, xem chừng còn lớn hơn Tư Mã Lâm vài ba tuổi, ngoài bạch bào y lại còn bịt đầu bằng vải trắng trông như người mặc đồ tang, dưới ánh nến mơ hồ thật đầy âm khí. Y đứng lên vòng tay vào tay áo rút ra một cái dùi và một cái búa, giống hệt Lôi Công Oanh của Tư Mã Lâm, nói:
-Thỉnh cô nương chỉ điểm.
Người đứng chung quanh ai cũng nghĩ thầm: "Binh khí của ngươi giống hệt của Tư Mã Lâm, cô gái này biết được Tư Mã Lâm lẽ nào lại không biết của ngươi hay sao?". Vương Ngữ Yên nói:
-Các hạ cũng sử dụng Lôi Công Oanh, chắc hẳn cũng ở trong phái Thanh Thành?
Tư Mã Lâm nói:
-Chư sư đệ của mỗ đái nghệ tòng sư. Nguyên bản là môn phái nào, mong được tuệ nhãn của cô nương xem thử ra sao?
Y nghĩ bụng: "Chư sư đệ vốn ở môn phái nào đến chính ta cũng không biết rõ, nếu như ngươi đoán ra được thì quả là lạ kỳ". Vương Ngữ Yên tự nhủ: "Cái này quả là một việc khó khăn".
Nàng chưa mở miệng thì Diêu Bá Đương bên phía Tần gia trại đã xen vào:
-Tư Mã chưởng môn, phải chăng ngươi mượn tay cô nương này để nói toạc bộ mặt thật của sư đệ, chẳng hay có dụng ý gì? Làm như thế có phải bẽ mặt nhau không?
Tư Mã Lâm ngạc nhiên đáp:
-Có gì mà bảo là bẽ mặt nhau?
Diêu Bá Đương cười nói:
-Lệnh sư đệ bây giờ mặt rỗ như tổ ong, điêu khắc cực kỳ tinh tế. Bộ mặt thật của y bây giờ đố ai biết nó như thế nào cho nổi.
Cả cánh bên phía đông đều phá lên cười sằng sặc. Chư Bảo Côn ghét nhất là ai nói đến mặt rỗ của y, nay nghe Diêu Bá Đương công nhiên châm chọc, làm sao có thể nhịn được? Y không cần biết tới Diêu Bá Đương là một tay có thế lực ở phương bắc, lại làm chủ một trại, chiếc dùi bên tay trái liền đâm ra nhắm thẳng vào ngực y, chiếc búa tay phải gõ vào chuôi dùi một cái, chỉ nghe rít lên, một món ám khí đã bắn vào người Diêu Bá Đương.
Tần gia trại và phái Thanh Thành từ khi mới đến Thính Hương thủy tạ đã có chiều không ưa nhau nên chẳng bên nào giữ lễ với bên nào, bên này lườm thì bên kia cũng nguýt lại, nếu bọn Vương Ngữ Yên không đến hai bên ắt đã choảng nhau. Diêu Bá Đương mở lời châm chọc bản ý vốn chỉ muốn khích bác đối phương, ngờ đâu người ta chẳng nói chẳng rằng đã ra tay ngay. Ám khí đó thật là thần tốc, trong cơn nguy cấp không kịp rút đao ra gạt, vội đưa tay chộp ngay cái chân nến trên bàn, nhắm thảng vào ám khí đập một cái, nghe cạch một tiếng bắn ngay lên xà nhà.
Thì ra đó là một mũi cương châm dài chừng ba tấc. Mũi kim đó tuy ngắn thật nhưng lực đạo cực kỳ mạnh mẽ, hổ khẩu Diêu Bá Đương tê đi, chiếc chân đèn rơi luôn xuống đất nghe kêu loảng xoảng.
Quần đạo bên Tần gia trại lật đật rút đao, hò hét vang dội:
-Bắn ám khí đả thương người đấy hả?
-Thế thì còn chó gì là anh hùng hảo hán?
-Đồ mặt dầy, con bà mày chứ! Thật vô liêm sỉ!
Một gã béo ị mồm miệng lại càng thô tục, đem mười tám đời tổ tông đối phương ra mà chửi bới. Cả bọn phái Thanh Thành trước sau vẫn lặng yên không nói một lời, coi những lời mạ lỵ của Tần gia trại như không nghe không thấy.
Diêu Bá Đương trong cơn hoảng hốt chụp vội cái chân đèn, trong chớp mắt như thế cầm không chắc, nhưng đối với một người đã tu tập mấy chục năm mà để một chiếc kim nhỏ xíu đánh rơi vật đang ở trong tay, theo qui củ võ lâm mà luận thì đã thua một chiêu, nghĩ thầm: "Võ công đối phương có chút tà môn, nghe tiểu cô nương này nói, phái Thanh Thành có chín miếng trong chữ Thanh, chắc toàn là công phu lén lút, lợi dụng khi người ta bất ngờ sẽ khiến cho địch bị thất thế". Y liền giơ tay ra hiệu cho thuộc hạ yên lặng, cười nói:
-Chiêu mới rồi của Chư huynh đệ quả là hay, mà cũng thật là âm độc! Cái đó tên là gì thế?
Chư Bảo Côn cười hắc hắc, không trả lời. Gã mập của Tần gia trại lại xen vào:
-Chắc tên là "mặt dầy không biết xấu, lén lút hại người".
Một người trung niên cười nói:
-Thì người ta mặt thế kia không dầy thì là gì, chiêu đó tên nghe hay thật, đúng là tên sao người vậy, hợp lý quá, hợp lý quá!
Trong ngôn ngữ ra vẻ chọc ghẹo đối phương mặt rỗ. Vương Ngữ Yên lắc đầu, nhỏ nhẹ nói:
-Diêu trại chủ, ông làm thế không phải chút nào!
Diêu Bá Đương ngạc nhiên:
-Cái gì?
Vương Ngữ Yên đáp:
-Ai cũng có lúc bệnh tật để rồi thương tàn đến thân thể. Khi còn nhỏ đi đứng sơ ý có khi ngã què giò thành khập khiễng. Giao đấu với người ta cũng thể chột mắt, cụt tay. Bằng hữu trong võ lâm có bị tổn thương gì cũng là chuyện thật bình thường, có phải không nào?
Diêu Bá Đương nghe vậy chỉ còn có nước gật đầu. Vương Ngữ Yên nói tiếp:
-Vị Chư gia này khi còn bé chẳng may bị bệnh nặng, trên người có tì vết, sứt sẹo thì có gì đáng cười? Nam tử hán đại trương phu, thứ nhất phải luận đến bụng dạ nhân phẩm, thứ hai là tài cán sự nghiệp, thứ ba là văn học võ công. Mặt đẹp hay xấu có liên can gì đâu?
Diêu Bá Đương không cãi vào đâu được đành chỉ cười ha hả nói:
-Lời của tiểu cô nương nghe ra thật có đạo lý. Nói gì thì nói cũng tại lão phu cười Chư huynh đệ là không phải.
Vương Ngữ Yên nhoẻn một nụ cười nói:
-Lão gia tử thản nhiên nhận lỗi, quả thực quang minh lỗi lạc.
Nàng quay sang Chư Bảo Côn lắc đầu nói:
-Không được đâu, cái đó không thể dùng được.
Nàng nói mấy câu đó thần tình vừa ôn nhu, vừa khuyến khích làm như cô chị nhìn thấy cậu em mô hôi mồ kê nhễ nhại làm chuyện gì ngoài sức của mình nên ra lời khuyên nhủ, giọng nói cực kỳ thân thiết.
Chư Bảo Côn nghe nàng nói trong võ lâm nếu như thân thể có thương tổn gì chăng nữa thì cũng là chuyện thường như cơm bữa, nam tử hán đại trượng phu phẩm cách công nghiệp mới là hàng đầu, trong lòng hết sức hả hê. Y cả đời vì mặc cảm mặt rỗ nên lúc nào trong bụng cũng uất ức không vui, xưa nay chưa từng nghe ai vì mình mà phân giải một cách thành khẩn, có lý như thế, thế nhưng đến sau nghe nàng nói mấy câu: "Không được đâu, cái đó không thể dùng được", liền hỏi lại:
-Cô nương nói sao?
Y nghĩ bụng: "Cô nàng bảo môn Thiên Vương Bổ Tâm Châm của ta không thi hành được chăng? Không dùng được chăng? Cô ta có biết đâu trong cái dùi này có đến mười hai mũi cương châm. Nếu ta không ngừng tay đập luôn mấy cái thì đã lấy mạng tên già này rồi. Có điều trước mặt Tư Mã Lâm mình không nên tiết lộ những gì đang mưu tính".
Lại nghe Vương Ngữ Yên nói tiếp:
-Môn Thiên Vương Bổ Tâm Châm của ông quả là một môn ám khí cực kỳ bá đạo ...
Chư Bảo Côn giật nảy mình, kêu "A" lên một tiếng. Tư Mã Lâm và hai cao thủ khác của phái Thanh Thành cũng ngạc nhiên kêu lên:
-Cái gì?
Chư Bảo Côn sắc mặt biến đổi nói:
-Cô nương sai rồi! Đây không phải là Thiên Vương Bổ Tâm Châm mà là ám khí của phái Thanh Thành chúng ta, phép đánh thứ tư trong chữ Thanh, tên là Thanh Phong Đinh.
Vương Ngữ Yên mỉm cười:
-Thanh Phong Đinh bề ngoài coi cũng giống thế. Ông bắn Thiên Vương Bổ Tâm Châm dùng khí cụ, thủ pháp y hệt như Thanh Phong Đinh. Thế nhưng ám khí bản chất không căn cứ vào hình dáng hay tư thế phát xạ mà là ở kình lực và thế đi. Mỗi khi bắn một mũi cương tiêu, phái Thiếu Lâm có thủ kình của phái Thiếu Lâm, phái Côn Lôn có thủ kình của phái Côn Lôn, không thể nào lẫn lộn được. Môn này của ông là ...
Đôi mắt Chư Bảo Côn bỗng dưng hung dữ lạ thường, đầy sát khí, chiếc dùi liền đưa lên ngang ngực, chỉ cần lấy búa gõ vào cán một cái thì cương châm sẽ bắn ngay vào người Vương Ngữ Yên. Trong số người chung quanh có quá nửa kêu toáng lên, mới đây thấy y bắn Diêu Bá Đương, thế đi rất nhanh, kình đạo thật mạnh, trong các loại ám khí hiếm thấy loại nào bằng được, hiển nhiên chiếc dùi đó rỗng có đặt lò so chứ sức người không sao có thể làm nổi. Huống chi mũi dùi lại cong cong, không ai ngờ rằng lại dùng để bắn ám khí, có biết đâu cái nòng nằm trong dùi lại thẳng tắp. Cũng may Diêu Bá Đương mắt tinh tay lẹ mới thoát được kiếp nạn, chứ còn như y bắn vào Vương Ngữ Yên thì một cô gái đẹp liễu yếu đào tơ thế kia làm sao tránh kịp? Thế nhưng Chư Bảo Côn thấy nàng xinh đẹp như thế không nỡ ra tay, lại thêm mới đây nàng biện giải cho mình trong lòng cảm kích nên quát lên:
-Cô nương, đừng có lắm lời mà mang họa vào thân.
Ngay lúc đó một người đã vọt lên chặn trước mặt Vương Ngữ Yên, chính là Đoàn Dự. Vương Ngữ Yên mỉm cười nói:
-Đa tạ Đoàn công tử. Chư đại gia, ông không ra tay giết tôi, cũng xin đa tạ. Thế nhưng dẫu ông có giết tôi chăng nữa thì cũng vô ích. Hai phái Thanh Thành, Bồng Lai đời đời thù hận, việc ông âm mưu hơn tám mươi năm trước, chưởng môn đời thứ bảy của quí phái Hải Phong Tử đạo trưởng đã từng thử qua. Tài cán võ công ông ta chắc không kém gì ông đâu.
Bọn người phái Thanh Thành nghe thấy nàng nói thế liền đưa mắt hầm hầm nhìn Chư Bảo Côn, ai nấy đều nghi ngờ: "Không lẽ y là môn hạ của kình địch sống mái với ta là phái Bồng Lai, trà trộn vào trong môn phái mình? Sao giọng y rặt Tứ Xuyên, không để lộ chút khẩu âm Sơn Đông nào?".
Nguyên lai phái Bồng Lai và phái Thanh Thành, một phái hùng cứ một phương nơi bán đảo Sơn Đông, một phái ở bên Tây nhưng hơn một trăm năm trước cao thủ hai phái kết oán cừu, từ đó báo thù qua lại, giết nhau thật là thảm khốc. Hai phái đều có tuyệt nghệ riêng, khắc chế lẫn nhau, sở dĩ hiềm khích cũng chỉ vì đàm luận võ công mà nên nỗi.
Sau mấy chục trận đại tranh đấu, đại cừu sát phái Bồng Lai lẽ dĩ nhiên không thắng được phái Thanh Thành mà phái Thanh Thành cũng không thể nào thắng được phái Bồng Lai. Lần nào tranh chấp cũng mãnh liệt, để rồi cao thủ hai bên đi đến chỗ lưỡng bại câu thương, đồng qui ư tận.
Hải Phong Tử, người mà Vương Ngữ Yên vừa nhắc đến là một nhân tài kiệt xuất của phái Bồng Lai. Ông ta chăm chỉ nghiên cứu các chỗ hay chỗ dở, sở trường sở đoản của cả hai môn phái, biết rằng với công phu tu luyện của mình, trong một đời này lấn được phái Thanh Thành không phải là chuyện khó. Thế nhưng sau khi mình qua đời rồi, nếu phái Thanh Thành có được một nhân vật thông minh tài trí thì lại có cơ hội lấn được phái mình. Thành thử nếu như chịu khổ một lần mà thoải mái muôn đời, thì chỉ có cách gửi đứa học trò đắc ý nhất của mình trà trộn vào bên địch để học lén võ công, để có thể biết mình biết người, trăm trận trăm thắng._ Thế nhưng tên đệ tử đó học chưa xong thì bị phái Thanh Thành phát giác lập tức đem ra xử tử.
Từ đó trở đi, hai bên cừu oán càng sâu xa, vấn đề phòng bị đối phương học lén võ công càng thêm cẩn mật.
Mấy chục năm qua, phái Thanh Thành qui định không thu học trò là người phương Bắc, không cần phải là người Sơn Đông, mà dù cho là Hà Bắc, Hà Nam, Sơn Tây, Thiểm Tây chỉ đá giọng miền Bắc một chút cũng không nhận. Càng về sau qui củ càng nghiêm nhặt, tới nay chỉ người đất Xuyên mới được thu nhận mà thôi.
Thanh Phong Đinh là ám khí độc môn của phái Thanh Thành, còn Thiên Vương Bổ Tâm Châm là của phái Bồng Lai. Chư Bảo Côn rõ ràng bắn Thanh Phong Đinh mà Vương Ngữ Yên lại bảo là Thiên Vương Bổ Tâm Châm khiến cho cả phái Thanh Thành ai nấy đều kinh hãi. Phái Bồng Lai cũng có qui luật tương tự như phái Thanh Thành, nghiêm định chỉ người Sơn Đông mới nhận, trong đó lại còn chia ra Lỗ Đông là tốt nhất, thậm chí Lỗ Tây, Lỗ Nam muốn được vào làm môn hạ phái Bồng Lai cũng khó tày trời.
Một người dù giả trang giỏi đến đâu cũng có lúc để lộ sơ hở, nói chuyện một nghìn câu thể nào chẳng lọt vào vài tiếng hương âm ngữ điệu của mình. Chư Bảo Côn là người họ Chư đất Quán Huyện, là một thế gia đại tộc của đất Tây Xuyên, sao lại có thể là môn hạ của phái Bồng Lai được? Mọi người thật có nằm mơ cũng không nghĩ đến.
Tư Mã Lâm thoạt tiên muốn Vương Ngữ Yên đoán thử sư thừa lai lịch của Chư Bảo Côn chẳng qua chỉ là muốn đưa ra một vấn nạn để đố cô gái, chứ chẳng phải có bụng hoài nghi sư đệ, ngờ đâu lại được một câu trả lời kinh tâm động phách đến vậy.
Thế nhưng người kinh hãi nhất lại chính là Chư Bảo Côn. Thì ra sư phụ của y là Đô Linh đạo nhân, lúc còn trẻ đã thua đậm phái Thanh Thành nên trong bụng chăm chăm chuyện báo thù, đến vùng Tứ Xuyên dò la ngõ ngách để tìm chỗ sơ hở của đối phương. Năm đó ông ta đi đến Quán Huyện trông thấy Chư Bảo Côn, khi đó chỉ mới là một đứa trẻ nhưng căn cốt thật tốt, đúng là một lương tài học võ nên trù tính một kế hoạch. Ông ta mượn người giả làm ăn cướp, lén vào trong nhà họ Chư, trói chủ nhân lại, cướp bóc xong rồi toan rút dao giết cả nhà để bịt miệng, lại toan gian dâm hai người đàn bà họ Chư.
Đô Linh Tử đã chực sẵn ở bên ngoài, đến lúc tối nguy cơ, nghìn cân treo trên sợi tóc mới xuất hiện đánh đuổi bọn cướp giả, đoạt lại toàn bộ tài vật, bảo tồn được thanh bạch cho hai nữ lang nhà họ Chư khiến gia chủ thật cảm kích không để đâu cho hết.
Lúc đó Đô Linh Tử mới khuyên nhủ:
-Nếu không có võ công thượng thừa, dù gia tài vạn quan chăng nữa cũng khó mà tránh được bọn gian tà hiếp đáp. Bọn đạo tặc kia võ công không phải tầm thường, lần này tuy bị đánh tan nhưng thể nào rồi cũng quay trở lại.
Nhà họ Chư là một thế gia rất tiếng tăm ở địa phương, thấy những võ sư hộ viện bị bọn cướp đấm đá mấy cái đã ngã lăn quay, nghe nói chúng chẳng bao lâu sẽ tìm đến nữa, sợ đến mất hết hồn vía, khẩn khoản xin Đô Linh Tử ở lại. Đô Linh Tử giả vờ từ chối một hồi rồi mới miễn cưỡng nhận lời, chẳng bao lâu đã thu được Chư Bảo Côn làm học trò.
Đô Linh Tử ngoài việc canh cánh tính chuyện báo thù phái Thanh Thành ra cũng không phải là người xấu, võ công cũng thật cao cường. Ông ta dặn nhà họ Chư giữ thật kín chỉ ngầm luyện võ cho Chư Bảo Côn. Mười năm sau, Chư Bảo Côn đã thành nhân vật thứ nhất thứ hai trong phái Bồng Lai. Đô Linh Tử quả thật kiên nhẫn, từ khi định cư nơi Chư phủ rồi giả làm người câm, từ đầu chí cuối không nói với ai một câu, khi truyền thụ công phu cho Chư Bảo Côn, chỉ dùng tay chân chỉ trỏ, múa may, tất cả mọi việc khác chỉ dùng bút viết, không để lộ thổ âm ra chút nào. Thành thử Chư Bảo Côn tuy cùng ông ta sớm tối ở cạnh nhau hơn mười năm nhưng không hề nghe một câu nào giọng Sơn Đông.
Đến khi Chư Bảo Côn võ công đại thành rồi, Đô Linh Tử mới kể lại tiền nhân hậu quả cho y nghe để cho học trò mình tự quyết định nhưng dĩ nhiên việc giả đạo tặc không hề đề cập đến. Trong lòng Chư Bảo Côn, sư phụ không những là người cứu mạng toàn thể gia đình mình, mà trong hơn mười năm qua đãi mình ân trạch thâm hậu, rốc túi truyền thụ võ công phái Bồng Lai nên thật là cảm kích. Khi y rõ được ước nguyện của thầy rồi không một chút do dự, lập tức đi đến xin đầu nhập làm môn hạ chưởng môn phái Thanh Thành Tư Mã Vệ. Tư Mã Vệ chính là phụ thân của Tư Mã Lâm.
Lúc đó Chư Bảo Côn tuổi cũng không còn nhỏ, lại hiềm nói là đã học qua với những võ sư hộ viện trong nhà vài miếng hoa quyền tú cước rồi nên Tư Mã Vệ đáng lẽ không chịu thu. Thế nhưng họ Chư là một đại tài chủ đất Xuyên Tây, vừa có tiền vừa có thế, tuy phái Thanh Thành ở trong võ lâm nhưng gốc rễ vẫn là ở đây, không muốn có hiềm khích với một thế gia vọng tộc. Ông ta nghĩ lại nếu có thu một người con cháu họ Chư làm môn đồ thì chỉ có tăng thanh thế môn phái mình nên chịu chấp nhận.
Đến khi truyền thụ, ông ta thấy võ công Chư Bảo Côn không phải là kém, căn vặn mấy lần, Chư Bảo Côn vẫn một mực theo lời Đô Linh Tử chỉ điểm bịa đặt ra một môn phái cho mình. Tư Mã Vệ cũng nể mặt phụ thân y nên không hết sức hỏi cho ra, nghĩ thầm một đứa con nhà giàu học được đến thế cũng là giỏi lắm rồi.
Chư Bảo Côn đầu nhập phái Thanh Thành rồi lại được Đô Linh Tử dặn bảo kỹ càng là phải ra công nghiên cứu võ công phái Thanh Thành. Mỗi khi gặp kỳ tết nhất, y đem biếu xén sư phụ, sư huynh và các anh em đồng môn lễ vật thật hậu hĩ, sư phụ có cần gì chưa cần mở lời ướm ý đã tìm cách lo liệu chu đáo, trong nhà lại lắm tiền sẵn bạc thành thử chuyện gì cũng dễ dàng. Tư Mã Vệ thấy y có lòng như thế cũng không dấu diếm gì, bao nhiêu võ công tuyệt kỹ đều truyền cho y, thành thử trong bảy tám năm qua, Chư Bảo Côn đã học hết các tuyệt kỹ của phái Thanh Thành.
Ba bốn năm trước Đô Linh Tử đã từng gọi y du ngoạn đến núi Bồng Lai vùng Sơn Đông hiển thị võ công của phái Thanh Thành để biết được các bí áo hầu sau này ra tay là đánh bại được đối phương. Thế nhưng Chư Bảo Côn sau khi làm môn hạ phái Thanh Thành mấy năm qua, cảm thấy Tư Mã Vệ đối với mình thật chí tình, truyền thụ võ công so với các đệ tử thân tín khác không có gì khác biệt, quả thực không nỡ lòng nào ra tay tiêu diệt môn phái, tru sát toàn gia Tư Mã Vệ nên trong bụng đã tính thầm: "Chi bằng mình đợi cho sư phụ Tư Mã Vệ qua đời rồi lúc ấy mình hãy động thủ. Tư Mã Lâm sư huynh đãi mình cũng bình thường, có giết y cũng không sao". Thành thử y dùng dằng mấy năm qua, Đô Linh Tử nhiều lần giục giã, Chư Bảo Côn vẫn tìm cách thoái thác rằng: Chín miếng của chữ Thanh và mười tám cách phá của chữ Thành vẫn chưa học xong. Đô Linh Tử phí mất bao nhiêu tâm huyết, không muốn xôi hỏng bỏng không, nên cố đợi cho y học hết các bí quyết lúc ấy mới ra tay.
Thế nhưng mùa đông năm ngoái, Tư Mã Vệ bị người ta dùng công phu Phá Nguyệt Trùy là một trong mười hai miếng phá trong chữ Thành đâm vào lỗ tai thấu qua óc giết chết ở gần Bạch Đế, Xuyên Đông. Phá Nguyệt Trùy công phu đó tuy trong đó có chữ Trùy nhưng lại không phải sử dụng dùi sắt mà là dùng năm đầu ngón tay thành hình mỏ chim mổ vào, dùng nội lực đánh vỡ màng tang kẻ địch.
Tư Mã Lâm và Chư Bảo Côn ở Thành Đô nghe được tin đó liền suốt ngày đêm chạy tới, tra xét minh bạch thương thế của Tư Mã Vệ, hai người vừa kinh hãi, vừa đau lòng, nghĩ thầm trong bản phái ngoài Tư Mã Vệ, chỉ có Tư Mã Lâm, Chư Bảo Côn và hai danh túc cao thủ là biết sử dụng công phu Phá Nguyệt Trùy. Thế nhưng khi việc này xảy ra, cả bốn người đều đang ở Thành Đô, tập trung một chỗ nên không ai bị hiềm nghi. Thành ra kẻ giết Tư Mã Vệ ngoài Cô Tô Mộ Dung, kẻ dám xưng là "dĩ bỉ chi đạo hoàn thi bỉ thân" ra không thể nào có người khác được. Thành thử phái Thanh Thành dốc hết toàn lực, bao nhiêu cao thủ đều tập trung đến Cô Tô để tìm họ Mộ Dung thanh toán.
Trước khi ra đi Chư Bảo Côn đã ngầm hỏi Đô Linh Tử xem có phải phái Bồng Lai ra tay không, Đô Linh Tử viết thư trả lời: "Tư Mã Vệ với ta võ công sấp xỉ nhau, nếu như ra tay ám toán thì chỉ có cách dùng Thiên Vương Bổ Tâm Châm mới lấy mạng y được. Còn như nếu lấy đông người vây đánh thì phải dùng Thiết Quài Trận của bản phái". Chư Bảo Côn nghĩ quả không sai, y đã biết rõ hai vị sư phụ võ công tu luyện không biết mèo nào cắn mỉu nào, nếu bảo dùng Phá Nguyệt Trùy để giết Tư Mã Vệ, không nói gì Đô Linh Tử không biết môn công phu này mà dẫu có biết thì cũng không thể nào thắng được công lực Tư Mã Vệ. Thành thử y không còn hoài nghi gì nữa, đi theo Tư Mã Lâm đến Giang Nam tầm cừu. Đô Linh Tử cũng không ngăn cản, chỉ dặn y nên thật cẩn thận, chỉ mong thêm lịch duyệt kiến văn chứ đừng vì phái Thanh Thành mà bỏ mạng.
Khi đến Tô Châu, cả bọn chia nhau nghe ngóng mò tới được Thính Hương thủy tạ thì quần đạo Tần gia trại ở Vân Châu đã đến trước rồi. Phái Thanh Thành môn qui rất nghiêm, nếu không có hiệu lệnh của chưởng môn thì không ai dám hành động nói năng một cách bừa bãi, thấy bọn đạo tặc bên Tần gia trại quấy phá loạn cả lên nên không khỏi khinh rẻ, hai bên nói năng xem ra chẳng còn nể nang gì nữa. Người bên phái Thanh Thành cốt chí phục thù cho nên một cành cây một ngọn cỏ cũng không đụng đến, đến bữa chỉ ăn lương khô họ mang theo. Làm như thế cũng có cái lợi là bao nhiêu đờm rãi cùng những chất ô uế ở chân tay của lão Cố phái Thanh Thành không phải thưởng thức.
Đến khi bọn Vương Ngữ Yên, A Châu bốn người đột nhiên tới nơi lập tức mọi việc biến chuyển. Chư Bảo Côn dùng thủ pháp của phái Thanh Thành phát xạ Thanh Phong Đinh ngay cả Tư Mã Vệ lúc còn sống cũng không nghi ngờ gì, ngờ đâu một cô gái trẻ tuổi như Vương Ngữ Yên lại nhìn ra được. Việc đó xảy ra thật bất ngờ khiến cho Chư Bảo Côn không kịp phòng bị, toan giết nàng để diệt khẩu thì chợt nảy mối từ tâm nên chậm tay một chút thành ra không kịp nữa rồi. Huống chi Thiên Vương Bổ Tâm Châm năm chữ đó Tư Mã Lâm cả bọn đã nghe thấy, có giết Vương Ngữ Yên cũng không ích gì, chỉ càng làm cho lộ rõ cái ý đồ xấu xa của y mà thôi.
Chư Bảo Côn toàn thân toát mồ hôi lạnh, đầu óc hỗn loạn, quay lại thấy Tư Mã Lâm và những người khác đã cho tay vào tay áo, hầm hầm nhìn y. Tư Mã Lâm lạnh lùng nói:
-Chư gia, thì ra ngươi là người của phái Bồng Lai đấy ư?
Y không gọi Chư Bảo Côn là sư đệ, đổi thành Chư gia, hiển nhiên không còn coi y là đồng môn nữa. Chư Bảo Côn thừa nhận thì cũng không được, mà bảo rằng không cũng chẳng xong, thần tình cực kỳ ngượng ngập. Tư Mã Lâm hai mắt trợn tròn, quát lên:
-Ngươi đến nằm vùng ở phái Thanh Thành, học được tuyệt chiêu Phá Nguyệt Trùy, thế là dùng ngay để giết cha ta. Ngươi lòng lang dạ sói, quả là tàn nhẫn.
Hai tay y vung ra một cái đã cầm hai món Lôi Công Oanh. Tư Mã Lâm nghĩ là bao nhiêu công phu bản phái đã bị Chư Bảo Côn học được đã đem ra truyền lại cho các cao thủ phái Bồng Lai. Khi phụ thân y bị chết, mặc dầu Chư Bảo Côn quả là đang ở Thành Đô, nhưng phái Bồng Lai đã học được thủ pháp rồi nên ai cũng có thể dùng để giết cha y được.
Chư Bảo Côn mặt tái mét, nghĩ bụng sư phụ Đô Linh Tử phái y trà trộn vào phái Thanh Thành cũng có dụng ý đó nhưng cho tới hôm nay y chưa hề tiết lậu một chút võ công nào của phái Thanh Thành. Sự tình đã đến nước này còn biện bạch cách nào được nữa? Xem ra chỉ còn một trường ác đấu, đối phương người đông thế mạnh, Tư Mã Lâm và hai cao thủ kia võ công không kém mình chút nào, hôm nay khó mà thoát chết, tự nhủ: "Ta tuy chưa làm việc này nhưng vốn đã có cái bụng phản sư, nếu có bị phái Thanh Thành giết âu cũng là quả báo mà thôi". Y nghĩ thế trong lòng thản nhiên chỉ nói:
-Sư phụ không phải do tôi làm hại ...
Tư Mã Lâm quát lớn:
-Dĩ nhiên không phải chính tay ngươi giết, nhưng môn công phu đó do ngươi truyền ra, so với chính tay ngươi thì có khác gì?
Y quay sang nói với hai lão già gầy gầy cao cao đứng bên cạnh:
-Khương sư thúc, Mạnh sư thúc, đối phó với những tên phản đồ như thế này, không cần phải theo qui củ võ lâm đơn đả độc đấu, tất cả mình cùng tiến lên.
Hai ông già kia gật đầu, hay tay từ trong tay áo rút ra, người nào cũng tay trái cầm dùi, tay phải cầm búa, chia ra hai bên vây Chư Bảo Côn lại. Chư Bảo Côn lùi lại mấy bước, dựa lưng vào một cái cột lớn trong sảnh để khỏi bị đánh tập hậu từ sau lưng. Tư Mã Lâm lại quát lên:
-Giết đứa phản đồ này báo thù cho cha ta!
Y xông lên, giơ búa lên đánh xuống đầu Chư Bảo Côn. Chư Bảo Côn nghiêng qua tránh đòn, tay trái dùng dùi đánh trả lại. Lão già họ Khương quát lớn:
-Tên phản đồ gian tặc kia, còn mặt mũi nào mà sử dụng võ công bản phái nữa sao?
Dùi bên trái liền đâm vào yết hầu y, búa bên phải đập luôn ba cái theo thức Phượng Điểm Đầu. Bọn Diêu Bá Đương của Tần gia trại thấy Khương lão sử dụng cái búa thành thục như thế, chiêu số lại thật quái dị ai nấy nổi dạ hiếu kỳ, ngầm gật gù khen thầm: "Phái Thanh Thành danh chấn Xuyên Tây, quả là ghê gớm thực".
Tư Mã Lâm nóng lòng báo thù cho cha, chiêu số cực kỳ hoảng loạn nên Chư Bảo Côn có thể đối phó được. Thế nhưng hai ông già Khương Mạnh vận dụng bốn đại yếu quyết của phái Thanh Thành là Ổn, Ngận, Âm, Độc, dùi đâm búa đánh, tấn công vào toàn những chỗ yếu hại khiến cho Chư Bảo Côn né phải hụp trái, trong khoảnh khắc đã rơi vào tình trạng cực kỳ nguy hiểm.
Thế nhưng Chư Bảo Côn quá thành thuộc chiêu số đánh cương trùy và búa nhỏ của ba người đó, xem chiêu này đã biết ngay ba bốn chiêu biến hóa kế tiếp. Nhờ thế nên y một chống với ba mà vẫn còn gắng gượng chịu được. Hai bên sách giải thêm mươi chiêu nữa, trong lòng Chư Bảo Côn cảm thấy chua chát nghĩ thầm: "Tư Mã sư phụ đối với ta không bạc chút nào, các chiêu số của Tư Mã Lâm sư huynh và hai vị Khương Mạnh sư thúc ta cũng đều biết cả. Luyện công sách chiêu còn có thể dấu diếm riêng tư không lộ những công phu yếu khẩn chứ lúc giao đấu sinh tử như thế này, ba người đều đem hết sức mình ra, công phu của phái Thanh Thành quả thực chỉ có thế". Y cảm kích ân nghĩa của sư phụ, nhịn không nổi kêu lên:
-Sư phụ quyết không phải do tôi làm hại đâu ...
Y vừa phân tâm, Tư Mã Lâm đã xông ngay vào chỉ còn cách y chừng một thước. Binh khí của phái Thanh Thành cực kỳ nhỏ bé, ngắn ngủi, lợi hại là ở chỗ đánh sát lá cà. Tư Mã Lâm tiến đến rồi, nếu đối thủ là người của phái khác thì có thể nói là đã thắng thế đến bảy tám phần, thế nhưng võ công của Chư Bảo Côn lại y hệt nhau thành thử lợi thế đó hai bên đều như nhau. Dưới ánh nến thấp thoáng, người đứng ngoài chỉ thấy hoa cả mắt, thấy Tư Mã Lâm và Chư Bảo Côn hai người ra chiêu cực kỳ nhanh nhẹn, múa may quay cuồng, chỉ trong chớp mắt hai người đã tung ra bảy tám chiêu. Dùi đâm trên thọc dưới, búa đập dọc đánh ngang, hai người đều như điên cuồng. Thế nhưng chiêu số cả hai đều thật thuần thục, đối phương tấn công tới lập tức đỡ gạt trả đòn được ngay. Hai người cùng học một thầy, chiêu số pháp môn hoàn toàn như một, Tư Mã Lâm tuổi trẻ tráng kiện nhưng Chư Bảo Côn lại nhiều kinh nghiệm hơn. Chỉ trong giây lát hai bên đã qua lại đến mấy chục chiêu, người xem chỉ nghe tiếng leng keng leng keng của binh khí chạm nhau, còn hai người công thủ ra sao thì không ai nhìn rõ được.
Mạnh Khương nhị lão thấy Tư Mã Lâm đánh lâu mà không thắng, đột nhiên cùng hú lên một tiếng, nhào xuống đất lăn từ hai bên tới, chia ra đánh vào hạ bàn Chư Bảo Côn. Phàm những người sử dụng binh khí ngắn, ngoại trừ đàn bà ra ai nấy đều học địa đường công phu, nằm sát đất lăn qua lăn lại, nhảy vọt lên, khiến cho kẻ địch trở tay không kịp.
Công phu Lôi Công Trước Địa Oanh này Chư Bảo Côn vốn cũng thành thục lắm, nhưng hai tay còn bận đối phó với một dùi một búa của Tư Mã Lâm không còn gì để chống đỡ Khương Mạnh nhị lão, chỉ còn nước nhảy nhót tránh né. Ông già họ Khương dùng búa đánh từ trái sang phải, ông già họ Mạnh dùng dùi đâm từ phải ngược qua. Chư Bảo Côn giơ chân đá vào cằm ông ta, Mạnh lão cất tiếng chửi:
-Đồ con rùa, tính thí mạng hả?
Ông ta lùi qua một bên, Khương lão thừa thế xông luôn vào, vung búa đánh tạt ngang, cùng lúc đó Tư Mã Lâm cũng bổ vào giữa hai lông mày Chư Bảo Côn. Chư Bảo Côn trong một nháy mắt phải tính toán cái nào nặng, cái nào nhẹ đành giơ búa lên gạt binh khí của Tư Mã Lâm còn đùi bên trái ráng chịu cho ông già họ Khương đánh một cái.
Cái búa đó tuy bé thật nhưng kình lực thật là lợi hại, Chư Bảo Côn thấy đau nhói tận xương, nhất thời không biết xương đùi có bị gãy không, nghe choang một tiếng hai món binh khí chạm nhau, đốm lửa văng tung tóe, lại "A" lên một tiếng, đùi bên trái bị ông già họ Mạnh đâm thêm một nhát.
Nhát dùi đó đáng ra y có thể tránh được, thế nhưng nếu tránh qua thì Lôi Công Trước Địa Oanh của Khương Mạnh nhị lão sẽ kết thành Địa Mẫu Lôi Võng. Đến nước đó thì y không thể nào đối phó nổi, huống hồ y cũng liệu chừng đùi mình đã bị gãy rồi nên có chịu đâm một cái cũng không sao. Chỉ thêm vài chiêu, máu trên đùi y văng tung tóe, thành điểm lấm chấm khắp bốn bức tường.
Vương Ngữ Yên thấy A Châu nhíu mày, bĩu môi biết là nàng chán ghét bọn này hùng hổ đánh nhau, làm bẩn cả căn phòng thanh nhã sạch sẽ nên mỉm cười kêu lên:
-Thôi, các ngươi đừng đánh nhau nữa, có gì cứ nói chuyện cho ra lẽ, sao lại ngang ngược không biết trái phải gì cả?
Bọn ba người Tư Mã Lâm nhất tâm giết cho bằng được đứa "thí sư gian đồ" ngay tại đương trường; Chư Bảo Côn dẫu có muốn ngừng tay nhưng cũng đâu có làm gì được? Vương Ngữ Yên thấy bốn người vẫn đánh nhau chí mạng chẳng để ý gì đến lời của mình, mà có muốn ngừng tay hay không cũng là ở bọn ba người Tư Mã Lâm nên nói:
-Cũng tại tôi ngứa miệng nói ra một câu Thiên Vương Bổ Tâm Châm nên mới ra cớ sự, tiết lột cơ mật môn hộ của Chư gia. Tư Mã chưởng môn, các người mau ngừng lại.
Tư Mã Lâm quát lên:
-Thù cha không đội trời chung, lẽ nào không báo? Ngươi léo nhéo cái gì?
Vương Ngữ Yên nói:
-Các ngươi không dừng tay ta sẽ giúp y đó!
Tư Mã Lâm chột dạ nghĩ thầm: "Nhãn quang của cô gái xinh đẹp này cực kỳ lợi hại, võ công chắc là cao lắm, nếu như cô ta giúp cho đối phương e sẽ không xong". Thế nhưng y lại nghĩ ngay: "Bao nhiêu hảo thủ của phái Thanh Thành đều ở đây cả, cùng lắm tất cả xông lên, không lẽ lại sợ một cô gái yểu điệu như thế hay sao?". Y vận sức lên cánh tay, đánh nhanh tít chẳng khác gì gió táp mưa sa.
Vương Ngữ Yên nói:
-Chư gia, ông sử dụng thế "Lý Tồn Hiếu đả hổ" rồi kế đến là "Trương Quả Lão đảo kỵ lư"!
Chư Bảo Côn ngạc nhiên nghĩ thầm: "Chiêu trước là võ công phái Thanh Thành, chiêu sau là võ công phái Bồng Lai, hai chiêu này làm sao có thể nhập lại làm một, liên tiếp sử dụng được?".
Thế nhưng đang lúc tình thế cấp bách, làm gì còn có thì giờ nào mà tìm hiểu cho kỹ càng, chiêu Lý Tồn Hiếu đả hổ vừa xong, keng keng hai tiếng, đánh bạt được hai cái búa của Tư Mã Lâm và Khương lão ra y lập tức xoay người nghiêng nghiêng ngả ngả lùi lại ba bước, vừa đúng lúc tránh được ba lần phục kích của ông già họ Khương.
Chiêu phục kích này của Khương lão dùng cả dùi lẫn búa, đánh luôn ba lần liền cực kỳ âm độc. Ba bước của Chư Bảo Côn bước nào cũng lảo đảo như người say rượu, chẳng ra đường lối gì nhưng lần nào cũng thoát được độc thủ của đối phương trong đường tơ kẽ tóc, chẳng khác gì hai người đã sắp đặt với nhau từ trước nay ra biểu diễn khoe tài với mọi người.
Ba lần phục kích đó vốn dĩ cực kỳ tinh xảo, né tránh được lại càng khéo léo bội phần. Những người của Tần gia trại ngồi xem mà sướng cả mắt, mỗi lần Chư Bảo Côn tránh được lại reo hò ầm ỹ, ba lần thoát hiểm là ba lần hoan hô vang dội. Người bên phái Thanh Thành thì mặt vốn đã hầm hầm, lúc này trông lại càng khó coi hơn.
Đoàn Dự kêu lên:
-Hay quá! Hay quá! Chư huynh, Vương cô nương bảo sao cứ mà nghe vậy thì không thể nào thua được.
Lúc Chư Bảo Côn bước ba bước Trương Quả Lão Đảo Kỵ Lư y nào có nghĩ ngợi gì đến hậu quả, trong đầu nửa tỉnh nửa mê, chết cũng được, sống cũng được không còn coi tính mạng vào đâu nữa. Y có ngờ đâu võ công hai phái Thanh Thành, Bồng Lai hoàn toàn bất đồng lại có thể sử dụng liền nhau để tránh được ba chiêu tối hiểm độc. Y trong lòng kinh ngạc còn hơn bọn Tần gia trại và phái Thanh Thành đứng bên ngoài nhiều.
Lại nghe Vương Ngữ Yên hô tiếp:
-Ngươi mau sử dụng Hàn Tương Tử Tuyết Ủng Lam Quan, kế đó là Khúc Kình Thông U.
Nàng nói thế có nghĩa là sử dụng võ công phái Bồng Lai rồi sau lại sử dụng võ công phái Thanh Thành. Chư Bảo Côn không kịp suy nghĩ, chiếc búa nhỏ và chiếc dùi liền chặn ngay trước ngực, ngay lúc đó hai chiếc dùi của Tư Mã Lâm và ông già họ Mạnh cùng đâm tới. Ba người cùng ra tay một lượt nhưng người bên ngoài đứng coi thì tưởng như Chư Bảo Côn đã đoán trước nên bảo vệ trước mặt. Tư Mã Lâm và Mạnh lão thấy đối phương đã phong bế môn hộ không còn sơ hở chút nào bao nhiêu tính toán đều hóa ra vô ích, hai chiếc dùi đâm luôn vào đầu búa, nghe keng một tiếng bị bật ra. Chư Bảo Côn cũng không nghĩ ngợi gì thêm, người rùn xuống, mũi dùi trong tay xeo xéo đâm ra.
Khương lão đang chính lúc xông tới tấn công đâu ngờ rằng mũi dùi lại từ phía đó đâm ra. Khúc Kình Thông U là võ công phái Thanh Thành, Khương lão thuộc nằm lòng nhưng lối đâm như thế hoàn toàn không hợp với qui củ của bản phái, nếu phải lúc bình thời luyện tập mà sử dụng thể nào ông già cũng cười ha hả. Thế nhưng cái đâm đó vô lý thật, Khương lão lại đang xông tới, lấy thân mình lao vào mũi dùi của đối phương tưởng như tự sát, tuy biết thất thố nhưng không còn kịp lùi lại nữa rồi, nghe soẹt một tiếng, đã bị đâm trúng ngang hông liền lảo đảo phục ngay xuống đất. Trong phái Thanh Thành liền có hai người xông ra đỡ ngay ông ta về.
Tư Mã Lâm cất tiếng chửi:
-Thằng khốn kiếp Chư Bảo Côn kia, chính tay ngươi đâm Khương sư thúc thì có còn nói là giả được hay chăng?
Vương Ngữ Yên nói:
-Chính tôi bảo y đâm vị Khương lão gia kia đó, thôi các vị mau ngừng tay đi.
Tư Mã Lâm giận dữ đáp:
-Ngươi có bản lãnh thì bảo y giết ta đi xem nào!
Vương Ngữ Yên mỉm cười nói:
-Chư gia, ông dùng chiêu Thiết Quài Lý Nguyệt Hạ Quá Động Đình, kế đó là chiêu Thiết Quài Lý Ngọc Động Luận Đạo.
Chư Bảo Côn đáp lời:
-Vâng!
Y nghĩ thầm: "Trong võ công của phái Bồng Lai chỉ có chiêu Lã Thuần Dương Nguyệt Hạ Quá Động Đình và chiêu Hán Chung Ly Ngọc Động Luận Đạo, sao cô nương này lại gọi thành Lý Thiết Quài là sao? Chắc là kiến thức cô ta về võ công bản phái cũng có hạn nên nói sai đó thôi". Y trong lúc khẩn cấp, Tư Mã Lâm và Mạnh lão đời nào để cho y có thì giờ hỏi lại cho chắc đành theo đúng những gì đã học ra chiêu Lã Thuần Dương Nguyệt Hạ Quá Động Đình.
Chiêu Nguyệt Hạ Quá Động Đình này vốn dĩ là phải bước những bước hiên ngang, tư thế phiêu dật như thể lăng không phi hành, thế nhưng đùi bên trái y bị thương luôn hai chỗ thành thử bước đi khập khà khập khiễng, đâu có ra vẻ Lã Thuần Dương mà lại trông giống Lý Thiết Quài.
Bước chân cà nhắc đó lại có chỗ lợi, Tư Mã Lâm liên tiếp đâm luôn hai dùi đều hụt ra ngoài. Đến chiêu Hán Chung Ly Ngọc Động Luận Đạo thì vì chân trái đau nên người nghiêng hẳn qua phía trái, chiếc dùi nơi bàn tay phải dùng thay chiếc quạt vung vòng ra, Mạnh lão đang lúc húc đầu vào, nghe bạch một cái, cái dùi đó đánh trúng ngay miệng ông ta, gãy hơn một chục cái răng trong miệng, đau đến vừa nhảy chồm chồm vừa kêu la rầm rĩ, vứt vội binh khí ngồi phệt xuống đất đưa tay ôm chặt lấy mồm.
Tư Mã Lâm trong bụng hãi thầm, nhất thời không biết tính sao, nên tiếp tục đánh nữa hay tạm dừng tay sau này tính kế phục thù. Y thấy Vương Ngữ Yên dạy cho mấy chiêu quá ư là xảo diệu, lúc đầu vốn định là Mạnh lão đánh xong ba chiêu sẽ xông vào bên phải Chư Bảo Côn, ngờ đâu đúng lúc đó thì chiếc búa của Chư Bảo Côn lại vung ra trúng ngay vào miệng. Quả đúng là Chư Bảo Côn chân trái tập tễnh, chiêu Hán Chung Ly Ngọc Động Luận Đạo đã biến thành Thiết Quài Lý Ngọc Động Luyện Đạo nên chiếc búa mới đánh xéo ra chứ nếu như đánh thẳng thì hụt mất vài tấc, đánh không trúng được. Tính toán chu đáo kỹ càng, liệu địch chuẩn xác như thế quả thực đáng gờm đáng sợ.
Tư Mã Lâm nghĩ thầm: "Nếu như muốn giết tên khốn kiếp Chư Bảo Côn này thì trước hết phải ngăn con bé này lại đã, không để cho nó chỉ điểm võ công". Y còn đang tính kế làm cách nào hạ thủ gia hại Vương Ngữ Yên, bỗng nghe nàng nói:
-Chư tướng công, ông là đệ tử phái Bồng Lai, trà trộn vào phái Thanh Thành học lén võ công, quả là không phải chút nào. Ta nghe nói lão sư phụ Tư Mã Vệ không phải do ông sát hại, với sở học như ông, dẫu cho có đi dạy được cho một hảo thủ nào khác cũng không thể nào dùng chiêu Phá Nguyệt Trùy để giết Tư Mã lão sư phụ được. Thế nhưng đi học trộm võ công của người ta thì cũng là không ra gì, phải tạ tội với Tư Mã chưởng môn mới là đúng.
Chư Bảo Côn nghĩ bụng lời nàng nói không sai, huống chi lại có cái ơn cứu mạng cho mình, toàn nhờ những chiêu Vương Ngữ Yên chỉ cho mới thoát hiểm được, lời nàng nhắn nhủ nào có dám cưỡng lại, liền quay sang Tư Mã Lâm vái một cái thật sâu nói:
-Chưởng môn sư ca, tiểu đệ quả là có lỗi ...
Tư Mã Lâm tránh qua một bên, mặt hầm hầm, hậm hực chửi:
-Cha tiên sư ngươi, thằng khốn nạn kia, mi còn dám mở mồm gọi ta là chưởng môn sư ca ư?
Vương Ngữ Yên kêu lên:
-Mau, Ngao Du Đông Hải!
Chư Bảo Côn hoảng hốt, vội vàng nhún người nhảy vọt lên, nghe tiếng vụt vụt liên tiếp, hơn một chục mũi Thanh Phong Đinh bắn sát dưới gót chân y, thật chỉ thoát trong đường tơ kẽ tóc. Nếu như không có Vương Ngữ Yên lên tiếng nhắc nhở, cũng như nếu nàng không nói luôn chiêu Ngao Du Đông Hải mà nói "đề phòng ám khí" thì y ắt sẽ chăm chăm nhìn vào địch nhân mà tụ tiễn Tư Mã Lâm bắn từ tay áo ra thì không thể nào né tránh kịp.
Môn công phu "Tụ Lý Càn Khôn" của Tư Mã Lâm là tuyệt kỹ "truyền tử bất truyền đồ_" của dòng họ Tư Mã phái Thanh Thành. Đây là qui củ của họ Tư Mã, ngay cả hai lão Mạnh Khương cũng không biết, Tư Mã Vệ không dạy cho Chư Bảo Côn cũng chỉ là theo lời dặn của tổ tiên mà thôi chứ không phải là dấu nghề. Có ai ngờ đâu mặt Tư Mã Lâm thản nhiên không biến đổi chút nào, hai tay chỉ cho vào trong tay áo ấn một cái, ngầm vận chuyển cơ quan bắn Thanh Phong Đinh mà lại bị Vương Ngữ Yên kêu lên làm lộ chuyện, chỉ cho chiêu Ngao Du Đông Hải của phái Bồng Lai phá được công phu này. Thế đó của Tư Mã Lâm có thể nói là đã dùng hết sức bình sinh mà không thành công thật chẳng khác gì gặp phải ma quỉ, giơ tay chỉ vào Vương Ngữ Yên kêu lớn:
-Ngươi chẳng phải là người, ngươi là ma, ngươi là quỉ!
Truyện khác cùng thể loại
34 chương
5 chương
25 chương
7 chương
130 chương
134 chương
17 chương
90 chương
130 chương
12 chương