Thiên Kiếm Tuyệt Ðao
Chương 49 : Thiên kiếm thần uy
Khi ấy, bọn tăng lữ Thiếu Lâm ở bên ngoài điện, không một người nào dám xông qua cửa, nhưng tình thế càng thêm căng thẳng chỉ chờ dịp bùng nổ.
Hoàng Vĩnh, Cao Quang đứng sát bên cửa điện chuẩn bị sẽ tiếp cứu Thiếu Bạch bất cứ lúc nào.
Đợi mãi cho tới khi nghe tiếng ngã phịch, Hoàng Vĩnh lật đật chạy lại bên Vạn Lương hỏi :
- Bị thương có nặng lắm không?
Rồi chàng thò tay ra đỡ.
Vạn Lương nẩy mình đứng dậy nói :
- Trật chân ngã, chả sao cả.
Bỗng nghe Nhàn Vân đại sư gọi to :
- Coi chừng!
Liền đó có tiếng áo lộng gió, mấy bóng người phóng nhanh qua cửa sổ.
Họ là những cao thủ trong Thiếu Lâm tự, nên đã lao đi hơn trượng xa nên mới nhẹ buông xuống đất.
Nhàn Vân hấp tấp bảo :
- Chư vị đối phó với người xông vào điện, lão nạp ngăn chận ở cửa sổ.
Nói dứt, song chưởng lẹ làng vút ra liên tiếp.
Một luồng tiềm lực vi vu xoáy lạnh lớp lớp gió cuốn.
Liền lúc nghe vang hai tiếng hự tắt nghẹn, hai tăng nhân chậm chân vào sau đã trúng phải chưởng lực mạnh mẽ của Nhàn Vân.
Ngọc Giao quay nhìn thấy ba hòa thượng mặc đoản bào, quần dài xám tro, tay nắm giới đao đứng một hàng ngang ngay giữa điện, bèn quát lên một tiếng, lóe lạnh kiếm phong.
Vạn Lương khẽ bảo Hoàng Vĩnh :
- Mau thâu thập ba tăng nhân này trước, không để họ kịp nội công ngoại kích.
Vừa nói, người đã vút thẳng tới một tăng nhân ở mặt trái.
Đúng lúc Ngọc Giao phóng về tam tăng, ba tăng cầm giới đao đã kịp thời phân tán liền, và một tăng nhân đứng giữa lật đật vung đao trong tay đón đỡ kiếm thế Ngọc Giao.
Hoàng Vĩnh lặng lẽ bốc mình nhắm về một tăng nhân bên phải.
Tam tăng đều là cao thủ trong Đạt Ma viện của Thiếu Lâm, ba thanh giới đao đồng loạt thi triển, khí thế sầm sập như biển dội sóng. Tuy bọn Vạn Lương, Hoàng Vĩnh và Ngọc Giao đã toàn lực dốc công nhưng ba tăng lữ vẫn ứng phó ung dung như không.
Hốt nghe Tuyết Quân cao giọng bảo :
- Nếu tình thế cấp bách quá, không hạ thủ không chế phục được địch nhân, cứ việc đã thương bên họ vài tên chả sao.
Vạn Lương nghe lệnh, lùi nhanh lại một bước, đề khí vươn tay chụp tới.
Đó chính là Ngũ Quỷ Sưu Hồn thủ pháp mà lão đã tu luyện suốt mấy mươi năm ẩn cư ở chốn thâm sơn.
Tăng lữ Thiếu Lâm thấy lão nhoáng tay chụp thì cười khảy, khoa đao một vòng chém xéo.
Đao thế vừa nháng lạnh, hốt thấy trước ngực đau buốt, mấy luồng khí âm hàn xông mau vào nội tạng, bất giác hãi hùng, toan né tránh nhưng đã không kịp. Soảng một tiếng, thanh giới đao vuột khỏi tay rơi và cùng lúc thân hình lắc lư mấy cái ngã sấp.
Nhàn Vân đại sư hỏi nhanh :
- Vạn huynh, môn kỳ công ngoại môn nào thế?
Vạn Lương liền đáp :
- Nói ra thẹn lắm, ấy là Ngũ Quỷ Sưu Hồn thủ pháp.
- Giết chết y rồi à?
- Không, lúc phát chưởng lão hủ đã giữ mục, chỉ đả thương thôi.
- Hay, đừng giết họ vội.
Ngọc Giao mắt thấy Vạn Lương đánh ngã một tăng, nóng lòng công liền hai kiếm, đẩy bật hòa thượng ở chính giữa lui về hai bước, và tả chưởng xoay vòng trước ngực ào ra.
Tăng nhân chỉ thấy kịp một màn chưởng ảnh xoáy ốc, chưa biết cũng đỡ ra sao, một giây do dự, tay phải đã trúng chưởng dại hẳn đi, giới đao rơi soảng.
Ngọc Giao không phút chần chờ, tả chưởng lại khoa tròn vụt ra.
Ấy chính là Chưởng môn Phương trượng Nhàn Vân đã truyền thọ cho nàng, nó hay ở chỗ khi lạc chưởng loang bóng trùng trùng làm cho đối phương khó dò hư thực.
Tăng lữ Thiếu Lâm thấy thế vội vàng vung chưởng chống đỡ, nào dè Ngọc Giao chưởng thế xoáy lốc hết sức tài tình biến nhanh sang Cầm Nã thủ pháp chụp vào mạch môn ở cổ tay trái, đồng thời thích nhẹ khuỷu tay đúng vào yếu huyệt ở ngang hông hòa thượng.
Tăng nhân trúng liền hai chưởng làm sao chịu đựng nổi tức thời ngã bổ.
Ba tăng nhân xông tràn vào điện, đã ngã mất thương mất hai, còn lại một tăng nhân đang khổ chiến với Hoàng Vĩnh.
Sau khi được Tuyết Quân chỉ điểm, kiếm thuật Hoàng Vĩnh đã tinh tiến gấp bội, trường kiếm tới tấp công lấy địch thủ, đợt đợt kiếm phong phủ chặt lấy đối phương.
Lúc ấy trời đã sẫm tối, trong đại điện càng thêm âm u, chỉ nghe ào ào gió lạnh buốt xương hòa cùng tiếng thép loang choang nhấp nhóe ánh kiếm bóng đao biến hiện.
Tăng nhân ác chiến với Hoàng Vĩnh thêm độ mười chiêu nữa, mắt thấy hai đồng bạn đã thọ thương ngã lăn, càng đâm cuống bị ngay nhát kiếm của Hoàng Vĩnh thoảng mau chém phăng một mảnh tăng bào.
Thấy đắc thủ, Hoàng Vĩnh thừa dịp vun vút xoay nhanh ba kiếm nữa, bật đánh hòa thượng lui về hơn trượng.
Nhàn Vân đại sư lặng lẽ vung hữu thủ, một luồng chỉ lực dậy hơi phong nhắm đúng Hoàn Khiếu huyệt ngay đùi trái của tăng nhân.
Thì ra lúc bấy giờ hòa thượng đã lùi đến sát bệ thờ, nếu như cuống quá để y nhảy luôn lên trên nấp sau thần tượng thì dù có muốn bắt sống y cũng còn khó, cho nên Nhàn Vân mới vung chỉ tiếp tay Hoàng Vĩnh.
Hoàng Vĩnh đang đánh hăng, hốt thấy đối phương loạng choạng ngã ngửa về sau, trong lòng lấy làm lạ, vội xoay ngược sống kiếm bổ tới.
Chỉ nghe hự một tiếng khô khan, sống kiếm đã đánh trúng tay phải hòa thượng, giới đao vuột tay rơi soảng.
Thế là xong, cả thảy có năm tăng lữ nhảy xông qua cửa sổ vào điện, hai tên đã bị Nhàn Vân sấm đánh không kịp che tai, cách không điểm huyệt, còn ba tên thì lần lượt bị Ngọc Giao, Hoàng Vĩnh, Vạn Lương đả thương.
Vạn Lương dõi nhìn thấy Tuyết Quân ngồi dựa lưng vào vách, vẻ điềm nhiên như không biết đến cuộc chiến quyết liệt vừa xảy ra trước mắt bèn nghĩ bụng :
- “Nhị vị cô nương thâm trầm khiến người khó dò đoán này, chả hiểu đang suy định việc gì mà sao có vẻ dửng dưng trước cuộc thế hiện tại quá?”
Lão là tay già đời, trường trải giang hồ, mắt thấy Tuyết Quân nhắm mắt ngồi lặng, nói liền :
- Chư vị xin nghe lão hủ...
Suốt thời gian chung sống, mọi người hiểu rõ Vạn Lương bụng đầy trung nghĩa, tuổi tác lại cao cho nên đều đem lòng nể trọng, tức thời nghe lời xúm đến ngồi vây quanh lão.
Vạn Lương nhìn thoáng khắp lượt, khẽ giọng nói :
- Lão hủ xét thấy tình thế hiện giờ, thế công chủ yếu của tăng lữ Thiếu Lâm có lẽ sẽ bắt đầu vào buổi tối.
Hoàng Vĩnh ngắt ý :
- Phải đấy.
- Cho dù ta có canh giữ cửa điện, cửa sổ, bọn họ cũng có thể phá tường vào.
Lão liếc xem ý mọi người, rồi tiếp :
- Vì vậy, lão hủ dám quyết chắc đêm tối có rất nhiều tăng lữ Thiếu Lâm xông vào đại điện này, thế tất khó khỏi một trường huyết chiến.
Ngọc Giao chen lời :
- Lúc ấy cuộc diện tất sẽ rối loạn lắm, nếu ta không được phép đả thương họ thì khó lòng quá.
- Muốn bảo toàn mạng, làm sao có chuyện không đả thương người?
Cao Quang góp ý :
- Nếu thế, sự giao tình giữa ta với Thiếu Lâm phái sẽ khó có cơ hàn gắn.
- Vì ta không còn cách lưỡng toàn, đành để đi bước nào tính bước nấy.
Hoàng Vĩnh thấp giọng hỏi :
- Sao không đi thỉnh Phạm cô nương?
Vạn Lương khẽ lắc đầu :
- Lão hủ thấy chưa phải lúc.
Ngừng giây phút lão tiếp :
- Đêm xuống phải nhờ vào trí nhớ và tai nghe, nên khi chúng ta phải cố nhớ kỹ lấy hình thế trong điện, để phòng lúc lâm địch khỏi có chỗ sơ thất.
Hoàng Vĩnh liếc nhìn Tuyết Quân đỡ lời :
- Còn Phạm cô nương và Châu Chính tính sao?
- Ấy, rối rắm là ở chỗ đó, chúng ta nhân thủ đã ít, lại còn phải tìm cách bảo hộ cho hai người.
Ngọc Giao lo lắng :
- Chúng ta cộng có sáu người, trừ hai người chia canh giữ ở hai cửa ra, còn bốn người cự địch. Nếu phải cho người bảo hộ nhị vị ấy thì tiện thiếp thấy không ổn rồi.
- Cũng vì thế lão hủ mới định bàn thảo với chư vị tìm một cách cự địch vững chắc.
- Lão tiền bối có cao kiến gì chưa?
- La Hán trận của Thiếu Lâm phái ảo diệu thế nào khỏi cần bàn, chỉ có tòa Ngũ Hành kiếm trận cự địch trong Võ Đang phái chư vị chắc đã nghe?
- Sao, chúng ta phải dùng Ngũ Hành kiếm trận cự địch?
- Đừng nói lão hủ không am hiểu Ngũ Hành kiếm trận mà cho có thông hiểu cũng không thể nào truyền cho chư vị trong thời gian quá ngắn ngủi này, chẳng qua nhân nói Ngũ Hành kiếm trận lão hủ đã nghĩ ra một phương cách cự địch.
Cao Quang vội hỏi :
- Cách nào?
- Trước khi tăng lữ chưa xông vào đại điện, chúng ta mỗi người tất nhiên sẽ dốc sức ngăn chận họ, nhưng vạn nhất địch thế tràn vào quá mạnh thì ta sẽ phân tán nhanh ra những phương vị có thể cứu trợ lẫn nhau, trừ phi có người không may thọ thương nặng quá, tốt nhất là không nên rời khỏi phương vị cố thủ.
- Cách ấy hay lắm.
- Việc chẳng nên chậm, chúng ta lo đi là vừa.
Mấy người theo đúng cách Vạn Lương, định phương vị xong lại dìu Châu Chính đến sát Tuyết Quân.
Hốt nghe tiếng bánh xe lăn, Nhàn Vân tới gần hỏi :
- Thanh niên chắn giữ ở cửa, còn cầm cự nổi không?
Lão thấy suốt giờ Thiếu Bạch đứng chặn ở cửa, chưa có một tăng lữ nào xông vào được, nên rất lấy làm lạ đẩy xe lại.
Ngước nhìn, chỉ thấy kiếm quang từng đợt, từng đợt đổ trắng xóa, che kín lấy khung cửa.
Ngoài vùng kiếm vẫn còn vô số tăng lữ Thiếu Lâm vũ lộng thiền trượng, giới đao tới tấp công vào.
Nhàn Vân xem chập lâu, khẽ lắc đầu cảm khái :
- Chuyện không thể ngờ.
Ngọc Giao thắc mắc :
- Sư phụ à! Chuyện gì không thể ngờ.
- Thanh niên đứng ngăn ở giữa cửa, lão nạp thật không sao nghĩ ra, tại sao y có thể cầm cự như thế mà nội lực không kiệt, cũng chưa để cho một tăng nhân nào xông vào.
- Ấy có chi ly kỳ, y nước tinh thâm, kiếm chiêu huyền diệu, tất nhiên là được.
- Trông y năm nay chắc chưa đến hai mươi.
- Đúng thế!
Nàng nhận thấy nói hơi lỡ lời, khuôn mặt liền đỏ bừng nín bặt.
Nhàn Vân nói :
- Y chưa đầy hai mươi tuổi, nội công quyết khó thể thành tựu đến mức đó, cự địch chỉ nhờ vào kiếm chiêu biến hóa thần kỳ.
Vạn Lương chen lời :
- Nếu không có kiếm chiêu kỳ ảo, khiến địch nhân khó lường, y đã chẳng cầm cự được lâu quá vậy.
- Ý lão nạp chưa hẳn thế.
Vạn Lương nghĩ bụng :
- “Về xuất thân của Thiếu Bạch có lẽ Nhàn Vân cũng chưa được hiểu, nhưng giờ phút này không nên nói vội là hơn”.
Miệng đỡ lời :
- Có điều, y cầm cự mãi chưa lui.
Thình lình nghe vun vút hai tiếng, thêm hai tăng lữ một trước một sau phóng qua cửa sổ thẳng hướng mấy người đứng lướt vào.
Thì ra là họ từ ngoài sáng vào tối, mắt không thấy gì nên không thấy chỗ mấy người đứng.
Nhàn Vân đại sư đảo nhanh hữu chưởng, đẩy mạnh một luồng chỉ lực, tăng nhân đi đầu vừa buông mình xuống đất đã trúng chỉ rũ luôn.
Ngọc Giao cũng nhanh như chớp tung chưởng đánh vào lưng tăng lữ còn lại.
Chưởng thế nhoáng ào, tăng nhân thứ hai chúi về trước mấy bước rồi ngã sấp.
Ngọc Giao cười đắc ý :
- Sư phụ, xem chưởng đồ nhi thế nào?
Nhàn Vân đáp :
- Nhẹ nhàng lắm, nhưng thiếu vững chắc.
Vạn Lương chột dạ nghĩ bụng :
- “Trong điện tối tăm như thế, lão vẫn nhìn thấy rõ mồn một. Nếu không phải có nội lực thâm hậu, quyết là việc không thể rồi”.
Nghĩ thế, Vạn Lương cũng mừng thầm, bèn tiến tới bên Nhàn Vân đại sư khẽ giọng nói :
- Tình cảnh hiện tại chúng ta đã ở trong cuộc diện cùng sống chết rồi, xin đại sư chủ trì đại cuộc, nghĩ một kế cự địch.
Nhàn Vân đại sư từ chối :
- Cho lão nạp hành động theo lệnh của chư vị.
- Ý tại hạ muốn thỉnh đại sư chủ trì đại cuộc.
- Lão nạp đâu dám.
Vạn Lương cố ép :
- Đại sư không nên khách khí.
- Nếu vậy lão nạp xin cung kính bất như tòng mạng.
Lão nói luôn :
- Tăng lữ Thiếu Lâm liên tiếp bị thiệt hại mấy người chắc thế nào cũng không dám nhảy vào theo lối cửa sổ nữa, chúng ta hẵng có một khoảng thời gian ngắn được yên, nhưng có thể vượt qua cơn nguy không lão nạp khó đoán chắc...
Thở dài, lão tiếp :
- Lão nạp thấy Chưởng môn Thiếu Lâm tất nhiên không chịu buông tha chúng ta, y sẽ mang hết cao thủ trong chùa tàn sát được chúng ta mới chịu, khi ấy y có cách cãi cho y, giữ vững ngôi vị Chưởng môn, do đấy cuộc chiến tối nay bất luận thắng bại thế nào chỉ sợ không tránh khỏi thương vong rất nhiều.
Ngọc Giao xen lời :
- Trong việc động thủ không tránh được thương vong là chuyện tất nhiên.
Nhàn Vân đại sư nói :
- Nếu có thể tránh được, nên ít giết chết người...
Đưa mắt nhìn thẳng vào Vạn Lương nói :
- Lão nạp cũng đồng ý với Vạn huynh, chúng ta ít người phải nghĩ ra một cách an toàn, mỗi người sẽ đứng một phương vị với một khoảng cách đều nhau để có thể tiếp ứng khi cần, nhưng cách hay nhất vẫn là tuyệt đối không cho địch nhân xông vào đại điện.
Vạn Lương lo lắng :
- Nếu như tăng lữ Thiếu Lâm không sợ hủy hoại đại điện này thì bất ngờ ta khó lòng chống đỡ.
- Nếu chúng ta phòng thủ hữu hiệu thì dầu chúng phá tường vào cũng không sợ, lão nạp chỉ lo không chống đỡ nổi để chúng ùa tràn vào.
Ngọc Giao hỏi :
- Tại sao?
- Hiện tại ở Thiếu Lâm tự hầu hết những vị trưởng lão võ công cao cường đều đóng cửa chưa ra, vừa rồi Phạm cô nương lại thuyết phục được rất nhiều cao tăng giữ thái độ thẳng thắng, không a dua. Trận chiến tối nay ta phải đối địch với vây cánh của Nhất Sĩ, vậy nếu như một chọi một chúng ta cũng không ngán lắm, không đến nỗi thua.
- Chỉ sợ họ cậy đông.
- Trong điện rất hẹp, đánh đông người không lợi, chỉ cần chúng ta sắp xếp thỏa đáng, dẫu chúng có ỷ đông cũng chẳng sợ.
Cao Quang xen lời :
- Nếu thế chúng ta còn gì lo lắng làm gì cho tổn sức.
Nhàn Vân đại sư đáp :
- Việc đáng sợ là chúng bày được La Hán trận ở ngay trong đại điện, có điều để có thể làm vậy chúng phải vào một lượt được chín người.
Vạn Lương nói :
- Đại sư lo lắng rất phải, giờ xin sắp đặt chúng tôi để có gì khỏi rối loạn hàng ngũ.
Nhàn Vân đại sư không chối từ :
- Xin Vạn huynh hết sức chú ý cho chỗ cửa sổ, Hoàng huynh và Ngọc Giao sẵn sàng trợ giúp Minh chủ giữ cửa đại điện, còn Cao huynh để ý biến chuyển tứ phía, thấy chỗ nào tăng lữ Thiếu Lâm phá được tường vào thì hô hoán lên cho biến kịp thời, lão nạp ở giữa tiếp ứng mọi mặt.
Vạn Lương hỏi :
- Nếu địch nhân xông vào điện đông quá thì làm sao trở về được phương vị?
- Nghe tiếng thét của lão nạp làm hiệu.
Bàn bạc tạm xong, mọi người lo nghỉ cho khỏe chờ động thủ...
Ngọc Giao lo lắng cho sự an nguy của Thiếu Bạch, lén nhìn ra ngoài.
Lúc bấy giờ, bên ngoài điện cuộc chiến đã ngưng, Thiếu Bạch lăm lăm tay kiếm đứng ở ngay cửa, như thể rất chú ý phòng bị. Ngọc Giao sẽ nhẹ bước ra, tới gần cất tiếng hỏi :
- Có mệt lắm không?
Thiếu Bạch nhìn Ngọc Giao :
- Vẫn khỏe, phiền cô nương quan hoài.
- Có bao nhiêu hòa thượng vây đánh Minh chủ?
Thiếu Bạch mỉm cười :
- Họ chia ra làm ba đợt xông tới, ước độ cũng khoảng trên ba chục người.
- Vậy mỗi lần Minh chủ phải tiếp chiến mười mấy hòa thượng?
- Nhiều ít không chừng, đông thì đánh với mười bảy, mười tám hòa thượng, ít thì không chừng năm sáu.
- Việc này nếu truyền ra ngoài giang hồ thì ai cũng khiếp Minh chủ võ công kinh người.
Thiếu Bạch im lặng giây lâu mới hỏi :
- Thế tình hình trong điện ra sao?
- Địch nhân mưu toan theo đường cửa sổ nhảy vào trong điện, nhưng nhảy vào người nào là chúng tôi điểm huyệt người ấy.
Thiếu Bạch lo lắng ra mặt :
- Nếu họ xuất toàn lực cao thủ trong chùa thì chúng ta e phải sát hại nhiều người mới mong ngăn nổi địch.
Hơi ngừng, chàng tiếp lời :
- Phạm cô nương có chỉ thị gì không?
Ngọc Giao thì thầm :
- Chị em Phạm cô nương giờ đây xếp bằng tròn ngồi ở trong góc điện, hình như ngủ say rồi, không hay biết mảy may về cuộc chiến diễn ra ở trong và ngoài điện, thật khó hiểu.
Thiếu Bạch giật mình :
- Có chuyện ấy sao?
- Vạn lão tiền bối và Hoàng, Cao nhị huynh đều không chịu đánh tiếng hỏi, thành thử tôi cũng phải im lặng.
- Thế còn Nhàn Vân đại sư?
- Sư phụ tôi chỉ huy toàn cuộc, hoạch định cả cách đối phó.
- Kể cũng lạ thật.
- Phải đấy, tướng công là Minh chủ phải vào trong hỏi xem sao.
Đang nói thốt nhiên có tiếng gió rít ghê rợn, chỉ thấy dưới ánh sao mờ chiếu, một vùng phi bạt bay vút lại.
Thiếu Bạch hoảng hốt :
- Cô nương mau vào trong điện, chúng lại muốn tấn công.
Ngọc Giao ngoan ngoãn nghe lời, không quên dặn lại một câu :
- Coi chừng thứ phi bạt ấy, lực đạo lợi hại kỳ dị lắm, khác xa với các thứ ám khí khác.
Thiếu Bạch không kịp đáp lời, vội vàng vung kiếm đón đỡ phi bạt.
Sau một tiếng choang va chạm khiếp hồn, Thiếu Bạch thấy ngay không ổn vì thứ phi bạt ấy trầm xuống xẹt chém cánh tay phải chàng.
Thiếu Bạch giật nảy mình, không dám chần chờ rút phắt ngọn cổ đao, xả ngay giữa phi bạt.
Bị cổ đao chém một nhát, phi bạt đột nhiên lạng sang bên mặt.
Chỉ nghe đánh bình một tiếng, phi bạt đã chém sâu vào cánh cửa gỗ đại điện, đến một nửa vòng.
Thiếu Bạch trố mắt nghĩ thầm :
- “Phi bạt lợi hại quá chừng”.
Chưa nghĩ hết ý chợt thấy ngoài xa năm sáu trượng ánh lửa bùng sáng, lấp lóe bốn ngọn đuốc.
Thiếu Bạch ngẩng nhìn thấy dưới ánh bốn cây đuốc cháy phừng phực lố nhố bốn hàng tăng lữ Thiếu Lâm.
Trong giây phút, chàng không tài nào tính được một hàng có bao nhiêu người, nhưng trông thoáng một hàng tăng ít cũng phải có trên hai mươi cái đầu nhẵn thín, đi trước là một tăng nhân giơ cao ngọn đuốc dẫn lộ.
Chỉ thấy những ngọn đuốc cháy bốc bỗng rẽ nhanh thành bốn đội thẳng hướng đại điện, hiển nhiên lần này tấn công đại điện sẽ do từ bốn bộ vị tràn tới.
Thiếu Bạch dõi nhìn, thấy đằng sau cây đuốc một hòa thượng khoa thiền trượng dẫn đầu là Nhất Thanh đại sư, liền vỡ lẽ. Những tăng lữ sắp tấn công vào đại điện chuyến này đều do sư huynh đệ thân tín của Nhất Sĩ xuất lãnh, xem thế chắc khó tránh khỏi một trường huyệt chiến.
Nhất Thanh lúc đó đã đốc thúc quần tăng vây chặt lấy cửa điện.
Còn các tăng nhân cầm đuốc thì nhanh nhẹn lùi ra sau, đứng cách khoảng bảy tám thước xa, giơ cao ngọn đuốc để soi sáng đấu trường.
Thiếu Bạch lặng đếm số tăng lữ vây ngoài cửa điện kể cả mặt tăng lữ cầm đuốc, một đội cộng có hai mươi bảy người, nếu số tăng bốn đội đồng đều thì tổng cộng có tới một trăm linh tám người.
Khi ấy, ba đội còn lại đã từ ba mặt đông, tây, bắc vây kín mít cả tòa đại điện.
Tuy chỉ có bốn cây đuốc, nhưng ngọn lửa bốc cao có trên hai thước cháy sáng chói, soi rõ mồn một cảnh vật chung quanh điện.
Thiếu Bạch hữu thủ đưa kiếm ngang ngực, bình tĩnh đứng chắn ngay giữa cửa điện.
Nhất Thanh đại sư xô vẹt đám tăng nhân đi tới trước cửa điện, cao giọng nói :
- Các thí chủ bá chiếm đại điện trong Thiếu Lâm tự, thực là việc làm mất mặt chúng tôi quá lắm. Bần tăng tới đây báo cho chư vị lần cuối, nếu vẫn chưa chịu rời khỏi buộc chúng tôi phải ra tay giết hết.
Thiếu Bạch điềm nhiên nói :
- Chúng tôi theo đúng qui lệ võ lâm, gởi thiếp bái sơn, hơn nữa lại vượt được ba chặng vào diện kiến Phương trượng quí tự. Lẽ phải được tiếp đãi hẳn hoi, dè đâu quí tự vì bội qui giới võ lâm, không những không chịu đón tiếp lại còn giở cách bạo nhục, không lo sắp chỗ ăn ở cho chúng tôi, lẽ nào còn đỗ lỗi nữa.
- Bổn tự suốt mấy trăm năm vẫn có qui giới không lưu trú nữ khách.
- Chúng tôi đến quí tự không được mời lên tử tế mà phải động võ xông vào theo đúng qui giới trong quí tự...
Ngừng một tí, chàng tiếp :
- Kể như đã làm đúng, lẽ phải xem là giai khách.
- Bần tăng vâng lệnh đến trục xuất chư vị khỏi quí tự, chả có hơi đâu đấu khẩu với thí chủ.
- Ví thử chúng tôi không chịu rời bỏ?
- Giết hết không chừa, dẫu có phải hủy luôn tòa đại điện này cũng chẳng tiếc tay.
- Nếu đại sư bức người quá sức, cuộc chiến đêm nay chắc khó tránh khỏi máu đổ thành sông.
Nhất Thanh hơi nhíu mày :
- Bần tăng đã hết lời khuyên, thí chủ vẫn không chịu nghe thì ấy cũng là việc vạn bất đắc dĩ.
- Tại hạ cũng khuyên đại sư một điều, nếu như bức bách quá, tại hạ đành phải hạ độc thủ để bảo mệnh.
- Đấy là tự thí chủ muốn thế, đừng trách bần tăng vô lễ.
Quét cao thiền trượng, lão sử chiêu “Thái Sơn Áp Đỉnh”, lưng không bổ xuống.
Là cao thủ trong hàng chữ Nhất, võ công lão thập phần cao cường, thiền trượng vừa xuất chiêu đã dấy ập màn gió lạnh.
Thiếu Bạch trường kiếm đâm xéo một chiêu “Thiên Ngoại Lưu Vân”, ánh kiếm chớp động nhắm ngay cổ tay đối phương, đồng thời thân người theo kiếm chuyển nhẹ nhàng lạng tránh thế trượng.
Nhất Thanh mắt thấy kiếm quang Thiếu Bạch nháng tới, vội vàng hạ thấp trượng, thâu nhanh về, người cũng cùng lúc nhảy lui năm bước.
Rồi thiền trượng trong tay lẹ như chớp dấy gió quét ào tới.
Thiếu Bạch xoay lốc trường kiếm giăng giăng ánh lạnh, kiếm thế ảo huyền ào ạt từng lớp kiếm phong, trước sau vẫn trùm kín Nhất Thanh không hở kẽ tóc.
Nhất Thanh đinh ninh với món binh khí nặng nề trong tay sẽ đánh bật đối phương ra khỏi cửa, sau đó tràn vào cho nên vừa động thủ đã thi triển ngay tuyệt kỹ Thiếu Lâm, môn Long Hổ trượng pháp.
Nào dè kiếm thế Thiếu Bạch kỳ ảo quá chừng, lợi hại nhất ở cái cách biến hoá nương bóng binh khí địch, nên chi lão cho dù đã hết sức xoay vòng thiền trượng với những chiêu sấm sét mà thủy chung vẫn không tài nào phá vỡ trùng trùng kiếm ảnh của đối phương.
Thoáng mắt đôi bên đã ác đấu được hơn hai trăm hiệp.
Đám tăng lữ đứng sau Nhất Thanh đều hờm sẳn binh khí chuẩn bị tràn vào điện, nhưng đường kiếm Thiếu Bạch nhấp nhoáng ánh lạnh vẫn giăng chắn một màn sáng ngay trước cửa, mặc dầu Nhất Thanh đã dốc toàn lực vẫn chưa thể đánh dội được.
Chờ mãi nóng lòng quá, hai tăng lữ đứng hàng đầu, một khoa giới đao, một xoay thiền trượng nhất tề xông lên.
Thiền trượng, giới đao cùng lúc chớp động công tới Thiếu Bạch.
Thiếu Bạch nhoáng nhanh thế kiếm, xoáy chặt hai món binh khí của nhị tăng vừa nhập trận vào luôn vùng kiếm ảnh.
Nhất Thanh một mình giao đấu với chàng, người tám lạng, kẻ nửa cân, đôi bên chưa phân thẳng bại, thế mà có thêm hai tăng lữ nữa cuộc chiến vẫn chỉ ngang ngửa.
Qua nháy mắt cam go, hai bên ác chiến thêm khoảng mười lăm hiệp nữa.
Nhất Thanh đâm chột dạ :
- Người này tuổi quá trẻ, mà sao kiếm thuật đến cao minh đến thế nhỉ?
Thiếu Bạch trường kiếm vẫn vần vũ như lưu thủy hành vân ung dung ngăn chống.
Bấy giờ phía bên hòa thượng đứng bên quan chiến lại thêm hai người sốt ruột quát lớn, nhất loạt vung trượng chia từ hai mặt xông vào.
Thiếu Bạch kiếm chiêu đột ngột loáng mau phủ ập tới bóng trượng của nhị tăng.
Hai tăng nhân thoạt vào đầu công thế mạnh như sấm sét, gió dậy nghe lạnh trượng phong, tưởng thắng thế đến nơi dè đâu loang loáng chỉ mấy chiêu sau cũng chẳng may hơn ba người trước, thế công tức thời như kim chìm đáy biển, tha hồ quay cuồng trong lớp lớp kiếm ảnh đối phương.
Đại Bi kiếm pháp ảo diệu cũng là chỗ ấy, tựa như một vùng biển mênh mông không bờ, có thêm một địch nhân nữa bất quá cũng chỉ dấy thêm một gợn sóng nữa mà thôi.
Khi ấy, năm cao tăng vây đánh một mình Thiếu Bạch đã bít kín trước cửa điện, ví thử có thêm người trợ chiến cũng chỉ làm vướng tay người phe mình.
Nhàn Vân đại sư nấp ở một góc điện am ám nhìn ra, thấy thế sửng sốt lắm :
- Người trẻ tuổi này dùng môn kiếm thuật gì mà sức địch với năm đại cao tăng vẫn ung dung như không, xem chừng La Hán trận danh vang thiên hạ cũng vị tất đã vây khổn được y.
Hai bên quyết chiến hơn mười hiệp nữa, Nhất Thanh bỗng công vội hai trượng, lùi nhanh lại cao giọng :
- Bốn mặt phát động.
Quần tăng dạ ran, ùn ùn tiến sát vào.
Nhàn Vân cảnh giác :
- Chư vị cẩn thận, quần tăng Thiếu Lâm đã phát động thế công khắp bốn mặt.
Bọn Vạn Lương nghe tiếng, vội vùng dậy chạy về phương vị của mình.
Liền lúc đó, hốt thấy ánh lửa lóe lên, một cây đuốc bay vèo qua song cửa, rơi cháy phừng phực.
Nhàn Vân nhoáng chưởng, dấy một luồng cuồng phong ào tới.
Chưởng phong lão mạnh mẽ cực cùng, đánh tắt phụt ngay ngọn lửa. Thấy không ổn, Ngọc Giao cũng rút nhanh ra một nắm kim châm hờm sẵn, khẽ giọng nói :
- Sư phụ, bọn tăng này đã không thèm đếm xĩa đến qui giới trong võ lâm, thì ta cũng khỏi phải giữ lẽ nhân đạo nữa.
Nhàn Vân hỏi :
- Thế ngươi tính sao?
- Đồ nhi sẽ dùng ám khí.
- Ám khí nào?
- Ám khí của đệ tử rất thích hợp với việc cận chiến trong đêm tối.
- Loại độc sa hoặc mai hoa châm tẩm độc ấy à?
- Không phải, mà là kim châm.
- Trận chiến đêm nay hung hiểm vạn phần, ta cũng không cấm cản đồ nhi không được dùng ám khí, vậy tùy ý ngươi đấy!
Lời dứt, ánh lửa lại chớp lóe, thêm một ngọn đuốc nữa vèo qua cửa sổ.
Hoàng Vĩnh phóng vội tới, vung kiếm chém phăng cây đuốc đạp tắt luôn.
Nhàn Vân nói :
- Ta trong tối, địch ngoài sáng, thành thử họ biết nếu xông vào sẽ lâm nguy, nên mới ném đuốc vào điện trước.
Bỗng nghe ầm một tiếng, cát bụi bốc mù, như thể có vật nặng dọng vào tường. Nhàn Vân nghiến răng :
- Bọn họ chắc muốn phá tường vào.
Ngọc Giao lo ngại :
- Nói thế họ quyết ý giết hết chúng ta?
- Phải, vì nếu ta còn sống thì làm sao Nhất Sĩ giữ vững được chức vị phương trượng.
Nghe liền ba tiếng ầm vang nữa rung rinh cả toà đại điện, đất cát bay mù mịt. Ở vách tường bên trái đã vỡ tung một lỗ hổng chừng ba thước vuông.
Ánh lửa lóe phựt, trước tiên là ngọn đuốc vèo vào.
Nhàn Vân đã sớm chuẩn bị, phất nhanh một luồng phích không chưởng lực.
Gió lạnh vừa đẩy ra, đã thấy một bó đuốc nữa nháng vụt qua miệng lỗ.
Ngọc Giao hừ nhạt, rung nhẹ cổ tay vút ra một nắm kim châm.
Thấy thế, Vạn Lương toan cản lại nhưng không còn kịp.
Chỉ nghe hai tiếng hự liền, tăng lữ bên ngoài tường hẳn đã có kẻ trúng châm. Nhàn Vân khẽ hỏi :
- Châm có tẩm độc không?
- Không, có điều loại ám khí này hầu hết đều được tẩm luyện bằng độc dược, kẻ trúng châm chắc phải ngỡ là vật có độc.
Ngoài vách điện, bỗng có tiếng người xôn xao vọng vào :
- Bọn họ sử dụng kim châm tẩm độc, chư vị sư huynh phải dè dặt.
Ngọc Giao mỉm cười, rút luôn một nắm châm nữa hờm sẳn.
Vạn Lương quay nhìn chị em họ Phạm, thấy trong bóng đêm dày đặc, lờ mờ có hai bóng người ngồi im lìm, hình như không biết đến tình thế rối loạn trước mắt, bất giác sững sờ :
- Phạm đại ca tài trí như thế, ví thử hai cô bé này không đủ sức kế thừa y bát, có lý đâu người lại phí tâm huyết dốc truyền sở học, nhưng cứ như cái tình hình này khó khỏi khiến người thất vọng.
Lão nghĩ nát óc vẫn không hiểu chị em họ Phạm có kế hoạch nào chưa, nhưng đã được chân truyền của Phạm Trọng Minh, thế tất bản lãnh không phải chỉ có vậy.
Truyện khác cùng thể loại
90 chương
11 chương
160 chương
41 chương
84 chương
7 chương
31 chương
1894 chương